VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đi tìm dịch giả Trần Dần -- bài của Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

Có một lời đề từ trong một cuốn sách dịch cứ đóng xích trong tâm tư tôi suốt mấy chục năm ròng, không chỉ vì nội dung độc đáo mà còn vì thân phận đặc biệt của nó: “Tôi tặng cuốn sách này cho những ai bụng nhồi đầy tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh, mà chết đói” – Juyn Valex (Cậu tú, Nxb Văn học, 1974).

Cả bộ ba tiểu thuyết dịch Jăc Vanhtrax (trilogie) gồm: Chú béCậu túNgười khởi nghĩa của nhà văn Pháp Juyn Valex tôi đã mua được trong lần đi coi thi tốt nghiệp phổ thông trung học tại huyện Sông Mã (Sơn La), ở một hiệu sách mà chỉ giáo viên cấp III phố huyện mới là khách thường xuyên. Ban ngày coi thi (mà số giám thị còn đông hơn thí sinh), buổi tối ngồi tán gẫu bên bếp lửa với anh em giáo viên tập thể nhà trường, tôi có đem khoe bộ sách mới mua được và thắc mắc với bạn đồng nghiệp: “Vì sao cả ba cuốn sách đều không đề tên người dịch, trong khi đó thì lại có tên của người làm bìa sách?”.

Các bạn tôi đều lắc đầu rồi mau chóng chuyển sang những giai thoại về nhà giáo Tây Bắc quanh chai rượu nhạt men lá. Nhưng đêm ấy và suốt những đêm sau đó, cứ rời khỏi các trang sách dịch dưới ánh đèn dầu, giữa một thị trấn miền núi cô tịch, thắc mắc kia lại trở về ám ảnh tôi.

Đã từng quen thuộc với sách của những dịch giả nổi tiếng như Hoàng Thiếu Sơn, Cao Xuân Hạo, Tuấn Đô, Dương Tường, Nhị Ca, nhóm Lê Quý Đôn, v.v., chỉ cần đọc vài trang sách dịch Jăc Vanhtrax tôi hiểu ngay rằng dịch giả của nó phải thuộc loại cự phách! Số lượng in mỗi tập hồi ấy là 15.200 cuốn (gấp 15 lần so với một cuốn tiểu thuyết văn học dịch thời bây giờ, và giá cả thì cũng không đến nỗi “cứa” vào đồng lương còm của giáo chức, vì thế, giáo viên miền núi chúng tôi mới mua được sách quý ở một thị trấn đồng rừng heo hút). Nhưng tại sao?… Sự cố tình hay là sự sơ xuất của một nhà xuất bản lớn, có uy tín? Cái bí ẩn đó đeo đẳng tôi mất nhiều năm ròng.

Về hè năm ấy, tôi có hỏi bố tôi – họa sĩ Nguyễn Quảng, nguyên là một giáo sư Pháp văn có quan hệ khá rộng trong giới văn chương, ông chỉ mỉm cười như thương hại thằng con trai cả đã dạy học được vài năm nhưng vẫn còn ngây ngô thơ dại lắm! Cũng trong dịp hè đó, nhà thơ Đoàn Phú Tứ có lần đến thăm gia đình tôi. Vừa xuất hiện trước cửa, nhìn thấy bố tôi, bác đã giơ ngón tay lên nói như một kịch sỹ: “Alcool! Alcool!”. Bố tôi chỉ tay vào tôi: “Hôm nay, thằng nhãi này, một “tín đồ” của toa sẽ mua rượu chiêu đãi toa với moa! Nó có lương đấy! lương giáo viên cấp ba hẳn hoi cơ!”. Rồi ông quay lại tôi: “Tao hết chữ Pháp dạy mày rồi! Mày cắp tráp đến bác Tuấn Đô mà học nhé!”.

Nghe thấy chữ “Tuấn Đô”, tôi sửng sốt, mắt tròn mắt dẹt, bố tôi và bác Đoàn Phú Tứ cười như phá… Trong lúc chạy đi lùng mua rượu và đồ nhắm cho hai ông “tiên tửu” (bố tôi vẫn gọi các bạn rượu của mình như thế), khi tình cờ được biết rõ lai lịch của dịch giả kiệt tác Đỏ và đen (Le Rouge et le Noir – Stendhal), tôi dự định sẽ hỏi bác bằng được về người dịch bộ Jăc Vanhtrax. Nhưng ngắm và nghe bác Đoàn Phú Tứ trò chuyện với bố tôi, không hiểu sao, một mỗi e dè chặn ngang họng tôi… Tôi dự cảm rằng, nếu hỏi bác và bố tôi điều đó, trong lúc ấy, biết đâu sẽ vô tình phủ lên bầu không khí sảng khoái hiếm hoi của các ông một luồng gió u ám, trong khi cuộc đời các ông, những nghệ sĩ – trí thức Hà thành vốn được coi là gàn dở và đói rách bậc nhất trong xã hội, cũng đã nếm đủ cay đắng rồi!

Một tác giả tiền chiến từng bất tử với Màu thời gian mà phải ẩn mình trong công việc dịch thuật và cái tên lạ hoắc “Tuấn Đô”, thì việc người dịch Jăc Vanhtrax không có nổi một cái bí danh hoặc tên giả in trên sách chắc phải là một điều hệ trọng lắm! Như thế, cũng có nghĩa là không ai có quyền được nói tới người dịch ra bộ sách, kể cả bạn và người thân! Cũng có nghĩa là, sách chỉ được quyền mang tên tác giả, còn người chuyển ngữ, người sáng tạo thứ hai mà theo luật bản quyền lẫn cả đòi hỏi của đạo lý không thể thiếu tên – thì Măckêno! – một “học thuyết” nổi tiếng cùng với những “học thuyết” phi văn hóa khác không hiểu sao đã ngang nhiên tồn tại trong một xã hội văn minh suốt hàng mấy thập kỷ!

Vâng! Có phải chịu tấm tức với cái điều bí mật không đáng có ấy như một cái dằm trong ký ức, thì mãi tới khi tình cờ được biết dịch giả vô danh nằm trong bóng tối hàng chục năm kia chính là nhà thơ Trần Dần, tôi đã chợt ứa nước mắt. Và tới một lần, khi được đạo diễn Tự Huy đưa tới thăm nhà thơ, tôi đã vô cùng háo hức, hồi hộp…

Tôi từng nhiều lần đi xe chầm chậm qua con phố nhỏ Vũ Lợi có ngôi nhà số 7 này, rất muốn tự động vào thăm nhà thơ, được nhìn thấy ông và chỉ để nói một câu: “Thưa bác, cháu chỉ là một anh giáo dạy văn quèn, một kẻ làm phim chưa ra đâu vào đâu cả, nhưng cháu ngưỡng mộ bác, yêu thơ bác, yêu cả những bất hạnh mà bác phải gánh chịu…”.

Và tôi hình dung ông chỉ mỉm cười nhẹ rồi đọc mấy câu thơ của ông: “Em ạ/ tình yêu không phẳng lặng bao giờ// Tình yêu/ không phải chuyện/ đưa cho nhau/ ngày một bó hoa// Nó là chuyện/ những đêm giòng/ không ngủ…”. Thế mà, tôi đã được toại nguyện mong ước một cách không ngờ…

Đạo diễn Tự Huy trò chuyện với ông thân mật, cởi mở, xưng hô “anh, em”. Lúc ấy trông ông đã rất yếu mệt. Duy chỉ có đôi mắt sáng rực, đau đáu, nhìn như thấu tận gan ruột người khác, có một cái gì đó hơi giễu cợt nhưng không giấu nổi lòng nhân hậu và đồng thời phảng phất một nỗi buồn…

Trước ông, tôi chỉ im lặng lắng nghe, như thấu từng lời, từng biểu hiện nhỏ trên nét mặt ông. Tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng một con người cả một đời coi “Thơ là mạng sống, là lý lịch thật đời tôi” – hơn thế, đã dám coi cái lý lịch thật đó cao trọng hơn mọi thứ lý lịch vàng son khác, con người “giữ chỉ một tia hy vọng/ Để mà thắng và yêu…”.

Thời sinh viên văn khoa, sống trong cảnh chạy bom đạn, không hiểu chúng tôi đã mò đâu ra và chuyền tay nhau chép vội nhiều bài thơ, câu thơ của thi sĩ Trần Dần (mà trong chương trình Đại học chỉ được giới thiệu như một trong những đầu sỏ của nhóm phản động Nhân văn Giai phẩm!) Nhiều câu thơ đầy hào khí của ông đã in hằn trong tuổi trẻ sôi động giàu hoài bão của chúng tôi: “Đi/ Dù biết/ khổ đau còn là luật// của trái đất này/ khi/ nó chuyển mình đi// Hãy thù ghét/ mọi ao tù/ nơi thân ta rữa mục// mọi thói quen/ nếp nghĩ – mù lòa// Hãy sống như/ những con tàu/ phải lòng/ muôn hải lý/ mỗi ngày/ bỏ/ sau lưng/ nghìn hải – cảng – mưa – buồn!”.

Là lớp học trò sinh sau đẻ muộn nên chúng tôi không được chứng kiến những cuộc đấu đá quanh những vụ án văn chương, nhưng rồi cũng được thầm hiểu sự bẽ bàng của không ít bậc “mũ cao áo dài” trong nghiệp lập ngôn lập thuyết khi trót phang tơi tả những người cầm bút mà chỉ mấy chục năm sau đó được “tái xuất giang hồ” và còn được tặng giải thưởng của Nhà nước (nhà thơ Trần Dần đã được tặng giải thưởng này). Tôi đến thăm ông với không ít xót xa, thương cảm, và mặc dù ông không thèm để ý đến một kẻ đi “theo đóm ăn tàn” của một thằng đàn em, tôi cũng chẳng lấy thế làm điều.

Duy nhất có một thoáng, khi đến lần thứ hai, đạo diễn Tự Huy giới thiệu tôi là đồng nghiệp với Trần Trọng Văn – con trai đầu của ông –, ông mới chiếu cố hỏi một câu lấy lệ, rồi sau đó lại quay về ngay với cái quỹ đạo suy tưởng cao vời của ông, ông giảng giải cho người đàn em Tự Huy đến thăm ông, trong gần một giờ đồng hồ, những điều mà dường như ông không nói lúc này thì sẽ không bao giờ có dịp nào nữa!

Quả vậy, ít lâu sau, ông đã qua đời. Đó là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng tôi được diện kiến nhà thơ tài danh, một thủ lĩnh thi ca Việt Nam đương đại mà hiện còn chưa được biết đến đầy đủ và chưa được đánh giá đúng mức. Tôi đã không kịp thực hiện cái ý định đem ba cuốn sách dịch kia đến để xin chữ ký của ông, người từng tuyên ngôn với chính mình: “dịch là thêm một lần sáng tạo” (Ghi), và kể cho ông nghe trong nhiều năm tôi đã khao khát được biết người dịch bộ tiểu thuyết lạ lùng đó là ai.

Theo tư liệu riêng của gia đình nhà thơ, ông dịch bộ sách này (cùng một số sách khác) vào cái thời kỳ ông bắt đầu viết Sổ thơSổ bụiVở bụi trong tâm trạng “đau lòng sổ bụi”, “những bức thư không gửi”. Chắc chắn là, khi ông nhận dịch bộ Jăc Vanhtrax, trước hết là vì mưu sinh, nhưng ông đã phải thích thú nó, bởi nó vô tình chứa đựng những gì phù hợp với tâm huyết và chí hướng của ông, bởi thân phận những người cầm bút trong đó, bởi người đã từng quan niệm “xây một tập thơ/ là phá một nhà tù” bắt gặp cái tinh thần phản kháng quật khởi của Công xã Pari ngồn ngộn trong bộ sách – nhất là ở tập cuối Người khởi nghĩa (nguyên tác: L’Insurgé) mà Juyn Valex đã viết đề từ như sau: “Tôi tặng cuốn sách này cho Tất cả những ai là nạn nhân của bất công xã hội đã cầm vũ khí chống lại một xã hội tổ chức hỏng và đã họp dưới lá cờ của Công xã thành khối đại liên minh những đau khổ”. Cái tinh thần cách mạng của bộ tiểu thuyết sử thi đó chắc chắn đã sống với nhà thơ trong những năm đau khổ cùng cực, làm một trong những “tay vịn” giúp ông đứng vững.

Chỉ có điều, trong “nỗi buồn ga cuối còn nguyên” của nhà thơ, phải chăng có một nỗi buồn, chưa, và sẽ không có dịp nào nữa để giải tỏa: tên ông vẫn còn để trống trong bộ sách dịch kỳ công dày hơn nghìn trang in. Và nếu ta chịu khó đọc lại phần chú thích ở đầu tập III, ta sẽ cảm thông hơn với cái nỗi buồn thiên thu ấy của thi sĩ-dịch giả: “Trong tập III của bộ Jăc Vanhtrax này, được viết và xuất bản sau cuộc ân xá, người ta không ngạc nhiên thấy tên thật của những nhân vật đã xuất hiện dưới những tên giả trong hai tập đầu” (NXB Văn học 1975, trang 5). Vâng, nhân vật của bộ tiểu thuyết đến tập cuối đã được trả lại tên thật, còn nhà thơ thì ngay cả đến cái tên giả cũng không được quyền gắn vào công trình mồ hôi nước mắt của mình!

Giờ đây, thay cho nén nhang tưởng nhớ thi sĩ – dịch giả Trần Dần, và là một cách biểu lộ lòng tri ân, tôi xin được trích lại vài đoạn trong bộ sách lớn ấy – bộ sách của một nhà văn cách mạng Pháp kế tục truyền thống của Vonte, J. Rutxô, Monteskiơ… có thể nói đã được hóa thân vào bản lĩnh văn chương và máu thịt tâm hồn nhà thơ Trần Dần:

Tôi là kẻ được thoát nạn, tôi sẽ viết lịch sử những ai không thoát nạn, những kẻ cùng khổ không kiếm ra miếng ăn” (Người khởi nghĩa, Juyn Valex, NXB Văn học, 1975, tr. 25).

Nhưng rồi mày sẽ phải trả nợ chúng tao, cái xã hội chó má! Mày đã làm những người có học và những người can đảm bị đói khi họ không muốn làm tôi tớ cho mày!” (Cậu tú, Juyn Valex, Nxb Văn học, 1974, tr. 450).

Viết thêm:

Sau khi nhà thơ Trần Dần qua đời được 8 năm, tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội có một chương trình ca nhạc khá đặc biệt kỷ niệm Trần Dần mà giá vé bán chính thức lên tới 1 triệu đồng! Người xem trước khi bước vào phần biểu diễn chính còn được thưởng thức cocktail nhẹ và dàn nhạc sống trình tấu nhiều tác phẩm âm nhạc cổ điển. Bên cạnh đó là một công trình hoành tráng của nghệ thuật sắp đặt: toàn bộ sảnh của nhà hát, từ tầng một đến tầng hai được trưng bày hàng loạt tượng đầu người xếp lô nhô được dán kín bởi các trang thơ, trang nhạc phẩm ca khúc sẽ được biểu diễn. Phía dưới các tượng đầu người được rải những cánh hoa hồng thật lấp lánh bởi những ánh nến đặt xen kẽ… Tôi đang dán mắt vào vizơ máy quay thì một người đàn ông lớn tuổi ngà ngà say đập mạnh vào vai tôi: “Này! Quay thật nhiều cảnh đó đi! Đấy, chính là Người người lớp lớp của Trần Dần đấy!”

Tôi gật gù đồng tình và thầm nghĩ: dù chặng đường “Người người lớp lớp” cùng những câu thơ đơn độc của ông đâu có được rải hoa hồng, dù có còn sống đến lúc này ông cũng không đủ tiền mua một vé vào xem biểu diễn để chứng kiến tư tưởng của ông được diễn dịch và thăng hoa, nhưng thế là máu thịt tâm hồn ông cũng đã thẩm thấu vào cuộc sống và biến thành máu thịt của nó. Đó là hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sĩ, là sự an ủi có ý nghĩa nhất đối với hương hồn ông…

Và tôi chợt hình dung ra cảnh: trong khi ông đang toát mồ hôi, gò lưng ngồi dịch những bộ sách dày cộp để sao cho kịp hợp đồng với các nhà xuất bản, thỉnh thoảng ông vẫn dừng lại, nheo cặp mắt tinh nghịch và lẩy ra những câu thơ thâm trầm mang phong vị dân gian cổ xưa, kiểu: “Đố ai chọc mắt các vì sao…”

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn