VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

SỔ TAY

Vai trò của lý luận
Sự song hành giữa lý luận và thực tiễn là một đặc điểm của tư duy hiện đại . Trong vật lý thiên văn ,người ta bảo rằng nhiều ngôi sao đã được tìm thấy bằng tính toán trên trang giấy trước khi người ta quan sát được nó bằng các loại kính viễn vọng .
Trong văn chương thế kỷ XX cũng có tình trạng tương tự. Nhiều nhà văn ( trong số này có những người về sau đoạt giải Nobel )bắt đầu bằng những tuyên ngôn mang tính cách lý thuyết , sau đó mới viết để kiểm tra  lại và chứng minh thêm lý thuyết của mình .
Nhưng đó là chuyện của những nền văn chương khác ở những nước khác . Còn ở ta hiện nay , mọi chuyện được quan niệm gần như  ngược lại . Khía cạnh lý luận của sáng tác ư, chuyện xa vời quá . Thậm chí với một số cây bút đầy tự tin thì  lý luận được xem như sự bịa đặt của ba bốn anh  bất tài , rỗi hơi không biết làm gì  ghé vào văn chương xin việc , và toàn đưa ra những điều không cần gì cho những người cầm bút . Ngay ở những lớp sáng tác được mở thì thời giờ để học lý thuyết  cũng bị thu hẹp đến mức tối thiểu , nói nôm na là học cho lấy lệ ,có bao nhiêu sức lực anh hãy đổ vào sáng tác giữa những người mở lớp và người đi học có sự thoả thuận ngầm như vậy  . Nói thì dễ làm mới khó ,anh có tài anh hãy viết ra cho tôi xem chứ còn bàn xem thơ phải như thế này thơ nên như thế kia ư , cái đó “ chẳng đáng một xu” — đại khái với tinh thần sùng bái hành động người ta  phủi tuột . Tiểu thuyết là gì , trong thời đại hiện nay tiểu thuyết đang biến đổi theo hướng nào để theo kịp những biến động trong tâm lý và tư tưởng con người , như thế nào mới gọi là tiểu thuyết hiện đại .. . — khi tổ chức một cuộc thi  to tát như thi tiểu thuyết chẳng ai nghĩ đến chuyện giới thiệu thêm sách vở để cùng đọc hoặc mang ra trao đổi trên mặt báo  . Cứ  viết đi rồi  cái hay tự nó cắt nghĩa tất cả . Ơ chỗ riêng tư  có thể cũng có ai đó tự đặt cho mình những câu hỏi đi sâu vào nghề nghiệp nhưng  người ta cũng biết ngay rằng  có bàn cũng chẳng có ai hưởng ứng  , âu là ta hãy cứ làm như mọi người .
Chẳng cần nhìn rộng ra các nước khác mà chỉ nhìn lại văn học VN thế kỷ XX người ta cũng nhận những kinh nghiệm khác hẳn . Đầu những năm hai mươi , vào dịp  bắt đầu có nhiều người viết tiểu thuyết theo lối mới , trên tạp chí  Nam Phong Phạm Quỳnh có ngay một bài khảo luận khá công phu ,sau được in  thành cuốn sách riêng . Những năm ba mươi, ý kiến bàn về tiểu thuyết càng nhiều . Tới đầu những năm bốn mươi Vũ Bằng lại  giảng giải tỉ mỉ về tiểu thuyết trong cuốn Khảo về tiểu thuyết ( trước  đó cũng đã  cho in  báo ) . Khoảng  năm 1954 , ở Sài Gòn nhóm Sáng tạo có một cuộc thảo luận kỹ về nghệ thuật tiểu thuyết trong đó bộc lộ khao khát vượt qua giai đoạn tiền chiến để có một trình độ tư duy mới . ở Hà Nội ,NXB Văn học cho in nhiều  cuốn sách mỏng nhưng có ý nghĩa thiết thực như Nói về tiểu thuyết của Ngô Cường , Nguỵ Kim Chi , Mao Thuẫn ;Kinh nghiệm viết văn của Triệu Thụ Lý , Ngải Vu ; Công việc viết văn của Ehrenburg ; Những mưu toan đổi mới trong nền tiểu thuyết hiện đại của Dneprov và Kuznetsov ; sách của tác giả trong nước có Công việc của người viết tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi và  Viết tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan , Võ Huy Tâm  . Lâu nay ,những cuốn sách tương tự không được giới thiệu , loại sách nặng như Lý luận và thi pháp tiểu thuyết của Bakhtin, Nghệ thuật tiểu thuyết của Kundera  dịch ra rồi đấy , nhưng không được người trong giới bàn bạc trao đổi  . Mà chừng nào chỉ có vài người người tâm đắc  với việc đổimới  tư duy tiểu thuyết làm việc trong âm thầm đơn độc , chừng đó nền tiểu thuyết đại trà nói chung còn đi vào vết xe cũ .
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Tâm sự người đi hội thảo
Sắp đến lễ kỷ nịêm 25 năm ngày mất của một nhà thơ nọ . Sinh thời ông được coi như một trong những nhà văn hàng đầu của đời sống văn học nên lẽ tự nhiên là đơn vị sở tại nơi nhà thơ này công tác  lo làm một cuộc hội thảo , một việc rất hợp lòng người .
Về mặt cá nhân mà nói ,tuy không có một văn bản nào quy định sẵn , song ai cũng hiểu thời nay được mời dự một cuộc hội thảo nào đó tức là  một phen tên tuổi  người làm khoa học được khẳng định .
Có lẽ vì vậy mà nhà nghiên cứu X. bạn tôi không khỏi đau khổ khi buộc phải từ chối tham dự cuộc hội thảo sắp tới . Anh tìm đến tôi để than thở :
­—  Khổ lắm , ngày giỗ kề tận nơi thì người ta  mới đến mời , làm như là lúc nào mình cũng rỗi ,và chỉ ngồi vào bàn khoắng bút là xong . Kiểu mời như vậy tức đã coi các báo cáo chẳng ra gì rồi . Đến lúc mình vừa gãi đầu gãi tai nghĩ ngợi thì lại được ngay một câu thúc giục : Xin anh quyết định ngay cho nếu không còn mời người khác . Chỉ còn thiếu cách nói trắng ra rằng chẳng qua tôi nể anh nên mời thôi ,  chứ không có anh đã có người khác ,vậy thì còn gì mà không từ chối phắt .
Ra thế ! Trông vẻ đau khổ của bạn , tôi đành yên lặng chứ không dám nói gì thêm , trong bụng thầm nghĩ không ngờ  bạn mình lạc hậu quá : thời nay người ta làm hội thảo để lấy thành tích và đi hội thảo cho vui chứ mấy ai tính chuyện  chất lượng mà anh lo . Còn như  quan niệm về người báo cáo ấy ư ? Chỉ có trật tự duy nhất là trật tự quan chức hoặc học hàm học vị ngoài ra không cô thì chợ cũng đông , và điều quan trọng nhất : Anh đòi anh được công nhận như một tiếng nói buộc phải có nếu không thì không ra hội thảo ư ? Nói thật nhé  , cái ý nghĩ loại đó  không bao giờ có trong đầu chúng tôi .
Không rõ hôm ấy tôi khéo đóng kịch ra sao mà anh bạn quá tin , còn tiếp tục dốc bầu tâm sự :
–  Khi thấy  mình lưỡng lự , người đến mời không quên bổ sung , rằng hôm ấy có TV  về quay , nói xong tỏ vẻ thương hại rằng ngon lành như thế cơ mà , lẽ nào một người có lý trí bình thường lại bỏ qua  . Thì ra họ coi mình là  loại đi họp chỉ thích nhoi lên hàng đầu để máy quay lia qua vài giây ,về nhà doạ vợ con , thế là cái máu tự trọng dở hơi  nổi lên , nhất định cám ơn tạm biệt .
Cái may cuả anh bạn tôi là vẫn còn một chút tỉnh táo , nên mới tự nhận là mình dở hơi , và thú thực rằng mình thấy tiếc . Nhưng dẫu sao anh đã không nhận lời , tức đã nhất quyết là mình . Cá nhân anh còn thế  , thử hỏi những người tổ chức hội thảo làm sao họ thay đổi  quan niệm vẫn có ,nào là chuẩn bị thật chu đáo nào là  mời bằng được người nọ người kia phát biểu ,toàn những việc làm phiền cho họ chứ không thể giúp họ sang trọng hơn ? Rồi họp hành lộn xộn chẳng ai nghe ai, rồi có những người đi họp chỉ vì phong bì   (có ban tổ chức chỉ thích phong bì thật nhẹ để mời được rộng ; khi thế bắt buộc phong bì phải tương đối nặng thì người ta chỉ dành giấy mời cho những người cánh hẩu ) — làm sao liệt kê hết ra đây  những điều lạ lùng quanh ta ? Có điều một năm có bao nhiêu cuộc hội thảo tương tự như hội thảo về nhà thơ nọ ,tôi biết rằng không đi đám này rồi bạn tôi  với tất cả sự nhạy cảm của mình sau cơn bực bội lại phải có mặt trong đám khác , chắc anh không đủ sức  mà từ chối mãi . Bởi có một câu mà người ta thường nói với nhau và tôi đoán trong bữa cơm chiều trong gia đình vợ con anh cũng nói với anh , khi nghe từ chuyện tham nhũng , chuyện cháy rừng , tới  chuyện ngộ độc thức ăn :
– Thời buổi này , nước nào chẳng thế !
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,…………………………………………………..
Đã thông tin còn dự báo !
Hàng ngày cuối các bản tin thời sự của đài truyền hình  đều có mục thông báo về thời tiết . Mời quý vị và các bạn nghe những thông tin mới nhất về thời tiết hoặc Sau đây là mục dự báo thời tiết . . . Trong các câu ấy  ,  thông tin mang ý nghĩa trung hoà , còn dự báo nghĩa có hơi khác đi một chút (lưu ý rằng đây chỉ là những điêù được đoán định trước là có thể xảy ra , chứ không chắc đã đúng ) . Song nhìn chung hai từ gần như đồng nghĩa . Thôi thì mỗi người có một thói quen , các biên tập viên hay phát  thanh viên cũng có thói quen riêng , nên dùng từ  nào cũng được . Thế nhưng gần đây nhiều lần tôi được nghe một số biên tập viên hoặc phát thanh viên nói bằng giọng rất lịch sự : Mời quý vị và các bạn nghe những thông tin về dự báo thời tiết . Vâng ,đã tin rồi lại còn báo ,hình như người nói cảm thấy dùng một từ thôi không đủ , phải mang từ nọ ngoặc thêm vào từ kia mới an lòng . Có biết đâu số  từ dôi ra , tính cho chính xác , là bằng 150% số từ cần thiết  . Nó   gợi cảm giác kềnh càng , và ai người yêu thích sự trong sáng của ngôn ngữ  hẳn rất khổ tâm  khi đặt ra câu hỏi : Phải chăng nhiều người chúng ta đang rất cẩu thả trong việc sử dụng tiếng Việt ?  Hình như  những người ấy chỉ  biết nói lấy được mà không bao giờ thử lắng nghe xem mình đã nói như thế nào ? Và cái bệnh vô cảm đang có dịp lây lan  , thấy người khác nói sai , chúng ta cũng mặc kệ , như hàng ngày thấy có kẻ làm việc xấu , chúng ta dửng dưng quay  đi , không hơi đâu mà có ý kiến  ?!
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Vừa viết vừa học hỏi
Mấy năm đầu tiên , tờ báo ( hay tờ tin ? ) của chúng ta còn mang tên Văn hoá thể thao quốc tế nghĩa là đăng toàn bài vở trích dịch từ báo tây, báo tàu , và về sau dù có đổi tên  , đổi quy cách làm để định hình như ngày nay , thì phần  bài lấy từ nguồn nước ngoài  vẫn còn đang chiếm một tỉ lệ lớn một phần quan trọng làm nên chất lượng và cái vẻ riêng của TT&VH . Bởi vậy khi viết cho báo , từ tâm lý người tiếp nhận , trong tôi luôn luôn có chút lo lắng : sau khi đọc những trang viết cô đọng chắt ra từ những tờ báo lớn trên thế giới , bạn đọc liệu có vui lòng đọc tiếp phần văn hoá trong nước  mà bọn tôi viết , hay nó sẽ chỉ gợi nên cảm giác chán ngắt , và vừa cầm lên là người ta bỏ tờ báo xuống ? Nói cách khác làm sao để  bài viết của mình và bạn bè mình hoà hợp với phần bài vở viết rất hay kia , tạo cho tờ báo một sự thống nhất và hoà hợp về giọng điệu ? Chính sự lo lắng thường xuyên này buộc tôi phải đọc kỹ cái phần văn hoá quốc tế mà báo giới thiệu , học cách làm của báo chí nước người trong việc xử lý các khâu cơ bản trong  nghề nghiệp , từ những chuyện nhỏ như viết một mẩu tin , đặt một cái tít , cho đến những chuyện lớn như nêu vấn đề và có cách lý giải thích hợp với  các vấn đề văn hoá trong nước . Đến nay sau 18 năm gần như liên tục cộng tác với TT&VH , tôi cảm thấy ngòi bút làm báo ở mình có tiến bộ ít nhiều , bởi vậy  nhân dịp này xin có lời cảm tạ với những anh em chủ trì đã giữ cho tờ báo một sự liên tục về giọng điệu .
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Thưởng thức và học hỏi
*  Người ta phải lấy làm lạ khi biết rằng vào thời mà thông qua màn ảnh nhỏ, hàng ngày có tới dăm bảy bộ phim trong nước ngoài nước được trình chiếu rộng rãi ,thì tiểu thuyết , cái khung cùng là cái hồn ban đầu của các phim truyện , lại chỉ có một ít hoạt động khiêm tốn . Vào những ngày này , không phải là không có hàng loạt cuốn sách của các nhà văn trong nước đề là tiểu thuyết được bày bán rộng rãi ,tạm kể như Tự bạch của trung tá Z của Mai Vũ ,Bí mật cây sồi đen của Trần Đình Nghiêm ,Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn ,Vầng trăng ban ngày của Vĩnh Quyền ,Ngày hội cuối cùng của Tạ Duy Anh , Cháy đến giọt cuối cùng của Nguyễn Thị Anh Thư v..v.. Thế nhưng trên mặt báo chúng ít được giới thiệu ,nơi các bản tổng kết sáng tác hàng năm chúng không được liệt kê và  trong câu chuyện hàng ngày không thấy mấy ai nhắc nhở … Chỉ tới các hiệu sách , người ta mới thấy một ít tiểu thuyết mới viết nằm đó , có điều chúng như bị lẫn đi giữa cơ man nào là  các cuốn sách cũ giờ liên tục tái bản  và làm bìa thật đẹp .
*  So với tiểu thuyết , ai cũng biết là giờ đây thơ còn bị lép vế hơn một nước nữa . Trong nhiều trường hợp nó chỉ còn có vai trò  một thứ lưu niệm  lưu truyền trong phạm vi hẹp của những người bạn . Tuy vậy vẫn không nên quên là ở nhiều cửa hàng sách có cả một xê-ri thơ bỏ túi khổ nhỏ thường xuyên bày bán và nếu biết rằng vào những ngày này  ở đó có đủ cả từ thơ Xuân Diệu , Hàn Mặc Tử , Nguyễn Bính , Xuân Quỳnh  tới thơ Phan Bội Châu, thơ Nguyên Sa  và cả thơ dịch của Bạch Cư Dị … thì người ta có thể mừng chính đây lại là cái cửa để thơ đến với bạn đọc đông đảo . Không biết có nhà thơ nào laị không mơ ước là có ngày thơ mình xuất hiện dưới hình thức hàng chợ như vậy !
*  Khả năng trở thành hàng hoá gần như không bao giờ đến với các loại sách phổ biến kiến thức (ngoại trừ khu vực sách giáo  khoa sách luyện thi ) , song ở đây luôn luôn có sự muôn màu muôn vẻ trong đề tài . Chẳng hạn , ngoài các loại sách lịch sử , thì gần đây có thêm các loai phổ biến kiến thức văn hoá như kể về các danh lam thắng cảnh trong nước , các kỳ quan nổi tiếng thế giới . Hoặc đây ,mấy cuốn sách nghiên cứu về tôn giáo dưới góc độ văn hoá : Tìm hiểu nét đẹp văn hoá Thiên chúa giáo , Nghi lễ và lối sống công giáo trong văn hoá Việt Nam , Sự du nhập của  đạo thiên chúa giáo vào Việt Nam từ thế  kỷ XVII đến thé kỷ XIX ,Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản v..v..
Người có nhu cầu nghiên cứu còn có thể  tìm đọc Từ điển tôn giáo  vốn nguyên văn bằng tiếng Pháp in ra ở nhà Khoa học xã hội với cách trình bày học theo nguyên bản nghĩa là sang trọng , trang nhã .
* Đồng thời với việc làm cuốn Các bài giảng về tư tưởng phương Đông của Trần Đình Hượu , Lại Nguyên ân còn bắt tay sưu tầm biên soạn các bài khảo cứu văn học của Lê Thanh vốn in từ trước 1945 và nay sách đã được xuất bản . Còn Đỗ Lai Thuý thì tập hợp các bài viết của mình về các trí thức thành một  tập sách mang tên Chân trời có người bay . Nhân vật chính trong cuốn sách  này là những người nổi tiếng như Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh , Trương Tửu ,Trần Đức Thảo , Nguyễn Khắc Viện
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Một ngàn lẻ một  cách trở lại với lịch sử
Thành công của Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly hình như có vai trò kích thích người ưa sáng tác trở lại với quá khứ . Nhiều  cuốn tiểu thuyết lịch sử khác –  cuốn mới viết  , cuốn được in lại —    nối tiếp nhau xuất hiện  trên thị trường : Gió lộng cờ đào,  Ưc Trai tâm thượng quang khuê tảo ( đại ý lòng dạ Ư c  Trai vằng vặc như sao Khuê,viếtvềNguyễnTrãi),LêLợi. .
Song  không phải ai cũng thích và có thể viết tiểu thuyết . Có một loại  sách khác phổ biến hơn , ở đó tác giả  chỉ cần   chăm chú bám sát sự kiện có thật  là đủ ,  mà không cần hoặc chưa cần viện dẫn tới  hư cấu . Người ta gọi chúng bằng  những cái tên khác nhau : truyện ký danh nhân , ký sự lịch sử  hoặc có khi đơn giản hơn là các hồ sơ lịch sử .
Ở nước nào cũng vậy , loại sách này hiện nay rất phổ biến và không phải không có cơ hội trở thành sách bán chạy .  Một tác giả Trung quốc như Diệp Vĩnh Liệt gần đây được nhiều người  ở ta biết tới  là qua bản dịch các cuốn sách đi sâu vào cuộc đời các nhân vật của lịch sử hiện đại như Mao Trạch Đông Tưởng Giới Thạch . Ở Nga trong số các  tác giả  nổi tiếng , có một người là Roi Medvedev được các nước Tây Âu biết tiếng nhiều song chưa có cuốn nào của ông được dịch ra tiếng Việt . Vai trò thể nghiệm dịch sách điều tra  lịch sử của Nga gần đây thuộc về NXB Trẻ với cuốn Bí ẩn về cái chết của Vladimir  Maiakovski  (tác giả cuốn sách này nêu lên giả thuyết không phải Maiakovski tự tử , mà là bị bức tử )
Trở lại với sách trong nước . Nhiều cuốn sách của Phan Trần Chúc được in lại đáp ứng nhu cầu của nhiều người muốn biết thêm về những nhân vật như Lê Chiêu Thống hoặc Bùi Viện . Sách mới viết thì có một  vài cuốn viết  về  Yết Kiêu hoặc Phạm Thận Duật  , Quang Trung hoặc Nhân Vương Trịnh Cương
Tuy nhiên  viết về các nhân vật lịch sử không phải là cách duy nhất  . Trở lại với quá khứ còn bao gồm nhiều cách làm khác với nhiều loại công việc khác  . Người ưa tìm hiểu phong tục có thể đọc lại  Nếp xưa của Toan ánh . Người ưa chuyện hiếu kỳ có thể tìm mua Hoạn quan Việt Nam . Người muốn đi sâu vào một thể loại văn chương có thể tìm Phú Việt Nam cổ và kim . Người  không quên sử học là một ngành khoa học với tất cả tính chất tôn nghiêm chặt chẽ hẳn sẽ thú vị với  cuốn Chữ trên đá chữ trên đồng của g/s Hà Văn Tấn . Cuốn sách có một tên phụ Minh văn và lịch sử ( minh  văn ở đây là “ những dòng chữ trên bia đá chuông đồng và một số cổ vật “ ) . Đây là một chuyên đề Hà Văn Tấn theo đuổi đã lâu , có bài như Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư  ông viết từ cuối 1964, nhiều bài khác được viết những năm gần đây 1999 , 2000….Được hoàn thành trong thời gian tác giả mắc trọng bệnh , Chữ trên đá chữ trên đồng mỏng mảnh chưa đầy 200 trang in , song là một tài liệu chứng tỏ việc đi vào lịch sử đòi hỏi người ta bắt đầu từ những công việc sưu tầm tỉ mỉ , và người làm sử phải uyên bác lắm mới  có thể theo đuổi đến cùng  những công việc khó nhọc đó .
Giới thiệu sách mới :
Loại sách sáng tác : Hà Nội 36 truyện ngắn hay , Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà , Truyện ngắn Bảo Ninh , Nhìn từ phía khác ( tập truyện ngắn của Dạ Ngân ) ,Nghê đá ở miếu cô cậu  ( tiểu thuyết của  Nguyễn Thị Vân ) , ổ rơm ( tiểu thuyết của Trần Quốc Tiến ) Hiến dâng  (tiểu thuyết của Nguyên Nguyên )…
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Tài năng của ngơời biết tìm ra sách tái bản
Từ Truyện cổ Andersen , Ruồi trâu , Những ngơời khốn khổ ,Đỏ và đen ,Những ngơời thích đùa , tới Tam quốc Tây du Thuỷ hử , từ  các loại truyện cơời truyện trạng  ,Truyện Kiều , tới Hồn bơớm mơ tiên, Tắt đèn , Số đỏ ,Chí Phèo   … lâu nay danh mục sách tái bản khá ổn định, ai chơa kịp mua có thể yen tâm thả  nào cũng có lúc sách đơợc in lại .
Nhơng hôm nay tôi muốn nói việc tái bản một loại sách  đòi hỏi nhiều công phu hơn.
Nhân vật chính của  cuốn hồi ký  Một thời để mất  là Nguyên Hồng .  Song tác phẩm không chỉ viết riêng về những kỷ niệm liên quan tới  cây bút kỳ cựu  , mà đồng thời đây cũng là dịp  để Bùi Ngọc Tấn viết về mình và lớp người cùng tuổi nhơ mình . Cách viết chân thực , nhiều chi tiết đọc rất cảm động . Bởi vậy sau khi in lần đầu 1994, cuốn sách đã được tái bản vào năm 2001 , và mới đây lại được in chung vào cuốn Viết về bè bạn của tác giả (NXB Hải Phòng 2003) .
Một dấu hiệu của sự nhạy cảm trong việc tìm sách tái bản sát  với nhu cầu thị trừờng là trường hợp cuốn Thân phận tình yêu  in ra ở NXB Phụ  nữ
Lại có trường hợp như cuốn hồi ký Sáng tối mặt người của  nhà văn Sao Mai . Ban đầu sách in ra ở NXB Công an nhân dân  và được gọi là tiểu thuyết . Nhưng gần đây  NXB Hội nhà văn đã đề nghị được in lại và đề rõ là hồi ký . Những ai chưa kịp mua sách lần trước có dịp bổ sung cho tủ sách của mình .
Chính trong việc cho in lại những cuốn sách loại này , những người làm xuất bản mới bộc lộ tài năng và  bản lĩnh ,  mà bạn đọc cũng có dịp nhờ. Còn các nhà văn , họ cũng trông vào đấy để yên tâm tin rằng nếu chịu khó đầu tư công sức cho sáng tác thì của làm ra trước sau sẽ  được đánh giá đúng .
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
DẠO QUA CÁC CỬA HÀNG SÁCH
sách phổ cập
Biết rằng triết học là khó nên nhiều người vẫn thầm ao ước là có thêm những quyển sách giảng giải về triết một cách dễ hiểu . Mặt khác đứng về phía người viết mà xét  thì việc tóm tắt những bộ sách dài và nặng thành những tập sách mỏng tiện dụng, làm cho những điều tưởng chừng khó hiểu trở nên dễ hiểu với mọi người mà vẫn không làm hỏng tinh thần nguyên tác … đó cũng là một loại công việc hết sức thú vị .
Để đáp ứng cả hai loại nhu cầu đó ,ở nhiều nước trên thế giới xuất hiện những người viết sách phổ cập triết học . Chẳng hạn trường hợp hai tác giả William S. Sahakan ,  Mabel L . Sahakan và  cuốn Tư tưởng của các triết gia vĩ đại mà bản dịch tiếng Việt vừa được phát hành .
Còn nhớ mấy năm trước một cuốn sách quý đã được dịch và cho in , cuốn Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới của J.Chevalier  và A.Gheerbrant . Có điểu sách lên tới hơn một ngàn trang khổ to ,kiến thức trình bày lại quá nặng ,nên nhiều người mua về chỉ để bày để ngắm chứ không có can đảm đọc hết. Và tự nhiên nhiều người gặp nhau ở một ao ước : Giá có ai đó đọc kỹ bản dịch rồi viết lại từng mục từ mỗi mục độ nửa trang, một góc trang  ,cả bộ rút lại thành một cuốn sách trong vòng 300 trang khổ nhỏ , rồi cả hai bộ sách này ( bộ chính và bộ tóm tắt ) cùng tồn tại để  tuỳ lúc mà dùng  thì đỡ cho người đọc biết mấy .
Cái đề nghị đối với Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới đến nay chưa ai ở ta thực hiện ,song với sự xuất hiện của những cuốn như Tư tưởng của các triết gia vĩ đại nói ở trên thì xem ra nó cũng rất có lý .
Một điều may mắn đối với người ham đọc triết là gần đây mấy bộ từ điển triết học đang được biên dịch ,ngoài ra còn có cuốn Truy tầm triết học đã được xuất bản . Đây là một thứ văn tuyển . Như phụ đề ghi ngay sau tên sách đã nói rõ , Truy tầm triết học nhằm giới thiệu cho bạn đọc (đặc biệt là các sinh viên ) những tranh luận triết học nền tảng , nó hàm chứa nhiều kiến thức kim cổ không chỉ của phương tây mà còn nhiều nước khác .
Sau đây là một số sách mới :
Thuộc loại sách tra cứu : Từ điển văn hoá dân gian của nhóm Vũ Ngọc Khánh , Từ điển chức quan ở Việt Nam của Đỗ Văn Ninh .
Thuộc loại  in lại sách báo cũ : bộ Tiểu thuyết thứ năm do Anh Chi sưu tầm , khoảng gần 2000 trang, trong đó giới thiệu nhiều tác phẩm của Nguyễn Bính ,Lê Tràng Kiều , Yến Lan,  Thâm Tâm …ở dạng bài đăng báo ,đôi khi có phần khác so với bản đưa vào sách .
Thuộc loại tuyển tập của một tác giả : Tuyển tập Vương Hồng Sển trong đó có Sài Gòn năm xưa,Thú chơi sách ,Hơn nửa đời hư ; Tuyển tập Cao Xuân Dục mà tập 1 dành để in Người đời nên biết .
Thuộc loại sáng tác mới :Đêm yên tĩnh của Hữu Mai, Yêu tinh của Hồ Phương,Vì người mà tôi làm như vậy của Hà Khánh Linh …Riêng truyện dịch , đáng chú ý là cùng lúc xuất hiện mấy tập truyện ngắn Trung quốc : Quả yêu,Đèn lồng đỏ treo cao , Riêng một mảnh tình , Chuồng bò trong tháng mù sương …. Truyện Lâm Ngữ Đường thì gồm những câu chuyện cổ Trung quốc được tác giả viết lại ( na ná như Cố sự tân biên của Lỗ Tấn )
Minh hoạ :
–Tư tưởng của các triết gia vĩ đại
– Tiểu thuyết thứ năm
– Tuyển tập Vương Hồng Sển
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Những đường biên được nới rộng
Bên cạnh các ngăn  sách quen thuộc như văn học trong nước văn học nước ngoài , xã hội chính trị …, tại một số cửa hàng sách , người ta thấy bắt đầu có cả một ngăn sách mới  chuyên bán các loại dùng cho người du lịch  , tạm kể  như Non nước Việt Nam , Từ điển địa danh lịch sử văn hoá Việt Nam , Đường phố Đà Nẵng , Địa danh thành phố Huế , Từ điền địa danh Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh … Ngoài ra là các loại sách bản đồ  , từ bản đồ hành chính đến bản đồ du lịch, được in ở trình độ hiện đại .
Nhìn ra rộng hơn , loại sách địa lý bắt đầu có vị trí của mình trên thị trường . Những cuốn giáo trình kiểu như Địa lý các tỉnh và thành phố Việt nam trở thành đối tượng tìm kiếm không chỉ của học sinh  mà  còn của đông đảo bạn đọc . Ai muốn có hiểu biết kỹ hơn về từng vùng đất thì đọc các loại sách địa văn hoá , kiểu như Xứ Trầm hương , Nước non Bình Định ..
Sách  nghiên cứu  cũng đang được đa dạng hoá  rõ rệt . Từ năm 1998 , một cuộc hội thảo lớn về Việt Nam học đã được tổ chức tại Hà Nội . Tiếp đó NXB Thế giới đã cho in kỷ yếu về cuộc hội thảo này sách gồm 5 tập , khổ lớn . Nay riêng phần tham luận của các nhà Việt Nam học nước ngoài tại hội thảo đó lại được tách ra , in thành một cuốn sách riêng .
Sau đây là một số tựa sách  thuộc khu vực khoa học nhân văn   : Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn TP Hồ Chí Minh , Tính cộng đồng  tính cá nhân  và  “ cái tôi “  của con người Việt Nam hiện nay ,Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ hiện nay . Riêng sách xãhội học  , có thể kể các bộ Xã hội học đại cương , Xã hội học tư sản thế kỷ XX, Từ điển xã hội học , các lý thuyết xã hội học hiện đại v..v..
Một ví dụ về sự mở rộng đường biên là những khởi động trong khu vực sách dịch . Lâu nay  ngoài các loại sách kiến thức , sách Trung quốc dịch sang Việt chủ yếu là  tiểu thuyết ( kể cả Quỳnh Dao và K im Dung ) , nay bắt đầu có thêm sách viết cho thiếu nhi. Đó là trường hợp cuốn Trường hợp nữ sinh Giả Mai của Tần Văn Quân . Biết đâu thời gian sắp tới  loại sách này lại có thể có một đợt bùng nổ trên thị trường ?
Sau đây là một số sách tập  sáng tác trong nước  mới được in : Chuyện chợ giời (Lý Khắc Cung ), Một thế giới bị chia cắt ( Sâm Thương), Tuyết ( Nguyễn Đinh Thi )  Người đàn bà có ma lực ( Y Ban), Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ (Y Ban ),Vàng xưa  ( Nguyễn Văn Thọ ) , Vừa làm vừa nghĩ ( Phạm Tiến Duật ) ,  Ngọn lửa ấm ( Lê Minh ) … .
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Sổ tay tháng tư
*  Truyện ngắn Cỏ dại của Ma Văn Kháng vốn in trên số tết Nông thôn ngày nay , được báo Văn nghệ sau tết in lại với lời dẫn rõ ràng rằng đây là một truyện hay cần in lại cho bạn đọc cùng biết . Có thể xem như một sáng kiến : Hàng ngày ,dù thích văn chương đến mấy chắc chẳng ai dám nhận là thường xuyên đọc hết mấy trăm tờ báo in ra đều đều , bởi vậy cái sự đọc hộ nhau , đúng hơn là một sự sàng lọc như thế , thật là cần thiết .  Nếu như việc này được duy trì đều đặn kèm thêm sự phân tích rõ ràng , và ký tên cá nhân cụ thể người đã đứng ra chọn  , thì bạn đọc yêu mến văn chương cũng được nhờ .
Xin lưu ý thêm là hiện nay nhiều tỉnh có Hội văn nghệ ,hội nào cũng có một tờ tạp chí và tạp chí nào cũng thường đăng các loại sáng tác cũng như phê bình . Song lâu nay báo của tình nào lưu hành ở tỉnh đó là chính , thành thử ai dám bảo đảm là không có những bài viết tốt mà không được ai biết tới  ?
* Sau một hồi ít viết , năm qua(2001 ) nhà thơ Bằng Việt cho in tập Ném câu thơ vào gíó . Song có lẽ ít người biết là gần đây Bằng Việt còn giữ mục thơ dịch cho báo Người Hà Nội , và làm khá đều , mỗi số chọn ra một nhà thơ (chủ yếu là các nhà thơ thế kỷ XX ) và  dịch vài bài . Trong hoàn cảnh kinh tế thị trường như bây giờ ,làm thơ đã là dũng cảm dịch thơ lại càng dễ “lỗ vốn “ . Xét về lợi ích của phong trào sáng tác nói chung  giữa hai công việc này của Bằng Việt thật  khó nói là việc nào đáng khuyến khích hơn .
* Một vài  nhà báo giữ mục văn nghệ ở các báo đôi khi đến hỏi dân phê bình chúng tôi rằng trong đời sống văn học đang có nhà văn nào được chú ý . Sau khi , trong những trường hợp có thể , nói ý kiến của mình , tôi bổ sung thêm  là chính chúng tôi cũng trông vào sự đánh giá của các bạn . Chẳng phải là chính các bạn vẫn thường xuyên có sự xếp loại đó sao ? Một  lối làm báo phổ biến hiện thời là đi phỏng vấn : đứng ra viết bài đánh giá một tác phẩm một nhà văn hoặc một tác phẩm nào đó thì hơi khó , thôi thì để người trong cuộc tự nói ra là tiện nhất . Song trước tiên bản thân việc phỏng vấn người này mà không phỏng vấn người khác đã là một sự bỏ phiếu một sự lựa chọn . Nếu như có ai đó bỏ công ra đếm thử sau một năm sau một quý , những nhà văn nào được phỏng vấn nhiều nhất , số lượng cụ thể là bao nhiêu lần , thì đại khái người ta có thể hình dung ra những nhà văn thuộc dạng nổi tiếng nhất đương thời . Có thể xem đây như một giải thưởng văn chương không tuyên bố : giải của các nhà báo .
* Nhà văn N. cho in  một cuốn tiểu thuyết . Anh em tới mừng  với  lý do  nghe nói ngay lập tức bên truyền hình đã có ý định đưa tác phẩm lên phim . Học theo câu nói xưa , phi cao đẳng bất thành phu phụ , có thể bảo giờ đây  phi lên phim bất thành tiểu thuyết .
* Lý luận phê bình cứ đì đẹt mãi không nổi lên được , có lẽ một phần là vì viết ra đã khó ,lại dễ bị độc giả chê  là nặng , không muốn đọc . Biết thóp được điều đó , một số người quay ra viết những chuyện vui vui về các nhà văn , đại khái người này mới có nhà riêng , người kia có con đỗ đại học , ông A cưới vợ , bà B tái giá … Viét như thế có cái tiện là chứng tỏ rằng mình thân quen với giới sáng tác . Còn với người được nói tới : Đây cũng lại là một tiêu chuẩn để đánh giá sự nổi tiếng  thời nay ?
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Để vượt thoát khỏi tình trạng
nghèo nàn  đơn điệu
Với tính cách là một di luỵ của lối làm sách  những năm chiến tranh , sự nghèo nàn và đơn điệu về chủng loại  là một đặc điểm kéo dài của nghề xuất bản ở VN  và chỉ gần đây nhờ dựa vào  sự bùng nổ của “ lối in sách 1000 bản  “ , các sáng kiến có thêm đầu sách mới thi nhau đua nở để tạo nên sự phong phú trong mặt hàng . Cùng lúc thấy xuất hiện những cuốn sách xoay quanh  cùng một đề tài . Ví dụ cùng là Truyện Kiều ,ngoài bản của Đào Duy Anh , đã thấy có cả các bản của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim , Nguyễn Văn Vĩnh ,cạnh đó có những bản có sự khảo chứng của Nguyễn Thạch Giang , Nguyễn Quảng Tuân, Đào Thái Tôn …Hoặc là  mặc dù gần đây đã có nhiều cuốn lịch sử Trung quốc được in ra kể cả những  cuốn dịch của Trung quốc , nhưng Trung quốc sử lược của Phan Khoang viết từ trước 1945 vẫn được tái bản  . Sách bao quát lịch sử VN cũng phong phú nhờ có thêm những  cuốn của Nguyễn Phan Quang , Nguyễn Quang Ngọc .., ấy là chưa kể Việt Nam sử lược sau một thời gian dài chỉ có ở hiệu sách cũ , nay in lại với sự trình bày trang trọng .  Cũng trên phương hướng khắc phục sự đơn điệu một chiều , đang thấy có hiện tượng rất  đáng cổ vũ , đó là việc làm những cuốn sách tra cứu nhỏ lẻ nhưng hữu hiệu . Lâu nay các loại sách tra cứu thường do cơ quan nhà nước làm và nói chung  thích làm theo quy mô lớn kết quả là làm mãi không xong . Nay thì sách tra cứu được quan niệm một cách khá  cởi mở  . Chẳng hạn bên cạnh các cuốn tra cứu chung về  y hoặc dược , có cả một cuốn bách khoa toàn thư được biên dịch dành để nói về vitamin  muối khoáng và các yếu tố vi lượng. Hoặc đây một cuốn sách vừa được in lại , cuốn Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên. Loại sách thư mục này vốn không xa lạ với những nước có nền lưu trữ và nghiên cứu chắc chắn . Song ở ta ít người chịu làm : Các nhân viên thư viện coi đó không phải việc của mình . Các  nhà khoa học càng  không muốn làm vì nó có vẻ quá lẩn mẩn bắt tay vào làm vừa mất công vừa không oai .Việc  in lại Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong không chỉ có ích cho các nhà nghiên cứu mà còn mở ra một hướng làm sách tích cực , chẳng hạn  trước sau rồi sẽ có ai đó  sẽ tiếp tục làm  Mục lục phân tích An Nam tạp chí , Mục lục phân tích Tiểu thuyết thứ bảy , rồi tiếp theo là những Thư mục nghiên cứu về Nguyễn Du , Thư mục  nghiên cứu  về Hồ Xuân Hương vv  … ( Xin lưu ý : ở đây là những thống kê có kèm theo lược thuật về nội dung , lại có  phân tích và đánh giá , chứ không phải chỉ là mấy trang thư mục  ghi vội  cho xong và do đó còn rất thiếu xót , như thường thấy ở một số  sách chuyên khảo hiện nay . )

Giới thiệu sách mới
Sách sáng tác : các tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết  Bí ẩn của tình yêu (Nguyễn Sinh ) ,Đêm vô thường ( Như Bình ) ,May (Lê Ngọc Châu) , Những buổi chiều đi qua cuộc đời (Đỗ Bích Thuý ) ,Những đám mây hình người ( Cao Duy Sơn ),Mạ ngôn ( Đỗ Trọng Khơi ) Trên đất lạ (Vũ Đình Giang ) , v..v..
Sách biên khảo và nghiên cứu , phê bình : Mấy vấn đề Việt ngữ học và ngôn ngữ học đại cương ( Lý Toàn Thắng ),Thơ ca ngôn ngữ tác giả và tác phẩm ( Lê Anh Hiền ) Văn hoá Việt Nam nhìn từ mỹ thuật ( Chu Quang Trứ)  , Nghĩ và viết ( Nguyễn Lân Dũng )
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Một Nhu cầu lớn đối với các loại sách tham khảo
Để  tăng cường tính cập nhật của các xuất bản phẩm  , lâu nay đã nhiều người làm sách theo lối ghép các bài  báo  lại với nhau , quyển sách làm ra  thực tế là một tập hồ sơ cắt dán giúp bạn đọc tiện lưu trữ các văn bản báo chí  . Riêng với NXB Thông tấn thì cách làm sách này càng được khai thác triệt để . 100 bài báo nước ngoài về V. Putin đang được quảng cáo chắc sẽ lôi cuốn được nhiều bạn đọc cả về phương diện sốt dẻo lẫn sự đa dạng trong nguồn tài liệu , cũng tức là đa dạng trong cách nhìn cách tiếp cận , và chúng ta mong nhiều cuốn tương tự sẽ được biên soạn .
Song hành với cách làm trên , có một lối làm sách khác âm thầm hơn ,có thể là ít gây được tác động manh tính cách bùng nổ , nhưng  hiệu quả lại  lâu dài . Đó là việc sưu tầm chỉnh lý cho dịch hoặc cho in lại những cuốn sách khảo sát về những vấn đề cơ bản tuy có  kén người đọc song nó là công việc mà nhất thiết phải làm để đóng góp vào đời sống học thuật . Thuộc loại này có thể kể Tủ sách tham khảo cơ bản khoa học xã hội và nhân văn với các cuốn Sự giàu và nghèo của các dân tộc của David  S. Landes , Nhân học một quan điểm về tình trạng nhân sinh của Emily A. Schultz và Robert H . Lavenda , Nghiên cứu về lịch sử của A.Toynbee   … Trong phạm vi sách trong nước , có thể kể An nam chí lược của Lê Tắc , một bộ sử VN vào loại cổ nhất lâu nay chỉ thông dụng trong giới nghiên cứu . Cũng thuộc loại này là một số từ điển mới được biên soạn như Từ điển Mường Việt , Từ điển Thái Lan Việt . Sau bộ từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cũng đã thấy có thêm những bộ khác , do những người khác làm như Từ điển tiếng Việt phổ thông của nhóm Chu Bích Thu, Nguyễn Ngọc Trâm.., Từ điển tiếng Việt của Bùi Đức Tịnh và các loại Từ điển tiếng Việt căn bản , Từ điển tiếng Việt thông dụng , Từ điển tiếng Việt cho học sinh người dân tộc .
Giới thiệu sách mới
Sách sáng tác : Kỳ nữ họ Tống của Nguyễn Văn Xuân ( tiểu thuyết lịch sử ) , Cát cháy của Nguyên Ngọc (tập ký ) Chuyến xe ma quái (truyện ma kinh dị Việt Nam hiện đại ), Cổ cồn trắng của Nguyễn Như Phong ( tiểu thuyết điều tra hình sự ) ,Nơi tận cùng gió hú của Nguyễn Đình Chính ( tiểu thuyết ) , Giai điệu cuối của Trúc Phương , Ngôi nhà cát trắng của Nguyễn Phương Liên .
Sách nghiên cứu : Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XI X của Đào Duy Anh ( tái bản ) , Lịch sử tư tưởng Việt Nam (văn tuyển) ,tập 1 từ đầu công nguyên tới cuối thời Lý , Bốn bài giảng mỹ học của Lý Trạch Hậu (Trung quốc ) , Từ văn hoá đến văn hoá học của Phạm Đức Dương , Bản chất của đời sống của Nguyễn Đăng Trung ,Xứ trầm hương của Quách Tấn (tái bản )
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
mở đường vào những lĩnh vực kiến thức mới
Có phải là gần đây qua  báo chí và truyền thanh truyền hình , bạn bắt đầu nghe nói đến kinh tế tri thức và chưa thực hiểu thuật ngữ này có ý nghĩa gì ? Chịu khó đến với các hiệu sách bạn sẽ tìm được một vài cuốn cần thiết nói về đề tài này một cách  cặn kẽ hơn .
Giới thiệu những lĩnh vực  kiến thức mới là một ưu thế lớn của sách và mặc dù đôi khi  viết về các lĩnh vực chuyên môn hẹp , người quan tâm tới không nhiều ,sách tiêu thụ chậm , song các nhà biên khảo và giới xuất bản vẫn nỗ lực để mặt hàng ngày một phong phú .
Một ví dụ khác .Từ Phương đình dư địa chí tới Sổ tay địa danh Việt nam rồi Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý ,  mấy năm nay sách viết về địa lý  bắt đầu được in ra  nhiều hơn . Giờ đây ở một số hiệu sách  lại thấy bày bán  một cuốn mang tên Một số vấn đề địa danh học Việt  Nam của Nguyễn Văn Âu  được in ra ở NXB Đại học quốc gia Hà Nội. Sách đi vào khảo cứu cách đặt tên sông tên núi tên các địa phương ở nước ta , đúng là một lĩnh vực mới mẻ , nhưng nếu rỗi rãi một chút chúng ta cũng nên liếc mắt xem qua .
Sách sử đã in ra đều đều  nhưng nay lại có một cuốn sách viết về cách viết sử . Đấy là trường hợp cuốn Các trường phái sử học của các tác giả Pháp và được Viện sử học bảo trợ để dịch ra tiếng Việt . Ngay cả trong một lĩnh vực quen thuộc như dịch thuật người ta cũng thấy có những nỗ lực khai phá  mới .Chúng tôi muốn nói tới trường hợp  cuốn Những người dịch văn học Việt Nam do Hoàng  Thuý Toàn và Đoàn Tử Huyến tổ chức biên soạn trong đó công bố danh sách và tiểu sử nghề nghiệp của các nhà dịch sách  đương thời  . Trong hoàn cảnh sách dịch ngày càng mang tính cách hàng chợ nhiều  người dịch làm ăn cẩu thả chạy theo số lượng thì đây là một cố gắng nhằm khẳng định dịch thuật  không phải là một đứa con hoang mà chính là một bộ phận của đời sống văn học , nếu làm tốt công việc của mình  ,người dịch sẽ trở thành những người góp phần khai sáng  ,đồng thời có những cống hiến trong việc vận dụng tiếng mẹ đẻ ,tóm lại là để tôn vinh nghề dịch một cách chính đáng và đề ra những yêu cầu cao với người làm nghề . Một cuốn sách như thế đáng được in ra mặc dù chắc chắn không phải là sách dùng cho đại chúng .
Một số đầu sách mới  . Thuộc loại sáng tác  ,người ta thấy đang bày bán Người cha ở trên trời của Nguyễn Tham Thiện Kế , Nắng nhạt ơi nắng nhạt của Hoàng Tố Mai Hoa mưa của Trần Thị Trường . Người thích đọc  du ký có thể  tìm mua Thăm bạn láng giềng của Trần Quân Ngọc .Sau bộ sách mang tính cách hàn lâm Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm ,ngữ pháp ngữ nghĩa , nhà nghiên cứu ngôn ngữ Cao Xuân Hạo lại vừa cho in Tiếng Việt ,văn Việt, người Việt ,một cuốn sách ít hàn lâm hơn nhưng không phải là kém tâm huyết hơn . Về sách tâm lý nếu mấy năm trước đã thấy Freud đã thực sự nói gì ? thì nay lại thêm có cuốn Jung đã thực sự nói gì ? Nhà văn Lý Văn Sâm ( qua đời tháng 9-2000) vừa co may mắn được giới thiệu một cách dầy đủ thân thế ,tác phẩm và dư luận bàn về ông qua  cuốn sách nghiên cứu Trang sách hồng mở giữa đời hoa . Cuốn sách 550 trang này là công trình của nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy và in ra ở NXB Đồng Nai ,quê hương ông.
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Làm mới những cuốn sách cũ
J . L . Borges về già nghĩ ra một trò chơi thú vị : ông mang nhiều cuốn tiểu thuyết cổ điển của người khác ra in  kèm theo lời giới thiệu mới của mình . Có cái lạ là chỉ một động tác giản dị (? ) đó thôi mà những cuốn sách do ông giới thiệu đó bán chạy hẳn lên : Chắc chắn  là trong một số trường hợp , với cùng một quyển sách trên giá , người ta đã loại bản in  cũ ra và đặt bản in mới vào chỉ vì có thêm lời giới thiệu của J.L . Borges .
Về mặt xuất bản mà xét , có thể xem đây như một ví dụ về nghệ thuật tái bản . Không cần cưỡng ép gì hết người ta vẫn buộc độc giả phải móc ví chi tiền mua sách chỉ vì họ đã biết làm mới những cuốn sách cũ .
ở ta mấy năm nay  tái bản sách cũ đã trở thành một đầu việc  . Đây đó có NXB còn  đặt ra những xê-ri sách riêng với khổ sách riêng cách trình bày bìa riêng  để bạn đọc tiện theo dõi . Riêng  NXB Văn nghệ TP HCM đã có mấy tủ sách ví dụ tủ sách văn học Nga xô-viết hoặc  tủ sách danh nhân ( khổ 10,5 . 17,5 ) ,tủ sách văn học ( đúng ra phải gọi là tủ sách văn xuôi nửa đầu thế kỷ XX , với khổ in  14.14 ) …. Lại có trường hợp như NXB Văn học có tủ sách tác phẩm và dư luận : với mỗi cuốn truyện tập thơ được in lại sau phần văn bản chính có  in kèm các bài nghiên cứu phê bình vào cuối sách . Nên nói thêm là trên thế giới ngày nay người ta tìm ra muôn hình ngàn trạng cách thức khác nhau để làm mới những cuốn sách cũ . Hoặc in với khổ sách giấy in mực in đúng như cuốn sách ra đời lần đầu tiên . Hoặc in cả những dị bản khác nhau những lần tác giả sửa chữa thêm bớt nhằm  hoàn thiện  tác phẩm . Hoặc in  kèm theo lời giới thiệu mới  . Đối chiếu với tình hình đó thì phải nhận ở ta việc làm này còn sơ sài  , đại khái thấy sách bán được thì in lại  , rồi làm mãi nghĩ cũng thấy chán thì thêm thắt đôi chút , còn như bảo rằng có cả một chiến lược hợp lý trong tái bản thì chưa dám chắc . Có điều nay là lúc đến với các cửa hàng sách người thích sưu tầm vẫn nên để mắt tới ngăn sách tái bản , may ra ở   đấy có thể tìm được những cuốn sách tốt , mà hồi trước chưa kịp mua . Ví dụ đến các hiệu sách vào những ngày này , người ta có thể tìm mua cả Tuyển tập Bình Nguyên Lộc , Martin Heideger và tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng  , Một thời để mất của Bùi Ngọc Tấn, ấy là không kể  Lẽ sống của Trần Huyền Trân , Một đêm trước của Tam Lang , Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật , Truyện hai người của Vũ Bằng .
Sau đây là một số  cuốn sách  hoàn toàn ngược với loại trên tức mới in lần đầu  . Thuộc loại sáng tác có  Hoang mạc xanh (Hương Trà ),(Nguyễn Hồng Trung ) Miền cát trắng ( Hoàng Long )Nhạc lá ( Bùi Minh Quốc ),Ngồi một chỗ thấy ngoài ngàn dặm (Triệu Bôn ) … Thuộc loại nghiên cứu và phổ biến kiến thức có Thượng đế và khoa  học của ba tác giả nước ngoài trong đó có một Viện sĩ hàn lâm Pháp , Đọc Kim Dung tìm hiểu văn hoá Trung quốc của Nguyễn Duy Chính , Tìm hiểu thi pháp truyện ngắn Gogol của Nguyễn Huy Hoàng , Tiểu thuyết Hugo của Đặng Thị Hạnh  vv…
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
… Thì cũng giống như tình trạng
bên Truyền hình
Có một thực tế kỳ cục của màn ảnh nhỏ nước ta là mở chương trình phim truyền hình hàng ngày ra coi , dù là đài Trung ương hay đài địa phương , lúc nào cũng chỉ thấy phim Trung quốc . Đã bao người bất bình vì chuyện này . Bao lời kêu ca  than vãn cất lên . Bao  người thử đứng ra mách nước để gỡ bí . Rút cục mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy . Và người ta đành bảo nhau thôi hãy chung sống với nó , như đồng bào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ vậy  .
Thế nhưng mọi chuyện có chịu dừng lại ở phim ảnh đâu ! Trong khu vực sách vở  cũng đang có một tình trạng tương tự . Vào  các cửa hàng sách hôm nay, người ta cảm thấy hàng Tàu tràn ngập thị trường , tức sách nguồn Trung quốc la liệt . Tiểu thuyết cổ điển Trung quốc như Tây Du Thuỷ Hử . Tiểu thuyết hiện đại của các tác giả từ Lỗ Tấn Mao Thuẫn đến Kim Dung Quỳnh Dao. Rồi Giả Bình Ao , Vương Sóc Mạc Ngôn, rồi Cửu Đan Vệ Tuệ … Thôi thì cũng dân đồng văn đồng chủng cái đó không tránh được , nữa là dịch sách Trung quốc ,trước mắt  có cái tiện là không phải xin phép tác giả , không ai có quyền đòi nhuận bút , vậy tội gì mà không làm . Có điều , gần đây có tình trạng các loại sách phổ cập  hoặc dịch trực tiếp hoặc dựa vào sách Trung quốc để biên soạn ngày càng bành trướng khuynh loát thị trường. Sách mách người ta cách chữa bệnh .  Sách hướng dẫn chọn đất làm nhà . Từ sách kể chuyện  những ông tướng đời Tần đời Hán thuở nào đến sách viết về các bà cung phi hoặc mấy ông quan hoạn . Tôi thử ghi lại tên mấy cuốn sách dạy người ta quan hệ với nhau hàng ngày : Đạo làm người và tài xử thế , Văn hoá giao tiếp ứng xử , Nghệ thuật sống trong cơ quan , 999 cách gây ấn tượng trong giao tiếp , 101 cách đối phó với những người bất mãn v.v.. và v.v. Hoá ra không chỉ nghiên cứu cơ bản kém mà nghề viết sách phổ biến khoa học ở ta cũng gần như chưa hình thành , cái gì ta cũng phải dựa vào người , bẽ bàng là ở chỗ đó .
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Một chút xót xa ….
Nếu như trước đây,ở ta, sách chỉ được hiểu là các tác phẩm văn chương thì gần đây, quan niệm về sách của mọi người  đã được mở rộng và hầu như ở mọi lĩnh  vực sách đều có mặt . Sách dạy cắm hoa . Sách dạy nuôi chó và chữa các đồ đạc trong nhà . Sách dạy vẽ và sách  cho người mê thích âm nhạc . Sách học ngoại ngữ bùng nổ , người sắp đi tây cần mà người không đi đâu cũng cần . Còn như sách dạy cách dùng thuốc và chữa bệnh thì khỏi phải nói rồi , cả một rừng sách được biên soạn .
Tuy đã quen vậy,  tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi gần đây vào hiệu sách thấy mấy cuốn thuộc cùng một xê-ri : Món nóng Thượng Hải , Món nguội Thượng hải , Món điểm tâm Thượng Hải ,Món chay Thượng Hải.Tỉ mỉ. tinh tế . Sâu sát …Thật là những bước tiến của nghề làm sách !
Đó là những cuốn  dạy nấu ăn và nhất là dạy người ta hưởng thụ , tôi biết . Và tôi cũng biết là có người in sách , bởi có người mua . Thời buổi kinh tế thị trường , mọi  nhu cầu đều dễ được  đáp ứng  . Sau khi ăn mãi những món dân tộc , những cơm tây  cơm tàu thông thường , người ta phải tìm tới các món đặc sản . Có tiền thì người ta ăn , tôi có quyền gì mà than phiền .
Đằng nào thì sách cũng là một bộ phận của văn hoá kể cả sách dạy cách ăn và nấu ăn.
Thành thực mà nói tôi chỉ thấy xót xa , khi nghĩ rằng trong lúc ấy thì bao nhiêu cuốn sách đề cập tới những vấn đề nóng bỏng của đời sống vắng mặt ; bao nhiêu công trình học thuật có giá trị sâu sắc của các tác giả ngoại quốc không ai dịch , vì không tiêu thụ nổi ; và nhiều kiệt tác văn chương của nhân loại không ai muốn bắt tay dịch , vì có dịch ra số lượng in cũng chẳng bao nhiêu , thành thử công xá quá rẻ .
Giá kể những cuốn sách dạy nấu ăn kia vẫn có mà những kiệt tác văn chương khoa học lại xuất hiện ngày một nhiều hơn , được tổ chức biên soạn tinh vi  hơn , và được nhiều người săn tìm để  trở thành  niềm tự hào thực thụ của họ thì hay biết mấy ! Chẳng lẽ hai thứ văn hoá ấy không tìm được một sự phát triển đồng bộ ?
Sách mới
Loại sáng tác: Điểm hẹn mùa trăng (Triệu Huấn ), Chết trong hồi sinh( Vũ Lê Mai ), Dốc sương mù (Lữ Giang ) , Thánh địa ( Phạm Hồng Thắm ),Bên tây ( Hàn Quang Tự ) , Đồng đẳng (Vĩnh Huỳnh), Bờ sông vẫn gió (Trần Văn Thước )…
Loại biên khảo và nghiên cứu : Phong trào duy tân ở Bắc Trung Nam (Sơn Nam), Văn hoá văn nghệ trong đổi mới (Nguyễn Nghĩa Trọng ),Phạm Tuấn Tài , con người và tác phẩm (Vũ Khiêu ), Góp phần tìm hiểu lịch sử cận đại Việt Nam (Nguyễn Văn Kiệm ) , Vọng từ con chữ ( Nguyễn Đăng Điệp ) , Văn học  hậu hiện đại thế giới .Tập I Những vấn đề lý thuyếtTập II Truyện ngắn ( Lại Nguyên Ân và Đoàn Tử Huyến tổ chức biên soạn . Nhiều người dịch )
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
NẶNG ,NHƯNG CẦN THIẾT
Từ mấy năm trước một tuyển tập tiểu thuyết của Milan Kundera đã được bày bán và  nay  thì việc giới thiệu nhà văn người Pháp gốc Tiệp này  coi như được hoàn thành với viêc NXB Văn hoá thông tin và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây cùng đứng tên xuất bản hai tiểu luận văn học quan trọng của ông : Một là Nghệ thuật tiểu thuyết ,cuốn này đã từng được dịch in nhưng nay được bổ sung cho đầy đủ hơn .Và hai là Những chúc thư bị phản bội . Người dịch tập tiểu luận  của Kundera ra tiếng Việt là nhà văn Nguyên Ngọc .Chính ông cũng là dịch giả của hai cuốn sách quan trọng khác đến nay đã được bán hết Độ không của lối viết của R.Barthes và Văn học là gì ? của J.P.Sartre .
So với sách sáng tác thì các tiểu luận thường khi là nặng là  khó đọc hơn .Nhưng cái nặng ở đây là cần thiết .Văn học thế giới hiện nay đã phát triển đến trình độ lý luận song hành với sáng tác và  người ta sẽ không thể hiểu một nền văn học nếu không đọc tiểu luận do các tác giả của nền văn học đó  viết .
Cũng thuộc loại sách nặng còn có  một cuốn lý luận khác là cuốn Nhân học có phụ đề Một  quan niệm về tình trạng nhân sinh của hai tác giả Emily A. Schulz và Robert H.Lavenda .Đây là cuốn giáo trình  dùng cho sinh viên các ngành khoa học xã hội bên Mỹ ,cho nên rất đáng để các nhà nghiên cứu ở ta tham khảo .
Các bài giảng về tư tưởng phương Đông của nhà nghiên cứu đã quá cố Trần Đình Hượu gồm có hai phần chính Nho gia và tư tưởng Lão Trang giảng năm 1967 cùngNho giáo và Nho giáo ở Việt Nam giảng năm 1991 .Bởi lẽ quan niệm rằng các bài giảng của  giáo sư là những thành tựu mà đến nay  ở Việt Nam chưa ai vượt nổi nên các học trò của ông đã  chỉnh lý bản ghi các bài giảng này và công bố để bạn đọc cùng biết .Từ trước đến nay ở ta chỉ có một cuốn sách của Cao Xuân Huy và một cuốn của Đặng Thai Mai được làm theo kiểu tương tự .
Các bài giảng  về tư tưởng phương Đông do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chủ trì biên soạn .
Sách tạm gọi là nhẹ hơn thì có nhiều song có một vài cuốn vẫn để lại ấn tượng khá sâu sẵc        .   Bóng ngày qua là một  hồi ký dài của nhà thơ Quách Tấn ,từng dược in một phần ở NXB Hội nhà văn , nay phần viết về bốn người bạn ở thành Quy Nhơn  Hàn Mặc Tử Chế Lan Viên Quách Tấn và Yến Lan được in với cái tên Bàn thành tứ hữu ,sách do NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu quốc học cùng đứng tên .
Tôi vẽ …văn nghệ sĩ là một tập  tự bạch của nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ Nguyễn Đình Phúc  chung quanh những  bức chân dung mà ông âm thầm thực hiện .Dõi theo khoảng 90 bức ảnh chụp tranh màu dùng làm  minh hoạ ,người đọc như có dịp gặp lại nhiều nhân vật  nổi tiếng trong giới như Nguyễn Tuân, Văn Cao ,Nguyễn Xuân Khoát , Thế Lữ, Thái Bá Vân,Nguyễn Duy,Doãn Hoàng Giang ,….tất cả đều hiện lên mới lạ độc đáo dưới cái nhìn của Nguyễn Đình Phúc. Kèm theo còn có nhiều mẩu chuyện  thú vị nó là những kỷ niệm tác giả ghi nhớ khi vẽ những  chân dung ấy .
Về sách sáng tác , xin tạm kể hai cuốn  :Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác thu góp những tinh hoa được  nhà văn lão thành Trang Thế Hy viết trong khoảng hai chục  năm gần đây,sách được in trang trọng với nhiều minh hoạ đẹp ; còn Kẹo kéo , cuốn sách nhỏ của Tạ DuyAnh thì  gọn ghẽ và trong trẻo khiến người ta thoáng  nhớ tới Tuổi thơ im lặng của Duy Khán hồi nào .
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Cùng dựa vào nhau để tồn tại
Nhiều bộ phim hay được làm dựa hẳn trên một cuốn tiểu thuyết . Nhưng sau khi ra đời , phim lại giúp cho tiểu thuyết có thêm  bạn đọc , sách được tái bản  . Đó là câu chuyện người ta  thường kể với nhau khi quan sát  thị trường sách   nước ngoài .
Còn ở ta , cũng thấy hiện tượng trên  thấp thoáng có xuất hiện , nhưng chưa bao giờ bột phát lên thành những cơn sóng lớn . Lý do một phần  là do sách chưa bao giờ được tiêu thụ theo lối bùng nổ ( hoặc đúng hơn chỉ có những vụ bùng nổ nho nhỏ ) . Mà cũng là do thường không sao thống kê được chính xác lượng sách đã in , sách đã được bán  nên không đưa ra  được con số thuyết phục . Nói như các cụ xưa tức là toàn cảnh áo gấm đi đêm , mà gấm thì cũng tàu tàu cũ cũ cả rồi ,  chứ không được gấm  loại một  !
Mặc dù vậy ,  có thể đoán là thời gian gần đây, bộ phim Đất và người có làm cho tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường được in thêm . Hoặc mở rộng ra cả diện sách dịch , thì chắc chắn trong số  người tìm mua cuốn tiểu thuyết Sống của Dư Hoa có nhiều khán giả đã từng say mê  với bộ phim cùng tên của đạo diễn Trương Nghệ Mưu .
Biết đâu đây có thể cũng là hướng để các nhà làm sách tìm ra đầu vào , nhất là sách dịch .
Bên cạnh cảnh dựa vào nhau để tồn tại giữa sách và phim , còn phải kể mối giao duyên giữa sách và âm nhạc  . Đến với các hiệu sách trong những ngày này , người ta có thể tìm mua một loại ấn phẩm mới là các tập bài hát , ví như :  Giai điệu Tổ quốc ( được giới thiệu là tập hợp các ca khúc sống mãi với thời gian ) , 110 tình khúc thuở ban đầu , Bài ca tuổi trẻ . Được xem là xuất bản phục vụ nhà trường có các tập Chùm hoa nắng, Mùa thu ngày khai trường . Chuyên về các ca khúc phát triển dân ca có tập Về quê. Chuyên về các bài hát Nga có Triệu triệu bông hồng v..v.. Sách thường in khổ rộng , giấy trắng , bìa đẹp .
Sau đây là một số sách mới :
Thuộc loại sáng tác mới Đang  được nhiều báo chú ý có Giao thừa của Nguyễn Ngọc Tư  một cây bút trẻ . Sau một thời gian im lặng ,  Thuỳ Linh   tái xuất với  Gió mưa gửi lại . Trần Hoài Văn , một cây bút đang sống ở Ba Lan có tập Một ngày đi bụi . Ngoài tập truyện ngắn viết trước 1945, Vũ Bằng có Những kẻ gieo gió gồm một số truyện viết trong thời gian 1954-1975 .
Thuộc loại sách biên soạn và sưu tầm nghiên cứu : Phan Khôi , tác phẩm đăng báo 1928 ( Lại Nguyên Ân ) , Chế Lan Viên ,trí tuệ và tài hoa ( Nguyễn Xuân Nam ) , Chuyện văn ( Hàn Anh Trúc ) , Những đường bay của mê lộ ( Ngô Tự Lập ), Ai tri âm đó ? ( Trần Thanh Giao ) , Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây   u và Hoa Kỳ thế kỷ XX (  Đào Tuấn Anh , Trần Hồng Vân , Lại Nguyên Ân dịch  từ nguyên bản tiếng Nga ) .
Nếu kể thêm cả sách chính trị và sách khoa học , phải nói tới Hồi ký Churchill cũng như Giải phẫu một cuộc chiến tranh của Gabriel Kolko . Ngoài ra còn Bàn về tính hiệu quả của Fr.Jullien , Hoàng Ngọc Hiến dịch, Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ của B. Greene , Phạm Văn Thiều dịch  . Sau nhiều cuốn sách của Freud , nay những người quan tâm tới văn hoá học và tâm lý học lại có thể tìm đọc Ngôn ngữ bị lãng quên của Erich Fromm .
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Tìm lại cơ hội
cho sách biên khảo nghiên cứu
Đặt  trong phạm vi bé nhỏ của thị trường sách Việt Nam , các loại tiểu thuyết ăn khách Âu Mỹ , hoặc các loại  tiểu thuyết Trung quốc ( của các tác giả  Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Vệ Tuệ …)  lâu nay vẫn được xem là  thuộc loại bán chạy , đến mức  nghĩ đến sách dịch , người ta hình dung  ngay tới chúng.
Thế nhưng chừng độ một hai năm nay , cũng thuộc về nguồn sách dịch , các loại biên khảo bắt đầu có được một vị trí  kha khá , ít ra là khá hơn hẳn , so với các năm về trước .
Trong khi nhà xuất bản Chính trị quốc gia bảo trợ cho nhiều cuốn sách tham khảo có giá trị  kiểu như Nhân học, một quan điểm về tình trạng nhân sinh , hoặc Lịch sử mới của nước Mỹ , thì các hiệu sách nhỏ  như  Trẻ , Văn Lang , Quang Minh …hoặc Trung tâm văn hoá Đông Tây cũng phối hợp với các nhà  Thế giới , Văn hoá thông tin, Thống kê …  tìm cách  mở ra những những con đường  riêng của mình , từ đó cho ra đời những cuốn Truy tầm triết học,  Hành trình cùng triết học , Cội nguồn văn hoá Trung Hoa ,  Các thuyết về tâm lý học phát triển ,  Phê phán tính hiện đại , Văn học hậu hiện đại thế giới …mà chúng tôi  đã giới thiệu trong các số báo trước   .
Câu chuyện sau đây giúp người ta  hiểu thêm về nhu cầu cấp bách  của các loại sách dịch rất cơ bản này : Các lý thuyết xã hội học là tên một bộ sách dày hai tập , đứng tên một vị tiến sĩ  ,in ra ở NXB Đại học quốc gia Hà Nội  . Nhưng ít lâu sau  khi ra đời ,  mấy tờ báo như Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh  , Thế giới mới đã hội đủ bằng chứng để chỉ rõ  cuốn sách được  giới thiệu là công trình biên soạn công phu kia  thực chất là bản dịch một cuốn sách nổi tiếng in ở Mỹ . Về sau không thấy ai đả động đến chuyện này nữa .  Chỉ  có điều thú vị phải nói là  cuốn sách đã được bán hết ,  nhiều người tìm mua không nổi  . Tại hiếu kỳ chăng ? Cố nhiên không phải . Mà trong trường hợp này  lý do khá đơn giản : đó là một bản dịch tốt , sáng sủa chính xác , chắc chắn là  được dịch cẩn thận hơn và do đó tiện dụng hơn hữu ích hơn nhiều cuốn gọi là có sáng tạo trong biên soạn đấy , nhưng nội dung làm nhàm , xào xáo sống sượng , thậm chí câu cú cũng lủng củng . Người đọc thiết thực lắm : nhờ có ông tiến sĩ  nọ mà  được đọc một cuốn sách tốt . Thế thì phải mua để giữ ở nhà mà dùng  , nhà xuất bản và ông tác giả mạo danh kia không xấu hổ thì thôi, tội gì người dùng phải xấu hổ ?! . Âu cũng là cái cách suy nghĩ khôn ngoan của đám người khao khát kiến thức hiện đại mà lại không biết ( do không được dạy ) ngoại ngữ .
Sách mới
Loại sáng tác : Một mất một còn ( Nguyễn Khắc Phục ) , Chuyện làng tôi ( Nguyễn Thụ ), Đi qua thời ảo tưởng ( Nguyễn Trường ) , Thoạt kỳ thuỷ ( Nguyễn Bình Phương ) Mùa hoa nghệ rừng (Hoàng Tiến ) , Thánh địa ( Phạm Hồng Thắm ) , Cán cờ tre ( Trịnh Đình Khôi ) …
Loại biên khảo , nghiên cứu  : Nhà phê bình và cái roi ngựa ( Lê Tiến Dũng ), Lưới trời ai dệt ( Nguyễn Tường Bách ) , Tự truyện Gandhi , Nhập môn lịch sử tâm lý học , Lịch sử các học thuyết kinh tế Những điểu trọng yếu trong tâm lý học (sách dịch )
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Người Việt dưới mắt người nước ngoài
Qua một số sách mới  dịch
Còn nhớ ngay từ những năm sáu mươi , ở Hà Nội , nhà dân tộc học Từ Chi đã giới thiệu với bọn trẻ hơn chúng tôi cuốn Người Mường của  Jeannne Cuisiner , nhưng mãi tới 1995 , bản dịch đầy đủ cuốn sách này mới được in ra .
Càng đọc càng thấy cảm phục : hình như lâu nay thuộc  chúng ta hơn hết  là người Trung Hoa , nhưng trình bày những hiểu biết kỹ càng  trên mặt giấy , bằng ngôn ngữ của khoa học hiện đại ,  lại là người Pháp , và rất nhiều lĩnh vực của cái bộ môn mà sau này gọi là Việt Nam học đã được người Pháp đặt chân tới .
Tiếc rằng tất cả các công trình ấy chưa được  hệ thống hoá  và giới thiệu với bạn đọc  . Chỉ thấy có  một số nhà nghiên cứu có ngoại ngữ khai thác  các tài liệu ấy một cách nhỏ giọt và nhằm phục vụ những lợi ích trước mắt  , ngoài ra bộ phận chủ yếu nằm yên trong các thư viện .
May thay , tình hình gần đây ít nhiều có  nhúc nhích . Sau  Người Mường ,  hai công trình nghiên  cứu  về Tây Nguyên của Jacques Dournes được xuất bản . Đó là các tập  Rừng , đàn bà ,  điên loạnMiền đất huyền ảo , cả hai đều do một nhà văn rất thông thạo về Tây Nguyên là Nguyên Ngọc  dịch ra tiếng Việt .   Mới nhất thì có trường hợp cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của Gourou . Thế là công trình nghiên cứu từ lâu đã được hầu hết các sách viết về nông dân và làng xã Việt nam  trích dẫn , nay đã có điều kiện để đến với  đông đảo   bạn đọc .
Không kể một số sách có nội dung thời sự chính trị ,  nên lưu ý  thêm  một số tài liệu mới  như trường hợp cuốn Những vấn đề lịch sử Việt Nam cũng đã được  bán nguyệt san Xưa và nay cộng tác với nhà xuất bản Trẻ cho in cuối năm  ngoái 2002  , tất cả  dường như hứa hẹn rằng tới lúc nào đó các cửa hàng sách có hẳn một quày  riêng dành cho những cuốn sách của người nước ngoài viết về người Việt và văn hoá Việt .
Sách mới
Loại sách sáng tác  : Thơ thẩn Paris của  Phan Quang  , Trên dấu chim di thê ( Bút ký châu Âu ) của Văn Cầm Hải  , Đường Thi của Trần Trọng Kim (tái bản )   , Đường Thi tuyển dịch của  Trương Đình Tín , Cổ kim tiếu sử của Phùng Mộng Long … . Nhiều  nhà văn thuộc các thế hệ trước , từ Sao Mai tới Đỗ Chu , Cao Tiến Lê , Nguyễn Tri Huân đang lần lượt cho in lại những tác phẩm chủ yếu hoặc  những bộ sách có tính chất  tuyển tập .
Loại sách biên soạn, nghiên cứu  :  Ngoài một số sách tái bản như Phạm Quỳnh — Luận giải văn học và triết học ;  Nguyễn Bách Khoa — Khoa học văn chương , Hoàng Tiến — Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX, có thể kể thêm các bộ sách về Nguyễn Công Hoan  như Nhà văn hiện thực xuất sắc , Với  nghề văn . Thuộc phạm vi sách nghiên cứu văn hoá có Bản sắc văn hoá  dân tộc Văn hoá Nam Bộ , vấn đề và phát triển , đều của Hồ Bá Thâm , hoặc Văn hoá đồng bằng Nam Bộ ( Di tích kiến trúc cổ ) v.v..
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Xin chăm lo nhiều hơn cho các bản dịch !
Theo những thông tin lâu nay được truyền đạt trên báo chí thì  Vương Sóc  là một nhà văn kỳ cục của văn học Trung quốc hôm nay . Song một thứ  “của lạ” như Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê vẫn gây nên nhiều nỗi bất ngờ . Bởi trong cuốn sách này , nhân câu chuyện với một đồng nghiệp có lẽ là một nhà nghiên cứu văn học (?) mang tên Lão Hiệp , Vương Sóc có dịp nói to lên nhiều chuyện hậu trường của đời sống văn hoá Trung Hoa từ đầu thế kỷ XX và nhất là trong giai đoạn  hiện thời . Về sự hư hỏng và đầu cơ của nhiều trí thức . Về những trò trộ đời của các nhà văn . Về tình trạng lạc hậu  và những thói xấu thâm căn cố đế từ xưa để lại trong đời sống và nếp nghĩ của  những người dân thường. Đọc sách thật  y như được ngồi bên cạnh mà nghe chuyện riêng của những người lõi đời , dưới mắt họ biết bao bậc chính nhân quân tử bị lột mặt nạ . Lại như một dịp để cùngcác tác giả  ngẫm nghĩ sự đời , nhận ra những cái mặt trái  vốn bị nhiều người cố ý che giấu . Một cuốn sách như Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê thật  đáng để bỏ công ra dịch cẩn thận ,  ít nhiều nó sẽ góp phần giúp bạn đọc “trông người mà nghĩ đến ta “ , từ tấm gương của một nền văn hoá gần gũi và phải nói là một nền văn hoá đang phát triển rực rỡ  mà nhìn lại chính chúng ta . Chỉ hiềm một nỗi cuốn sách in ra mà hình như dịch giả Vũ Công Hoan và NXB Đà Nẵng  không hề tính toán xem bạn đọc sẽ đọc nó như thế nào . Hãy bắt đầu ngay từ một trong hai người đứng ra trò chuyện là Lão Hiệp . Ông là ai , làm nghề gì có địa vị thế nào ở Trung Hoa  lục địa hiện nay , chắc trong hàng ngàn độc giả Việt Nam chỉ một vài người biết . Thành thử  những điều ông nói sẽ mất đi khá nhiều  sức nặng . Rồi đến hàng trăm tên tuổi được nói tới trong sách . Tạm coi như Lỗ Tấn ,Mao Thuẫn ,Ba Kim ,Quách Mạt Nhược đã trở thành quen thuộc , thế nhưng còn bao người khác Hồ Thích ,Tiền Chung Thư ,Thẩm Tùng Văn , Băng Tâm ,Đinh Linh ,Tiêu Hồng , Tần Triệu Dương …  , nếu không có ý niệm gì về cuộc đời và tác phẩm của họ thì không kể bạn đọc thông thường mà ngay một số nhà chuyên môn cũng khó lòng tự nhận là nghe thủng câu chuyện giữa Vương Sóc và Lão Hiệp .Trên đây là mới nói trong phạm vi văn chương . Còn những Trương Nghệ Mưu Trần Khải Ca Tạ Tấn trong điện ảnh , còn những Phùng Hữu Lan , Trần Dần Khác , La Trạch Hậu… trong nghiên cứu lịch sử và triết học . Đây đâu phải là một cuốn tiểu thuyết  mà  cứ để nguyên cho bạn đọc mò mẫm đoán lấy ?
Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê thực ra chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các bản dịch rất quý hiện nay bị dịch chay và cứ thế đưa ra  bán . Người mua cầm trên tay một quyển sách hay mà  vẫn phấp phỏng . Có ai đoán trước được những khó khăn  để giúp đỡ họ trên đường đến với tác phẩm vốn rất xa lạ  kia ?
sách mới   :
Sách nghiên cứu và biên khảo : Sổ tay địa danh Việt Nam ( Đinh Xuân Vịnh , tái bản )  ,Chủ nghĩa cấu trúc và văn học (Trịnh Bá Đĩnh ) Kỳ quan hang động Việt Nam , Chuyện kể những nền văn minh cổ ,Tờ điển điển cố Trung Hoa ,Dương Quảng Hàm,con người và tác phẩm , Kỷ niệm nhà văn Vũ Ngọc Phan ,Nhớ Đặng Thai Mai
Sách sáng tác : Cõi người rung chuông tận thế  (Hồ Anh Thái ),Bóng thời gian (Nguyễn Anh Đào ), Cuộc đời cay đắng ngọt ngào (Phạm Đức Quang )  ,  Thơ lục bát (nhiều tác giả )
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
MấY CUốN SáCH MớI
* Chiếm vị trí chủ yếu trên các ngăn sách văn học trong nước vẫn là các tập truyện ngắn , tuy nhiên  vào những ngày này bên cạnh các tiểu thuyết được tái bản như Bụi phố phường của Huy Phương,Lõm của Sơn Tùng, Chuyện của người khách lạ của Bùi Minh Quốc , người ta vẫn tìm được một số  tiểu thuyết mới được in ra  :D ương Duy Ngữ có Người giữ đình làng , Phượng Vũ có Vương quốc ảo ảnh ,Vũ Đức Nguyên có Ráng chiều v..v…  Một trường hợp nữa đáng lưu ý là cuốn Mây cuối chân trời của Nguyễn Trọng Oánh . Ong là tác giả của tiểu thuyết Đất trắng nổi tiếng một thời .0ng đã qua đời từ 1993 ,  cuốn sách mới in ra  tháng tám 2001 này là  di cảo của ông ,do người con gái là nhà thơ Giáng Vân đứng ra  chuẩn bị bản thảo .Cuốn sách đi theo cái mạch mà Nguyễn Trọng Oánh đã coi như niềm tin suốt đời của mình ấy là “ Nói về quá khứ một cách nghiêm túc và trung thực thì không sợ không có gì để nói với ngày hôm nay “ . Theo sự tiết lộ của Giáng Vân ,sau Mây cuối chân trời sẽ còn có thêm một số di cảo nữa của Nguyễn Trọng Oánh tiếp tục đến với bạn đọc .
*   Cũng giống như Mây cuối chân trời ,Tuyển tập ngôn ngữ học của Hoàng Tuệ được in ra sau khi tác giả qua đời ,nhưng  khác với cuốn trên là ở chỗ đây gần như một sưu tập tác phẩm của Hoàng Tuệ .Cuốn sách gồm có năm phần chính  .Phần I :Một số vấn đề lý luận chung . Phần II  : Những vấn đề xã hội –ngôn ngữ học  . Phần III : Về ngữ pháp tiếng Việt . Phần IV : Tiêng Việt trong trường học và  phần V :Về nghệ thuật ngôn từ .Cuối sách còn có thêm  sáu bài viết nói kỹ về con người và sự nghiệp của g/s Hoàng Tuệ
*Tiến sĩ ngữ văn người Nga Nikulin từng quen thuộc với nhiều nhà văn nhà nghiên cứu Việt Nam,nhưng Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế là tập sách đầu tiên mang tính cách tổng hợp thu góp những tác phẩm chính  ông đã viết sau hơn bốn mươi năm gắn bó với văn học VN . Sách do Nguyễn Hữu Sơn biên soạn . Ngoài các phần về văn học dân gian ,trung đại hiện đại , cuốn sách còn có phần khảo cứu những mối giao tiếp của văn học VN với văn hoá châu Âu từ các thế kỷ XVII , XVIII…
*Tủ  sách Nhà văn Việt Nam tác phẩm và dư luận vừa được bổ sung một cuốn sách mới Hồ Dzếnh một hồn thơ đẹp do Lại Nguyên Ân và Ngô Văn Phú biên soạn .Ngoài các bài viết về con người và tác phẩm của Hồ Dzếnh , sách còn tuyển chọn được hơn một trăm trang thơ của tác  giả ,và nhiều bài văn bài báo của ông , sau nữa là tiểu thuyết Cô gái Bình Xuyên sau khi in ra 1946 nay mới được in lại .
* Những người trẻ lạ lùng là tên gọi một tập văn xuôi của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ghi lại nhiều nét tâm tình của ông trong cuộc sống  cũng như một số kỷ niệm sau một vài chuyến đi nước ngoài .Văn ông nhẹ nhàng tự nhiên và nhiều gợi cảm . Sau khi đã đọc các bài viết lẻ tẻ trên báo ,một số bạn  đọc  vẫn muốn chúng được tập hợp trong một tập sách như thế này để tiện lưu giữ và , khi cần , đọc lại .
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Sổ tay tháng tư
* Truyện ngắn Cỏ dại của Ma Văn Kháng vốn in trên số tết Nông thôn ngày nay , được báo Văn nghệ sau tết in lại với lời dẫn rõ ràng rằng đây là một truyện hay cần in lại cho bạn đọc cùng biết . Có thể xem như một sáng kiến : Hàng ngày ,dù thích văn chương đến mấy chắc chẳng ai dám nhận là thường xuyên đọc hết mấy trăm tờ báo in ra đều đều , bởi vậy cái sự đọc hộ nhau , đúng hơn là một sự sàng lọc như thế , thật là cần thiết .  Nếu như việc này được duy trì đều đặn kèm thêm sự phân tích rõ ràng , và ký tên cá nhân cụ thể người đã đứng ra chọn  , thì bạn đọc yêu mến văn chương cũng được nhờ .
Xin lưu ý thêm là hiện nay nhiều tỉnh có Hội văn nghệ ,hội nào cũng có một tờ tạp chí và tạp chí nào cũng thường đăng các loại sáng tác cũng như phê bình . Song lâu nay báo của tình nào lưu hành ở tỉnh đó là chính , thành thử ai dám bảo đảm là không có những bài viết tốt mà không được ai biết tới  ?
* Sau một hồi ít viết , năm qua(2001 ) nhà thơ Bằng Việt cho in tập Ném câu thơ vào gíó . Song có lẽ ít người biết là gần đây Bằng Việt còn giữ mục thơ dịch cho báo Người Hà Nội , và làm khá đều , mỗi số chọn ra một nhà thơ (chủ yếu là các nhà thơ thế kỷ XX ) và  dịch vài bài . Trong hoàn cảnh kinh tế thị trường như bây giờ ,làm thơ đã là dũng cảm dịch thơ lại càng dễ “lỗ vốn “ . Xét về lợi ích của phong trào sáng tác nói chung  giữa hai công việc này của Bằng Việt thật  khó nói là việc nào đáng khuyến khích hơn .
* Một vài  nhà báo giữ mục văn nghệ ở các báo đôi khi đến hỏi dân phê bình chúng tôi rằng trong đời sống văn học đang có nhà văn nào được chú ý . Sau khi , trong những trường hợp có thể , nói ý kiến của mình , tôi bổ sung thêm  là chính chúng tôi cũng trông vào sự đánh giá của các bạn . Chẳng phải là chính các bạn vẫn thường xuyên có sự xếp loại đó sao ? Một  lối làm báo phổ biến hiện thời là đi phỏng vấn : đứng ra viết bài đánh giá một tác phẩm một nhà văn hoặc một tác phẩm nào đó thì hơi khó , thôi thì để người trong cuộc tự nói ra là tiện nhất . Song trước tiên bản thân việc phỏng vấn người này mà không phỏng vấn người khác đã là một sự bỏ phiếu một sự lựa chọn . Nếu như có ai đó bỏ công ra đếm thử sau một năm sau một quý , những nhà văn nào được phỏng vấn nhiều nhất , số lượng cụ thể là bao nhiêu lần , thì đại khái người ta có thể hình dung ra những nhà văn thuộc dạng nổi tiếng nhất đương thời . Có thể xem đây như một giải thưởng văn chương không tuyên bố : giải của các nhà báo .
* Nhà văn N. cho in  một cuốn tiểu thuyết . Anh em tới mừng  với  lý do  nghe nói ngay lập tức bên truyền hình đã có ý định đưa tác phẩm lên phim . Học theo câu nói xưa , phi cao đẳng bất thành phu phụ , có thể bảo giờ đây  phi lên phim bất thành tiểu thuyết .
* Lý luận phê bình cứ đì đẹt mãi không nổi lên được , có lẽ một phần là vì viết ra đã khó ,lại dễ bị độc giả chê  là nặng , không muốn đọc . Biết thóp được điều  đó , một số người quay ra viết những chuyện vui vui về các nhà văn , đại khái người này mới có nhà riêng , người kia có con đỗ đại học , ông A cưới vợ , bà B tái giá … Viét như thế có cái tiện là chứng tỏ rằng mình thân quen với giới sáng tác . Còn với người được nói tới : Đây cũng lại là một tiêu chuẩn để đánh giá sự nổi tiếng  thời nay ?
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Những nỗ lực liên tục
Khai thác bản thảo vốn là khâu cực nhọc nhất trong nghề xuất bản . Trình độ người viết  người biên soạn cũng như người dịch nói chung đều là có hạn . Bạn đọc thì đỏng đảnh dễ chán . Làm sao buộc họ bỏ tiền mua sách bây giờ ? Có những lúc thị trường hình như bão hoà .
Nhưng những đầu óc năng động không chấp nhận đầu hàng . Ơ cái chỗ tưởng như bước đường cùng , nhiều sáng kiến đã xuất hiện .
Trong việc tái bản sách cũ : chỉ cần sắp xếp sách thành một hệ thống và trình bày chúng theo  khuôn khổ  chung là người làm sách có nghề đã  đủ tạo nên cả một xê-ri sách mới . Ví dụ tủ sách Hồi ký của NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh , tủ sách Nhà văn Việt Nam –Tác phẩm và dư luận của NXB Văn hoá thông tin , tủ sách Đối thoại với các nền văn hoá của NXB Trẻ v..v..
Khó hơn là việc có được những bản thảo mới có giá trị  . Tiểu thuyết hay  cỡ như Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh vài năm mới có một cuốn . Vả chăng  việc này  phụ thuộc nhiều bản thân những người cầm bút . Khu vực mà  giới xuất bản có thể chủ động chứng tỏ tầm mắt rộng rãi  cũng như tài tổ chức công việc của mình là sách dịch . Chỗ trong nghề với nhau , người ta được biết nay là  lúc các nhà xuất bản các hiệu sách các công ty phát hành sách đang tìm cách vươn ra rộng rãi  thị trường sách của nước ngoài , kể cả các hội chợ sách của thế giới . Những cuốn tiểu thuyết  bán chạy ở Anh Pháp  . Lối làm sách từ điển sách phổ cập kiến thức đầy hiệu quả của người Mỹ . …Cho đến cả những hiện tượng mới trong văn học Nga từ sau sự sụp đổ của nhà nước xô viết ( như nhà tiểu thuyết trinh thám Marinina, nhà văn Tocareva …)cũng đã bắt đầu được khai thác . Một ví dụ rõ rệt nữa  là các loại “hàng Tàu “. Đó là những bộ tư liệu lịch sử nhất là lịch sử hiện đại ngày một phong phú  và hấp dẫn  . Đó còn là những tiểu thuyết , mặt hàng mà các cụ ta xưa  còn để búi tó và đọc trực tiếp trên chữ vuông đã mê mẩn . Có một dạo hàng loạt tiểu thuyết viết về những tấn bi kịch của con người trong cách mạng văn hoá ( Đàn ông một nửa là đàn bà , Thị trấn phù dung …) được in ra được tiêu thụ rộng rãi và nhiều người đã tin chắc rằng còn lâu ta mới viết được như thế . Năm ngoái năm kia ,  Phế đô của Giả Bình Ao , Báu vật của đời của Mạc Ngôn , Linh sơn của Cao Hành Kiện lại làm mọi người sửng sốt . Và mùa hè năm nay thì bạn đọc lại có trong tay Đàn hương hình cũng của Mạc Ngôn cũng như Trường hận ca của Vương An Ưc , mỗi cuốn một vẻ  , vừa là sự khám phá mới về tính cách dân tộc Trung Hoa ,vừa là cách hiểu đa dạng về số phận con người nói chung . Với sự nỗ lực liên tục của giới xuất bản  , việc đi tới các hiệu sách vẫn luôn luôn là điều gợi ra hứng thú .