VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Người kỹ nữ,một phép thử độc địa


Sự tồn tại của nghề kỹ nữ là cả một tệ nạn xã hội. Song từ xưa tới nay, loại tác phẩm khai thác đề tài này lại khá nhiều, tới mức nếu vứt bỏ chúng đi, người ta không khỏi làm nghèo cái di sản văn học do các thế hệ trước để lại.

Xét cho thật kỹ các từ ả đào, cô đầu, kỹ nữ, gái làng chơi, gái giang hồ, gái làm tiền, gái mại dâm, nhà thổ, đĩ điễm.... vẫn có sự khác nhau chút ít trong ý nghĩa và trong sắc thái tình cảm.

Song dẫu sao giữa những người này vẫn có một nét chung nào đó - đại khái đấy là những người đàn bà không thuộc về một người mà thuộc về nhiều người, ai có tiền là có quyền làm chủ. Họ phải lấy câu ca tiếng hát, và trong nhiều trường hợp cả cơ thể họ ra chiều khách. Niềm vui sống ở đấy mà phương tiện sinh sống cũng dựa cả vào đấy.

Vì gần như thời nào cũng có những người làm cái nghề đặc biệt ấy, nên lẽ tự nhiên là sáng tác văn học viết về họ cũng nhiều, càng sang thời hiện đại càng nhiều. Và cùng với thời gian, việc mô tả thế giới của những người đàn bà này ngày càng kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn. Các nhà văn cao sáng, những người làm nên vẻ vang cho các nền văn học lớn trên thế giới, như Tolstoy, Dostoievski ở Nga; Balzac, Hugo... ở Pháp, ít nhiều, trong các tiểu thuyết, đều có đả động tới đám kỹ nữ này. Trong văn học Trung Quốc, thơ viết về thân phận “chị em” đã nhiều, tiểu thuyết viết về cuộc sống ở các xóm bình khang lại càng lắm, một người bình thường có thể đọc cả đời không xuể. Điều đó có ảnh hưởng đến Việt Nam. Tác phẩm lớn nhất của văn học ta, thiên truyện phổ biến khắp chợ cùng quê - ý chúng tôi muốn nói đến Truyện Kiều - là câu chuyện xoay quanh đời một cô gái thanh lâu hai lượt thanh y hai lần, và bao nước mắt đã nhỏ vì cô điếm thông minh tài hoa đó. Đến đầu thế kỷ XX, khi văn xuôi quốc ngữ phát triển, và việc viết văn làm thơ không phải là món trà dư tửu hậu hoặc một phen bộc bạch tâm sự của mấy vị nhà nho hay chữ chờ đi làm quan, mà là một nghề hẳn hoi, thì tác phẩm viết về cuộc đời các cô điếm càng tới tấp xuất hiện. Tại sao? Người viết văn làm thơ phần lớn cũng là du khách, khách thanh lịch, khi quá mệt mỏi hoặc lúc buồn bã chán chường không tìm thấy nghĩa lý cuộc đời, thường cũng tìm tới chị em để giải khuây, đấy là một lẽ. Song cái chính là trong khi tiếp xúc, nhiều người viết văn lại tìm thấy trong cuộc sống của chị em những khía cạnh gần gũi với thân phận mình. Cũng một lứa bên trời lận đận, câu thơ ngày xưa được họ nhập tâm như lời thốt lên từ đáy lòng. Cả bài thơ Lời kỹ nữ của Xuân Diệu không gì khác cũng là tâm sự của chính nhà thơ khi thấy cuộc đời ghê rợn lại quá lạnh giá, mà mình thì hoàn toàn đơn độc। Theo các nhà thơ, đấy cũng là cái tâm trạng thường xuyên đến với những người làm nghề bán trôn nuôi miệng mà lại chưa chịu hoàn toàn hư hỏng। Cũng nên nói ngay là mặc dù cùng một đối tượng miêu tả, nhưng mỗi nhà văn - ở đây chúng tôi chỉ dừng lại ở các cây bút hành nghề trước 1945 - vẫn nhìn đám đĩ điếm ấy một khác, phù hợp với quan niệm của nhà văn đó về con nguời nói chung। Có lối lý tưởng hoá người đàn bà giang hồ của nhóm Tự lực (trường hợp tiểu thuyết Đời mưa gió) nhưng lại có lối trình bày hiện thực trắng trợn, tàn nhẫn của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Trong Người ngựa và ngựa người, ả giang hồ ế hàng này hiện ra cùng quẫn nhếch nhác rồi hèn hạ, rồi giả dối, như nhiều người đời khác, vẫn thường được Nguyễn Công Hoan nói tới một cách khinh rẻ (chữ người ngựa ở đây để chỉ anh phu xe, còn chữ ngựa người để chỉ người đàn bà bất hạnh ấy). Vũ Trọng Phụng cũng không hề gượng nhẹ khi phải phác ra hình ảnh những nhà lục xì và những người làm đĩ. Rất tự nhiên, nhà văn họ Vũ lấy họ ra để chứng minh cho căn tính dâm của con người nói chung. Đời ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng bẩn, nên chi trong các ngôi nhà mà đám đàn bà này hành nghề, đời càng hiện lên nhớp nháp, nhầy nhụa.

Tuy nhiên trong văn học không chỉ duy nhất có hai cách nhìn như vậy. Ở giữa hai thái cực trên - thi vị hoá và tô đen bôi bẩn - vẫn còn thấy có những trường hợp loại nhân vật phụ nữ này được miêu tả với chút tình cảm dịu dàng, có đau xót nhưng lại có thông cảm.

1. Trong Thề non nước của Tản Đà, cô đầu Vân Anh vốn là con nhà có học, biết chữ nho, có thể làm thơ xướng hoạ với khách (bản thân bài thơ Thề non nước được Tản Đà kể như là do hai người nối tiếp nhau đặt lời mà thành). Cách cư xử của Vân Anh thì tinh tế, ý nhị khiến người có học cũng phải vì nể. Các tài liệu văn học sử còn ghi rõ chính bà thân sinh ra thi sĩ Tản Đà cũng là một cô đầu. Và cái cốt cách người mẹ như còn phảng phất trong hơi thơ của ông ấm Hiếu. Không thể tưởng tượng ra đời sống văn học đầu thế kỷ nếu thiếu đi ngòi bút Tản Đà tài hoa duyên dáng!

2. Chỉ có một lần nhà văn Thạch Lam vẽ nên cái cảnh nhà săm trong thiên truyện Tối ba mươi. Có điều, nhân vật chính của thiên truyện này lại là hai cô gái có tâm hồn thanh khiết như xưa nay các nhân vật của Thạch Lam vốn vậy. Trong cái Tối ba mươi ấy, Liên và Huệ - tên hai cô gái phải rơi vào cảnh thanh lâu – vẫn không quên thắp hương bày bàn thờ gia tiên rồi cùng nhau yên lặng nhớ lại từng kỷ niệm êm đềm trong quãng đời ngây thơ lúc nhỏ. Nên nhớ rằng ở Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng, nhiều nhân vật có tiền tài, có địa vị vẫn hiện ra bẩn thỉu vụ lợi, nhiều nhân vật mang tiếng là có tri thức mà suy nghĩ và cử chỉ thì lại đặc lưu manh. Ngược lại ở hai cô gái điếm của Thạch Lam, vẫn có sự thành kính với đời mà chỉ có những con nhà gia giáo mới có. Tóm lại họ vẫn là những con người cao quý.

3. Nhân vật trong các truyện ngắn truyện vừa Tô Hoài viết trước năm 1945 thường là đám dân nghèo chuyên dệt cửi xeo giấy, khá hơn một chút thì có mấy anh giáo kiết gõ đầu trẻ trong làng. Tương ứng với họ, là đám cô đầu phố phủ còn nguyên chất ngoại thành. Như Tô Hoài viết trong Quê người, những cô đào rượu ấy phải đi vắng khách lại đi “ra đồng bắt ốc hái rau muống cấy thuê”. Không ai trong họ có một tính cách rõ rệt, chỉ nghĩ đến họ đã thấy thương hại.

4. Trường hợp của các nhân vật Nguyễn Tuân thì lại hoàn toàn khác. Trong nhiều thiên tuỳ bút, Nguyễn Tuân từng công khai kể lại những ngày ông lăn lộn ở các xóm bình khang mà ông gọi là những ngày phóng túng hình hài, với bao chi tiết vừa đau xót vừa tức cười. Vào với các xóm cô đầu ở bất cứ đâu, ông cũng ngang ngược thả sức quấy đảo trêu chọc mọi người. Song thật sự chàng Nguyễn cũng là một người đối xử với chị em hết sức có tình. Nhà thơ Hoàng Trung Thông kể rằng có lần nghe tin một người cô đầu quen biết cũ qua đời, Nguyễn Tuân đã ứa nước mắt.

Đời Nguyễn nhiều lần ứa nước mắt khóc như thế.

Trong Chiếc lư đồng mắt cua có một nhân vật cô đầu tên là Tâm. Theo như cách kể của tác giả thì Tâm là một người rất thạo, chính cô cũng nhận là cô “gần như thập thành” lại “hơi du côn”, “đã có tai tiếng là đi vụt thiên hạ dữ lắm, không sẵn tiền thì không nên quen con Tâm”. Thôi thì Tâm cũng đủ vành đủ vẻ khinh bạc vênh váo trắng trợn, tóm lại là có đủ những đức tính mà Nguyễn Tuân vẫn phô ra với đời để chứng tỏ là bất cần đời. Có điều, cũng như Nguyễn Tuân, Tâm lại là dân say nghề, một tay cự phách trong nghề, tiếng hát, nói như cách nói của thời ấy, rất nhiều tinh thần, khiến cho những người sành sỏi cũng phải bái phục. Mặt khác Tâm là người sống có tình có lý, đã định làm cái gì là làm bằng được, đàng hoàng khảng khái.

Quả thật Nguyễn Tuân đã soi vào tâm mình để thấy bóng dáng của Tâm, và mượn Tâm để hình dung ra chính mình. Đối với một nhà văn, như vậy là nhân vật cô đầu Tâm đã ở vào chỗ tột cùng của sự kính trọng.

Qua truờng hợp của những Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng... nói ở trên, có thể rút ra một nhận xét đơn giản: Nhà văn thế nào thì nhân vật gái giang hồ được họ miêu tả cũng na ná như vậy.

Trong văn học, người kỹ nữ vẫn là một phép thử.

Như trong đời sống.

Đã in Chuyện cũ văn chương – 2001

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn