VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tự truyện đoạn 3 -- Hoàn cảnh gia đình và những năm tiểu học đã quyết định tính cách tôi như thế nào?

Tiếp theo Tự truyện đoạn 2 đưa trên blog này ngày 20 - 9 - 2024

Trong số các bài học thuộc lòng học trong ba năm đầu tiểu học với thầy Vũ Đăng Mão ở trường Đại Yên, tôi nhớ hơn cả bài lục bát sau:

Hôm nay trời lại mưa phùn

Đường em đi học lầy bùn khổ chưa

Trên đầu không nón che mưa

Có đôi guốc vẹt lại vừa đứt quai

Tay em nâng vạt áo dài

Tay kia ôm sách với hai ống quần

Bùn sâu đến mắt cá chân

Sách em xốc lại mấy lần chực rơi

Xa xa trống đã điểm hồi

Em còn đứng mãi ngoài trời đội mưa

Tình cảnh tôi đi học ở trường Đại Yên chưa đến nỗi thê thảm thế. Quãng đường tôi đi từ nhà đến đình nơi đặt lớp học còn được lát gạch. Chưa bao giờ sách vở của tôi bị rơi trên đường. Chưa bao giờ vì đường đất xa xôi mà tôi đến lớp chậm.  Nhưng tôi vẫn thích bài thơ vì nó nói lên nỗi buồn riêng có của đám học trò ở các vùng ngoại ô nghèo, dù bi đát mà nực cười đến mấy cũng không làm cho những tâm hồn trẻ đó nghĩ tới chuyện bỏ học.

Chính ra thì việc đến trường đối với tôi cũng còn mang nhiều niềm vui sống. Tình cảnh của tôi ở gia đình làm tôi đau đớn hơn nhiều. Với một cậu bé bốn tuổi thì mất mẹ và sống trong một gia đình nghèo giữa một vùng đất hoang xa lạ, cuộc đời chung quanh hiện ra như là không nơi nương tựa, không nơi bấu víu để học thành người.

Còn nhớ, trong một đêm nằm kẹt giữa ông bố và người mẹ kế, tôi kéo tay bà tỏ ý thân thiện thì đã bị bà phát cho đau điếng. Tôi mang máng cảm thấy mình không có quyền làm một đứa trẻ bình thường, cũng tức là không có quyền làm trẻ con để được sự săn sóc đầy tình cảm của những người lớn tuổi.

Luôn luôn tôi cảm thấy sự có mặt của mình trong gia đình y như là thừa, và tôi không tìm thấy ở mọi người xung quanh một cặp mắt ân cần hướng dẫn bảo ban. Cũng tức là tôi cảm thấy tôi hoàn toàn cô độc, chẳng những không tìm thấy sự giúp đỡ ở những người xung quanh mà ngược lại còn là một sự làm phiền cho mọi người.

 Mặt khác, tôi cảm thấy không có trách nhiệm với ai. Cái đó mới chết.

Sự giúp đỡ và thương cảm người khác đối với tôi là một cái gì xa lạ. Tôi đã không lo nổi cho thân mình thì còn lấy đâu để lo cho mọi người. Thói ích kỷ đã đến với tôi rất sớm. Nói theo ngôn ngữ đám người lớn có học về sau, việc lo lắng cho bản thân đối với tôi là một cái quyền duy nhất và tối thượng, mà tôi tin tưởng tuyệt đối. Sau này, cái hạt nhân của tính ích kỷ ấy đã mang lại cho tôi nhiều sự bất lợi, đúng hơn đó là cả một hạn chế lớn nó ngăn cản tôi hòa nhập với mọi người, không bao giờ tính chuyện phối hợp với những người chung quanh để hoàn thiện những việc cần thiết.  

Sự ích kỷ của tôi như trên vừa nói có một phần do sự bất lợi về thể xác. 

Lúc nhỏ, tôi là một đứa trẻ gầy gò ốm yếu, chân tay vụng về, một đứa trẻ hậu đậu không được việc gì như người ta thường nói. Cái việc tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác thật ra có nguyên nhân sâu xa như thế. Giá kể ở một gia đình đông con và có những người anh người chị khỏe mạnh tự tin khéo léo hướng dẫn thì có lẽ tôi cũng đã khá hơn, chắc chắn là những người thân đó sẽ giúp cho tôi bỏ dần những thói xấu đó để tự tin hơn, khéo léo hơn. Họ sẽ dạy tôi ăn nói, làm những việc bình thường mà một đứa trẻ cũng phải biết và có thể làm. Nhất là tôi rất đáng tiếc là không có những chị em gái là nguồn bổ sung tình cảm rất cần thiết khi người ta còn trẻ. 

Bà mẹ kế của tôi thì muốn hay không muốn vẫn mang lại cho tôi nhiều ác cảm. Sau này khi ra đời, tôi rất ít khi gọi những người phụ nữ đáng tuổi đẻ được ra tôi là mẹ. Trong tâm trí của tôi người mẹ là một ý niệm thiêng liêng lắm, dù tôi không biết mặt mũi cụ thể của cái sự thiêng liêng đó như thế nào. Với đám bạn mà tôi trò chuyện khi đã lớn tuổi, tôi đều thấy phần lớn họ kể là có một bà mẹ gần gũi và đáng quý, người mẹ ấy đã bảo ban dạy dỗ họ những việc cụ thể, nhất là đã truyền cho họ lòng yêu đời sự tin tưởng và khả năng chan hòa với những người xung quanh - toàn là điều mà tôi rất thiếu.

Không được tiếp sức từ những người cùng lứa nhưng không phải vì thế mà tôi trở nên một người cằn cỗi về mặt tình cảm. Hồi học lớp đệ thất ở trường Chu Văn An niên khóa 1955 – 1956, nhà trường còn giữ cái lệ cũ là cuối năm các giáo viên bộ môn phải ghi lại nhận xét của mình về từng học sinh. Và ở môn giáo dục công dân thầy dạy tôi năm ấy là Nguyễn Phước Tương, đã ghi về tôi như sau: “học sinh nhanh nhẹn, có nhiều tiến bộ, tình cảm dạt dào”. Hóa ra dù chỉ dạy một hai giờ mỗi tuần, nhưng thầy đã biết tính tôi ở lớp hay khóc, và các bạn cùng lớp luôn luôn gọi Vương Trí Nhàn là Vương Trí Nhè.

Mẹ tôi mất sớm nhưng hình như lúc bà còn sống bà đã rất chiều chuộng tôi, và mặc dù không nhớ gì cả đến mày nét của bà, song thói quen của một đứa trẻ được chiều, vẫn âm thầm tồn tại trong tôi, nó cũng có cái lợi trước tiên là làm cho tôi thành một người có phần nhạy cảm với những đau khổ. 

Sau này lớn lên đọc các truyện thơ dài kiểu như Phạm Công Cúc Hoa có đám trẻ mà mẹ mất sớm, lang thang tìm mẹ, hoặc truyện Tắt đèn tới đoạn mà nhân vật cái Tý van xin mẹ là đừng bán mình cho nhà địa chủ Nghị Quế, bao giờ tôi cũng khóc. 

Tôi vẫn tự nhủ là tôi có thể làm nghề văn chương, có thể đọc sách dài dài và tưởng tượng ra mọi cảnh ngộ của các nhân vật trong sách là nhờ có sự nhạy cảm đó. Nhưng một mặt khác cũng phải công nhận là sự nhạy cảm lúc nhỏ - nhất là sự nhạy cảm không kèm với một cơ thể khỏe mạnh sức lực - mang lại cho tôi, một sự bạc nhược trong tính cách, một mạch ngầm đen tối trong cách nhìn đời. Sự thương cảm không đúng lúc đúng chỗ - nhất là sự thương cảm mang màu sắc bi lụy - đã làm hại cho cuộc sống của tôi rất nhiều. Tai hại nhất nó làm cho tôi thành một người bi quan thiếu tự tin. Khi tiếp xúc với mọi người nhiều khi tôi không dám nhìn thẳng, đến mức một vài bạn chưa hiểu cứ cho tôi là có cái vẻ gian gian như thế nào đó.

 Tôi thường cúi mặt xuống những khi vào những chỗ lạ và cả khi vắng người xung quanh nghĩa là khi chỉ có một mình, tôi cũng thường hay thở dài. Thói quen này tôi còn giữ mãi tới khi lớn tuổi. Vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi nhận vai giúp việc cho nhà văn Tô Hoài trong một chương trình văn hóa, khiến tôi đã có dịp theo ông đi nhiều nơi, thường xuyên trò chuyện với ông. 

Một lần, tôi vừa từ tầng một lên tầng hai cơ quan thì bắt gặp Tô Hoài và mấy bạn biên tập viên khác cùng đang ngồi trò chuyện. Có ai đó gật gù, rồi xướng lên một câu xanh rờn “đúng là anh Tô Hoài nhận xét chính xác về ông Nhàn thật”. 

Chẳng là trước đó, khi tôi đang ở tầng một, tôi đã thở dài “ngoài sự kiểm soát của ý thức” đến mức nhà văn Tô Hoài phải quay lại bảo mọi người Vương Trí Nhàn chưa thấy người đã thấy tiếng rồi.

Về sự yếu đuối của tôi thì chính ra tôi còn chịu ảnh hưởng của ông thân sinh. Trong thày tôi có hai con người. Một rất thô lỗ hung hãn và một rất yếu đuối. Nghe một bà chị họ kể lại, trong đại gia đình xưa bố tôi thường được gọi là ông ba ương. Bình thường thì ông cũng rất tình cảm với vợ con gia đình. Nhưng lúc cáu lên thì ông mo phú hết. Chung sống với bà dì tôi trong cái cảnh rổ rá cạp lại, ông cũng có lúc rất chiều chuộng bà nhưng lúc cáu lên rất hay mắng chửi bà nhất là khi về già gặp những điều ngang trái. Để rồi sau đó hối hận ông lại chìm sâu vào sự bạc nhược.

 Mặc dù cuộc đời chưa phải là khổ lắm, nếu không muốn nói rằng đã có lúc thành công vượt ra khỏi khuôn khổ của một con dân làng nghề để trở thành công dân Hà Nội, nhưng bố tôi cũng có cái tính là sợ đời, sợ những việc khó của đời và thường hay than thở, thậm chí khóc lóc trước những đột biến đầy rẫy trong xã hội hiện đại.

Tôi còn nhớ cái tình cảnh của gia đình tôi những năm 50. Khi ấy ngôi nhà mà gia đình tôi làm từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu ọp ẹp, mỗi khi có những cơn bão thổi về, thì cả nhà lung lay nghiêng bên nọ vẹo bên kia tưởng có thể đổ đến nơi. 

Những lúc ấy, trước khi tìm ra biện pháp tích cực để chống đỡ, ông bố tôi ôm đầu than khóc một thôi một hồi.

 Mặc dù rất không cảm tình với bà mẹ kế, nhưng tôi phải nhận là bà có bản lĩnh hơn bố tôi rất nhiều. Vốn bản tính lạnh lùng, bà không nhỏ lấy một giọt nước mắt mà sai bọn tôi tìm cách ghìm giữ ngôi nhà trong cơn gió mạnh, kể cả việc ra ngoài mưa gió tìm những cột kèo để chống đỡ.

Sự bạc nhược của ông bố càng làm cho chất nam giới trong người tôi không được bồi dưỡng, con người tôi trở thành ủy mị “như đàn bà”, và khi ra đời thì nói chung là tôi kém tự tin, không dám dũng cảm vượt lên những hoàn cảnh mà mình không mong muốn, và có lẽ sau này chỉ nhờ tôi lao đầu vào việc học hỏi bồi dưỡng tri thức kiến thức mà nhân cách tôi cũng có phần thay đổi.

Trong hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh, ông có kể rằng mặc dù sớm tự tin về nhiều mặt và có đôi khi như là ngổ ngáo ngang tàng, nhưng mãi đến ngoài 20 tuổi ông mới tập được xe đạp vì trước đó rất vô duyên với cái phương tiện thô sơ mà ai cũng biết sử dụng đó. Sở dĩ tôi nhớ lại chi tiết lặt vặt này, vì tôi cũng là người mà mãi mới biết đi xe đạp và trong lúc tập xe thì đã hai ba lần tôi ngã, rồi do chống tay xuống đất vội vàng mà tôi bị trật cả khớp xương ống tay hai lần phải đi bó bằng các thứ lá mà các ông thầy lang khuyên dùng.

Tôi bị chứng run tay từ nhỏ, và nói chung là tôi không chỉ huy được chân tay của mình một cách chính xác. Thủa học tiểu học ở Đại Yên, mỗi lần phải tiêm phòng dịch là tôi bị người y tá mắng cho thảm hại vì trong khi phải làm cho cơ bắp tay mềm ra thì tôi lại lên gân lên cốt khiến việc tiêm chủng gặp rất nhiều khó khăn. Không sợ toán không sợ học thuộc lòng, cái môn mà tôi sợ nhất hồi học tiểu học là môn thủ công, và mãi đến lúc tôi học trung học, thành tích nhảy cao nhảy xa của tôi thường thua các bạn nữ trong lớp. Chữ viết của tôi thật ra ngày xưa rất xấu vì tay tôi rất run, và mãi đến khi tập luyện dài dài thì tôi mới có nét chữ tạm gọi là cứng cáp.

Những thói xấu nói trên của tôi còn theo mãi tôi trong cả cuộc đời. Chỉ có điều may là do chỗ cô độc vụng về không chơi được với ai, mà tôi chăm chỉ học tập và lấy lại được niềm tin trong cuộc sống. Cũng nhờ có những tri thức cần thiết trong việc học làm người mà tôi đọc được ở đây đó, tôi hiểu rằng thật ra những kẻ yếu đuối vụng về như tôi cũng có thể có một vị trí nào đó trong xã hội và nói cho to tát ra là trở nên cần thiết cho mọi người nếu tìm được chỗ mạnh của mình và biết giấu đi những sự yếu kém của mình. 

Tôi thường nghĩ mỗi con người ta như một thứ cây ăn quả, và trong khi những người khác là quả cam quả quýt thì tôi là quả me quả sấu, nhưng tôi cứ đúng vai của mình mà làm, thì vẫn có được một chỗ đứng trong lòng mọi người. Đây là câu chuyện tôi sẽ kể về sau trong cuốn sách này ở đây tôi hãy nói một chi tiết nhỏ: Trong khi làm việc, tôi biết rằng tôi chỉ là một nhân viên bình thường, một thứ ốc vít của bộ máy, chứ không bao giờ có thể đảm nhiệm được vai chỉ huy sai bảo mọi người. 

Khi ngoài 50 tuổi, tôi đã công tác ở nhà xuất bản 20 năm và đã là một biên tập viên cứng cáp so với trình độ chung, đến mức các anh phụ trách trong cơ quan định đưa tôi lên làm phó giám đốc, nhưng tôi sau khi về bàn bạc với vợ, đã xin từ chối, vì biết đó là những việc không phù hợp với tôi, nếu làm tôi sẽ chuốc lấy nhiều khuyết điểm. Tạm hình dung ra là nếu trong cuộc đời như một vở kịch cần những vai chính đàng hoàng sắc sảo, thì tôi chỉ có thể đảm nhiệm được những vai phụ, nhất là những vai làm việc trong im lặng.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn