Không hiểu sao tôi lại chọn nhan đề bài viết này như thế.
Xuân Diệu, một kiện tướng của phong trào thơ mới, một thi sĩ có những bài thơ
tình làm ngây ngất độc giả, một tác giả có chân trong Tự Lực Văn Đoàn, một nhà
thơ thuộc loại cổ thụ trong văn học VN. Những Vũ Ngọc Phan, Thế Lữ, Phan Cự Đệ,
Huy Cận... đã chẳng từng xưng tụng là một nhà thơ tiêu biểu cho một thời kỳ văn
học đó sao. Xuân Diệu đích thực phải là một người làm thơ, mà còn là thi sĩ nổi
tiếng nữa. Thế nhưng, tai sao lại có câu hỏi: hay làm thợ? làm thợ tức là đem sức
lực lao động cơ bắp của mình ra làm việc và ít xử dụng đến năng lực của bộ não.
Đối với một người đã "cái quan định phận" như Xuân Diệu mà đặt câu hỏi
như thế là xúc phạm đến vong linh người đã chết! Dù rằng thơ và thợ chỉ khác biệt
nhau một dấu nặng, mà xét suy ra trọng lượng đến ngàn vạn cân!
Có một nhà phê bình văn học khá uy tín ở trong nước và đã có
thời gian dài làm việc với Xuân Diệu và hiểu biết văn nghiệp của ông khá tường
tận, đã viết một nhận định gây nhiều suy nghĩ cho tôi . Trong cuốn sách
"Cây Bút Đời Người", một dạng sách chân dung văn học của Vương Trí
Nhàn có nguyên một chương sách viết về Xuân Diệu . Tôi đã đọc một đoạn nguyên
văn như sau:
"Xuân Diệu đã trở thành một người lao động đơn giản theo nghĩa đen của từ
này". Tô Hoài nhận xét. "Mình đã nghe nói vài lần mình biết. Chỉ
loanh quanh một ít bài bản có sẵn, sau đó là thơ tình Xuân Diệu (khi tác giả
Thơ Thơ mất, Tô Hoài viết bài kể chung quanh bài thơ Phia Khinh Tô Hoài đã được
nghe Xuân Diệu nói từ khi kháng chiến sau sang Lào lại được nghe nói đến bài
thơ ấỵ. Trong lời kể có sự kính trọng lại có sự đùa bỡn)..."
Dù rằng, đoạn văn trên viết chỉ về công việc đi nói chuyện về
thơ văn của Xuân Diệu, nhưng có thể điều ấy cũng là một nhận xét chung cho cả
văn nghiệp của ông sau ngày cách mạng tháng Tám của CS. Ở bầu thì tròn, ở ống
thì dài, cái con người thi sĩ của thời Thơ Thơ đã thay vào một con người khác.
Chăm chỉ, tất bật, vơ bèo gạt tép, chú trọng về lượng, viết theo đơn đặt hàng,
theo nhu cầu chính tri.. Thơ đã trở thành một món hàng và mất đi cái lãng mạn
thơ mộng của thời tuổi trẻ mà người thơ ấp ủ.
Xuân Sách trong tác phẩm "Chân Dung Nhà Văn" đã có
vài dòng thơ phác họa vóc dáng Xuân Diệu như sau:
"Hai đợt sóng dâng. Một Khối Hồng.
Không làm trôi được chút Phấn Thông.
Chao ơi! Ngói Mới, Nhà không mớị
Riêng còn chẳng có, có gì Chung!..."
Phấn Thông Vàng là tập tiểu thuyết xuất bản thời Tiền chiến
và Một Khối Hồng, Ngói Mới, Riêng Chung, là những tập thơ xuất bản về sau này của
Xuân Diệu. Bốn câu thơ biểu lộ văn nghiệp của tác giả Thơ Thơ với ý nghĩa hơi mỉa
mai. Mặc dù về sau này thi sĩ dành hết tâm lực cho văn chương nhưng thi ca vẫn
là những chữ nghĩa nhạt nhẽo. Dù vẫn giữ vị trí cây đa cây đề trong văn học
nhưng thơ đã mất đi những khai phá sáng tạo ban đầu. Đề cương văn hóa của Đảng
muốn triệt tiêu cái "riêng" để có cái "chung" kiểu làm chủ
tập thể. Và rốt cuộc thì riêng cũng chẳng có và chung cũng chẳng ra gì.
Năm 1938, Xuân Diệu in tập "Thơ Thơ" với nhãn hiệu
là một thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Khác với những người như Hoài Thanh, Chế
Lan Viên,... có lúc đã phủ nhận những tác phẩm của mình triệt để phê phán đến mức
muốn xóa bỏ Thơ Mới, ông một mực bảo vệ đến cùng những tâm huyết một thời của
mình. Khi làm Tuyển Tập Xuân Diệu ông đã giữ lại phần đông những bài trong Thơ
Thơ và Gửi Hương Cho Gió. Chỉ có khác một điều, những lời đề tặng ông xóa sạch
đi coi như chẳng liên quan gì đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Như bài Đi Thuyền tặng
Khái Hưng, Vô Biên tặng Hoàng Đạo, Đây Mùa Thu Tới tặng Nhất Linh. Thậm chí ông
còn tuyên bố vào Tự Lực Văn Đoàn chỉ vì cái lợi chứ chẳng có tình cảm lý tưởng
văn chương gì.
Bốn năm sau, năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, tác giả
"Nhà Văn Hiện Đại" đã viết về tập thơ Thơ Thơ: "...Xuân Diệu thật là một người có tâm hồn thi sĩ. Ông làm thơ với sự
nồng nàn tha thiết nên ông không phải là một tay thợ thơ, một tay có tài gọt
dũa từng câu từng chữ. Cũng vì thế mà trong tập Thơ Thơ của ông đã có những đoạn
thật du dương xen lẫn với những đoạn quá tầm thường về cả ý lẫn lời và âm điệu
chỉ kéo lại được cái thành thật mà thôi. Nhưng chính vì có cái hay lẫn cái dở,
cả những cái rất thấp với những cái rất cao, nên đọc Thơ thơ tôi thấy thú vị
hơn đọc những tập thơ tuy không có dở nhưng cái hay cũng không có nốt..."
Với tập "Phấn Thông Vàng", một tiểu thuyết khác của
Xuân Diệu, Vũ ngọc Phan viết:
"...Xuân Diệu ở đâu cũng đem theo một hồn thơ bát ngát và mơ màng.
Trong quyển Phấn Thông Vàng mà Xuân Diệu gọi là một tập tiểu thuyết ngắn, tôi
chỉ thấy rặt thơ và thợ Không phải thơ bằng những câu có vần có điệu, không phải
thơ ở những lời đẽo gọt, mà thơ ở lối diễn tính tình cùng tư tưởng ở những cảnh
vật con con mà tác giả vẽ nên những nét tỉ mỉ khi ảm đạm lúc xinh tươi, tùy
theo cái hứng của tác giả..."
Và tác giả "Nhà văn Hiện Đại" kết luận: "Người
ta thấy, dù ở văn xuôi hay văn vần, bao giờ Xuân Diệu cũng là một thi sĩ, một
thi sĩ rất giàu lòng yêu dấu."
Một kiện tướng của Thơ Mới, nhà thơ Thế Lữ trong bài tựa Thơ
Thơ đã viết:
"...Thơ Xuân Diệu do đấy mà buồn tịch mịch ngay trong những điều ấm nóng reo
vui. Lạnh lùng ấm áp khắp mọi nơi... xa vắng gồm tự muôn đời... ở đâu cũng là nỗi
nhớ nhung thương tiếc. Lòng thi sĩ thấy rõ điều trái ngược: nồng nàn bởi vì thê
lương, khăng khít nhưng vẫn hững hờ, bao nhiêu cảnh éo le của cuộc đời mà Xuân
Diệu yêu tới đau khổ. Thơ Xuân Diệu là hơi thở thầm kín giấu diếm trong đó ẩn sự
huyền bí ghê rợn của một đêm trăng, sự não nùng bao la của một buổi chiều và tất
cả tâm hồn khó hiểu của người của cảnh..."
Xuân Diệu thời tiền chiến đã làm thơ trong quan điểm
"nghệ thuật vị nghệ thuật". Bài thơ mà về sau này được nhắc nhở nhiều
với hình ảnh con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi. Tự nhiên như hơi thở, thơ
là hình tượng của những cõi không gian bềnh bồng, viết mà chẳng tự hỏi mục đích
của ngôn ngữ vần điệu thi ca mình.
"Tôi là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi
Khi gió sớm vờn reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu bên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa..."
Bài thơ "Cảm xúc" là trang vào tập cho tập thơ
"Gửi Hương Cho Gió" cũng là một tuyên ngôn thơ đặc sắc. Bài thơ này
sau bị Sóng Hồng (tức Trường Chinh) viết nhái lại và đả phá toàn bộ ý tưởng để
gửi cho những người làm thơ một đề cương văn hóa của cái gọi là văn học xã hội
chủ nghĩa.
"Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến
Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn hương
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc
Đôi giếng mắt đã chứa trời vạn hộc
Đôi bờ tai nào ngăn cảm thanh âm
Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm
Của xanh thắm thấy muôn màu nói sẽ..."
Thơ Xuân Diệu có ngôn ngữ rất lạ so với thời ấỵ Ngôn ngữ rất
"tây" như nhiều nhà phê bình nhận đi.nh Ý tưởng cũng rất phóng
khoáng, hình ảnh sinh động của trái tim và bộ óc, nghĩ và cảm chân thực. Tất cả
những yếu tố ấy làm thơ của ông được chép trong những trang thơ gối đầu giường
của giới trẻ VN những thập niên sau. Thơ trẻ trung như:
"Thơ ta hơ hớ chưa chồng
Ta yêu muốn cưới mà không thì giờ
Mùa thi sắp tới!... em Thơ
Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau..."
Và ở nhiều bài khác, thơ đã cất cánh bay đi trên những nẻo đường
nhân sinh vạn dặm. Thơ tình yêu ngọt ngào, thoang thoảng ý nghĩa thúc hối của
trái tim thèm khát ái ân. Thơ, của một thi sĩ thứ thiệt. Thơ là quý kim vàng mười
rực rỡ với thời gian. Cho đến khi, Xuân Diệu thành một người... "lao động
đơn giản theo nghĩa đen của từ này". Thơ trở thành một công cụ cho chế
đô.. Thơ "kinh khủng" như:
"... Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đầy chết thôi..."
Thơ xiển dương tội ác phục vụ cho những cuộc đấu tố của phong
trào cải cách ruộng đất. Hay, thơ hung bạo khát máu, kêu gọi bạo lực, gào la
chiến tranh:
"Máu kêu máu trả thù
Súng đâu anh em đâu
Bắn nó thủng yết hầu
Bắn tỉa bắn dài lâu..."
Hoặc thơ nịnh bợ "Thơ dâng Bác Hồ" sáng tác ngày 19
tháng 5 năm 1953:
"...Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con đã được bác Hồ đến thăm
Chúng con dưới vực sai lầm
Đang vươn mình được bác cầm tay lên
Lời Cha rất mực dịu hiền
Như là thấm nhẹ mà xuyên vào lòng
Con ngồi trước Bác mênh mông
Tội nhiều chưa dám ngẩng trông cha già..."
Xuân Diệu bỗng nhiên trở thành một công cụ, cung cấp những dịch
vụ văn nghệ mỗi khi Đảng cần đến. Và ông đã khoe là làm tốt nhiệm vụ ấỵ Trong
bài thơ "Buổi trưa ở Thịnh Lang", ông đã tự coi mình như một thứ gà
mái đẻ, sẵn sàng mắn đẻ để phục vụ nhân sinh:
"Cục tác... cục tác.
Hết trứng này tôi còn trứng khác..."
Trong Nhà Văn VN tập 1, Phan Cự Đệ biên tập Hà Minh Đức đã nhận
xét:
"Thơ Xuân Diệu thường rơi vào kể lể dài dòng, trúc trắc mà nghèo nhạc
điệu, giảm sút sức truyền cảm. Có thể vì lý do trên mà những người thích thơ
Xuân Diệu chưa nhiều. Lẽ ra anh chỉ cần đem đến cho đời một vài quả đến độ thật
ngọt chín và thơm hương, thì anh lại dâng cả chùm quả còn nửa chín nửa xanh
dang dở. Lẽ ra anh có thể tập trung sức để gây ấn tượng về chất lượng, Xuân Diệu
lại phân tán năng lực qua số lượng..."
Đặng Tiến (tức Nam Chi) trong một bài viết về Xuân Diệu cũng
có một nhận xét:
"Xuân Diệu đã cướp một mâm tiệc Bồng lai đem về làm một bữa cơm trần thế
cho những người ăn vì cần ăn chứ không phải ăn cho vui miê.ng. Thơ Xuân Diệu
ngày xưa là áo gấm, thơ Xuân Diệu ngày nay là manh áo nâu sứt chỉ đường tà..."
Vương Trí Nhàn trong bài viết của tác phẩm "Cây Bút Đời
Người" cũng viết:
“... Trong chừng mực nào đó, phải nhận sự nhẫn nhịn ở Xuân Diệu là một cái
gì đáng quý. Nó không chỉ là khiêm tốn biết điều. Sâu sắc hơn thế nó chứng tỏ một
nhận thức chính xác về tình thế người làm văn nghệ ở một nước mà đời sống vật
chất còn nhiều khốn khó. Nó giúp cho người nghệ sĩ tránh khỏi những hoang tưởng
bốc đồng qúa đáng làm phiền mọi người và làm phiền chính mình. Có điều nhiều
khi Xuân Diệu đã đẩy nó đi quá xa biến thành một cách sống cầu an, chiều đời tự
hạ thấp nhu cầu nghệ thuật và chất lượng sáng tác của mình một cách đáng tiếc.
Ai cũng biết thơ Xuân Diệu sau 1945 có nhiều bài phải gọi là dở. Nó gò gẫm giả
tạọ Nó chỉ chứng tỏ rằng người viết cố làm cho bằng được chứ mất hết cả cái vẻ
tự nhiên hồn hậu mà thơ hay đáng lẽ phải có...“
Vương Trí Nhàn viết về Xuân Diệu rất chân tình thành thực.
Ông cũng tiếc cho một tài năng của “người làm văn nghệ ở một nước mà đời sống vật chất còn khốn
khó". Nhưng không phải đời sống vật chất thôi mà còn cả đời sống
tinh thần nữa. Khi văn nghệ bị chỉ đạo và dẫn dắt bởi Đảng, khi tự do sáng tác
chỉ là giấc mơ không bao giờ có, khi những đầu nậu văn nghệ như Tố Hữu còn giơ
tay thép xiết chặt suy tư, khi chính quyền toàn trị tha hồ thưởng phạt tùy hứng.
Thì làm sao, thi ca văn chương có được những mùa gặt tốt. Cứ trói rồi cởi trói,
văn nghệ sĩ đã có một quán tính theo thời để tồn tại.
Nhưng cũng có những người vẫn giữ sự độc lập khi cầm bút. Như
những nhà văn nhà thơ nhóm Nhân văn Giai Phẩm. Họ đã chịu những dầy xéo truy bức
đến mức không còn bút mực nào tả cho xiết được. Thành ra, từ nhà thơ thứ thiệt
Xuân Diệu để thành một người thợ lao động để tạo ra món hàng, cũng là chuyện
bình thường của văn học Xã Hội chủ Nghĩa. Hình như, không phải riêng Xuân Diệu
mà còn thấp thoáng nhiều vóc dáng văn chương cổ thụ khác...
Nguồn: Nam Úc Tuần Báo