VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Biết ơn người chửi bậy, văng tục..! bài của Nguyễn Lân Bình

Lời dẫn:

Năm mươi năm sau chiến tranh, việc tìm tòi những kỉ niệm chân thực mà những người trong cuộc đã trải qua là vô cùng cần thiết. Với ý nghĩa ấy tôi xin phép dẫn lại bài viết của tác giả Nguyễn Lân Bình đưa trên trang mạng của anh, sau khi đã có một vài sự điều chỉnh nho nhỏ về câu chữ ở đoạn dẫn của bài viết, mong được tác giả thông cảm. 

---

Nguồn:  https://tannamtu.id.vn/?p=9468

“Chửi thề là cách để con thể hiện cái ‘tôi’, không lạc đàn với số đông” là tên một bài báo trên Vietnamnet 20/9/2020. Bài viết đã thúc đẩy tôi viết ra những suy nghĩ sau của mình -- trước tiên phải nói đây là một đề tài rất khó cắt nghĩa và khẳng định, thậm chí, thiết nghĩ không thể khẳng định, và cũng chẳng nên phủ định.

Nhập đề.

Tháng 12 năm 1971, tôi ‘được’ gọi nhập ngũ sau khi vừa đi học từ Đông Âu về.

Chỉ sau vài tháng luyện tập, tôi cùng các đồng đội lên đường vào chiến trường miền Nam. Đa số anh em cùng đơn vị nhìn tôi với con mắt… thằng ‘công tử’. Nhờ Giời, có lẽ vì tôi có chút chiều cao, trắng trẻo (nhờ mấy năm bơ sữa), người đời bảo tôi là đứa ‘có da có thịt’, lại mang danh lính Hà Nội, nhà ở phố ‘Tây’ gần Hồ Hoàn Kiếm, tác phong nghiêm túc đến mức hơi rụt rè… Tôi bị đôi ba người mặc cảm không oan!

Những năm lớn lên, tôi tuyệt nhiên không biết chửi bậy, văng tục hay gây gổ đánh nhau. Thậm chí ngày ấy, tôi còn thấy khó mở miệng nói một vài từ mà các bạn học thỉnh thoảng vẫn buông ra đến mức quen tai, cách nói bị quy là: Bọn trèo me trèo sấu, nặng hơn còn bị kết án là: Vô giáo dục, mặc dù đó chỉ là các câu chửi đổng theo bản năng, đôi khi vô nghĩa như: ‘Mẹ kiếp’‘tiên sư’ hay ‘kệ mẹ’… Thời ấy, các bậc phụ huynh ở thành phố đều nghiêm khắc, họ không để các con dùng những từ ngữ ‘vỉa hè’ ấy trong sinh hoạt. Thậm chí, việc gọi nhau là ‘mày-tao’ cũng bị các thầy cô giáo phê bình. Còn tôi, cho đến lúc mặc áo lính, vẫn rất mặc cảm với ai đó chửi bậy, văng tục, thậm chí đôi khi còn thấy… ghét họ.

Lân Bình chụp đúng ngày sinh nhật tròn 18 tuổi (1969).

Hướng vào chiến trường

Chặng đường hành quân bộ của chúng tôi bắt đầu từ một Trạm Giao liên ở Cát Đằng, huyện Ý Yên, Nam Hà, rồi đi bộ qua Nho quan Ninh Bình, và tiếp đến là Thiệu Hóa, Thanh Hóa… Và chúng tôi còn đi xa nữa, lâu nữa…

Trong cuốn sổ nhỏ của mình, tôi có ghi lại một sự việc ồn ào đã diễn ra không thể quên tại Trạm Giao liên (1) ở xã Thiệu Đô huyện Thiệu Hóa, chuyện là thế này:

Khi chuẩn bị đến giờ hành quân chặng đường tiếp theo (Thường vào lúc 5 giờ chiều), chúng tôi bỗng nhận được lệnh: “Hôm nay, chúng ta sẽ hành quân bằng ô tô!”.

Thay vì vui mừng vì sẽ không phải đi bộ cả đêm đến sáng, anh em chúng tôi lại xôn xao, lo lắng, và thấy sờ sợ do nhận thức: Đi bộ mà trúng bom, nếu có chết cũng chỉ chết vài ba đứa, còn nếu đi bằng ô tô, mỗi xe tối thiểu cũng ba bốn chục người, chẳng may chỉ cần một quả bom, sẽ chết ít ra cũng phải nửa xe.

Chúng tôi nhao nhao phản đối việc đi bằng ô tô, và hét to: Chúng mày ơi, cùng nhau phản đối, dứt khoát không đi bằng ô tô nhé! Thế rồi, tiếng chửi đổng, văng tục kéo dài trùm lên bầu không khí trước giờ hành quân.

Thực chất, chúng tôi chỉ là một lũ ‘trẻ con’ (nhìn từ góc độ chiến tranh), vì thực ra có đứa nào biết gì đâu về cục diện chiến sự, địa hình, cung đường hành quân cùng các quy luật đánh phá của máy bay địch, nhất là đối với những vị trí được gọi là trọng điểm, để mà hùa nhau chống đối, đòi phải thế này, phải thế kia!

Không khí trước giờ khởi hành trở nên căng thẳng, tất cả đều đang đợi nghe lệnh của người dẫn quân. Một vài người trong chúng tôi hi vọng, với sự phản ứng quyết liệt của anh em binh lính, chắc sẽ vẫn ‘được’ đi bộ như mọi ngày.

Người dẫn quân của đơn vị chúng tôi là một Trung úy, anh cùng khởi hành với bọn tôi từ Hà Nội, tính tình anh điềm đạm, ít khi có thái độ gay gắt. Chúng tôi nhận thấy ở anh có sự đồng cảm, vì những lúc nhìn thấy chúng tôi hồn nhiên đùa cợt, anh tỏ thái độ bùi ngùi như muốn nói: Các cậu cứ yên tâm, mình nghiêm khắc chứ không hà khắc đâu, mình thương các cậu vì tương lai phía trước của các cậu còn chưa biết thế nào…?! Vậy mà sao hôm nay, tôi thấy anh cứ khư khư để một tay bên hông, nơi có khẩu súng lục K 59…

Khi chúng tôi đã tề tựu thành hàng trong không khí căng thẳng, mọi người vẫn rì rầm phản đối việc hành quân bằng ô tô, bỗng thấy mắt người Trung úy đỏ lên và anh quát lớn:

“Đồng chí nào không đi? Ai không tuân lệnh đứng ra khỏi hàng! Chặng đường hôm nay cực kỳ nguy hiểm, lần này chúng ta phải vượt qua trọng điểm là dốc ‘Bò Lăn’ càng nhanh càng tốt. Đây là nơi bom đạn rất ác liệt … Việc phải vượt trọng điểm yêu cầu phải khẩn trương, do mật độ máy bay đánh phá vị trí này rất dày, vì vậy, chỉ có đi bằng ô tô mới rút ngắn được thời gian vượt trọng điểm. Từ chặng tiếp theo, chúng ta sẽ lại vẫn hành quân bộ. Tất cả chuẩn bị, bước đều… bước!”.

Bọn tôi cảm nhận được cái gay gắt ít thấy ở anh, cơ thể anh như căng ra cứ như anh định mở khóa bao để rút súng ra vậy… Chúng tôi thấy cũng hơi sờ sợ, tiếng lao xao phản đối lắng dần xuống… Và rồi, tất nhiên, chúng tôi phải ‘ngoan ngoãn’ tuân lệnh bước đều về hướng chỉ định.

Chỉ đi bộ khoảng 15 phút, đến địa điểm tập kết, hóa ra không phải chỉ có đơn vị của chúng tôi sẽ đi bằng ô tô. Quan sát đoàn quân, chúng tôi thấy cả lính thông tin (đeo máy phát 3W), cả lính cối (cõng các mâm súng cối khá nặng), rồi thấy cả nhóm lính trinh sát, trang bị rất nhiều loại thiết bị mà chúng tôi chỉ được nhìn và thèm muốn…

Cung đường tử thần

Bầu Trời đã sẫm màu, hàng loạt xe Zin 157 của Liên Xô và Hoàng Hà của Trung quốc lần lượt nổ máy đợi lệnh xuất phát. Cảnh tượng như đi ‘trảy hội’, tiếng gọi, tiếng quát không dễ để phân biệt được của ai, tiếng động cơ không át được tiếng hét của các bạn lính súng cối, do họ mang nặng, lúc đẩy nhau lên xe chẳng dễ dàng như bọn tôi, lính thợ.

Đứng trên thùng xe, tôi thấy là lạ khi trời tối hẳn, đoàn xe cứ vun vút lao vào bóng đêm mà không mảy may thấy có bất cứ thứ ánh sáng nào, tôi tự hỏi, vậy lái xe nhìn vào đâu để lái? Tôi đứng phía bên trái thùng xe, sát với cabin, một vị trí rất thuận lợi vì có chỗ để bám, khó bị xô ngã khi xe đi vào những đoạn đường gồ ghề, hay khi xe phanh gấp. Chạy được một lúc lâu, tôi cúi xuống phía người lái xe và hét:

“Ông anh ơi, trời tối thế này mà sao không dùng đèn gầm à?”.

Anh lái xe văng luôn:

“Đ.mẹ, các ông muốn chết à? Đoạn này tuyệt đối cấm, chuẩn bị xuống dốc đấy, lúc ngóc đầu xe lên mà có đèn gầm, bọn OV 10, nó gọi ‘Thần Sấm’ (F 105), ‘Con Ma’ (F 4H) nó cho toi ngay”. Tôi đắc chí, vì học được chút kinh nghiệm chiến trường.

Xe chạy khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi thấy xuất hiện ánh trăng lờ mờ. Sau này, chúng tôi mới thấm cái giá trị của cái thứ ánh sáng nhờ nhờ đó, nó quý đến thế nào khi hành quân đêm.

Xe bỗng lao nhanh hơn… Hóa ra xe đang xuống dốc. Người lái xe ngó cổ ra từ buồng lái và hét: “Bò Lăn đấy, dốc Bò Lăn đấy các bố ạ, giữ chặt vào nhé”. Thôi thì bọn tôi cũng biết vậy, chứ có đứa nào hiểu gì về cái trọng điểm này đâu, ngoài lời cảnh báo của người cán bộ dẫn quân. Mà thành thật để nói, chúng tôi chẳng ai quan tâm đâu là bò lăn với lại trâu lăn, ngày đó, không ai trong chúng tôi nghĩ, những diễn biến này sẽ trở thành dấu ấn, thành kỷ niệm, mà chắc gì còn sống để nhắc lại… Bỗng có tiếng hét to ngay trên xe… Nhìn kìa, nhìn kìa, bên đường ấy… Chúng tôi thấy, dưới ánh sáng lờ mờ của ánh trăng non, cảnh tan hoang đến kinh hoàng của xác các loại xe ô tô bị trúng bom, nằm chồng chất dưới hai bên vệ đường, thực chất là thung lũng. Tuy là ánh sáng yếu ớt của trăng đầu tháng, nhưng cũng đủ để ai nấy đều thấy rùng mình khi chứng kiến xác xe cháy nhiều đến mức khó tưởng tượng, nhiều lắm… Tôi trộm nghĩ, vậy là người cán bộ dẫn quân đã nói thật, chứ không phải hù dọa gì bọn tôi.

Ảnh chụp một đoạn đường Trường Sơn (Nguồn: Bảo tàng Trường Sơn)

Khi xe lên hết dốc, trở lại đường bằng, người lái bớt ga, xe chạy có vẻ êm hơn. Xe chạy chưa được nửa tiếng tính từ dốc ‘Bò Lăn’, bỗng xe từ từ dừng lại, chúng tôi chẳng biết có chuyện gì…? Một vài xe đi sau cố tìm cách vượt bên phải, có vẻ như có khoảng trống rộng hơn, nhưng rồi họ cũng không qua được, vậy là các xe dàn thành hàng ngang, và càng ngày, càng dồn ứ lại không biết đã có bao nhiêu xe đang ở phía trước, và sẽ còn có thêm bao nhiêu xe phía sau đang tới nữa…?!

Chúng tôi lại nhao nhao khi thấy anh lái xe tắt máy, vì như thế chắc hẳn sẽ phải chờ lâu. Nhưng cũng nhờ thế, tôi mới nghe được lời bàn tán từ chung quanh. Vâng, tắc đường chẳng phải là chuyện gì lạ lùng, nhưng vì sao tắc, là điều đã làm cho bọn tôi hoang mang. Mọi người bắt đầu tưởng tượng ra cảnh, nếu bất ngờ lúc này máy bay ập đến đánh phá, thì chúng tôi sẽ trốn vào đâu? Phía trước, tiếng động cơ xe cứ gầm gừ cố để vượt qua các vũng lầy, nhưng dần dần, họ cũng lần lượt tắt máy. Điều này báo hiệu việc tắc đường sẽ kéo dài, và ai cũng tự hiểu rằng, càng kéo dài thời gian đứng ở một chỗ, khả năng bị máy bay phát hiện càng cao, và nguy cơ bị tấn công càng lớn.

Cảnh anh em bộ đội hò nhau đẩy chiếc xe bị xa lầy trên đường (Nguồn: Bảo tàng Trường Sơn)

Khi các xe đều lần lượt tắt máy, chúng tôi mới thấy cái không khí im ắng ban đêm ở một vùng đồi thấp nó êm đềm đến thế nào, nhất là khi ngước lên trời thấy các vì sao li ti, lấp lánh huyền ảo.

Tôi đang mơ màng, bỗng một giọng nói vang lên trong đêm tối:

“Chúng mày có ngửi thấy mùi gì không? Thơm không? Toàn mùi cam chanh thôi…”.

Rồi tiếp theo là giọng nói của một người khác réo lên, ra điều hiểu biết:

“A, đúng rồi, qua Nông Cống rồi, sắp đến Nghệ An đấy. Ối Giời ơi, cam Vinh ngon nổi tiếng chúng mày nhớ không? Hình như hai bên đường là nông trường hay sao ấy, mùi thơm lắm, xuống lấy cam đi, đúng đúng, xuống đi, đường đang tắc mà, biết đến bao giờ mới thông…?!”

Lập tức đã có một vài anh bạn hưởng ứng, họ nhảy vội xuống khỏi xe, lao vào hướng có mùi thơm với ý đồ tranh thủ hái, cho dù trời chỉ sáng lờ mờ không nhìn được rõ cây gì, quả gì và ở chỗ nào… Mà hình như mọi người cũng không quan tâm, rằng là cam hay là chanh, đã đến kỳ ăn được hay vẫn còn non?! Thực chất, thế này là chúng tôi ăn trộm nếu không định nói là ăn cướp, mà đã là ‘cướp’, thì xanh chín gì cũng tốt. Tôi quyết định hùa theo một số người với tâm lý bày đàn. Tôi thò một chân ra ngoài thùng xe, ngay sát cánh cửa cabin nơi người lái xe ngồi.

Đúng lúc tôi chưa kịp kéo nốt chân còn lại đang ở trong thùng xe ra ngoài để nhảy xuống, người lái đẩy cửa xe, đứng hẳn ra ngoài cabin, trên mép bia (2), hướng về phía chúng tôi với tông giọng chát chúa còn hơn cả gào thét:

“Đ.mẹ chúng mày, cam chanh cái đ.gì, muốn chết hết à. Đ.mẹ các ông lên hết đi, nhanh… ngu lắm, đ.biết gì cả!”.

Anh ta đóng xầm cửa lại với thái độ giận dữ, và lập tức nổ máy. Những người đã chót nhảy xuống, thấy xe nổ máy (chỉ mỗi xe chúng tôi, các xe khác vẫn đứng im), họ vội vàng lao trở lại xe.

Tôi nghĩ, mọi người vội quay lại xe, có lẽ vì sự thô lỗ, sự gay gắt đến mức phát điên của người lái xe khi chửi cả lũ bọn tôi, nó động chạm đến tận xương tuỷ, đến tận từng dây thần kinh danh dự và cái lòng sĩ diện trong mỗi thằng người khi bị nhục mạ, đồng thời lại thấy xe nổ máy… Dù không ai trong chúng tôi hiểu lý do người lái xe nổ máy, nhưng ai cũng sợ bị bỏ rơi, nên vội vã leo lên xe, còn hơn cả hiệu lệnh của những người chỉ huy.

Tôi đã nghĩ, ‘thằng cha lái xe’ này quá đáng, sao lại chửi chúng tôi một cách thô bỉ, sỗ sàng và tục tằn đến thế chứ? Cái cách chửi của ‘hắn’ còn tệ hơn cả mấy ông bố ở quê, cậy là người lớn mắng con té tát khi cáu giận. Tại sao người lái xe không nói to lên, rằng: Không được, các ông đừng xuống, đứng yên đấy, tôi lại cho xe chạy đây…? Vào cái giây phút ngắn ngủi đó, tôi đã âm thầm kết án: ‘Thằng’ lái xe này thật là ‘vô học’, sao lại có thể ‘vô văn hoá’ đến thế cơ chứ?! Đồ:…!

Nhưng xin thưa, đó là nói đi, còn nói lại, giả thiết, nếu người lái xe lúc đó nói với chúng tôi theo khuôn mẫu đạo đức vẫn được xã hội quy ước… Thì liệu những kẻ ‘bày đàn’ trong số chúng tôi, những người đã nhảy xuống khỏi xe theo tiếng gọi ‘cam, chanh’, sẽ có răm rắp chấp hành cái mệnh lệnh ‘lịch sự’ như tôi nghĩ không???

Thế rồi, người lái xe lại thò đầu ra ngoài, ngoái cổ lại phía chúng tôi hét to trong tiếng động cơ đang gào lên, cứ như anh sắp cho xe nhảy lên không trung:

“Đ.mẹ, các ông giữ cho chặt nhá, tôi phóng đấy, xóc lắm đấy!”

Không ai trong chúng tôi hiểu vì sao người lái xe chửi, mắng gay gắt như thế, nhưng anh vẫn dành sự quan tâm đến chính những người mà anh vừa mắng mỏ, rằng mọi người phải bám thật chắc, kẻo ngã! Tất cả chúng tôi đều đã tìm cách bấu víu bằng mọi kiểu ở mức tốt nhất có thể, vì mọi người đều sợ có thể bị xô, ngã.

Chiếc xe lùi xuống, tiến lên đến hai ba đỏ (3), rồi bất ngờ ga lên dữ dội, quặt lái sang bên trái. Chiếc xe chòng chành, lắc trái lắc phải điên cuồng trong đêm tối như chực muốn đổ. Tiếng lốp xe chèn lên các cây thấp nghe răng rắc, roàn roạt, tiếng động cơ gào lên dữ dội vì phải leo ở một độ nghiêng đáng kể…

Nhưng sự việc cũng chỉ kéo dài một đoạn khoảng năm chục mét, chiếc xe ngoặt sang phải, lao nhanh cắm đầu xuống như chạy trốn. Chúng tôi đều cảm nhận được, xe đang ở mặt nghiêng của sườn đồi… Rồi sự nghiêng ngả cũng bớt dần, chiếc xe lại ngoặt sang trái, nhập vào con đường bằng, nơi phía sau là đoạn đường đang tắc.

Toàn bộ sự việc đã diễn ra quá nhanh, còn hơn cả sự vội vàng, đã làm tất cả chúng tôi đứng trên xe cũng chỉ biết vậy. Làm sao chúng tôi hiểu được, điều gì đã thúc đẩy người lái xe có thái độ quyết đoán đến kinh hoàng như vậy?! Chúng tôi chỉ đơn giản mừng thầm và đắc chí khi thấy, thế là xe mình thoát khỏi được chỗ tắc đường…

Chúng tôi cũng hình dung ra việc, người lái xe đã cho xe vòng lên phía đồi, rồi quay xuống như một vòng cung, vượt qua khu vực đường đang bị tắc. Điều này cho thấy, sự thông thạo địa hình ở đây, hẳn anh biết, vùng đồi cây này không phải là không leo xe lên được, cùng với sự thông thạo vùng đất, nơi cung đường kinh hãi này đi qua. Có lẽ, vì anh đã qua lại địa bàn này nhiều lần, rất nhiều lần, chúng tôi nghĩ thế.

Bỗng bầu Trời trở nên sáng trưng. Ối… ối… Pháo sáng chúng mày ơi! Tiếng người nào đó khẳng định. Hôm ấy, cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi ở ngay dưới ánh sáng của pháo sáng. Vâng, mọi người sẽ không tin đâu, cái ánh sáng ban ngày thế nào, thì dưới ánh sáng của đạn pháo sáng cũng vậy thôi, sáng lắm, sáng quá, sao mà sáng thế…?! Chúng tôi tự hiểu và bảo nhau rằng, máy bay nó thả pháo sáng thế này, là chúng nó chuẩn bị kéo đến đấy!

Và… Tất cả chúng tôi la lên khi nhìn lại phía sau do có ánh sáng của pháo sáng, thấy cơ man nào là các loại xe đang bị dồn lại do đường tắc, nhiều lắm, không hiểu là bao nhiêu xe nữa, mà một lượng lớn trong số các xe đó, là xe chở quân lính…. Từ xa, lác đác chúng tôi cũng nhìn thấy có xe bắt chước cách đi của xe chúng tôi, nhất là khi có pháo sáng soi rọi.

Chiếc xe của chúng tôi chạy như rồ dại, hình như anh lái xe quá giàu kinh nghiệm chiến trường, có lẽ vì anh đã thuộc lòng đoạn đường này, nên anh quyết tâm phải bỏ xa cái trọng điểm ‘Bò Lăn’ bò càng kia càng nhanh càng tốt.

Vâng… Thật kinh hoàng, vì chỉ một loáng thôi, chúng tôi đã thấy rợn người với tiếng gầm rú của máy bay phản lực, tiếng rít ghê rợn như xé tan bầu không khí đêm khuya. Anh em đứng trên xe chứng kiến từ xa, khi nhìn về nơi đoàn xe đang bị tắc, hàng loạt tiếng bom nổ tung cả trời đất, ánh sáng chói lòa do các chùm bom nổ liên tiếp, nó chát chúa, rung chuyển như động đất. Các cột lửa bốc phùn phụt lên cao ngay tại khu vực các xe bị tắc dồn lại, nó biến thành như một chảo lửa khổng lồ.

Đọc đến đây, xin các bạn hãy dừng lại 10 giây thôi… Vâng, 10 giây chắc đủ để mỗi người chúng ta nghĩ về điều gì còn lại sau những giây phút khủng khiếp tôi vừa kể lại đó…!

Dấu ấn tâm lý

Chúng ta đều không thể không biết, rằng sau những loạt bom điên cuồng đó (và không phải chỉ có ở đó, chỉ có hôm đó), mãi đến tận hôm nay, vẫn còn có bao nhiêu gia đình sau 50 năm, vẫn đang đi tìm những người con đáng thương của mình đã nằm ở nơi nao, sao mãi không thấy con về…?

Còn chúng tôi, lúc đó, thử hỏi liệu có đứa nào đã đứng trên cái xe tải bị ‘chửi’ đêm hôm ấy, nói được lời nào nữa không..? Tất cả chúng ta đều hiểu, và khỏi cần ai đó dạy, rằng phải nói cái gì nữa, trước cảnh tượng điên loạn mình vừa trải qua. Có đứa nào trong chúng tôi nghĩ gì khác về những sự thật hoảng hồn, tan nát và đau lòng vừa phải chứng kiến?

Hình ảnh ghê sợ trong có mấy phút đồng hồ ngày ấy, hôm nay tôi viết lại, vẫn thấy như nó vừa mới sảy ra gần đây, cái dư âm của sự hoảng hốt, đau xót vẫn đeo đẳng tôi cho đến lúc này. Vâng, không quên được các chị các anh ạ!

Lạy Giời, cho đến ngày nào sẽ đi gặp cha mẹ, ông bà Tổ tiên, tôi và các đồng đội của mình cũng vẫn không thể biết được, tên của người lái xe thánh thần đó là gì? Anh là ai? Khốn khổ, đến cả gương mặt của anh chúng tôi còn không được nhìn rõ…

Mỗi khi có dịp gặp lại nhau, anh em đồng ngũ với tôi, khi nhắc đến cái lần ‘chết hụt’ ấy, người nào trong chúng tôi cũng bùi ngùi, và cũng chỉ biết xin được mang ơn, mãi nhớ ơn ‘Thằng lái xe’ chửi tục ấy… suốt một đời!

Kết nhưng không hết

Từ khi chứng kiến cái sự kiện kinh hoàng đó, tôi bắt đầu thấy đỡ ác cảm với những người văng tục, chửi bậy, chửi thề… Âu có khác, chỉ khác nhau về bối cảnh.

Tôi dần nhận ra, ở một mức độ nào đó, tôi đồng thuận với tác giả bài viết ‘Chửi thề là cách để con thể hiện cái “tôi”, không lạc đàn với số đông’ (4). Và hôm nay, tôi cũng biết chửi thề, văng này nọ vào những thời khắc, trong những bối cảnh mà người phải chứng kiến cũng khó lên án được, nhất là nhiều năm gần đây, lối sống đạo đức bị coi là xa xỉ, bất công dối trá ngày càng diễn ra trắng trợn, thô thiển hơn.

Tôi tâm niệm, trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, mọi điều đều có thể, nếu nó diễn ra trong phạm vi của sự hợp lý. Còn hợp lý như thế nào, đến đâu, lại phụ thuộc vào khả năng nhận biết và cái tâm văn hóa của thằng người, mà thằng người lại lệ thuộc vào nền tảng ý thức nhân văn mà nó có.

Theo thiển ý của tôi, chửi hay văng tục trong ngôn ngữ tiếng Việt, nó mang dáng dấp của một loại ‘vũ khí’ tinh thần đối với từng cá nhân, mà phàm đã là vũ khí, việc sử dụng luôn đòi hỏi lý trí và sự thận trọng.

Nhưng dù con người ta có thận trọng đến đâu trong việc dùng thứ ‘vũ khí’ này, cũng khó tránh được việc bị ‘cướp cò’, hay phát nổ ngoài ý muốn, bởi nó là loại ‘vũ khí’ của tâm lý tinh thần, một thứ giá trị rất khó điều khiển.

Còn sự lạm dụng đối với loại ‘vũ khí’ này, có thể sẽ trở thành ngu xuẩn, thậm chí là tệ hại, là đáng lên án… Ở đời, mọi sự lạm dụng đều không tốt, ngoại trừ sự lạm dụng của đứa trẻ với mẹ mình, khi nó khóc, đòi bú nhiều hơn bình thường một chút!

HN, 20/9/2020.


Chú thích:

1/ ‘Trạm Giao liên’, nơi nghỉ chân cho các đoàn quân hoặc đi vào Nam, hoặc đi ra Bắc, trên đường hành quân bộ, phục vụ cho chiến trường.

2/ ‘Mép bia’, bậc bước lên xuống ở buồng lái xe ô tô vận tải.

3/ ‘Đỏ’, đối với việc tiến lùi xe ô tô để chuyển sang hướng khác trong điều kiện không đủ khoảng rộng cần thiết, người lái xe phải cho xe lùi hoặc tiến nhiều lần, nhằm lựa chọn được góc quay xe phù hợp, đủ để hướng xe về phía cần thoát ra được vị trí đang đứng, mỗi lần tiến lên hoặc lùi lại, được gọi là một ‘đỏ’.

4/ Vietnamnet, chuyên mục Giáo dục ngày 20/9/2020.

Chú thích:

1/ ‘Trạm Giao liên’, nơi nghỉ chân cho các đoàn quân hoặc đi vào Nam, hoặc đi ra Bắc, trên đường hành quân bộ, phục vụ cho chiến trường.

2/ ‘Mép bia’, bậc bước lên xuống ở buồng lái xe ô tô vận tải.

3/ ‘Đỏ’, đối với việc tiến lùi xe ô tô để chuyển sang hướng khác trong điều kiện không đủ khoảng rộng cần thiết, người lái xe phải cho xe lùi hoặc tiến nhiều lần, nhằm lựa chọn được góc quay xe phù hợp, đủ để hướng xe về phía cần thoát ra được vị trí đang đứng, mỗi lần tiến lên hoặc lùi lại, được gọi là một ‘đỏ’.

4/ Vietnamnet, chuyên mục Giáo dục ngày 20/9/2020.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn