VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nghĩ lại về chính...sự nghĩ

Cổ nhân có câu "chớ có tham bát mà bỏ cả mâm". Dịch câu nói ấy ra ngôn ngữ hiện đại, tức là trong khi giải quyết mọi việc, ta phải từ bỏ lối nghĩ thực dụng chật hẹp, lối chạy theo thành tích "mì ăn liền", để hướng tới một cách nghĩ bao quát và sâu sắc hơn. Theo ý tôi đây là một trong những bài học đáng rút kinh nghiệm hơn cả, trước khi bước sang thế kỷ XXI.

Về mối quan hệ giữa làm và nghĩ
Có một câu nói cửa miệng - nhiều người trong chúng ta, kể cả các nhà trí thức, thường hay nhắc lại "nói thì dễ, làm mới khó".
Một số người khi bắt tay làm một việc gì đó, mà e rằng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi đã làm cái việc cần làm và làm sai, làm hỏng, rồi để chặn họng những lời phê phán của chung quanh, bèn phản bác một cách khéo léo: "ờ nói thì dễ, làm mới khó".
Theo tôi hiểu chữ nói ở đây không chỉ là phát âm, dùng miệng cất lên thành lời để diễn đạt một ý tưởng nào đó, mà trong văn cảnh đã bao hàm cái ý nghĩ ngợi suy xét, tức vận dụng tư duy để giải quyết một nghi vấn (dân ta có câu: ăn có nhai nói có nghĩ). Vậy thực chất câu nói trên chính là: nghĩ thì dễ, làm mới khó.
Việc đề cao hành động ở đây, có lý do của nó. Trước nhiều công việc khó khăn hàng ngày, người ta chỉ gặp những người đứng ngoài lên mặt dạy khôn, hoặc bình luận lung tung chẳng dựa trên một sự nghiên cứu kỹ càng nào, cũng chẳng có sự xét đoán cụ thể (nói như các cụ xưa: toàn những lời tán thối, bàn quanh bàn quẩn nhạt nhẽo vô bổ, thậm chí nghe rác tai và làm rối ruột những người đang hành động). Trong trường hợp đó, quả thật mới thấy quý người có kiến giải dứt khoát lại quyết đoán và sớm bắt tay vào hành động.
Thế nhưng, bình tĩnh mà xét, thì rồi cuối cùng, cái mà người ta cần, không phải chỉ là một hành động, mà là hành động có hiệu quả cao, tức không chỉ cần người dám làm mà là người làm giỏi, làm đúng. Và muốn làm đúng, phải có trình độ hiểu biết, có sự nghiên cứu tường tận, tóm lại cần người nghĩ đúng. Sự nghĩ ngợi chỉ là dễ, khi nghĩ một cách nông nổi, qua quýt, rồi lấy sự lợi khẩu làm bùa mê, lừa mình, lừa người, gọi là nghĩ mà chẳng có nghĩ gì cả. Còn cái nghĩ có khả năng gỡ rối, giải quyết công việc một cách hợp lý, cái nghĩ đó đâu dễ và câu châm ngôn cần thiết trong lúc này, có lẽ phải là "làm đã khó, nhưng nghĩ còn khó hơn nữa".
Học nghĩ
Chữ nghĩ ở đây bao gồm cả sự tinh tường trong quan sát lẫn sự sâu rộng trong tầm nhìn, sự thông thoáng trong quan niệm, và sau hết sự nhạy cảm để lường trước mà tránh bớt đi những lỗi lầm đáng tiếc. Trong kho từ vựng của tiếng Việt, một phần sự đa dạng của suy nghĩ đã được mô tả: nghĩ sâu, nghĩ nông, nghĩ rộng, nghĩ hẹp, nghĩ chín và nghĩ chưa chín, nghĩ qua loa và nghĩ nát một điều gì đó. Cạn nghĩ thì chắc chắn là dở rồi, nhưng cả nghĩ chưa chắc đã là điều tốt, bởi sự nghĩ không chỉ được đo tính bằng thời gian hoặc sự khổ công mà cái chính là bằng hiệu quả, chất lượng. Có thể nói người đời hơn kém nhau ở khả năng nghĩ, tầm nghĩ và như vậy, nghĩ không phải là chuyện trời cho, ai cũng biết nghĩ, mà là một quá trình rèn luyện học hỏi, trau dồi, thể nghiệm liên tục. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học nhân văn đưa ra khái niệm homo sapiens (con người trí tuệ, con người có suy nghĩ) và xem đó là giai đoạn phát triển cao của nhân loại.
 
Vượt lên trên sự thiển cận và vụ lợi
Có một chiếc đồng hồ ở điện Versailles, Paris, được làm từ 1746 mà đến nay vẫn tiện dụng và hợp thời; đúng nửa đêm 31-12-1999, nó đã gióng chuông và chuyển con số 1 (đeo đuổi trên hai trăm năm) thành con số 2, kèm theo ba số không. Và, "theo tính toán hiện nay, chiếc đồng hồ này còn tiếp tục báo năm báo tháng báo giờ... nghiêm chỉnh thêm năm trăm năm nữa".
Sở dĩ người xưa làm được việc đó, vì họ luôn luôn hướng về một cái gì trường tồn. Duy cái điều có người liên hệ thêm "còn ngày nay, người ta chỉ chăm chăm xây dựng một tòa nhà dùng độ hai mươi năm rồi lại phá ra làm cái mới" thì cần dừng lại kỹ hơn một chút.
Nếu người ta nói ở đây là chung cho con người thế kỷ XX thì nói thế là đủ. Một đặc điểm của kiểu tư duy hiện đại là nhanh, hoạt, không tính quá xa, vì biết rằng mọi thứ nhanh chóng lạc hậu. Nhưng cái gì có thể trường tồn được, thì họ vẫn làm theo kiểu trường tồn. Chính việc sẵn sàng chấp nhận mọi thay đổi chứng tỏ sự tính xa của họ.
Riêng ở ta, phải nói thêm: trong tình trạng kém phát triển của khoa học và công nghệ một số người cũng thích nói tới hiện đại. Nhưng trong phần lớn trường hợp đó là một sự hiện đại học đòi méo mó, nó hiện ra thành cách nghĩ thiển cận và vụ lợi.
Không phải những người tuyên bố "hãy làm đi, đừng nghĩ ngợi gì nhiều" bác bỏ sự nghĩ hoàn toàn. Có điều ở đây, bộ máy suy nghĩ bị đặt trong tình trạng tự phát, người trong cuộc như tự cho phép mình "được đến đâu hay đến đấy" "không cần xem xét và đối chiếu với mục tiêu lâu dài rồi tính toán cho mệt óc, chỉ cần có những giải pháp tạm thời, cốt đạt được những kết quả rõ rệt ai cũng trông thấy là đủ". Bấy nhiêu yếu tố gộp lại làm nên sự hấp dẫn đặc biệt của lối suy nghĩ thiển cận, vụ lợi và người ta cứ tự nhiên mà sa vào đó lúc nào không biết.
Khốn nỗi, chung quanh ta, số người suy nghĩ kiểu ấy không phải là ít.
Là thiển cận những người bán hàng chỉ lo lừa khách lấy một lần "chém thật ngọt" mà không tính chuyện bận sau, người khách ấy có trở lại cửa hàng mình hay không. Là thiển cận, những vị "sếp" cơ quan chỉ lo chạy theo thành tích, không cần biết đến chất lượng công việc, và trong việc dùng người, chỉ thích những nhân viên dưới quyền khéo nịnh, dễ bảo, chứ không thích những người có chính kiến riêng. Từ chuyện một người dân đánh được một con chuột trong nhà liền vứt ngay ra đường cho xe kẹp, người bán rau quả còn dính thuốc sâu cho tới những trí thức đánh mất lòng tự trọng, khao khát chức quyền say mê theo đuổi học hàm học vị và sẵn sàng biến mình thành một thứ thầy cúng ê a nhắc lại những điều cũ rích, hoặc những nhà văn chỉ lo có thêm đầu sách để dọa thiên hạ, ngoài ra, sách in ra có không ai đọc cũng không cần biết... quả thật trong mọi phương diện cuộc sống, trong mọi ngành nghề, đâu đâu cũng có thể gặp những người thiển cận, chỉ đối chiếu công việc với những mục đích rất gần. Căn cứ để họ xác định cách sống chỉ là cái khu vực mà họ đang ngụp lặn, bon chen, chứ không có thế giới bao la và những thế kỷ dài dặc nào hết. Ngay cả khi họ tới đền chùa khấn khứa thì cũng chẳng phải họ đang trong tâm thế hướng thượng hoặc để tâm hồn vào một chốn cao siêu nào cả mà chỉ đơn giản là niềm tin rằng có thể tháng sau sẽ... có lộc! Người có kiến văn hạn chế thì dễ thiển cận đã đành. Nhưng cả những người có trình độ tạm gọi là cao, mà để cho cái lợi che mờ mắt, thì cũng rơi vào thiển cận một cách tự nhiên, và cái gọi là trình độ cao kia lại được sử dụng để bênh vực cho cái lối sống lối nghĩ tầm thường, người ta nhanh chóng rơi vào ngụy biện mà không hay biết!
 Đã in trong Nhân nào quả ấy

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn