VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Trở lại với L. Aragon - nhà thơ Pháp có ảnh hưởng tới đời sống văn học Hà Nội trước 4-1975

 

TRỞ LẠI VỚI L. ARAGON –

NHÀ THƠ PHÁP CÓ ẢNH HƯỞNG

TỚI ĐỜI SỐNG VĂN HỌC HÀ NỘI

TRƯỚC 4-1975

 

Nguyên là bài

Thế nào là trở cờ, thế nào là thay đổi niềm tin chính trị? Trường hợp L. Aragon (1897 – 1982)

https://vuongtrinhan.blogspot.com/2017/12/the-nao-la-tro-co-nao-la-thay-oi-niem.html

Phần đầu đưa lại dưới đây đã được sửa chữa

--

Tháng 12-2022 là dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của L. Aragon (1897 – 1982) và tính theo năm là 125 năm ngày sinh của ông. Đối với những người làm thơ viết văn, và nhiều người đọc hiện nay tên ông là một cái gì xa lạ. Nhưng đối với thế hệ tôi thì khác. So với hôm nay, thời trước chúng tôi được yêu cầu là phải chú ý tới phương diện chính trị của việc viết văn nhiều hơn. Mặc dù ngày nay trước những chuyện như thế này chúng tôi cũng đã bị thời gian làm cho chai lì đi, và quan trọng nhất là mọi việc đã được hiểu theo cách khác, nhưng nhắc lại câu chuyện tìm tòi tư tướng thời cũ thì phải nhắc tới ông.

 

***
Khi gõ mấy chữ “nhà thơ  Louis Aragon“, vào mục Wikipeda tiếng Việt tôi đọc được một phác thảo tiểu sử quá sơ lược, và lại thiên lệch nữa.  Đại khái như mấy dòng sau đây:

...Thời kỳ Thế chiến II, Aragon   tham gia phong trào Kháng chiến, là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào này.

    Các tập thơ Le Crève-Cœur, (Dao trong tim, -- [hồi 1960,  được dịch là Nát lòng VTN ] in1941); Les Yeux d'Elsa, (Đôi mắt Elsa, 1942); thể hiện lòng yêu nước và sự quay về với những đề tài tình yêu cổ điển.

Ngoài thơ ca, Aragon còn là một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm có giá trị về những vấn đề của văn học hiện đại. Louis Aragon mất ở Paris năm 1982.
 Trong khi đó, vào Wipedia bằng tiếng Anh, rồi đọc bản dịch tự động bài viết này, tôi thấy được bổ sung rất nhiều, trong đó nổi bật cái ý là sự thay đổi niềm tin chính trị nơi Louis Aragon, thể hiện đầy đủ qua các sáng tác.

 Muốn đọc bản tiếng Anh này xin xem

/translate.google.com.vn/translate?hl=vi&sl=en&u=https://en.wikipedia.org/wiki/Louis_Aragon&prev=search

  Sau đây là đoạn quan trọng nhất trong bản dịch bài viết trên đã được tôi chỉnh lại cho sát với văn phong tiếng Việt 


Sau chiến tranh, Aragon trở thành một trong những trí thức Cộng sản hàng đầu, đảm nhận những trách nhiệm chính trị trong Uỷ ban Quốc gia về các nhà văn (Comité national des ecrivains ).

Năm 1950  được bảo trợ bởi  M.Thorez, Aragon được bầu vào ủy ban trung ương của Đảng Cộng sản  Pháp.

Từ tháng ba 1953, Aragon trở thành giám đốc phụ trách văn học của báo L'Humanité , tức tờ Les Lettres françaises .

Tuy nhiên, vị trí đó không bảo vệ ông  khỏi mọi hình thức chỉ trích.

 Khi tạp chí Les Lettres françaises  cho in một bản vẽ của Pablo Picasso vào dịp Stalin chết vào tháng 3 năm 1953, Aragon không tránh khỏi bị  công kích.

Trong nhiều năm, ông đã được thông báo về cuộc đàn áp đối với những phần tử phi Stalinist từ người vợ gốc Nga của ông; dần dà niềm tin chính trị của ông thay đổi hẳn. 

Với sự trợ giúp của trưởng ban biên tập Pierre Daix , Aragon bắt đầu một cuộc đấu tranh chống Stalin và những hậu quả của nó ở Đông Âu .

Năm 1956, Aragon ủng hộ cuộc nổi dậy ở Budapest , sự kiện này  dẫn tới sự tan rã của Comité national des écrivains , tuy cùng năm đó, ông vẫn được trao giải thưởng Hòa Bình Lenin .

 Tiếp đó, tờ báo mà  ông là linh hồn liên tục lên án  chủ nghĩa độc tài  Xô viết, bằng cách đăng bài vở của các nhà bất đồng chính kiến, và lên án các phiên tòa xét xử đối với các nhà trí thức (đặc biệt là phiên tòa Sinyavsky-Daniel năm 1966).

Ông đã ủng hộ mạnh mẽ phong trào được gọi  là mùa xuân Praha vào tháng 5 năm 68.

Những phát biểu của ông được  Milan Kundera  dẫn lại như một lời cổ vũ, một sự hướng dẫn đầy thuyết phục (xem  La Plaisanterie tức Trò đùa).

Mặc dù bị chỉ trích, Aragon vẫn là thành viên chính thức của Ủy ban trung ương của ĐCS Pháp cho đến khi ông qua đời.

--
 Cái ý rõ nhất trong bài viết trên mà tôi tiếp nhận được: người nghệ sĩ - mà có một thời những nhà thơ hàng đầu ở Hà Nội coi như một chỗ dựa về tinh thần - không phải là một cái gì nhất quán. Ông đã thay đổi theo sự thay đổi của hoàn cảnh.

Cũng như  nhiều trí thức đương thời L.Aragon lúc trẻ say đắm những tư tưởng cộng sản bao nhiêu thì  từ 1956 lại cuồng nhiệt làm công việc phê phán niềm tin đó bấy nhiêu.
Trước sau có hai Aragon. Đó là điều tối kỵ với một xã hội thích ca ngợi sự trung thành, đồng nghĩa với bảo thủ.

Nhưng trước mắt chúng ta không phải là một con người cơ hội mà là một Aragon thay đổi một cách chính đáng. 
Khi thấy ông làm cái công việc ngày nay gọi là quay xe đó, nhiều bè bạn của ông, nhiều người hôm qua khâm phục ông, nay quay ra phê phán ông đôi khi bằng những lời lẽ tệ hại.


Bởi sự non nớt của mình lúc đầu tôi rất hoang mang.
Chỉ đến khi thấy ông phản tỉnh một cách  vừa đầy lý trí vừa đầy đau xót tôi mới nhận thấy sự có lý của ông.
 

Trong những bài phản bác  lại những người chê trách mình, ông  nói đại ý
-- có những người mà người ta có thể đề ở trên mồ dòng chữ : người này không bao giờ sai lầm
--  tôi không phải loại người đó.

Cái ý đó đã được chuyển tải khá đầy đủ trong bài viết mang tên Phải gọi sự vật bằng tên của nó.  Người dịch bài này ra tiếng Việt là một trí thức nổi tiếng từ trước 1945, Đinh Gia Trinh.

 Bài dịch được in trên  trên Tạp chí Văn Nghệ ra ở Hà Nội khoảng 1960-61.
 Sáng suốt nhìn lại sai lầm hôm qua của mình, đấy chính là sự khác nhau giữa Aragon và những người thay đổi niềm tin một cách dễ dãi bao gồm cả những kẻ xu thời.

Ở Việt Nam hồi đó cũng có những người làm chung quanh lầm tưởng giống như Aragon.

Đây tôi không nói về cái sự ấp úng thường thấy trong cách biểu hiện tư tưởng của những nhà văn nhà thơ Việt  Nam.
Chúng ta  ở vào một xã hội khác với L. Aragon, chúng ta chẳng biết cái gì đến nơi đến chốn, nên sự dè dặt lại chính ra là lương thiện.
Nhưng dè dặt mà vẫn dai dẳng theo đuổi đến cùng.

Đặc biệt, tôi muốn nói tới cái cách thay đổi của những người làm nghề trí thức VN nhưng lại quá ít chất trí thức.

Số người này lúc đầu rất ít, nhưng vào những năm tháng cuối thế kỷ XX đầu XXI này ngày một nhiều thêm.

Đó là những người bề ngoài cũng như ông, có khi họ còn dùng những lời lẽ quá đáng hơn ông để nói về những điều mà hôm qua họ tin tưởng.

 Nhưng tuyệt đối ở họ không có một chút xót xa tiếc nuối trước sự thay đổi ở mình .
 Họ làm việc  phủ nhận mình một cách dễ dãi và cả vui vẻ nữa.
 Tức là không có cuộc tìm tòi chân lý nào ở đây. Họ chỉ cốt làm nổi con người của họ, thế thôi.
 Dân gian gọi những người này là trở cờ -- trở cờ chứ không phải hối hận và tôi thấy đây chính là một cách nói có lý.
 

Trở lại với tình hình những năm sau 1956 cho tới cuối thế kỷ XX khi Liên xô sụp đổ, tôi thấy L. Aragon thành tâm hơn đáng tin hơn, do đó khi có dịp tìm hiểu thêm về sự tay đổi ở ông tôi không bỏ qua.
Bởi tôi muốn lấy ông làm điểm đối chiếu  để xem xét bước đi của những nhà văn Việt Nam đương thời.
 

 Dưới đây, tôi xin phép giới thiệu lại hai bài viết đã đưa trên blog của tôi từ 15-8-2012 và 29-1-2015

----------

 

1/
LOUIS ARAGON , CON NGƯỜI CỦA NHỮNG ĐAM MÊ VÀ LẦM LẠC



Ngay cả trong thời kỳ kháng chiến 1946-54, nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam theo tiếng gọi của kháng chiến vẫn chuyền tay nhau báo chí sách vở viết bằng tiếng Pháp, để tiếp thêm cho mình hiểu biết  và nghị lực.

Và trong những ngày đó, bên cạnh những Maurice Thorez, Jolio Curie, Paul Eluard v.v... có tên một người Pháp nữa, trở đi trở lại trong tâm trí nhiều văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam, đó là Louis Aragon: một Aragon từng nát lòng vì Paris đang rên xiết dưới gót giày phát xít khi "suối đã đục dòng chỉ lệ còn trong"; một Aragon có thơ được in bí mật, được người dân trong vùng địch hậu chuyền tay nhau và một Aragon ca ngợi Đảng của mình bằng những lời đẹp nhất:

Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng

Trước như tuổi thơ tôi nào biết được


.,.


Đảng đã cho tôi màu sắc nước non nhà..

                                                              Tố Hữu dịch.

Lời thơ có gì gần gũi, như chính nó được viết bằng tiếng Việt.

Nhưng đó không phải là hình ảnh duy nhất về Aragon mà chúng tôi được biết. Từ sau 1956, khi mà nhiều trí thức châu Âu trải qua những xao động lớn lao về tư tưởng, hoặc nói như chính Aragon, khi mà gió đã xoay chiều, thì một Aragon khác lại hiện ra với những người cầm bút nơi đây, Aragon của tiểu thuyết Tuần lễ thánh, những tiểu luận như Tôi lật con bài của tôi, Phải gọi sự vật bằng cái tên của nó, và tập thơ Quyển truyện bỏ dở với bao đớn đau day dứt:

- Tôi chờ đợi một trùng dương hạnh phúc

Một tình ái không vướng dây trần tục


Suốt bình minh đến chiều xẩm mơ hồ


Nhưng cuộc đời thực tại chẳng nghe cho


Đời tạo những diệu kỳ theo kiểu khác


                                         Đào Xuân Quý dịch

hay:

- Hạnh phúc là một tiếng vô cùng chua chát

Ma quái nào che giấu nghĩa làm chi


Tóc ảo mộng và bàn tay huyền hoặc


Những cặp tình nhân ngày xưa đã mất


Hạnh phúc như vàng kia ôi tiếng dị kỳ


Nó lăn trên sàn như chiếc nhẫn lăn đi


Ai nói đến hạnh phúc mắt thường buồn da diết


Như tiếng than dài nỗi tuyệt vọng chua cay


Dây đàn dứt trong tay người đánh nhịp


Nhưng tôi cho hạnh phúc con người là có thật


Không phải trong mơ không phải trong mây


Mà nơi bến lạ bờ xa trên quả đất này


                                                         Tế Hanh dịch

Cũng may là ngay từ 1960, một tập thơ riêng của Aragon, đã được in ra với sự đóng góp của một lớp nhà thơ Việt Nam có những tâm trạng ít nhiều gần gũi với L. Aragon. Đó là những Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Đào Xuân Quý, Nguyễn Viết Lãm...

Nói may vì từ đó trở đi, nhất là từ sau 1965, ở Hà Nội chúng tôi, Aragon chỉ được nhắc tới một cách nhỏ giọt, và so với con người thật, và khối lượng tác phẩm đồ sộ của Aragon, thì chúng tôi được biết là rất ít, quá ít nữa.

Song cái lạ là ở chỗ ấy, có khi cái mà người ta không biết lại gần gũi hơn cái mà hàng ngày người ta vẫn thấy: từ đó cho đến khi nhà thơ qua đời, và ngay cả những năm về sau, Aragon trong một người như tôi đồng nghĩa với cả sự kiên trì làm người chiến sĩ lẫn sự dằn vặt trăn trở tìm đường mà bất cứ ai, sống với nghề cầm bút, từng có lúc trải nghiệm.
Nhà thơ từng nói về mình, qua sự phân biệt với những người khác ở việc đi tìm chân lý.

"Tôi biết có những người sinh ra với chân lý, từ trong nôi họ đã không bao giờ lầm lạc, vì họ đã đến nơi rồi từ lúc còn thò lò mũi xanh. Họ biết điều gì là tốt, từ trước đã luôn luôn biết như thế... Tôi không giống họ. Chân lý không được phát hiện với tôi vào lúc chào đời. Tôi không được cha tôi, cũng chẳng được giai cấp của gia đình tôi chỉ bảo cho. Tôi học hỏi được điều gì đều phải do lao tâm tổn trí, tôi biết được điều gì đều từ kinh nghiệm xương máu mà ra. Không có một niềm tin chắc chắn nào đến với tôi mà không phải qua con đường hoài nghi lo âu, đau đớn của từng trải"
.

Thêm vào đấy, một Aragon hào hoa phong nhã, Aragon trong mối tình điên dại với Elsa Triolet, Aragon và cuộc tìm tòi một thứ văn xuôi ảo, trong những tiểu thuyết Giết chết, Blanche hay lãng quên, bấy nhiêu hình ảnh nối tiếp nhau để làm nên Aragon của một tình yêu không dễ dãi.

             Có một mẩu chuyện tuy nhỏ mà khiến tôi nhớ mãi, mỗi khi nhắc đến cái tên Aragon. Đây là câu chuyện liên quan đến nhà văn Nguyên Ngọc. Tác giả Đất nước đứng lên thuộc loại cán bộ quân đội được điều động trở lại chiến trường miền Nam rất sớm, từ 1962, và ông cũng thuộc loại ở đó kiên trì bậc nhất. Từ trước 1975, nhiều lần cấp trên tỏ ý sẵn sàng để ông ra Bắc chữa bệnh, Nguyên Ngọc vẫn xin phép được ở lại, chỉ yêu cầu thỉnh thoảng gửi vào cho ít sách. Trong số những cuốn sách mà Nguyên Ngọc nhờ người bạn mình ở tạp chí Văn nghệ quân đội là Hà Trì gửi vào năm ấy (trước khi đi chiến trường, có gì Nguyên Ngọc bó lại đem gửi Hà Trì cả), có một cuốn sách tiếng Pháp. Cuốn này Nguyên Ngọc mua được ở Moskva trong một chuyến thăm Liên Xô 1957. Ấy là cuốn Le Roman innachevé (Quyển truyện bỏ dở) trong đó có cả những câu mà ở trên tôi vừa trích, và những câu khác, đại loại:

Tôi nghe tiếng gà trong cùng tận đau thương

Trong đổ nát tôi vẫn mang chiến thắng


Dù xé rách những vì sao xa vắng


Trong đêm dài tôi vẫn chói vừng dương


Aragon trong chúng tôi là thế. Có lẽ chính vì những vết thương mà thế kỷ đã để lại trong tâm hồn ông và cả những vết thương ông gây ra cho chúng tôi - từ chỗ là một con người cuồng nhiệt, đã có lúc ông trở thành tượng trưng cho một Juda phản bội (người ta cố nhét vào đầu chúng tôi như vậy), -- mà Aragon càng trở nên gần gũi.

Sau này tôi còn được biết thêm một vài nhà văn nhà thơ Pháp khác cũng sống trong thế kỷ XX lớn lao và đau đớn này.

 Có người tỉnh táo hơn, chắc chắn là nhiều người sâu sắc hơn, một số khác trong sáng và thuần nhất hơn Aragon.

Nhưng đối với riêng tôi, tác giả Quyển truyện bỏ dở vẫn là nhà văn Pháp thân thiết bậc nhất.
 Hơn cả một giá trị tự thân, ông đã trở thành một điểm đối chiếu.

Khi giở các trang bách khoa toàn thư văn học hoặc các bộ lịch sử văn học Pháp, thường tôi tìm ngay xem trong cuốn sách ấy người ta viết về Aragon như thế nào, dài hay ngắn và lấy đó làm thước đo để xác định những chuẩn mực mà tác giả cuốn sách tra cứu ấy theo đuổi.

Trong sinh hoạt văn học, đôi khi tôi cũng hùa theo mọi người để tìm tới những nhà văn được coi là mốt, để khỏi mang tiếng tụt hậu. Nhưng lúc cần suy xét về đường dài, tôi thường chỉ đọc đi đọc lại những người mà tôi cảm thấy gần gũi, họ ở phía trước của tôi và có vẻ như cách tôi không xa, nếu cố gắng tôi có thể theo họ, đó cũng là con đường để tôi tìm ra chính mình.


2/

NHỮNG ĐAU XÓT CỦA MỘT NHÀ THƠ 

KHI BUỘC PHẢI THAY ĐỔI NIỀM TIN CHÍNH TRỊ

Số phận của phần lớn các nhà thơ hiện đại là phải dính tới chính trị. Aragon lại có cả một mảng thơ lớn  liên quan đến sự dấn thân của ông trong chính trị.

Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng
–để ca ngợi cái tổ chức mà mình có mặt, còn câu thơ nào hay hơn câu ấy.

Nhưng rồi, như rất nhiều người cùng chí hướng của mình trong thế kỷ XX, sau đó, niềm tin của ông đã thay đổi.

Luôn luôn ông là người của sự quá đáng. Lúc tin ông cũng tin quá đáng,  mà sau đó không tin cũng quá đáng.

Về lý trí, ông chấp nhận mọi sự thay đổi, trong khi  về tình cảm, ông như  muốn kêu trời, ông như chết lặng đi vì  sự thay đổi đó với ông là quá sức.

Tôi vốn thích các nhân vật đương thời coi là phức tạp, nên cứ để ý theo dõi ông mãi.

 Từ thời điểm của thế kỷ XXI này nhìn lại, chúng ta có thể bảo là ông đã rất dũng  cảm.

Con tim của ông đã được một trí tuệ sáng suốt mách bảo để dám vượt qua lòng tin của mình thời trẻ, mà làm một cuộc đảo ngược thiết yếu.

Nhưng hồi ấy, người ta đã gán cho các ông đủ thứ tội lỗi, nào là suy đồi nào là phản bội,toàn  những cái tội tầy đình  mà một người yếu bóng vía không chịu đựng nổi .

  Run rẩy đớn đau, nhưng Aragon đã thay đổi. Quá trình dằn vặt của ông được miêu tả  trong cái công thức sau đây  mà tôi nghe được qua  lời kể của Nguyễn Thành Long một nhà văn đàn anh hay đọc văn học Pháp đương đại “tối nào cũng tính tới chuyện ra đảng, mà sáng nào lại cũng phải nghĩ lại là phải ở lại đảng để đấu tranh cho niềm tin mới của mình”.

Từ trước 1975, đọc thơ Aragon  trong giai đoạn ông có những chuyển biến trong niềm tin chính trị mà bài thơ trên diễn tả, quả thật là tôi -- với tư cách một con người đang sống ở Hà Nội,  cái xứ sở bị bịt kín mọi thông tin đa chiều  -- cũng không biết là ông đúng hay những người chê trách ông đúng nữa.

Nhưng, những năm đó tôi đã mang máng cảm thấy có lẽ chuyện chính trị ở một nhà thơ chẳng mấy quan trọng như chúng tôi hằng nghĩ. Mà cái  cần được chia sẻ đặc biệt là người nghệ sĩ đã thể nghiệm sự thay đổi ra sao. Tức là tôi  thích  tìm trong những vần thơ  ấy ở cái khía cạnh tâm trạng của người đã tiêu hóa  sự thay đổi của mình, cái dấu ấn nó để lại trong tâm trí nhà thơ. Đây mới  chính là những bài học.

 Được viết ngay từ 1942, vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng được đặt sau một câu đề từ:

Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.

Câu nói nổi tiếng tới mức nhiều người không đọc và không thích vở kịch nữa vẫn cứ hay đọc lại nó.

Vả chăng sinh thời Nguyễn Huy Tưởng, ông là một người phụ trách chủ yếu của Hội văn nghệ VN, thời kháng chiến chống Pháp nên người ta cũng không bới ra làm gì.

 Chứ thử nghĩ kỹ sẽ thấy, đây là một thứ tuyên ngôn nhấn mạnh tính chất phi tư tưởng của văn chương.

Nhà nghệ sĩ không buộc phải bao giờ cũng đúng; nhiều khi họ đáng yêu đáng đọc lại ngay ở chính cái phần lơ mơ, kể cả cái gọi là sai lầm của họ.

Họ vẫn đáng trọng hơn những kẻ đúng, trung thành, nhất quán nhưng không có một thứ mùi vị gì .
Trong một lần trò chuyện với nhà nghiên cứu thông thạo văn học phương Tây hiện đại Đặng Anh Đào, tôi nghe chị nói khẽ, nhưng cả quyết như một lời tâm niệm:

-- Với các nhân vật lớn, chính nhân cách lại quan trọng hơn tư tưởng rất nhiều.

Đối chiếu với những vận động trong tư tưởng của những người trong giới cầm bút chung quanh, tôi chỉ thấy người ta hoặc là ù lì trơ tráo, bị ép chết trong những niềm tin hồi trẻ, hoặc là chuyển sang cái trận thế đối ngược một cách quá dễ dàng, dễ dàng như người ta quay ngoắt một chiếc xe đạp.

 Aragon, như trong bài thơ trên đã  bộc lộ ông cho thấy một tâm thế khác.

Rồi ông cũng vượt lên trên cái sức ép bão bùng cuả chung quanh đối với một người thay đổi.  Ông tìm thấy một chỗ dựa cuối cùng ở tình yêu. Ông bảo tình yêu sẽ cứu rỗi tất cả. Trong khi bảo mình như kiệt sức như tuyệt vọng, thì ông lại cảm thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Con người nhân bản trong ông đã thay thế con người chiến sĩ. Mà cái phần nhân bản ấy mới là tinh chất làm nên một nhà thơ.

1-2015

PHỤ LỤC

 

Một bài thơ Aragon
--

  Có một điều lẽ ra phải nói từ đầu:
-- có những người cũng như ông, không phải trở cờ không phải xếp hàng hai cửa. Sự thay đổi của họ chẳng những có lý mà  còn rất chân thành. 
-- Nhưng họ dừng lại ở những phát biểu chính luận. Lúc này họ chỉ còn con người chính trị.
-- Aragon vượt lên trên họ ở chỗ tất cả những thay đổi niềm tin nơi ông đều chuyển vào thành thơ và văn xuôi, nhất là thơ. Ông vẫn là con người văn học. 
 Bởi vậy phải đọc lại chính các sáng tác của Aragon.
 Nhờ được phóng chiếu niềm tin vào thơ văn, sự thay đổi của ông còn mang tính khái quát. 
 Con người  có thể và cần phải thay đổi, miễn là họ thành thực và miễn là họ đã vận dụng tất cả tri thức và tình cảm của mình để suy xét để đánh giá. 
Họ rất yêu sự lựa chọn của mình thời trẻ, nhưng họ là những con người độc lập, họ phải là chính họ trước đã. 
Có những lúc nào đó họ đã đóng vai người chiến sĩ tử vì đạo, nhưng cả cuộc đời họ thì không.
Tôi không biết tiếng Pháp,  còn trình độ tiếng Nga của tôi chủ yếu dùng để đọc văn xuôi, nhất là văn nghị luận chứ với thơ thì e chưa đủ. Nhưng tình yêu với Aragon vẫn khiến tôi tìm đọc các bài thơ Aragon dịch  ra tiếng Nga  rồi thử ghi ra tiếng Việt  để bản thân  minh đọc lại.
 Bởi vậy tôi  không dám đặt bài thơ tôi dịch dưới đây ở phần đầu bài này, mà chỉ đặt ở cuối, hy vọng rằng có một ít bạn nào đó  muốn chỉa sẻ với tôi sẽ đọc tới cùng. 
Lưu ý là một số  bản tiếng Nga tôi đọc để chuyển sang tiếng Việt- như bản dưới đây - là của nhà thơ xô viết M. Aliguier. Bà dịch những bài thơ này sau các tai nạn chính trị mà những người như bà phải chịu hồi "hậu tan băng".  Có lần bà đã bảo do đau quá mà không  được viết nên tìm cách tự bộc lộ qua bản dịch.

 

 [Không đề ].

Cuộc sống tôi trôi qua  như những luống cày  bốc lửa trên bầu trời

Tôi nghe tận đáy sâu tiếng bước chân mình vọng vang xa ngái

 Tiếng hát tôi tưởng đã hỏng rồi đã xếp xó rồi  lại ngân lên lần nữa

Trên đầu ngón tay tôi lặng lẽ tính những ngày những tháng những năm

 

Đối với tôi vượt lên sự dối gian tràn đầy cuộc sống 

Chỉ có tình yêu tôi như một cây sồi đơn độc 

Chỉ có tình yêu tôi run rẩy một trò chơi

 Trên đời này, ngoài nó ra chẳng còn gì, chỉ có nó mà thôi

 

 Tất cả những gì tôi làm hướng tới em, là để cho em

Người làm vườn mỹ lệ đây lá cuốn cả vào phòng

Những bài thơ tôi viết, vẻ dại điên mỗi ngày lại hiện ra khuôn mặt mới

Tất cả để em yêu và mãi mãi  yêu em.

 

Từ sự tồn tại của tôi, như một chiếc gai cây, sự thất vọng lớn bật lên

Em làm quà cho tôi một mặt trời ngữ ngôn sáng chói

Tất cả những gì tôi gọi lên, có em trong từng bước

Em hồi phục trái tim tôi, em nặn lại nó rồi

 

 Chuyện thật lạ lùng hãy nhớ lại xem

Hầu như vào những năm lớn khôn ai cũng ra đi lần nữa

Để  ghi lại những chuyến đi, có thể vẽ cây vẽ cỏ

 Nhưng cần vẽ hơn cả  chính là thế  giới bên trong của mỗi con người

 

Tất cả sự  ví von đều vô hiệu, hình ảnh cần thiết chẳng tìm ra

Nung nóng mọi chữ nghĩa lên vẫn không đủ nói về ngọn lửa
Trong những đôi mắt thẳm sâu, hạnh phúc và ngọn lửa chập chờn nhảy múa

 Có thể kể làm sao với ai chưa thấy nó bao giờ

 

Hình như nhiều lúc tôi quên mình nhiều đau khổ

 Thật đau điếng đi, khi bẻ gẫy tay mình

Tôi ruồng rẫy thơ, như với bạn bè dứt  mọi mối quan hệ

Nhưng con đường rồ dại đời nào tôi chịu là chẳng có em

 

Tôi đã nói rằng thế giới này chẳng có gì kỳ diệu

Cái đích mà tôi đi tới thì không có tôi mọi người khác cũng đủ lo toan và công việc

Mỗi người trong họ nhìn tôi như một kẻ bề trên

 Vâng tôi đã khóc vì không có gì khác họ nhưng là khóc trong tay em

 

Người ta nói với tôi khi không có bánh mì câu chuyện về hạnh phúc chỉ chuyện huyên thiên

Bầu trời thấp xuống kia buồn bã trong những giờ u ám

Và mỗi chúng ta sẽ sống sao trong những năm cay đắng

Thế đấy

Nhưng tôi  nhìn thấy một bầu trời khác rồi khi ở giữa tay em.

 








Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn