VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

"Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt"

ngày 19/03/2010 (VnMedia) -
Ảnh minh họa
(VnMedia) - Clip nữ sinh bạo lực khuấy động dư luận. Nhiều người sửng sốt vì tình trạng bạo lực học đường. Nhiều người khác giật mình chất vấn giáo dục, xã hội. Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn cho rằng: Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt mà ta không tự thấy.


Năm nay gần 70 tuổi, Vương Trí Nhàn đã làm phê bình lý luận văn học trong vài thập kỷ và sau này chuyển sang nghiên cứu văn hoá. Ông được biết đến là một trong những người đầu tiên chủ trương nghiên cứu về những thói hư, tật xấu của dân tộc Việt Nam và là người được chú ý nhất trong mảng công việc này.

Loạt bài viết của ông về các thói xấu của người Việt được đăng tải thường kỳ trên báo Thể thao & Văn hóa cách đây vài năm đã trở thành một chuyên mục thu hút sự chú ý của nhiều độc giả và gây ra tranh luận nhiều chiều. Thậm chí, có nhiều người mong muốn có thể tập hợp thành sách “Người Việt xấu xí”, tương tự cuốn sách gây sốc Trung Hoa đại lục mang tên “Người Trung Quốc xấu xí” của tác giả Bá Dương.

Năm 2007, khi vụ scandal clip sex Vàng Anh - Việt Dart nổ ra, trong khi dư luận ầm ĩ xung quanh vụ việc này, trong khi nhiều người cũng sửng sốt và giật mình không khác gì với hiện tượng clip nữ sinh ẩu đả vừa qua… thì Vương Trí Nhàn nhìn vào sự kiện theo một cách tiếp cận rộng hơn ở góc độ dân tộc tính. Nhận định của ông “Dân tộc Việt là một khối tự phát khổng lồ” trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo mạng ngay lập tức dấy lên một làn sóng tranh luận với nhiều ý kiến đa chiều: Có nhiều ý kiến cực lực ủng hộ và không ít tiếng nói phản đối gay gắt.

Ở hiện tượng xã hội gây xôn xao dư luận lần này, những nhìn nhận của ông cũng mang lại cái nhìn tương đối rộng mở và mới mẻ. Và, đương nhiên, cũng không ít ý kiến có thể sẽ gây tranh cãi… Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là hướng suy nghĩ cần được tiếp tục bàn luận.

Dưới đây là trao đổi của VnMedia với ông trên tinh thần này.

Sẽ còn những biểu hiện bạo lực mới

Tuần qua cả xã hội xôn xao với clip nữ sinh đánh hội đồng bạn trên phố. Nhìn nhận của ông xung quanh hiện tượng này?

Việc các em nữ đánh bạn dã man như trong clip là biểu hiện của một cách sống mà trong đó bạo lực trở nên cần thiết trong giao tiếp giữa người với người, mà người ta cho rằng, lời lẽ thông thường không còn đủ để tác động tới người khác.

Cảnh tượng trong clip này là sự tràn ra của một cái gì đó đã đến mức không bình thường… Nếu đọc báo những năm qua sẽ thấy nhiều hình thức bạo lực trong xã hội. Ngay trong môi trường giáo dục, không biết bao nhiêu vụ hoặc các cô trông trẻ bạo hành với trẻ con, hoặc các thầy cô giáo đánh phạt học trò hay các học trò đánh lại thầy cô giáo…

Những việc như thế này tôi cho rằng sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện mới, với những cấp độ rồi sẽ còn cao hơn. Nếu chúng ta không tính chuyện chữa trị lâu dài, và trước tiên là tìm về tận gốc để lý giải một cách khái quát, rồi thì sẽ còn lĩnh đủ.

