VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nghĩ về những người giầu ở Việt Nam hôm nay

Nhân bài viết Cọp, gấu và đại gia Một người ăn mày, trong cơn đói, phải tranh ăn với con chó của một gã nhà giàu, lỡ tay đánh gẫy của con chó hai chiếc răng. Gã nhà giàu nọ lên xe ôtô phóng đuổi theo người ăn mày với ý nghĩ: - À, mày đánh gẫy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng! Thiên truyện mang tên Răng con chó của nhà tư sản mà trên đây tôi vừa tóm tắt, được Nguyễn Công Hoan viết đúng 80 năm trước ( 1929). Thú thực lần đầu đọc lên, tôi hơi ngờ ngợ, liệu có người ác, vô lương tâm, coi con chó hơn cả sinh mệnh của đồng loại ? Nhưng rồi thực tế cho tôi biết là có một hạng người như thế với cách cư xử như thế. Dân ta gọi họ là trọc phú (trọc ở đây nghiã đen là đục bẩn.) Sau khi giàu lên bằng những con đường bất chính, bon chen lừa lọc, họ coi cuộc đời chỉ còn ý nghĩa ở sự hưởng thụ và càng ngông nghênh thách thức với đời càng thích. Hơn thế nữa – như Nguyễn Công Hoan đã nói trong truỵện ngắn trên — đó là những con người càn rỡ, những nhân cách kỳ dị, bề ngoài lên mặt với đời nhưng cuộc sống nội tâm lại cực kỳ nghèo nàn nhạt nhẽo. Trên báo chí ta gần đây, hình ảnh những người giàu bắt đầu xuất hiện. Và ta lại thấy ở đám đại gia hôm nay những nét của đám trọc phú xưa, như lời cảnh báo của Huy Thọ, trong bài viết trên TT 12-9-09. Bài viết là một cảnh báo cần thiết. Đúng là trong các đại gia gần đây không ít người có chất hãnh tiến, khinh thế ngạo vật, trơ tráo tàn nhẫn. Họ gợi lại hình ảnh đám giàu xổi đã thành một bộ phận đáng ghét hằn lên trong tâm lý cộng đồng Việt bao đời nay mà văn học đã ghi nhận. Song tôi không nghĩ rằng tất cả họ đều là trọc phú. Thông minh sáng láng, khao khát tự khẳng định, quyết đoán dám làm cả những việc động trời, họ nhiều phen gợi cho tôi niềm kính phục. Nhiều khi cách sống cách nghĩ tư thế khai phá sáng tạo của họ đã đánh thức tinh thần năng động của xã hội và mở ra lối thoát cho những tình thế bế tắc. Chẳng qua trưởng thành trong thời nhốn nháo, nhiều phen họ đã phải lấy cái ác để vượt lên sự trì trệ. Cuộc vật lộn hàng ngày quá quyết liệt tước đi gần hết của họ cả những niềm vui hồn nhiên lẫn những giây phút hướng thượng cao đẹp. Nhìn một cách bao quát, tôi chỉ thấy tiếc. Nếu được sự dắt dẫn của trí tuệ , lẽ ra họ có thể tìm được những định hướng khác. Tài năng và sức lực của họ sẽ được huy động để trở nên có ích hơn cho cộng đồng, và như vậy, tên tuổi họ còn có khả năng ở lại với tương lai, với lịch sử, chứ không phải chỉ được truyền tụng kèm theo bao lời chê trách như hiện nay. Huy Thọ có nhắc tới cách sống và tồn tại của nhiều đại gia nước ngoài Warren Buffett, Bill Gates, Morita Akio (cha đẻ Sony). Tôi đọc trong đây một sự gợi ý để suy nghĩ về lý do đang có quá nhiều mặt hư hỏng ở các đại gia VN hôm nay. Một thời gian dài, đất nước trong thế cô lập, và giá trị duy nhât được đề cao là những gì có ích cho chinh chiến. Luẩn quẩn trong cuộc sống tù đọng, doanh nhân VN, cũng như anh như tôi lúc ấy, tìm cách đánh bóng tên tuổi qua cách chơi trội so với chung quanh, và lấy việc học đòi bắt chước được sự phá phách cuồng loạn của thiên hạ làm niềm tự hào. Hoàn cảnh hôm qua đã quy định cho con người như thế, ta nên hiểu cho nhau. Nhưng trong hoàn cảnh hội nhập , nếu cứ diễn mãi nếp sống của đám chúa đất, và do đó nêu tấm gương xấu cho lớp trẻ, thì đó lại là điều đáng trách, đúng hơn là có tội. Đã in ở Tuổi trẻ 14-9-09 (có bổ sung thêm đoạn cuối)

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn