VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đúc Tết lại...

Chùm bài Tết Canh Dần (1) 
 TỪ 1946 XUÂN DIỆU ĐÃ ĐỀ NGHỊ  PHẢI  HIỆN ĐẠI HÓA TẾT                     
  12/2/2010                                                                                        
      Lúc thân tình, một người bạn nước ngoài có lần nói thẳng với bọn tôi là cưới xin ở các anh sao mà kỳ thế, mỗi người đến dự nộp một phong bì, tiền đặt trong phong bì thay đổi theo thời giá thị trường. Và nói chung là không khí thường ồn mà nhạt, thiếu sự thân tình tự nhiên, lại còn rơi vào xa hoa nữa, lễ cưới được làm để phô phang giàu có, hơn là vì chuyện tình yêu của đôi cô dâu chú rể.

   Tôi nghe giật mình, không phải chỉ vì người nước ngoài người ta hiểu mình rõ quá, mà vì một cớ khác. Hóa ra bộ mặt của một phong tục trong thực tế mỗi thời mỗi đổi, và yếu tố làm cho người ta ngán một phong tục không phải là do nó được lưu truyền, mà là ở cách thực hiện nó. Nhiều khi chính cái dấu ấn thời đại đã gây phản cảm.
     Ví như chuyện Tết nhất. Đã là người Việt, ai chẳng nói đến ngày Tết với cả tấm tình rung động. Vậy mà Nguyễn Công Hoan có lần bảo tết gieo rắc Cái nạn mừng tuổi ( tên một truyện ngắn) ,Tú Mỡ thì có bài thơ Ghét Tết. Mới nghe thấy kỳ cục, song đọc vào mới hiểu các ông ấy vẫn là những người có lý. Nguyễn Công Hoan ghét chuyện thăm nhau đầu năm vì lúc đó con người ta rơi vào giả tạo, cư xử kiểu đối phó cho phải phép. Còn Tú Mỡ thì ca thán:
Tiêu pha thực tốn tiền 
Chè  chén cứ liên miên 
Hết Tết  đâm lo nợ
Điên!
  Mồng một đi mừng tuổi
Chúc nhau nghe inh ỏi
Toàn câu sáo rác tai
Thối!
    Nhưng những nhận xét loại đó cứ lọt thỏm đi, chẳng mấy ai nhớ và có nhớ cũng chẳng để làm theo.
     Nhắc lại đây để cùng nghĩ thêm về phong tục.
     Cách cưới xin đang phổ biến vốn mang đậm dấu vết một thời làng xã xa xưa. Thời ấy, nghèo đói quá, mỗi nhà không đủ tiền lo cho con, nên đành làm lối chơi họ, hôm nay tôi góp cho nhà anh, sau anh góp cho nhà tôi. Góp trước trả sau cũng có, mà trả trước đòi sau cũng có.
    Các phong tục vốn gốc nông thôn.
     Khi lên đô thị làm ăn, người ta vẫn mang theo nó. Nhất là sau một thời chiến tranh mà chiến thắng có được nhờ những nỗ lực to lớn của nông thôn và nông dân, người ta càng thích quay về với truyền thống.
     Thành thử ở đây có chuyện lạ. Là nếu nhìn lại lịch sử cả trăm năm qua sẽ nhận ra phong tục được đón nhận theo đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống.
     Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, một nhà thâm nho như Phan Kế Bính trong việc miêu tả các phong tục thường không bao giờ quên nhấn mạnh những mặt cổ hủ của nó.
       Tinh thần chung của văn học tiền chiến là đề nghị cộng đồng phải thay đổi cách sống.
        Ngay sau khi ra mắt tạp chí Tiên Phong (1945) cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc luôn có bài về đời sống mới, nhiều vấn đề phong tục được đặt lại. Cho đến những năm sáu mươi bảy mươi của thế kỷ trước, các đám cưới cũng như Tết nhất ở Hà Nội của chúng tôi đơn giản mà vẫn thiêng liêng ấm cúng.
       Từ hồi bước sang thời thị trường, không phải không có những đám cưới được tổ chức theo lối Tây, nhưng có điều thú vị là tân cổ giao duyên, người ta cứ mặc váy trắng ra chụp ảnh ở các công viên để rồi ở cửa đại sảnh dẫn vào bàn tiệc không quên đặt hòm chờ phong bì. Và Tết thì thi nhau linh đình, giá có nhắc chuyện tiết kiệm liền bị coi là cổ lỗ, lạc lõng.
     Tạm gọi đây là một thứ trò chơi, trò “nhân danh phong tục”. Lấy cớ ai cũng làm vậy, người ta một chiều xem việc theo sát phong tục là điều tự hào, lâu lâu lại tìm ra vài khía cạnh mới để lăng-xê mốt, coi như mình trở về nguồn sâu sắc lắm.
     Đang ở trong tình trạng nước đôi vừa thèm vừa sợ, vừa muốn thay đổi vừa không biết thay đổi như thế nào, âu là cứ lối cũ mà làm – quan hệ của chúng ta với phong tục tập quán xưa đang ở trong cái thế như vậy.
     Người ta chỉ quên một điều: Sự tôn trọng phong tục trên nguyên tắc không đồng nghĩa với việc thực hiện mọi điều khoản của nó. Ngược lại, cần làm cho nó trở nên phù hợp với cuộc sống hiện đại, khiến cho người ta  thực hiện nó một cách hứng thú. Thế nhưng, thiếu sự hướng dẫn của trí tuệ và sự trưởng hành của trình độ sống, cái mới không dễ tìm thấy chiến thắng.
     Hàng chục năm nay, bao người suy nghĩ về cách tổ  chức Tết mà vẫn chưa tìm ra được công thức thích hợp.
     Dẫu sao, nhắc lại cái yêu cầu phải thay đổi chắc không bao giờ thừa.
     Trên báo Tiên Phong, -- tờ báo mà trên kia tôi đã nhắc- đầu 1946, Xuân Diệu có bàiTết độc lập thứ nhất và tết trung cổ cuối cùng.
   Ông bảo cách đón Tết cho thấy dân ta lười quá. Các cửa hàng không chịu mở. Chẳng ai muốn làm gì, ngoài chuyện vui chơi. Đã thế, nó lại kéo dài quá. Sau khi kêu lên “Chúng ta chưa phải là những người lớn hay sao? Chúng ta còn muốn là trẻ con hay sao ?“, tác giả đề nghị “ chúng ta[ hãy ] bỏ cái tâm hồn Trung cổ, và quả quyết cải cách cái Tết thân yêu của chúng ta, rút nó lại đúc nó thành hai ngày vui vẻ tin tưởng đầy đủ “.
   Bài viết kết thúc bằng một câu in đậm:
Đúc Tết lại, tức là làm cho Tết mạnh thêm, mà kéo Tết dài, tức là giết Tết”.
     Lời lẽ hơi bốc, rõ ra khẩu khí của một thời hào hứng, chưa biết đến chỗ khó trong lịch sử và lòng người. Nhưng tinh thần trong cái câu trên đây của Xuân Diệu là tinh thần cách mạng.
     Không biết có ai nghĩ như tôi rằng chính ra Xuân Diệu viết cho chúng ta hôm nay?
Đã in dưới đầu đề Đúc Tết lại
trên báo Đại biểu nhân dân
Số Tết Canh Dần

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn