VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thói quen “ thích mua hàng ngoại “ đã hình thành như thế nào ?

Ô nhiễm ở các đô thị gấp hàng chục lần mức cho phép. Rừng đầu nguồn bị tàn phá hàng ngày. Khoảng 16.000 công chức ưu tú bỏ việc nhà nước ra làm riêng. Học sinh thi tốt nghiệp phổ thông viết những bài văn đọc lên cười ra nước mắt. Lạm phát hai con số. Phân bón bán cho nông dân cũng giả …

Hàng ngày các tin tức thuộc loại tiêu cực đã quá nhiều và càng ngày độ đậm đặc của chúng càng gắt lên, tới mức câu chuyện “người Việt thuộc loại chuộng dùng hàng ngoại nhất châu Á “ do một tổ chức nghiên cứu quốc tế đưa ra, và vài tờ báo ở ta đăng lại … chẳng khiến ai bận tâm.
Thế nhưng vẫn có những người nhắc tới. Đó là đám bạn mà tôi tạm gọi là mấy anh A.B. C. D. Dưới đây tôi sẽ trình bày tóm lược các ý kiến của họ.
Thoạt tiên B muốn chứng minh rằng hiện tượng sùng ngoại quá phổ biến là có những lý do của nó:
-- Vừa rồi tôi với bà xã vào một cửa hàng kiếm một cái áo phông. Chọn ngay được một cái mặc rất hợp. Đến lúc xem ra hóa hàng Tàu. Hơi ngán. Mới cố lùng bằng được mấy cái hàng nội. Nhưng của mình cứ thế nào ấy, gò bó khó chịu, mà trông lại cũn cỡn, khiến mặc vào đâm hèn cả người.
Anh C —vốn thích nghiên cứu tâm lý cộng đồng – thử khái quát :
-- Người mình không có thói quen theo đuổi cái hoàn hảo. Làm bừa làm ẩu đã thành nếp phổ biến. Hồi trước cả xã hội khép kín hàng hóa không có, buộc người ta phải dùng. Dùng một cách rẻ rúng, với một định kiến nặng nề. Nay có điều kiện là người ta bung ra thôi, ai còn phân biệt nội với ngoại gì nữa!
Anh D đồng tình:
-- Trong thâm tâm, mọi người đã đinh ninh rằng hàng mình không bao giờ bằng hàng người. Không ai bảo ai đều nghĩ tranh thủ mua lấy những thứ hàng ngoại nhập, cho biết mùi văn minh và hiện đại.
Thấy mọi người có vẻ ngùi ngùi cảm động, với thói quen của một cán bộ cơ sở lâu năm, D tiếp tục :
- Vậy ta phải làm cuộc vận động. Vừa phải giáo dục quần chúng lòng tự tin dân tộc, lại vừa phải giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng lấy lại uy tín.
Lúc này A mới lên tiếng. Anh cho chúng tôi một gáo nước lạnh :
-- Các anh nói xong chưa, đến lượt tôi nhé. Tôi thách các anh chữa cái căn bệnh lưu niên và quá phổ biến này đấy! Chẳng phải chung quanh ta mọi người dường như chỉ còn khoanh tay kệ nó hoành hành đó sao?
Từ đâu nên nông nỗi ấy? Đặt mình vào tình thế người đi mua xem, người dân có cái lý riêng của họ. Như ví dụ cái áo anh B vừa kể, căn bản hàng ta làm kém quá. Nhưng chỉ thế thì chưa đủ.
Mua hàng nội tưởng là rẻ hóa đắt, mua hàng ngoại tưởng đắt hóa rẻ. Đây là một khía cạnh mà có là thánh thì người ta mới lờ đi nổi. Tôi không là thánh. Bởi vậy, không có tiền thì thôi, chứ có tiền tôi mua hàng ngoại ngay.
Trong việc chi tiêu, không thể có chuyện sĩ diện và tự trọng hão được.
Đừng có ảo tưởng mà nghĩ rằng cứ nhắm mắt dùng hàng nội là giúp cho các ngành sản xuất trong nước phát triển.
Đấy là lý thuyết thôi, chứ thực tế thì… Nói thật nhé, tôi ngờ rằng chính cái cánh hay kêu gọi mình dùng hàng nội ấy, lại toàn xài hàng ngoại. Vào nhà họ mà xem, con cái họ ăn ở thế nào thì biết ngay.
Không phải tất cả song một số người trong họ cố đưa ra cái chiêu bài chiếu cố hàng nội, chẳng qua chỉ vì lảng tránh không dám bước vào cuộc cạnh tranh chính đáng. Tức mất hết tự tin. Và chỉ muốn bảo vệ cho sự lười biếng trì trệ.
Nói ra thì mang tiếng ác, chứ tôi cho rằng phải để cho hàng của nhiều hãng bị ế, công ty của họ phá sản đi thì may ra họ mới chịu đổi mới. Đến lúc ấy nghĩ lại, họ lại cảm ơn mình không biết chừng. Vì nhờ mình ghẻ lạnh mà họ nên người.
--Vậy hóa ra theo anh dùng hàng ngoại là một cách thúc đẩy xã hội tiến bộ? Lố quá đấy!
-- Đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Xét tổng thể, tôi không cực đoan đến mức ấy. Tôi chỉ muốn nói rằng phải xem xét sự vật từ nhiều góc độ, và tính trước được những hậu quả có vẻ mâu thuẫn.
Câu chuyện tại sao người mình ưa dùng hàng ngoại của chúng tôi dừng lại ở đây, mà chẳng đi đến một kết luận nào cả. Người nói cuối cùng – người ghi nhận rằng đây là một tình thế bất khả kháng --, thấy thuyết phục chúng tôi dễ dàng quá, tự nhiên cũng bị hẫng. Anh thủng thẳng nói với giọng buồn buồn:
-- Tôi nhớ nhất là khi vợ con ốm, mình phải đi mua thuốc. Trên đường đi đã tự nhủ loại này nước mình làm được, mua hàng nội cho nó đúng cái tinh thần hiện đại, mà lại được tiếng là một người yêu nước. Nhưng cứ đến lúc cô bán hàng hỏi anh dùng loại nào là y như rằng cho tôi mấy viên của Pháp của Mỹ nếu không thì Hàn quốc cũng được. Vì chỉ sợ mua hàng nội về kém chất lượng, người nhà đang ốm có khi lại ốm thêm. Thói quen này đã như một thứ bản tính tự nhiên, người ta đã lâu năm chung sống với nó và hoàn toàn bị nó chi phối.
-- Thế sao hôm nọ tôi vẫn thấy anh tích cực bàn chuyện quyết dùng hàng nội lắm cơ mà?
-- Anh đừng truy bức tôi thế. Chúng ta khổ đã quá lâu, nên nhiều khi quá quen với lối sống một đằng nói một nẻo, nói vì có yêu cầu phải nói như vậy, chứ còn làm thế nào thì tùy, trong thực tế sẵn sàng làm ngược lại.
Thi thoảng có lúc tự đối diện với bản thân, thấy ngay là con người mình đã tha hóa và hèn yếu đi từ lúc nào rồi! Nhưng ai cũng thế, tách riêng mình ra sao được?


Đã in TBKTSG 8-2008, in lại trong
Những chấn thương tâm lý hiện đại
với nhan đề Vô cảm & bất lực .

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn