Khoảng từ 1932 đến 1940, Tự Lực Văn Đoàn của nhóm các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng... nổi lên như một tổ chức văn học đầy uy tín tới mức họ thường xuyên đùa giỡn trước mặt mọi người, "xoa đầu” anh em trong giới.
Trên Ngày Nay số xuân 1940, Lê Ta (Thế Lữ) cùng Tú Mỡ mở mục Minh niên giáng bút, mượn lời một bà già khăn chầu áo ngự để "phán" về các đồng nghiệp... Theo chính Lê Ta và Tú Mỡ nhấn mạnh thì trong "lời phán" này có những chữ, hoặc những nghĩa, hoặc những ý tứ có liên quan đến tên tuổi, đến tâm tính hay công việc của từng người, ai có đọc văn học tiền chiến sẽ hiểu sâu sắc hơn. Dưới đây là một ít dẫn chứng...
1- Loại đùa bỡn nhẹ nhàng vô thưởng vô phạt:
Về Tam Lang:
Tưởng người cùng xóm văn chương
Học đòi lại muốn theo phường kéo xe
Nhưng thân phục phịch nặng nề
Kéo xe chẳng nổi quay về kéo... văn.
Về Nguyễn Tuân:
Nghe vang theo bóng một thời
Tên này thực biết vâng lời người trên
Bây giờ gần gụi ả phiền
Hỏi han câu chuyện ngọn đèn dầu ta.
Về Tú Mỡ:
Danh thì mập, thực thì còm
Chỉ già béo mép béo mồm béo văn
Khi cười phá, lúc cười gằn
Người toe toét miệng, kẻ nhăn nhó mày.
2- Loại châm chọc, nhưng chưa đến nỗi ác ý quá đáng:
Về Lê Văn Trương:
Nói năng hùng dũng hơn người
Khôn vì xuôi ngược đã mười năm xưa
Đầu làng sức mạnh có thừa
Vỗ vào ngực thét: Tôi thờ trái tim.
Về Lưu Trọng Lư:
Cái tên này cũng đáng ngờ
Ấy bình hương khói hay lừa nặng cân
Làm thơ giàu điệu nghèo vần
Ra đời với bác sơn nhân độ nào.
Về Lan Khai:
Tên là lan ở trên đời
Chẳng thơm hẳn đã có mùi khai khai
Viết văn kể chuyện dông dài
Ở trên mạn ngược làm vui đường rừng.
3- Loại có phần cay độc đi gần tới xúc phạm:
Về Vũ Trọng Can:
Gan to, gan nặng lạ lùng
Bởi vì trong óc hẳn không có gì
Thế mà cũng dám ti toe
Nói năng viết viết để lòe tài hoa.
Về Ngô Tất Tố:
Gặp khi tắt lửa tối đèn
Mập mờ tài trắng hay đen hỡi tài
Vì ta phát giác ra ngoài
Mười năm hương lửa cũng hoài luống công.
Về Ngọc Giao:
Tên này mới quý làm sao
Còn văn thì chẳng bún nào mềm hơn
Tài năng nhũn nhẽo như lươn
Xui chàng yêu ả, chị hờn với anh. ...
Từ thời điểm hôm nay, thử nêu một vài nhận xét: Thời nào cũng vậy, con người thích đùa bỡn châm chọc nhau, và thường nhân những ngày Tết làm vài trò quậy kiếm vui.
Những chuyện châm chọc khích bác trong giới nghệ sĩ vốn có sức lôi cuốn đặc biệt với đông đảo bạn đọc. Người đời thích nhớ tới thói xấu của những người nổi tiếng để tự an ủi: Ra họ chẳng khác gì mình. Trong một truyện ngắn mang tên Huyền thoại phố phường, Nguyễn Huy Thiệp từng nói tới vai trò của những "mẩu chuyện hậu trường" loại này trong đời sống hàng ngày:
“Bữa ăn có Phúc thú vị hẳn lên. Phúc kể chuyện khéo, ông biết nhiều giai thoại ngộ nghĩnh của giới văn nghệ. Trong một bữa ăn phong lưu, thật chẳng có món gia giảm gì hợp vị hơn là món ấy”. Nhận xét của Nguyễn Huy Thiệp không phải chỉ đúng với người ngày nay, mà ngày xưa cũng thế.