VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Manh mún rời rạc, kém cỏi trong kết dính, hòa nhập

Đồng bằng sông Hồng, như P.Gourou nói, là một trong những vùng đất có mật độ dân số cao nhất thế giới.
Nhưng nét đặc biệt của cư dân nơi đây là sống rời rạc. Cũng có những làng có tới ngàn dân, nhưng tuyệt đại đa số là các làng nhỏ. Theo Vũ Quốc Thúc, trước 1945, ở Thái Bình có hai làng chỉ có 13 -24 cư dân ; ở Ninh Bình, có những làng không quá 10 dân. Diệp Đình Hoa còn cho biết từ đầu thế kỷ XX vẫn còn không ít làng chỉ có một xuất đinh tức là một người đàn ông ( Người Việt vùng đồng bằng bắc bộ, nxb Khoa học xã hội, H.2000 )

Ăn ở rời rạc như thế, người ta lại quá tin ở cái làng của mình, và đẩy nó lên thành môt giá trị tuyệt đối. Các làng ở cùng quanh chân một ngọn núi đều đặt tên riêng cho ngọn núi ấy . Như núi Thiên Thai ở Bắc Ninh có đến 7 tên. Hoặc nếu có một con sông chảy qua các làng thì đến làng nào, sông được đặt tên theo làng đó. Cũng thờ chung thánh Tản Viên làm thành hoàng, nhưng mỗi làng, mỗi vùng lại nghĩ ra một cách cúng tế riêng, có làng cúng trâu có làng cúng bò, làng cúng lợn đen, làng cúng gỏi cá…
Xã hội được hình thành theo lối vón cục. Cả nước đâu cũng thấy chùa chiền, nhưng toàn là những chùa nhỏ lụn vụn.
Chùa Một Cột là gì nếu không phải là một chứng tích rõ ràng của sự lỡ làng, ở đó một ý định độc đáo không được hiện thực hóa bằng một hình thức hoành tráng tương xứng.
Chợ quê xưa không phải là một cơ cấu có phân ra các khu vực rõ ràng, sự nối tiếp chặt chẽ, chợ chỉ là một tập hợp của các hàng rong. Trước thời hiện đại, các đô thị của chúng ta cũng được hình thành tùy tiện bát nháo như vậy.
Trong khi đó thì theo Đặng Thai Mai từ đời Tần, xã hội Trung quốc đã đạt đến trình độ “ Thư đồng văn xa đồng quỹ ( sách cùng một loại chữ, xe cùng một loại kích cỡ ).
Vì thói quen, và cũng vì muốn được buông thả rồi sau thì vì ương bướng, tùy tiện không chấp nhận những gì khác mình, người ta không muốn sống tập trung, và điều này làm cho trình độ làm ăn thêm trì trệ mà cách nghĩ của con người cũng hèn kém đi.
Manh mún rời rạc gần như đã trở thành “ khí hậu “ của xã hội Việt.
Tương truyền là ở nhà Cao Bá Quát có dán đôi câu đối “ Nhà trống ba gian, một thày một cô một chó cái – Học trò dăm đứa nửa người nửa ngợm nửa đười ươi “. Đọc lên người ta thường chỉ nói tới tinh thần khinh bạc mà quên rằng ấn tượng chính toát lên ở đây là cái gì hoang lương ,lơ thơ, vắng vẻ, một thứ “tèo teo cảnh” nói theo chữ của Nguyễn Gia Thiều .
Thế thì còn nói chi đến việc truy tầm chân lý, mở mày mở mặt ra với thiên hạ ?
Nho gia châm ngôn lục ( Sách ghi những châm ngôn của nhà nho ), có câu : “Thù thù nhi xứng chi, chí thạch tất mậu ; thốn thốn nhi độ chi, chí trượng tất sai “. Đại ý muốn lưu ý rằng kẻ quen suy nghĩ trong một phạm vi chật hẹp ( cân từng thù , đo từng tấc ) khi phải bao quát những vấn đề rộng lớn( cân từng thạch , đo từng trượng ) thả nào cũng làm hỏng việc.
Chuyện này với chúng ta ngày nay là một ám ảnh. Manh mún rời rạc chi phối chúng ta trong xây dựng một khu đô thị làm một con đường cho tới tổ chức các hoạt động thông tin, ra một tờ báo. Tầm nhìn của nhiều người khi đứng ra quản lý công việc quốc gia vẫn là tầm nhìn làng xã , từ đây đã để lại bao bi kịch .
Manh mún rời rạc cũng làm cho người Việt rất khó phối hợp với nhau trong công việc .
Adam Smit viết ngay trong chương I cuốn Của cải của các dân tộc : Một xí nghiệp chỉ có 10 công nhân, với những máy móc đơn sơ của thế kỷ XVIII, có thể làm 48.000 đinh ghim trong một ngày công, trung bình một người làm được 4.800 đinh. Còn nếu họ làm ăn riêng lẻ và không kết hợp được với nhau thì mỗi người không thể làm nổi 20 đinh, thậm chí là một đinh. Theo A. Smit, sự phân công lao động không chỉ mang lại mang lại cho người ta năng suất, sự khéo léo mà còn óc phán đoán đúng đắn tức là khả năng cải tiến công việc, để ngày mỗi hoàn thiện nó, ngày mỗi đưa nó đến chỗ tinh xảo.
Nhưng sự phân công và phối hợp lại là yếu tố khó thực hiện nhất trong trường kỳ lịch sử của người Việt. Ở các làng nghề, việc tổ chức sản xuất hình thành theo yếu tố gia tộc. Chỉ có máu mủ ràng buộc. Ngoài ra ,không ai cộng tác được với ai.Giữa các làng thì lại càng không thể cộng tác nếu không nói xu thế chủ yếu là dấu nghề và bài bác nói xấu nhau.
Tôi nhớ dăm năm trước, có lần đi qua phố Bần. Nơi đây nổi tiếng với thứ nước tương quen thuộc của Bắc Bộ. Nhưng một đoạn phố nhỏ trên trăm mét mà tới vài chục hàng tương, hàng nào cũng mấy cái chai La Vie xúc sạch đổ tương vào, trông đều đặn đến phát ngán. Liệu một ngày sẽ có bao nhiêu người mua không ai cần biết. Lại càng không ai đứng ra tính toán xem chỉ cần một cửa hàng bao nhiêu người đứng bán là đủ .Người ta chỉ nghĩ là hàng bên cạnh còn mở thì mình vẫn mở . Đi làm nghề khác ư, không ai muốn và đây là cách nghĩ từ xưa chứ không phải hôm nay mới có
TT&VH 18-8-07

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn