VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ca tụng ả đào

Tiệc rượu không chỉ là nơi để người ta ăn mà nhiều khi trước tiên là chỗ để người ta nói. Bữa ấy, nhân có chút nhuận bút còm, nhà văn Bính mời thêm hoạ sĩ Giáp, nhà thơ Canh, nhà nghiên cứu nghệ thuật Quý, nhà sử học Kỷ... đến để cùng tìm cách nhờ trợ giúp của mấy lon bia tiêu thụ cho hết một cỗ lòng, nhân đó bàn luận sự đời. Không biết tự lúc nào, câu chuyện của họ chuyển sang đề tài thú chơi của người xưa và vào lúc đã say, tiếng nói của họ xen lẫn vào nhau, như trong bản hoà tấu, mỗi người một giọng... - Tôi không muốn là kẻ bám càng, thấy ai khen cái gì cũng hùa theo khen lấy được, song tôi cứ nghĩ hát ả đào lạ thật, giá kể có ai bây giờ mở một thứ dịch vụ ả đào - mà là ả đào thứ thiệt - chắc tôi cũng phải cố viết mấy bài báo linh tinh lấy mấy đồng, mà mua vé vào ... tom chát một bữa. Không khí đầm ấm này, nhạc quyến rũ này, và những giọng hát sang sảng như giọng bà Hồ, bà Phúc này. Một vài chục năm nữa, nước mình giàu lên, chắc có người nghĩ ra chuyện làm một thứ bảo tàng âm nhạc, trong đó có chỗ chuyên lưu giữ các giọng hát quý, một thứ ngân hàng gồm toàn những giọng vàng trong lịch sử. ở cái ngân hàng giọng đó, tôi ngờ cùng với giọng Khánh Ly, Bảo Yến, rồi Thanh Lam, Mỹ Linh... hoặc những giọng ca mà chúng mình từng say mê những năm nằm hầm Trường Sơn như Bích Liên, Thanh Huyền v.v... thì những băng từ ghi giọng bà Phúc, bà Hồ, giọng Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, giọng Mộng Hoàn v.v.. phải được đặt ở chỗ danh dự. - Anh Bính mở đầu thế cũng được đấy. Nhưng thôi, hãy nới tới những chuyện liên quan đến nghề viết văn. Hẳn anh còn nhớ bài viết của Nguyễn Tuân mang tên Một đêm họp đưa ma Phụng, trong đó kể chuyện mấy văn hữu, trước khi đến ngả mũ cúi đầu trước mộ tác giả Số đỏ, phải sang bên sông làm một chầu hát cái đã. Nhìn bằng con mắt tục thì như thế là đổ đốn chứ gì, kéo nhau dong chơi cả đêm để rồi hôm sau đi đưa ma, nghĩ thật dở quá! Song không rõ các anh ra sao chứ riêng tôi đọc đoạn văn ấy, vẫn thấy rất tự nhiên. - Phải ý anh định nói nhà trò là nơi con người bấy giờ thường tìm tới, mỗi khi cảm thấy cuộc đời này quá lạnh lẽo chứ gì? Đồng ý! Đây tôi xin bổ sung thêm một ý nữa về cái sự sang trọng của các nhà trò thời xưa. Hẳn các anh còn nhớ trong Lều chõng, Ngô Tất Tố cũng đã không giấu diếm rằng mình mê hát ả đào và sự thực là ông đã cãi rất hăng, cãi thật lực cho việc xuống xóm. Với các nhà nho như Ngô Tất Tố, không phải có sự đối lập, ai đã dềnh dang chơi bời thì đừng tính chuyện văn chương, còn người chữ nghĩa bề bề thì không hề lai vãng tới phố Hàng Lờ bao giờ cả. Mà ngược lại, trong Lều chõng, người hay chữ đệ nhất là Đào Vân Hạc cũng là kẻ ham hố liều lĩnh, giữa hai kỳ thi vẫn líp chặt ở chỗ đào Cúc, đào Phượng. Lạ cái nữa theo Ngô Tất Tố cho biết, chính các nhà trò cũng thích dụ bằng được mấy chàng hay chữ vào cuộc, thì mới hả dạ. Ra giữa chốn lầu hồng, người ta vẫn lấy chữ nghĩa để đánh giá nhau, thú vị thế chứ! - Thế tôi thử hỏi anh Kỷ với các anh, chúng ta cắt nghĩa thế nào về chuyện trong các bài ca trù thường có pha thêm vài câu chữ Hán khi ở khổ đầu, khi ở khổ giữa? Một thứ Hán Việt giao duyên dăng dăng ra thế, kể cũng là chuyện đáng nghĩ phải không nào? Theo tôi, nội một điều đó cho thấy hát ả đào là thú chơi của đám nho sĩ nhà nòi. Các cụ cũng thích khoe. Nhưng khoe đây là khoe sự tài hoa, tao nhã, lịch thiệp. Khoe tài khoe giỏi nên không thấy chướng như bọn giàu xổi khoe của. Mà những đoạn các cụ mượn chén “tế” bọn phàm phu tục tử thì cũng toàn những đoạn chửi độc cả. - Để tôi xin bổ sung vài câu về chuyện anh Giáp vừa nêu. Xưa kia, nhà trò phổ biến thật, nhưng không phải ở đó cá mè một lứa, ngược lại các nhân vật có thể gọi là đứng được ít nhiều đều có dính dáng đến chữ nghĩa. Trong Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân này, rồi trong Thề non nước của Tản Đà này... - Hình như nhân vật người khách trong Thề non nước mê Vân Anh là từ lúc biết rằng cô này giỏi chữ Hán? - Chứ còn gì nữa! ở chỗ lầu xanh lầu hồng ấy, có được tiếng đàn câu hát chưa đủ, lại phải uyên bác nữa mới chết người chứ! Hình như trong đầu óc các cụ nhà nho xưa, nhân vật nhà trò tiêu biểu phải là loại con nhà gia giáo, chẳng qua sa cơ lỡ vận chịu rơi xuống cảnh bùn nhơ, mà lúc nào cũng ao ước hoàn lương, ao ước trở lại với những ngày xưa gia phong, nền nếp. - Nghĩa là trong nhân vật những người con gái nhà trò con hát này, các cụ tìm thấy sự phóng chiếu của hình ảnh chính mình? - Có thể thế lắm. Nhưng thôi, trở lại với cái ý ban đầu của anh Bính: sự trái tính trái nết của một số người trong chúng ta bây giờ là sự say mê cái cổ. Không, tôi không thấy có gì phải xấu hổ cả. Trong các món văn hoá quà vặt thời nay, quà Âu quà Mỹ có cái ngon riêng của nó, nhưng tôi tưởng chuyện các cụ xưa cũng còn là món quà sang, mới nhắc lại đã thấy thơm tho mồm miệng. Được la cà vào đây mà tận hưởng, hẳn vui chán, phải không các bác? Chỗ anh Giáp vừa làm quyển sách về Nguyễn Tuân hở? Anh nào biên tập thật đáng đánh đòn quá, lẽ ra phải cố mà chạy lấy một bài Nguyễn Tuân và nghề hát cô đầu mới phải! ...Tiệc rượu ( = tiệc nói) đến đây chưa dứt. Trong lúc mải bàn về thú cô đầu, mấy cái mồm ngồi quanh cỗ lòng hôm ấy còn miên man tán sang “con người trò chơi” ở các nhà nho và thử đố nhau về cái thanh cái tục trong nghề chơi của người xưa. Băng ghi âm của chúng tôi còn ghi đủ, hẹn có dịp gỡ băng hầu các bạn. Đã in Chuyện cũ văn chương – 2001

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn