(TBKTSG) - Cái cảm tưởng ấy đến với tôi sớm nhất là hồi chống Mỹ, khi gần như cả Hà Nội bỏ đô thị để về nông thôn. Chả ai kêu ca gì, thậm chí nhiều người còn tự hào là được trở về với cái gì trong lành hồn nhiên của đời sống ông cha. Nhưng khách quan mà nói, đó là lúc cái nhịp sống chậm chạp tùy tiện của xã hội tiểu nông từ từ quay lại.
Trở lại quá khứ
Chiến tranh làm cho xã hội văng ra khỏi quỹ đạo của lịch sử, và có những khía cạnh trở về cái nếp sống tiền hiện đại, trước khi người Pháp sang. Rồi đến những ngày kinh tế thị trường này, “cuộc trở về” ấy lại tiếp tục, tiếp tục ngay trong cuộc sống đô thị. Mê tín dị đoan tha hồ nảy nở. Chính những thứ mà người dân Hà Nội sau năm 1954 đã bảo nhau từ bỏ thì ngày nay lại được khôi phục đầy đủ. Hôm qua thì bảo phải sống theo khoa học. Hôm nay thì bảo phải trở về với đời sống tâm linh, trở về với cha ông. Và mỗi ngày người ta lại tìm thêm những cái kỳ cục hơn, phiền phức hơn, lạc hậu hơn để buộc nhau làm theo.
Còn đây là chuyện an sinh xã hội. Tuổi Trẻ Online 8-11-2010 đưa tin: Có một nhóm người hành nghề xe ôm ở bến xe miền Tây chuyên dụ dỗ người tỉnh lẻ lên TPHCM tìm việc. Chúng thường trấn lột tiền bạc và đem “bán sống” nạn nhân cho những tay giang hồ làm công không lương. Nông thôn ngày nay cùng ngày 8-11 dẫn một ý kiến phát biểu trong Quốc hội: “Đừng để người dân ra đường là sợ”.
Cách chống lại cái ác bây giờ cũng phảng phất không khí thời Lục Vân Tiên. Người ta gọi họ là các hiệp sĩ trên đường phố - với nghĩa tâm huyết là chính, “kiến ngãi bất vi vô dõng giã” - chứ trong chuyện này không có cơ chế nào của nhà nước làm việc mang tính chuyên nghiệp cả.
Ngoài hai điểm, sự hỗn loạn trong đời sống tinh thần và cuộc sống bạo lực nói ở trên, điểm thứ ba đáng nói là về các mối quan hệ kinh tế.
Cơ quan nào cũng khép kín để trước hết dành riêng cho con em trong nghề. Tiêu chuẩn chuyên môn phiên phiến là được, chỉ cần lo cho nhau có chỗ biên chế.
Gặp lại hình ảnh hôm nay trong lịch sử
Với một số người như tôi, những xuất bản phẩm được ưa thích nhất trong dịp đại lễ Thăng Long không phải là mấy cuốn do các đồng nghiệp đương thời viết ra mà lại là mấy cuốn sách của các tác giả phương xa, tức thuộc dạng cho thấy “người Việt Nam trong mắt người nước ngoài”.
Tôi sung sướng vì mua được hai cuốn vượt trội, một là Tuyển tập tư liệu phương Tây do Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì việc tuyển dịch, và hai là Một số tài liệu quý về Hà Nội của các tác giả Pháp do Lưu Đình Tuân sưu tầm và biên dịch.
Thăng Long, thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, qua tư liệu nước ngoài (Chu Xuân Giao chủ biên) về nội dung cũng gần như Tuyển tập tư liệu phương Tây nói trên nhưng không quá đồ sộ, lại có cách sắp xếp tư liệu theo từng chủ đề nên tiện sử dụng. Nhìn vào mục lục sẽ thấy có các mục nói về từng việc ăn ở đi lại của người Hà Nội xưa để rồi, nếu muốn, ta liên hệ với Hà Nội nay.
Chẳng hạn một chỗ giống nhau dễ thấy là thành phố thời nào cũng quá đông, quá lộn xộn. Theo A.de Rhodes, ở đó “mọi người va chạm nhau đến nỗi ai cũng cảm thấy mình bị chen lấn, và bị dừng lại ở tứ phía, và buộc phải mất rất nhiều thời gian mới đi được một quãng ngắn”. S.Baron nói cụ thể hơn, người ta chỉ “lách được 100 bước qua đám đông trong vòng nửa giờ”.
Còn đây là việc duy trì trật tự trên phố xá, dưới con mắt Dampier: “…Ở mỗi phố đều có các lính canh khỏe mạnh đứng gác để giữ yên lặng và ngăn cấm mọi sự mất trật tự. Những người lính canh được vũ trang bằng gậy gộc, đứng trong các điếm canh ở mỗi phố, khám xét người qua lại. Có cả những sợi dây thừng chăng ngang đường phố, cao đến ngực mọi người, cấm không cho ai qua lại, cho đến lúc họ được xét hỏi. Nếu họ liều lĩnh bước qua thì lập tức sẽ bị người lính canh dùng gậy phang mạnh”.
Hẳn người thời nay đọc đến đây sẽ nhớ lại những vụ cướp hoa anh đào, hoặc bê hoa ở chợ hoa bên hồ Hoàn Kiếm về nhà, nhớ những vụ đua xe và chống đua xe mỗi khi có sự kiện lớn thu hút sự chú ý của cả thành phố.
Nhưng việc gì phải nghĩ xa xôi thế! Chỉ cần ra phố cổ một lát, chúng ta sẽ thấy ngay sự hỗn độn và bắt gặp một cái gì như là tinh thần cuộc sống Kẻ Chợ hôm qua vẫn đang âm thầm ngự trị, cũng như có thể đánh giá ngay rằng cái tinh thần ấy đã được những trang sách của người nước ngoài mấy thế kỷ trước gọi ra chính xác đến mức nào!
Mấy trăm năm đã trôi qua, thử hỏi cái tinh thần chi phối cuộc sống Kẻ Chợ lúc ấy với hôm nay có khác nhau là bao?!