Thử trả lời câu hỏi tại sao chúng ta
khó từ bỏ cách ăn Tết theo kiểu cổ truyền
---
Diễn biến của sự trở về
những phong tục rườm rà
Lúc thân tình, một bạn người Nga có lần nói thẳng với bọn tôi là cưới xin ở các anh sao mà kỳ thế, mỗi người đến dự nộp một phong bì, tiền đặt trong phong bì thay đổi theo mức sống. Không khí thường ồn mà nhạt.
Thiếu sự tự nhiên. Nghèo mà lại còn rơi vào xa hoa nữa. Lễ cưới được làm để khoe, để trả nợ miệng hơn là vì chuyện tình yêu của đôi trai gái.
Tôi nghe giật mình. Thấy người nước
ngoài người ta hiểu mình rõ quá. Nhất là thấy các phong tục ở ta nhiều khi quá
rườm rà. Rỗng. Hình thức lặt vặt. Quá phí phạm thời gian. Nó là dấu vết của
cách sống thời xa xưa, không hợp với đời sống hiện đại.
Chuyện Tết nhất cũng tương tự. Đã là người Việt, ai chẳng
nói đến ngày Tết với cả tấm tình rung động. Mỗi người xem đây là dịp để trở về
với tinh thần dân tộc. Vậy mà, như cách chúng ta tổ chức hiện nay, thì ở đó có
bao nhiêu cổ hủ, bao nhiêu đắp điếm giả tạo, và ngày tết không khỏi trở thành
là một dịp phô bầy ra cái sự lạc hậu trong nếp sống nếp nghĩ đã từng ngự trị
trong quá khứ, và ngày nay còn để lại nhiều di lụy.
Cách cưới xin ở trên vừa nói là vốn
mang đậm dấu vết một thời làng xã xa xưa. Trước thời của tiền bạc là thời ăn
uống. Nghèo đói quá, phải chờ đến ngày cưới mới được bữa no. Mỗi nhà không đủ
tiền lo cho con, nên đành làm lối chơi họ. Hôm nay tôi góp cho nhà anh, mai này
anh góp cho nhà tôi. Góp trước trả sau cũng có, mà trả trước đòi sau cũng
có. Tình trạng đến ăn cưới phải nộp phong bì chính là vết tích của cái
thời nghèo khó trên diện rộng ấy.
Còn cách ăn tết?
Im lìm, lặng lẽ vốn là đặc điểm của
cuộc sống hàng ngày quá trầm lặng thời phong kiến. Nhân dịp xuân về, người ta
muốn phá lệ muốn kêu to lên về sự có mặt của mình trong cuộc đời. Những quả
pháo được mượn để nói hộ.
Nền sản xuất nông nghiệp thời ấy
mang nặng tính cách thời vụ. Khi bận thì bận tối mắt, nhưng ngoài ra chơi dài.
Quanh năm đói kém nên chờ đến ngày tết là có dịp xả láng. Chỉ riêng câu ca tháng
giêng là tháng ăn chơi đã cho thấy nhịp điệu uể oải chậm chạp của một xã
hội u tối.
Đặc điểm của các xã hội
hiện đại là sự thu nhập thường xuyên dồi dào dựa trên một nền sản xuất năng
động và kỷ luật chặt chẽ. Nghỉ ngơi và làm việc đã luân phiên cả năm. Tự nhiên
tết nhất không được phép kéo dài và mỗi người cũng không cần những phong tục
ngày Tết rườm rà làm khổ nhau như ở mình.
Một
cái nhìn về tết
dưới
góc độ văn hóa
Phải gọi cách ăn tết dềnh dang như
trên là phong cách trung cổ.
Cách gọi đó tôi học từ Xuân Diệu.
Trên tạp chí Tiên Phong số ra
ngày 16-2 1946, Xuân Diệu có bài Tết độc lập thứ nhất và tết trung cổ
cuối cùng.
(In lại trong Sưu tập trọn bộ Tiên
phong 1945-1946, Nhà xuất bản Hội nhà văn H. 1996 Tr 237-240)
Đây là một trong những bài viết đi
vào những vấn đề văn hóa VN của ngòi bút nghị luận Xuân
Diệu.
Sau này ông thường đi vào bình thơ
dông dài nhàm chán.
Nó cho thấy một bước thụt lùi, phải
nói là sa đọa ở nhà nghệ sĩ.
Trong bài viết mà chúng ta đang nói,
ông bảo cách đón Tết cho thấy dân ta lười quá. Các cửa hàng không chịu mở.
Chẳng ai muốn làm gì, ngoài chuyện vui chơi. Đã thế, nó lại kéo dài quá.
Sau khi kêu lên:
"Chúng ta chưa phải là những
người lớn hay sao? Chúng ta còn muốn là trẻ con hay sao?",
tác giả đề nghị:
"Chúng ta [hãy] bỏ cái
tâm hồn trung cổ, và quả quyết cải cách cái Tết thân yêu của chúng ta, rút nó
lại đúc nó thành hai ngày vui vẻ tin tưởng đầy đủ".
Bài viết kết thúc bằng một câu được nhấn mạnh trong nguyên
bản:
“Đúc Tết lại, tức là làm cho Tết mạnh thêm, mà kéo Tết dài, tức là giết
Tết”.
Lời lẽ hơi bốc, rõ ra khẩu khí của
một thời hào hứng, chưa biết đến chỗ khó trong lịch sử và lòng người. Nhưng
tinh thần trong cái bài trên đây của Xuân Diệu là tinh thần cách mạng. Hai chữ
cách mạng nói ở đây không phải là hè nhau đi đánh ai giết ai. Mà chỉ có nghĩa
muốn sống khác đi so với cách sống cũ.
Từ một cái nhìn lịch sử
Điều một Xuân Diệu 30 tuổi đề
nghị chỉ là tiếp tục cái xu hướng canh tân được khai phá bởi nhiều bậc trí giả
từ trước 1945.
Trong thời kỳ hiện đại hóa thứ
nhất, dưới sự bảo trợ và cầm chịch của văn hóa Pháp, việc đẩy lùi nhiều phong
tục cổ hủ được tiến hành từng bước khá vững chắc.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, trong
việc miêu tả các phong tục cha ông để lại, một nhà thâm nho như Phan Kế Bính
thường không bao giờ quên nhấn mạnh những mặt cổ hủ của nó.
Nhiều tiếng nói xuất sắc trong văn học tiền chiến đều chung
một ý hướng là đề nghị cộng đồng phải thay đổi cách sống.
Và tinh thần đó lan ra một cách từ tốn nhưng chắc chắn.
Người ta có thể chưa làm được, nhưng đều biết việc gì nên làm.
Biến cố 8 - 1945 đón lấy cái xu
hướng đó. Một trong những động cơ khiến nhiều trí thức đến với cuộc cách
mạng là người ta muốn đổi mới thật triệt để.
Sau khi ra công khai
(10-11-1945), tạp chí Tiên Phong– cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc -
luôn có bài viết về đời sống mới. Nhiều vấn đề phong tục tập quán được
đặt lại.
Trên số 19-8-1946 có bài Xây dựng
con người của Nguyễn Đình Thi.
Số 2, ra ngày 1-6-1946, có bài bàn
về Cải cách hôn nhân mà tuy ký bút danh khác, song có người bảo là của
Nguyễn Huy Tưởng.
Xu hướng này cần mẫn kéo dài và đi
vào đời sống.
Những năm sáu mươi bảy mươi của thế
kỷ trước, các đám cưới cũng như Tết nhất ở Hà Nội của chúng tôi, đơn giản mà
vẫn thiêng liêng ấm cúng.
Thế tại sao ngày nay lại có cái sự
lại gạo của các phong tục cổ hủ như trên vừa nói?
Giải thích một định hướng ngược
trong sự vận động của văn hóa Việt
Nam hiện đại
Sự kiện chủ yếu của đời sống dân tộc
thế kỷ XX là cuộc chiến tranh ba mươi năm. Để tiến hành chiến tranh thắng lợi,
chúng ta phải phá vỡ nhịp sống thông thường. Không ai lo sống cho ra sống nữa.
Cách sống chiến tranh đồng nghĩa với tính tự phát.
Bắt vào thời chiến, một số nếp
sống hiện đại, như chống mê tín, như tinh giản mọi lễ tiết, thiết thực, tiết
kiệm… sở dĩ được khuyến khích bởi nó thích hợp với tình trạng nghèo đói. Trong
cảnh cái chết kề bên, người ta mơ về thuở thanh bình, chẳng cần biết nó là cũ
hay mới.
Tiếp đó là thời hậu chiến. Với
tâm lý của kẻ sống sót, con người lúc này muốn truy lĩnh, muốn đòi lại một cuộc
sống dễ chịu để bù lại những ngày gian khổ đã qua. Và Tết thì thi nhau làm thật
linh đình, giá có nhắc chuyện tiết kiệm liền bị coi là cổ lỗ, lạc lõng.
Cuộc chiến tranh ba mươi năm là cuộc
chiến tranh của nông dân. Những người nông dân nói theo chữ hồi chống Pháp, là
quân chủ lực.
Các phong tục vốn gốc nông thôn, đi
đâu người ta vẫn mang theo nó. Nhất là sau một thời chiến tranh mà chiến thắng
có được nhờ những nỗ lực to lớn của nông thôn và nông dân, người ta càng thích
quay về với truyền thống, bất kể là hay hay dở.
Kéo dài suốt hơn một nửa thế kỷ, sự
dang dở trong phong tục nói chung trong cách tổ chức tết nói riêng, ngày càng trở
thành sự lộn xộn.
Những mục đich ban đầu của cách mạng
bị xếp sang một bên. Cuộc cách mạng gần như đã bị đánh tráo. Các thói hư tật
xấu của giai cấp thống trị cũ nay được những cốt cán của chế độ mới học theo.
Còn nhân dân -- một nhân dân bị đơn giản hóa và được chiều nịnh, lại thiếu đi
sự khai phá theo đời sống mới của giới trí thức làm đầu tầu --, một nhân dân
như thế có ồ ạt quay về với cái cũ cũng là dễ hiểu.
Bảo thủ trì trệ và khéo biện hộ
Nét đặc biệt của cuộc lại gạo
lần này là đã có đủ loại lý lẽ che chở. Việc quay về với cái lạc hậu được mệnh
danh là sự trở về truyền thống. Có cả một trò chơi, có sức lôi cuốn đám
đông, tạm gọi là trò “nhân danh phong tục”. Lấy cớ ai cũng làm vậy, người ta
một chiều xem việc theo sát phong tục xưa là điều tự hào, lâu lâu lại tìm ra
vài khía cạnh mới để lăng-xê mốt, coi như mình trở về nguồn kỹ càng tinh vi
lắm.
Không phải là lòng người không cảm
thấy sự cần thiết và khao khát những đổi mới trong cách sống. Nhưng tình trạng
đất nước cô lập kéo dài quá lâu khiến mọi người như mất tự tin, nhìn ra thế
giới chỉ thấy hoang mang. Nẩy sinh tâm lý nước đôi. Vừa muốn thay đổi vừa không
biết thay đổi như thế nào. Đối với cái mới vừa thèm vừa sợ. Âu là cứ lối cũ mà
làm.
Quan hệ của chúng ta với phong tục
tập quán xưa đang ở trong cái thế như vậy.
Bước sang thời thị trường, không phải không có
những đám cưới được tổ chức theo lối thịnh hành ở xã hội công nghiệp, nhưng
thường là tân cổ giao duyên. Người ta cứ mặc váy trắng ra chụp ảnh ở các
công viên để rồi ở cửa đại sảnh dẫn vào bàn tiệc không quên đặt hòm chờ phong
bì. Lớp trẻ ở các đô thị vừa đổ xô ra đường ăn tết theo kiểu tây vào tết dương
lịch, vừa quay về đi thả cá ngày ông công ông táo, đi hái lộc đêm giao thừa,
cùng là lên chùa xin thẻ, quay về đốt vàng mã và vào cuộc cờ bạc đỏ đen trong
mấy ngày đầu năm, như ông cha cả trăm năm trước.
--
Từ ngày Xuân Diệu viết bài báo nói
trên đến nay đã ba phần tư thế kỷ. Căn cứ theo tinh thần nhà thơ đề nghị, thì
thấy, trong hơn hai phần ba thế kỷ ấy, bên cạnh một số mặt đổi mới để hội nhập
và tiến lên theo con đường hiện đại hóa, trên phương diện phong tục tập quán
và những khía cạnh ẩn sâu trong tâm linh, có thể nói cộng đồng chúng ta – đây tôi
nói chủ yếu từ góc độ người dân miền bắc -- vẫn duy trì một nếp sống trung cổ
và chưa biết ngày nào mới đủ sức thay đổi theo hướng hiện đại.
--
Nguyên là bài
XUÂN DIỆU VÀ LỜI ĐỀ NGHỊ “HÃY GIÃ TỪ NHỮNG CÁI TẾT
TRUNG CỔ.”
đã đưa trên blog VTN năm 2014
có sửa chữa
và bổ sung