VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Khổ vì lắm tiền

Photobucket(TBKTSG) - Đã dính vào nghiệp buôn, hẳn ai cũng biết cái câu “Buôn tài không bằng dài vốn”. Ấy vậy mà nhiều bà buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân gần đây bảo với tôi rằng có lúc thấy sợ cả những đồng vốn giời ơi đất hỡi, tức là cái đồng tiền từ đâu không rõ tự nhiên đến trong tay mình.

Sợ với nghĩa có nó thì người ta cứ thấp thỏm không yên. Muốn trổ tài với thiên hạ. Ra tay buôn thật to, ôm thật nhiều hàng.

Sau này nghĩ lại mới thấy dại.

Thế này nhé, có phải lúc nào cũng có hàng tốt, hàng cần mà ôm đâu. Rồi kho chứa ra sao, bảo quản ra sao. Rồi lo bán, lo đòi tiền. Đang đủng đỉnh “nửa ngày bán nửa ngày chơi”, giờ phải làm nhiều cứ cuống cả lên, không đổ thì vỡ, không đếm nhầm thì vào sổ sai. Đằng sau cái vẻ hoành tráng “phồng phềnh như miếng tóp mỡ”, hóa ra cái mầm hậu họa đã nằm bên trong lúc nào không biết. Kết luận rút ra là phải lượng sức mình. Mình có làm được không thì hãy làm. Không để cho đồng tiền nó kích động.

Đồng tiền không bẩn như mấy người đạo đức giả nguyền rủa. Nó được việc lắm, nếu biết sử dụng. Cái chính là anh có điều khiển được nó hay không. Như cái xe mới, trông ai mà chả thích. Nhưng không già tay lái là toi với nó như chơi!

Xét chung trong phạm vi cả nước, bài học của mấy bà chợ Đồng Xuân không phải là không đáng rút kinh nghiệm. Cả nước đang khổ vì giá cả leo thang, lạm phát nếu không kiềm chế được sẽ gây ra nhiều phiền phức cho an sinh xã hội. Nhiều lý do đã được viện dẫn. Lạm phát toàn cầu, thiên tai, mất mùa; chính sách tiền tệ và tín dụng, trong đó có liên quan đến đầu tư. Và để chạy chữa, theo logic thông thường, có việc kêu gọi thực hành tiết kiệm, việc tăng cường kiểm tra các nhà buôn đầu cơ, việc giảm thuế…

Một số nhà kinh tế có cách cắt nghĩa khác. Họ bảo trong số rất nhiều nguyên nhân, một phần còn là đồng tiền nước ngoài chảy vào dồn dập và việc quản lý nó còn thiếu kinh nghiệm.

Đúng ra phải nói ta chưa bao giờ phải đối diện với một thực tế như thế này. Chính việc đồng tiền đổ vào mạnh mẽ - một điều tưởng là “trên cả tuyệt vời”, xưa nằm mơ cũng không thấy - lại là một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra rối loạn trong đời sống kinh tế nói chung và chuyện lạm phát nói riêng - toàn chuyện động trời mà ta không biết.

Tôi nghe chưa thủng chuyện kinh tế, song bằng lương tri thông thường cứ cảm thấy không chừng đó là một hướng suy nghĩ có lý. Tạm ví nôm na tiền tệ giống như thức ăn không chỉ ngon miệng mà còn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Bởi đã lâu ngày thiếu đói ta tưởng cứ ních thật nhiều vào là… đến ông trời cũng không sợ. Có biết đâu nếu sẵn cơ thể ốm yếu, không có một bộ máy tiêu hóa khỏe thì mọi chuyện đều vô nghĩa. Tối thiểu là thức ăn bổ mấy cũng trôi tuột đi hết, còn trơ cái thân thể gầy còm. Mà nguy hơn còn là tác hại khôn lường. Cái phần béo bổ kia, khi không được sử dụng thích đáng, tự nó trở thành nguồn bệnh. Thế là bệnh cũ chưa xong lại thêm ra những bệnh mới, hoặc bản thân bệnh cũ có thêm diễn biến mới.

Xưa nay có ai tự nhận là không biết cách ăn uống tẩm bổ bao giờ. Như xưa nay không mấy ai nhận là không biết tiêu tiền. Nhưng sự thực là thế. Ta nghèo quá lâu, không thạo tiêu tiền có gì là lạ. Cả nỗi sợ của kẻ có tiền nhiều, ta cũng chưa biết.

Nhìn rộng ra là cả một nếp nghĩ chủ quan đơn giản. Lâu nay cứ tưởng ta khổ, không ngóc đầu lên được chỉ vì quá nghèo, vì thiếu vốn. Tha thiết mời người ta đầu tư vào một phần. Lại càng không tiếc công sức đi vay. Cầm đồng tiền trong tay vẫn không biết lo. Đầu tư vào chỗ nào đây? Phân chia như thế nào đây? Người quản lý đâu, cơ sở kho tàng bến bãi ra sao? Ai là người biết làm để giao tiền giao vốn? Những câu hỏi ấy không hề được đặt ra.

Trong lúc còn đang lúng túng giải ngân thì cán bộ với dân được dịp “té nước theo mưa”, ăn chơi cứ vung cả lên. Xây trụ sở hoành tráng, mua xe xịn, đi nước ngoài chơi bời và đánh bạc, không ai bảo ai cứ sểnh ra là vào cuộc đỏ đen.

Thì tấn bi hài kịch đang diễn ra có gì là lạ?

Khu tôi đang ở nay là một quận mới thành lập. Trước kia là huyện ngoại thành nên dân khá nhiều đất, thổ cư mỗi nhà vài trăm mét là thường. Nay được dịp đô thị hóa, mỗi nhà “cấu” trăm mét mang bán cũng thành tỉ phú. Tiền được dùng vào việc thiết thực, xây lấy cái nhà, mua lấy cái xe. Vẫn chưa hết, một số người… tự mình phá mình. Con bé lái xe gây tai nạn đi tù, con lớn sa vào nghiện hút, nói như các cụ ngày xưa, đồng tiền đội nón đi cả. Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, có người ngồi chống tay nghĩ lại đã thấy sợ đồng tiền. Nhưng sợ thì đã muộn.

Vậy là dù ở tầm vĩ mô hay vi mô thì đồng tiền cũng hiện ra với cả những mặt trái của nó. Thường ở từng cá nhân và từng gia đình, bệnh trạng được chỉ ra nhanh hơn. Còn trong phạm vi xã hội, người ta bị tình trạng phồn vinh giả tạo che lấp tầm mắt, ngại nghĩ thế lắm. Chưa nhận rõ bệnh, thì chạy chữa... còn là mệt!


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn