Trong phần mở đầu bài Một sử gia khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều – sử gia nói ở đây là Tạ Chí Đại Trường – trên Tạp chí Tia sáng 10/ 2016 tôi đọc được một đoạn
có cái ý rất đáng lưu tâm
Khi khái quát bối cảnh sử
học, và rộng hơn, nghiên cứu-học thuật, của miền Nam trước 1975, TS Nguyễn Mạnh
Tiến (Viện Văn học) nhận định đó là môi trường không chỉ đa dạng, phong phú các
tiếng nói, phương pháp và quan điểm mà còn có sự tương thông với quốc tế.
Riêng trong lĩnh vực sử
học, dân tộc học, có thể kể đến hai khuynh hướng nổi bật trong số nhiều tiếng
nói:
Thứ nhất, được thiết lập
bởi triết gia Kim Định (1915-1997), người thiên về tìm kiếm và khẳng định những
giá trị, đặc trưng cốt lõi, nhấn mạnh tính chất cội gốc của dân tộc Việt, thậm
chí thuần Việt. Hàng chục công trình của ông, đặc biệt là Việt Lí Tố
Nguyên (1970), Triết lí cái Đình (1971), Cơ
cấu Việt Nho (1972), Nguồn gốc văn hóa Việt Nam (1973)…
đều chủ yếu tập trung khẳng định tộc Việt là chủ nhân của văn hóa, tư tưởng,
triết Việt chứ không phải là kết quả của sự Hán hóa. Quan điểm của Kim Định,
cho đến nay, vẫn gây ảnh hưởng và tạo cảm hứng bàn luận mạnh mẽ, được coi như học
thuyết.
Khuynh hướng thứ hai, điển hình là sử gia Nguyễn
Phương (1921-1993) trong công trình “Việt Nam thời khai sinh” (1965), ngược lại,
coi hậu duệ của “thực dân Trung Hoa” đã hòa và tạo nên người Việt, vượt qua cái
gọi là thuần chủng tộc người.
--
Tiếp tục tìm về Nguyễn Phương và
cuốn sách nói trên, tôi bắt gặp nhiều tài liệu mà trước tiên phải kể bài
NGUYỄN PHƯƠNG (1921-1993) VÀ NỖ LỰC KHAI PHÁ TRONG SỬ HỌC VIỆT NAM
của Nguyễn Đức Cung
đưa trên trang mạng của KHOA VIỆT NAM HỌC
DHKHXH VÀ NV ĐHQG TP HCM 19 Tháng 4
2019
http://vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/lich-su-xa-hoi-viet-nam/1060-nguyen-phuong-1921-1993-va-no-luc-khai-pha-trong-su-hoc-viet-nam
Dưới đây
xin trích đăng một đoạn ngắn trong bài có liên quan tới chủ đề tôi muốn
tìm hiểu. Tôi chỉ mạn phép tách văn bản thành nhiều đoạn rời để dễ theo dõi; riêng
các chú thích được đánh số lại cho phù hợp với đoạn trích
*****
2.- Đặt lại vấn
đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
---
Năm 1965, linh mục Nguyễn Phương cho xuất bản
một sử phẩm quan trọng sẽ gắn liền với tên tuổi của tác giả để đi vào ký ức của
những người chuyên theo ngành sử học, đó là tác phẩm Việt Nam
Thời Khai Sinh (1).
Trước khi in công
trình nghiên cứu này thành sách, linh mục Nguyễn Phương đã cho trích đăng nhiều
kỳ trên hai tạp chí nghiên cứu lúc bấy giờ là Tạp chí Bách Khoa ở
Sài gòn và Tạp chí Đại Học ở Huế. Nội dung cuốn sách chứa đựng
nhiều sử liệu được cẩn án, phân tích, và sử dụng cẩn thận nhằm soi sáng lại
phần cổ sử Việt Nam, nhất là đưa ra một giả thuyết mới nhằm giải thích
nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
Đây là một tác phẩm
được giới nghiên cứu sử học Việt Nam đánh giá cao vì tác giả đã đưa ra được một
kiến giải mới, khoa học, đồng thời hiệu đính một số sự kiện lịch sử vốn mang ít
nhiều sai lạc có từ thời các nhà nghiên cứu Tây phương như Aurousseau, Maspéro,
hay Đào Duy Anh, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Tố v.v…
Linh mục Nguyễn Phương
đã đặt vấn đề rằng: “Kể ra, trong các giai đoạn lịch sử của nước nhà, thời
khai sinh là thời ít được nghiên cứu hơn cả, và cũng là thời u ám nhất. Thảng
hoặc có học giả nào nhìn vào, thì lại nhìn với những quan niệm xuất phát từ
thời xa xưa, thiếu hẳn đường lối và phương pháp. Bởi đó người đọc khó mà
thấy được rõ sự thực huy hoàng và đẹp đẽ của lúc hừng đông.” (2)
Với giáo sư Nguyễn
Phương dân tộc Việt Nam không phải là con cháu dân Lạc Việt, mà là dòng dõi
Trung hoa di cư sang cổ Việt từ thời nhà Tần.
Dựa trên các tài liệu
tiền sử qua công trình nghiên cứu của rất nhiều tác giả Tây phương làm việc tại
Trường Viễn Đông Bác Cổ (École francaise d’Extrême Orient) hay Nha Địa chất
Đông Dương (Service Géologique de l’Indochine) hoặc tới nghiên cứu về khảo cổ
tại đây,
linh mục Nguyễn Phương
đã dẫn đưa độc giả qua nhiều chặng đường lịch sử với một số chương trong tác
phẩm Việt Nam Thời Khai Sinh như:
Những người đầu tiên
sống trên đất Việt Nam;
Tiền sử Lạc Việt;
Lịch sử Lạc Việt;
Vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam;
Hành chánh cổ Việt
thời Bắc thuộc;
Chính trị cổ Việt dưới thời Bắc thuộc;
Cổ Việt độc lập và
Phụ lục
là một bản tường trình
bằng tiếng Anh ở Hội nghị quốc tế về lịch sử Á châu họp ở Hương Cảng năm 1964.
Áp dụng phương pháp sử
học trong việc sử dụng và đánh giá tài liệu qua sự tham bác rất nhiều sử liệu
chữ Hán như Sử Ký, Tiền Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tư Trị Thông Giám,
nhất là bộ Nhị Thập Ngũ Sử, linh mục Nguyễn Phương quả đã dày công
trong việc dựng lại buổi bình minh của dân tộc.
Khi tác phẩm này
mới phát hành nhiều người hưởng ứng tán dương kiến giải này nhưng cũng có một
ít dư luận phản bác. Trong số những người phát biểu quan điểm chúng tôi
nhận thấy có các ông Hồ Hữu Tường, Nguyễn Toại, Bùi Hữu Sủng, Hà Duy Dân, Trần
Viên, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương v.v…(3)
Lên tiếng về kiến giải
của linh mục Nguyễn Phương, giáo sư Bùi Hữu Sủng có nhận xét: “Thiên khảo
cứu về “Lịch sử Lạc Việt” của Giáo sư Nguyễn Phương đăng trong Tạp chí Bách
Khoa từ số 196 đến số 200 đã đến đúng lúc và mở thêm một chân trời mới. Chủ ý
của Giáo sư là gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh những ai còn ngủ say trên
chiếc gối “con rồng, cháu tiên”, hay còn ấp ủ giấc mơ một tổ quốc “bốn ngàn năm
văn hiến”.
Thiên khảo cứu của
Giáo sư soạn rất công phu, khảo chứng kỷ và khoa học. Soạn giả đứng hẳn trên
lập trường lý trí, khách quan, lắng nghe những sử liệu chứng thực đọc cho mình
viết và ông gạt bỏ ra ngoài tình cảm, kể cả lòng yêu nước. Có lẽ ông sợ sự can
thiệp của tình cảm chủ quan làm mờ gương chân lý lịch sử. Một thái độ duy lý
như vậy, một giọng phê bình khắt khe như vậy, trong giai đoạn hiện tại, không sao
tránh khỏi việc va chạm lòng yêu nước nhiệt thành của một số độc giả và không
sao tránh khỏi việc làm bớt thiêng một số thần tượng đang cần thiết của quần
chúng.” (4)
Một độc giả khác, ông Trần Viên, lúc bấy giờ
có nêu ra sự bất đồng ý kiến mang tính cách lẻ tẻ như: “Tóm lại giả
thuyết Lạc vương của H. Maspéro tự nó vốn đã lung lay, và biện minh cho giả
thuyết ấy, ông Phương chỉ nêu ra được những ức đoán về tâm lý sử gia rất mơ
hồ…” (5).
Một tác giả vốn cũng
có những bài viết chuyên đề về cổ sử Việt Nam lúc bấy giờ, ông Nguyễn Toại,
cũng bày tỏ sự chú ý theo dõi công trình khào cứu của linh mục Nguyễn Phương,
đã có viết: “Trước đây, trên tạp chí Đại Học số 34, bút giả có đề cập
tới một vài nghi vấn về thuyết của Nguyễn Phương tiên sinh cho rằng Hùng Vương
của nước Văn Lang có danh hiệu như thế là do tác giả Việt sử lược lầm từ Hùng
Vương nước Sở mà ra. Sau đó bút giả đã có nêu thêm một vài ý kiến khác nữa gửi
tạp chí Đại Học, nhưng tạp chí này đình bản thành thử bài ấy không được
đăng. Nay thấy Nguyễn tiên sinh kiểu chính và bổ khuyết thuyết cũ, trong
số Bách Khoa 197, nên lại xin bàn lại đôi điều”. (6)
Nhà
sử học Tạ Chí Đại Trường cũng chú ý đến kiến giải của linh mục Nguyễn Phương
với những ghi nhận như sau: “Trong khi các sử quan ngày xưa chấp nhận
một quan điểm duy văn hóa như thế mà không để hại cho tinh thần dân tộc, lại
nâng cao ý thức ấy bằng việc biểu dương vai trò của Hai Bà Trưng (xem đoạn phê
phán của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên trong Toàn Thư), thì một sử gia ở Miền Nam
Việt Nam vào đầu những năm 60 đã đưa ra một giải thích táo bạo về nguồn gốc dân
Việt, đặt vai trò quyết định của thời kỳ Bắc thuộc trong việc hình thành dân
tộc Việt Nam, một dân tộc mới, gốc Hán, tạo dựng trong khung cảnh địa lý xa đất
mẹ, khác hẳn với đám dân Việt cổ bị trị có các anh hùng là Hai Bà Trưng và nền
văn minh Đông Sơn. Luận thuyết đó được trình bày trong một hội nghị quốc tế,
nhưng chìm lấp trong các biến động chính trị to lớn lúc bấy giờ, tuy cũng gặp
một phản ứng trên tầng lớp trí thức, lịch sự mà không sâu sắc lắm”. (7)
Trong một bài viết
nhan đề: Đọc muộn The Birth Of Vietnam của Keith Weller Taylor, in
trong một tác phẩm xuất bản gần đây, Tạ Chí Đại Trường vẫn không quên lưu tâm
đến Việt Nam Thời Khai Sinh của linh mục Nguyễn Phương, khi
phê bình luận án tiến sĩ sử học của tác giả Hoa Kỳ này: “Cho nên hình
như cũng theo khuynh hướng thời đại mà ông Taylor không nhắc đến các nhà nghiên
cứu ở Miền Nam, trừ việc dẫn các bản dịch sách xưa. Tất nhiên cũng có lí do là
thời ông xét đến nằm ở khu vực Việt cổ nên việc chú ý đến các nhà nghiên cứu ở
Miền Bắc là đương nhiên và cần thiết. Nhưng ở vào đề tài của ông sao không nhắc
tới Việt Nam Thời Khai Sinh của Nguyễn Phương, giáo sư Đại học Huế ?” (8).
Ở một đoạn khác, Tạ Chí Đại Trường vẫn không
“tha” cho tiến sĩ Taylor, khi cho rằng mặc dầu tác giả Nguyễn Phương “tự
phụ bướng bỉnh trong ‘Việt Nam thời khai sinh’, nhưng lí thuyết của ông cho
rằng dân Việt Nam vốn là gốc Hán thành hình trên châu thổ sông Hồng giống như
người Anh trên đất Hoa Kì, Canada hay Úc, lí thuyết đó là đối cực của thuyết
cho rằng dân Việt của vua Hùng đã miên tục trường tồn sau hơn cả nghìn năm Bắc
thuộc. Một luận cứ như thế sao không được chú ý tới dù là chỉ để nhắc sơ qua
trong chú thích hay hiện diện trong thư mục?” (9)
Cái mà Tạ Chí Đại
Trường cho là “tự phụ bướng bỉnh” chính là điều hơn hẳn trong
đường lối nghiên cứu lịch sử của sử gia Nguyễn Phương so với tầm nhìn sử học
của một số nhà nghiên cứu đương thời. Người ta có quyền hãnh diện với thành quả
làm việc đầy sáng tạo của mình hơn là cứ đi theo đường mòn cũ, bằng lòng với
những chuyện “ngưu quỷ xà thần”, với chuyện bốn ngàn năm văn hiến v.v…
Linh mục Nguyễn
Phương cho biết: “Trong việc tìm nguồn gốc dân tộc, phải tùy trường hợp
mà áp dụng biện pháp. Một dân tộc, như dân tộc Hoa Kỳ chẳng hạn, đã khai sinh
giữa ánh sáng của lịch sử, nên tất cả công việc tìm tòi đều phải dựa vào sử
liệu. Đối với những dân tộc Trung Hoa hay dân tộc Việt Nam, thời khai sinh mãi
mãi trong cõi thâm u của quá khứ, thì việc khảo sát tất nhiên gặp phải nhiều
khó khăn phức tạp. Chính vì tính cách phức tạp của sự khó khăn đó mà ít
người có đủ kiên nhẫn để giải gỡ dần dần, và họ đành vui lòng chấp nhận những
mẩu chuyện bịa đặt sẵn có, hay những kết luận vội vàng” (10).
Kết luận
cho công trình nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, linh mục Nguyễn Phương
viết rằng: “Sau hết, một điều nên nhớ nữa, là sở dĩ nước Việt nam đâm
rễ sâu và phát triển mạnh trong ý thức độc lập của mình, đó là còn bởi sự
người Việt nam, mặc dầu bắt gốc từ Trung quốc, đã không còn thuần túy Trung
Quốc. Chúng tôi đã trình bày dài giòng và nêu lên mạnh mẽ sự họ là những kẻ đã
từ Trung quốc di cư sang cổ Việt trong thời Bắc thuộc. Nhưng cũng không được bỏ
qua sự kiện này là họ, khi di cư sang, đã ở với dân Lạc việt, và nhiều thứ dân
man khác, rồi với dân Lâm ấp. Những dân đó không thể làm cho họ cải
biến, bất cứ về phương diện nào, nhưng lại có thể làm cho họ phong
phú thêm, phong phú về mọi phương diện, chẳng hạn về nhân chủng, về phong
tục, về ngôn ngữ. Với nguồn gốc đó, với sinh lực đó, và với sự phong phú đó,
người Việt nam là người Việt nam, và càng ngày càng Việt nam…” (11)
Nói
chung kiến giải của linh mục Nguyễn Phương về nguồn gốc dân tộc Việt Nam mang
đầy tính thuyết phục, khoa học và với kiến thức uyên bác cùng sự tìm tòi nhẫn
nại, công phu, quyển sách Việt Nam Thời Khai Sinh đã có cơ hội
hiệu đính lại nhiều sự kiện sai lạc trong lịch sử Việt Nam chẳng hạn như vấn đề
Hùng Vương, vấn đề Thục vương tử, Triệu Đà, lý do cuộc khởi nghĩa của Hai Bà
Trưng, việc chồng bà Trưng tên Thi hay Thi Sách, cái chết của Hai Bà Trưng v.v…
---
CHÚ THÍCH
1.-
Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Khai Sinh, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện
Đại Học Huế xuất bản, nhà in Sao Mai, Huế 1965.
2.- Việt
Nam Thời Khai Sinh, phần Mở đầu…
3.- Bách
Khoa, số 201, ra ngày 15.5.1965.
4.- Bách
Khoa, bđd, tr. 28.
5.- Bách
Khoa, số 206, ra ngày 1.8.1965, bài Trở lại vấn đề Hùng vương hay Lạc vương,
tr. 40.
6.- Bách
Khoa, số 201, ra ngày 15.5.1965, bài Bàn về Hùng Vương, tr. 34.
7.- Tạ
Chí Đại Trường, Thần, Người, Và Đất Việt, Nxb Văn Nghệ, Califotnia,
1989, tr. 83.
8.- Tạ
Chí Đại Trường, Những bài văn sử, Nxb Văn Học, 1999, tr. 201.
9.- Tạ
Chí Đại Trường, Sđd, tr. 202.
10.- Việt Nam Thời
Khai Sinh, tr. 226.
11.- Việt Nam Thời
Khai Sinh, tr. 336.