Tiếp theo Tự truyện đoạn 1, đưa trên blog này ngày 10-6- 2024
Tôi gọi bố tôi là thày và mẹ tôi là u. Về Đại Yên được một năm sau khi u tôi mất thì thày tôi tính chuyện cho tôi đi học và việc đầu tiên phải tính là làm cho tôi một giấy khai sinh. Khi đó 1949, tính theo tuổi ta, tôi vừa 7 tuổi, vậy tức là tôi phải sinh năm 1942. Cả đến ngày sinh của tôi, bố tôi cũng chỉ ang áng là đâu ngày rằm tháng mười một theo cách gọi cũ, tức là ngày 15 tháng 11 âm lịch. Hồi trước 4-1975, giới tạm gọi là trí thức thủ đô rất quen thuộc với việc đoán số tử vi, và tôi cũng được loại thày như thày Hà Ân, Xuân Thiều chiếu cố một vài lần. Sau khi đưa các anh số liệu tôi chẳng chờ đợi gì nhiều, vậy mà kỳ lạ lá số vẫn khá đúng và tôi cũng dựa theo đó mà sống.
Đại Yên lúc ấy đâu đã có một trường tiểu học khang
trang mà chỉ có một góc đình, ở đó tập họp lẫn lộn học sinh của mấy lớp khác
nhau do thầy Vũ Đăng Mão phụ trách. Tôi đã liên tục theo đuổi được 3 năm tiểu học
ở nhóm học trò nhốn nháo. Sau này khi gia đình tôi chuyển sang Thụy Khuê thì
tôi chính thức được nhận vào lớp nhì của thầy Đỗ Danh Tầm (sau 10-1954 di cư
vào Nam), rồi sang lớp nhất tức là lớp cuối cấp của thầy Nguyễn Văn Quỳ (ông
cũng là nhạc sỹ Nguyễn Văn Quỳ, có mặt trong bộ phim Hà Nội đón chào bộ đội vào
tiếp quản thủ đô; sau này ông sẽ dạy nhạc cho bọn tôi ở trường Chu Văn An niên
học 1955-1956).
Quãng đường từ nhà tới trường Đại Yên lúc ấy chỉ độ
hai trăm mét nhưng đối với tôi là quãng đường thân thuộc nhất trong làng Đại
Yên mà tôi quen từ gốc cây ngọn cỏ, cũng là thuộc từng hàng gạch đã vỡ lủng củng
lát trên đường. Đã đơn độc trong gia đình, tôi cũng không tìm thấy ở các bạn bè
cùng lớp lúc ấy một môi trường đầm ấm, cái còn lại trong tôi chỉ là các bài học
và mấy trang vở. Có lẽ hoàn cảnh của một cậu bé mất mẹ và hết mực vụng về lúng
túng trong đời khiến cho tôi đã tìm thấy trong việc học một lối thoát một sự khẳng
định mình.
Việc đi học giống như một lối thoát, hơn nữa, cả một
thế giới khác. Ngay trong lớp học chắp vá của trường Đại Yên lúc ấy, tôi đã được
thầy Vũ Đăng Mão truyền dạy cho một số bài học tiếng Pháp. Manh -tơ- năng giơ-ve da lơ - côn -- Hôm nay tôi đến trường, đó là
câu tiếng nước ngoài đầu tiên mà tôi ghi nhớ và tôi cảm tưởng là hình như sau
đó có một cuộc đời khác. Sẽ mãi mãi còn lại trong tôi nỗi ao ước được học thêm
ngoại ngữ. Tôi chia những người tôi quen ra làm hai loại, một loại thành thạo một
hai ngoại ngữ và một loại chỉ biết tiếng Việt. Và dù ở đâu, trong đời sống hàng
ngày cũng như trong hoạt động nghề nghiệp, những người biết ngoại ngữ - thường
xuyên đọc sách báo nước ngoài, có thể quan hệ bình thường với người nước ngoài -
là một loại người siêu đẳng, hay ít nhất cũng là một loại người có nhiều phần
khác hẳn với đa số mà tôi vẫn quan hệ.
Một kỉ niệm nhỏ trong thời gian học ở trường Đại Yên
là cái gọi trường tiểu học của tôi lại có giao hảo với một trường công giáo lúc
ấy đặt ở vị trí của một nhà tu Thiên chúa giáo mà nay là Viện chống lao trung
ương. Vào một dịp cuối năm, đám học sinh chúng tôi được lùa từ làng Đại Yên lên
Đường Thành (tức đường Hoàng Hoa Thám ngày nay) rồi vào họp chung với trường
công giáo nói trên, nói theo danh từ ngày nay tức là làm lễ bế giảng. Tại buổi
lễ đó tôi được trao một phần thưởng nho nhỏ là một cuốn từ điển Pháp Việt loại
nhỏ. Dù rằng sau này sang học bên Thụy Khuê, tôi không được học tiếp tiếng Pháp,
quyển từ điển kia tôi đã để đâu mất và rồi cả đời tôi cũng không bao giờ được
tiếp tục học thứ tiếng cao quý đó nữa. Nhưng quyển từ điển vẫn là một trong những
kỉ niệm tuổi thơ hằn lên trong tâm trí.
Ấn tượng về trường tiểu học với tôi rõ rệt nhất sau hai
năm 1952 – 1954 tôi học ở trường Thụy Khuê. Cũng như bên Đại Yên, trường lúc ấy
đặt tạm ở một ngôi đình cũ, nhưng phân ra đàng hoàng, có đủ thầy cô và học sinh
cho các lớp từ lớp năm tới lớp nhất. Tôi có cảm tưởng như mình được tiếp xúc với
một cái gì chính quy hơn hẳn so với những lớp học nhộm nhoạm bên trường Đại
Yên. Giá kể viết lại lịch sử giáo dục, chắc người ta phải ghi nhận là từ sau
1950, ngành giáo dục của Hà Nội “tạm chiếm” nhanh chóng đi vào chuẩn mực.
Thuở ấy học sinh rất thích được đi cắm trại. Vùng đất
ước mơ của bọn học sinh ở trường Thụy Khuê lúc ấy là vùng ven Hồ Tây có tên là
Võng Thị, Xuân La, Xuân Đỉnh. Từ Thụy Khuê theo xe điện lên Bưởi rồi đi bộ một
quãng đường dài nữa, bọn học sinh lớp nhất chúng tôi đã từng có dịp lên tận
Xuân Đỉnh làm những cuộc gọi là dã ngoại, giống như các đội hướng đạo sinh được
tổ chức chặt chẽ trước 45.
Không rõ do liên hệ thế nào mà trường Thụy Khuê của
tôi lại còn có những cuộc thi đấu bóng đá với học sinh Albert Sarraut. Các thầy
của tôi hồi đó kể cũng đã khôn ngoan, không chỉ lấy học sinh mà mượn ngay những
thanh niên trong làng khỏe mạnh xung vào đội bóng và đội của chúng tôi thường
xuyên chiến thắng trước đối thủ giàu có hơn mình, sang trọng hơn mình.
Càng về già tôi càng nhớ lại những năm học tiểu học với
niềm ưu ái đặc biệt. Giáo dục ở nước Việt Nam thời Pháp thuộc là một nền giáo dục
rất nghiêm túc. Nó luôn luôn hướng tới những chuẩn mực đã hình thành trong quá
khứ chứ không phải chỉ lo phục vụ xã hội đương thời.
So sánh thời tôi học tiểu học, với các lớp tiểu học
ngày nay, tôi thường hay nghĩ đám trẻ bây giờ bị thiệt thòi khá nhiều. Trước
kia, cha mẹ có đưa con đi học chỉ là đặc biệt, còn sau đó tự các em lo lấy mọi
việc.
(Hồi ấy khá
phổ biến một bài thơ ở dạng đối đáp:
Xuân đi
học trong lòng hớn hở,
Gặp chị Thu đi ở giữa đường,
Bảo rằng sao quá vội vàng
trống kia chưa đánh đến trường làm chi).
Trên con đường
từ nhà đến trường, các em khám phá ra bao điều kỳ lạ. Còn học sinh ngày nay đến
với nhà trường với tâm lý của kẻ đua tranh, xét theo chương trình việc học quá
nặng nề nào thi đua nọ, nào phấn đấu theo tiêu chuẩn kia. Có những trường người
ta lập ra đội cờ đỏ chuyên môn theo dõi xem ai đến muộn đến sớm (cả thầy cô
cũng bị theo dõi) thì sự hồn hậu đâu còn.
Một điều khá phổ biến nữa. Thường các giáo viên tiểu học
dạy dỗ chúng tôi hồi ấy là những người rất yêu nghề và việc làm nghề của họ bên
cạnh việc kiếm sống là tự nguyện. Đồng lương của họ hồi ấy khá ổn định (có thể
nuôi được cả gia đình hai ba người) khiến họ yên tâm làm nghề suốt đời. Ngày
nay thì khác, các giáo viên tiểu học thường chỉ ghé gẩm nghề này vài ba năm hoặc
chục năm, rồi lại lo chuyển lên thành giáo viên ở các cấp trên, tôi rất ít khi
gặp được những thầy giáo cô giáo dạy cấp một mà lại yên tâm với nghề của mình.
Theo tôi biết hiện nay nhìn vào các trường tiểu học, người ta thấy rất ít khi bắt
gặp được những cô giáo thầy giáo yêu nghề đã rất có kinh nghiệm trong việc đào
tạo lớp trẻ.
Một ví dụ khác ở trường tiểu học học sinh học khá nhiều
trường hợp còn nói ngọng. Nhà trường thời nay quy các lỗi này là trách nhiệm của
gia đình. Còn trong trường tiểu học ngày xưa, việc chữa nói ngọng cho các em là
việc của thầy cô. Việc một thầy giáo cô giáo sau giờ lên lớp còn yêu cầu các em
bị thói tật đó ở lại để thầy cô chữa cho bằng được – hành động đó không phải là
hiếm.
Hồi ấy con người trưởng thành rất sớm, mặc dù chỉ mới
học xong tiểu học nhưng họ đã là những người rất chững chạc, sẵn tinh thần công
dân đáng kính trọng.
Xét về nội dung các sách giáo khoa mà học sinh tiểu học
phải sử dụng. Trong phạm vi một lớp học ở ngoại thành Hà Nội tôi nhớ sách đã
nêu một đặc điểm của tình hình xã hội là đất nước đang có chiến tranh và chiến
tranh có nghĩa là tàn phá những gì êm đẹp.
Một bài thơ tôi được học hồi ấy miêu tả tình trạng chiến
tranh là có rất nhiều mất mát.
….
Lũy tre làng răng rắc vặn mình đau
Đàn súc vật lao đầu kêu tuyệt vọng
Ôi
quê hương đắm mình trong khói súng
Đến
bao giờ còn sống phút thân yêu
Mái
tranh nghèo tha thiết biết bao nhiêu
Dòng
sông mát yêu kiều bên bờ cỏ
Câu kết của bài
“Ôi
tha thiết ta thấy màu lửa đỏ -
Thiêu
tàn trời thương nhớ ôi quê hương
Sau năm học 1953 – 1954 khi tôi học ở lớp nhất trường
tiểu học Thụy Khuê với thầy Nguyễn Văn Quỳ, ấn tượng lớn nhất của tôi lại chính
là cuốn sách giáo khoa mà hồi ấy gọi là Tân
quốc văn lớp nhất. Ở đó các bài
viết mà người ngày nay gọi là chính luận các bài của Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học,
sách này còn gồm mấy loại bài vở rất cơ bản trích ra từ văn học tiền chiến. Tôi
đã tìm thấy ở đây loạt bài đáng nhớ sau:
- Bài
văn tả cảnh chùa Long Giáng trích từ Hồn
Bướm Mơ Tiên, và bài tả một con đường phố huyện trích từ Dọc đường gió bụi, cả hai đều lấy ra từ
tiểu thuyết của Khái Hưng.
- Bài
viết về nỗi mơ ước của người nông dân với con trâu trong việc làm ruộng của
mình, trích từ tiểu thuyết Con trâu của
Trần Tiêu.
- Bài
thơ Nhớ mẹ của Lưu Trọng Lư (Mỗi lần nắng mới hắt bên song…)
- Bài
thơ Làng chài lưới và Lời con đường quê của Tế Hanh.
- Bài
thơ Rằm tháng tám của Anh Thơ
- Một
bài thơ tả đêm hè của Bàng Bá Lân (Tiếng
võng trong nhà kẽo kẹt đưa)
…
Tôi đã nhẩm thuộc những bài thơ lãng mạn ấy, như đã
thuộc mấy câu tả chủa Long Giáng của Khái Hưng, in trong Tân quốc văn lớp nhất:
Trong làn không khí yên
tĩnh êm đềm, tiếng chuông thong thả ngân nga như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp
thiên nhiên. Lá cấy rung động, ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt, như cảm
theo tiếng gọi của Mâu Ni, muốn theo về nơi hư không tĩnh mịch
…
Những bài thơ bài văn ấy thật khác xa với một số bài
viết non nớt và ngớ ngẩn trong các sách giáo khoa bậc tiểu học (trước kia gọi
là cấp 1) thời nay.