VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tiếng cười bế tắc

Tiếng cười bế tắc
Nhiều người cho rằng văn hóa càng khủng hoảng thì tiếng cười càng khởi sắc. Một bài viết mang tên Diễn hài được mùa được in trên tờ báo nọ ca ngợi sân khấu hài hiện nay. “Không có nhiều gương mặt mới, nhưng những vai diễn hài trên sân khấu của năm qua đi vào số phận nhân vật, với tiếng cười thâm thúy “.
Khi mang lên mạng thì một bạn đọc có ngay ý kiến ngược lại.


Bạn này bảo: “Những nghệ sĩ hài có vai hay thì phải có năng lực kiểm soát được tiếng cười không sa vào bậy bại, dung tục. Chứ nhiều nghệ sĩ hiện nay đang bị dung tục làm ảnh hướng tới sân khấu, nhiều lúc hổng dám dắt con đi xem hài kịch, vì nói bậy quá nhiều; giải Mai vàng cũng nên cân nhắc lại, nếu năm nay không có ai xứng đáng thì khỏi trao, để những nghệ sĩ hài biết nhìn lại chính mình, mời họ qua sân chơi Trái cóc xanh của Tuổi Trẻ Cười để lãnh giải.”
Tôi không theo dõi sân khấu hài, nhưng thấy có thể chia sẻ ý kiến này. Văn hóa cười không tách rời cái nền văn hóa của một cộng đồng. Khi sinh hoạt nghệ thuật nói chung khủng hoảng, thì bộ phận hài hước trong đó cũng không tránh khỏi méo mó nham nhở. Chán chường vô vị quá không biết làm gì thì rặn ra mà cười. Tiếng cười trong trường hợp này chỉ là một giải thoát giả tạo.
Đây là xu hướng quan sát thấy ở nhiều xã hội khác.
Trong một số báo Sinh viên Việt Nam 2008, người ta có thể tìm thấy một bài báo nhỏ mang tênTại sao lại cười ? Tôi đã ghi lại một số ý lấy từ bài viết dựa theo New York Times này, vì thấy có một số nhận xét rất thích hợp với tình hình ở ta:
-- Thật khó tìm ra tiếng cười có tính trí tuệ. Tại sao vậy? Đi sâu vào thế giới động vật người ta thấy khi bị chọc cù, loài chim phát ra một loại âm thanh lạ và chúng thích nghe lại loại âm thanh này. Nụ cười sinh ra nhờ những kết nối thần kinh sơ khai thúc đẩy những con chuột nhỏ “học cách chơi cùng nhau”. Trong xã hội loài người, nụ cười bắt quen giống như một dấu hiệu thông báo “Tôi muốn sống thân thiện!”. Thế thôi. Nụ cười chẳng qua chỉ là một chất bôi trơn các mối giao tiếp. Khi ở địa vị xã hội thấp người ta luôn luôn cần đồng minh, cho nên sẵn sàng cười trước mọi chuyện.
-- Phần lớn nụ cười chẳng liên quan gì đến hài hước. Nó chỉ là một công cụ sinh tồn bản năng của những động vật sống thành bày đàn.
-- 80-90% người đời cười sau một câu nhạt nhẽo hoặc những cảnh buồn chán trong TV.
-- Người nói thường cười nhiều hơn người nghe, nụ cười dùng ngắt câu, đây là một cơ chế tự nhiên.
--Người ta có thể nhịn cười nhưng ít khi giấu được vẻ gượng gạo khi cười.
-- Khi mang một truyện cười khiến một đám sinh viên “rúc rích cười” hoặc “cười lăn cười lộn” kể lại cho một số nhà bác học, họ chẳng cười tí nào!
Tiếng cười cũng phải trở thành một đối tượng cần nghiên cứu.
Trong năm 2011, báo chí đã có loan tin Tuổi trẻ cười được đề cập tới trong luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne Pháp.
Không biết bao giờ các nhà nghiên cứu VN mới bắt tay vào những việc tương tự.
Theo thiển ý, sự lan truyền và nẩy nở của tiếng cười trong xã hội Việt hiện đại đang diễn biến theo cả hai hướng, vừa trở về với truyền thống vừa hiện đại hóa .
Hiện đại hóa thì rõ quá rồi, nhưng không phải cái khía cạnh sâu sắc trí tuệ mà nhiều khi là tiếng cười trơ tráo, tàn nhẫn, gần với điên dại.
Còn trở về truyền thống là thế nào ?
Trong các chương trình phổ thông và đại học nữa có một bộ phận được đề lên rất cao là văn học dân gian, trong đó có thể truyện cười. Nhưng nếu bình tĩnh đọc lại, người ta sẽ thấy ngoài một số trường hợp giữ được tinh thần phê phán đúng mực, phần lớn tiếng cười trong văn học dân gian ở ta là sự bông lơn pha trò để cười, cười gượng, cười nhảm thậm chí vô duyên nữa.
Trong sự nở rộ chưa từng có, tiếng cười trong đời sống cũng như trên các phương tiện truyền thông hiện nay cũng vậy. Khi khá nhất, nó là thể hiện của tinh thần dân chủ và khát khao hoàn thiện. Nhưng trong tình trạng trì trệ chung của xã hội, nó vẫn không đủ sức tự tìm cho mình con đường phát triển hợp lý. Mà ngược lại, chỉ đủ sức lan ra theo chiều rộng và lẫn vào dễ dãi và bế tắc đã kéo dài trong lịch sử của tiếng cười dân gian.


Đã in Tuổi trẻ cười Xuân Nhâm Thìn 2012
với nhan để Tiếng cười dễ dãi


  Cười ra nước mắt 
NHỮNG TIẾNG CƯỜI TIẾP GIÁP VỚI TIẾNG KHÓC


Nghiến răng cười ha hả trời ơi!
 Câu hát tuồng ấy, tôi nghe từ lâu lắm, nhưng không rõ ở đâu và là tiếng cười của ai.
  Mở Google ra tra. Thì ra đó là một câu trong vở Sơn hậu, ở đoạn Đổng mẫu mẹ Đổng Kim Lân bị anh em họ Tạ bắt, nghĩa là một tình tiết bi kịch -- một người tử tế, không ngại tuổi già vẫn dấn thân làm việc nghĩa, ngờ đâu việc không thành.
   Trong cảnh khốn cùng, bà đau đớn cất lời:
-- Bẩy chục thân già chi xá,
Nghiến răng cười ha hả trời ơi!  
   Trong phần lớn trường hợp của đời sống hàng ngày, con người thường cất lên tiếng cười khi nhận ra một cảnh tượng gì thú vị, thông thường đó là trước những cảnh nhố nhăng kỳ quặc hoặc những thói xấu. Theo nhà triết học Anh Thomas Hobbes (1588-1679), “ dầu sinh ra bởi nguyên nhân nào, cứ đi vào tận cùng của cái cười, ta luôn luôn gặp nó đi chung với sự khoan khóai thầm kín của lòng tự ái, tự tôn, tự đại, một cái gì giống như sự thỏa thích ma quái.”
    Đằng này tiếng cười là sự xác nhận một tình cảnh éo le ngang trái, đẩy cao lên, là một tình thế bi tráng, gần như không có cách giải quyết.
     Ca dao có câu Ai ơi chớ vội cười nhau / Cười người hôm trước hôm sau người cười .
    Tức là thông thường tiếng cười có một đối tượng là kẻ khác. Ta cảm thấy ta cao hơn kẻ ấy. Cần cười để  chê bai để chế giễu.
    Ngược lại, tiếng cười ở đây dành cho chính người cười.    
    Tiếng cười ở đây nối tiếp tiếng khóc, một sự chuyển hóa sang cái tưởng như đối lập, nhưng lại là một sự chuyển hóa biện chứng.
   Chế Lan Viên cũng từng miêu tả một tình huống chuyển tiếp tương tự:
  Khóc chẳng xong ư, anh hãy thử cười
 Cười được rồi sẽ tan rơi nước mắt
 Như những đồng tiền cũ không ai tiêu phải vứt
 Khi trong lòng đã đúc triệu đồng vui.
   Tuy nhiên sau hai câu đầu rất hứa hẹn, ở hai câu tiếp, tác giả đã dễ dãi đồng hóa tiếng cười với niềm vui. Cười hóa ra một sự lảng tránh, tự mình dối mình, xí xóa cho xong. Tiếng cười bị hạ thấp, không có được cái bi tráng như trong câu hát tuồng Nghiến răng cười ha hả trời ơi nhắc ở trên.
    Về sự lơ lửng chuyển hóa giữa nỗi buồn và niềm vui, tiếng cười và tiếng khóc, tôi nhớ một thiên truyện của nhà văn Mỹ W. Saroyan.
    Câu chuyện bắt đầu từ sự việc một học sinh loại lớp cuối bậc tiểu học trong giờ học mải cười đùa với các bạn, tiếng cười vốn vô can không ngờ xúc phạm đến niềm tin nghề nghiệp thiêng liêng của cô giáo.
    Sau giờ học, cô yêu cầu em ở lại, và ra lệnh bây giờ, trong thế đơn độc một mình,  em hãy cười đi, cười cho thỏa thích thì thôi.
    Chú bé, nói như người Việt, lúc này phải cố rặn ra cho được tiếng cười.
    Sức người có hạn, chỉ được một lúc, rồi tới lúc không cười được nữa, chú cảm thấy trống trải bơ vơ và quay ra bật khóc.
    Thì nhìn lên, không hiểu sao cô giáo cũng đang bật khóc.
    Kết thúc đoạn kịch không lời, trò và cô chia tay với một thoáng bẽ bàng.
     Ra khỏi cổng trường, như được tháo cũi xổ lồng, chú bé sung sướng đuổi theo các bạn. Nhưng lúc này các bạn đã ra về từ bao giờ. Chỉ mình chú bé trên đường.
     Rất nhanh, từ thóang cười thầm sung sướng được trở lại là mình, chú bé quay ra nức nở, và cứ thế rên rỉ mãi không dứt.
     Tôi chưa sống qua những phút kịch tính như thế bao giờ. Nhưng tôi hiểu ở giai đoạn tiếp giáp với tiếng khóc, tiếng cười trở thành biểu hiện của một trạng thái nhân sinh cao cả.
     Ít ra đó không phải là tiếng cười bốc đồng dễ dãi, lại càng không phải tiếng cười rẻ tiền, tiếng cười tiểu nhân hèn hạ, tiếng cười độc ác... như nhiều người chúng ta thường cười với nhau một cách vô độ hiện thời .
   
 Đã in Tuổi trẻ cười Xuân Tân Mão 2011

                             Cần cả những tiếng cười thầm

    Thời của chúng ta là thời của những liều thuốc mạnh! Tôi đã phân vân mãi khi đặt cho bài viết của mình một cái tên... hiền hiền như trên. Nhưng xin bạn đọc lượng thứ. Cười hả hê, cười tung tóe, cười ngặt nghẽo,... việc ghi nhận giá trị của những tiếng cười hết cỡ ấy đã được nhiều bạn khác làm tốt hơn tôi. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng có những lúc, những tiếng cười không “khủng”, không quá cỡ, không gây sốc, lại mang tới cho cuộc sống người ta một ít dư vị lạ lùng.

    Khi in lại Số đỏ, báo Văn Nghệ ở Hà Nội năm 1956 từng gọi cuốn sách này của Vũ Trọng Phụng là một tiểu thuyết cười dài. Quả thật khi nghe Xuân đọc những câu rao thuốc mà lại khiến cho cô Tuyết cảm động và gọi Xuân là một thi nhân; khi nghe ông Phán bảo mọi người hãy chào ông là ông chồng mọc sừng..., ta không nén nổi tiếng cười.
    Nhưng hãy đọc lại đoạn Văn Minh báo với Xuân cái việc định gả em gái là Tuyết cho Xuân. Những tưởng đang trong cảnh long đong kiếm sống, nay có người chìa ra mời mọc, chẳng khác chết đuối vớ được cọc, Xuân phải túm ngay lấy cơ hội. Bằng lô-gíc của con người Việt Nam thời buổi hỗn loạn, chúng ta đoán tay tổ trong nghề khai thác cơ hội này sẽ lợi dụng sự may mắn ngẫu nhiên rơi vào đầu mình để mặc cả tiếp và... phất tiếp. Đằng này không, Xuân lập tức trả lời là mình không dám nhận. Và trước mặt ông anh vợ tương lai, chàng Xuân của chúng ta nói thẳng rằng mình “Không cha không mẹ, lêu lổng từ bé, nhặt ban quần, bán phá sa, đã làm nhiều nghề hèn”.
    Không biết các bạn có cười không? Riêng tôi khi đọc đoạn đó không khỏi cảm ơn Vũ Trọng Phụng vì đã cho mình được cười. Một thứ cười nhẹ nhàng kèm theo những ý nghĩ thoáng qua:
“Cậu này được!”.
 “Hóa ra hắn vẫn còn dành cho mình nhiều bất ngờ”.
“Lạ chưa, cái tay quỷ này cũng biết mình biết người gớm!”.

Tôi cảm thấy không chỉ hiểu thêm về Xuân tóc đỏ mà còn hiểu thêm một mặt mạnh của con người Việt Nam hiện đại, khi họ tiếp xúc với văn minh phương Tây. Ở họ, một quá trình tự nhận thức đã khởi động.
Sự tỉnh táo của Xuân lúc này có thể sánh ngang với Chí Phèo khi Chí cãi lại Bá Kiến “Không được! Ai cho tao lương thiện... Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!”.
    Tiếng cười bật ra để đánh dấu một quá trình tâm lý đã đến hồi thu được kết quả. Các sách lý luận mỹ học gọi đó là hiệu ứng “Ơ-rê–ca!”, hiệu ứng nhận thức của tiếng cười .
   Thông thường người ta chỉ nhấn mạnh vai trò của tiếng cười trong việc quất vào những thói xấu và sự chưa hoàn thiện của con người.
   Nhưng không nên bỏ qua những hiệu ứng khác. Người ta nhận thấy hài hước bắt đầu ở việc nhận ra sự không tương xứng nào đó. Thật tự nhiên là tiếng cười cất lên khi thấy một em nhỏ đáng lẽ ở tuổi hồn nhiên thì lại có vẻ đạo mạo. Nhưng người ta cũng dễ cười khi thấy các cụ già khóc thút thít như trẻ nhỏ.
    Cái mà người ta chờ đợi đáng lẽ thế này lại hiện ra thế khác, tiếng cười bắt nguồn từ đấy. Những tiếng cười giúp cho người ta thêm hiểu đồng loại của mình. Những tiếng cười của trí tuệ. Đôi khi là cười để khỏi khóc, hoặc cười trong tiếng khóc. Bây giờ thì bạn hiểu sao tôi lại chúc cho bạn có thêm những tiếng cười thầm trong cuộc đời đa đoan rắc rối này rồi!

Đã in Tuổi trẻ cười Xuân Canh Dần 2010

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn