Bài của Tạ Trọng Hiệp trên báo Đoàn Kết ở Pháp tháng 6 năm 1988
Trên đường phát triển ấy của văn hóa ta, một trong những người có công lớn nhất chính là Đào Duy Anh. Với thế hệ chúng tôi, ông là hình ảnh lớn lao và đau buồn của những người xứng danh là nhà văn hóa. Trong cơn lạm phát chữ nghĩa, người ta quen gán cái danh từ nghiêm trang này cho những kẻ buôn văn bán chữ viết lách lung tung miễn là hợp thời thượng. Còn một nhà văn hóa chân chính như Đào Duy Anh thì người ta lại không biết trân trọng. Tính ông lại điềm đạm, không quen xu nịnh. Con người lặng lẽ ấy rơi dần vào lãng quên ngay từ sinh thời. Tôi nói ngoa chăng? Tôi trát thêm màu xám hiu hắt lên một cái áo quan mới đậy nắp chăng? Thì bạn đọc cứ mở bộ Từ điển văn học của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Hà Nội, 1983-1984, hai tập khổ lớn chữ nhỏ, hơn một nghìn trang) ra mà xem: Mục giới thiệu Đào Duy Anh không xuất hiện ở vần Đ trong tập 1, mà lại rớt vào phần đuôi, gọi là Bổ sung, tận cuối tập 2 (trang 626 đến 627: vỏn vẹn chưa đầy hai cột, ngắn hơn mục dành cho lãnh đạo chính trị, điều này là cố nhiên rồi, mà ngắn hơn cả mục Phan Kế Bính, mục Phan Phu Tiên, chẳng hạn). Nếu không phải là quên thì cũng là suýt quên rồi còn gì?
Để có cơ sở bàn luận về sự nghiệp Đào Duy Anh và bổ sung thư mục ấn phẩm của ông, ghi rất thiếu sót trong ba bài giới thiệu về ông hiện tôi đang có trước mắt (1/Mục nói trên, trong Từ điển văn học; 2/ Cuộc đời nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh của Phan Ngọc, Văn nghệ số 8, ngày 20-02-1988, tr. 1011; 3/Vĩnh biệt nhà sử học Đào Duy Anh của Hà Văn Tấn, Nhân dân 06-4-1988. Lời tòa soạn: Còn có bài của Phan Huy Lê, Văn nghệ số 15, 09-4-1988, tr. 7; bài của Nguyễn Khắc Mai, Phạm Văn Hạng, Thanh niên số 18, 25-4-1988, tr. 8; bài của Quang Đạm, Độc lập số 9, 27-4-1988; bài của Mai Thanh Ph., Tổ quốc, 11-1987, tr. 41-45) ngõ hầu giúp ích cho bạn đọc hiếu học, tôi đã thử kê ra một bảng Thư mục mới. Những mục sách ghi dấu hoa thị (*) là những sách tôi chưa hề thấy, hoặc những bản in tôi có mà chưa tìm ra. Có thể có cả sách khác nữa của Đào Duy Anh mà tôi không biết tên. Dám mong bạn đọc xa gần bổ sung cho.
Đọc xong bản Thư mục Đào Duy Anh, bạn có thấy ngợp không? Có thể vừa kính phục vừa sợ hãi chưa? Trong cái rừng sách ấy, làm sao mà nhận ra các khuynh hướng lớn trong sự nghiệp của ông, hay các nét đặc thù trong bản lĩnh kiên định của ông? Câu hỏi này thật ra đã có giải đáp khá đủ rõ trong ba bài nhắc đến trên đây, đều do cao đệ giỏi của ông viết ra. Đó là những tài liệu rất quí, cộng thêm với bài cũ của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại và bài trích hồi kí của chính Đào Duy Anh trong tạp chí Sông Hương số 24 (1987), quí cho những ai sau này sẽ viết nữa về ông. Song tôi cũng có cách nhìn hơi khác mấy vị ấy, xin bàn góp một tí. Và ghi lại chút kỉ niệm gặp gỡ.
Qua sự duyệt lãm bảng Thư mục, cộng thêm ít điều được biết về hành trang của ông từ sáu mươi mấy năm qua, tôi thấy nhà văn hóa Đào Duy Anh có trải qua ba giai đoạn lớn, ba thời kì soạn thảo tác phẩm khác nhau, khác về tầm rộng và về độ sâu chuyên môn, nhưng vẫn giữ một khuynh hướng chung và một phong cách gần như là bất biến.
Khuynh hướng chung ấy khiến ta không những phải gọi ông bằng cái danh từ mơ hồ là nhà văn hóa, mà còn nên gọi ông là nhà nhân bản học đúng như các bậc vĩ nhân của phương Tây thời Phục Hưng, tức là cái kiến giải bao quát, có qui mô rộng lớn, của một học giả nhạy cảm trước bước chuyển mình của thời đại, góp phần xây đắp cho bước chuyển ấy có điều kiện vững chắc. Bằng cách nào? Bằng hai cách, tùy từng giai đoạn và tùy vào nhu cầu và trình độ của xã hội trong mỗi giai đoạn, hai cách có vẻ đối ngược nhau nhưng thật ra đều thiết yếu ngang nhau, đều nằm chung trong một hành trình văn hóa có cân đối hợp lí:
1) Giới thiệu cái mới, mới về tư tưởng, mới về phương pháp, mới về công cụ tư liệu, biến nó thành vốn liếng và lợi khí làm thức tỉnh một quần chúng còn đang chìm trong lạc hậu và dốt nát, trang bị đầu óc cho lớp người đang phải lần đường bằng tranh đấu và tự học.
2) Khi trình độ xã hội đã lên cao, khi luồng gió đổi mới đã áp đảo được các cổ hủ, thì lại giới thiệu cái cũ, dùng phương pháp mới mà tổng kiểm tra lại di sản của quá khứ (lịch sử, kinh tế, hành chính, phong tục, văn học, ngữ văn) để có cơ sở tinh thần mà tiêu hóa cái mới, để đừng vong bản, để đừng mê bụt ngoài chê bụt nhà, để ta vẫn là ta tuy có đổi mới, ta: con người của một địa vực, có gốc có nòi, có truyền thống lâu bền.
Nhà nhân bản học kiêm cả hai cách ấy và thống nhất nó trong cái nhìn nhân bản tổng hợp. Đó là lí tưởng đẹp nhất cho nhà văn hoá, nhưng không mấy ai thực hiện được trọn vẹn. Phải có bản lĩnh. Phải có hoàn cảnh nữa. Riêng về Đào Duy Anh, hình như ông đã thi hành được chương trình sở nguyện, đúng với qui mô rộng rãi của quan niệm, đúng gần hết ý ông cho đến khoảng năm 1957. Sau đó đời ông thu hẹp lại, gò bó trong cương vị một chuyên gia hiệu đính bản dịch cổ văn.
Nằm trong giai đoạn đổi mới, đó là loạt sách của Quan Hải tùng thư những năm 1927 trở đi; đó cũng là các từ điển của những năm 1931-1936. Cái mới đi vào xã hội ta (vào nhà trường, vào sách báo) từ cuối thế kỉ XIX bằng hai con đường: Hán văn và Pháp văn. Những năm 1925-1935, hai nguồn văn ấy cần được tổng kết vào Việt văn một cách có hệ thống mà phục vụ kịp thời cho lớp thanh niên đang sống trong hai thái cực: bắt đầu mù chữ Hán văn (trong khi danh từ và thuật ngữ mới đã xuất hiện nhiều trong báo chí, nhất là trong các bài chính luận), bắt đầu nắm vững được Pháp văn (đến nỗi rành Pháp văn hơn cả Việt văn). Không thể vứt đi cái khối chữ gốc Hán kia, nhất là trong Hán văn cũng có di sản của truyền thống Việt Nam, lại cũng không thể biến thành ông Tây An Nam. Vậy thì anh thanh niên lúc ấy đi đâu? làm gì? Để giúp anh vẫn là anh trong thời buổi mới, các từ điển Đào Duy Anh được soạn ra rất nhanh, rất đúng thời cơ! Ông không tạo ra thời thế, nhưng ông đã nắm rất đúng nhu cầu của thời đại, giúp thanh niên vừa thất học vừa sắp mất gốc (thời 30 và cả đến những năm gần đây) có công cụ tham khảo mà làm chủ được ngữ văn của mình, giúp ngữ văn Việt có công cụ điển chế chuẩn xác, thế là ông cũng đã tác động vào cục diện mới của thời thế rồi đấy chứ! Bây giờ đây, điều đáng tiếc là ta chưa có từ điển hoàn toàn thay thế cho từ điển Đào Duy Anh, tuy nó đã lỗi thời về nhiều mặt.
Đến giai đoạn thứ hai, ông xoay sang truyền thống, tổng kết toàn diện về quá khứ Việt Nam, trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương. Nhìn lại quá khứ với phương pháp mới: sử quan duy vật được bắt đầu áp dụng trong một qui mô to lớn và với một phong cách có mực thước phải chăng, dựa trên cơ sở rất phân tán của tư liệu cổ kim Đông Tây về sử Việt Nam. Ở đây, ta thấy rõ một sở trường của ông, là khả năng hệ thống hóa tư liệu để biên soạn nên tác phẩm có đề tài rộng, mà thanh thoát đến độ ai đọc cũng được, không bực mình trước những biểu hiện của giáo điều, không khiếp hãi trước mớ tư liệu ngồn ngộn. Một thành công vĩnh cửu, mãi mãi còn đáng đọc, tuy rằng cần bổ sung nhiều, mãi mãi “đáng có chỗ trong mọi tủ sách gia đình”. Không nhìn vốn cũ với con mắt hoài cổ, nệ cổ, phục cổ, như một số nhà văn hóa của những năm 1933 đến 1943. Điềm đạm nhưng không gàn. Không bốc vội như nhóm Hàn Thuyên. Cũng không sơ lược như nhóm Văn Sử Địa sau này.
Trong khi tập hợp và cân nhắc tư liệu để viết ra cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, hình như ông đã nhận ra rằng sử quan mới chưa thể áp dụng sâu rộng hơn nữa, vì khi ấy ta thật sự chưa có một sử học chân chính. Sử liệu ngổn ngang, không giả thì sót, không mất mát thì phân tán, vụn vặt và mâu thuẫn. Cần sưu tầm cho rộng, cần kiểm tra chỉnh lí. Cần nắm vững chuyên khảo. Cho nên ông đã bỏ ra nhiều năm, sau cuốn ấy, để khảo lại tất cả, sau đó mới đi dần đến độ tổng hợp mới vào những năm chung quanh 1944-1945. Mấy giáo trình và mấy bộ thông sử được in ra những năm 1950 đến 1957 đều đã được thai nghén chuẩn bị và viết dần hơn năm mười năm trước đó. Cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời (1964) cũng có thể xem như là cái rớt và cái nối tiếp của giai đoạn khảo sử toàn diện bắt đầu sau 1938. Trong cuốn này, ta thấy ông vẫn trở lại khai thác và bình luận một tài liệu cơ bản về cổ sử và cổ địa lí miền Bắc và miền Trung, là Thủy kinh chú (quyển 35 và 37), phía người Việt thì mãi đến cuối thế kỉ XIX mới có một tác giả (Đặng Xuân Bảng) chú ý sử dụng, phía Hán học người Pháp cũng đã dùng nhiều Pelliot, Maspero, Aurousseau, Madrolle, Stein, không ai giải thích giống ai, chính Đào Duy Anh cũng đã tham dự vào cuộc biện luận từ rất sớm, rồi lại thảo luận tỉ mỉ trong sách in năm 1956, 1957, mà vẫn thấy còn cần giải thích thêm. Trong giới nghiên cứu về cổ sử Việt Nam, dễ chừng không có ai bị Thủy kinh chú ám ảnh như Đào Duy Anh! Mà chắc cũng không có ai đủ học vấn và kinh nghiệm khảo sử bằng ông để công bố một lần cho xong toàn bộ các đoạn của Thủy kinh chú có nói đến Việt Nam thời trước thế kỉ V, dịch và chú giải rõ ràng, làm tư liệu tham khảo tiện lợi cho mọi người, chấm dứt cái tình trạng hiện nay từng câu, từng mảng câu, mỗi người dịch khác, hiểu khác, in rải rác trong hàng chục bài và sách khác nhau. Tiếc rằng ông không kịp làm công việc ấy.
Đó là một thí dụ nhỏ thôi. Nhân nói về sử liệu, cũng trong thời gian 1940-1943 ấy, ta thấy Đào Duy Anh không phải chỉ biết ngồi im trong phòng sách. Cũng có lúc ông “đi thực tế” săn lùng tư liệu. Ông đã đi Hà Tĩnh tìm dấu tích của các tác giả những họ Nguyễn ở Lai Thạch và Tiên Điền, tìm ra bài hát phường nón của Nguyễn Huy Hổ và bài đáp của Nguyễn Du, tìm ra nguyên tác Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự. Và bảo tồn được trọn bộ tập Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, với bút tích của nhà trí thức thức thời này, kèm lời bàn của Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, v.v… Bản Kiều in năm 1979, do ông chỉnh lí văn bản và chú giải trọn vẹn, cũng đã được ông hoàn thành trước 1945. Bản Hoa Tiên 1978 cũng thế.
Đấy là một phần “củi lửa” đã được ông biên soạn và đưa in trong giai đoạn thứ ba, từ sau 1957 khi ông bị thôi chức Chủ nhiệm khoa Sử trường Đại học Sư phạm, “bị kỉ luật” vì đã tham dự vào vụ Nhân Văn. Ông vào tổ Phiên dịch của Viện Sử học từ năm 1960, làm công việc hiệu đính các bản dịch sử sách đồ sộ, lại cho xuất bản những tác phẩm của ông về ngữ văn, cổ văn Việt và Hán.
Giai đoạn thứ ba này, có thể gọi là giai đoạn cổ văn trong đời Đào Duy Anh. Một người khác, nếu chỉ có ngần ấy cuốn in ra trong những năm 1969 đến 1979, không kể sách dịch của người khác mà ông hiệu đính, tưởng cũng đủ lấy làm vẻ vang và vinh hạnh rồi. Riêng tôi, tôi vừa muốn cảm ơn các nhà xuất bản khi được cầm trên tay các tác phẩm quí giá ấy (nhất là cuốn Từ điển Truyện Kiều, một kì quan, một công cụ đọc cổ văn vô cùng hữu dụng, mà nước ta chưa hề có bao giờ và vẫn chưa có cuốn nào khác cùng thể loại ấy: tôi lại muốn hỏi lần nữa, “các cao đệ của Đào Duy Anh đâu rồi?”), vừa muốn cảm ơn nhiều hơn tác giả cuốn ấy, lại vừa có một ý nghĩ buồn buồn, là do câu “So mộng mị với chân thân thì cũng mệt” của Cao Bá Quát gợi ra khi đem cảnh huống đoạn cuối đời của ông, từ sau 1957, mà đối chiếu với cái hoài bão lớn của ông trong những giai đoạn trước đó. Trước đó, tình trạng đất nước vẫn là đầy khó khăn và nghèo nàn đấy, nhưng ta có cảm tưởng là ông vẫn thoải mái, vẫn bước con đường thênh thang đưa vào sự nghiệp xây đắp văn hóa của một nhà nhân bản học có tầm cỡ lớn, trực tiếp đối thoại với mọi người mọi giới, viết bài, in sách, dạy học, làm nhà xuất bản phát hành Quan Hải tùng thư. Có cái hào hứng của nó, hào hứng gây dựng cơ đồ. Cái chung và cái riêng là một. Sau đó, con đại bàng bị cắt cánh, tầm hoạt động thu hẹp lại, các liên hệ trực tiếp với tập thể nhân quần (nhất là với lớp thanh niên trong đại học và ngay cả trong viện nghiên cứu: có ai cho ông làm directeur de recherche, hay ít nhất là tổ trưởng để đào tạo lớp nghiên cứu trẻ?) bị cắt, nhà văn hóa biến thành ông đồ sửa bản thảo, rơi dần vào lãng quên trong sự thờ ơ của người đời.
Được tin ông Đào Duy Anh mất, tôi không thấy xúc động gì đặc biệt, không đau đớn như học trò và thân quyến của ông. Chỉ thấy bùi ngùi thương cảm một bậc đại sĩ, hình ảnh lớn và buồn tiêu biểu cho số phận của cả một thế hệ trí thức đã đặt hết niềm tin vào cách mạng. Chỉ thấy nhớ lại buổi gặp Đào Duy Anh trong tháng 7 năm 1979, ở thành phố Hồ Chí Minh, ông dẫn tôi về nhà khách của Thành ủy, khẩn khoản xin người ta cho phép tôi được lên phòng ông nói chuyện cho yên tĩnh. Một gặp mà như quen nhau từ tiền kiếp. Ngồi với nhau gần ba tiếng đồng hồ, nói toàn chuyện cổ văn cổ sử Hán Nôm; Hùng vương hay Lạc vương, đọc Thủy kinh chú như thế nào, chữ “song viết” trong thơ Nguyễn Trãi, v.v… Cuối cùng, ông rút ra mấy tập bản thảo hoàn chỉnh, đánh máy rõ ràng, bảo tôi muốn chọn những gì thì ông tặng cả mà đem về Pháp, in được cuốn nào cho ông thì in. Lúc chia tay, ông đứng sững nhìn tôi hồi lâu, im lặng im lặng mãi cho đến phút bất thình lình mở rộng hai tay ôm choàng lấy tôi, vừa ôm vừa nức nở thê thảm, như thể trút hết bao nhiêu buồn đau dồn chất suốt hơn hai mươi năm. Tôi nhìn khuôn mặt giàn giụa nước mắt, lòng thắt lại, cả hai đều vẫn im lặng cho đến khi tôi ra về. Từ ấy, bản thảo tác phẩm của ông vẫn nằm trong ngăn sách nhà tôi, Thơ chữ Hán Nguyễn Du (249 bài, dịch hết thành thơ, có kèm cuốn vở chính tay Đào Duy Anh chép bản chữ Hán) và Kinh Thi (phiên âm, chú giải và dịch 203 bài). Bao giờ in được cho ông nhỉ? Chín năm rồi! “Chín năm đốt đuốc soi rừng”…