VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cần cả những tiếng cười thầm


Một ít trải nghiệm nhân đọc Số đỏ của Vũ Trọng Phụng
TTC Xuân - Thời của chúng ta là thời của những liều thuốc mạnh! Tôi đã phân vân mãi khi đặt cho bài viết của mình một cái tên... hiền hiền như trên. Nhưng xin bạn đọc lượng thứ. Cười hả hê, cười tung tóe, cười ngặt nghẽo,... 

việc ghi nhận giá trị của những tiếng cười hết cỡ ấy đã được nhiều bạn khác làm tốt hơn tôi. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng có những lúc, những tiếng cười không “khủng”, không quá cỡ, không gây sốc, lại mang tới cho cuộc sống người ta một ít dư vị lạ lùng.



Khi in lại “Số đỏ”, báo Văn Nghệ ở Hà Nội năm 1956 từng gọi cuốn sách này của Vũ Trọng Phụng là một tiểu thuyết cười dài. Quả thật khi nghe Xuân đọc những câu rao thuốc mà lại khiến cho cô Tuyết cảm động và gọi Xuân là một thi nhân; khi nghe ông Phán bảo mọi người hãy chào ông là ông chồng mọc sừng..., ta không nén nổi tiếng cười.
Nhưng hãy đọc lại đoạn Văn Minh báo với Xuân cái việc định gả em gái là Tuyết cho Xuân. Những tưởng đang trong cảnh long đong kiếm sống, nay có người chìa ra mời mọc, chẳng khác chết đuối vớ được cọc, Xuân phải túm ngay lấy cơ hội. Bằng lô-gíc của con người Việt Nam đầu thế XXI, chúng ta đoán tay tổ trong nghề khai thác cơ hội này sẽ lợi dụng sự may mắn ngẫu nhiên rơi vào đầu mình để mặc cả tiếp và... phất tiếp. Đằng này không, Xuân lập tức trả lời là mình không dám nhận. Và trước mặt ông anh vợ tương lai, chàng Xuân của chúng ta nói thẳng rằng mình “Không cha không mẹ, lêu lổng từ bé, nhặt ban quần, bán phá sa, đã làm nhiều nghề hèn”.
Không biết các bạn có cười không? Riêng tôi khi đọc đoạn đó không khỏi cảm ơn Vũ Trọng Phụng vì đã cho mình được cười. Một thứ cười nhẹ nhàng kèm theo những ý nghĩ thoáng qua:
“Cậu này được!”.
 “Hóa ra hắn vẫn còn dành cho mình nhiều bất ngờ”.
“Lạ chưa, cái tay quỷ này cũng biết mình biết người gớm!”.


Tôi cảm thấy không chỉ hiểu thêm về Xuân tóc đỏ mà còn hiểu thêm một mặt mạnh của con người Việt Nam hiện đại, khi họ tiếp xúc với văn minh phương Tây. Ở họ, một quá trình tự nhận thức đã khởi động.
Sự tỉnh táo của Xuân lúc này có thể sánh ngang với Chí Phèo khi Chí cãi lại Bá Kiến “Không được! Ai cho tao lương thiện... Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!”.
Tiếng cười bật ra để đánh dấu một quá trình tâm lý đã đến hồi thu được kết quả. Các sách lý luận mỹ học gọi đó là hiệu ứng “Ơ-rê–ca!”, hiệu ứng nhận thức của tiếng cười .
Thông thường người ta chỉ nhấn mạnh vai trò của tiếng cười trong việc quất vào những thói xấu và sự chưa hoàn thiện của con người.
Nhưng không nên bỏ qua những hiệu ứng khác. Người ta nhận thấy hài hước bắt đầu ở việc nhận ra sự không tương xứng nào đó. Thật tự nhiên là tiếng cười cất lên khi thấy một em nhỏ đáng lẽ ở tuổi hồn nhiên thì lại có vẻ đạo mạo. Nhưng người ta cũng dễ cười khi thấy các cụ già khóc thút thít như trẻ nhỏ.
Cái mà người ta chờ đợi đáng lẽ thế này lại hiện ra thế khác, tiếng cười bắt nguồn từ đấy. Những tiếng cười giúp cho người ta thêm hiểu đồng loại của mình. Những tiếng cười của trí tuệ. Đôi khi là cười để khỏi khóc, hoặc cười trong tiếng khóc. Bây giờ thì bạn hiểu sao tôi lại chúc cho bạn có thêm những tiếng cười thầm trong cuộc đời đa đoan rắc rối này rồi!

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn