VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hồ Dzếnh

       Hồ Dzếnh, người lữ hành đơn độc trong nửa thế kỷ văn học  

                                                                Hồ Dzếnh sinh 1916, mất 1991. Tính đến  2011, vừa đúng kỷ niệm 95 năm  sinh và 20 năm ngày mất của nhà văn

  

 Lời dẫn         CÒN PHẢI VIẾT THÊM VỀ NHỮNG NỖI BUỒN, NHỮNG CON NGƯỜI CÔ ĐỘC

    Có hai nguyên tắc chi phối các nhà sáng tác ở ta, một thứ lạt mềm buộc chặt rất khó trốn nổi.

       Thứ nhất nên tập trung làm nổi những gì tốt đẹp trong cuộc đời, đại khái chỉ nên viết về niềm vui chứ không viết về nỗi buồn, cũng như chỉ nên viết về thành đạt quang vinh  mà không bao giờ nên dừng lại ở bất lực thất bại. Thứ hai, khi miêu tả con người, phải đặt họ trong sự gắn bó với chung quanh, không được dừng lại ở những con người cô độc.

       Các nguyên tắc này cũng chi phối cả trong công việc nghiên cứu về tác giả mà giới phê bình văn học thường xuyên tiến hành. Sự đơn độc cá nhân vốn không được chấp nhận trên phương diện công dân, lại cũng không được khuyến khích với các nhà văn – phương hướng khai thác đã rõ  chớ có làm khác .

        Đó là những điều sơ đẳng khi vào nghề, tôi cũng như các bạn cùng lứa sớm được dạy dỗ. Có điều những gì tiếp thu được do tìm hiểu học hỏi từ các tài liệu sách vở về xã hội học tâm lý học …, nói với tôi ngược lại. Và tôi tìm thấy sự ngược dòng này ngay trong các nhà văn hồi đó đang sống, rõ nhất là trong Hồ Dzếnh và Thanh Tịnh.     

      Hai nhà văn này đều là người mà nửa đầu cuộc đời có những thành tựu sáng rõ và độc đáo, còn nửa sau, sống như những cái bóng mòn mỏi, cô đơn. Hồ Dzếnh buộc phải nghỉ viết, Thanh Tịnh tuy vẫn sống giữa người viết đó, nhưng quay ra làm những việc có vẻ như khá phù phiếm và  xa lạ hẳn với cái mạch sáng tác vốn có từ trước.

      Hai cách tồn tại này là những ca, những trường hợp điển hình giúp ta hình dung về cách tồn tại của những người làm nghề văn nửa cuối thế kỷ XX.

       Với Thanh Tịnh tôi có điều kiện sống gần, nên dừng lại ở phần con người của ông.

      Với Hồ Dzếnh mà tôi mới làm quen một hai năm trước khi qua đời, tôi chỉ có thể viết về những tác phẩm của ông trước 1945, chủ yếu là tập Chân trời cũ. Song  cách sống của ông khoảng 1958 - 86 cũng để lại cho tôi một ấn tượng rõ rệt, chính nó làm nền cho khái quát về con người ông.

      Từ hai bài về Thanh Tịnh và Hồ Dzếnh -- cái viết từ hai chục năm trước, cái hơn chục năm--  tôi đang chuẩn bị để có thể trình với bạn đọc một số suy nghĩ trong quá trình viết các chân dung văn học thời gian qua



Nét độc đáo làm nên số phận Hồ Dzếnh
Với tập thơ Quê ngoại, nhất là với tập truyện ngắn Chân trời cũ, Hồ Dzếnh đã tạo ra được một vị trí vững vàng trong đời sống văn học trước 1945. Từ góc độ tâm lí sáng tác mà xét, văn phẩm của ông có vẻ như một minh chứng xác thực cho cái điều thỉnh thoảng các nhà văn vẫn nói: viết văn, ấy là phương tiện duy nhất để con người ta thoát khỏi sự đơn độc.

" Những nỗi u kín của ngày xưa"
Chân trời cũ in ra lần đầu vào năm 1942. Cho đến trước năm 1945, tập truyện ngắn đó còn được in lại một vài lần, đại khái cũng bằng số lần mà nó được in lại ở vùng tạm chiếm Hà Nội trước 1954.

Bẵng đi một thời gian, không thấy cuốn sách ra mắt bạn đọc, thậm chí nhắc đến nó, người ta cũng ngại.

Nhưng đến cuối những năm 80, nó lại “tái xuất giang hồ” và từ đây trở đi thì đều đều có mặt trên thị trường, giống như những bạn cùng trang lứa Số đỏChí Phèo, Tắt đènNhững ngày thơ ấu

Có vẻ như dần dần, người ta đã xác định được vai trò của Chân trời cũ trên văn đàn: ấy là loại tác phẩm không gây ra những choáng váng, đột ngột, song luôn luôn có bạn đọc; hết lớp này đến lớp khác, các thế hệ bạn đọc tìm đến những trang sách, lại thấy chúng như là vừa viết cho mình. Trong cái thế giới do Hồ Dzếnh phác ra đó, một thế giới “mang nặng những nỗi u kín của ngày xưa” như ông hằng nói, con người ta thất bại mà không ngã lòng, mất mát mà không hoảng hốt, bị phản bội mà không thù hận, thậm chí có khi sa đà, hư hỏng mà vẫn gợi được tình thương của mọi người. Bằng một giọng kể ngậm ngùi chân chất, các trang sách như luôn thì thầm với những ai đang đọc nó, rằng cuộc đời thật oái oăm, thật nhiều đớn đau buồn thảm, cuộc đời là dâu bể, con người chỉ có cách nhẫn nại cam chịu mà sống cho qua ngày. Nhưng nó vẫn không quên giả thiết rằng, trong sự nhẫn nại và cam chịu ấy, từ mỗi con người lại ánh lên vẻ đẹp cao quý, đấy chính là lý do làm cho ta đáng sống và lờ mờ thấy hình như cuộc sống còn có ý nghĩa nào đó.

Riêng về tập Quê ngoại, tập thơ ông có ngụ ý đề tặng cho Quê mẹ Việt Nam, thì trong bối cảnh của trào lưu lãng mạn những năm 30 và 40 trong đó thơ văn mở ra việc tự phát hiện cái thế giới bên trong của tâm hồn người Việt Nam, cùng với một Xuân Diệu “rất tây”, một Huy Cận “mang mang” chất học sinh thành thị, hay một Nguyễn Bính của “hồn quê”…, thơ Hồ Dzếnh là tiếng lòng của những tâm hồn học sinh sống ở huyện lỵ, đã tách khỏi nông thôn rồi mà lúc nào cũng lưu luyến nông thôn, những thiên nhiên, hoa bướm, những mối tình ngẩn ngơ vụng dại, giống như những trang văn xuôi của Đỗ Tốn trong tập truyện ngắn Hoa vông vang.

Sự xa lạ rất gần gũi

Để nói tới những ngang ngược vô lý trong yêu cầu của con người với văn chương, nhà văn Liên Xô I.Ehrenbourg từng kể lại câu chuyện như sau:

Lần ấy, ông cùng các đồng nghiệp đang họp để bàn phương hướng sáng tác thì có một số đại biểu công nhân đến dự. Thôi thì ngành nào cũng ra sức ân cần mời mọc để các nhà văn tới chỗ mình và viết về ngành mình. Được lời như cởi tấm lòng, dĩ nhiên là nhiều cây bút sung sướng lắm, đi bằng được, về viết và đòi in ra bằng được. Chỉ ít lâu sau, họ mới vỡ lẽ: công nhân dệt nhiều khi rất ngại đọc tiểu thuyết viết về ngành dệt, thợ mỏ thì không phải bao giờ cũng thích đọc những trang sách “ăn tươi nuốt sống” thực tế vùng mỏ của họ. Mà ở đâu và ngành nào cũng vậy, thợ dệt hay thợ mỏ, công nhân nghề rừng hay anh em lái xe vận tải… họ đều chỉ thích những tác phẩm hay, kể cả mấy cuốn sách toàn kể về đời tư của các vị công tước bá tước thời xưa, chẳng hạn loại Con đầm pích, Chiến tranh và hòa bình, Anna Karênina v.v…

Trở lại với trường hợp tập truyện ngắn Chân trời cũ. Trên đất nước này, số người Hoa định cư rải rác đủ các nơi thật, song so với dân bản địa, không thể gọi là nhiều. Đặc biệt số phụ nữ gốc Tàu thứ thiệt, loại người Trung Hoa “quý phái” như Hồ Dzếnh gọi, lớn lên bên chính quốc, sau mới sang làm dâu các gia đình người Hoa bên này, số đó lại càng ít, có lẽ tính chi li thì phải nói trong hàng triệu người mới có một hai người. Vậy mà cớ sao một thiên truyện như Người chị dâu tôi cứ làm chúng ta xúc động, và ta sẵn sàng đọc đi đọc lại nó hơn là đọc hàng trăm thiên truyện lẩm cẩm viết ngay về những người xung quanh ta và rất giống ta nữa.

Cắt nghĩa rằng Hồ Dzếnh viết hay mà những người khác viết dở, thì cũng bằng chưa cắt nghĩa gì.

Đúng hơn, có lẽ nên nói trong bóng dáng người chị dâu “đặc Tàu” ấy, nhiều người chúng ta tìm thấy tâm tình, số phận của chính mình.

Có thể là từ bé đến giờ, thực ra thì bạn vẫn khổ, nhưng sao trong một góc tâm tư nào đó, bạn vẫn lướng vướng để sót lại cái ý nghĩ rằng xưa kia, nếu không thì kiếp trước, bạn sướng lắm, và cuộc sống hôm nay chưa phải đã xứng đáng với chính bạn. Bởi thế, trong việc một người phụ nữ Trung Hoa gạt nước mắt để lam làm chịu đựng, cốt sao thích ứng với hoàn cảnh, với gia đình nhà chồng, trong tình thế người đàn bà ấy từ bỏ mọi hy vọng, âm thầm tự khác mình đi, đánh mất mình nữa, cốt sao tồn tại, bạn thấy có nét gì chung của mọi kiếp người, trong đó có bạn. Vả chăng, cuộc biến đổi diễn ra một cách bình thản, từ tốn, nên sự đầu hàng của người đàn bà ấy, của mỗi chúng ta – nếu có thể nói như vậy – không có gì là trái tự nhiên cả. ấy có lẽ là điều Hồ Dzếnh nhắn thêm với ta khi ông, theo lối bỏ nhỏ, đặt vào thiên truyện cái hình ảnh “người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc”.

Không chỉ riêng người chị dâu lưu lạc mà bất cứ ai trong gia đình riêng của Hồ Dzếnh, chú Nhì và chị Yên, em Dìn và người anh xấu số… phàm đã được tác giả để mắt tới rồi kể lại, cũng đều khiến người đọc bâng khuâng, bởi lẽ trước sau vẫn một bút pháp ấy, bút pháp nói về những gì tưởng xa lạ mà lại gần gũi với tâm tưởng mỗi người đọc. Sau hết, cái kỳ lạ của Chân trời cũ nằm ngay ở trong tình thế của tác giả, mối quan hệ giữa Hồ Dzếnh và nền văn học đương thời. Cha ông vốn gốc Quảng Đông mới sang đây một đời, chỉ có mẹ ông là người Việt. Rõ ràng, khi nói về xứ sở này, ông ở vào cái tình thế chông chênh chân trong chân ngoài, quê hương là thực mà như là hư, là phải mà lại như không phải, gần gũi đấy, mà lại xa vời đấy. Nhưng có lẽ chính vì thế mà ở ông có cái lui tới trong cách nhìn, cái xót xa trong tình cảm, cái khao khát vươn tới một mảnh đất tâm linh tưởng không bao giờ vươn tới nổi… Bấy nhiêu yếu tố hội lại khiến cho các trang văn của ông có được chất thơ chân chính.

“Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở”

Có một bộ phận hợp thành của Chân trời cũ mà trong một số lần xuất bản gần đây, có khi người ta bỏ qua, có khi xếp không đúng chỗ, và chỉ ở một số bản in, mới thấy nó được trả lại cái vị trí vốn có, ấy là lời tựa của Thạch Lam cho tập sách.

Trong một lần nói chuyện với người viết bài này, Hồ Dzếnh bảo rằng nếu trong mấy chục năm qua, có một thứ gì ông đã đánh mất, để rồi bây giờ, thấy tiếc hơn cả, thì đó chính là bản viết tay của lời tựa ấy.

Không phải ngẫu nhiên, trên tạp chí Thanh nghị số 33 (1943), Phạm Chí Lương (người được Hồ Dzếnh đề tặng thiên truyện Em Dìn) từng có bài viết xếp Thạch Lam, Thanh Tịnh và Hồ Dzếnh vào chung một dòng phái ấn tượng chủ nghĩa.

Cũng trên Thanh Nghị năm ấy, trước đó mấy số, Hồ Dzếnh cho in thiên truyện Sáng trăng suông với lời đề từ ngắn gọn mà hôm nay đây đọc lên, hẳn nhiều người còn thấy nao lòng Tặng gió đầu mùa xa xôi.

Thiên truyện được viết sau khi Thạch Lam mất và chỉ được bổ sung vào Chân trời cũ trong những lần in lại.

Với Hồ Dzếnh, dường như Thạch Lam đồng nghĩa với nền văn học đương thời.

Nhà văn ấy đã dang rộng tay đón Hồ Dzếnh, khi ông mới chập chững trên những trang viết đầu tiên.

Nền văn học ấy còn để lại trong ông bao kỷ niệm, nào là in sách xong, mang bán rong khắp Đông Dương với người này, nào những ngày làm báo với người kia, nào một lần gặp mặt nhưng còn nhớ mãi một người khác nữa.

Gần như đã thành công khai, đồng nghiệp và bạn đọc nhiều người biết rằng Hồ Dzếnh còn có một bút danh là Lưu Thị Hạnh. Bút danh ấy ông ký sau mấy cuốn tiểu thuyết Một truyện tình 15 năm về trước, Tiếng kêu trong máu, Những vành khăn trắng. Được hỏi về việc này, Hồ Dzếnh chỉ mỉm cười, một nụ cười độ lượng. Gặng mãi ông mới trả lời đại khái rằng, âu cũng là một cách thử làm nghề, thử lăn lộn với việc cầm bút.

Nghĩa là, nếu nhập cuộc, nếu đi hẳn với nghề viết văn, ông cũng có thể ngang ngửa như bất cứ ai.

Nhưng không, do một sự xui khiến huyền bí nào đó, ông không chọn con đường vạch sẵn ấy. Luôn luôn Hồ Dzếnh đứng cách nghề văn một khoảng cách cần thiết. Trước kia thì dạy học, làm thư ký cho các hãng buôn, cùng lắm thì làm báo, sau này nhiều năm làm thợ đúc thép… Lúc nào ông cũng có một nghề khác để kiếm sống và chỉ viết văn làm thơ theo sự bức xúc của nội tâm và sự thích thú của từng lúc. Hẳn điều đó có mang lại cho ông những thiệt thòi nào đó. Nó không giải phóng hết mọi khả năng vốn có nơi ông. Nó làm cho ông nhiều khi cứ có cái vẻ ngơ ngác ngây thơ của một người ngoài cuộc. Nhưng để bù lại, nó giúp cho ông tránh được tình trạng bảo cứng lại, cằn đi cũng được, bảo úa ra chết mòn cũng được, ấy là cái tình trạng hết nhung hết tuyết rồi mà vẫn cứ sống ườn ra trong nghề, như người ta thường thấy ở không ít cây bút công chức khác.

 Còn nhớ Hồ Dzếnh từng có bài thơ Ngập ngừng trong đó ông bảo rằng tình yêu đến mức đắm đuối nhất phải là tình yêu không đến với nhau, vì đến với nhau, rồi sẽ thất vọng. ý tưởng ấy hẳn đã chi phối những suy nghĩ của ông về nghề văn và đến lượt mình, điều đó lại làm chúng ta thấy ra rằng với nghề này, lúc nào ông cũng giữ được một tình yêu bền bỉ.

In lần đầu trong Những kiép hoa dại 1993,
sau đó in lại trong Cánh bướm và dóa hướng dương, 1999

                                      Chân trời không bao giờ cũ
Hồ Dzếnh qua đời ở tuổi 75, song quả thật, ông hầu như đã ngừng viết trước dó rất lâu. Sau hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954) cũng đã có một vài cuốn sách mang tên ông được xuất bản – cả sách sáng tác lẫn sách dịch – có điều chúng không có gì đáng kể và sự thực là trong cuốn Hồ Dzếnh tác phẩm chọn lọc làm năm 1987 khi ông còn sống, phần chủ yếu vẫn là tập truyện ngắn Chân trời cũ cùng ít bài thơ trong Quê ngoại.
 Bảo rằng về già, Hồ Dzếnh sống trong chờ đợi thì cũng không hẳn. Những gì tâm huyết đã mang cống hiến cho đời và ông sống khá thanh thản. May mà trong trường hợp này lịch sử đã công bằng.
Mấy năm trước khi mất, chẳng những Hồ Dzếnh có tuyển tập mang tặng bạn bè mà ông còn có dịp chứng kiến Chân trời cũ được in lại ở mấy chỗ, trong sự tha thiết yêu chiều của bạn dọc, nhất là những bạn đã đọc văn Hồ Dzếnh từ lâu, mà không kiếm được sách. Thật là một sự ơn trả nghĩa đền xứng đáng.
Cuộc đời mỗi nhà văn – cũng giống như cuộc đời mỗi con người – là một cái gì độc đáo, không ai giống ai, và mọi ý muốn người ta áp đặt cho nhau, khuyên bảo nhau, suy cho cùng, đều chả mấy nghĩa lý: số phận là cái không ai có thể chọn lựa. Dẫu sao nghĩ lại thì thấy trừ những kẻ bất tài và lười biếng, ở đây, trong văn chương đại khái có hai cách tồn tại. Một là những tác giả, viết luôn tay, viết đều, có khi lại hoạt động trên các thể loại khác nhau, và như có bàn tay vàng, làm gì cũng nổi lên tự nhiên và sự nghiệp toà ngang dãy dọc đồ sộ. Và thứ hai là loại người sống như kẻ lơ đãng, tâm trí để tận đâu đâu, họ chỉ viết rất ít, cả một đời văn thu gọn trong một vài quyển sách chi đó. Song chỉ thế thôi mà cứ là sống mãi trong lòng người yêu văn chương. Không nói đâu xa, ngay trong các nhà văn Việt Nam thế kỷ hai mươi cũng đã thấy có sự phân chia đôi ngả đôi dòng như vậy. Một bên là Khái Hưng, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính… và bên kia là Thạch Lam, Thanh Tịnh, Nguyễn Nhược Pháp, và lùi về phía sau một chút, là Quang Dũng.
Cố nhiên, Hồ Dzếnh cũng thuộc cái loại thứ hai chúng ta đang nói. Tên tuổi ông gắn liền với Chân trời cũ, ở đó người ta đọc ra tiểu sử, những từng trải riêng của đời sống và cả cách cảm cách nghĩ riêng của Hồ Dzếnh trước cuộc đời này nữa.
Mặc dù được viết ra khi tác giả mới 26 tuổi, và chủ yếu nói về những năm tuổi trẻ của một đời người, song Chân trời cũ lại có một sự già dặn riêng. Nó là thứ văn chương không có tuổi. Thậm chí – bây giờ đã đến lúc có thể nói được điều này – nó là thứ văn chương viết xong người ta có thể gác bút, có thể buông tay nhắm mắt.  Và chỉ nhờ thế, cuốn sách chưa đầy 200 trang đó, mới đủ tư cách để đưa một con người trở thành một tên tuổi vĩnh viễn trong lịch sử văn học.
Những người có dịp gặp gỡ Hồ Dzếnh mấy năm cuối đời hẳn còn nhớ ông già trên 70 tuổi ấy luôn luôn có cái vẻ thản nhiên, hình như mọi chuyện “thế sự buồn rầu và cảnh đời hùng tráng” – chữ của Hồ Dzếnh – mình đều đã biết cả rồi, thiệt hơn thế nào cũng được, cuộc sống là thực mà cũng là một cõi hư vô nào đó. Thành thử, ông lại luôn luôn tìm được niềm vui hồn nhiên của mình. Nụ cười ấy đã thường trực trong tâm trí Hồ Dzếnh cho đến khi ông chia tay chúng ta.
  Viết  ngày Hồ Dzếnh qua đời 13-8-1991
 Đã in trong Chuyện cũ văn chương 2001

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn