Lại cảm thấy như chiến tranh lần đầu. Máy bay Mỹ đánh Hà Nội sau 2 tháng nghỉ. Thủ đô không đèn, trong ánh trăng suông. Khi ánh trăng lóe lên, lại thấy hơi sợ, chắc là bom nổ?
Phố xá khắc trên nền trời những đường nét nhấp nhô. Phố đáng yêu quá, mong manh quá. Những hố cá nhân nứt ra từ bao giờ. Nhưng sao nhiều hố có nước thế.
- Đúng cụ nhà mình sơ tán thì máy bay.
- Đến 2 tháng nay mới lại bị đấy.
- Mày có xuống hầm đi không? Đây, cầm lấy cái mũ rơm.
- Nhà nào còn để đèn thế kia.
- Gớm cô cậu, giờ còn đèo nhau.
Tiếng của những cái nắp hầm xè xè trên miệng hầm ngắn, đằm, hơi rờn rợn.
Tiếng súng nổ rất đanh. Nhưng mà sợ nhất là sự im lặng. Đến những đứa trẻ cũng ưu tư. Tiếng loa trên đường phố đâm có ý nghĩa.
Chiến tranh nghĩa là gì? Nghĩa là mọi hoạt động ngưng lại, ô tô ngưng lại, người đi đường ngưng lại, cho đến cả những chiếc xe rác cũng ngưng lại. Một đứa trẻ ngồi bên bờ Hồ đòi... ị. Người mẹ nói cái gì, nghe rõ nhất chữ "quấy đảo" "quấy đảo". Nói về đứa con hay về máy bay?
Những gì bình thường nhất cũng phải ngưng lại như vậy chăng? Nghĩ đến sự chết. Đổ nhà đổ cửa.
Hai người đàm đạo kiểu tếu:
--Để mai ta mang bom đến Hoa Thịnh Đốn ta ném mới được.
- Ông ghé cái A pô lô xuống cho tôi đi cùng với.
Chợ Đồng Xuân. Phố Hàng Đường. Phố Hàng Ngang. Những phố xá của một thời Hà Nội. Hàng hóa còn đang dọn dở. Người đứng nhìn ra đường. Cái loa đầu phố song sóc. Các đồng chí dân phòng không cho người lạ vào khối ta nữa...
Người Hà Nội sống bằng niềm tin gì? Trong chiến tranh, người ta sống bằng gì?
Lần đầu tiên... Không, bây giờ không phải lần đầu tiên nữa. Nhưng tôi vẫn có cảm giác là lần đầu tiên. Không ai quen được với chiến tranh. Cũng như nghe một ngàn loạt đạn rồi, đến loạt ngàn linh một vẫn cứ sợ.
... Quen như mọi khi, tôi bổ ra đường đêm báo động. Đôi giày "săng đá" vang lên âm thầm, không thấy ai nói. Tôi yêu những người dân phòng mũ sắt đang đứng trên đường. Trong đêm, tôi yêu tất cả phố xá. Ngồi trên ghế đá Bờ Hồ, tôi duyệt lại tình yêu Hà Nội. Cho đến khi những vệt đèn hướng lên, như trong một buổi tối. Người đi đầy đường. Những lần tan một cuộc vui, người cũng đông vậy. Tôi nhớ sắp đến những ngày vui, sắp Noel, sắp đầu năm mới.
... Nhưng mà chính vì thế mà Hà Nội bất ngờ. Đèn mới tắt được vài phút thì lại nghe đạn nổ, đạn đỏ lừ ở phía Nam . Chiến tranh là chuyện bất ngờ, bao giờ cũng là chuyện bất ngờ. Nhưng lần này thì Hà Nội bất ngờ thật. Tôi nhớ câu nói của người thanh niên lúc báo yên. “Nó xơi mất một tiếng hai mươi phút còn gì”.
Người Hà Nội quen làm việc theo giờ giấc, người Hà Nội đêm nay sẽ được biết một cuộc chiến tranh không giờ giấc, có thể nói là suốt đêm.
Tôi đi bộ từ Bờ Hồ về cơ quan trong tiếng súng. Một chiếc máy bay bay thật thấp, vụt qua. Cái chết vụt qua, may nó không chạm vào mình. Nhiều người chia nhau cảm giác may mắn đó khi gặp lại nhau.
Những người cơ quan tôi từ nhiều phía mang về những tin khác nhau ở chi tiết, nhưng giống nhau ở sự bất ngờ. Nghệ thuật vẫn len vào cuộc sống, nghệ thuật lại chung số phận trong chiến tranh. Đoàn ca múa TCCT hôm qua còn biểu diễn cả tối cho chúng tôi xem, hôm nay phải ngưng lại. Tôi nghĩ đến Linh, một cô gái tôi quen. Có thể chăng, những diễn viên như Linh đêm nay lại phải đi khỏi Hà Nội. Tôi nghĩ đến cái lúc họ vừa quệt nốt một vệt son còn sót lại trên má, vừa dõi theo cái heo hút bên đường. Những cặp người yêu nghĩ đến một điều gì vừa mất đi cùng Hà Nội. Những người xem cũng cảm thấy vừa mất đi một cái gì đó cùng đoàn văn công. Nhưng họ đi là phải. Báo động gần suốt đêm.
Chưa bao giờ Hà Nội lay động cửa nhà như vậy. Tôi nói lay động nghĩa đen. Bom ở đâu không biết nhưng cũng không phải là gần (chính bom gần, nghe tiếng bom, đón hơi bom, rất nhỏ).
Nhưng sao vẫn lay động.
Rơi cả những bức ảnh trên tường nhà chị tôi, rơi rụng cả những kỷ niệm.
Và tí nữa rơi rụng cả cái đồng hồ, rơi rụng cả thời gian.
Và ở khu vực Láng Hạ... Đã rơi rụng cả một cái gì của không gian và thời gian, rơi rụng những kiếp người. Chết người, tất nhiên là cùng chết theo những gì thân thiết nhất của mỗi kiếp người. Mái nhà ấm gia đình, những vật dụng gia đình.
Một đài nước ngoài nhắc lại tin của một người Hà Nội rằng trong mưa, lửa vẫn cháy. Tôi vẫn chui rúc trong sợ hãi, ngủ vùi ở tầng hai cơ quan trong liều lĩnh -- cũng chẳng cần biết và không thể biết được những gì đã xảy ra chung quanh mình.
19-12. Hương Ngải
Chỉ biết rằng đêm qua, cả Hà Nội thức. Một đêm kinh khủng của 8 năm nay từ hồi chiến tranh phá hoại; 18 năm nay, từ hồi hòa bình 1954; và có thể 26 năm nay, từ hồi toàn quốc kháng chiến.
Buổi sáng mai, trở dậy, đã nghe đài Hà Nội veo vẻo. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Tiến đến đánh thắng hoàn toàn... Ông Châu cười khảy: Những gì đêm qua không báo hiệu gì cho luận điểm đó cả.
Cả Hà Nội, từ trên xuống dưới, đã đứng trước một chuyện không ngờ. Film xi-nê mới chiếu trong phạm vi hẹp trở lại từ hôm 18-12. Báo động trong lúc các ông cốp tuyên huấn đang duyệt văn công. Những người khác cũng vậy.
Những gì bi quan nhất đã đến với tôi. Có lúc tôi tưởng như tuyệt vọng.
Tôi đã ở những vùng bị ném bom. Nhưng không đâu tôi cảm thấy sức tàn phá man rợ như ở đây. Và thách thức như ở đây, ở một thành phố. Nhớ những lần ở trong vòng bom. Lần này chỉ ở ngoài, sao cũng sợ. Cảm thấy như ai đó đang đạp vào đầu mình. Cảm thấy như tôi đang cùng với một đoàn người nào đó bị vây. Tôi nhớ tới sự làm nhục, kẻ yếu bị kẻ mạnh làm nhục. Ở Thái Bình, máy bay địch đã từng bay rạt nóc nhà suốt đêm, để dọa đàn bà và con trẻ. Rất có thể, ở đây, phải gọi là chúng tôi cũng bị làm nhục. Đã có lệnh là phải sơ tán trước 4 giờ sáng. Biết đâu, địch sẽ đánh suốt từ giờ đến sáng, và không ra được nữa.
(Hôm sau, những người ở xa Hà Nội nói rằng ban đêm, tưởng là Hà Nội bị đánh vụn. Tưởng người ở trong Hà Nội đã chết, không còn ai ra được nữa).
Sự bi quan đã đi đến tột cùng trong mỗi người. Tại sao? Chúng tôi không còn chỗ dựa. Hà Nội vốn là chỗ dựa về mặt tinh thần, đã bị sụp đổ. Cảm thấy cô đơn. Mọi khi bao giờ cũng cảm thấy còn có một nơi nào đó đang chiến thắng. Nay thì nơi đó không còn .
Vì sao, vì sao? Cũng không hiểu được nữa.
Lấy một người dân bình thường để nói tiếng vọng của thời đại vào họ. Một người như bà chị tôi, chị nói:
- Người ta bảo ông Thọ đi thì mừng, ông Thọ về là mang bom mang đạn về theo thôi. Ở bên kia, ông ấy đập bàn đập ghế với nó, thì bên này mình khổ.
“Chủ quan” “Cảnh giác”. Tôi lại chợt nhớ tới tiếng nói của một thứ người tuyên huấn, cứ lên gân lên guốc. Và cái câu lắp đi lắp lại của người ta, là chớ chủ quan khinh địch.
Nguyễn Minh Châu: Đến Hà Nội còn mất cảnh giác, thì trên thế giới này đâu không mất cảnh giác nữa?
Lại một lần nữa, tôi thấy rằng cả những người bi quan nhất cũng không bi quan bằng thực tế. Thực tế đáng bi quan hơn nhiều. Lâu nay, có ai trong chúng tôi tưởng tới việc Mỹ đánh lại miền Bắc.
Phụ lục
18/12 7g tối, Nhà trắng còn tuyên tố cải chính đánh ra ngoài vĩ tuyến 20. Nhưng 8 g thì Hà Nội báo động. Nixon đã ra lệnh đánh lại "cho đến khi có giải pháp" Giải thích, người ta không thể lợi dụng hòa đàm để chuẩn bị một cuộc chiến đấu khác. Không thể để cho miền Bắc yên trong khi chiến tranh ở cả miền Nam.
- Những ngày 18/12, 19/12 Mỹ huy động 500 máy bay, và 100 B52 đánh miền Bắc. Giá 1 B52,3 triệu đô la. Giá F 111 còn đắt hơn 1 B52.
- Mỹ dùng 1 tỷ đô la để mua 20 vạn cán bộ ở sông Cửu Long (giết, hủ hóa...)
- 1 ngày Mỹ chi cho chiến tranh Việt Nam 36.633,64 đô la cho chiến tranh Việt Nam
- ngoại thành Hà Nội hơn 100 xã,thì 90 xã bị đánh.
Ngày hôm nay 19/12, tôi lên sơ tán trong không khí chiến tranh sôi động. Người đạp xe đạp nhoay nhoáy trên đường. Xe quân sự, loại xe to, cao kềnh càng, chở lính ngồi chật ở trên, lao về các trận địa Hà Nội. Những tên lửa để dọc đường bây giờ được kéo về đặt trên xe, những chiếc xe to lớn kéo nó lao đi rất nhanh. Dễ có chiếc xe nào cán phải người rồi cũng thôi. Bây giờ, người ta đang phải vội.
Tôi nhớ tới Hà Nội tôi vừa từ đó ra đi, Hà Nội trong buổi sáng, tôi trở dậy. Trong cái tĩnh lặng của buổi sáng, cảm thấy không khí chiến chinh rõ nhất là ở tiếng nổ của một kho đạn gần đấy. Tiếng nổ không to, nhưng cứ cầm canh đều đặn như một thứ nhắc nhở mọi người về một thực tế. Cái thực tế này, mọi người đã biết, nhưng vẫn là ghê sợ khi thấy nó cứ rung lên bần bật trước mặt như vậy.
20/12
Tình hình đại cục, bây giờ biết hỏi đâu? Có nhiều chuyện đúng là phải trở lại từ gốc, từ thời gian dài, với những vấn đề lớn. Là một người bình thường, tôi tạm vẽ ra như thế này có đúng: Chúng ta đã nhìn nhận miền Nam như tình thế hồi kháng chiến chống Pháp. Chúng ta, trên nét lớn, vẫn dùng lối đưa quân vào, vận động quần chúng như vậy. Cho đến Mậu Thân. Từ Mậu Thân tình hình đã khác. Chiến tranh hóa thành một cuộc viễn chinh miền Bắc vào miền Nam. Nói dân miền Nam theo nó không đúng. Nhưng họ mệt quá rồi, họ mặc kệ. Và nó đổ vào tiền của xây dựng. Một dấu hiệu thất bại của ta là Quảng Trị giữa năm . Một nước nông nghiệp, không thể nuôi một đạo quân viễn chinh, dù là viễn chinh ở một phần đất nước của mình.
Bây giờ thì hòa đàm mới thực sự có ý nghĩa. Hòa đàm lúc trước với hy vọng đòi để đỡ phải đánh mà vẫn được. “Anh biết điều anh nên chạy trước. Tôi đòi như thế này cơ".
Hòa đàm bây giờ, với ý nghĩa mở cho mình một lối thoát. Thôi, việc trước mắt đã chịu, bây giờ tạm nhận lấy một con đường yên. Miễn là với điều kiện giữ lấy khả năng tiếp tục gây biến động, tìm cách đi đến mục đích về lâu về dài.
Nhưng lại gặp phải một thằng địch quá quắt. Nó khôn ngoan, nó thừa biết ý định chiến lược của mình. Nó tìm mọi cách chẹn cái xu thế đó. Một nền hòa bình đầy cạm bẫy. Đúng là nó đã nhậy cảm hơn bao giờ hết. Nó không chịu.
Có phải trên thế giới hiện nay, phía cách mạng đã nhiều phen không thắng trong hòa bình, như đã không thắng trong quân sự. Người ta chưa chịu rút cho mình bài học kinh nghiệm.
Thế là mặc cả cũng không xong. Nó lại đánh. Y như nó phải dồn mình vào cái cửa thương lượng của nó vậy. Tùy thuộc vào sức chiến đấu, và sự chịu đựng của mình.
Một khả năng nhiều người đã tính tới. Nó sẽ đánh ra, một cuộc nội chiến thật sự - lúc ấy sẽ lôi thôi lắm!
Khải:
- Tôi chỉ sợ các ông nhà mình nghe báo cáo sai lạc đi thôi. Báo cáo cấp dưới xưa nay đều muốn vừa lòng cấp trên. Cấp trên cũng chỉ thích nghe những điều mình đã định kế hoạch. Thế là khéo thậm thụt đánh một mùa khô nữa. Khốn nạn, chính là chiến tranh thì dễ, cứ bài bản cũ, công tác tư tưởng cứ phải tiến lên thôi. Còn như hòa bình, các ông ấy phải đối mặt với địch, lại phải đối mặt với dân. Người ta sẽ hỏi những cố gắng trong chiến tranh mang lại cho người ta những cái gì? Thế thì biết trả lời sao.
(Nguyễn Minh Châu hay nói, suy cho cùng, chiến tranh nó vẫn có cái đơn giản của nó. Hòa bình lúc nào nó cũng mang sẵn trong mình nhiều hiểm họa)
- Vừa rồi, cứ tưởng là ràng buộc được nó. Xuống dưới Hải Hưng, ở huyện ở xã toàn nói chuyện kế hoạch chiến đấu chứ có nói chuyện gì đến hòa bình đâu? Nào là mình đánh nó trong kia. Nào là thế giới phản đối. Đi đâu cũng nghe phổ biến hòa đàm tốt lắm. Nó chịu mình nhiều điểm cơ bản lắm. Thế mới chết.
- Ngay cả trong đàm phán nữa. Đúng là anh nhà quê chơi với thằng tư sản. Nó có nói mát cho mấy câu cũng không biết. Lại tưởng là xỏ được nó, nào nó có cần gì? Lại nghe có chuyện bao nhiêu điểm, chính nó cũng rối. Nó có rối khối nó ấy. Mình cứ lấy mình mà suy ra nó. Khốn nạn, ngay mình lừa các ông ấy cũng dễ nữa là. Đáng tuổi bố mình mà mình vẫn lừa. Như lần nào gặp ông Song Hào, Hữu Mai chỉ xin đọc bản tin, cũng không được. Các ông ấy chỉ vặn lại các anh biết lắm làm gì, đã học hết đường lối chính trị của đảng ta chưa? Đường lối chẳng phải sâu xa mà các anh đi mãi không hết hay sao? Hoặc như tôi, cứ nói nào mình ghen với những anh em trẻ mới được đào tạo, thế là cấp trên bằng lòng ngay. Lại còn sợ anh em bi quan nữa. Khốn khổ, toàn những thằng đập đầu không chết, cứ xoen xoét, xoen xoét, mà vẫn cứ tin.
Hữu Mai:
-- Phen này thì các ông lên hang đá Hòa Bình rồi, có điện có nước đầy đủ. Chỉ có dân đen là khổ.
21/12
... Lần đầu tiên Hà Nội bị uy hiếp mạnh như vậy.Ta giờ như cá nằm trên thớt. Con đường từ Từ Sơn về Yên Viên nát nhừ, xe đạp không đi được nữa. Vứt ngổn ngang ra đường là bánh mì, thịt lợn, và có khi cả... thịt người. Nhiều người mất tích lắm.
... Cũng lần đầu tiên, đài phát thanh Hà Nội bắt rất khó. Nói như danh từ mới xuất hiện, tức là hệ thống chính trị đã bị đánh phá.
Một cụ già nói: Đánh nhau lâu quá rồi. Khéo phải tìm người can. Bây giờ không có trung thần, ngự sử như cũ nữa.
22/12
Tính lại những nơi bị bom đánh.
Đêm 18/12 Đánh Láng Hạ (đài phát thanh, thông tin) Yên Viên, Lương Yên. Ngoài Hà Nội: Vĩnh Phú (sân bay) Kép
Trưa 19/12 đánh Bạch Mai, trường ĐH Bách Khoa...
- Tối 19 đánh B52 Yên Viên
- Tối 20 đánh trận địa từ An Dương đến Phúc Xá
- Trưa 21 đánh ga Hàng Cỏ, ga Giáp Bát, đại sứ quán Cu ba gần đấy.
- Tối 22 đánh lại Yên Viên, Gia Lâm. Đánh từ Vọng xuống Đuôi Cá.
Không biết đánh những hôm nào( sau biết là trưa 21/12) mà hỏng một phần nhà máy điện Yên Phụ. Tàu điện ngổn ngang trên đường. Không chạy được. Có thời gian mất nước.
Xuân Sách: Nó đã nổi khùng lên rồi. Thế này tức là nó sẽ đánh đến cùng. Đánh thế cũng là hạ sách, cũng là mất nhân tâm. Nhưng đã thế, lại phải làm bằng được, làm cho xong đi.
Những gì đã xảy ra với mỗi người dân ở cạnh những mục tiêu bị đánh, những mục tiêu quân sự ai mà biết được. Đang đêm, bom ù ù trên đầu. Tường đổ, nhà sập, vợ chồng cha con chúi xuống hầm. Ngẩng lên, không còn là nhà mình nữa. Không còn hàng xóm. Ở An Dương người chết, không đủ quan tài, nhiều người phải bó bằng ni lông.
Những gì người ta tưởng thiêng liêng nhất cũng đã bị đánh: ga Hàng Cỏ (ga Quốc tế)
Những gì ở rất xa, chỉ khiến người ta sợ bóng sợ vía, thì nay đã đến - B52.
Còn có thể nghĩ gì nữa. Trong đêm báo động, tôi bảo thấy rất rợn. Mai Ngữ bảo không sợ nhưng chỉ chán. Ông Vũ Cao thấy nó hơi ra áp-xoét, hơi phi lý và ma quái. Có lẽ vậy. Mai Ngữ kể có con gà định ăn chờ hòa bình, bây giờ sơ tán, làm thịt luôn. Thịt cứ đắng ngắt.
Đã gọi chiến tranh là không có bờ bến. Là một sự kỳ quái vô thường. Tại sao tôi vẫn mong có một cái gì đó giới hạn. Và mỗi lần, tôi lại thấy như lần đầu hiểu được chiến tranh!
Hình như có những người không hiểu, dù là chính họ khơi mào ra chiến tranh- các nhà chính trị. Bây giờ họ vẫn đủ phương tiện làm việc. Báo Mỹ viết phải mang chiến tranh đến châu thổ sông Hồng để cho các lãnh tụ Hà Nội biết chiến tranh là như thế nào.
Có thật là như thế. Một người dân: "Bây giờ đưa con cho đảng và chính phủ thì cũng như trong truyện Thạch Sanh nộp con cho Mãng xà vương rồi còn gì?”
Rút cuộc, người ta lại bàn tới chuyện ấy, chuyện những những người gieo rắc chiến tranh. Có phải vì mải chứng minh cho một lý thuyết, một chủ nghĩa? Có phải vì muốn làm nốt cái sự nghiệp vốn đã vẻ vang của mình? Và luôn luôn là nhân danh nhân dân, nhân danh dân tộc. Lúc chúng tôi đứng ở cái hầm sau nhà tạp chí, hầm còn là loại khá so với hầm của các gia đình chung quanh, tôi nhớ tới những cái hầm xây mất hàng ngàn, hàng vạn bạc. Ông Mạn bảo hầm thế thì đánh đến già.
Như lúc chúng tôi đi xe đạp đạp trên đường, tôi nhìn những chiếc ô tô Volga nối đuôi...
Nhưng mà đó còn là tiểu tiết. Còn chủ nghĩa ư? Biết làm sao nói được. Biết là phải, nhưng có làm được đâu. Tôi nhớ một ý nói về ông Mác: ông ta đã nhân danh sự sung sướng, lẽ phải, mà gây ra nhiều cuộc chém giết ghê gớm nhất trong lịch sử. Đúng thế chăng? Vì luôn luôn, ở Hà Nội, tôi còn nhớ đến Sài Gòn. Tôi nhớ tới cảnh thất tán của những gia đình ở Quảng Trị. Một người dân từng bảo chiến tranh tưởng ngày một ngày hai thuyên giảm lại nặng thêm ra. Bên nào cũng muốn chứng minh cho ý chí của mình bằng được.
Phiêu lưu? Nhưng hơn thế nữa, vô nhân đạo. Người ta đang có lý thuyết về 3 nền văn minh. Nền văn minh Âu Lạc (trống đồng Đông Sơn?). Nền văn minh Đại Việt (đánh thắng Nam Hán, Tống, và đánh quân Nguyên). Và bây giờ là nền văn minh thứ ba. Chao ôi! ảo tưởng.
24/12 Hà Nội.
Còn nhớ là tối 17 đi xem văn công Tổng Cục Chính Trị về, tôi tha thẩn mãi ngoài đường. Tôi đi trong đêm sương tháng chạp. Tôi đi trong phố xá sạch sẽ. Tôi đi trong một không khí tết đến nao lòng.
Tối sau nó đánh.
Hôm nay, 24, một tuần đã qua, một tuần chiến tranh khủng khiếp nhất của Hà Nội và những người Hà Nội.
Những ngày này, ao ước về một cái tết đến gần, một cái tết nhất làm ăn sau một mùa hè dài vất vả. Nhưng sao những ngày này lại chính là ngày của chiến tranh. Một sự vỡ mộng đến cay đắng.
Nói với XQ: Người ta bảo rằng trẻ con mới yêu tết, mới yêu đời. Còn người lớn, không yêu được như thế nữa, người lớn hay buồn. Nhưng đâu phải vậy. Nhièu người lớn chẳng yêu đời kém hơn một đứa trẻ. Buồn hơn cũng là vì yêu đời hơn. Càng hiểu hơn, càng cay đắng với nó hơn, cũng là vì càng yêu nó hơn mới đúng.
Có một cái gì đó, trong những ngày này, làm cho tôi yêu Hà Nội hơn bao giờ hết.
Có lẽ vì tôi thử đặt đời tôi ràng buộc với một cô gái không phải ở Hà Nội. Và lúc đó, tôi cảm tưởng tôi mới hiểu hết một cái chất gì đó của Hà Nội, mà tôi suýt nữa đã bỏ qua. Một kiểu quen biết. Một cách nói chuyện. Một lối tự giới thiệu. Một quan niệm về cuộc sống. Tôi nhớ đến Diễm. Giả sử không có chuyện VA, thì cô ấy thật đáng phải nghĩ tới. Có một cái gì đấy là cuộc sống của ngày hôm nay, lại không phải hoàn toàn như vậy.
25/12
Trong nhiều năm nay, mùa hè đối với tôi là mùa ra đi, đi xa, là mùa của công việc, dự định. Còn mùa đông, mùa rét, một ngọn đèn dầu, một trang giấy trắng, nhưng điều phải làm, và chao ôi, mùa của ao ước về những hạnh phúc gia đình, mùa của tình yêu và gợi ý về tình yêu. Bây giờ thì khác.
Nhớ hôm bom đánh đúng phần nhà chính ga Hàng Cỏ. Người đứng xem, sau bốn ngày, còn đông. Những khẩu hiệu để bên cạnh ga đỏ vàng một cách lạc lõng.
Một khoảng trống nứt ra ở cái nơi mà hôm qua nguyên lành. Ở đó, hôm qua, là một khung nhà. Hôm nay, đưa mắt nhìn lên, không thấy cái khung nhà ấy nữa. Hôm nay, là những đường viên lởm chởm, của một cái gì nứt ra, không thành hình gì cả.
Tôi đến khu tập thể ngõ Lý Thường Kiệt. Người đang bới đồ đạc, vôi bụi bám vào mặt vào mày, như là vừa từ đống bom đi ra. Người ta làm dây chuyền chuyển gạch. Người ta mang vôi, đổ từ đống này sang đống kia. Một căn gác vặn vỏ đỗ đổ dở dang. Một người đàn ông đi với một người đàn bà. Người đàn bà ăn mặc kiểu Hà Nội. Người đàn ông áo bộ đội, mũ giải phóng, cầm cái gậy, như người ta thường nói, chiếc gậy Trường Sơn. Họ đi từ căn gác hai đang vặn vỏ đỗ lần xuống.
Tiếng mấy học trò cấp 3:
- Nhà cô Hằng đấy.
- Hết rồi còn gì.
- Cô bảo lúc đi chỉ người không.
- Giờ đồ đạc mất hết. Khổ. Đúng, cô giáo có mang cái gì lành lặn đi đâu.
- Thì cũng như chúng mình, toàn mang quần áo rách.
Buổi sáng Thiên chúa giáng sinh. Tôi xuống bệnh viện Bạch Mai. Dãy nhà lá bên kia đường tơi tả. Chính bên viện, căn nhà khoa tai mũi họng cũng sóng xoài. Mặt đường từ cửa trở vào còn đầy bùn đất. Cái cửa sắt bị vặn vẹo, trở nên sắc nhọn. Tôi đứng áp vào cái cửa sắt nhìn. Bên trong, nơi gian nhà đổ có mấy người đứng một cái chiếu úp trên một cái gì đó. Lúc cái chiếu mở ra, thấy mấy cái áo quan. Mấy bát cơm đơm có ngọn, trên có những nén hương. Nhưng mà người ta chưa đóng áo quan. Một lúc sau, thấy có người lấy búa ra, cầm búa gõ vào áo quan. Nẹp những cái đinh cuối cùng vào đó.
Tôi đứng ở cái cửa thường trực. Những người đứng xem. Chỉ là số ít. Trong chốc lát, bao nhiêu người ra vào. Nhân viên đến hỏi địa điểm sơ tán. Con nhân viên đến chờ cha mẹ. Những người bộ đội đánh xe vào, một gã bộ đội nghênh ngênh đôi ủng.
Một ô tô chở công nhân đến thu dọn (nhiều người đã mặc áo mưa, mặc áo lao động, ngồi sắp hàng trên xe, bắt vào một việc quan trọng lắm).
Ở cái đất nước này, chết chóc nghe đã trở thành bình thường. Những ngày tôi về Hà Nội lần này, thấy nhiều vành khăn tang, nhiều người khóc chồng khóc con, mắt khóc sưng lên đi trên đường. Mấy trăm người? Mấy nghìn người cho vừa? Không thể quen được...
Những nỗi khổ còn lại đổ lên vai những người sống, trong buổi chiều lễ giáng sinh, tôi thấy ở khu vực An Dương là rõ hơn cả. Những nhà sập không gì thay thế được. Nhưng ở bãi An Dương, tôi đã thấy người ta đi trốn. Làm nhà, làm hầm ở giữa bãi cát. Ghếch cái bếp ra bên cạnh. Những xô nước đục ngầu. Một người mẹ còn trẻ giặt tã lót cho đứa con đầu lòng, phơi ra ngay trên những cây dâu bãi dâu ngoài sông.
Có một Hà Nội, Hà Nội dọc bờ sông. Hà Nội của lụt, cũng là Hà Nội của giặc phá. Tai nạn gì cũng làm cho khu bờ sông -- đứa con nhà nghèo, như là bị bóc trần ra, không có chỗ dựa. Lần đầu tiên, khu An Dương bị bom. Những mái nhà bật tung lên, cát bị hất lên mái nhà. Ở cái bãi cát chỗ ngã ba sông, trước khi đổ ra bãi giữa, tôi thấy một Hà Nội muốn lẫn đi trong cát. Chiến đấu, súng cũng tìm cách vùi giấu trong cát. Xe ô tô tải, xe xích tìm một chỗ cuộn trong cát. Và trên cát là những tấm ván người ta bỏ nhà khênh ra. Trong buổi chiều mùa đông, đất trời ảm đạm, cây dâu xanh như lẫn đi, màu nước bạc cũng hóa xỉn đi. Thấy cuộc đời này vừa vô tận, vừa ngắn ngủi, mà sao mong manh quá, mỗi kiếp người thật mong manh.
Tôi không cầm được nước mắt, khi thấy một đứa bé đi theo mẹ ra hầm. Em bé gái độ 3 - 4 tuổi, cái áo đông xuân cũ của người nhớn mặc trùm kín đít em cầm cái chổi lúa vừa đi, vừa nói với mẹ. “Con cầm chổi đi, như là con ra trường làm vệ sinh, mẹ nhỉ!” Thế nghĩa là em còn nghĩ tới bao nhiêu điều tốt đẹp. Em còn nghĩ đến ngày em đi học.
26/12
Tối hôm qua, đi cùng với Tính trong một buổi tối vắng người. Và tôi tưởng tôi có thể đi suốt cả tối, đi trong im lặng, đi trong niềm vui duy nhất, có một người cùng đi với mình, thế là được rồi. Ngoài ra thì tôi không muốn nói gì nữa, và cũng gần như không muốn nghe gì nữa. Hạnh phúc, mất mát tất cả đều là có thật. Hy vọng ư? Nên lắm. Vô vọng ư? Tất nhiên thôi. Cuộc đời là biến cải, là mất mát, là bị vượt qua. ở tuổi ba mươi, tôi đã già đi, đã yếu đi. Tôi luôn cảm thấy bất lực trong mọi ý nghĩ. Nhưng rõ ràng, vẫn có đó, một đời sống, một hy vọng, một cái gì thành nếp. Có những người đẹp, có những niềm vui (những niềm vui trong sạch thật sự chứ không phải những niềm vui thật hèn). Những ngôi nhà rêu phong, nó là những gì làm nên quá khứ. Con người cũng chỉ là những bằng chứng như những ngôi nhà ấy. Và chúng ta, những người sống, là sống cùng với tất cả những gì còn lại.
Ban đầu, chúng tôi đi vào cái khu gồm mấy phố mạn Quan Thánh, Hàng Bún.
Hàng Bún vắng, tối, sự vắng vẻ đáng yêu mọi ngày trở thành một sự gì ghê sợ. Tất cả các nhà đều đã bỏ đi hết. Tưởng nhiều nhà là cái nhà hoang, xộc vào, ở trong sẽ có ma. Chúng tôi không vào, chỉ ngước lên trời. Bầu trời Hà Nội trong các ngõ vắng cắt ngang cắt dọc thành những đường thẳng; bầu trời hình chữ nhật, hình vuông; một thứ bầu trời giữa các nhà 2 tầng, 3 thầng. Đã có chỗ chúng tôi thấy những bầu trời qua các mái ngói bị lật tung ra. Bầu trời thành từng ô, từng ô - nó cũng bị xé rách.
Men theo phố Cửa Bắc, chúng tôi cuối cùng cũng đến gần nhà máy điện. Ban ngày, đã thấy hai ống khói vặn vẹo. Ban đêm, chúng tôi chứng kiến một dấu hiệu cái chết kinh khủng hơn -- cái chết yên lặng. Cái nhà máy vốn ồn ào. Vắng những tiếng tuyếc bin mọi khi, hôm nay nó như một nhà mồ. Tính bảo hình như nó phát ra cả hơi lạnh nữa. Tính nhớ tới những cái bốt hồi kháng chiến chống Pháp. Đi qua đấy, mẹ bảo qua đây phải im lặng không được ho. Không được khóc. Cái nhà máy điện ấm nhất thành phố, nóng nhất thành phố, hôm nay như vậy. Không thấy cả người lính CANDVT đứng gác mọi khi. Ở một vòm đá, như ở cái lỗ chào mào thò ra, còn ánh sáng, không chừng có ai còn ở trong đó.
Chúng tôi đã đi quanh nhà máy. Trở lại phố Hàng Bún, đi quành phố hàng Than. Đường phố Hà Nội dạo này trớ trêu, có quãng điện sáng y mọi ngày. Có quãng ngọn đèn chỉ là một chấm đỏ y như những chấm hương. Và cả phố là một cái áo quan thật dài. Những liên tưởng của chúng tôi hơi tệ chăng. Nhưng chưa bao giờ Hà Nội biết đến chiến tranh kinh khủng như vậy.Ở phố Hồng Phúc, đã thấy người ta đào hầm ngay bên hè, đất đắp cao lên, như một thứ hầm kiểu riêng của thành phố. Nhìn xuống dưới hầm, một ngọn đèn dầu, mấy mặt người nhóa nhòa bên trong. Tính bảo như Quảng Trị.
Không hiểu sao, trong những ngày này, tôi lại nghĩ nhiều đến tình nghĩa. Nghĩ đến tình bạn. Tôi thường đến mọi người để mà biết rằng họ không việc gì trong những ngày bom đạn vừa qua. Chúng tôi ngồi trong phòng.Tất cả im lặng. Không biết nói chuyện gì. Không dám cười, không dám nói xấu che bai châm chọc nhau như mọi khi vẫn làm. Chỉ ngồi đấy, nghĩ rằng có nhau. Có cái cuộc đời buồn bã này.
Trên con đường Yên Phụ, một đôi nam nữ đứng với nhau, điếu thuốc lá của người con trai đỏ lên trong đêm. Ở phố Hàng Than chúng tôi thấy một đám cưới. 7g 30 tối, đám cưới đã không còn khách nữa. Hai hàng ghế sạch bóng. Có lẽ chẳng có mấy khách, đèn sáng, trên tường tấm vải đỏ dán chữ song hỉ thật trắng.
Hạnh phúc? Chưa chắc. Nhưng vẫn là hạnh phúc. Lúc này, người ta vẫn phải cưới nhau, vì cái hạnh phúc bao lâu nay chuẩn bị, bây giờ đã chín muồi, cuộc sống của cả đất nước trì trệ, nhưng cuộc sống của mỗi người vẫn là phải vận động, và đó là một bi kịch.
27/12
Khi một người đứng đắn nhất cũng đã phải kêu, thì không phải chuyện thường.
Hữu Mai bảo năm 72 này ông ấy bị bao nhiêu chuyện bất ngờ. Nixon qua Trung quốc, Liên Xô, nó làm được như thế, là một thứ bất ngờ. Đánh vào Quảng Trị, dân không nổi dậy - bất ngờ. Quân ngụy trụ vững - bất ngờ nữa. Cuối cùng, là việc nó đánh ra như thế này. Trong một năm, bị bao nhiêu chuyện bất ngờ thế còn nói gì nữa.
Văn Thảo Nguyên kể ở trên một chuyến đò qua sông Hồng, dân chửi ông trên như Trần Duy Hưng:” Nó chỉ sướng cái thân nó. Nó có hầm có hố cẩn thận rồi mà.”
Một người cán bộ bực bội nói lại, cáu lắm, tưởng có thể vứt người kia xuống sông.
Đại khái dân thắc mắc vậy mà người ta thì làm công tác tuyên truyền theo kiểu cũ. Một lần, ông Cục phó của chúng tôi đến bảo nó đánh B52 thế này là mình càng có dịp lập công. Còn trên đã dự kiến rồi, ta không chịu đi sơ tán, ta chết là tại ta.
Khốn khổ, lúc nào cũng nói là ta đã dự kiến rồi. Y như một người bị đánh hộc máu mũi nói với thằng khốn nạn nó đánh mình rằng biết mà, biết mà, biết là mày sẽ đánh hộc máu mũi tao mà.
Nhiều cán bộ nói một cách vô liêm sỉ: Bây giờ nó chỉ còn có cách đánh Hà Nội là cùng chứ gì? Cứ dương dương tự đắc về một thứ thế cùng mà mình dồn nó vào như vậy.
Không ai nghĩ đến dân chết. Rất nhiều dân chết.
Có người nhớ tới chiến tranh thế giới thứ 2. Nhật hoàng vì thương dân mới quyết định đầu hàng.(Theo công bố trong tuần đầu Mỹ đã ném xuống một khối lượng bom bằng 2 lần số thuốc nổ quả bom ném ở Hirôsima).
Lại xoay sang tình hình chiến sự. Đài bên kia công bố họ đòi 5.000 quân kiểm soát. Ta chỉ cho có 250, lại không có điện đài, phương tiện. Âm mưu là để giữ quyền tiếp tục khống chế miền Nam.
- Ta nghĩ cạn lắm cơ. Nghĩ rằng mình có quyền ràng buộc nó vào một hiệp nghị. Nghĩ rằng nó sẽ phải tôn trọng trong khi thực tế, nếu cần lúc nào nó cũng xé toang những cái đó.
- Bây giờ không thắng nổi nó lại còn tính chuyện thắng nó trong tương lai!
Và người ta mở rộng ra:
- Phen này ta vào Sài Gòn xem, không một vụ chém giết kinh khủng chắc? Rồi đưa dân Sài Gòn đi, chiếm nhà, có khi lại còn chiếm cả vợ con họ nữa. Ký hiệp ước ngày 26/10, mình không làm một cú tràn xương máu ấy à.
- Nghĩ cho cùng cách mạng mấy chục năm nay, chỉ thấy phá chưa thấy xây gì. Hưng Yên, Nam Định, Phủ Lý ngày xưa lúc thị xã nhỏ đẹp lắm... Phá thành phố, phá đình chùa, phá cả những nền nếp cũ.
Mỗi ngày đài lại có những bình luận:
- Tai họa Việt Nam cũng tựa tai họa của Ni- ca –ra - goa.
- Kẻ thù của loài người là vô vọng.
- Chiến tranh hiện nay-- chiến tranh tùy theo sự tức giận.
- E. Kennedy: Người ta phải nghe quá nhiều những lý do đã trở thành nhàm tai từ cả hai phía, mưu chiến cũng như phản chiến.
Tôi đang cùng mọi người ngồi trên khu sơ tán Hương Ngải để nhớ lại.
Tối 26/12, Mỹ ném bom dữ dội khu Khâm Thiên. Nhà lá dạt xuống.
Tối 27, một B.52 rơi tại Bách Thảo.
Tối 28, ném Nhật Tân, Chèm...
Tiếp tục họp được với nó, tưởng đã có thể xong. Có một hồi đã có nhận định bây giờ sức mạnh của nó là không gì ngăn cản nổi. Nhưng mà lại miệng khôn trôn dại, bây giờ lại vẫn ì ra, im.Thương nhất là dân. Hết đám này bới chưa xong, lại đến đám kia.
Nhị Ca: Biết cách làm ăn của mình rồi. Ngay thời thịnh trị, có mỗi cái máy mà toàn phu khuân tay, phu đói thì làm ăn ra gì, chỉ thấy toàn khẩu hiệu.
Mỗi ngày của người ở sơ tán bây giờ thường diễn ra thế này. Sáng đến gặp nhau, bàn nhau “Hôm qua nghe ghê quá, nhất là mạn Hà Nội". Trưa ra đứng đường, chờ xem có ai Hà Nội lên, hỏi tin tức. Tối, 6-7 giờ, ngồi nghe đài --Nghe BBC mà tiếng nhạc đã gợi nhiều hứa hẹn đến mức có người gọi đùa là quốc ca (!)
Nguyễn Khải: nghe nói bây giờ mình lại có lý luận về sức ép tối đa. Cố qua kỳ sức ép tối đa này, rồi mới tính được mọi chuyện. Bây giờ mà nó lui, thì lại bảo nó không thể chịu đựng được đòn phòng thủ của ta. Phương châm của ta là đánh tiêu diệt cơ mà.
Nguyễn Minh Châu: Lúc cần thì ca ngợi Hà Nội ghê lắm. Lúc này thì hy sinh cả Hà Nội cũng sẵn sàng.
Trong những ngày đánh phá ác liệt chuyện gia đình vẫn điểm xuyết vào, nhẹ nhàng mà xót xa.
Ng Khải: Lắm lúc nghĩ mình cũng thấy buồn cười. Cả đời mình đóng vai một thứ nhà văn quân đội, cũng đi chiến trường, cũng được tiếng là xông xáo. Thế mà động thấy xác chết, là tôi cứ sa sẩm mặt mày, cứ buồn nôn thôi.
Trong năm nay, có một chuyện nhiều lần phiền muộn. Đứa con lớn xin đi bộ đội. Tôi đã phải nói rất trang trọng: "Bố nhận là bố có lỗi, với con. Nhưng con ạ, sao con không lo tiếp tục học cho giỏi đi " "Con không muốn rèn luyện dưới mái trường XHCN nữa. Bây giờ là lúc chiến tranh, con muốn rèn luyện ngoài chiến trường”.
Nghĩa là nó toàn dùng những chữ thật sáo cả. Thế nên mình cứ bấm bụng chịu, mình cũng phải dùng những chữ sáo ngược lại. Khổ, ăn nói học theo văn chương ông Hồ Phương cả. Cái loại này, đúng là đưa sang Trung quốc làm cách mạng văn hoá thì đắt lắm đây.
... Bây giờ mà viết một quyển sách, nói bố thì sợ chiến tranh con thì thích chiến tranh, toàn bộ hai bố con lý lẽ với nhau, suy nghĩ khác nhau thế nào. Viết độ 150 trang thôi, ra hết vấn đề rồi còn gì.
29/12
Chiến tranh là gì? Chiến tranh vào mỗi cá nhân, ví dụ một cá nhân như tôi, thật ra cũng không nhiều những phút hoảng loạn.
Nhưng trước hết, chiến tranh là những dằn vặt liên tiếp. Chiến tranh là những phút ngồi oán giận không biết gây ra từ nơi nào, và sẽ kết thúc ra sao.
Trong chiến tranh, người ta sống bằng gì? Sống bằng hy vọng rằng chiến tranh sẽ đi qua. Rồi lúc chán quá thì tự an ủi rằng chiến tranh có thể mang lại cho mình những kinh nghiệm sống bổ ích. Cũng là một thứ A.Q.