VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Tuân và quá trình hiện đại hoá xã hội Việt Nam thế kỷ XX: trường hợp truyện dài Thiếu quê hương (phần tiếp)

                                … và tập nghĩ cùng nhịp với thế giới


      Những đổi mới trong nếp nghĩ của Bạch bao gồm hai điểm:
      Một là tìm cách nhìn về  "kẻ khác" lúc này đang chung sống với cộng đồng mình, dân tộc mình bằng con mắt thiện cảm chứ không phải căm ghét
      Hai là có cách đánh giá khác đi với  những gì cộng đồng mình vốn có.
       Trong những chuẩn mực làm nên một con người mới – con người hiện đại , Thiếu quê hương  cho thấy người ta phải có cách nghĩ mới về dân tộc, thời đại.

     Kẻ khác như một khái niệm văn hóa  Lần đầu tiên tôi được biết khái niệm kẻ khác là từ nhà phê bình Đặng Anh Đào .
      Trong một bài viết in trong tập Tài năng và người thưởng thức, chị Đào dẫn lại một ý của Octavio Paz . Ông này (1914/1998)  là nhà thơ, nhà văn Mexico đoạt giải Nobel Văn học năm 1990.  
Miêu tả  tình trạng quê hương Mexico  khi văn hóa châu Âu mới xâm nhập ông  bảo " Tấn bi kịch của những dân tộc Mỹ la tinh trước giai đoạn Christophe Colombo đó là họ không có ý niệm gì về kẻ khác".
     Hoàn cảnh của người Việt thế kỷ 19 về trước, có chút gì đó tương tự.
     Sống ở nước mình, song các cụ ta thuộc lòng lịch sử địa lý con người Trung Hoa. Có điều Trung Hoa lúc ấy bên cạnh vai trò kẻ thù đe doạ sự tồn tại, lại có vai trò một thứ cội nguồn mà người ta mơ ước trở về và do đó chưa bao giờ tách mình ra khỏi hoàn toàn.
     Tức là Trung Hoa có cái tình thế nước đôi, vừa là kẻ khác vừa không phải.
     Vai trò người Pháp thời hiện đại thì khác. Ta thường hiểu họ có  vai trò thực dân. Nhưng về mặt văn hóa , họ có vai trò kẻ khác  như một nhân tố bên ngoài thúc đẩy sự phát triển xã hội. Và ở khía cạnh này, sứ mệnh của người Pháp lẽ ra phải được khẳng định như Bạch đã khẳng định.
    
     Phương Tây không phải bao giờ cũng xấu  Nhận thức cần thiết trên đã được văn học phản ánh như thế nào?
      Trong cuộc đời và tác phẩm của những Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ... sự có mặt của người Pháp như một nét đặc biệt của xã hội Việt nam từ sau 1884 đã trở nên một nhân tố khách quan hợp lý.
     Trường hợp Người đầm của Thạch Lam là một ghi nhận chắc chắn. Không hẹn mà nên, ở chỗ này, Nguyễn Tuân trước 1945 cũng lại gặp Thạch Lam.
     Ngay trong chương đầu của Thiếu quê hương, người ta đã thấy sự hiện diện của mấy người da trắng xa lạ ấy, từ người chủ cửa hàng mà Bạch làm thuê tới một người lính ngẫu nhiên đến chia sẻ tâm sự với Bạch như một kẻ tri âm tri kỷ.
     Hoặc ở đoạn cuối, nhân có một việc cần tác động vào quan chức địa phương, mà không biết làm cách nào, Bạch liền tìm đến nhà viên công sứ đầu tỉnh.
     Thì ra đây là một người quen cũ của Bạch. Họ từng  cùng đi trên một chuyến tàu biển từ Pháp sang Việt Nam.
      Và cái chính là họ hiểu nhau.
      Viên quan cai trị này thuộc loại biết người biết của, lại sống có tình.
     So với sự có mặt của những người Pháp trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng… thì đây đã là cả một sự thay đổi rõ rệt.
      Nên đánh giá hiện tượng này như thế nào ?
       Nếu bảo cách nhìn của tác giả trong Bước đường cùng, Tắt đèn là hiện thực thì cũng phải nhận Nguyễn Tuân, Thạch Lam có cái lý riêng của mình. Đó là một phương diện của đời sống xã hội trước 1945. Và các ông cũng hiện thực.

     Phía tích cực của những yếu tố ngoại nhập  Một sự lo ngại chính đáng thường xảy ra khi nghe nói đến Âu hoá: sợ rằng nói thế rồi dễ sinh ra nông nổi mất gốc.
       Nhưng nếu hiểu Âu hoá là hiện đại hoá và nhìn lại lịch sử thì thấy ngược lại. Hiện đại hoá đòi hỏi các cộng đồng cũng như các cá nhân phải nghĩ về mình, chính trong hiện đại hoá mà các chủ thể đó trở lại với bản thân để tiến hành công cuộc tự phát hiện đầy thú vị.
     Tức hiện đại hoá không đẩy người ta đi xa dân tộc mà càng trở về với dân tộc.
      Đây chính là một nghịch lý vốn đã được chứng minh ở các nước châu Âu, nay đến phương Đông vẫn đúng.

      Nhìn vào học thuật (học thuật với nghĩa cái phần tự ý thức của dân tộc): chỉ từ thế kỷ 20, chúng ta mới có những sự kiểm kê di sản nghiêm túc để rồi làm nên những bộ sách cơ bản Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim), Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), Văn minh Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm).
     Điều này càng thấy rõ hơn trong sáng tác thơ văn.
     Trong việc tạo ra mối thân tình với con người, văn học tiền chiến có một sự gần gũi hơn hẳn so với văn học cổ điển. Điều đó một phần là nhờ ở cái bút pháp tả thực mà các nhà văn lúc này có được qua học hỏi nguyên tắc sáng tác khoa học của văn học phương Tây. Họ viết ngay về cảnh vật làng xóm quê hương cũng như các thành thị mới hình thành. Họ viết ngay về những con người họ gặp hàng ngày.

     Ở chỗ này Nguyễn Tuân có cách làm riêng.
     Trong khi nét đặc sắc của nhiều nhà văn tiền chiến xuất sắc là phong cảnh con người nông thôn thì Nguyễn Tuân tập trung nhiều hơn vào đời sống thị thành từ Hà Nội tới Hải Phòng Hòn Gai. Rồi theo bước chân của Nguyễn, qua các tùy bút, chúng ta còn có dịp đến với Huế, Cửa Đại và vào tận Sài Gòn.
     Có thể nói, trước 1945, không có một nhà văn nào làm được cái việc có mặt trên khắp ba miền đất nước và sống với nhiều vùng đô thị như ông Nguyễn.
       Trong khi xê dịch theo các phương tiện hiện đại và bằng tâm lý của con người  hiện đại, bao trùm  trong Nguyễn Tuân không phải là sự luyến  tiếc quá khứ  mà là tình yêu một quê hương  đã đổi mới trong xu thế  của một xã hội công nghiệp.
        Nghĩ lại về những gì quen thuộc   Người ta thường lên án cái việc ham đi  nơi Nguyễn cũng như  Bạch, xem đó là một hành động hưởng thụ cá nhân  của kẻ vô công rồi nghề. Nhưng mọi chuyện có thể được nghĩ khác. Quê hương là cả đất nước chứ không phải cái xóm nhỏ đầu làng; ham xê dịch chẳng những không phải là xấu mà nên coi là một thói quen cần được khuyến khích.

     Xê dịch một cách lành mạnh như Bạch còn mang lại cho nhân vật cả những mới mẻ trong cách nghĩ. Bạch thường lấy quan niệm về sự xê dịch làm tiêu chuẩn gốc để đánh giá con người. Từ đó, Bạch tỏ ra đặc biệt dị ứng với thói quẩn quanh xó nhà .
      “Đi với người dân thường là một điều khốn cực, là một cục gạch ném vào hạnh phúc, và cái đời yên nhàn. 
     Về việc đi, trong ngôn ngữ dân gian có những thành ngữ đê tiện, đại để như những câu "Sểnh nhà ra thất nghiệp", "ăn mày xuất tàu", "chạy tiền ăn đường".
      Người động ra tàu là có bao nhiêu người than khóc ầm lên chạy theo như chạy theo linh cữu…”. 
      Thói ngại đi của người Việt được Bạch "gọi mặt chỉ tên" không thương tiếc như vậy
  
       Những sự từ bỏ quyết liệt  Từ chuyện xê dịch nhìn rộng ra, con người xem xét đánh giá lại tất cả.
      Có chỗ, một nhân vật trong Thiếu quê hương bảo: xứ mình tẻ lắm ngài nhỉ; có chỗ nhân vật khác lại thoáng nghĩ đại khái trình độ đương thời là trình độ bán khai. Đến Hòn Gai, Bạch thấy ở đây đất đen mà lòng người thì trắng. Ở Hải Phòng, Bạch thấy "cái gì mà người ta sống như ăn cướp và nhà gạch mọi phố thì cái nào cũng giống cái nào". Trong một đoạn văn ngắn ở cuối sách, dự một buổi việc làng Bạch đã nhận ngay ra chân tướng những người nông dân, vừa tham lam vừa thiển cận, lúc ngồi giữa đám đông bài bây, làm bậy đấy rồi lại khóc lóc hèn hạ ngay đấy.

      Cùng phụ họa với Bạch, nhân vật Hòa cũng thấy chung quanh quá tầm thường. Đây là một đoạn Hòa nghĩ khi đi bên cạnh Bạch:
      "Nàng ngắm mình, ngắm trộm Bạch, tự cảm thấy rằng hôm nay có hai người đại lữ khách đang đi qua thành phố Hà Nội nhỏ bé. Một nỗi kiêu căng ngập lòng Hoà, tràn lan ra ngoài. Rồi nàng lại chỉ muốn làm một cô gái rất bé nhỏ bên cạnh một người anh tên là Bạch rất ngang tàng trong điềm đạm, đang có bước đi bộ bất chấp cả đến tất cả chung quanh, từ một cái ôtô rẽ ngoặt bóp liền hai ba thứ còi cho đến một cái tàu điện lù lù và nghênh ngang mãi ở giữa phố. Không hiểu anh Bạch anh ấy đang nghĩ gì chứ trong lòng Hoà thì Hoà thấy khinh bỉ Hà Nội quá chừng. Hà Nội trông xấu quá. Có đi sang đến bên kia một cái cái bờ Thái Bình Dương rồi khi trở về mới thấy cái kinh thành sinh trưởng của mình là bủn xỉn" (cuối chương 28).
      Cách nói có phần quá quắt. Nhưng đằng sau đó là gì nếu không phải là tình yêu tha thiết với đồng bào xứ sở, muốn cho người mình xứ mình tiến nhanh lên để đạt tới trình độ hiện đại.
    
    Cách hiểu khác đi về lòng yêu nước. Để hiểu cái tâm lý thúc đẩy một ngòi bút sáng suốt như Nguyễn Tuân viết ra những đoạn văn như trên, chúng tôi muốn tham khảo cách nhìn một nhà văn đầu thế kỷ XXI.

    Vidiahar S. Naipaul đoạt giải Nobel Văn chương 2001. Ông viết bằng tiếng Anh mặc dù vốn là người quốc gia có cái tên lạ là Trinidad và Tobago, một hòn đảo nhỏ trên Ấn Độ Dương. Đây là một đoạn ông trả lời phỏng vấn:

    Hỏi:
Trong lời đáp từ sau khi nhận giải Nobel, ông đã cảm ơn nước Anh ngôi nhà của tôi và Ấn Độ đất nước của tổ tiên ông. Vì sao ông không nhắc tới Trinidad, nơi ông sinh ra và sống đến 18 tuổi, và cũng là nơi tạo hậu cảnh như những tiểu thuyết đầu tiên của ông?

    Trả lời
: Vì sao tôi lại phải làm điều đó. Những cuốn sách đó là do tôi viết, chứ không phải Trinidad và Tobbago. Trinidad chỉ là nơi cung cấp tư liệu cho tôi. Nếu không có nước Anh tôi cũng không thể hiểu được những gì mà tôi đã trải nghiệm tại Trinidad. Ở đó người ta không được học gì về nguồn gốc lịch sử của hòn đảo này.

     Ở nhiều nước cũng vậy mà ở ta cũng vậy, lòng yêu nước thường có hai nghĩa chính:
     một là lòng yêu những gì thuộc về làng xóm quê hương với nghĩa một không gian hẹp và những gì quen thuộc từ thời thơ ấu.
      Và hai là lòng căm thù những thế lực ngoại bang đến xâm lược đất nước.
    (Bởi hiểu như thế nên giờ đây người ta thường chỉ tìm thấy lòng yêu nước rõ rệt trong văn học Việt Nam từ 1932 về trước. Còn đối với văn học tiền chiến, mặc dầu coi đây là một giai đoạn chín đẹp bậc nhất của văn học dân tộc, song khía cạnh này ít được nói tới).
      Câu chuyện của Naipaul cho thấy những gì đã xảy ra trong tâm lý con người hiện đại. Tính công dân thế giới mang lại cho họ một cách suy nghĩ mới. Và bởi lẽ Naipaul được tặng giải Nobel nên có thể nghĩ đây là cách nghĩ được thế giới đương đại chấp nhận, coi là cách nghĩ hiện đại đáng khuyến khích.
      Về phần Nguyễn Tuân, phải ghi nhận là ngay từ thời ấy mà ông đã có được cái cách nghĩ tương tự. Khả năng tự ý thức chính xác về mình, về cộng đồng mình, kèm theo đó là óc phê phán, là một cái gì đến nay chúng ta vẫn phải bảo nhau bồi đắp.

      Hai cách nhìn. Hai mảng văn học lớn
Với tư cách là một sự kiện đóng vai trò chi phối lịch sử Việt Nam, công cuộc hiện đại hoá nửa đầu thế kỷ 20 được phản ánh thành hai mảng sáng tối khác nhau.
        Mảng thứ nhất là dòng của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Theo họ, hiện đại hoá làm hỏng xã hội, làm hỏng con người. Nó cần bị kết án. Đây là một thứ vô thức tập thể cùng lúc chi phối nhiều nhà văn lúc ấy.
        Trong khi đó, Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới toát lên một cách nhìn nhận có xu hướng khác. Với họ, hiện đại hoá là tốt là khiến cho xã hội và con người tốt hơn, cần được ca ngợi.
       Từ Xuân Diệu tới Hàn Mặc Tử, và ngay cả ở Nguyễn Bính nữa, người ta đều bắt gặp nỗi ham hố của con người muốn nhập vào những biến chuyển đang xảy ra trên thế giới rộng lớn và sẵn sàng sống khác với cuộc sống hôm qua mình đã sống.
       Gọi họ là lãng mạn cũng được .
        Nhưng chớ nên quên đó là một thứ lãng mạn tích cực, và có ý nghĩa hiện thực, hiện thực trong việc nắm bắt cái tinh thần cơ bản của cuộc sống chứ không phải những chi tiết bé nhỏ lặt vặt.
      Cách nhìn của Nguyễn Tuân là một bộ phận tiếp tục của cái mảng thứ hai này.
      Tiếp tục và nâng cao lên một bước.
      Trong Vang bóng một thời, lần đầu tiên quá khứ của xã hội Việt Nam được xem xét và ghi chép từ một cái nhìn hiện đại. Quá khứ có đẹp nhưng là một vẻ đẹp tàn tạ, một vẻ đẹp một đi không trở lại. Còn trong Thiếu quê hương và các tùy bút, trước mắt chúng ta là một cuộc sống đang phát triển với tất cả cái năng động có thể có của một cuộc vận động hợp quy luật. Tác phẩm có sự vượt lên lối mòn bảo thủ để khai thông về mặt tư tưởng.

      Sự dang dở rất hiện thực Đọc xong Thiếu quê hương, cảm giác còn lại trong nhiều người có thể là những ngổn ngang dang dở. Dang dở trong xã hội: dù có sự vận động tiến lên, bóng tối của quá khứ còn dầy đặc. Dang dở trong kiếp người, các nhân vật chính vừa là cũ vừa mới, mọi thứ ở họ chồng chéo lên nhau, chẳng cái gì thắng mà cũng chẳng cái gì thua.
       Đoạn cuối Thiếu quê hương gợi ra cảm giác của một sự bế tắc, hình như viết đến đấy, tác giả không biết cho câu chuyện kết thúc ra làm sao, đành gượng gạo cài vào một tình thế bất ngờ rồi viết quấy quá vài câu cho xong.
      Nhưng đây không phải chỉ là vấn đề của nghệ thuật.
      Sự bế tắc ở đây có nguyên nhân  là ở tình thế của xã hội.
      Xã hội không cung cấp giải pháp cho khao khát thay đổi ở các nhân vật.
      Nhưng khách quan mà xét điều này một lần nữa lại xác minh cái nhận xét của chúng tôi rằng đằng sau câu chuyện xê dịch, Thiếu quê hương đã phác họa khá chính xác chân dung con người thời đại.
       Nguyễn Tuân rất hiểu xứ sở và rất đồng tình với phương hướng phát triển của xứ sở.Tác phẩm của ông là một bằng chứng mà người ta còn có thể khai thác khi muốn tìm hiểu xã hội trước1945, từ đó mà tìm hiểu cái quá trình lớn diễn ra trên đất nước này trong cả thế kỷ 20.
       Tôi muốn nói rằng nay là lúc bạn đọc chúng ta nên đọc lại Nguyễn Tuân tiền chiến; trong thời điểm của không khí mở cửa, chúng ta sẽ thoát khỏi những định kiến mấy chục năm nay để tìm thấy sự gần gũi dễ dàng với các nhân vật và nhận ra sâu xa đâu là đóng góp của nhà văn trong việc ghi chép lịch sử.

 Đã in báoVăn Nghệ 14/1/06,
 Bản trên blog lần này có thêm nhiều sửa chữa và bổ sung

Mới hơn Cũ hơn