Nguồn
Không có câu chữ mượt
mà và hình ảnh đậm chất văn học như A Bright Shining Lie (1989)
của Neil Sheehan; không làm nhức đầu với khối lượng tư liệu ngồn ngộn như Death
of a Generation: How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam
War (2003) của Howard Jones, và cũng không nhiều chi tiết đến mức thừa
thãi như Hue 1968 (2017) của Mark Bowden, quyển sách dày cộm
gần 1.000 trang - Vietnam: An Epic Tragedy, 1945-1975 - của
nhà báo-sử gia người Anh Max Hastings (NXB Harper Collins phát hành ngày
16-10-2018) là những câu chuyện “rất người” và “rất đời”, được thuật từ nhiều
phía, ở cự ly rất gần…
Không mắc vào “tư duy
phản chiến thiên tả” như trong nhiều quyển sách hoặc phim tài liệu về cuộc
chiến Việt Nam của giới nghiên cứu Mỹ, Vietnam: An Epic Tragedy ghi
lại những câu chuyện sống động nhưng bi thảm với sự biến dạng nhân tính của một
cuộc chiến khủng khiếp như vốn dĩ bản chất chiến tranh.
Với tư cách phóng viên
chiến trường (và là một trong những người nước ngoài cuối cùng rời Sài Gòn trên
chiếc trực thăng vào những ngày di tản tháng 4-1975), Max Hastings có cái nhìn
nhiều chiều đặt trong tầm quan sát với không gian rộng.
Gần như chẳng sự kiện
nào được miêu tả một phía. Cái gọi là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động
địa cầu” Điện Biên Phủ, dưới ngòi bút Max Hastings, cũng đầy tổn thất cùng
những xói lở tinh thần của lính Bắc Việt.
Ghi lại lịch sử một
cuộc chiến một cách khá “cân bằng”, Max Hastings đã “bắn” vào mọi mục tiêu. Ông
cho thấy Pháp bám víu trong thế thua như thế nào; ông nhắc lại chính sách và
chiến lược sai lầm của Mỹ, ông thuật lại tình trạng tham nhũng của VNCH và ông
kể lại sự tàn bạo của du kích Việt Cộng lẫn binh lính Bắc Việt…
Vietnam: An Epic
Tragedy không đi theo motif
“lời nguyền cuộc chiến” mà nhiều quyển sách trước đó mắc phải. Max Hastings
không mất thời giờ cho những “tự vấn” quen thuộc: tại sao và như thế nào. Thay vào đó, ông lột tả diện mạo man rợ của
chiến tranh.
Gần như không kể lại những cảnh gào thét phản
chiến chấn động nước Mỹ, Max Hastings đưa ra hình ảnh “một phụ nữ bị chém chết
bởi bà có hai con đi lính VNCH”, hoặc “một người đàn ông bị (du kích) chôn
sống, mồm gào lên liên tục “Tôi sắp chết! Tôi sắp chết!”, trước khi tiếng la
thét của ông chìm mất bên dưới gò đất”. Max Hastings cũng miêu tả “một người
khác bị (du kích) giết chỉ bởi ông nhậu với một cảnh sát địa phương”…
Cuộc chiến không chỉ
có các chiến dịch tìm diệt của lính Mỹ mà còn có những cuộc khủng bố khiếp đảm
của Việt Cộng.
Từ 1957 đến 1960, có
đến 1.700 viên chức Sài Gòn và các tỉnh đã bị giết. Thêm 1.300 người nữa bị
giết trong năm 1961. Con số khủng bố ám sát viên chức chính quyền miền Nam tăng
vọt lên 2.000 người vào năm 1963 (trang 151)…
Và trong khi hàng ngũ
lính tráng VNCH được miêu tả là thiếu tinh thần kỷ luật thì quân lính Việt Cộng
cũng xảy ra không ít rối ren. Nam Kinh, một chỉ huy địa phương ở miền Tây Nam
bộ, nổi tiếng có tài nhưng nghiêm khắc, đã bị bắn vào lưng bởi một trong những
người lính của mình do tức giận khi bị ngăn cản kết hôn với một góa phụ xinh
đẹp. Thanh Hải, một chỉ huy khét tiếng của Việt Cộng, cũng “vang danh thiên hạ”
với tật nhậu nhẹt và gái gú (có lần mò vào mùng của vợ một người khác) (trang
151)…
Không chỉ thuật lại
mâu thuẫn trong giới chính trị Mỹ về chính sách đối với cuộc chiến, Max
Hastings còn miêu tả chi tiết bức tranh khốn khó của xã hội miền Bắc, mà như
đại tá quân đội Liên Xô Yury Kislitsyn miêu tả: “Người (Bắc) Việt ăn mọi thứ
biết di chuyển trừ xe tăng; mọi thứ biết bơi trừ hàng không mẫu hạm, mọi thứ
biết bay trừ B-52” (trang 368).
Có nhiều chi tiết liên
quan xã hội miền Bắc trước nay ít được kể trong những quyển sách về cuộc chiến
Việt Nam. Mùa hè 1961, miền Bắc lâm vào tình trạng đói nghiêm trọng, đến mức
xảy ra biểu tình và dẫn đến một vụ đốt kho thóc; rồi người dân đụng độ với quân
đội; và tháng 8 thì xảy ra vụ đốt một nhà máy sản xuất xe đạp. Thậm chí có một
vụ đặt bom ở Đông Anh hoặc một vụ nổi loạn của quân đội địa phương (trang 148)…
Vietnam: An Epic
Tragedy cũng kể lại
chiến dịch viện trợ vũ khí lẫn người của Liên Xô, cũng như chính sách “đu dây”
giữa Trung Cộng và Liên Xô của Bắc Việt, khiến Sứ quán Liên Xô phải “cay đắng
báo cáo về Moscow vào tháng 3-1967”, rằng “chuyên gia quân sự của chúng ta làm việc
trong một môi trường cực kỳ khó khăn, thường bị làm tồi tệ hơn bởi các đồng chí
Việt Nam…”.
Trong nhiều trường
hợp, Bắc Việt thường cố tình báo cáo chậm các vụ bắn rơi máy bay Mỹ và khi
chuyên gia Liên Xô đến hiện trường thì mọi thứ có giá trị đã bị dọn đi mất cùng
với các chuyên gia Trung Quốc.
Sự trở mặt của Bắc
Việt với Liên Xô trở nên công khai hơn vào tháng 3-1968, khi Hà Nội tung ra
luật cấm đi lại đối với viên chức ngoại giao Liên Xô cũng như cấm giao tiếp với
dân địa phương (trang 370)…
Quan hệ nam nữ giữa
chuyên gia Liên Xô với các cô gái địa phương bị cấm gần như tuyệt đối. Có lần,
khi thấy một nhóm cô gái khuân đá tại một công trường dưới sự canh gác của bảo
vệ, trung úy Valery Miroshnichenko đã được phiên dịch giải thích: “Bọn chúng là
những kẻ phạm tội quan hệ với người nước ngoài” (trang 368).
Đói là nỗi ám ảnh kinh
niên của người dân lẫn lính Bắc Việt. Đại tá Nguyễn Hữu An kể, có lần khi nghe
tin săn được một con voi, mọi người chạy ào đến. Tới nơi đã thấy bụng voi được
“mổ” bằng thuốc nổ. Một người bò ra khỏi bụng nó, cầm mảng thịt to; và những
người khác thì lao vào xẻ thịt. Phần ngon nhất, cái vòi và bốn chân, đã bị cắt
đi mất. Chỉ sau vài giờ, tất cả những gì còn lại là đống xương bầy nhầy (trang
423).
Lần khác, khi nghe tin
bắn được con tinh tinh, một nhóm lính Bắc Việt cũng vội chạy đến. Tuy nhiên,
sau khi lột da, con vật trông hệt như một phụ nữ mập ú với làn da loét lở trong
khi cặp mắt nửa trắng nửa xám vẫn còn trợn ngang trợn dọc. Cả nhóm kinh sợ bỏ
chạy. Cuối cùng, thay vì ăn con vật, họ chôn nó dưới một tảng đá (trang 424).
Không chỉ chuyện đói,
xã hội Bắc Việt còn ngột ngạt bởi không khí chính trị hóa. Phạm Phương đã không
thể vào đại học chỉ bởi cha cô là một trí thức đọc thông viết thạo tiếng Anh,
Pháp và Nga. Tương tự trường hợp Nguyễn Đình Kiên. Khi Kiên nhận được giấy báo
nghĩa vụ quân sự, bố mẹ cậu làm đơn xin hoãn vì cậu là con trai duy nhất, sau
khi người anh của cậu tử trận ở Lào. Bố cậu từng làm nhân viên bảo vệ cho Pháp.
Thế là thuộc “thành phần không tốt” rồi. Đơn xin vào Đảng của Kiên, dĩ nhiên,
bị từ chối. Dù học giỏi nhưng Kiên vẫn không được chọn đi du học. Tình nguyện
xin học lái máy bay và thi đậu tất cả các cuộc kiểm tra, Kiên vẫn không được
vào quân đội (trang 362)…
Vietnam: An Epic
Tragedy là một trong
quyển sách chiến tranh Việt Nam hiếm hoi đề cập không chỉ những ngày cuối cùng
của tháng 4-1975 mà còn nhắc lại những bi kịch hậu chiến.
Câu chuyện nhân vật
“Hai Thuan” là một ví dụ. Từng chiến đấu dưới hàng ngũ Việt Minh và sống ở miền
Bắc suốt cuộc chiến, Hai Thuan trở về “tiếp quản” Sài Gòn sau 30-4. Dù làm cho
Bộ Tư pháp dưới chế độ mới nhưng ông vẫn không “cứu” được người con ruột bị bắt
đi “học tập cải tạo” vì là sĩ quan VNCH. Sự phản đối và kêu nài của ông bị Bộ
chính trị khước từ. Một buổi sáng, ông nhảy lầu tự tử từ nóc một building ở
đường Lê Lợi, để lại hai bức thư tuyệt mệnh – một cho Đảng; và một cho vợ con,
xin tha thứ cho ông (trang 734).
Câu chuyện của bà Lê
Thị Thu Vân là một bi kịch kiểu khác. Ngày 23-4-1975, người phụ nữ 45 tuổi Thu
Vân, vợ góa của giáo sư Nguyễn Văn Bông, tìm cách di tản. Khi lên chiếc C-130,
bà và các con được xếp ngồi trên bốn chiếc ghế. Một người Mỹ trẻ cao to chen đám
đông đến, ra hiệu cho bà Thu Vân nhường ghế. Khi bà từ chối, người thanh niên
Mỹ giận dữ ném chiếc vali nặng xuống chân bà. “Này bà kia” – người thanh niên
Mỹ nói – “bà có biết bà sẽ làm gì ở đất nước chúng tôi không? Bà làm ở phòng
giặt đồ!”. Sau này, bà Thu Vân viết: “Tôi đã rời đất nước mình với con tim nặng
trĩu và đôi chân bị nghiền nát” (trang 712).
Cuộc chiến đã “kết thúc” bằng những bi kịch
như vậy, với những con tim trĩu nặng và bàn chân bị nghiền nát, để lại những di
chứng kinh khủng, đến mức không ít người, cho đến nay, sau hơn 40 năm, vẫn chưa
một lần trở về quê hương…