Lý do để sống
“Trong tư thế xếp bằng trên chiếu trải giữa nền đất, ông ngồi trước một ấm nước chè xanh và một ngọn đèn vặn nhỏ bằng hạt đậu. Lúc này ông không hề để mắt ngó qua đến sách vở, cũng chả hút thuốc vặt, mà chỉ so vai lại, thu cả hai bàn tay vào lòng như một người suốt cả đời luôn cảm thấy rét, hai con mắt lim dim nhìn xuống chiếu đang nghĩ.“
Mở đầu một bài viết về Nam Cao, Nguyễn Minh Châu từng vẽ ra hình ảnh tác giả Chí Phèo như vậy. Đoạn văn thật đã bắt trúng cái thần của con người, và giúp người ta hình dung cách làm việc kiểu tư duy nghệ thuật của Nam Cao.
Nhưng tôi ngờ rằng, trước Nam Cao khá lâu - tính ra có đến già một thế kỷ -, có một người nữa còn thích hợp hơn với cái cảnh ngồi giữa màn đêm, nghĩ ngợi sự đời, người đó là Nguyễn Du.
Dù là lúc sống thanh bần giữa mảnh đất Nghi Xuân quê hương, hay khi chạy loạn dạt xuống Thái Bình; khi làm chức quan cai bạ ở Quảng Bình, hay khi giữa đường đi sứ, dừng lại ở những Hồ Nam, Hàng Châu, An Huy, Sơn Đông… xa lạ mấy đi nữa, thì ông vẫn thường một mình một bóng như vậy. Và cái tư thế ngồi nghĩ trong đêm đó gợi cho chúng ta thấy hình ảnh một loại nghệ sĩ xưa nay hiếm, song lại đáng được coi là cái phần tự hào của nền văn học dân tộc.
Do sống trong một đất nước có lắm gian nan nên phần lớn người nghệ sĩ trong xã hội Việt Nam trước tiên là những người hành động. Chẳng phải đến nửa cuối thế kỷ XX, với tư cách là những công dân tham gia hai cuộc chiến tranh liên tiếp, các văn thi sĩ mới tự nguyện sống theo cái tâm niệm “Thà một cây chông trừ giặc Mỹ - Hơn ngàn trang sách luận văn chương”. Mà ngay trong các thế kỷ trước, con người hành động cũng chiếm một phần lớn trong số những người làm thơ có tên trong lịch sử. Nguyễn Trãi tồn tại trước hết như một người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sau đó là một quan chức trong vương triều Lê. Không kể cái tên Quân trung từ mệnh tập đã nói rõ ý nghĩa những bài văn của ông, mà ngay những nét tâm tình bộc lộ trong thơ, xa gần cũng có liên quan đến trách nhiệm công dân mà ông tự nguyện đảm nhận. Nguyễn Công Trứ mải miết làm bằng được các công việc được Minh Mạng, Thiệu Trị giao phó. Nguyễn Đình Chiểu sử dụng thơ văn để dạy đạo đức cho mọi người mà cũng là kêu gọi mọi người cầm gươm đánh giặc. Đặt bên cạnh những tiếng nói sôi nổi đó thì Nguyễn Du có vẻ hơi “lạc đội hình”: Là con người của những suy tư, ông mải nghĩ hơn mải sống, đúng hơn với ông, nghĩ là hình thức tốt đẹp nhất của sự sống. Nghĩ bằng thơ, cố nhiên. Một câu thơ có vẻ bâng quơ khi tả hoa sen: Hoa để tặng người mình sợ (Hoa dĩ tặng sở uý) cứ buộc phải nhớ, bởi có cái gì đó vượt ra ngoài lối thơ đèm đẹp thông thường để hứa hẹn với người ta rằng ở đây sẽ có những suy nghĩ thâm trầm về sự đời.
Khi đã như vậy, chỉ có thơ mang lại cho ông niềm vui và ý muốn làm việc, nó cũng là lý do để ông sống trên đời này. Không thấy nói trong khi làm quan ông có được chính tích gì đáng kể. Có vẻ như ông là một vị quan khá xoàng. Ngoài thơ, gần như ông chỉ còn là con người thừa, con người vô dụng.
Cuộc tìm tòi của chính mình và về chính mình
Tâm lý ổn định vốn là một đặc điểm thường thấy ở những con người hành động. Chẳng hạn như Nguyễn Trãi. Lý tưởng ở ông rõ ràng. Niềm tin của ông mạnh mẽ. Nhiều bài thơ của ông có cái tên ngôn chí. Mà chí với người xưa không chỉ đơn giản là lòng quyết tâm, ý muốn thực hiện bằng được một việc gì đó, như ngày nay chúng ta vẫn hiểu. Trong phạm vi đạo Nho, thực ra nó có một nghĩa cụ thể: khao khát muốn làm cái gì đó cho đời và nhất là sống đúng theo những chỉ dẫn của thánh hiền. Trước khi là nhà thơ, người xưa vốn không quên mình là nhà Nho, và trước khi hành động, họ được giáo dục theo một lý tưởng chặt chẽ.
Bản thân Nguyễn Du từng biết đến cái thứ chí đó. Tráng sĩ đầu bạc bùi ngùi ngẩng nhìn trời hùng tâm sinh kế mờ mịt cả hai (Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên – Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên) [1] . Cái hùng tâm theo nghĩa cổ điển đã từng là một trong hai mối quan tâm lớn của đời ông. Thế nhưng nhìn chung đời Nguyễn Du thì thấy ngay thực tế là cái tráng khí đó ngày càng phai nhạt và một trong những đặc điểm làm nên chỗ khác của cả tập thơ chữ Hán của ông so với các nhà nho chính hiệu: ở đây không có bài nào được gọi là ngôn chí cả. Ông vẫn mê mải đọc sách, đọc bất cứ lúc nào có thể được:
Ở chốn tha hương thường soi gương xem vẻ mặt
Thì giờ đi trên đường gió bụi, một nửa là đọc sách
(Tha hương nhan trạng tần khai kính
Khách lộ trần ai bán độc thư)
Song cái nghĩa quân thân mà những người như Nguyễn Trãi tự nguyện mang nặng trên vai, ông không san sẻ. Tự ông trút nó đi tự lúc nào, trút đi để chuốc lấy những băn khoăn lớn hơn nặng nề hơn và khó xác định hơn - băn khoăn sống sao cho ra một con người.
Cảm động thay lúc cùng đường vẫn được trăng đến thăm
(Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến)
Tóc bạc rồi dù có hùng tâm cũng ngồi than thở suông mà thôi
(Bạch phát hùng tâm không đốt ta)
Ngọn cỏ bồng lìa gốc trước luồng gió tây thổi mạnh
Không biết cuối cùng sẽ bay đến nơi đâu
(Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp
Tất cánh phiêu lưu hà xứ quy)
Những câu thơ trên đều trích trong Thanh Hiên thi tập. Từ những bài thơ làm trong mười năm gió bụi này, người ta đã thấy cảm giác bao trùm trong Nguyễn Du là bất lực và vô vọng. Trong khi các nhà thơ chủ trương thi ngôn chí cùng là văn dĩ tải đạo thường khuyên con người ta phải sống như thế này, phải cảm nhận đời sống theo kiểu kia - và sản phẩm thơ ở đây giống như những câu trả lời - thì Nguyễn Du hầu như triền miên sống trong băn khoăn; ông không tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Từ đấy, động cơ chi phối thơ ông về sau sẽ là cuộc tìm tòi của chính mình và về chính mình. Thơ nhiều khi hiện ra như những lời cật vấn, những câu hỏi siêu hình, trừu tượng, nó làm cho những gì ông viết ra có cái giọng khác đời, còn ông thì đạt tới tầm vóc của một kẻ sống hết tầm người, sống để đối diện với những vấn đề của cả nhân loại.
Và, trong thâm tâm, Nguyễn Du biết điều đó.
Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ ai người khóc Tố Như
(Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như)
Mấy câu thơ ấy thuộc loại được nhắc nhở nhiều nhất mỗi khi nói tới Nguyễn Du. Nhiều người chỉ thấy đấy là lúc ông thương cảm cho số phận của mình. Nhưng tôi tưởng ở đây còn có một cái gì khác, một niềm riêng tây nằm ở mãi trong tiềm thức nhà thơ. Trước một tài năng bị nhiều thiệt thòi (phần lớn thơ Tiểu Thanh đã bị đốt) ông hình dung ngay ra tương lai của mình và chỉ nói tới tiếng khóc. Nhưng đằng sau chữ khóc ở đây phải chăng còn có chữ biết? Bởi người ta chỉ khóc về những người mà người ta biết và cảm phục. Thành thử, có thể chính Nguyễn Du chưa cảm nhận đầy đủ, song ở ông đã ẩn sẵn cái ý thức sâu xa về sự có mặt của mình trong tương lai, một cách “ở lại với lịch sử”. Trong một hoàn cảnh mà xã hội cứ muốn kéo người ta xuống – chế độ phong kiến vốn nổi tiếng với những ràng buộc kiểu đó, trước hết là ràng buộc về tư tưởng –, có thể nói đây là một sự vượt ngoài thông lệ.
Từ lối gián cách cần thiết tới một sự giải phóng
Một phần đáng kể thơ chữ Hán của Nguyễn Du là thơ đi sứ. Đi sứ thời tác giả Truyện Kiều sống là gì? Là rơi vào đơn độc, là xa gia đình và môi trường quen thuộc hàng năm liền, là cắt đứt mọị giao thiệp cảm tính hàng ngày để phải đóng vai người đại diện cho đất nước ở một xứ sở xa lạ… Có nhớ lại hoàn cảnh địa lý và phương tiện đi lại, nhớ lại tình trạng tâm lý phổ biến của con người hai trăm năm trước, mới hiểu tại sao với người xưa, việc đi sứ lại trở nên đáng sợ như vậy. Nhưng với những con người đã tự khẳng định thì đây lại là một cơ hội tốt. Cơ hội dứt bỏ cái mè nheo phiền phức hàng ngày. Cơ hội lùi ra xa để nhìn mọi chuyện. Cơ hội vượt lên cái đời sống trần trần ai cũng thấy, để sống với một đời sống bao quát hơn mà cũng là tinh tuý hơn.
Nguyễn Du chính là một người khai thác những cuộc đi sứ theo ý nghĩa ấy và đây là điều bộc lộ khá rõ trong thơ đến mức không giấu được ai. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên 1958, những người chuẩn bị cho việc in thơ chữ Hán Nguyễn Du là Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh đã nhận xét: khi ở trong nước, “Nguyễn Du thường than thở là tiếu đề tuẫn tục nghĩa là phải chiều theo đời cả tiếng cười tiếng khóc cũng không được tự do, nhưng lúc này là lúc ở nước ngoài, cười tha hồ cười, khóc tha hồ khóc, Nguyễn Du muốn nói ra cho sướng miệng hả lòng cho nên văn khí trong phần này xem ra khảng khái hùng tráng” [2] . Nguyễn Lộc trong Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX cũng cho rằng trong lúc đi sứ, nhà thơ mới “có thể nói điều mình muốn nói” [3] . Quả thật trong việc đi sứ - để dùng lại thuật ngữ của khoa nghiên cứu văn học ngày nay -Nguyễn Du có dịp sử dụng sự gián cách để lạ hoá đời sống. Những tiềm năng trong ông được đánh thức. Những ràng buộc quen thuộc bị gạt bỏ, ông như tìm tới một bậc tự do mới cho sự suy nghĩ của mình. Người nghệ sĩ trong ông vượt lên tưởng như không bị một giới hạn nào ngăn cản. Hai chữ cổ kim vốn đã xuất hiện trong Nam trung tạp ngâm giờ đây lại luôn luôn thấy lặp lại trong Bắc hành tạp lục. Chưa bao giờ trong thơ Việt Nam – tôi muốn nói cả thơ hiện đại – có một hồn thơ đi xa rộng trong không gian thời gian như Nguyễn Du. Giá như được sống trong thế giới hôm nay, ông sẽ thích cái lý luận về thời gian lớn của nhà triết học Nga M. M. Bakhtin.
Đi cụ thể hơn vào cuộc Bắc hành của người từng viết Kiều. Trong khi thơ đi sứ của nhiều người khác chỉ tồn tại trong hình thức thù tạc tầm thường hoặc những cuộc đấu trí mang tính cách giai thoại, hoặc cùng lắm là những bài thơ sụt sịt nhớ vợ nhớ con và mong sớm gặp lại gia đình - thì với Nguyễn Du, tình hình có phần ngược lại. Ông sống với con người và cảnh vật xứ người một cách hết lòng, không chỉ suy nghĩ về hiện tại mà còn thường xuyên trở lại với quá khứ; không chỉ xót xa với hoàn cảnh khốn khổ của những người dân thường như ông già hát rong ở Thái Bình, hoặc bốn mẹ con một người hành khất (là những bài thơ lâu nay được các nhà nghiên cứu dành cho quá nhiều sự ưu ái), mà còn đặt mình vào tình thế của những nhân vật kỳ vĩ, hội tụ các vấn đề lớn của đời sống, như Khuất Nguyên, Kinh Kha, Tô Tần, Nhạc Phi, Tần Cối… để nghĩ về những vấn đề khá trừu tượng. Một đặc điểm của lịch sử Trung Hoa là ở đó có nhiều nhân vật đa dạng. Tôi trung vua hiền có, mà kẻ gian giảo xảo quyệt cũng rất nhiều, cái gì ở đây dường như cũng cực đoan cũng quá đáng. Lịch sử lại sớm được ghi chép thành những khuôn mẫu, đồng thời mở ngỏ khả năng để người đời sau đánh giá lại. Như nhiều nhà Nho Việt Nam, Nguyễn Du sớm được tiếp xúc các mẫu người đã ổn định đó qua sách vở. Ông không bằng lòng với cách giải thích thông thường. Trước đối tượng nào ông cũng nghĩ và buộc mọi người cùng nghĩ với mình -Bậc thánh vì danh hay vì thực nào ai biết? (Thánh nhân danh thực hữu thuỳ tri?) Xưa nay ai là người có thể phá bỏ cuộc mê này? (Kim cổ thuỳ năng phá thử mê?) Hồn ơi hồn ơi hồn làm thế nào? (Hồn hề, hồn hề, nại hồn hà?). Những câu hỏi như vậy luôn luôn được đặt ra. Lịch sử với ông không còn là cái tất yếu không thể cưỡng lại mà là cái lẽ ra nên khác và luôn luôn có thể khác.
Nhiều người đã nói tới việc Nguyễn Du dùng những nhân vật lịch sử Trung Hoa để liên hệ tới hoàn cảnh của mình, tương tự như việc ông dùng cốt truyện mượn từ Thanh Tâm tài nhân, câu chuyện về mấy chị em Kiều để miêu tả xã hội Việt Nam. Nhưng có lẽ ở đây còn có thể nói tới một cái gì xa rộng hơn: những câu thơ hay nhất ở đây dường như đã chạm tới những vấn đề của nhân loại. Trong một nhận xét tạt ngang, nhà nghiên cứu Phan Ngọc có lần nói rằng văn hoá Việt Nam có phần nhẹ chất nhân loại mà nặng chất dân tộc, và đó là một nhận xét đúng. Bởi vậy, một khi thơ chữ Hán, bằng con đường riêng của mình, góp phần vào việc bổ sung cho cái mặt thiếu sót đó, chúng ta lại càng thấy trân trọng! Cũng như cái chất siêu hình mà các sáng tác của Nguyễn Du đạt tới không phải là một điều đáng xấu hổ, như một ít nhà nghiên cứu nghĩ, mà thực ra đáng tự hào. Ở nước nào cũng vậy, người ta thường vẫn ghi nhận phẩm chất đó như là một dấu hiệu chứng tỏ một nền thơ đã trưởng thành.
Cảm thông và thức tỉnh
Xưa nay nói đến Nguyễn Du, mọi người nghĩ ngay tới Truyện Kiều. Trong một cuốn sách tập hợp các bài viết về Nguyễn Du in ra gần đây [4] , phần viết về Truyện Kiều lên tới 815 trang trong khi phần viết về thơ chữ Hán chỉ vẻn vẹn có 128 trang. Tiếp tục làm cuộc thống kê thuần tuý số lượng thế này, người ta thấy ở sự cảm thụ của các cây bút nghệ sĩ như Hoài Thanh, Xuân Diệu lẫn những chuyên gia như Nguyễn Lộc, tỷ lệ cũng là tương tự. Giáo trình của Nguyễn Lộc dành số trang viết về Kiều năm lần lớn hơn số trang viết về thơ chữ Hán.
Trong hoàn cảnh ấy thì một số nhận xét viết trong Lời nói đầu bộ Nguyễn Du toàn tập in ra gần đây là một sự đính chính cần thiết. Theo như Mai Quốc Liên, người viết Lời nói đầu này, thì đừng vì đã có Truyện Kiều mà ra lòng rẻ rúng thơ chữ Hán. Bên cạnh Kiều phần thơ này cũng là một toà lâu đài sang trọng. Tỉ mỉ ra còn phải nói “Truyện Kiều là diễn âm, lỡ tay mà thành kiệt tác, còn thơ chữ Hán mới đích là sáng tác và nên xem nó là phát ngôn viên chính thức của Nguyễn Du” [5] . Nói cách khác, nếu ở Truyện Kiều người ta mới thấy tấm lòng và tài năng, thì tới thơ chữ Hán, người ta thấy được cả tầm vóc, bản lĩnh Nguyễn Du.
Trong phạm vi tìm hiểu còn nông cạn của mình, tôi cũng có cảm tưởng như Mai Quốc Liên và muốn nói rõ hơn cái phần tâm huyết do đó là cái phần chân dung của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán bằng cách thử làm một cuộc đối chiếu:
Kiều được nâng niu do giá trị của tác phẩm đã đành, nhưng còn xuất phát từ hai khía cạnh làm nên truyền thống cảm thụ của nhiều thế hệ người đọc ở ta: một là dễ nao lòng trước những gì đau xót gợi ra thái độ cảm thương và hai là coi trọng cái đẹp cảm tính hơn là cái đẹp lý tính.
Không phải ngẫu nhiên, nói về Kiều, nhiều người nghĩ ngay đến tiếng khóc. Xuân Diệu bảo đó là tiếng khóc vĩ đại. Trong số những bí mật cần được lý giải về khả năng phổ biến của Truyện Kiều, đấy chính là yếu tố thứ nhất. Song phải thấy ngay rằng sự cảm thương (hay rộng hơn là cảm thông) nói ở đây là hồn nhiên tự nhiên. Nguyễn Lộc khi phân tích nhân vật chính của Đoạn trường tân thanh nhiều lần dùng đến hai chữ ý thức, bao gồm từ “ý thức về cuộc sống” cho tới “ý thức làm người”, và riêng với đoạn cuối tác phẩm thì cho rằng nàng Kiều thuộc loại tuyệt vời ý thức [6] . Bởi lẽ với nhiều người chúng ta, Kiều là một con người lý tưởng, nên sự tôn vinh như thế thật dễ hiểu. Ta muốn dành cho Kiều mọi thứ tốt đẹp. Nhưng tôi tưởng nếu xem ý thức như một sự thấu hiểu có vận dụng đến sự xét đoán phân tích thì làm sao có thể nói là Kiều đạt tới cái trình độ cần thiết ấy cho được?!
Thử nghĩ lại mà xem, chẳng phải nghĩ tới Kiều là người ta nghĩ đến những lầm lẫn của nàng? Trước chuyện gia đình bị vu oan, nàng không bao giờ thử ngồi suy xét xem đầu đuôi mọi chuyện thế nào, vì đâu đến nông nỗi đó, mà chưa chi đã nghĩ ngay đến chuyện bán mình chuộc cha. Cũng vậy, nhìn chung cả cuộc đời Kiều, cái phần hấp dẫn nhất là tình, nhưng đó là thứ tình thiếu sự hướng dẫn của lý trí. Ma dẫn lối quỷ đưa đường – lại tìm những lối đoạn trường mà đi, khi khái quát vậy, Nguyễn Du quả đã bắt trúng cái thần của nhân vật, và ông đã diễn tả Kiều theo cái cách đó bằng tất cả tài năng kỳ diệu của mình. Chẳng phải là với nhiều người chúng ta, những đoạn Kiều gần gũi nhất là những đoạn buồn: Là đoạn khái quát cuộc đời Đạm Tiên? Là đoạn Kiều trao duyên lại cho em? Là đoạn Kiều nhớ nhà?…
Những vấn đề tư tưởng ấy lại thấm cả vào mỹ cảm và nghệ thuật. Xét về vẻ đẹp thì quả thật Truyện Kiều là một cái gì chín đầy rực rỡ. Nhưng phải nói thêm, ngay trong việc vận dụng thể lục bát, cái đẹp ở đây nhiều khi đã như lạ lùng ma quái. Trong Văn chương Truyện Kiều in lần đầu năm 1945, Nguyễn Bách Khoa tức Trương Tửu từng có sự cảm thụ tinh tường nét đặc sắc này của tác phẩm [7] . Ghê gớm thay là cái điệu thơ lục bát nó triền miên cuốn người ta theo cái tâm hồn sầu thảm và làm lan toả mãi mối cảm thương trước một hoàn cảnh bất lực. Với việc đưa lục bát lên đến tuyệt đỉnh, Truyện Kiều an ủi chúng ta nhưng cũng giữ chúng ta trong một sự cam chịu không cưỡng lại nổi.
Ở chỗ 3.254 câu Kiều dừng lại, thì thơ chữ Hán bắt đầu. Mấy chữ tuyệt vời ý thức, mà Nguyễn Lộc nói, nên dành cho thơ chữ Hán. Giọng thương cảm vẫn còn, nhưng nó chỉ giúp vào việc làm tăng hiệu quả của cái phần suy nghĩ chỉ có ở những người thông thạo sách vở. Cảm quan hoài nghi kín đáo nhưng bàng bạc khắp nơi, một thứ hoài nghi lành mạnh. Lời kêu gọi toát lên từ những dòng thơ Phản chiêu hồn, Độc Tiểu Thanh ký: Hãy nhìn rộng ra cả thế giới. Hãy biết đến những gì ở ngoài mình, ở ngoài xứ sở của mình nữa. Khóc một chút thôi rồi hãy lau nước mắt mà nhìn vào sự thực... Cố nhiên, vốn xa lạ với thứ thơ thuyết giáo dạy dỗ mọi người, Nguyễn Du không nói những câu bắt đầu bằng chữ hãy ấy với người đọc, song chính là từ các câu thơ người đọc nhận ra những gì mà tác giả tha thiết. Thậm chí ngay cả khi Nguyễn Du thú nhận sự bất lực rơi vào tuyệt vọng thì thơ ông vẫn có khả năng thúc đẩy sự suy nghĩ trong ta và kéo chúng ta về phía ánh sáng của trí tuệ.
Vẻ đẹp trong thơ vốn có nhiều sắc thái khác nhau. Trong Kiều có vẻ đẹp của Long lanh đáy nước in trời / Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng, lại có vẻ đẹp của những câu thơ đơn giản kiểu như Mai sau dù có bao giờ. Song ở Kiều loại thứ nhất nhiều hơn. Còn loại thứ hai thì phải đến thơ chữ Hán mới thật là có một sự trình diện liên tục: Ngoài cửa sổ hoa cúc vàng tươi tốt có thể ăn được (Song ngoại hoàng hoa tú khả xan); Hoa để tặng người mình sợ (Hoa dĩ tặng sở uý); Lúc múa may quay cuồng điên dại nhất là lúc đẹp nhất (Tối điên cuồng xứ tối phong lưu)... Nhìn chung lại, nếu Kiều khai thác mối cảm thông giữa người với người, thì thơ chữ Hán chọn cách tác động của sự thức tỉnh. Kiều an ủi ta, còn thơ chữ Hán làm phiền ta, buộc ta phải đặt lại nhiều vấn đề của đời sống. Kiều là du xuân, là tiếng khóc nhớ nhà, là những cảnh đầy ải không rõ nguyên nhân tại sao. Thơ chữ Hán là chuyến đi xa đơn độc, là con người đối diện với sách vở, với thời gian và lịch sử. Kiều gợi không khí của những ngày ê chề buồn bã, mộng thực lẫn lộn. Thơ chữ Hán là những đêm không ngủ suy xét sự đời. Người làm thơ trong Kiều thủ thỉ tâm sự vỗ về bạn đọc. Người làm thơ trong thơ chữ Hán đòi hỏi chất vấn chúng ta, buộc chúng ta đối mặt với cuộc làm người vất vả mà thú vị. Nhưng chính vì vậy thơ chữ Hán là sản phẩm của sự trưởng thành. Chủ nghĩa nhân đạo thường được hiểu một cách giản dị: chia sẻ với nỗi đau khổ của con người. Tóm lại là một chữ thương. Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã đi gần tới một thứ chủ nghĩa nhân đạo khác - chủ nghĩa nhân đạo của sự hiểu. Đó là một quan niệm chỉ trong thời hiện đại mới được nẩy nở đầy đặn. Và nó lại cũng chính là thứ chủ nghĩa nhân đạo cần cho chúng ta hôm nay hơn cả. Chữ tâm đối với Nguyễn Du lúc này không còn là một thứ sụt sùi thương cảm, để che giấu sự bất lực; tâm đã biến thành cái hích đầu tiên buộc đầu óc chúng ta làm việc, bước đầu tiên để giúp con người sống đúng tầm người.
Tiếng rền của núi
Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh từng thử đếm và thấy trong 65 bài ở Thanh Hiên thi tập có đến mười bảy lần nhắc đến mái đầu bạc. Tiếp tục lối thống kê ấy, người ta có thể nhận ra nhiều chi tiết cho thấy sự già dặn ở con người Nguyễn Du. Trong thơ ông người ta gặp những ngày lạnh hơn những ngày nóng, gặp mùa thu mùa đông nhiều hơn mùa xuân mùa hè, gặp ánh trăng gợi những ý tưởng hư vô xa xôi nhiều hơn mặt trời thôi thúc người ta chen cạnh với đời.
Những đêm không ngủ của Nguyễn Du mà phần trên đã nói cũng phụ hoạ thêm cho cảm giác đó:
Suốt đêm nghĩ ngợi thao thức không ngủ
Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng suông
(Quan tâm nhất dạ khổ vô thuỵ
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung)
Đêm khuya, băn khoăn một mình đối bóng
Nằm trên giường nghe mưa tầm tã mà sốt ruột
(Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh
Mãn sàng trệ vũ bất kham thinh)
Không chỉ già trước tuổi, Nguyễn Du còn hiện ra như một người thâm trầm lặng lẽ sống nhiều với nội tâm. Ta có thể đoán hàng ngày, có vẻ như ông là người ít nói ngại nói. Người ta có lúc đã nghĩ nhầm về ông. Một nhà nghiên cứu tả ông như “một kẻ tuỳ thời, ích kỷ, nhút nhát thích an nhàn, mơ giàu sang, sợ biến cố và tranh đấu” [8] .
Chỉ có thơ chiêu tuyết cho ông. Một bài như Phản chiêu hồn cho thấy một cách nghĩ quyết liệt hiếm có:
Thành quách vẫn như cũ nhưng nhân dân đã khác rồi
(Thành quách do thị nhân dân phi)
Đời sau ai ai cũng là Thượng Quan
Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La
(Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La)
Thượng Quan là kẻ chuyên môn gièm pha. Còn Mịch La là tên con sông Khuất Nguyên tới trẫm mình. Ai cũng là Thượng Quan, đâu cũng Mịch La, nghĩa là cuộc đời này hỏng hết rồi! Trong thơ xưa nói chung ít khi thấy một lối nói đến kiệt cùng chi lý, nói trăm phần trăm, nói không chừa một chỗ nào để lùi. Lỗi phạm quy của Nguyễn Du là cố ý!
Nên để ý thêm là dưới con mắt của các sử gia từng viết Đại nam chính biên liệt truyện, thì Nguyễn Du là người ngạo nghễ tự phụ [9] . Thời phong kiến, những người có chính kiến riêng, tức là những người trẻ trung tươi mới trong cách nghĩ, thường bị ghép cho cái tội đáng ghét ấy. Nguyễn Du cũng ở trong số này chăng?
Ta vốn có tính yêu núi. Trong bài Tiềm sơn đạo trung in trong Bắc hành tạp lục, vụt lên một câu thơ lạ vậy. Trong nguyên văn chữ Hán Túc hữu ái sơn tích, chữ tích ở đây có nghĩa là một thứ tật, một thói quen đã bền chắc như là một sự nghiện ngập, và muốn cho chính xác phải dịch thành Ta vốn nghiện núi. Tôi cho rằng đây là một trong số những câu thơ đáng nhớ vì có ý nghĩa thông báo về tác giả. Hoá ra Nguyễn Du không phải chỉ là cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia; mà hình ảnh gợi đúng về ông phải là những ngọn núi, núi đơn độc, núi vượt lên trên sự bằng phẳng. Và thơ Nguyễn Du là một thứ tiếng rền của núi!
Liệu có thể nói cái phần bên trong rắn rỏi khoẻ mạnh lão thực mới là phần chính trong con người ông? Nếu thế thì còn có thể nói là ông trẻ trung mãi mãi.
[1]Thơ trích trong bài đều lấy từ Thơ chữ Hán Nguyễn Du do Lê Thước Trương Chính biên soạn, NXB Văn học, 1965
[2]Dẫn theo Hoài Thanh, Tâm tình Nguyễn Du qua một số bài thơ chữ Hán, 1960. Chính Hoài Thanh sau khi dẫn đã viết thêm “Nhận xét này rất đúng».
[3]Sách dẫn trên, bản của NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp 1978, tr. 43
[4]Nguyễn Du. Về tác giả và tác phẩm, Trịnh Bá Đĩnh biên soạn, NXB Giáo dục, bản in 2003.
[5]Dẫn theo bản in lại trong sách Nguyễn Du. Về tác giả và tác phẩm, tr. 120
[6]Nguyễn Lộc, sđd, tr. 98
[7]In lại trong Nguyễn Bách Khoa, Khoa học văn chương, Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn và giới thiệu NXB Văn hoá thông tin, 2003
[8]Ý của Nguyễn Bách Khoa, Trương Chính dẫn lại trong Lời giới thiệu Thơ chữ Hán Nguyễn Du, tr. 30
[9] Dẫn theo Nguyễn Lộc, tr .17
Nguồn: Phụ san Thơ (19+20) của báo Văn nghệ, Hà Nội, số ra ngày 19-2-2005. Bản đăng trên talawas có sửa chữa và bổ sung vài chi tiết nhỏ.
Trích talawas
“Trong tư thế xếp bằng trên chiếu trải giữa nền đất, ông ngồi trước một ấm nước chè xanh và một ngọn đèn vặn nhỏ bằng hạt đậu. Lúc này ông không hề để mắt ngó qua đến sách vở, cũng chả hút thuốc vặt, mà chỉ so vai lại, thu cả hai bàn tay vào lòng như một người suốt cả đời luôn cảm thấy rét, hai con mắt lim dim nhìn xuống chiếu đang nghĩ.“
Mở đầu một bài viết về Nam Cao, Nguyễn Minh Châu từng vẽ ra hình ảnh tác giả Chí Phèo như vậy. Đoạn văn thật đã bắt trúng cái thần của con người, và giúp người ta hình dung cách làm việc kiểu tư duy nghệ thuật của Nam Cao.
Nhưng tôi ngờ rằng, trước Nam Cao khá lâu - tính ra có đến già một thế kỷ -, có một người nữa còn thích hợp hơn với cái cảnh ngồi giữa màn đêm, nghĩ ngợi sự đời, người đó là Nguyễn Du.
Dù là lúc sống thanh bần giữa mảnh đất Nghi Xuân quê hương, hay khi chạy loạn dạt xuống Thái Bình; khi làm chức quan cai bạ ở Quảng Bình, hay khi giữa đường đi sứ, dừng lại ở những Hồ Nam, Hàng Châu, An Huy, Sơn Đông… xa lạ mấy đi nữa, thì ông vẫn thường một mình một bóng như vậy. Và cái tư thế ngồi nghĩ trong đêm đó gợi cho chúng ta thấy hình ảnh một loại nghệ sĩ xưa nay hiếm, song lại đáng được coi là cái phần tự hào của nền văn học dân tộc.
Do sống trong một đất nước có lắm gian nan nên phần lớn người nghệ sĩ trong xã hội Việt Nam trước tiên là những người hành động. Chẳng phải đến nửa cuối thế kỷ XX, với tư cách là những công dân tham gia hai cuộc chiến tranh liên tiếp, các văn thi sĩ mới tự nguyện sống theo cái tâm niệm “Thà một cây chông trừ giặc Mỹ - Hơn ngàn trang sách luận văn chương”. Mà ngay trong các thế kỷ trước, con người hành động cũng chiếm một phần lớn trong số những người làm thơ có tên trong lịch sử. Nguyễn Trãi tồn tại trước hết như một người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sau đó là một quan chức trong vương triều Lê. Không kể cái tên Quân trung từ mệnh tập đã nói rõ ý nghĩa những bài văn của ông, mà ngay những nét tâm tình bộc lộ trong thơ, xa gần cũng có liên quan đến trách nhiệm công dân mà ông tự nguyện đảm nhận. Nguyễn Công Trứ mải miết làm bằng được các công việc được Minh Mạng, Thiệu Trị giao phó. Nguyễn Đình Chiểu sử dụng thơ văn để dạy đạo đức cho mọi người mà cũng là kêu gọi mọi người cầm gươm đánh giặc. Đặt bên cạnh những tiếng nói sôi nổi đó thì Nguyễn Du có vẻ hơi “lạc đội hình”: Là con người của những suy tư, ông mải nghĩ hơn mải sống, đúng hơn với ông, nghĩ là hình thức tốt đẹp nhất của sự sống. Nghĩ bằng thơ, cố nhiên. Một câu thơ có vẻ bâng quơ khi tả hoa sen: Hoa để tặng người mình sợ (Hoa dĩ tặng sở uý) cứ buộc phải nhớ, bởi có cái gì đó vượt ra ngoài lối thơ đèm đẹp thông thường để hứa hẹn với người ta rằng ở đây sẽ có những suy nghĩ thâm trầm về sự đời.
Khi đã như vậy, chỉ có thơ mang lại cho ông niềm vui và ý muốn làm việc, nó cũng là lý do để ông sống trên đời này. Không thấy nói trong khi làm quan ông có được chính tích gì đáng kể. Có vẻ như ông là một vị quan khá xoàng. Ngoài thơ, gần như ông chỉ còn là con người thừa, con người vô dụng.
Cuộc tìm tòi của chính mình và về chính mình
Tâm lý ổn định vốn là một đặc điểm thường thấy ở những con người hành động. Chẳng hạn như Nguyễn Trãi. Lý tưởng ở ông rõ ràng. Niềm tin của ông mạnh mẽ. Nhiều bài thơ của ông có cái tên ngôn chí. Mà chí với người xưa không chỉ đơn giản là lòng quyết tâm, ý muốn thực hiện bằng được một việc gì đó, như ngày nay chúng ta vẫn hiểu. Trong phạm vi đạo Nho, thực ra nó có một nghĩa cụ thể: khao khát muốn làm cái gì đó cho đời và nhất là sống đúng theo những chỉ dẫn của thánh hiền. Trước khi là nhà thơ, người xưa vốn không quên mình là nhà Nho, và trước khi hành động, họ được giáo dục theo một lý tưởng chặt chẽ.
Bản thân Nguyễn Du từng biết đến cái thứ chí đó. Tráng sĩ đầu bạc bùi ngùi ngẩng nhìn trời hùng tâm sinh kế mờ mịt cả hai (Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên – Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên) [1] . Cái hùng tâm theo nghĩa cổ điển đã từng là một trong hai mối quan tâm lớn của đời ông. Thế nhưng nhìn chung đời Nguyễn Du thì thấy ngay thực tế là cái tráng khí đó ngày càng phai nhạt và một trong những đặc điểm làm nên chỗ khác của cả tập thơ chữ Hán của ông so với các nhà nho chính hiệu: ở đây không có bài nào được gọi là ngôn chí cả. Ông vẫn mê mải đọc sách, đọc bất cứ lúc nào có thể được:
Ở chốn tha hương thường soi gương xem vẻ mặt
Thì giờ đi trên đường gió bụi, một nửa là đọc sách
(Tha hương nhan trạng tần khai kính
Khách lộ trần ai bán độc thư)
Song cái nghĩa quân thân mà những người như Nguyễn Trãi tự nguyện mang nặng trên vai, ông không san sẻ. Tự ông trút nó đi tự lúc nào, trút đi để chuốc lấy những băn khoăn lớn hơn nặng nề hơn và khó xác định hơn - băn khoăn sống sao cho ra một con người.
Cảm động thay lúc cùng đường vẫn được trăng đến thăm
(Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến)
Tóc bạc rồi dù có hùng tâm cũng ngồi than thở suông mà thôi
(Bạch phát hùng tâm không đốt ta)
Ngọn cỏ bồng lìa gốc trước luồng gió tây thổi mạnh
Không biết cuối cùng sẽ bay đến nơi đâu
(Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp
Tất cánh phiêu lưu hà xứ quy)
Những câu thơ trên đều trích trong Thanh Hiên thi tập. Từ những bài thơ làm trong mười năm gió bụi này, người ta đã thấy cảm giác bao trùm trong Nguyễn Du là bất lực và vô vọng. Trong khi các nhà thơ chủ trương thi ngôn chí cùng là văn dĩ tải đạo thường khuyên con người ta phải sống như thế này, phải cảm nhận đời sống theo kiểu kia - và sản phẩm thơ ở đây giống như những câu trả lời - thì Nguyễn Du hầu như triền miên sống trong băn khoăn; ông không tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Từ đấy, động cơ chi phối thơ ông về sau sẽ là cuộc tìm tòi của chính mình và về chính mình. Thơ nhiều khi hiện ra như những lời cật vấn, những câu hỏi siêu hình, trừu tượng, nó làm cho những gì ông viết ra có cái giọng khác đời, còn ông thì đạt tới tầm vóc của một kẻ sống hết tầm người, sống để đối diện với những vấn đề của cả nhân loại.
Và, trong thâm tâm, Nguyễn Du biết điều đó.
Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ ai người khóc Tố Như
(Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như)
Mấy câu thơ ấy thuộc loại được nhắc nhở nhiều nhất mỗi khi nói tới Nguyễn Du. Nhiều người chỉ thấy đấy là lúc ông thương cảm cho số phận của mình. Nhưng tôi tưởng ở đây còn có một cái gì khác, một niềm riêng tây nằm ở mãi trong tiềm thức nhà thơ. Trước một tài năng bị nhiều thiệt thòi (phần lớn thơ Tiểu Thanh đã bị đốt) ông hình dung ngay ra tương lai của mình và chỉ nói tới tiếng khóc. Nhưng đằng sau chữ khóc ở đây phải chăng còn có chữ biết? Bởi người ta chỉ khóc về những người mà người ta biết và cảm phục. Thành thử, có thể chính Nguyễn Du chưa cảm nhận đầy đủ, song ở ông đã ẩn sẵn cái ý thức sâu xa về sự có mặt của mình trong tương lai, một cách “ở lại với lịch sử”. Trong một hoàn cảnh mà xã hội cứ muốn kéo người ta xuống – chế độ phong kiến vốn nổi tiếng với những ràng buộc kiểu đó, trước hết là ràng buộc về tư tưởng –, có thể nói đây là một sự vượt ngoài thông lệ.
Từ lối gián cách cần thiết tới một sự giải phóng
Một phần đáng kể thơ chữ Hán của Nguyễn Du là thơ đi sứ. Đi sứ thời tác giả Truyện Kiều sống là gì? Là rơi vào đơn độc, là xa gia đình và môi trường quen thuộc hàng năm liền, là cắt đứt mọị giao thiệp cảm tính hàng ngày để phải đóng vai người đại diện cho đất nước ở một xứ sở xa lạ… Có nhớ lại hoàn cảnh địa lý và phương tiện đi lại, nhớ lại tình trạng tâm lý phổ biến của con người hai trăm năm trước, mới hiểu tại sao với người xưa, việc đi sứ lại trở nên đáng sợ như vậy. Nhưng với những con người đã tự khẳng định thì đây lại là một cơ hội tốt. Cơ hội dứt bỏ cái mè nheo phiền phức hàng ngày. Cơ hội lùi ra xa để nhìn mọi chuyện. Cơ hội vượt lên cái đời sống trần trần ai cũng thấy, để sống với một đời sống bao quát hơn mà cũng là tinh tuý hơn.
Nguyễn Du chính là một người khai thác những cuộc đi sứ theo ý nghĩa ấy và đây là điều bộc lộ khá rõ trong thơ đến mức không giấu được ai. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên 1958, những người chuẩn bị cho việc in thơ chữ Hán Nguyễn Du là Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh đã nhận xét: khi ở trong nước, “Nguyễn Du thường than thở là tiếu đề tuẫn tục nghĩa là phải chiều theo đời cả tiếng cười tiếng khóc cũng không được tự do, nhưng lúc này là lúc ở nước ngoài, cười tha hồ cười, khóc tha hồ khóc, Nguyễn Du muốn nói ra cho sướng miệng hả lòng cho nên văn khí trong phần này xem ra khảng khái hùng tráng” [2] . Nguyễn Lộc trong Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX cũng cho rằng trong lúc đi sứ, nhà thơ mới “có thể nói điều mình muốn nói” [3] . Quả thật trong việc đi sứ - để dùng lại thuật ngữ của khoa nghiên cứu văn học ngày nay -Nguyễn Du có dịp sử dụng sự gián cách để lạ hoá đời sống. Những tiềm năng trong ông được đánh thức. Những ràng buộc quen thuộc bị gạt bỏ, ông như tìm tới một bậc tự do mới cho sự suy nghĩ của mình. Người nghệ sĩ trong ông vượt lên tưởng như không bị một giới hạn nào ngăn cản. Hai chữ cổ kim vốn đã xuất hiện trong Nam trung tạp ngâm giờ đây lại luôn luôn thấy lặp lại trong Bắc hành tạp lục. Chưa bao giờ trong thơ Việt Nam – tôi muốn nói cả thơ hiện đại – có một hồn thơ đi xa rộng trong không gian thời gian như Nguyễn Du. Giá như được sống trong thế giới hôm nay, ông sẽ thích cái lý luận về thời gian lớn của nhà triết học Nga M. M. Bakhtin.
Đi cụ thể hơn vào cuộc Bắc hành của người từng viết Kiều. Trong khi thơ đi sứ của nhiều người khác chỉ tồn tại trong hình thức thù tạc tầm thường hoặc những cuộc đấu trí mang tính cách giai thoại, hoặc cùng lắm là những bài thơ sụt sịt nhớ vợ nhớ con và mong sớm gặp lại gia đình - thì với Nguyễn Du, tình hình có phần ngược lại. Ông sống với con người và cảnh vật xứ người một cách hết lòng, không chỉ suy nghĩ về hiện tại mà còn thường xuyên trở lại với quá khứ; không chỉ xót xa với hoàn cảnh khốn khổ của những người dân thường như ông già hát rong ở Thái Bình, hoặc bốn mẹ con một người hành khất (là những bài thơ lâu nay được các nhà nghiên cứu dành cho quá nhiều sự ưu ái), mà còn đặt mình vào tình thế của những nhân vật kỳ vĩ, hội tụ các vấn đề lớn của đời sống, như Khuất Nguyên, Kinh Kha, Tô Tần, Nhạc Phi, Tần Cối… để nghĩ về những vấn đề khá trừu tượng. Một đặc điểm của lịch sử Trung Hoa là ở đó có nhiều nhân vật đa dạng. Tôi trung vua hiền có, mà kẻ gian giảo xảo quyệt cũng rất nhiều, cái gì ở đây dường như cũng cực đoan cũng quá đáng. Lịch sử lại sớm được ghi chép thành những khuôn mẫu, đồng thời mở ngỏ khả năng để người đời sau đánh giá lại. Như nhiều nhà Nho Việt Nam, Nguyễn Du sớm được tiếp xúc các mẫu người đã ổn định đó qua sách vở. Ông không bằng lòng với cách giải thích thông thường. Trước đối tượng nào ông cũng nghĩ và buộc mọi người cùng nghĩ với mình -Bậc thánh vì danh hay vì thực nào ai biết? (Thánh nhân danh thực hữu thuỳ tri?) Xưa nay ai là người có thể phá bỏ cuộc mê này? (Kim cổ thuỳ năng phá thử mê?) Hồn ơi hồn ơi hồn làm thế nào? (Hồn hề, hồn hề, nại hồn hà?). Những câu hỏi như vậy luôn luôn được đặt ra. Lịch sử với ông không còn là cái tất yếu không thể cưỡng lại mà là cái lẽ ra nên khác và luôn luôn có thể khác.
Nhiều người đã nói tới việc Nguyễn Du dùng những nhân vật lịch sử Trung Hoa để liên hệ tới hoàn cảnh của mình, tương tự như việc ông dùng cốt truyện mượn từ Thanh Tâm tài nhân, câu chuyện về mấy chị em Kiều để miêu tả xã hội Việt Nam. Nhưng có lẽ ở đây còn có thể nói tới một cái gì xa rộng hơn: những câu thơ hay nhất ở đây dường như đã chạm tới những vấn đề của nhân loại. Trong một nhận xét tạt ngang, nhà nghiên cứu Phan Ngọc có lần nói rằng văn hoá Việt Nam có phần nhẹ chất nhân loại mà nặng chất dân tộc, và đó là một nhận xét đúng. Bởi vậy, một khi thơ chữ Hán, bằng con đường riêng của mình, góp phần vào việc bổ sung cho cái mặt thiếu sót đó, chúng ta lại càng thấy trân trọng! Cũng như cái chất siêu hình mà các sáng tác của Nguyễn Du đạt tới không phải là một điều đáng xấu hổ, như một ít nhà nghiên cứu nghĩ, mà thực ra đáng tự hào. Ở nước nào cũng vậy, người ta thường vẫn ghi nhận phẩm chất đó như là một dấu hiệu chứng tỏ một nền thơ đã trưởng thành.
Cảm thông và thức tỉnh
Xưa nay nói đến Nguyễn Du, mọi người nghĩ ngay tới Truyện Kiều. Trong một cuốn sách tập hợp các bài viết về Nguyễn Du in ra gần đây [4] , phần viết về Truyện Kiều lên tới 815 trang trong khi phần viết về thơ chữ Hán chỉ vẻn vẹn có 128 trang. Tiếp tục làm cuộc thống kê thuần tuý số lượng thế này, người ta thấy ở sự cảm thụ của các cây bút nghệ sĩ như Hoài Thanh, Xuân Diệu lẫn những chuyên gia như Nguyễn Lộc, tỷ lệ cũng là tương tự. Giáo trình của Nguyễn Lộc dành số trang viết về Kiều năm lần lớn hơn số trang viết về thơ chữ Hán.
Trong hoàn cảnh ấy thì một số nhận xét viết trong Lời nói đầu bộ Nguyễn Du toàn tập in ra gần đây là một sự đính chính cần thiết. Theo như Mai Quốc Liên, người viết Lời nói đầu này, thì đừng vì đã có Truyện Kiều mà ra lòng rẻ rúng thơ chữ Hán. Bên cạnh Kiều phần thơ này cũng là một toà lâu đài sang trọng. Tỉ mỉ ra còn phải nói “Truyện Kiều là diễn âm, lỡ tay mà thành kiệt tác, còn thơ chữ Hán mới đích là sáng tác và nên xem nó là phát ngôn viên chính thức của Nguyễn Du” [5] . Nói cách khác, nếu ở Truyện Kiều người ta mới thấy tấm lòng và tài năng, thì tới thơ chữ Hán, người ta thấy được cả tầm vóc, bản lĩnh Nguyễn Du.
Trong phạm vi tìm hiểu còn nông cạn của mình, tôi cũng có cảm tưởng như Mai Quốc Liên và muốn nói rõ hơn cái phần tâm huyết do đó là cái phần chân dung của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán bằng cách thử làm một cuộc đối chiếu:
Kiều được nâng niu do giá trị của tác phẩm đã đành, nhưng còn xuất phát từ hai khía cạnh làm nên truyền thống cảm thụ của nhiều thế hệ người đọc ở ta: một là dễ nao lòng trước những gì đau xót gợi ra thái độ cảm thương và hai là coi trọng cái đẹp cảm tính hơn là cái đẹp lý tính.
Không phải ngẫu nhiên, nói về Kiều, nhiều người nghĩ ngay đến tiếng khóc. Xuân Diệu bảo đó là tiếng khóc vĩ đại. Trong số những bí mật cần được lý giải về khả năng phổ biến của Truyện Kiều, đấy chính là yếu tố thứ nhất. Song phải thấy ngay rằng sự cảm thương (hay rộng hơn là cảm thông) nói ở đây là hồn nhiên tự nhiên. Nguyễn Lộc khi phân tích nhân vật chính của Đoạn trường tân thanh nhiều lần dùng đến hai chữ ý thức, bao gồm từ “ý thức về cuộc sống” cho tới “ý thức làm người”, và riêng với đoạn cuối tác phẩm thì cho rằng nàng Kiều thuộc loại tuyệt vời ý thức [6] . Bởi lẽ với nhiều người chúng ta, Kiều là một con người lý tưởng, nên sự tôn vinh như thế thật dễ hiểu. Ta muốn dành cho Kiều mọi thứ tốt đẹp. Nhưng tôi tưởng nếu xem ý thức như một sự thấu hiểu có vận dụng đến sự xét đoán phân tích thì làm sao có thể nói là Kiều đạt tới cái trình độ cần thiết ấy cho được?!
Thử nghĩ lại mà xem, chẳng phải nghĩ tới Kiều là người ta nghĩ đến những lầm lẫn của nàng? Trước chuyện gia đình bị vu oan, nàng không bao giờ thử ngồi suy xét xem đầu đuôi mọi chuyện thế nào, vì đâu đến nông nỗi đó, mà chưa chi đã nghĩ ngay đến chuyện bán mình chuộc cha. Cũng vậy, nhìn chung cả cuộc đời Kiều, cái phần hấp dẫn nhất là tình, nhưng đó là thứ tình thiếu sự hướng dẫn của lý trí. Ma dẫn lối quỷ đưa đường – lại tìm những lối đoạn trường mà đi, khi khái quát vậy, Nguyễn Du quả đã bắt trúng cái thần của nhân vật, và ông đã diễn tả Kiều theo cái cách đó bằng tất cả tài năng kỳ diệu của mình. Chẳng phải là với nhiều người chúng ta, những đoạn Kiều gần gũi nhất là những đoạn buồn: Là đoạn khái quát cuộc đời Đạm Tiên? Là đoạn Kiều trao duyên lại cho em? Là đoạn Kiều nhớ nhà?…
Những vấn đề tư tưởng ấy lại thấm cả vào mỹ cảm và nghệ thuật. Xét về vẻ đẹp thì quả thật Truyện Kiều là một cái gì chín đầy rực rỡ. Nhưng phải nói thêm, ngay trong việc vận dụng thể lục bát, cái đẹp ở đây nhiều khi đã như lạ lùng ma quái. Trong Văn chương Truyện Kiều in lần đầu năm 1945, Nguyễn Bách Khoa tức Trương Tửu từng có sự cảm thụ tinh tường nét đặc sắc này của tác phẩm [7] . Ghê gớm thay là cái điệu thơ lục bát nó triền miên cuốn người ta theo cái tâm hồn sầu thảm và làm lan toả mãi mối cảm thương trước một hoàn cảnh bất lực. Với việc đưa lục bát lên đến tuyệt đỉnh, Truyện Kiều an ủi chúng ta nhưng cũng giữ chúng ta trong một sự cam chịu không cưỡng lại nổi.
Ở chỗ 3.254 câu Kiều dừng lại, thì thơ chữ Hán bắt đầu. Mấy chữ tuyệt vời ý thức, mà Nguyễn Lộc nói, nên dành cho thơ chữ Hán. Giọng thương cảm vẫn còn, nhưng nó chỉ giúp vào việc làm tăng hiệu quả của cái phần suy nghĩ chỉ có ở những người thông thạo sách vở. Cảm quan hoài nghi kín đáo nhưng bàng bạc khắp nơi, một thứ hoài nghi lành mạnh. Lời kêu gọi toát lên từ những dòng thơ Phản chiêu hồn, Độc Tiểu Thanh ký: Hãy nhìn rộng ra cả thế giới. Hãy biết đến những gì ở ngoài mình, ở ngoài xứ sở của mình nữa. Khóc một chút thôi rồi hãy lau nước mắt mà nhìn vào sự thực... Cố nhiên, vốn xa lạ với thứ thơ thuyết giáo dạy dỗ mọi người, Nguyễn Du không nói những câu bắt đầu bằng chữ hãy ấy với người đọc, song chính là từ các câu thơ người đọc nhận ra những gì mà tác giả tha thiết. Thậm chí ngay cả khi Nguyễn Du thú nhận sự bất lực rơi vào tuyệt vọng thì thơ ông vẫn có khả năng thúc đẩy sự suy nghĩ trong ta và kéo chúng ta về phía ánh sáng của trí tuệ.
Vẻ đẹp trong thơ vốn có nhiều sắc thái khác nhau. Trong Kiều có vẻ đẹp của Long lanh đáy nước in trời / Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng, lại có vẻ đẹp của những câu thơ đơn giản kiểu như Mai sau dù có bao giờ. Song ở Kiều loại thứ nhất nhiều hơn. Còn loại thứ hai thì phải đến thơ chữ Hán mới thật là có một sự trình diện liên tục: Ngoài cửa sổ hoa cúc vàng tươi tốt có thể ăn được (Song ngoại hoàng hoa tú khả xan); Hoa để tặng người mình sợ (Hoa dĩ tặng sở uý); Lúc múa may quay cuồng điên dại nhất là lúc đẹp nhất (Tối điên cuồng xứ tối phong lưu)... Nhìn chung lại, nếu Kiều khai thác mối cảm thông giữa người với người, thì thơ chữ Hán chọn cách tác động của sự thức tỉnh. Kiều an ủi ta, còn thơ chữ Hán làm phiền ta, buộc ta phải đặt lại nhiều vấn đề của đời sống. Kiều là du xuân, là tiếng khóc nhớ nhà, là những cảnh đầy ải không rõ nguyên nhân tại sao. Thơ chữ Hán là chuyến đi xa đơn độc, là con người đối diện với sách vở, với thời gian và lịch sử. Kiều gợi không khí của những ngày ê chề buồn bã, mộng thực lẫn lộn. Thơ chữ Hán là những đêm không ngủ suy xét sự đời. Người làm thơ trong Kiều thủ thỉ tâm sự vỗ về bạn đọc. Người làm thơ trong thơ chữ Hán đòi hỏi chất vấn chúng ta, buộc chúng ta đối mặt với cuộc làm người vất vả mà thú vị. Nhưng chính vì vậy thơ chữ Hán là sản phẩm của sự trưởng thành. Chủ nghĩa nhân đạo thường được hiểu một cách giản dị: chia sẻ với nỗi đau khổ của con người. Tóm lại là một chữ thương. Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã đi gần tới một thứ chủ nghĩa nhân đạo khác - chủ nghĩa nhân đạo của sự hiểu. Đó là một quan niệm chỉ trong thời hiện đại mới được nẩy nở đầy đặn. Và nó lại cũng chính là thứ chủ nghĩa nhân đạo cần cho chúng ta hôm nay hơn cả. Chữ tâm đối với Nguyễn Du lúc này không còn là một thứ sụt sùi thương cảm, để che giấu sự bất lực; tâm đã biến thành cái hích đầu tiên buộc đầu óc chúng ta làm việc, bước đầu tiên để giúp con người sống đúng tầm người.
Tiếng rền của núi
Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh từng thử đếm và thấy trong 65 bài ở Thanh Hiên thi tập có đến mười bảy lần nhắc đến mái đầu bạc. Tiếp tục lối thống kê ấy, người ta có thể nhận ra nhiều chi tiết cho thấy sự già dặn ở con người Nguyễn Du. Trong thơ ông người ta gặp những ngày lạnh hơn những ngày nóng, gặp mùa thu mùa đông nhiều hơn mùa xuân mùa hè, gặp ánh trăng gợi những ý tưởng hư vô xa xôi nhiều hơn mặt trời thôi thúc người ta chen cạnh với đời.
Những đêm không ngủ của Nguyễn Du mà phần trên đã nói cũng phụ hoạ thêm cho cảm giác đó:
Suốt đêm nghĩ ngợi thao thức không ngủ
Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng suông
(Quan tâm nhất dạ khổ vô thuỵ
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung)
Đêm khuya, băn khoăn một mình đối bóng
Nằm trên giường nghe mưa tầm tã mà sốt ruột
(Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh
Mãn sàng trệ vũ bất kham thinh)
Không chỉ già trước tuổi, Nguyễn Du còn hiện ra như một người thâm trầm lặng lẽ sống nhiều với nội tâm. Ta có thể đoán hàng ngày, có vẻ như ông là người ít nói ngại nói. Người ta có lúc đã nghĩ nhầm về ông. Một nhà nghiên cứu tả ông như “một kẻ tuỳ thời, ích kỷ, nhút nhát thích an nhàn, mơ giàu sang, sợ biến cố và tranh đấu” [8] .
Chỉ có thơ chiêu tuyết cho ông. Một bài như Phản chiêu hồn cho thấy một cách nghĩ quyết liệt hiếm có:
Thành quách vẫn như cũ nhưng nhân dân đã khác rồi
(Thành quách do thị nhân dân phi)
Đời sau ai ai cũng là Thượng Quan
Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La
(Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La)
Thượng Quan là kẻ chuyên môn gièm pha. Còn Mịch La là tên con sông Khuất Nguyên tới trẫm mình. Ai cũng là Thượng Quan, đâu cũng Mịch La, nghĩa là cuộc đời này hỏng hết rồi! Trong thơ xưa nói chung ít khi thấy một lối nói đến kiệt cùng chi lý, nói trăm phần trăm, nói không chừa một chỗ nào để lùi. Lỗi phạm quy của Nguyễn Du là cố ý!
Nên để ý thêm là dưới con mắt của các sử gia từng viết Đại nam chính biên liệt truyện, thì Nguyễn Du là người ngạo nghễ tự phụ [9] . Thời phong kiến, những người có chính kiến riêng, tức là những người trẻ trung tươi mới trong cách nghĩ, thường bị ghép cho cái tội đáng ghét ấy. Nguyễn Du cũng ở trong số này chăng?
Ta vốn có tính yêu núi. Trong bài Tiềm sơn đạo trung in trong Bắc hành tạp lục, vụt lên một câu thơ lạ vậy. Trong nguyên văn chữ Hán Túc hữu ái sơn tích, chữ tích ở đây có nghĩa là một thứ tật, một thói quen đã bền chắc như là một sự nghiện ngập, và muốn cho chính xác phải dịch thành Ta vốn nghiện núi. Tôi cho rằng đây là một trong số những câu thơ đáng nhớ vì có ý nghĩa thông báo về tác giả. Hoá ra Nguyễn Du không phải chỉ là cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia; mà hình ảnh gợi đúng về ông phải là những ngọn núi, núi đơn độc, núi vượt lên trên sự bằng phẳng. Và thơ Nguyễn Du là một thứ tiếng rền của núi!
Liệu có thể nói cái phần bên trong rắn rỏi khoẻ mạnh lão thực mới là phần chính trong con người ông? Nếu thế thì còn có thể nói là ông trẻ trung mãi mãi.
[1]Thơ trích trong bài đều lấy từ Thơ chữ Hán Nguyễn Du do Lê Thước Trương Chính biên soạn, NXB Văn học, 1965
[2]Dẫn theo Hoài Thanh, Tâm tình Nguyễn Du qua một số bài thơ chữ Hán, 1960. Chính Hoài Thanh sau khi dẫn đã viết thêm “Nhận xét này rất đúng».
[3]Sách dẫn trên, bản của NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp 1978, tr. 43
[4]Nguyễn Du. Về tác giả và tác phẩm, Trịnh Bá Đĩnh biên soạn, NXB Giáo dục, bản in 2003.
[5]Dẫn theo bản in lại trong sách Nguyễn Du. Về tác giả và tác phẩm, tr. 120
[6]Nguyễn Lộc, sđd, tr. 98
[7]In lại trong Nguyễn Bách Khoa, Khoa học văn chương, Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn và giới thiệu NXB Văn hoá thông tin, 2003
[8]Ý của Nguyễn Bách Khoa, Trương Chính dẫn lại trong Lời giới thiệu Thơ chữ Hán Nguyễn Du, tr. 30
[9] Dẫn theo Nguyễn Lộc, tr .17
Nguồn: Phụ san Thơ (19+20) của báo Văn nghệ, Hà Nội, số ra ngày 19-2-2005. Bản đăng trên talawas có sửa chữa và bổ sung vài chi tiết nhỏ.
Trích talawas