Trên
BBC 23-2-2017 có bài “Những câu chuyện không chỉ dành cho người Việt” của Nguyễn
Phan Quế Mai
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-39061117
(Bạn
đọc có thể đọc lại bài này trên Văn Nghệ quân đội tháng 3-2018
http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/viet-thanh-nguyen-va-nhung-cau-chuyen-khong-chi-danh-cho-nguoi-viet-11743_5364.html)
Tôi không đọc được Nguyễn Thanh Việt nhưng lại
muốn hiểu đôi chút về tác giả này với tư cách một người viết về chiến tranh.
Qua
bài báo của Nguyễn Phan Quế Mai tôi nhận ra một số chủ đề được Nguyễn Thanh Việt
triển khai như sau:
- Chiến tranh. Tại sao chiến tranh lại xảy
ra? Tại sao con người lại tiếp tục chia rẽ con người? Sự chia rẽ đó không chỉ tồn
tại trong hoặc ngay sau cuộc chiến, mà hậu quả của nó còn kéo dài trong rất nhiều
thập kỷ.
Theo
sự kể lại của Nguyễn Phan Quế Mai, trong truyện ngắn “I'd Love You to Want Me”
(tạm dịch Em muốn anh khao khát em), quá khứ - với những đường viền ảo mờ là
chiến tranh và loạn lạc - có nguy cơ chia rẽ những cặp vợ và chồng vốn rất gắn
bó. Bà Khanh - người phụ nữ phải hy sinh công việc mà bà yêu thích để có thể
chăm sóc chồng - dần nhận ra rằng chồng bà đang nhầm lẫn bà với một người phụ nữ
khác. Người phụ nữ đó là ai và có vai trò thế nào trong thời gian chồng bà còn
sống ở Việt Nam? Liệu việc bà và chồng đã cùng sống sót chuyến hành trình vượt
đại dương, đã cùng vượt qua những ngày đầu ở California - nơi họ đã phải ăn đồ
ăn mua bằng phiếu thực phẩm, mặc quần áo cũ do người khác bố thí - có đủ níu họ
lại với nhau? Nghĩa là kinh nghiệm tị nạn liệu có lấn át kinh nghiệm chiến
tranh?
--
Tị nạn. Di sản mà những người tị nạn chiến tranh thừa hưởng từ cha mẹ
mình thường bao gồm sự nghèo đói, hoặc sự bơ vơ lạc lõng trên đất khách quê người.
Theo
Nguyễn Phan Quế Mai, khi mô tả những di sản thường gặp đó, ngòi bút của Nguyễn
Thanh Việt bám rễ vào thế giới nội tâm của những người tị nạn để cất lên tiếng
nói về di chứng tâm lý hậu chiến.
Chẳng
hạn “khi nằm trên giường và lắng nghe những đứa trẻ chơi nhắm mắt chạy trốn ở lối
đi giữa những chiếc lều, anh cố gắng quên đi những người đã bám vào không khí
khi rơi xuống sông, một số người bị đánh ngã trong sự hỗn loạn, một số bị những
người lính đang tuyệt vọng tìm đường tháo chạy bắn vào lưng”.
Trong
các nhà văn VN hiện nay không có nhiều người lo viết về chiến tranh. Số muốn tiếp
tục khai thác đề tài này thì lại không rõ nên viết cách nào và trước hết nên
quan niệm viết về chiến tranh như thế nào.
Dường
như để trả lời cho câu hỏi này, Nguyễn Phan Quế Mai dẫn lại một câu tâm huyết của
Nguyễn Thanh Việt:
“…Các tác phẩm của tôi, mặc dù chủ yếu nói về
người Việt và cuộc chiến tranh Việt Nam, nói cho cùng là để hướng tới những chủ
đề to lớn hơn - chiến tranh và ký ức, quyền lực và lạm dụng quyền lực, loại trừ
và dung nạp, bất công và đấu tranh giành lại công lý. Lịch sử của bản thân tôi
- với tư cách là người tị nạn mà cả hai đất nước đều không muốn đón nhận - đã
khiến tôi trở thành một người viết luôn ngờ vực chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh,
và những tác phẩm viết ra không vì mục đích tạo nên sự thay đổi.”
Đoạn văn có tính tuyên ngôn này gợi ra nhiều điều
để suy nghĩ tiếp.
HÃY TÌM TỚI
NHỮNG
KHÁI QUÁT
Các
nhà văn VN ở Hà Nội (và theo sự quan sát của tôi, phải kể cả một phần lớn người
cầm bút ở Sài Gòn trước 4-1975) khi viết về chiến tranh thường chỉ dừng lại ở sự
miêu tả cụ thể và những khái quát đơn giản. Chưa thấy ai có khả năng mở ra những
vấn đề “chiến tranh và ký ức, quyền lực và lạm dụng quyền lực, loại trừ và dung
nạp, bất công và đấu tranh giành lại công lý” như Nguyễn Thanh Việt nêu ở đây.
Một
phần lý do của sự “dừng lại” này là ở chỗ chúng ta chỉ biết tới chiến tranh ở
Việt Nam mà gần như chẳng biết gì về chiến tranh ở các nước khác. Không có cái
mà so sánh thì khó lòng hiểu một sự việc cho sâu sắc – đấy là một lẽ thường
tình.
Khi
không tự hạn chế trong miêu tả những vấn đề cụ thể của cuộc chiến đã qua ở Việt
Nam, Nguyễn Thanh Việt nâng tầm khái quát của tác phẩm bằng cách đi vào những vấn
đề bao quát cả trong chiến tranh lẫn đời sống trong thế giới hiện đại.
Tôi
cũng tìm thấy ở đây cái lý do chính khiến cho Nguyễn Phan Quế Mai đặt tên bài
viết của mình là “Những câu chuyện không chỉ dành cho người Việt”
PHẢI BIẾT VƯỢT QUA
CHỦ NGHĨA DÂN TỘC
Nguyễn Thanh Việt đã rất tâm huyết khi tự nhủ
[hãy thay đổi bản thân theo hướng] trở thành một người
viết luôn ngờ vực chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh, và những tác phẩm viết ra
không vì mục đích tạo nên sự thay đổi.”
Sâu trong tâm lý người Việt Nam
chúng ta, suốt trong những năm chiến tranh và gần 50 năm hậu chiến, khái niệm
quốc gia/dân tộc đã được đưa tới một tầm mức thiêng liêng chi phối mọi suy nghĩ
và hành động của chúng ta.
Nhưng xét trên phạm
vi thế giới thì không phải thế.
Cuốn sách “Những cộng đồng tưởng tượng” (Imagined
Communities) của Benedict Anderson là một tác phẩm nghiên cứu về chủ nghĩa quốc
gia/dân tộc gây chấn động.
Trong cuốn sách,
Benedict Anderson đã chứng minh rõ khái niệm về quốc gia/dân tộc là một khái
niệm mà theo ông “đã tạo điều kiện cho việc, trên hai thế kỷ qua, bao nhiêu
triệu người sẵn sàng giết và sẵn sàng bị giết”.
Dịch giả Như Huy trong bài dẫn luận cho cuốn sách mà tôi đọc
được trên mạng Văn Việt cho biết Benedict Anderson đã đi tới một kết luận theo
đó nên xem chủ nghĩa này một trong những ý thức tiêu diệt tính nhân bản của con
người.
Việc tìm hiểu thêm về quan niệm này của Benedict Anderson là rất cấp bách.
Nó giúp chúng ta có cách nghĩ đa dạng hơn nhiều chiều hơn về
vai trò chiến tranh trong lịch sử dân tộc cùng những vấn đề liên quan.
CẦN CÓ SỰ BỔ SUNG
TỪ THẾ ĐỨNG NGOÀI
Đằng sau hai chữ ngờ vực chủ nghĩa dân tộc mà Nguyễn
Thanh Việt dùng ở trên ắt hẳn còn những nội dung cụ thể khác.
Lúc này đây, tôi muốn dừng lại ở khía cạnh cái thế đứng
ngoài của tác giả. Về không gian, nay tác giả đang sống ở một nước khác. Về thời
gian, tác giả sinh ra và lớn lên ở thời hậu chiến.
Theo cái lý luận rất đơn giản song đầy sức khống chế
mà các nhà văn Hà Nội được giáo dục và lấy làm nguồn lực hành động thì như vậy
sẽ rất khó viết, nếu không nói rằng không bao giờ nên viết. Anh sẽ không có được
những chi tiết sinh động. Nhất là anh sẽ không có được cảm giác của người trong
cuộc.
Không kể các nhà văn thế hệ chống Mỹ nay đã ở tuổi cổ
lai hy, ngay các nhà văn trẻ sinh sau chiến tranh cũng thường dựa vào cớ này --
sự xa cách về thời gian -- để giải thích những thất bại của họ khi viết và tiếp
đó là thực sự lảng tránh đề tài chiến tranh.
Cách nghĩ của Nguyễn Thanh Việt là một gợi ý đúng lúc.
Tôi còn muốn mạnh dạn nói rằng gần như cả thế giới người ta nghĩ theo kiểu ấy,
riêng ở ta là khác.
Suốt trong những năm chiến tranh dân Hà Nội sống bằng
ý nghĩ là chỉ có người Việt Nam mới hiểu được người Việt Nam và về chiến tranh
cũng vậy.
Chỉ có vài năm gần đây mới có thay đổi chút ít nhưng
chưa đến mức thay đổi cả nhận thức.
Chúng ta tự cho là mình độc quyền trong việc giải
thích chiến tranh và theo tôi hiểu sự hạn chế trong việc nhận thức chiến tranh
đã khiến cho nếp sống nếp nghĩ thời chiến kéo dài đến hôm nay, trong khi hướng
tới tương lai thì sự thực là chúng ta vẫn sống trong sự thống trị của quá khứ.
Hẳn có người sẽ vặn lại: Anh bảo tôi từ bỏ trải nghiệm
hôm qua chỗ đứng hôm qua à. Vô trách nhiệm quá. Và hoang đường nữa!
Không tôi không ngớ ngẩn đến thế.
Tôi chỉ đề nghị chúng ta phối hợp cái thế đứng trong vốn
có, với một khả năng khách quan hóa quá khứ. Tức đi tìm mình không chỉ bằng
kinh nghiệm của mình mà còn phối hợp kinh nghiệm kẻ khác.
Nó sẽ làm ta thấu đáo hơn sáng suốt hơn.
Công nhận vai trò của một cái nhìn từ thế đứng ngoài bổ
sung cho thế đứng trong không chỉ liên quan đến nhận thức về chiến tranh mà còn
tới nhận thức đời sống nói chung.
Nó cũng đã được khái quát trong nhiều công trình thuần
túy lý luận, chắc các bạn đọc đọc nhiều về nhận thức luận đều biết.
Lý luận về sân khấu gián cách của nhà thơ nhà viết kịch
Đức B Brecht là một bước ngoặt trong tư duy nghệ thuật thế giới mà ở Hà Nội trước
1975, còn được nhắc tới ít nhiều, nay thì gần như không ai đoái hoài tới nữa(?)
Phần tôi, có ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là nhà
nghiên cứu người Nga M.M. Bakhtin. Trong một bài viết ngắn viết cuối đời, ông
đã dành đoạn cuối nói về thế đứng ngoài trong văn học. Bài này tôi đã dịch và
giới thiệu ở Tạp chí Văn học 1980, mới đây năm 2014 đã đưa lại trên blog của
tôi ở đường link
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/05/m-bakhtin-mot-so-van-e-can-luu-y-khi.html
Có một quan niệm đã sống dai dẳng trong chúng ta nhưng
là quan niệm một chiều và do đó không đúng: đó là quan niệm cho rằng để hiểu một
cách thật đúng một nền văn hóa khác, cần đặt mình vào đó, quên mình đi, chỉ
nhìn thế giới bằng con mắt của nền văn hóa xa lạ với mình này.
Cố nhiên, việc thâm nhập vào một nền văn hóa khác, khả
năng nhìn thế giới bằng con mắt của nó là nhân tố cần thiết để tìm hiểu chính nó.
Nhưng nếu chỉ dùng phương thức đó để hiểu mọi chuyện, thì kết quả thu được chẳng qua chỉ là một bản sao đơn giản, không có gì mới và cũng không làm cho người ta giàu có thêm về bất cứ phương diện nào...
Để hiểu hiện tượng, nhà nghiên cứu có một việc quan trọng là tạo ra thế đứng ngoài – đứng ngoài về cả không gian, thời gian và văn hóa – trong tương quan với sự vật mà nhà nghiên cứu đó muốn hiểu một cách sáng tạo.
Bản thân bề ngoài của mỗi con người cũng không bao giờ được người đó nhìn nhận một cách thấu đáo và suy nghĩ được toàn diện; không một tấm gương hoặc một bức ảnh nào giúp được người đó trong việc này hết. Chỉ có những người ngoài nhìn thấy cái vẻ ngoài thực sự của anh ta, hiểu vẻ ngoài đó, nhờ cái thế đứng ngoài xét về mặt không gian, cũng như nhờ vào chỗ họ là những người khác.
Trong lĩnh vực văn hóa, thế đứng ngoài là một thứ đòn
xeo mạnh mẽ giúp cho sự hiểu biết. Chỉ trong mắt những nền văn hóa khác, một nền
văn hóa lạ mới tự phát hiện ra mình một cách đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Trong
khi gặp gỡ và tiếp xúc với nhau, từng nền văn hóa này phát hiện ra bề sâu của
mình; giữa đôi bên dường như bắt đầu một cuộc đối thoại, khiến cho những phương
diện chật hẹp và đơn điệu của từng nền văn hóa được khắc phục.