Có thể hiểu như thế này, sự xuất hiện của clip nữ sinh bạo lực kia trong xã hội tương tự như việc một người huyết áp thấp bị ngã ngất lần đầu. Họ hẳn là ngỡ ngàng nhưng cái sự ngất ấy nó không hề ngẫu nhiên. Và nếu chưa biết là mình bị huyết áp thấp, người ta sẽ không ý thức là mình có thể đối diện nguy hiểm hơn trong những lần ngất tiếp theo?

Tôi chia sẻ với lối ví này của bạn ở khía cạnh: Nhiều khi phải có những “cú điếng người”, ta mới hết nhởn nhơ coi thường và bắt đầu nhận ra những thứ tiềm ẩn trong mình. Cái nguy hiểm hôm qua đã đáng sợ, nhưng cái nguy hiểm tiếp theo mới thật đáng bàn.

Bây giờ thử bình tĩnh mà nhìn lại xem, hóa ra trong nhiều mặt đời sống người Việt, mầm mống bạo lực đã có mặt và ta đã chung sống với nó quá lâu - cái cách sống bạo lực ấy - mà ta không biết.

Ảnh minh họa
"Những việc như thế này sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện mới, với những cấp độ rồi sẽ còn cao hơn"

Tôi muốn nhấn mạnh hai điều.


Một là, sở dĩ có hiện tượng lớp trẻ sống với nhau theo kiểu bạo lực, vì người lớn cũng hành xử theo kiểu bạo lực. Xã hội đen. Giới giang hồ thanh toán nhau. Những vụ cướp giết hiếp, và cả những vụ nợ tình, trả thù… Có quá nhiều sự việc trong xã hội mà chúng ta chưa phản ánh hết, chưa có dịp phân tích soi rọi.

Hai là, trước khi có những biểu hiện cực đoan theo kiểu bột phát nói trên, nhiều hình thái tạm gọi là tiền bạo lực cũng đã nhan nhản trong đời sống hàng ngày. Muốn ép người ta phải nghe mình điều gì đấy nói một lần chưa đủ, nói đi nói lại hàng trăm lần, bắc loa vào nhà người ta lải nhải…

Ai đi cầu cúng đầu năm hẳn nhớ cảnh dân địa phương nhiều nơi vừa thấy người đi chùa thì áp sát, bắt người ta mua đồ cúng của mình, lèo nhèo nói đi nói lại, không mua thì chửi xéo chửi đổng, đốt vía đốt vang… Đấy là tiền bạo lực chứ còn gì nữa?

Lâu lắm rồi từ 1999, tôi đọc trên báo Nông thôn ngày nay thấy một hiện tượng kỳ cục ở một tỉnh nhỏ. Giữa công ty X và công ty Y có sự tranh chấp. Để trả thù, bên Y liên tiếp gửi tới bên X những chiếc quan tài và các vòng hoa tang, trong đó đề rõ tên tuổi kẻ thù của mình. Kiểu khủng bố độc đáo này thật tiêu biểu cho người mình, tức là ác vặt, nhưng mà cứ ác một cách dai dẳng đáng sợ.

Đạo diễn Xô viết Mikhail Rom từng có một bộ phim mang tên “Chủ nghĩa phát xít thông thường”. Ở ta giá có ai bắt chước mà làm một bộ phim “Chủ nghĩa bạo lực thông thường”, chắc cũng dễ có một tác phẩm có sức răn đe với xã hội.

Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt

Ở trên ông vừa nói nhiều mặt trong đời sống đã tiềm ẩn yếu tố bạo lực mà ta không ý thức.. Ông có thể nói rõ hơn một chút về cái ý này?

Gần đây tôi đã viết trong một bài báo, ngay cách đi đường của người Việt Nam hôm nay cũng có tính chất bạo lực. Chúng ta có xu hướng chen lấn, xô đẩy, chèn ép người khác để vượt lên... Không ở đâu tiếng còi bị lạm dụng như ở ta. Nó có tính hối thúc, đe nẹt, doạ dẫm… Nghe trong tiếng còi như toát lên một lời đe dọa: nếu không tránh cho tôi đi, anh sẽ biết mặt.

Ảnh minh họa
"Ngay cách đi đường của người Việt cũng có tính chất bạo lực"

Thơ văn cho thấy chúng ta yêu thiên nhiên, sống chan hoà với cỏ cây, hoa lá. Nhưng trong đời sống tôi thấy tình yêu thiên nhiên này… chạy đi đâu cả. Văn học nói cái điều ta muốn, nhưng trong đời sống ta hiện ra hoàn toàn khác. Để tự nuôi sống, ta chưa biết tìm thêm cách để làm giàu thiên nhiên mà nhiều khi chỉ lo bóp nặn, bóc lột thiên nhiên.


Khách quan mà xét, đứng ngoài mà nhìn, phải nói đó là một cách ứng xử khá tệ bạc. Chặt cây, phá rừng, đốt rẫy… ta làm những việc đó vô tư chứ chả cần quan tâm gì đến thiên nhiên. Đến khi no đủ rồi thì lại bẻ hoa, ngắt cành vì thú vui của mình. Những dịp lễ tết cây cối xơ xác vì bị vặt cành làm lộc. Rồi các sự việc ở lễ hội hoa anh đào năm trước và lễ hội hoa đầu năm dương lịch vừa rồi. Chẳng nhẽ không nói đó là cách sống bạo lực?

Chúng ta cũng không phải là dân tộc yêu thương các giống vật. Các loài thú quý hiếm đang đứng trước nạn tận diệt. Ở nhiều nơi người ta sẵn sàng dùng điện, dùng chất nổ đánh cá... Rất nhiều người phương Tây ngạc nhiên vì chúng ta ăn thịt chó, là vật nuôi mà họ coi như bạn bè của con người.

Từ tháng 4 tới, Trung Quốc chính thức cấm ăn thịt chó mèo. Ở ta tôi không nghĩ được là bao giờ có thể có một lệnh cấm tương tự. Nhiều cuộc chọi trâu xong, dân sở tại mổ ngay con trâu vừa đoạt giải để bán cho dân tới xem. Chẳng có luật pháp nào kết tội người ta được, nhưng tôi cứ luấn quấn với ý nghĩ làm thế là một cách gieo mầm bạo lực mà ta không biết.

Sôi sục đấy, rồi lại quên đi rất nhanh

Ảnh minh họa
Thử nhìn lại sự việc. Các em trị nhau ngay giữa phố một cách bạo lực. Bạn bè thản nhiên ngồi nhìn. Không thấy ai đứng ra can ngăn. Khi quay xong hình, các em khoái trá post lên mạng, nhiều người truyền cho nhau qua internet để cùng xem clip đó. Đó là một chuỗi sự vô cảm cho đến khi thành sự kiện hot thì xã hội mới bùng lên chất vấn. Ông có bình luận gì thêm về việc này?
"Vô cảm rồi bùng lên chất vấn rồi lại quên đi rất nhanh"

Từ lâu phương Tây người ta đã nói đến sadism với nghĩa thói quen thích thú những trò tàn ác bao gồm cả quan sát người khác làm lẫn tự mình thực hiện. Những tưởng đó là chuyện đâu đâu, hóa ra xứ mình không phải không có.


Ngoài ra tôi muốn ghi nhận một tình trạng nước đôi thế này: Không hẳn là vô cảm đâu, nhiều người chúng ta cũng đang xúc động lắm. Chỉ có cái dở là rồi chúng ta lại quên đi rất nhanh. Tôi nhớ những lần lòng mình sôi lên thầm hứa nhất định không bỏ qua chuyện nọ chuyện kia. Nhưng chỉ ít lâu sau là tôi quên hết.
Để vượt lên sự nông nổi, tôi chỉ muốn nhân dịp này chúng ta cùng suy nghĩ về gốc rễ của bạo lực trong đời sống. VnMedia ngày 19/03/2010

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn