VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đi du lịch bụi Trung Quốc (2)

Nga Mi-Lạc Sơn

19-9
Trước khi đến Thành Đô, chúng tôi ghé lại ở Nga Mi. Từ Nga Mi qua thăm Lạc Sơn trước. Rất ấn tượng về những bức tượng cổ kỳ vĩ.
Ngoài cổng có hàng chữ rất to: Đông phương phật đô. Không biết ai đã mệnh danh Lạc Sơn như vậy, tiếc không xem được ghi chú bên cạnh.
Cũng như vậy thấy ở Nga Mi nhiều dòng văn bia, ví như tú giáp thiên hạ ( đẹp nhất thiên hạ), hoặc một dòng tiếng Anh ngọn núi số một ở thế gian.
Riêng mấy chữ Thiên hạ danh sơn thì thấy là có ghi người viết là Quách Mạt Nhược.
Ở nhà có lần Ng VănThành đã hỏi tôi tại sao không đọc gì về Phật mà toàn trở lại với Luận Ngữ, Trung Dung…
Đây là chỗ yếu của tôi, tôi biết. Nhưng tôi vẫn nhớ ở đâu đó người ta đã viết rằng người TQ tiếp nhận đạo Phật theo kiểu chân truyền với nghĩa nhà vua lúc ấy cử hẳn Huyền Trang“tây du”, ông này tự dịch kinh Phật. Đến những nơi như Lạc Sơn đây mới hiểu đạo Phật ở TQ ảnh hưởng sâu rộng đến đâu. Khi tiếp nhận tận gốc kỹ lưỡng rồi, người TQ đã làm cho đạo Phật có một khuôn mặt mới. Nghĩ tới một cuốn Lịch sử thâm nhập của Phật giáo ở TQ.(Chắc ai đó đã viết mà tôi không biết)
Nghĩ về trình độ khoa học của TQ. Họ tổ chức công việc thế nào khi dựng tượng Đại Phật, người tổng công trình sư đứng ở đâu để chỉ huy thợ, họ sẽ liên lạc với thợ ra sao?

Một hàng chữ lớn ở Nga Mi: Phật giáo thánh địa.
Lên Kim Đỉnh, đỉnh cao nhất ở
Nga Mi, đâu trên 3000 mét. Bọn tôi đi vào một ngày thời tiết xấu, chả thấy gì cả, sau này đọc sách mới biết có cảnh mặt trời mọc, cảnh biển mây vây quanh, hết sức kỳ thú.
Lại nhớ năm ngóai đi núi Thái Sơn ở Sơn Đông, chỉ nhớ núi cao và giá lạnh, cùng là dấu vết của người xưa qua vài bức thư pháp. Ngoài ra không đủ cảm xúc để sống lại với lịch sử.

Có một chuyện vui vui. Hôm nọ ở Côn Minh, tôi đọc ở chỗ đi tiểu trong hiệu sách một khẩu hiệu đại ý tiến về phía trước mới là một bước đi nhỏ, trở nên văn minh mới là một bước đi lớn ( tiền tiến nhất tiểu bộ, văn minh nhất đại bộ)
Hôm nay ngồi trong toa lét ở Kim Đỉnh, tôi nhận ra người ta có gắn ở cửa một bảng nhỏ, viết bằng hai thứ chữ Hán và Anh, kể về lịch sử ngôi chùa trên Kim Đỉnh, đâu chùa được làm từ thời Đông Hán.Tôi chưa
kiểm tra lại con số cụ thể, nhưng có lẽ đúng là như thế, chùa được làm lúc đạo Phật mới vào Trung quốc các khuôn mặt Phật ở chùa còn nhiều nét Ấn Độ; có tượng Phật cưỡi lên một con vật gì đó có vẻ là một động vật quen biết ở bên Ấn.
Chùa được xây dựng đơn sơ, đường nét thô, thường chỉ có ba pho tượng ở giữa, chung quanh trống trải. Sau thời Tần Hán đánh nhau quá trời, thời Đường Tống người ta muốn trở về một chút với thiên nhiên và hư vô. Đạo Phật càng được sùng bái từ đấy chăng?
20-9

Thức dậy ở chân núi Nga Mi, cảm thấy các thành phố nhỏ có cái vẻ êm đềm riêng của nó. Không nghe tiếng xe tải. Đi bộ ra đường. Chỉ có một tuyến xe bus lên trung tâm mà xe lâu lâu mới có, thế là chúng tôi lên một taxi, ba người cũng chỉ mất có 9 tệ. Thầm nghĩ giá kể đưa gia đình lên nghỉ độ một tuần ở đây cũng sống được. Tôi thích sống ở những thành phố nhỏ trên dưới triệu dân gì đấy, hơn là những “ tổ ong” khổng lồ.
Nghe nói lẩu Tứ Xuyên rất khá, nhưng chưa có điều kiện, chúng tôi chỉ hưởng tạm món mì. Mì đặt vào trong cái nồi gang(?) bê ra nóng bỏng cả tay.
Tiếp đó cả ba đi ăn quẩy. Một góc ngã tư, hai bà chưa già
lắm, nhưng người có vẻ cổ, người nặn quẩy sống bỏ vào rán, người cắt ra phục vụ khách. Có thể ăn luôn ở đấy, ăn với sữa đậu nành.
Nhiều người chỉ thích đi thăm các danh thắng, đến đấy chụp lấy cái ảnh rồi về. Tôi muốn đi đúng kiểu bụi, lang thang ở các phố xá. Thậm chí đôi lúc tôi cảm thấy nhập vào nước Trung Hoa cổ một cách tự nhiên hơn là nước Trung Hoa hiện đại.
Một điều đáng nhớ của buổi chiều Thành Đô—gặp một người Nhật. Ông ta đi một mình, vào một quán nhỏ ăn cơm chiều,
chỉ gọi một món, và có vẻ chưa thạo lắm, phải chỉ sang chỗ bọn tôi, ra ý nói rằng làm một đĩa đậu sào giống như bọn tôi. Một bài học về du lịch.




Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn