VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thói hư tật xấu người việt trong làm ăn buôn bán (tiếp)

 VIẾT THÊM 29- 3-2012

                                     Những nhận thức cần được đào sâu  
                                          
    Nhà văn Tô Hoài có lần bảo tôi truyện vừa và tiểu thuyết Việt Nam thường chỉ được vài chương, nhất là các chương đầu, các chương sau phần lớn đuối, kém. Nói chung là có hiện tượng xôi đỗ, chỗ được chỗ hỏng. 

     BáoTia Sáng 24/02/2012 trong bài Làng nghề gốm: Yếu nhất ở khâu sáng tạo,  ghi lại ý của họa sĩ Lê Thiết Cương -- nhân triển lãm gốm Việt Nam “Rồng và Sen” đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham, Mỹ -- nói về tình trạng của gốm VN hiện nay.
Thật tiếc phải nói rằng truyền thống [ tốt đẹp xưa ] đã bị đứt đoạn, không được kế thừa. Đã có quá nhiều thứ thay đổi, mất đi. Nhưng cứ giả sử rằng, những cái thuộc về kỹ nghệ có tính gia truyền bí truyền vẫn còn, đất và men (men tự nhiên chứ không phải men hóa chất) của ngày xưa vẫn còn, và những tay nghề giỏi vẫn có, thì chúng ta cũng không cách nào mà tạo ra được những sản phẩm đẹp như từng có trong quá khứ. Bởi lòng người đã thay đổi rồi. Họ chỉ muốn sản xuất sao cho nhiều và rẻ, mà như thế thì chỉ có cách ăn cắp công đoạn thôi. Bên cạnh đó, đã là đồ thủ công, thì dù chỉ là cái nón lá hay đôi guốc gỗ cũng cần có hàm lượng mỹ thuật nhất định. Nhưng những gì chúng ta nhìn thấy ở các làng gốm ngày nay, nếu không phải là sao chép người xưa, sao chép vốn cổ từ dáng, men cho đến họa tiết thì cũng là những thứ “phá gốm”. Đó là những thứ gốm có cốt đất nhưng lại được sơn phủ bằng sơn công nghiệp, hay còn gọi là gốm sơn mài ở Bát Tràng; hay những thứ gốm được tô, đắp, khoét, như trường hợp gốm Nhung ở Phù Lãng. Phá gốm vì không có khả năng sáng tạo.
Trong những lần đi khảo sát các làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Hương Canh hay Cậy, ngoài hai dòng gốm như kể trên, thỉnh thoảng tôi [ chỉ còn ]bắt gặp những sản phẩm gốm rất đẹp làm theo đơn đặt hàng của người nước ngoài.
    
      Nếu hiểu mấy chữ sản xuất làm ăn theo nghĩa rộng của nó, mở rộng sự quan sát ở nhiều ngành nghề, chúng ta sẽ còn có thể bắt gặp nhiều câu chuyện  thú vị.
     Từ những nhận xét cụ thể  ấy, người ta có thể đi tới hiểu thêm về cả cách tư duy cách sống cách tổ chức xã hội của người Việt.
     Câu chuyện của Tô Hoài toát lên cái ý người mình thường ngắn hơi, thiếu khả năng ngựa chạy đường trường. Rộng ra mà nói tức là người lao động không đặt cho mình những yêu cầu cao, không có nhu cầu đi tìm cái tối ưu cái hoàn hảo, vốn là một đặc tính cần thiết của những sáng tạo lớn.
     Lê Thiết Cương vạch rõ một mối nguy hại sờ sờ của lối làm ăn vô hồn. Hóa ra cái sự ăn mày dĩ vãng lười biếng và thiếu khát vọng sáng tạo dẫu sao còn tạm thời chấp nhận được. Nguy cơ lớn hơn còn là sự bất chấp  chuẩn mực làm gốm mà là phá gốm. Nghịch lý là ở chỗ chúng ta đang thoái hóa đi trên con đường gia nhập thế giới hiện đại.
    Trở lại với các mẩu chuyện của các trí thức tiền bối.
     Các câu chuyện của Lương Dũ Thúc cũng như Thạch Lam ( nhận xét về các hàng bánh kẹo) gặp nhau ở cái ý dân ta không biết lo xa, dễ thoả mãn, vừa thành công ra đã muốn nghỉ ngơi tận hưởng lạc thú và nói như ngày nay, làm mất thương hiệu như chơi .  
     Tản Đà gói ghém khái quát những hạn chế của người mình trong mấy chữ tài trí kém.
     Phan Kế Bính rất có lý khi tố cáo người làm nghề ở ta không yêu nghề, chỉ biết chạy theo số lượng. Ông đã đi vào gan ruột tất cả đám thợ bất đắc dĩ chúng ta khi nói rằng người làm nghề thường “ không cần gì tinh xảo chỉ cốt bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn.”
     Ông cũng đã đi tới một sự giải thích xác đáng khi nói rằng trong các thành phẩm của người mình, tỷ lệ của lao động trí óc thấp. Vì sự phát triển chung cũa xã hội, bộ phận trí thức – thời phong kiến gọi là kẻ sĩ –đã yếu kém lại chỉ lo thi cử làm quan không có sự đóng góp vào các công việc làm ra của cải.
     Nếu được phép nghĩ rộng ra thêm, ta sẽ thấy nhiều khi từ một mẩu chuyện có thể rút ra nhiều ý khái quát khác nhau.
     Không khó khăn gì để nói rằng từ câu chuyện về những chiếc bánh mằn thắn mà Thạch Lam từng kể, ta nhận ra thói làm ăn hời hợt cẩu thả của người mình. Nhưng  từ đây còn có thể rút ra thêm hai ý:
   1/ nhiều ngành nghề làm ăn của ta thực ra có nguồn gốc ngoại lai; suốt trường kỳ lịch sử những chú khách từ phương bắc tới đã mang lại cho thị trường một loạt ngành nghề mới.
   2/ nhưng trong việc đi học thiên hạ, dân ta thường có lối vội vội vàng vàng làm nhanh làm ẩu bất chấp chuẩn mực do đó tự mình triệt đường làm ăn của mình; vô tình hóa ra giả dối lừa lọc.

    Chính theo tinh thần mà các trí thức lớp trước gợi mở, tôi đã thử trình bày các suy luận của mình trong một số bài báo.


                            CÁC BÀI PHIẾM LUẬN TÔI ĐÃ VIẾT
                                               CÓ LIÊN QUAN TỚI CHỦ ĐỀ TRÊN 

 Làm ăn kém nên nghèo,  bởi nghèo nên xấu tính 
    Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật thích viết rằng những người làm tranh Đông Hồ chỉ là những người nông dân lúc rỗi rãi thì vẽ thêm tranh. Mục đích của họ cốt cho người ta thấy nghệ thuật ở VN “ gắn liền với đời sống “. Có biết đâu làm thế chỉ là một cách tốt nhất để phô ra một sự thật: trong xã hội VN, trình độ sống và làm việc là thiếu chuyên nghiệp. Không sớm có sự phân công lao động. Con người nhởn nhơ dông dài ngay trong sự chăm chỉ của mình.
   Tình trạng của nghề làm tranh cũng là tình trạng của nghề dệt, nghề đúc đồng,nghề làm muối, nghề làm đồ gốm, cả nghề làm ruộng… Chỗ nào người ta cũng thấy sự ngưng trệ. Kỹ thuật cổ lỗ. Năng suất thấp. 
    “Cối xay tre, nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm thóc “. Trong lời thuyết minh viết cho phim Cây tre Việt Nam 1955, Thép Mới từng viết một câu văn xuôi mang đầy chất thơ để hằn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ học sinh tiểu học như vậy. Vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, nó gợi một cảm giác về sự nhẫn nại bất khuất kiên cường. Nhưng sang đến thế kỷ XXI này đọc lại thấy dấu hiệu của một cuộc sống ù lì tăm tối.
     Người Việt tự nhủ Đói cho sạch rách cho thơm. Ảo tưởng nhắc lại mãi nghe như có lý. Song khi người ta quá nghèo thì khó lòng giữ được sự tử tế. Chính nhiều người từ xa tới  đây cũng sớm hiểu điều đó.      
    Trong cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài 1688, (bản của NXB Thế giới, 2006) một nhà thám hiểm người Anh là  W.Dampirer ghi lại một nhận xét chung: “Cư dân ở đây rất lễ độ và thật thà với người nước ngoài, nhất là những người đến giao dịch và buôn bán. Những kẻ quyền quý thì tỏ ra kiêu căng, hách dịch và tham lam trong khi đám lính tráng  thì hỗn xược.”
    Rồi ông ghi thêm “Cư dân lớp dưới lại hay trộm cắp làm cho nhà buôn và những người đến giao dịch ở đây bắt buộc phải canh gác cẩn thận về đêm “.
    Điều đáng nói là  W. Dampirer đã có cách riêng để giải thích hiện tượng này. Trước đó nhà cửa người Việt ngay ở Kẻ Chợ, tức thủ đô, được tác giả mô tả là quá đơn sơ tầm thường. Nhà nhỏ và thấp. Mấy tấm phên che dột nát tạm bợ. Bên trong chia làm nhiều gian, mỗi gian có những cửa sổ để lấy ánh sáng thực chất là những lỗ đục xấu xí. Theo W.Dampirer, nhà cửa như vậy thường làm mồi cho bọn người trộm cắp. Chúng có thể dễ dàng thực hiện mưu đồ đào tường khoét ngách.
  Khó lòng kể hết những dấu ấn mà sự thấp kém về trình độ sản xuất để lại trong tính cách người Việt. 
  Trước tiên là một tâm lý tự ti mệt mỏi không thấy hứng thú trong lao động.
   Đã nhiều người gặp nhau ở nhận xét là người Việt rất chăm chỉ năng động. Phan Kế Bính tỏ ra tinh nhạy hơn người khi nêu cùng lúc cái tình trạng nước đôi: người Việt vừa cần cù, vừa cho người ta cảm thấy họ coi lao động là bất đắc dĩ, chẳng qua không có cách nào khác nên phải chân lấm tay bùn vậy.
   Xã hội thiếu đi sự quyết liệt tìm tòi.
   Nhà nho xưa nhiều người kiêm cả thày lang. Trong một lần so sánh văn hóa Trung quốc và VN, Phan Ngọc nhắc lại cái ý mà nhiều thế hệ nho sĩ truyền miệng với nhau. Đó là một nhận xét của người Tàu: người Việt sống trên cả đống nguyên liệu dùng làm cây thuốc nhưng vẫn chết vì thiếu thuốc.  
     “Việc lớn thì kinh, việc nhỏ thì khinh, việc bình thường thì không thích “-- thái độ người mình với công việc được Nguyễn Tất Thịnh cô lại trong một nhận xét thật gọn ghẽ.( báoTiền phong, 6-10-06).
    Nhiều nhân vật trong những truyện cười dân gian là những chàng lười. Ca dao hóm hỉnh dựng lại một chân dung, ngày nay ta tưởng là bịa, song thực ra rất sẵn trong nông thôn VN thời trung đại : “ Con cò đậu cọc cầu ao / Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng /  Chú tôi tốt tóc đen răng / Hay ăn làm biếng hay nằm ngủ trưa / Ngày thì ngóng những ngày mưa / Đêm thì ngóng những đêm thừa trống canh ”.
    Vốn rất thông minh nhạy cảm nên không phải là người Việt không biết thực trạng kém cỏi trong làm ăn sản xuất của mình. Nhưng do thiếu sự mở đường của trí tuệ nên người ta cảm thấy đó là cả một định mệnh. Thấy thiên hạ cái gì cũng hơn mình. Bất lực. Cay đắng. Chán chường.
    Một niềm tự ti nằm rất sâu trong tâm lý, mang lại nhiều biến thái: lo học nhưng chỉ học mót học lỏm; sợ người ta coi thường nên phải tìm cách nhấn mạnh cái riêng, và nhắc đi nhắc lại rằng mình chẳng kém gì mọi người. Sống gồng lên ra vẻ thế nọ thế kia, sẵn sàng giả dối cốt sao khỏi bị mất mặt.
   W.Dampier, trong cuốn sách của mình, còn ghi nhận một điều mà sau này các nhà nghiên cứu văn hóa VN từ Phan Kế Bính Đào Duy Anh tới Nguyễn Văn Huyên Lương Đức Thiệp đều chia sẻ, là thói máu mê cờ bạc của người Việt. Giàu tham việc thất nghiệp tham ăn,-- khi rỗi rãi người ta lao đầu vào cuộc đỏ đen một phần là vì bế tắc trong cuộc sống. Toan tính duy nhất ở đây là ngẫu nhiên tìm được một cơ may giữa đời sống tuyệt vọng.      

Một quan niệm đơn sơ về thế giới 
    Sự đơn điệu nghèo nàn là cảm giác chính còn lại trong Nhất Linh sau khi dự Hội chợ hàng VN 1934 mở ở Nhà Đấu xảo Hà Nội
  Trong bài tường thuật trên Phong Hóa số ra 30-11-1934,người đứng đầu văn đoàn Tự Lực viết :”Mấy gian hàng Hải Dương Nam Định vẫn như mọi năm không có gì tiến bộ.Thăm gian hàng Trung Kỳ, người ta cảm thấy như sống lùi lại mười năm trước bởi chỉ có ít đồ gỗ nét chạm non nớt. Đồ đồng của ta có lẽ nghìn vạn năm nữa không thay đổi. Từ cái thau cái mâm cho đến cái đỉnh, thứ nào cũng nguyên như cũ, hình như đổi mới nó đi là một cái tội vậy. Đồ sứ Bát Tràng men trông cũng khéo, chỉ tiếc rằng kiểu không đẹp. Phần nhiều là bắt chước Tàu.“.
   Những nhận xét này có thể áp dụng cho toàn bộ thế giới đồ vật mà Việt sáng tạo ra để phục vụ đời sống của chính mình. Một đôi dép để đi ư ? Ở Bắc bộ, nó chỉ là một chiếc mo cau hoặc miếng da, có thắt một nút trồi lên vừa để xỏ một ngón chân. Trong khi người dân nông thôn xưa chỉ đi chân đất thì một đôi dép như thế còn là xa xỉ, và chỉ những dịp hội hè người ta mới dám sử dụng. Một cái diều ư? Chỉ là mấy tờ giấy phết vội trên mấy nan tre. Một cây sáo ư, chỉ là một ống tre có khoét mấy lỗ sơ sài. Nếu chúng ta biết rằng trên thế giới này, không chỉ Trung Quốc Nhật Bản mà cả các nước phương Tây những cái diều bộ sáo có cấu tạo phức tạp tinh vi như thế nào thì người ta  phải tự trách rằng sao  dân mình dễ bằng lòng với những gì làm ra, tức dễ dừng lại trên đường sáng tạo đến thế.
   Thời nay, khi làm hàng xuất khẩu, người mua các nước cũng thường chê hàng Việt mẫu mã đơn giản, có học lỏm được cái gì của người khác thì cũng chỉ loay hoay ở vài cái lặt vặt mà không biết khai thác hết những khả năng đa dạng có thể có.  
   Chẳng những chúng ta rất ít phát minh mà nhìn vào cái đã phát minh ra, thấy không vượt khỏi tình trạng bột phát ban đầu. Các ý tưởng không được hoàn thiện và đẩy tới cùng. Nguyễn Văn Vĩnh sớm nói thẳng là  trước khi học của nước ngoài, những cái nhà của chúng ta quá trống trải và chẳng có gì mà bày, ghế giường bàn tủ dáng dấp nặng nề, nếu cố trau chuốt thì lại phô ra một mỹ cảm cầu kỳ vụn vặt.
   Ở đồng bằng Bắc  bộ, ngoài nghề trồng lúa nước, gần như không có nghề làm vườn. Các giống vật nuôi trong nhà không đặc biệt, như con chó Vịệt, đặc tính chính của nó là sự tầm thường. Không có con đường làng nào là thẳng, con đường nào cũng cong queo vẹo vọ.
  Tự bằng lòng với cuộc sống tự nhiên của mình ở các làng quê, người Việt cố ý  từ bỏ khả năng tổ chức lại cuộc sống một cách có suy nghĩ ở các đô thị.
   Cho đến cả trong cách tổ chức xã hội, trí tưởng tượng nghèo nàn cũng níu kéo chúng ta lại.
   Thần thánh trong các truyện thần thoại cổ tích của ta quá gần người và cũng nghèo như người, cả về vật chất lẫn tinh thần.
   Còn những ước mơ của chúng ta thì sao ? Ngày xưa, bao chàng trai bỏ làng ra đi chống ngoại xâm, rút cuộc “ súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa “ ( thơ Nguyễn Đình Thi ), mơ ước lớn nhất là quay về làng tiếp tục đi cày và cưới được cô thôn nữ.
   Còn hôm nay, có một câu chuyện dân gian đang được lưu truyền rộng rãi. Một thanh niên Nhật hỏi người Việt cùng tuổi với mình là mơ ước gì thì được trả lời là mơ ước có cái Honda để đi, nhà có cái tủ lạnh Hitachi, cái máy giặt Sanyo để dùng. Nói chung là ao ước dân Nhật xài đồ gì thì mình có đồ đó để xài.
   Ngược lại người thanh niên Nhật khi được hỏi, chỉ nói gọn một câu là ước sao giỏi giang hiểu biết để thực hiện được tất cả những ước mơ của các bạn Việt cùng tuổi.
   Câu thơ của Chế lan Viên “ Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp – Giấc mơ con đè nát cuộc đời con “ không chỉ đúng với con người thời tiền chiến mà đúng với người Việt gần như suốt thời quá khứ, không chỉ con người bình dân mà cả những tầng lớp tinh hoa. Và đang đúng với cả hôm nay.

TT&aVH 19-6-07              
                        
 Cạn nghĩ, ngắn hơi, dễ thỏa mãn
  
   Không chỉ tinh tế khi tả thức ăn mà trong Hà Nội băm sáu phố phường (in trên Ngày nay từ 1940), Thạch Lam còn khéo ghi nhận cái thói quen dễ dãi cẩu thả của người mình trong cách làm thức ăn. Như trong câu chuyện về  mấy bát mằn thắn. Trong khi bát mì của mấy chú khách (tức đám Hoa kiều ) đầy đặn thì người mình chỉ giỏi giả lễ bà chúa mường. Bát mằn thắn của các ông chủ người Việt có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt, song mằn thắn bột thì thô, nhân là một tí thịt bạc nhạc, nước rất nhiều nhưng nhạt.
      Cho đến những năm cuối thế kỷ XX đầu XXI này nhiều người đi nước ngoài còn chứng kiến kiểu làm ăn tương tự. Như ở Paris, một  nhà báo kể với tôi là chả có cửa hàng ăn nào của người Việt đậu được lâu. Lúc mới khai trương cũng rôm rả. Nhưng chỉ một hai năm là chất lượng kém hẳn đi và người ăn bỏ hết sang các hiệu khác.  
      Người ta bắt gặp ở đây một quan niệm sống tầm thường dễ dãi, không bao giờ duy trì được sự liên tục có trước có sau tức không đạt tới một trình độ chuyên nghiệp ổn định.      Một thói xấu khác của các nhà hàng buôn bán người mình được Thạch Lam ghi nhận là thói dễ thỏa mãn. Ông lấy ví dụ như mấy hiệu kẹo lạc kẹo vừng Cự Hương, Ngọc Anh. Lúc đầu còn chịu khó làm thật ngon để chiều khách, sau ngủ yên trên danh vọng. 
     Hình như dân mình động giàu là ra mặt vênh váo và bắt đầu làm ăn chểnh mảng - tác giả Gió đầu mùa khái quát. Và ông hồn nhiên tự hỏi “Ồ, sao sự cố gắng ở nước này không được lâu bền nhỉ !“.

     Người xưa có câu “Nhân bần trí đoản”, với nghĩa người nghèo hèn, kẻ hiểu biết nông cạn thì không còn đáng để ai đếm xỉa tới nữa.
      Không đâu thấy rõ sự ngắn hơi và dễ thỏa mãn như trong hoạt động của người làm nghệ thuật ở Việt Nam. Làng tranh Đông Hồ quê gốc tôi có nhiều nghệ nhân có tác phẩm để đời. Nhưng tên tuổi tác giả những bức tranh đó thì không ai biết. Đại khái đó là những ông thợ tài hoa nhưng cẩu thả, lúc vợ ốm con đau hoặc thua bạc cần tiền thì vẽ vội mấy bức mang bán cho các nhà giàu trong làng, và không có ý niệm gì về bản quyền trên tranh. Cũng giống như các cửa hàng kẹo bánh của Thach Lam “không biết rằng hàng của mình ngon hơn hàng khác “, các nghệ nhân đó cũng không thể nghĩ rằng lẽ ra tên tuổi mình có thể còn mãi với lịch sử mỹ thuật. Chính họ tước đi khả năng đó ở họ.
    Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì thời cổ, văn xuôi Trung quốc chỉ có biền văn, chưa có tự sự. Tự sự Trung quốc là học được từ Ấn Độ qua du nhập sách Phật. Nhưng khi đã nắm được rồi thì người Trung Hoa đưa nghệ thuật này lên đến đỉnh điểm. Những bộ tiểu thuyết như Hồng lâu mộng, Kim bình mai có độ dài và trình độ kết cấu không thua kém gì những thiên tự sự đồ sộ nhất của phương Tây.
   Trong khi đó các tác phẩm tự sự của người Việt chỉ theo dõi con người trong những khoảng thời gian ngắn. Không tìm đâu ra loại tác phẩm có khả năng bao quát cuộc sống nhân vật trong thời gian dài, dựng lại lịch sử cả mấy thế hệ như truyện Tàu. Các cuốn tiểu thuyết hiện đại thường kém về kết cấu toàn cục. Cố lắm chỉ được vài chương đầu. Càng về cuối càng hỏng.
   Manh mún nhỏ lẻ không chỉ là cách làm ruộng đi buôn mà cũng là cách người Việt làm nghệ thuật. Chúng ta chỉ có những tác phẩm nhỏ nhỏ xinh xinh, chùa Một Cột chẳng hạn chỉ tồn tại như một ý niệm hơn là một công trình thực tế.
  Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có lần bảo với tôi: Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay của chùa Bút Tháp đẹp thật, nhưng lưng tượng thì chỉ được làm dối dá cốt cho xong chuyện. 
   Trong truyện ngắn Đất xóm chùa , nhà văn Đoàn Lê viết một câu tạt ngang : “Khốn nạn, cái vạt đất tí hin bị bỏ quên sau mấy lũy tre, mơ ước hào hoa nhất chỉ là nồi cơm Thạch Sanh cả làng ăn không hết, chuyện tinh tướng  bốc giời nhất cũng chỉ chuyện củ khoai to bằng cái đình …..Cứ ra cái điều !”

TT&VH 10-7-07
       
     


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn