Bút ký của Tô Hoài viết về một câu chuyện xảy ra từ 1942
------------
Anh Thanh Tịnh có viết cho báo Du lịch chuyện khi còn trẻ anh làm nghề hướng dẫn khách cho một hội khảo cổ ở Huế. Sao anh nhớ lâu đến thế. Tôi nói vậy, anh nửa mỉm cười, nửa thở dài, rằng tục ngữ Pháp có câu: "Ai chẳng may hãy nhớ lâu thì chỉ khổ thân". Ngẫm ra, câu tục ngữ Pháp của anh xiết bao thâm thuý.
Tôi biết Phượng ở Dầu Tiếng, ngót năm mươi năm đã qua. Người con gái ấy, mà trời để cho còn chừng sống, bây giờ đã lên thượng thọ rồi. Nhưng xin bạn đọc hôm nay cứ cho phép kỷ niệm tôi lúc nói về ngày ấy cũng ngưng đọng lại những ngày xa xôi ấy nhé.
Vừa đây, tôi mới có dịp trở lại Dầu Tiếng. Làm sao mà tôi không thể nhớ lại cái chuyện bắt đầu, mà có lẽ thuở mười tám đôi mươi nào cũng na ná thế vậy.
Tôi đáp xe đò từ Thủ lên Dầu Tiếng. Ngày ấy, tôi có người bạn trạc tuổi cùng làng, anh đi phu cạo mủ hãng Mi-sơ-lanh, làm công-ta ở Dầu Tiếng đã ba năm rồi trở về. Lần này, anh trở lại miền Nam chỉ là cách đi không mất tiền, "boóng" tàu sở mộ, rồi sẽ trốn về tìm việc ở Sài Gòn. Tôi lên Dầu Tiếng gặp anh.
Xe đỗ bến trước cửa chợ. Tôi vào tình cờ một nhà hỏi thăm đường. Một người đương ngồi máy khâu bên cửa ngẩng lên trả lời câu chào của tôi.
- Thầy hỏi...
- Thưa cô, đường đi bến Củi...
- Thầy xuống bến Vinh, đầu dốc đó....
Giữa trưa, trời nắng chói loà. Cô gái vào nhà trong bưng ra khay nước đá. Tôi bỗng phảng phất nhận ra cái gì khang khác lúc này. Phải rồi, lúc nãy ở máy khâu, cô bán quần lụa đen, khác bây giờ quần trắng. Cái tuổi hai mươi của tôi lập tức bồi hồi rằng thế này có lẽ lôi thôi rồi.
Câu chuyện bắt đầu như thế. Phượng ở Sài Gòn, về Dầu Tiếng nghỉ hè.
Lạ lùng và thân thiết biết bao, tình cảm trong nhà Phượng, lần đầu tôi đến. Tôi bơ vơ ở đâu tới, mà được coi ngay như người nhà. Mùa hạ năm sau, tôi đánh điện cho Phượng đón tôi. Tôi không biết trong Nam có thứ hồng chín đỏ như ngoài Bắc hay không. Hôm rồi, tôi trông thấy mâm hồng trong chùa Hang trên núi Bà Đen bày những quả hồng đỏ, tôi vẫn ngờ là hồng bằng sáp nến.
Phượng đón chuyến tàu xuyên Đông Dương vào tới ga xe lửa Mỹ quãng tám giờ tối.
Phượng hỏi ngay:
- Anh có quà biếu má không?
Tôi ngượng chín cả người. Phượng cười:
- Em hỏi vậy thôi. Mai em vô chợ Bến Thành mua một chục trái hồng chín. Anh nhớ nói anh mua hồng Hà Nội biếu má nhé.
Rồi hôm sau chúng tôi đã đi một con đường xa nhất để về Dầu Tiếng. Có lần, đọc truyện Ba người lính ngự lâm của A-lếch-xăng Duy-ma, cũng không nhớ chỗ ấy kể chuyện Đác-ta-nhăng đương tơ tưởng bà Bô-na-xiên (hay Mi-la-đi) mà chỉ nhớ cái anh chàng mã thượng phong lưu nọ, vừa đi vừa nghĩ đến người yêu, anh ta đã chọn con đường đi lâu nhất mới về nhà. Thông thường, đi xe lửa điện lên Thủ rồi đáp xe hàng lên Dầu Tiếng độ nửa buổi thì tới. Chúng tôi đi vòng vo những hai ngày mới về được Dầu Tiếng. Tôi ôm khư khư cái gói giấy báo bọc một chục quả hồng đỏ, không dám để xuống đâu, chỉ lo bị giập mất.
Chặng chót từ Gò Dầu Hạ về Bến Củi qua bến Vinh sang Dầu Tiếng. ở Gò Dầu không có xe thổ mộ sang Bến Củi. Cả hai ba chục cây số rừng cao-su, không một làng xóm nào hết. Nhưng chúng tôi chẳng cần xe thổ mộ đường dài hay từng quãng, chúng tôi thuê một cái xe lôi. ở Gò Dầu, ở Trảng Bàng, bây giờ vẫn còn xe lôi, xe lôi người đạp, xe lôi gắn máy. Nhưng chiếc xe lôi ngày ấy còn đơn sơ lắm. Cái thùng xe đằng sau không đóng cây hai hàng người ngồi, mà nó trũng dài dài như cái thuyền thúng. Năm 1961, đến Cam-pu-chia, tôi lại thấy cái xe lôi hệt như thế ở Ta Keo. Một chị Khơ-me xoè vảy ra. Để con ngồi chính giữa, vừa đẩy thùng xe, như một gié lúa toẽ ngược tủa giữa chiếc thuyền nan. Hai chúng tôi ngồi trong cái thùng ấy. Người đạp xe mải miết, cắm cúi qua những chỗ gồ ghề đất cát. Cái thùng xe chòng chành, lắc lư cứ tha hồ xô mặt mũi chúng tôi va vào nhau, thật tức cười.
Đến chiều mới về tới. Vừa thấy, má đã sa hai hàng nước mắt.
- Trời ơi! Giặc cướp đầy rừng mà con dám đi như thế!
Tối hôm ấy, cả nhà ngồi bên gốc cây ca-pốc ở ngoài sân, sáng trăng xanh rừng cao-su. Má vẫn chưa ngớt cơn lo, cơn giận ban chiều. Cái sợ hãi lây lan ra cả những việc khác nữa. Má bảo Phượng:
- Thế này rồi con phải ra ngoài Huế à?
Tôi hiểu và tôi cũng lo theo điều phải nghĩ ấy của má Phượng. Thời bấy giờ, thà gả con cho thằng Minh hương ở phố chợ chẳng bao giờ đi đâu còn hơn con gái lấy chồng xa tận ngoài Bắc. Phượng cười như nói với mẹ, lại như bảo tôi:
- Má à, ảnh ở đây với má mà. Anh thưa với má đi!
Mấy hôm sau, tôi đã sang chợ, nhắn được người, nhưng Điều vẫn chưa ra. Mà tôi không thể được phép đến trước cái sân toà nhà đầu của sở cao-su.
Hai bên phố Dầu Tiếng hồi ấy chỉ lưa thưa nhà quanh chợ. Cái cầu chợ lụp xụp đến nay vẫn còn. Chỉ có nhà bót dây thép thì không nhận ra ở chỗ nào nữa. Tôi nhớ cái nhà dây thép, bởi những lá thư tôi gửi cho Phượng đến cái phố rừng hiu hắt ấy, thường bị các thày ký dây thép bóc xem trộm, rồi (sợ luật cấm bóc thư của Tây) lại phải dán lại, nhưng tức quá, những tờ giấy thường bị vo viên gấp hành một cục xanh xanh, đến đỗi Phượng đã cấm tôi không được viết thư mùa hè về Dầu Tiếng. Nhưng tôi thôi làm cho các thầy dây thép ghen tức thế nào được. Tôi lại cứ hãnh diện và hung hăng viết cho Phượng những bức thư càng dài dài, nhiều nhiều.
Kể những chuyện trẻ con ngày ấy để cười thôi, chứ cái nhớ, mà nhớ đến rợn tai, ấy là tiếng còi ủ ba giờ sáng đêm đêm. Tiếng còi điện âm u, rền rĩ, không biết từ khinh không hay từ âm ty, dội còi lôi phu cạo mủ làng một, làng hai, làng ba... bật dậy quờ quạng tìm nồi thổi cơm, nắm cơm rồi ngồi đợi hồi còi nữa lúc bốn giờ sáng thì kéo ra bãi điểm cho các thầy xu vụt roi gọi số rồi xách dao xách thùng chạy ra lò.
Những buổi chợ đông, mà vẫn không thấy Điều ra. Cả cái chợ cũng của sở mủ nên nhiều cửa hàng chỉ mua bán bằng tích-kê. Mỗi kỳ lương, hãng phát vé cho phu đong gạo, mùa tĩn nước mắm, con cá khô. .. Hay là Điều đã về Sài Gòn rồi, hay là từ dưới xóm Chiếu, người ta đã chia nó đi Phú Riềng, Thuận Lợi, không được lên đây. Năm sau, 1944 - mùa hè sau cùng ấy, tôi lên Dầu Tiếng. Mới biết năm trước Điều còn ở đấy. Nhưng tại sao nó không ra, tôi không biết. Tôi chỉ mang máng đoán nó đương có một công tác bí mật gì đó. Bởi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Điều đã ra khu hoạt động công đoàn.
Phượng đưa cho tôi một tập giấy khổ nhỏ về vệt mồ hôi tay và mủ cao-su. Ngoài có dòng chữ "tập thơ" với hai câu thơ, tôi nhận ra ngay chữ nó, nét còng queo chưa bao giờ được viết tập ở nhà trường. Tập thơ chép nhiều bài, Điều đã làm từ khi còn ở làng. Bài cũ, bài mới, bài tả cảnh đời, cảnh phu. Thơ của nó thì chẳng ra cái gì. Nhưng Điều thích làm thơ. Có lẽ cũng bởi cái sự tôi là bạn nó, chữ nghĩa tôi cũng lem nhem vậy vậy, thế mà tôi viết được văn, được báo, thì thằng Điều mà làm thơ, cũng lấy tên có chữ Tô, là cái tự nhiên thôi.
Hai câu thơ chép ngoài bìa mà nó làm từ hồi còn hoạt động ái hữu thợ dệt nó hay ngâm nga, khiến tôi cũng đã phải thuộc.
Thiếu cơm, thiếu áo, thiếu yêu đương
Cái bọn nghèo ta thiếu đủ đường
Phượng nói:
- Ảnh kể ảnh là người làng mình, là bạn với mình nữa. Ảnh bảo bao giờ em gặp anh thì đưa cho anh tập thơ này.
Phượng ôm tôi và cười:
- Ảnh kỳ thiệt! Mình có thiếu chi đâu phải hôn?
*
Tôi đương là khách của anh Tư Cao, giám đốc Công ty cao-su Dầu Tiếng. Anh Tư đón tôi dưới Thủ. Chúng tôi đi lên đường Bến Cát. Mỗi khi trở lại nơi có kỷ niệm, tôi có thói quen buồn bã hay tìm những cây già cỗi, những bức tường và mái nhà rêu mốc ngày trước mong như trông lại thấy mình. Con đường qua ngoài huyện. Cây dầu, cây ô môi, Những cây ca-pốc. Đôi ba mái ngói vẩy cá đen đủi, hai đầu tường hiên có cửa ra vào...
Nhưng xem anh Tư đã bỏ đường Bến Cát, tạt vào giữa bát ngát những lô cao-su.
Anh Tư Cao gốc Tây Ninh, người cũng vạn vỡ như Điều ngày trước, mà lạ, anh là con cháu nhà phu mủ từ đời ông. Thuở ấy, chỉ có người những vùng thiếu đói ngoài kia mới bỏ quê vào làm cao-su, chứ bà con miền Nam, dẫu cho người miền Đông khó khăn thế nào cũng chẳng ai thèm bán mình vào đồn điền cạo mủ. Thế mà bố anh, ông anh đã làm phu mủ. Và Tư Cao, công nhân cạo mủ chính cống, vừa tốt nghiệp đại học kinh tế về.
Tư Cao nói:
- Hãng Mi-sơ-lanh to nhất ở Nam Kỳ ngày trước, nửa thế kỷ có chín ngàn mẫu cao-su. Hai cuộc chiến tranh tàn phá còn lại chừng bốn ngàn. Chỉ trong một chiến dịch 1981-1985, mười nông truờng công ty chúng tôi đã trồng hai mươi ngàn mẫu.
Tôi không phải đến Dầu Tiếng theo đường xe hàng. Không bao giờ còn có mã tà xét giấy rồi đuổi tôi ra khỏi địa phận sở mủ nữa.
Ngày trước, cao-su giống Mã Lai trồng bảy năm cho mủ, bây giờ giống mới, cây chỉ năm năm đã cạo được. Nhưng con mắt tôi trông vào những lô cao-su vẫn thấy chỗ nào cũng đương mùa lá già đỏ gắt, rừng kín bưng không một tiếng chim, đâu cũng thoáng hình bóng hai người phu, nhắm mắt cũng không thể quên được khuôn mặt sốt rét bủng cứ chạy cạo mủ suốt chín trăm năm chục cây một buổi sáng, thoăn thoắt như ma biến trong hàng cây thăm thẳm. Rồi ô kìa, lại thấy bên gốc cao-su thảnh thơi những cô gái áo xanh công nhân dắt chiếc xe đạp với cái xô nhôm đã dựng sẵn đấy. Bây giờ không còn gì xưa kia nữa đâu, tốt ạ.
Cái nhà khách của công ty chỉ là một nếp nhà sàn giản dị trên sông Sài Gòn - một bài thơ viết vào bóng trăng mặt nước.
Làm sao mà tôi chợp mắt nổi đêm nay. Những chiếc thuyền êm ru lướt đi hớt tôm càng xanh lững lờ xanh mờ những chiếc bóng kỷ niệm suốt sáng.
Cô bé ở nhà khách đặt thùng bia Sài Gòn với xô đa vào buồng tôi.
- Cháu ơi, quê cháu ở đâu?
- Dạ, cháu ở Dầu Tiếng.
- Cháu ở phố?
- Dạ.
- Cháu có biết nhà bà Ba có dì Phượng, dì Xiêm...
- Thưa bác, cháu không biết...
Rồi sáng lúc nào cũng chẳng rõ. Cái phố rừng tấp nập rau cỏ và ăn uống suốt sáng sớm, như bất cứ một thị trấn khuất nẻo đến thế nào ở miền Nam.
Cái nhà và cây ca-pốc ngày trước chẳng còn đâu nữa. Chỗ ấy mọc nếp nhà mới hai tầng của cửa hàng ăn uống. Bên kia đường, đồ sộ một bức tường xi-măng hai mặt ghi những trận đánh trong phố ngày đầu chống Pháp. Một phía, những trận càn, chống càn vùng Dầu Tiếng thời chống Mỹ. Mỗi chữ, mỗi con số ấy đỏ hỏn màu máu. Khi bắt đầu cuộc kháng chiến Nam Bộ 23 tháng 9-1945, chỉ một mùa hè sau cái năm 1944 cuối cùng xưa kia, tôi làm phóng viên báo Cứu quốc xin vào chiến trường phía nam. ở mặt trận Nha Trang, tôi đã chép và dịch tin hãng Arip tường thuật những trận đánh thần kỳ của các đơn vị Việt Minh công nhân cao-su Dầu Tiếng.
Cái bến Vinh thoai thoải dốc xuống hệt ngày xưa. Hai bên bóng cây, mặt nước sông Sài Gòn mở ra một khoảng trắng ngần. Tôi không tin câu thành ngữ cũ: cái phúc không đến hai lần, cái hoạ khong đến một lần. Nhưng có điều buồn của đời người là niềm vui thường ít khi đến sóng đôi với lòng mong ước và thời gian. Thế mà sao cái bến và dòng sông kia thì tưởng vẫn như nguyên.
Báo Văn Nghệ số 5
1987