Nhân kỷ niệm 200 năm
ngày
sinh nhà văn
1/
CHÚNG TÔI ĐÃ TÌM TỚI
DOSTOIEVSKI
TRONG HOÀN CẢNH NÀO?
Trước tiên tôi muốn
điểm lại sự có mặt của Dostoievski ở Hà Nội từ trước 1975 cho tới mười năm hậu
chiến
Đối với thế hệ những người cầm bút sinh ra khoảng những năm 40-50, một trong những nỗi đau đến sớm và còn kéo dài rất lâu, là phần lớn chúng tôi... gần như không biết một ngoại ngữ nào.
Khoảng những năm 60
cho đến trước 75 ở Hà Nội tiếng Anh ít người biết, tiếng Pháp bị coi như là lỗi
thời, và giá biết cũng không có sách để đọc; tiếng Nga còn rất lõm bõm; riêng
tiếng Trung Quốc có được dạy nhiều ở các trường phổ thông, song tới 1966 do có
Cách mạng văn hóa nên tự nhiên bị xếp xó, vì nguồn sách báo cạn hẳn.
Cũng bởi vì thế, mà
khi cần nói chuyện các tác giả văn học nước ngoài, chúng tôi chỉ có cách căn cứ
vào các bản dịch, cùng là một ít tài liệu nghiên cứu đây đó, ngẫu nhiên được
đọc. Điều ấy đã đúng với nhiều người, lại càng đúng với trường hợp Dostoievski
(mà từ đây trở xuống xin gọi là cụ Đốt, cho thân thuộc).
So với nhiều tác giả
nước ngoài khác, khi tìm cách bám rễ vào đời sống tinh thần nơi đây, Đốt thật
không gặp may, chẳng hạn như so với L.Tolstoi.
Con đường để Tolstoi
đến với bạn đọc Việt Nam cũng sớm được mở ra. Không kể Anna Karénina
được Vũ Ngọc Phan dịch từ trước Cách mạng, ngay từ 1961, tập 1 (trong một bộ 4
tập) Chiến tranh và hoà bình đã bày
bán rộng rãi.
Tiếp đó đến Anna Karénina bản dịch lại, đến Phục
sinh, đến truyện vừa Sévastopol... Tài liệu nghiên cứu giới thiệu về Tolstoi
cũng sớm được phổ biến một cách khá hào phóng và toàn là những lời lẽ tốt đẹp.
NHỮNG BƯỚC LẬN ĐẬN
Riêng với Đốt thì
ngược lại.
Năm 1956, nhân 75 năm
ngày mất của Đốt, Hội đồng hoà bình thế giới đưa ông vào danh sách các nhà văn
được kỉ niệm (cùng với H.Heine và Kalidasa).
Và ngày 21/12, nhà
văn Nguyễn Tuân có nói chuyện ở Câu lạc bộ Đoàn Kết về Đốt.
Song hồi ấy một người
như tôi còn đang đeo khăn đỏ cắp sách đi học cấp I, cấp II, đâu đã nghe thủng
mọi chuyện!
Bẵng đi một thời gian
dài không thấy ai nhắc đến ông Đốt ấy nữa. Tội
ác và hình phạt, nghe nói bản dịch đã có từ lâu ở Nhà xuất bản Văn học,
không được in ra. Các sách giáo khoa, loại như Lịch sử Văn học Nga, viết về Đốt
một cách rất sơ sài và nặng về phê phán.
Cũng nên nói thêm là
khoảng đầu những năm 70, người biết tiếng Nga và dùng tiếng Nga chưa nhiều như
mấy năm từ 1979-80 trở đi, song đã ngày một đông đảo.
Nhưng sự tiếp nhận
văn hoá, văn học Nga - Xô Viết ngay từ đầu đã được đặt trong tình thế phải cảnh
giác, phải thận trọng. Aitmatov, N.Nekrasov, Baklanov … không được phổ biến,
các phim Bài ca người lính, Người thứ 41
được coi như là có chuyện, không được xem, không được bàn.
Thành thử cụ Đốt cũng
bị vạ lây!
Câu chuyện sau đây ở
tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn năm 1971 là một ví dụ.
Nguyên năm đó, ở Liên
Xô, giới văn học triển khai hai ngày kỉ niệm lớn, là 150 năm ngày sinh của
Nikolai Nekrasov, và 150 năm ngày sinh của Đốt.
Ở nhiều nước, hai sự
kiện này cùng lúc cũng được kỉ niệm chu đáo nếu không nói rằng Đốt được vồ vập
gấp nhiều lần.
Ở ta thì sao?
Một người quen của
tôi, anh Phan Hồng Giang năm đó làm ở tạp chí Tác phẩm mới kể với tôi: Các nhà văn phụ trách tạp chí (người trực
tiếp làm lúc ấy là nhà thơ Hoàng Trung Thông) cũng biết ông Đốt là to lắm, phải
làm một cái gì đấy. Và không ai khác, anh Phan Hồng Giang do là dân đi học Liên
Xô về, được phân công viết một bài về Đốt.
Bởi cũng nghe thoáng
đã biết mọi chuyện, Phan Hồng Giang cố viết về Đốt một cách chung chung, không
tô đậm cái chất riêng, cái sức hấp dẫn ma quái của Đốt với con người hiện đại.
Ấy vậy mà đến phút
cuối cùng, bài viết cũng bị xếp xó.
Trong số tạp chí cuối
năm 1971 chỉ còn mẩu bài ngắn và một đoạn trích dịch thơ của N.Nekrasov (lấy ra
từ bản trường ca Ai được sống sung sướng
ở nước Nga) đâu như đều do Hoàng Trung Thông tự tay lo liệu.
Thế là đứt hẳn!
Không kể các bản dịch
Đốt được thực hiện ở Sài Gòn trước 1975, và một số có mang ra Hà Nội sau 1975,
thì chính thức là đến 1983, Đốt mới đến với đông đảo người đọc Hà Nội, qua Tội ác và hình phạt (Phạm Vĩnh Cư giới
thiệu, Cao Xuân Hạo dịch).
Tiếp đó, đến 1988
(còn hơn chục năm nữa là hết thế kỷ XX, cũng có nghĩa là trên một trăm năm sau
khi Đốt qua đời), có bản dịch Anh em
Karamazov của Phạm Mạnh Hùng.
Nhưng chuyện trớ trêu
vẫn chưa dứt: Tội ác và hình phạt in
ra với số lượng 20.200. Anh em Karamazov
tập I, đề in số lượng 10.000 cuốn, tập II còn có 3.000 cuốn, và tập III là
1.000.
Khốn khổ cho Đốt (hay
cho chúng tôi), là khi ông bắt đầu tới Hà Nội thì thị trường sách nơi đây đã
đầy những best-seller của Mỹ, sách trinh thám của Anh, Pháp, không mấy ai còn
bụng dạ nghiền ngẫm ông cho kĩ lưỡng.
MÊ DÙ KHÔNG HIỂU
CA NGỢI VÌ ÔNG ĐƯỢC
COI
LÀ PHI CHÍNH THỐNG
Song cái lạ của cuộc
đời là thế, tôi cam đoan rằng mặc dù không được đọc Đốt, nhiều người trong giới
cầm bút trẻ ở Hà Nội trước và ngay sau 1975 vẫn rất hay nhắc đến Đốt.
Và một cái gì không
có thực mà chỉ có trong tưởng tượng, cái đó vẫn hiện hữu chung quanh chúng tôi.
Trong những câu
chuyện hàng ngày, những cuộc luận bàn về văn chương của một số anh chị em cùng
lứa với tôi hồi ấy như Lưu Quang Vũ, Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Phục, Bùi Bình Thi...
cái tên Đốt vẫn đi về, và một cách hiểu về Đốt cũng định hình.
Có thể là nhiều khi
bọn tôi nói liều nói lĩnh, nói những điều chỉ nghe thoáng được đây đó.
Nhưng không sao,
không ai bảo ai, mọi người đều có cái lí khá giống nhau, đại khái, cứ ông Lép
(Tolstoi) mà như thế này, thì ông Đốt chắc phải ngược lại, phải là một cách
nhìn nhận, cách xem xét, một luồng ánh sáng khác hẳn.
Bởi ông Lép đang là
chính thống thì ông Đốt mà cả Liên xô cũng ghét cũng muốn giấu chắc phải là phi
chính thống.
Đấy, Đốt của chúng
tôi ban đầu mang một màu sắc huyền thoại như thế đấy! Càng bị cách ly, ông càng
hấp dẫn chúng tôi.
MỘT ÍT KỶ NIỆM RIÊNG
TRÊN CON ĐƯỜNG TÌM
HIỂU ĐỐT
Ở tạp chí Văn nghệ
Quân đội (cơ quan tôi từng công tác) năm ấy, sau những cuộc đấu hót ồn ào trong
cái phòng nhỏ lát đá hoa (nguyên là toa - lét, nhưng lâu ngày không dùng, nay
được lau thật sạch, dùng làm phòng làm việc), thỉnh thoảng nhà văn Nguyễn Khải còn
nán lại, nói với tôi ít chuyện riêng. Khi ngồi giữa đám đông, Nguyễn Khải có
thói quen tô đậm cái chất phàm tục trong con người và nghề nghiệp của mình lên,
nào chỉ lo viết nuôi con, nào sự đời thế nào thì cứ viết thế, chứ có gì phải
tìm tòi cho rắc rối! Nhưng lúc nói chuyện tay đôi, thì anh trở nên nghiêm chỉnh
hẳn. Anh nói những điều tâm huyết anh muốn đặt vào mỗi cuốn sách. Anh kể những
điều anh mới học được và tìm cách vận vào trang viết của mình.
Anh dẫn ra những ý
tưởng anh mới đọc từ Carnet của Camus, từ J.Corteau, từ S.Zweig (tất cả đều qua
các văn bản tiếng Pháp).
Và tất nhiên là anh
hay nói đến Đốt.
Anh em Karamazov, như lời thú nhận
của Nguyễn Khải hồi ấy, là khó quá, cao quá, anh không hiểu được, nhưng Tội ác và hình phạt thì hay lắm, viết dễ
hiểu và sâu sắc lắm, bất cứ người viết văn nào cũng phải đọc mới phải.
Tôi thì không nói làm
gì, vì tiếng Pháp tôi không biết mà tiếng Nga cũng mới tập tọng, nhưng Nguyễn
Minh Châu trước đã học tiếng Pháp được ít chút, bởi vậy sau tất cả mọi điều,
Nguyễn Khải không quên tự nhủ:
- Phải bảo Nguyễn
Minh Châu cố mà đọc Tội ác và hình phạt
mới được. Đọc rồi, mới nghĩ thêm được một ít về cái nghề thiêng liêng mà mình
theo đuổi.
Có lẽ đấy là những
mầm mống đầu tiên kích thích một người tự học như tôi tiếp tục tìm đến Đốt.
Từ lúc nào không
biết, nhà văn này trở thành một ám ảnh, tôi không thể từ bỏ nổi. Không đến
thẳng được với ông, thì tôi tìm cách quanh co vòng vèo. Nói nôm na là không đọc
được nguyên bản tác phẩm của Đốt thì tôi nghe mọi người bàn về Đốt vậy.
Trong việc này, một
ít tiếng Nga mới học có giúp tôi ít nhiều cũng như những tài liệu linh tinh tôi
nhặt nhạnh được đây đó, có bồi đắp thêm cho tưởng tượng một ít da thịt và một
hồ sơ nhỏ của tôi về Đốt được gom góp trong từng ấy năm, đã hình thành.
--
Hai mẩu chuyện nhỏ có
liên quan đến Nguyễn Tuân, giúp tôi thêm yên tâm trong cuộc tìm tòi tự học của
mình.
Một là, năm đó, 1971,
khi kỉ niệm 150 năm sinh của Đốt, Hội Nhà văn Liên Xô có mời một hai nhà văn
của mình sang dự.
Thói thường ai cũng
vậy, đi thì cũng phải chuẩn bị đọc qua một vài tài liệu có liên quan đến buổi
lễ mà mình có mặt, bởi vậy, nhà văn nọ, được cử đi, mới nảy ra ý định: chi bằng
đi hỏi ông Tuân, ông này đã có tiếng là thích Đốt, chắc có thể giảng giải cho
mình ít nhiều.
Theo lời kể của
Nguyễn Khải - anh cũng nghe được đâu đó - thì Nguyễn Tuân, bằng cách nói rất
phũ của mình, đã trả lời nhà văn kia như thế này:
- Thôi ông ạ, sách
báo người ta viết về Đốt chất hàng núi, ông có nghe tôi bây giờ cũng như chim
chích lạc rừng, vậy nên ông cứ sang đấy mà nghe rồi đừng nói gì là được rồi.
Hai là năm 1982, khi
đưa bài nói chuyện về Đốt cho Tuyển tập, T.II, Nguyễn Tuân có viết thêm:
“Sách đã viết về Đốt
Xtôi (cách viết của Nguyễn Tuân trong nguyên văn - V.T.N) rất nhiều, tôi cũng
chỉ biết được một số nào thôi (...) Tôi ngờ rằng một số từ, một số ảnh, cùng là
hình tượng nào đó đã nhập vào trong bài viết tôi đọc ở buổi kỉ niệm gần ba chục
năm nay. Lấy và mượn của ai, ở đâu, ở cuốn nào thì cứ dẫn ra thôi, chứ có gì và
có sao đâu. Tội một nỗi là chỉ mang máng ngờ ngợ, chứ thật ra cũng không nhớ
được ở đâu và là của ai nữa.
Vậy mong bạn đọc
lượng tình cho”.
Đến Nguyễn Tuân còn
viết như thế nữa là chúng tôi.
2/
ĐỐT TỰ NHÌN MÌNH
ĐỐT TRONG CON MẮT
CỦA CÁC NHÀ VĂN NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
*
CON NGƯỜI LÀ MỘT BÍ MẬT
Điều quan trọng nhất người ta muốn tìm ở một nhà văn, mà cũng là
chỗ bắt đầu mọi tác động của một ngòi bút đến bạn đọc, đó là quan niệm của nhà
văn ấy về con người: đọc anh, người ta hiểu thêm về con người ra sao?
Về điểm này, Đốt có một ý thức khá rạch ròi. Ông viết như một
tuyên ngôn: “Con người là một bí mật. Cần phải tìm cách đoán nhận nó, và nếu có
bỏ ra cả đời để đoán nhận nó, thì cũng đừng nên nói là mất thời giờ. Tôi muốn
biết cái bí mật đó, vì tôi muốn là người”.
--
Khi nói về Đốt, các nhà văn thường cũng bảo “Ông đã biết tìm ra
con người trong con người”. “Ông kích thích chúng ta đi tới những hiểu biết sâu
sắc hơn về đồng loại”.
Theo nhà bác học Einstein, cái đích mà Đốt đặt ra ở nhiều tác
phẩm là “hướng mọi sự chú ý của chúng ta vào những câu đố của đời sống tinh
thần”. Mà còn gì tiêu biểu cho con người hơn đời sống tinh thần ở họ?
--
Đốt đặt vấn đề trong con người tiềm tàng những lực lượng to lớn
như thế nào.
Qua miệng nhân vật Mitia trong Anh em Karamazov ông bảo: “Con
người rộng quá. Tôi muốn thu hẹp nó lại”.
Đây có lẽ là điểm xuất phát khiến cho hiện thực được Đốt miêu tả
thường khi vượt qua cái khuôn khổ thông thường, mà trở nên kì dị, ma quái, chỉ
trong tưởng tượng mới có.
Một nhà văn phương Tây thú nhận: “Đối với tôi, Đốt là một đỉnh
núi phủ đầy tuyết và dẫn lên trời. Tôi sợ hãi nhìn ngọn núi đó từ xa, nhưng
không bao giờ có ý nghĩ dám lại gần”.
CON NGƯỜI CỦA TƯ TƯỞNG
TƯ TƯỞNG TRONG CON NGƯỜI
Khía cạnh thấy rõ nhất của con người được miêu tả trong Đốt: Con
người ở đây tranh cãi xung đột với nhau không phải vì những chuyện lặt vặt, rời
rẽ, mà vì những vấn đề cơ bản của đời sống.
Chính Đốt từng nói về loại nhân vật chủ yếu của mình: “Đó là con
người của tư tưởng. Tư tưởng ôm trùm hắn, thống trị hắn và có một đặc điểm là
nó không chỉ ở trong đầu óc hắn, mà ăn vào trong tâm tính, thái độ, cử chỉ, nó
khiến cho con người lúc nào cũng đau khổ và dằn vặt, và chỉ mong muốn được biến
tư tưởng có trong mình thành ra hành động”.
Nói như nhà văn Pháp H.Troya, cái quyền lực lạ lùng của tư tưởng
trên thể chất, sự vượt qua thể chất bằng tư tưởng, những điều ấy đã ám ảnh Đốt.
Tuy nhiên, ở đây, có sự phân biệt
- một bên là tư tưởng tồn tại dưới dạng những nguyên lí khúc
chiết rành mạch;
- và bên kia là tư tưởng đã đi vào con người, nó trở nên rối
rắm, hỗn loạn, không rõ ràng và thường khi mang sắc thái chủ quan, nhưng lại cụ
thể sinh động, hôi hổi sức sống.
Tư tưởng mà Đốt nói tới trong tác phẩm của mình là cái thứ hai
chứ không phải cái thứ nhất.
--
“Nhân vật của Đốt hiện ra không phải như một hiện tượng thực tế
có những dấu hiệu xã hội điển hình hoặc một cá thể có cá tính vững chắc, cũng
không phải như một khuôn mặt nhất định phối hợp những nét có ý nghĩa phổ biến
và khách quan để rồi tổng hợp lại, sẽ trả lời cho câu hỏi: Anh là ai?
Không, phải nói nhân vật của Đốt là một góc độ nhìn đặc biệt vào
thế giới và vào chính mình” (M.Bakhtin).
--
Khi đã sống hết mình với một tư tưởng, các nhân vật của Đốt luôn
phải suy nghĩ để tìm cách xây dựng lại cái bên trong của chính mình.
Đốt miêu tả một cách hết sức tường tận bộ máy hoạt động tinh
thần của các cá nhân đó trong những bước ngoặt. Ông nói rõ: sự cải tạo hoàn
cảnh đòi hỏi phải tự gạn lọc, nói chung cá nhân phải biết nói sự thật về chính
mình, biết cả quyết nhìn mình một cách tỉnh táo.
--
Tư tưởng của Raskolnikov là kinh khủng song có thể thấy nhân vật
ấy rất tận tuỵ với những gì đã hình thành trong đầu.
Còn ở Ivan Karamazov, người ta nhận ra sự không phù hợp đáng sợ
giữa cái quy mô thế giới, mà tư tưởng Ivan muốn bao quát, với cái khuôn khổ
chật hẹp của mục đích cá nhân mà tư tưởng đó bị lôi cuốn và lợi dụng (Dneprov).
CUỘC SỐNG HIỆN THỜI,
CUỘC SỐNG Ở DẠNG ĐANG HÌNH THÀNH
“Đối tượng tìm tòi của Đốt: Mối quan hệ con người và thực tế,
con người và thế giới, hay con người và Chúa.
Nhân vật của Đốt đối diện với toàn thế giới, hành động của nó
làm xao động cả thế giới. Luôn luôn nó muốn để lại trong thế giới một dấu vết
gì đó. Và trước tiên, nó muốn thử xem thế giới là gì, cái thế giới ấy có sẵn
sàng thay đổi không và sẽ thay đổi như thế nào” (Kirpotin).
-
Theo Đốt, Chiến tranh và
hoà bình của Tolstoi là bức tranh lịch sử của một cái gì đã qua.
Về phần mình Đốt muốn không ngừng thấm sâu vào cuộc sống hiện
thời, ở dạng chưa thành của nó. Ông không quan tâm tới cái cuộc sống đã ổn định.
Ông muốn biểu hiện một cuộc sống không ai đoán được. Ông chỉ lo tìm câu trả lời
cho những câu hỏi đang hành hạ mình, và luôn luôn bị dày vò bởi sự đợi chờ ánh
sáng sẽ tới.
NHU CẦU TỰ DO
Ý TƯỞNG NỔI LOẠN
TINH THẦN KHOAN DUNG, CHẤP NHẬN
Theo Đốt, chủ nghĩa hiện thực mà không biết nắm vững, biểu hiện
và giải nghĩa một phần cái mới, cái chưa có, thì đó là chủ nghĩa hiện thực đáng
nghi ngờ.
Ngược lại, khi thế giới đang bao trùm trong khủng hoảng, khi
trong đó đóng vai trò thống trị là sự hỗn loạn vô trật tự, sự dối trá và phi
nghĩa, khi bóng tối chưa bị đẩy lùi... nhà văn hiện thực có nhiệm vụ thức tỉnh,
tức giúp cho người ta thấy những điều chưa tốt, và làm cho người ta không thể
sống yên ổn.
“Chủ nghĩa hiện thực của Đốt không an ủi, không vỗ về một cách
cải lương bởi ông không làm cho người ta tin vào bề mặt giả dối của cuộc sống
hàng ngày, những tín điều khô cứng, những dạng thức quan liêu và trì trệ của
nó.
Qua lớp vỏ hình như bình thường và tầm thường, cần lật ra những
bùng nổ đang được chuẩn bị mà không ai biết, những đổi thay không nhìn thấy
trong đời sống chung và ở từng cá nhân” (Kirpotin).
- -
Theo Dneprov, Đốt luôn luôn nói đi nói lại rằng, bản tính con
người không thay đổi. Nhưng ông biết mang lại cho cái bản chất tự nhiên này một
định hướng lớn lao.
Ở các nhân vật của ông thường thấy nổi lên cái yêu cầu bức bách
là muốn giải quyết các mâu thuẫn: hoặc là khả năng vận động; hoặc là tiềm năng
thay đổi, tiềm năng xác lập sự thống trị của cái tôi lý tưởng trên cái tôi thực
tế.
Thành thử với nhiều người, ông lại hiện ra như một kẻ tích cực
tuyên truyền cho quan niệm rằng con người phải hành động, phải tự vượt lên, và
phẩm chất này làm cho con người không còn là vật ngăn cản cho bản thân họ nữa.
- -
“Một mặt, Đốt có thiên hướng săn tìm và kích thích ở con người
nhu cầu tự do, ý tưởng đi đến tận cùng của mọi ranh giới mà cuối cùng là ý
tưởng nổi loạn, mặt khác, ông lại đề cao tinh thần khoan dung, chấp nhận.
Ở ông, đôi khi con người thích sự nghỉ ngơi, thích được chết
nữa, hơn là thích được tự do phân biệt điều thiện và điều ác.
Ngược với quan điểm cho rằng con người hoặc dữ, hoặc hiền, Đốt
chỉ rõ con người về bản chất vừa dữ vừa hiền, kẻ thù gần nhất của nó là chính
nó” (Dneprov).
-
“Theo Đốt, tâm lí cá nhân là cuộc đấu tranh giữa Chúa trời và ác
quỷ.
Trong thái độ với thế giới, con người ở Đốt là sự phối hợp giữa
phục tùng và chống đối, giàu thiện cảm và lạnh lùng khắc nghiệt, tin cậy và
không tin đến cùng.
Đốt chỉ rõ sự phân đôi của cái thế giới dường như thống nhất, là
thế giới của các cá nhân” (B.Meilakh)
TỰ NHẬN THỨC
ĐỂ VỪA CHÔNG ĐỐI VỪA THÍCH ỨNG
Nghệ thuật của Đốt cuối cùng tìm cách tác động tới con người
thông qua việc đánh thức nhu cầu tự nhận thức ở họ.
Theo Kariakin, sự tự nhận thức ấy là đồng nghĩa với sự chiến
thắng mọi thói quen tự lừa dối, đồng thời đồng nghĩa với sự thích ứng đến mức
cao nhất.
“Sống trong bất cứ điều kiện nào, đó là truyền thống của họ
Karamazov nhà ta”.
Sau tất cả những vật vã tìm tòi, những truy đuổi cuồng loạn, có
kèm theo cả máu và nước mắt, câu nói đó của một nhân vật trong Anh em Karamazov
vang lên như một tiếng nói cuối cùng, và còn để lại dư âm mãi trong lòng những
ai muốn chống lại mà vẫn phải thường xuyên đầu hàng cuộc sống.
--
Tính kịch độc đáo trong các nhân vật của Đốt là ở chỗ bên trong
mình, con người va chạm với những ngăn trở rất bi thảm.
Bạn đọc tiếp xúc với tác phẩm của Đốt, do đó, có thể có khả năng
tránh được những ngây thơ trong thái độ đối với chính bản thân họ. Mỗi người
phải biết đào xới vào mình không phải một cách tuỳ tiện gặp đâu hay đấy, mà là
rọi sâu kĩ lưỡng vào mọi góc tâm tư, xem đó như một khâu trong sự hình thành cá
nhân. mà thiếu đi sẽ gây ra những tai hoạ xã hội rất lớn.
Đào xới đến tận cùng, dĩ nhiên là tới khu vực của vô thức, tiềm
thức. “Ở Raskolnikov, cái ý thức của anh ta là lạnh lùng, là đen tối; nhưng
trong tiềm thức lại thấy có sự hoà hợp với cái tốt. Trên phương diện này mà
xét, cái vô thức của Đốt rất hiện đại. Nó không phải là một thứ bản năng phi cá
tính mà ngược lại, nó cũng được cá tính hoá” (Dneprov).
KỲ DỊ MÀ LẠI BI THẢM
Đốt nói về nghề văn và về sứ mệnh nghệ thuật:
- Tôi là một nhà hiện thực theo ý nghĩa cao nhất của từ này, tức
là tôi miêu tả tất cả những gì sâu thẳm của tâm hồn con người.
- Tôi hãnh diện vì lần đầu tiên đưa ra con người chân chính, lần
đầu tiên lột trần mặt kì dị và bi thảm của nó, cái bi thảm nằm ngay trong sự
nhận thức của cái kì dị.
--
Một dịp khác, ông giảng giải kĩ lưỡng hơn:
-... Chỉ có tôi lật ra sự bi thảm bí mật của con người ở trong
sự đau khổ, tự hành hạ; ở trong ý thức về cái đẹp và nỗi bất lực, không thể đạt
tới nó; ở ý thức một cách rõ rệt về những điều bất hạnh này, và tất cả đều vậy,
và tình thế bi đát đến nỗi không thể sửa chữa gì cả.
Cái gì có thể thúc đẩy sự sửa chữa bây giờ? Phần thưởng? Lòng
tin? Nhưng biết nhận phần thưởng của ai? biết tin vào ai? Người ta chỉ bước một
bước khỏi tình thế hiện thời thôi là sẽ tạo ra một bước ngoặt ghê gớm, sẽ dẫn
đến tội ác. Thật là bí mật.
--
Đốt hiểu rất rõ đâu là những đóng góp của mình cho đời sống tinh
thần con người đương thời và cả cho hậu thế:
--Bí mật và nhà văn của những điều bí mật - các nhà bình luận
văn học trên các báo thường thích lặp đi lặp lại như vậy mỗi khi cần nói về
tôi, và họ cho đấy là một sự hạ thấp đối với tôi. Khốn khổ! Họ đâu có ngờ, cái
đó lại làm nên vinh quang của tôi, vì cái đó là sự thật. Nguyên nhân nảy sinh
tâm lí muốn vạch trần ra mọi bí mật này: ở tôi đã chết lòng tin vào những
nguyên tắc chung. Với tôi, giờ đây không gì còn thiêng liêng nữa.
- -
Có lẽ chính căn cứ vào điểm này mà A.Camus đã nói về tính chất
hiện đại của Đốt, cũng là sự gần gũi giữa con người được miêu tả trong Đốt với
người đương thời: “Bây giờ chúng ta biết rằng nhân vật của Đốt không phải là
những người kì lạ và phi lí. Cũng giống như chúng ta, họ có một trái tim và nếu
bảo Lũ người quỷ ám là một cuốn sách
tiên tri, thì đó, không phải vì nó mang lại cho ta chủ nghĩa hư vô, mà là vì nó
trình bày những tâm hồn tan vỡ, không có khả năng yêu, và đau khổ vì không có
khả năng yêu, khao khát lòng tin và không sao tin nổi. Giờ đây chính loại nhân
vật này đang lấp đầy xã hội, lấp đầy thế giới tinh thần của chúng ta”.
BÓNG NGƯỜI VÀ BÓNG
TỐI
Về cách tân nghệ
thuật, mà cũng là về cách nhìn thế giới của Đốt:
--Trong tiểu thuyết
của Stendhal hay Tolstoi, người ta thấy một thứ ánh sáng đều đều tản mạn, bao
giờ cũng vậy, tất cả các sự vật được soi rọi giống nhau, và các khía cạnh của
chúng nổi lên đều đặn. Nhân vật dường như không có bóng. Còn trong tác phẩm của
Đốt cũng như trong tranh của Rembrant, cái quan trọng nhất chính là cái bóng.
Đây là nhận xét của
A.Gide về “kĩ thuật” nhìn con người ở Đốt.
Theo Gide, tác phẩm
của Đốt là sự bác bỏ thẳng thừng công thức nổi tiếng của Stendhal “tiểu thuyết
là một tấm gương di chuyển trên đường”.
Với Đốt, cuộc đời là
đầy bóng tối, và viết nghĩa là sự đột nhập vào thế giới của những bí ẩn đó.
Cũng bởi vậy, mà theo Gide, tác phẩm của Đốt mới có một sự hấp dẫn đặc biệt.
Ở chỗ này Gide cũng đối lập Tolstoi với Đốt. Có lần Gide đã nói với Roger Martin du Gard: “Điều mà anh nên tự trách mình, cũng là điều mà tôi hay trách Tolstoi: các nhân vật của ông không mang lại chút bí mật nào hết”.
--
Vượt lên sự gây hấp
dẫn thông thường, Gide nói về một quan niệm về con người bao trùm trong Đốt:
“Trong ông (chỉ Đốt) luôn luôn có cái gì đó để nói, một cái gì đó mới mẻ quan
trọng. Theo tôi hiểu, điều có ý nghĩa chủ yếu không phải tự thân bức tranh cũng
như hành động bên ngoài của nhân vật, mà là một nỗi lo âu bí mật nào đó, ông
chia sẻ trong mỗi nhân vật và cũng là điều ông muốn lây truyền nơi độc giả”.
Faulkner cũng bảo
rằng, ông yêu nhà văn này ở “cái sức mạnh ghê gớm, thấm sâu vào con người và có
khả năng cùng đau khổ với con người”.
QUYỀN LỰC CỦA CÁI ĐẸP
Một trong những ý
tưởng độc đáo táo bạo song lại là tín điều sâu sắc nhất ở Đốt và có lẽ chỉ Đốt
mới dám nghĩ tới, mới dám phát biểu: “Có một thứ quyền năng có thể ngang hàng
và đôi khi vượt quá quyền lực về tư tưởng - đó là quyền lực của cái đẹp”.
Chính ở chỗ này, Đốt
hiện ra khác hẳn, thậm chí đối lập với nhiều nhà văn đương thời, trong đó có
Lev Tolstoi:
“Cái gốc trong lập
trường xem xét đời sống của Tolstoi là đạo đức. Ông không thể chịu được khi
thấy người ta bảo cơ sở của nghệ thuật là cái đẹp.
Còn tư tưởng chủ đạo
của Đốt lại là cái đẹp cứu vãn thế giới.
Một bên là một nền
đạo đức có sắc thái thẩm mĩ.
Một bên là một nền
thẩm mĩ có sắc thái đạo đức.
Thành phần giống nhau
nhưng thực chất khác nhau - thú vị là ở chỗ đó.” (Seleznev).
ĐỐT VÀ TOLSTOI
- HAI SỐ PHẬN KHÁC
NHAU
Trở lại với một câu
chuyện đây đó đã có đả động qua ở các phần trên: mối quan hệ giữa Đốt và
Tolstoi.
Như là một sự bố trí
công phu của tạo hoá, hai nhà văn ấy là hai số phận khác hẳn nhau.
Tolstoi sớm nổi tiếng
như một Nga hoàng trong đời sống tinh thần của nước Nga lúc ấy, bản thân ông
lại giàu có, sang trọng, tha hồ sống theo ý muốn.
Còn Đốt lúc nào cũng
bị ám ảnh bởi việc kiếm tiền. Các nhà xuất bản trả cho tác phẩm của Đốt 250 rúp
một trang tác giả mà còn kì kèo, bớt lên bớt xuống, trong khi đó sẵn sàng trả
cho Anna Karénina 500 rúp một trang. Hai người, do đó, càng không bao giờ muốn
nhìn mặt nhau.
--
Mặc dù vậy cả hai ông
lại luôn luôn phải nghĩ về nhau.
Tolstoi nói với người
quen: “Nếu gặp Đốt, hãy nói hộ là tôi yêu ông ta. Gogol, Đốt, và kì lạ bao
nhiêu, Puskin, đó là những nhà văn tôi đặc biệt yêu mến. Riêng Đốt, ông rất gần
gũi với tôi về mặt con người và có lẽ ông là nhân vật duy nhất mà tôi có thể
hỏi rất nhiều và chắc là có thể trả lời tôi rất nhiều”.
Khi Tolstoi đào tẩu
khỏi gia đình ở Yasnaja Poliana, ông chỉ mang theo có bộ Anh em Karamazov. Tolstoi thường bảo ở tác phẩm của Đốt, từng chỗ
thì rất hay, nhưng toàn bộ thì khủng khiếp quá.
Về phần mình, Đốt
cũng rất thích Anna Karénina của
Tolstoi.
Nói chung, Đốt coi
thế giới trong Tolstoi, cũng như trong Homére, là thế giới của sự hoà hợp và đã
được miêu tả rất thiên tài, chỉ có điều nó không phải là cái thế giới chúng ta
đang sống.
--
Thái độ của họ với
những vấn đề quan trọng của đời sống hết sức khác nhau.
Kirpotin so sánh hai
tác phẩm được viết gần như đồng thời để thấy giữa chúng là một vực thẳm:
“Trong Chiến tranh và hoà bình (được viết từ
1863, in ra khoảng 1867-1869) thế giới hiện ra đầy trí tuệ, thế giới ấy đi tới
mục đích đã định trước. Trong quá trình phát triển của lịch sử, mọi cảnh tượng
phá hoại được khôi phục, mọi điều ác bị đẩy lùi, mỗi con người nhận được đúng
những gì mà chính họ đã gieo trồng.
Còn trong Tội ác và hình phạt (in 1866), thế giới
sục sôi cao độ, sự phi nghĩa và giả dối của nó trở nên không thể chịu nổi. Và
Raskolnikov cự tuyệt nó với tất cả những ảo tưởng giáo điều và những huyền
thoại đẹp đẽ được nghĩ ra để tô điểm cho nó.
Trước kia, thế giới dành cho mình quyền lên án các cá nhân có ý định phê phán những giá trị thủ cựu.
Giờ đây, Raskolnikov tố cáo thế giới đang tan rã, đang tự huỷ diệt, và nổi
loạn chống lại nó”.
--
Một nhà nghiên cứu
phương Tây là Georges Steiner còn nêu ra một sự đối lập đầy đặn hơn, cụ thể
hơn:
“Tolstoi là kẻ kế
thừa vĩ đại nhất truyền thống của anh hùng ca, còn Đốt là một trong những thiên
tài bi kịch vĩ đại nhất sau Shakespeare.
Tolstoi: tinh thần bị
ám ảnh bởi lí trí và sự kiện. Đốt - kẻ miệt thị chủ nghĩa duy lí và chỉ tha
thiết săn đuổi nghịch lí.
Tolstoi là thi sĩ của
đồng ruộng, của đời sống thôn quê dân dã. Còn Đốt là típ người thành thị, con
đẻ của văn minh đô thị với tất cả những tự do và đau khổ mà thứ văn minh này
mang lại cho con người.
Với khát vọng to lớn,
Tolstoi sẵn sàng tự huỷ và phá huỷ những gì bao quanh trong cơn điên cuồng cốt
đạt tới chân lí.
Đốt đặt vấn đề một
cách khác: “Thà chống lại chân lí còn hơn chống lại Chúa. Đáng coi thường là
những gì dễ hiểu. Phải chủ trương huyền bí”.
Tolstoi luôn luôn đi
theo đại lộ của đời thường. Đốt thì dấn mình vào mê lộ của cái khác thường,
trong những hầm hố và đầm lầy của tâm hồn.
Tolstoi, ấy là một
con người khổng lồ, bước dài trên mặt đất vững chãi, đi tìm cái thực, cái chân
xác bằng toàn thể kinh nghiệm và cảm giác.
Đốt thì luôn luôn ở
bên bờ ảo giác ma quái, luôn luôn mở lòng ra đón nhận sự xâm nhập của cái siêu
nhiên.
Tolstoi là sự nhập
thế của sức khoẻ và nói chung của một sinh lực thần thánh.
Còn Đốt, Đốt là tổng
số năng lực con người run rẩy dưới sức nặng của bệnh tật và ám ảnh.
Tolstoi nhìn định
mệnh con người với con mắt sử gia, trong sự trôi chảy của thời gian.
Đốt chỉ muốn nhìn con
người trong hiện tại, và trong sự im lìm mà lại phập phồng hào hển của những
khoảnh khắc bi tráng”.
DẤU ẤN CỦA ĐỐT
TRONG NGHỆ THUẬT TIỂU
THUYẾT
Thêm một hai nhận xét
nhỏ có liên quan đến đóng góp của tác giả Tội ác và trừng phạt trên phương diện
hình thức thể loại:
- Tiểu thuyết của
Đốt, đó là tiểu thuyết tự thú, đồng thời là tiểu thuyết bi kịch; tiểu thuyết
độc thoại, tiểu thuyết triết lí - chính luận. Đó cũng là một dạng đặc biệt của
tiểu thuyết phiêu lưu và thường khi có những hơi hướng xa gần của tiểu thuyết
trinh thám.
Một số khuynh hướng
chung của nghệ thuật hiện đại, không gì khác, là sự tiếp tục mặt này hay mặt
kia trong kinh nghiệm nghệ thuật của Đốt (Dneprov).
- Đốt xa lạ với loại
nhà văn cái gì cũng biết. Trong khi kể chuyện, ông luôn luôn chỉ ra những yếu
tố có thể gây khúc xạ cho suy nghĩ của người kể chuyện. Ông không quên chỉ ra
những mâu thuẫn nảy sinh do có sự khác nhau trong nguồn tài liệu cung cấp,
trong bằng chứng, lại không quên đưa thêm cả vào tiếng đồn mà ông thừa biết
chúng làm nhiễu sự thực. Sau khi nói rõ rằng trong một số việc, chính người kể
chuyện cũng chưa biết đầu đuôi ra sao, ông sẵn sàng công khai cả quá trình thu
thập tin tức. Với Đốt, điểm nhìn càng khác nhau, người ta càng đi gần hơn tới
thực tế (Likhachev).
--
Trong tiểu thuyết Những miền trái chín Evtuchenko nửa đùa
nửa thật bảo rằng có thể chia nhân loại làm hai nửa, một bên là những ai có đọc
Anh em Karamazov, và một bên là những ai không đọc.
Suy rộng ra, cũng có
thể bảo nhân loại gồm hai nửa, những người thích Đốt và những người không thể
đọc nổi, không chịu nổi, và còn căm ghét Đốt nữa.
* Nguyên là bài viết “Một hồ sơ nhỏ về Đốt”
In trong cuốn sách
nhỏ của VTN “Ngoài trời lại có trời” - 2002
1996