VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

"Đèn Cù" và việc viết về các nhân vật chính trị tầm cỡ quốc gia


 Những chân dung chính trị đầy ấn tượng
Tôi muốn dùng lại cái cụm từ hai trong một để chỉ Đèn cù.
Đây là một cuốn tự truyện của một trí thức. Người trí thức này làm cái nghề mà ở Việt Nam dễ đánh mất mình nhất là nghề làm báo.
Nhưng anh là một nhà báo theo cái nghĩa mà ở các nước hiện đại người ta vẫn hiểu. Nhờ làm báo anh biết rất nhiều và có nhiều điều về chính mình khi về già muốn chia sẻ với bạn đọc. Và rộng ra, chia sẻ với thời đại.
Trong phần khắc họa lại khuôn mặt của nhiều nhân vật cao cấp mà mình đã được gặp và có khi là cùng làm việc, cuốn sách đưa ra những phác họa  chân dung chính trị.
Nếu cắt riêng các đoạn viết về từng người, rồi gộp lại, và bổ sung như thế nào đó làm nên một chỉnh thể hợp lý, ta sẽ có một cuốn sách riêng, với giá trị riêng.

Về chất tự truyện của Đèn cù, tôi sẽ đề cập tới trong một dịp khác. Hãy nói cái điểm thứ hai. Đây cũng là điểm làm nên sức thu hút của tác phẩm.
Ta hãy chú ý, sau khi học ở Trung quốc về, tác giả được phân công chuyên đi theo Hồ Chí Minh để viết về ông cụ. Rồi về sau, do những vướng mắc về lý lịch nên mới bị mất cái chân ai cũng thèm muốn ấy. Nhưng những cảm tình với các thần tượng của mình thời trẻ như Hồ Chí Minh, Trường Chinh... thì dù có phai lạt song không bao giờ mất đi trong tâm trí tác giả. Không thấy điều này tức là chưa hiểu Trần Đĩnh.

Ở các nước trên thế giới hiện nay chung quanh các nhân vật quan trọng – các VIP - bao gồm từ các chính khách các nghệ sĩ lớn, các cầu thủ bóng đá, luôn luôn có những người đi kèm để viết tiểu sử của họ.
Hình như ở ta, các nhân vật chính trị lúc đầu cũng định làm vậy. Nhưng về sau, cách mạng càng ngày càng gặp khó, các VIP càng ngày càng sống trong bí mật không muốn ai biết về cuộc sống riêng của mình.
 Rút cuộc chính trị ở ta là một vùng cấm, nhân vật chính trị là một thứ người ở trên trời. Mà cánh nhà báo nhà văn được phân công đưa tin vể các vị ấy thì chỉ viết ra những bài báo vô cảm.
Có thể ban đầu, tác giả  Đèn cù,  cũng chỉ lo việc làm báo. Nhưng đây là một đầu óc thường xuyên đọc báo chí sách vở chính trị  quốc tế, lại có con mắt quan sát, đưa những chi tiết lên tầm khái quát theo cách của một nhà văn. Khi viết lại tự truyện, anh mang tất cả những kinh nghiệm đó vào tác phẩm một cách tự nhiên. Đèn cù gợi ra cái định đề rằng giới nhà văn nhà báo phải  coi việc viết về các VIP  là nghĩa vụ trước lịch sử.

Hai ví dụ
Cầm Đèn cù trên tay tôi nhớ ngay hai tác giả Nga và Trung Hoa.
Ông người Nga là Roy Medvedev. Theo Encyclopedia Britanica, phần đưa trên mạng, thì ông sinh 1925. Cha ông cũng từng bị bắt năm 1938, bị chết khi đi cải tạo vào năm 1941. 
Tấn kịch này đã khiến R. Medvedev rất quan tâm tới hệ thống chính trị và lịch sử chế độ xô viết. 
Ông từng là nhà nghiên cứu giáo dục và lấy bằng phó tiến sĩ ở Viện hàn lâm khoa học giáo dục Moskva 1958. Có thời gian làm Tổng biên tập nhà xuất bản Giáo dục.
Vào Đảng năm 1956 — sau Đại hội 20 --, ông bị trục xuất khỏi Đảng năm 1969. Ông được phương Tây coi như một nhà sử học độc lập.
Tác phẩm chính của ông gồm có  Khrushchev: Những năm cầm quyền( 1976), Khrushchev (1983), và  Khrushchev:một cuốn tiểu sử chính trị  (1986) ...

 Hồi 1986 ở Nga tôi đã thấy giới trí thức truyền tay nhau cuốn tiểu sử Stalin do Medvedev viết. 
Ngoài ra ông  còn có một cuốn sách khác, mang tên Họ vây quanh Sta lin, dịch sang tiếng Anh là All Stalin’s Men (1984) viết về một chùm, những Malenkov, Molotov, Kalinin…Tôi từng đọc cuốn này khi in nhiều kỳ trên tờ Iunost, và có cắt ra mang từ Nga vể, sau có tặng lại cho anh Lê Tuấn Huy.

Ông người Tàu (lục địa) thì là Diệp Vĩnh Liệt, tác giả của nhiều cuốn tiểu sử những Mao Trạch Đông, Giang Thanh, Khang Sinh, Tưởng Giới Thạch... 
Tạm kể một ví dụ một cuốn  mang tên Các bí thư của Mao Trạch Đông, bản tiếng Việt gần đây của Minh Khai book, Nguyễn Thu Hiền biên dịch. 

Đây là đoạn quảng cáo tôi sao chép lại từ trên mạng, dán lên đây để giúp hiểu cách làm việc của Diệp Vĩnh Liệt

Thực tế đã có rất nhiều thư ký làm việc bên Mao Trạch Đông. Cuốn Các Bí Thư Của Mao Trạch Đông viết lại những hồi ức và những nghiên cứu về con người Mao Trạch Đông bằng một góc nhìn đặc thù, góc nhìn nhận của chính các thư ký đối với Mao Trạch Đông.
 Cuốn sách này viết về 6 vị thư ký: Hồ Kiều Mộc, Trần Bá Đạt, Điền Gia Anh, Gianh Thanh và hai thư ký cơ yếu của Mao Trạch Đông đó là Cao Trí và Lô Quang Lộc.
Tác giả cuốn sách này đã trực tiếp phỏng vấn Trần Bá Đạt, Cao Trí và Lô Quang Lộc, đồng thời cũng phỏng vấn hai vị phu nhân: bà Cốc Vũ - vợ Hồ Kiều Mộc và bà Đổng Biên - vợ Điền Gia Anh - cùng rất nhiều những người bạn quên biết với Giang Thanh.

Ngoài ra, trong sách còn có thêm những ghi chép thực tế khi tác giả phỏng vấn hai nhân vật khác. Một là, đội trưởng đội cảnh vệ Trung ương Trương Diêu Từ; hai là Lô Địch - người đọc giảng thơ văn cho Mao Trạch Đông. Tất cả đều có giá trị tham khảo quan trọng trong việc nghiên cứu và tìm hiểu về Mao Trạch Đông. 

 Một kho hồi ký đáng ra phải có. 
 Cả Medvedev lẫn Diệp Vĩnh Liệt đều viết như là những nhà nghiên cứu, còn Trần Đĩnh – TĐ trong Đèn cù chứ không phải trong mấy tài liệu theo đơn đặt hàng của tuyên huấn -- thì viết về các VIP như là một phần tự truyện, như là hồi ký về các vị ấy.

 Đọc Đèn cù tự nhiên tôi ước ao giá kể công việc của Trần  Đĩnh được nhiều người khác cùng gánh vác.
Trong Đèn cù, mỗi khi nói tới Mao Trạch Đông, tác giả thường láy lại một số chi tiết lấy từ cuốn hồi ký của Lý, một bác sĩ chuyên lo chăm sóc sứ khỏe của Mao.
Chung quanh các lãnh tụ của VN, cũng có bao  nhiêu người từng là bác sĩ là thư ký riêng, là dân tay hòm chìa khóa luôn luôn phải lo phục vụ từ việc công tới việc tư. Nếu những người này có cách  nhìn riêng bản lĩnh riêng nhớ lại người mình từng có dịp gần  gũi miêu tả một cách chi tiết, từ hành động tư tưởng tới đời sống riêng tư của các vị VIP ấy, cả những phần hay lẫn những phần dở... thì chúng ta sẽ có bao nhiêu trang sách thú vị.

Rồi xã hội sẽ kiểm tra sàng lọc.
Những gì sai lạc sẽ bị dỡ bỏ. Những gì đúng đắn sẽ được phổ biến rộng rãi.

Ở trên, tôi đã nói tới Diệp Vĩnh Liệt. Sách của ông này được xuất bản chính thức ở Trung quốc, được nhà nước cho phép thì mới có dịp dịch sang Việt Nam.
 Trước mắt ta hãy làm được như Diệp Vĩnh Liệt cũng đã tốt rồi. 

Cố nhiên, trong các nước xã hội chủ nghĩa, đôi khi đây là một việc nguy hiểm.
Nguyễn Khải từng kể với tôi là hồi hòa đàm ở Yalta sau Đại chiến thứ hai, sau khi họp kín với Churchill, Roosevelt,  nhà độc tài Stalin có nói với người phiên dịch của mình:
-- Mày biết nhiều quá, tao muốn mượn luôn cái đầu của mày quá!

Người trong cuộc dễ chuốc lấy tai vạ khi viết. Nhưng công chúng thì hưởng lợi.
Một xã hội hiện đại là một xã hội trong đó người làm chính trị dù ở cấp nào trên nguyên tắc  cũng vẫn chỉ là một thứ công chức và cũng phải chịu sự quản lý của pháp luật.
Ngược lại thì đó là xã hội trung cổ.

Nên có sách dẫn 
 Trở lại Đèn cù.
Trong đời làm văn làm sách của mình, tôi thấy dễ chưa có tác phẩm nào được đọc nhiều như thế. Trong số những điều gọi là phản hồi của độc giả, có chi tiết vui vui sau đây.
Sau khi Đèn cù được tung lên mạng theo dạng tháo khoán, một bạn đọc đang ở hải ngoại tâm sự: Tôi đã đọc bản điện tử, tôi vẫn tính chuyện phải mua thêm một bản giấy. Nghĩa là  bạn đọc ấy tính còn phải đọc lại. Nghe có tự hào rằng mình chịu chơi. Nhưng trong đó chẳng phải không có một hai phần trăm nào đó tiếc tiền(?)

Vốn làm nghề xuất bản tôi rất hiểu sự cạnh tranh của sách in trên giấy và các ebook.
Tôi muốn mách nước anh Đĩnh và nhà xuất bản thứ nhất tác giả nên bắt tay ngay vào việc chỉnh lý những thiếu sót trong bản đầu.
Thứ hai, với tư cách một cuốn khảo cứu chính trị, và với dung lượng lớn các nhân vật được nói tới trong tác phẩm như Đèn cù, biên tập viên và nếu chính tác giả làm thì càng tốt nên làm một thứ sách dẫn – index - ở cuối sách. Ở cả hai loại:
1/ index về chủ đề
2/ index về nhân vật

Ở nhiều nước văn minh, cả các cuốn sách khảo cứu bình thường  cũng đã có kèm theo các index loại đó.





Mới hơn Cũ hơn