VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đi du lịch bụi Trung Quốc

Côn Minh
15-9
Mấy lần trước chủ yếu đi theo sườn phía đông. Lần này, tôi sẽ đi theo sườn phía Tây TQ, để hiểu phần nào nước TQ cổ (Thành Đô,Tây An)
Thăm làng dân tộc ở Vân Nam. Ngay bên cổng ra vào là phần dân tộc Thái.
Tôi chưa qua Thái Lan. Đến làng Dân Tộc lần này, có cảm tưởng người TQ rất hiểu người Thái. Ngôi chùa rất to dựng lên ở đây cho tôi ý niệm người TQ làm gì cũng làm đàng hoàng, chùa to đâu gần như chùa thực (?) chứ không có cái kiểu vo viên lại, làm cho xong, chỉ đưa ra một thứ mô hình bé tí như của mình.
Ở HN, lâu nay muốn đi vào ĐNA, các nhà nghiên cứu của ta đều dựa vào tài liệu tiếng Anh. Trong khi đó TQ theo tôi biết TQ cũng rất hiểu về ĐNA. Người phát hiện Ăng co vat chẳng phải là người TQ là gì?

Văn hóa TQ tràn ra ngoài khuôn khổ xứ sở của họ nữa. Một nền văn hóa Trung Hoa ngoài lục địa, đó là cái mà tôi lâu nay thử phác họa mà không làm nổi.
Nhớ những chuyến đi Đông Nam Á. Đến Campuchia hay Malaissia, Singapore, muốn mua bán cái gì,
dùng tiếng Băc Kinh ai cũng hiểu. Chi trừ ở VN.
Chợt tự hói, có phải người Tầu bỏ quê ra đi, loại vượt đại dương là loại giỏi, còn loại chỉ đến mảnh đất cuối trời ở phương nam, tức là chỉ sang ta, hình như là loại xoàng hơn.
Lại nhớ họ đã làm An Nam dịch ngữ từ rất lâu, trong khi ông cha mình lúc ấy còn chưa có một chút ý niệm gì về từ điển cả.

Trong khu làng của người Thái, có những ao bèo hoa dâu to (hàng mẫu đất), bèo lên xanh và rất đều, rất thuần không pha một chút tạp chủng. Hình như tôi chưa gặp ở các làng xóm Bắc bộ một khu ao bèo nào đẹp đến vậy.
16-9
Đến Kim Điện, thấy một motiv ở đây là con trâu. Có cái cảnh con trâu
leo lên cái hũ rượu. Giá một chủ quán rượu nào đó ở HN phóng tác phẩm điêu khắc này to lên, đặt trước cửa hàng mình, có lẽ sẽ được khen là biết gọi ra quốc hồn quốc túy VN.
Lâu nay tôi thường đi tìm sự lặp lại của các motiv trống đồng ở các công trình văn hóa khác mà chưa gặp. Nay thấy ở Kim Điện một tác phẩm điêu khắc tạc cái cảnh mấy con trâu lượn trên mặt trống trên tang trống là mấy con hổ leo lên mà không được.
Một bức tượng đồng khác dựng lên cái cảnh nhà sàn, ngoài sân cũng thấy có một dụng cụ gì đó, như hình trống đồng tức là thót giữa, chứ không phải ở giữa phồng lên, như trống làng quê Bắc bộ.
Trước khi biết TQ bằng con mắt nhìn, chúng tôi đã biết TQ qua sách vở.
Cả tập Chinh phụ ngâm cho thấy người Việt có thể nôn nao thế nào khi nhắc tới các địa danh của Trung quốc.
Chế Lan Viên từng có câu bài thơ nói rằng chỉ nghe người thân
của mình về Dương Liễu thôn mà lòng đã thấy bồn chồn.
Chúng tôi hôm nay cũng vậy. Chỉ nghe nói tới nước Đại Lý là Đăng em tôi, cùng đi TQ với tôi hai chuyến 2008 và H2009, nhớ ngay đến Kim Dung. Trong Lục mạch thần kiếm – mà Đăng cho là hay nhất trong các bộ truyện của cùng tác giả --đã có nói tới nước Đại Lý. Và dĩ nhiên là Đăng thấy những gì được mô tả trong sách thú vị hơn trong đời thực.

Trong dư luận xã hội VN, TQ đang trở thành chủ đề bình luận.
Chỉ có điều người ta vội bàn mà không chịu tìm hiểu TQ một cách
nghiêm túc.
Ông Trần Đình Hượu là người nói ra cái nhận xét, mình sống cả đời với TQ, nhưng lại không có ai giỏi về Trung quốc, không có nhà TQ học thực sự, chứ đừng nói là đạt tầm cỡ thế giới.
Lẽ ra phải có ai đó viết cuốn sách Lịch sử và văn hóa Trung quốc, nhìn từ VN.

Dạo này hơi buồn là không mở được CCTV 4. Cái lạ của nước mình là có chuyện với ai lập tức nhắm mắt lại không muốn nhìn nhận người ta, tìm hiểu người ta nữa ( với người Pháp sau 1945 cũng vậy).
Lúc nào thích hợp sẽ nhắc lại với mọi người câu nói của chính khách Khuyển Dưỡng Nghị Nhật với Phan Chu Trinh: Có quan hệ với người ta ( dù là yêu hay ghét ) thì phải tìm hiểu người ta chứ? Sao lại không học tiếng Pháp?


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn