VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Từ thời điểm cuối 1973, nói với một người bạn đi xa về những ngày Hà Nội cuối tháng chạp 1972

 

Nguyên là bài Chiến tranh đến với thành phố

đã đưa trên blog này ngày 16 thg 12, 2013

                                                            I

     Đêm báo động đầu tiên, như anh đã biết, là đêm mười tám. Tôi muốn nói rõ thêm lúc báo động vào khoảng gần tám giờ tối. Có người sẽ hỏi lúc đó, người dân Hà Nội đang làm gì? Tôi lục lại trí nhớ. Lúc đó, tôi đang ở nhà một người bạn. Chúng tôi ngồi bàn chuyện công việc quanh một ấm trà, một thứ sinh hoạt bình thường như mọi người, với những chuyện chả dính dáng gì đến bom đạn. Sau này, trông thấy nhau, anh bạn tôi vẫn đùa “Tôi với ông lại ngồi bàn chuyện văn chương phù phiếm trong khi nó đang mài dao thớt”. Rồi cười. Nhiều người Hà Nội cũng thế, chả cứ chúng tôi.

 

      Chắc anh có thể tin khi tôi nói rằng tôi vẫn tha thẩn đi bộ từ nhà bạn quay về nhà mình, đi ngay trong đêm báo động. Vào một lần nào đó, cũng trong tiếng còi u ủ và bóng đêm dày đặc vừa ụp xuống thành phố, chúng ta từng đi với nhau trên những lối này. Năm sáu năm về trước… Không dám nói ra, nhưng quả thật, trong những năm tuổi trẻ nhộn nhạo và liều lĩnh, chúng ta có lúc tìm cách đi lại giữa giờ báo động trên phố xá, lắng nghe những cảm giác riêng của mảnh đất quen.

        Giờ tôi cũng lặng lẽ đi. Đi trước mặt những em bé, những ông cụ ở mấy phố hẹp, ngồi ngay trước cửa nhà mình, chờ nhảy xuống cái hố cá nhân đào ngay đoạn vỉa hè. Đi trước đám mấy cô gái còn đang túm tụm nói chuyện với nhau:

     - Đúng lúc cụ bô ở sơ tán ra thì báo động, thật chết con cháu!

     - Nhà nào còn để đèn thế kia không biết?

      - Gớm cô cậu giờ còn đèo nhau!

     Những người kia vẫn quen như những lần báo động mấy năm về trước, mấy tháng về trước.

     Nhiều người khác cũng thế.

    Tôi còn nhớ cái giây phút nghe tiếng còi tạm báo yên. Trước báo động, người còn nhiều trên đường phố - lâu nay, tình hình trong thành phố bình thường lắm… Bây giờ, người đổ cả ra đường, như vừa tan ở một rạp chiếu bóng ra. Đông quá. Riêng tôi, tôi nán lại một cái ghế ở bên Hồ Gươm nhìn đèn điện bắt đầu ửng lên cả một lượt chung quanh hồ. Một người thanh niên nào đó, xem đồng hồ, nói khá to: “ Nó kéo mất hơn một giờ của mình rồi.”

     Người Hà Nội quen sống một cách giờ giấc, trong chiến tranh cũng tính giờ giấc.

     Nhưng ngay khi đó, ngồi trên chiếc ghế đá phía Câu lạc Bộ Thống Nhất, tôi nhận ra những đường đạn đỏ lừ ở chân trời phía Nam thành phố. Tiếng đạn đanh chắc gọi theo tiếng còi báo động. Đèn tắt. Những mái nhà bưu điện, cửa hàng Bách Hoá Tổng hợp vừa lờ mờ hiện ra trong ánh sáng lại nhoà hẳn trong đêm.

    Về sau này, mọi người mới hiểu cái  giây phút bắt đầu một đợt báo động mới đó có ý nghĩa thế nào đối với Hà Nội. Không ai có thể ngờ đó là phút bắt đầu một lần báo động dài. Đâu có nghỉ được một lát. Rồi suốt đêm 18 đó báo động. Suốt những đêm sau báo động. Một cuộc chiến mười hai ngày liền. Một cuộc chiến không có giờ giấc. Đến nỗi bây giờ nghĩ lại, mười hai đêm ấy giống như một đêm kéo dài, liền nhau.

 

*

      Lạ ư? Hình như bề ngoài chẳng có gì là lạ. Từ tám năm nay, Hà Nội đã quen những chuyện báo động. Người Hà Nội đã quen nép mình vào một gốc cây, ngay cạnh một hố cá nhân. Quen nhìn lên những vệt đạn xiết đỏ không khí và đuổi theo nhau trên bầu trời đêm. Quen nghe tiếng mảnh đạn lách cách trên mái nhà, rơi một tiếng đánh xẻng xuống cái chậu thau đồng ngoài sân. Quen cả  sau báo động, người lại tấp nập. Người vào quán bia, người đạp xe trên đường.

     Có một dạo, mọi người đều tưởng chiến tranh ở Hà Nội chỉ có thể là như vậy. Bây giờ thì chúng ta hiểu đấy là cuộc chiến đấu hôm qua, cuộc chiến tranh chống bọn Giôn Xơn. Nó đã thành ra có phần xa xôi, như cuộc kháng chiến chống Pháp rất xa xôi. Những ngày cuối tháng Chạp này, chúng ta có một Hà Nội khác. Hà Nội không thể nhởn nhơ. Hà Nội một thoáng kinh hoàng cũng là Hà Nội rắn đanh lại, không thể chết nên phải cố sống. Những ý nghĩ đó, sau này lần lần mới rõ, nhưng đã nhen nhúm ngay từ đêm đầu tiên.

 

*

     … Tôi biết bắt đầu từ ai được?

     Không hiểu sao, mỗi lần nhớ lại đêm báo động đầu tiên, tôi cứ nhớ đến Tâm, một cán bộ có tuổi cùng cơ quan. Lúc ấy gần mười một giờ đêm, những người trong cơ quan đi đâu cũng đã về đủ. Một số vào gầm cầu thang. Một số ra hầm ngoài sân. Vừa lắng nghe bom, vừa nói chuyện. Tất cả gặp nhau ở một ý nghĩ, sao chuyện này bất ngờ thế. Người kể lúc nãy mình đã phải xuống hố cá nhân. Người nhớ lại nỗi lo về những ngọn đèn khi ra đi không kịp tắt. Rồi bàn về ngày mai ra sao. Trong đêm tối, người ta lại càng hay nói. Dấu hiệu của sự sống lúc này chỉ còn là tiếng nói. Ngóng đợi. Bàn tán.

    Nhưng mà nói chuyện mãi thế nào được, cánh thanh niên chúng ta, anh còn lạ gì? Được một lúc, tôi về phòng. Báo động, rúc đầu vào chăn, tôi nghe thấy tất cả mà mơ hồ chẳng nghe được gì. Riêng Tâm, anh ấy làm sao mà “quên mọi chuyện” dễ dàng thế được? Thử đặt địa vị mình vào người cán bộ gần năm mươi tuổi đó, còn thiếu chuyện gì Tâm không nghĩ trong đêm. Chỉ biết mỗi lần, nghe tiếng nổ rát quá, tôi mắt nhắm mắt mở chạy ào ra gầm cầu thang, đã thấy anh ngồi thu lu ở đấy; lúc tôi quay vào, trong số người còn lại, có anh.

     Gần bốn giờ sáng có lệnh sơ tán, Tâm lục cục buộc sửa đồ đạc. Anh vốn tính cẩn thận - bây giờ ở mình muốn biết một người cẩn thận cứ nhìn cái xe đạp anh ta đi, và cách anh ta tính toán để chạy bom thì biết. Tâm phải đi ngay, vì lo gần sáng, có B.52.

     Sau này, Tâm sẽ tâm sự với chúng tôi:

     - Đi ra trong đêm. Đằng trước bom, đằng sau bom. Mọi khi đến độ Mai Dịch là chắc yên. Bấy giờ càng ra xa càng thấy nhiều đạn lên. Nhìn lại, có chỗ Hà Nội cháy. Một thứ lửa kinh thành mình nghe từ nhỏ, bây giờ mới được chứng kiến.

     Đúng ra thời kỳ này Tâm đang phải đi sơ tán. Chẳng qua là anh lần khân, ảo tưởng. Nhưng mà những ngày trước đó, có ai không ảo tưởng? Hôm trước, trong một buổi đi xem chiếu bóng về, Tâm kể mãi về cái không khí mùa xuân đang dần dà đến với thành phố. Đêm báo động dứt đi của anh một buổi nghe nhạc ở nhà một người bạn.

      Một con người của đời thường là thế. Cái điều duy nhất làm tôi luôn luôn nhớ: Có một anh Tâm trong tất cả chúng tôi.

 

*

       Nhưng lại có chúng tôi, có Tâm trong nhiều người khác.

      Buổi sáng ngày 19, trời Hà Nội lấm tấm những hạt mưa. Ngày bắt đầu hơi muộn, trời đất nhợt nhạt, tiếng nổ cầm canh từ một kho đạn bên kia sông chậm rãi đánh dấu thời gian. Nhiều mắt người Hà Nội cùng nhợt nhạt sau một đêm thiếu ngủ.

      Tôi đi ra phố, nhiều cửa hàng vẫn mở như thường lệ.

      Tôi đi ra mạn bờ sông. Mưa ướt những lượt ván cầu phao. Chưa thấy mấy người qua lại. Ở một phố vắng gần đấy, mấy người công nhân chữa xe vẫn thản nhiên làm việc như không có gì xảy ra.

     Chỉ vào từng gia đình, mới bắt gặp một cái gì lay động. Lay động nhà cửa, những nhà tranh vách đất xóm nhỏ lao động mà gia đình tôi ở. Những bức ảnh trên tường rơi xuống - lay động kỷ niệm, lay động thói quen. Và tí nữa thì cái đồng hồ để bàn rơi xuống - lay động cả thời gian. Lại thấy thêm một đức tính của người Hà Nội chúng ta, tính nhạy cảm. Hôm qua, nhạy cảm là thanh lịch tinh tế trong làm ăn, đối xử. Hôm nay, nhạy cảm là biết cảm thấy bom đạn mà tránh. Cái sự nhạy cảm ấy của thành phố chúng tôi sẽ được chứng kiến suốt trong những ngày về sau. Người vắng hẳn đi trong những buổi tối, những buổi trưa. Nhiều gia đình ăn cơm sớm hơn thường lệ, cứ gà lên chuồng là đã vác chiếu ra hầm. Nhiều người rút được quy luật máy bay oanh tạc sau mấy ngày đầu. Thêm nhiều bà con đi sơ tán.

 

 

                                                      II

       Ngay khi bắt đầu chắp nối những chuyện này lại, tôi đã ngại. Bây giờ mà còn kể với nhau về những ngày tháng Chạp 72 thì cũng đã muộn. Tôi vừa nói vừa ngại. Từ đó đến nay, đất nước bao biến động, thủ đô bao nhiêu thay đổi cần phải nói. Nhưng tôi cứ tin khi ở chiến trường trở về, thả nào anh cũng hỏi tôi về Hà Nội trong những ngày ấy. Bây giờ ở nơi xa anh cũng đang hỏi. Mười hai ngày Hà Nội dưới tầm B.52 đã thành cái mốc của lịch sử, cái mốc của tâm lý. Nó nói với chúng ta về một phía của những năm chiến tranh. Nó nói về cuộc sống đất nước - nó hằn sâu trong tâm trí mỗi người đến nỗi có thể là phần bắt đầu của mọi câu chuyện của những đứa con Hà Nội khác nhau.

       Có điều, có một chuyện phải nói sớm: phải hiểu Hà Nội thế nào cho đúng. Anh đừng hình dung Hà Nội những ngày ấy chỉ như một nạn nhân. Bằng mọi cách, bọn tôi bảo nhau  chống lại lối nghĩ như vậy. Để nói về một khía cạnh Hà Nội thì được. Nhưng để nói chung về Hà Nội thì không được. Nói chung, phải xem Hà Nội như một người lính buộc phải chiến đấu. Để tồn tại bình thường đã phải chiến đấu.

      Chắc tôi lại dọn đường để nói về những chiến sĩ bảo vệ Thủ đô - anh nghĩ. Cũng gần đúng. Trong những ngày Hà Nội tháng chạp, nhiều đơn vị cao xạ đã chiến đấu một cách tài giỏi. Nhất là các đơn vị tên lửa, ở đấy có nhiều anh em Hà Nội, nhiều sinh viên các trường đại học mới nhập ngũ. Họ là những người vào báo động cấp một khi nhiều người còn nhẩn nha đi lại. Họ là những người phơi mình trên mặt đất, khi những người khác nép dưới hầm sâu. Họ là hình ảnh mà tất cả mọi người nghĩ tới, nếu nói về cuộc chiến…

      Nhưng giờ đây, tôi muốn nói với anh về những người gánh chịu cuộc chiến đấu. Những người cảm thấy bom thả vào bất cứ chỗ nào trong thành phố đều là trúng vào công việc của họ. Những người giữ cho thành phố sống, khi kẻ địch muốn nó thành một thành phố chết.

 

*

      Nhà máy điện của chúng ta thuộc loại đã già, nhưng người tiếp chuyện tôi là một kỹ sư trẻ. Bộ quần áo anh mặc là bộ đồ màu xanh công nhân đã hơi bạc. Anh vừa đi lò về. Anh cho biết, có khi quệt tay lên mặt, thấy bụi than ăn thành từng. Giọng đều đều, anh kể:

     - Cái chính là chúng tôi biết rằng nó sẽ đánh vào nhà máy. Đó là một điều làm cho mọi người như có thể yên tâm hơn mà chuẩn bị đối phó, không bao giờ phân vân, ngần ngại. Một thứ áo giáp mà chúng tôi sớm tìm cách lo liệu cho máy móc: những bao than xỉ. Máy móc trông xù ra, những bộ phận quan trọng nép mình trong sự che chở của những bao tải mục. Cũng là một thứ đi sơ tán. Sơ tán ngay ở Hà Nội.

     Bấy giờ là buổi trưa. Lúc chúng tôi đến nơi, khói bom bốc lên dày đặc và ngoài thành phố, còn đang báo động. Chúng tôi chạy giữa đường phố vắng vẻ để đến cứu nhà máy - mỗi người đã có sẵn một giấy giới thiệu là công nhân nhà máy điện để tình thế đường xá khó khăn thế nào cũng đi lọt. Vứt xe đạp một chỗ là chúng tôi bắt tay vào dọn dẹp, dọn cho đến khuya.

      Đêm đầu tiên, đến cả điện đi-ê-den cũng mất. Những khối bê tông đen sẵn lại càng như đen kịt lại. Cái nhà máy vốn phát ra tiếng động mọi khi hôm  nay im bặt. Đi bên ngoài có khi còn cảm thấy nó như phát ra hơi lạnh nữa!

     Những ánh đèn pin loang loáng. Đó là những dấu hiệu hoạt động duy nhất còn sót lại.

      Chúng tôi rất ít nói với nhau. Ngày cũng như đêm, sự nối tiếp vào thế giới bên ngoài trông vào một đồng chí gác. Đồng chí này đứng bên loa. Hễ có báo động, anh gõ kẻng báo cho mọi người. Theo một cây cột thép làm cột tụt, mọi người lần lượt lao từ nơi đang làm việc xuống hầm sâu.

       Những cán bộ kỹ thuật chúng tôi gọi giai đoạn dọn dẹp đầu tiên cũng là giai đoạn điều tra. Trong khi những người khác mới thấy nhà máy đổ thì chúng tôi phải hình dung ra nhà máy được khôi phục. Những nét đầu tiên của phương án sửa chữa được vạch dưới ánh đèn dầu.

      Sống chết với nhà máy này từng ấy năm, nhưng chính phút cảm thấy gắn bó với nó nhất lại là những lúc làm việc không có điện. Chúng tôi thức bốn đêm liền. Cho đến khi cái lò đầu tiên bắt đầu chạy.

    - Anh có bao giờ cảm thấy buồn vì Hà Nội thiếu điện?

    - … Có lẽ cũng vì bận quá, nên không cảm thấy buồn nữa. Khi ngơi việc một tí để kịp nghĩ ngợi thì đã có điện rồi.

    Tôi không hối hận vì đã hỏi anh một câu hỏi ngớ ngẩn. Trong câu trả lời, tôi vẫn tìm được một cái gì đó.

 

*

      - Khoa gây mê như là cái cửa ngõ của bệnh viện. Người làm việc gây mê hồi sức là người nhậy cảm với tất cả nỗi đau của mọi người.

      … Đó là điều mà tôi nhớ hơn cả, khi nghe người bác sĩ ở một bệnh viện lớn của Hà Nội kể chuyện. Ngay trong điều kiện hoà bình, tôi đã hình dung công việc cứu chữa người như một trong những công việc chịu nhiều hy sinh nhất. Bây giờ lại đang những ngày chiến tranh. Tôi thử đặt mình vào địa vị một nhân viên bám viện trong mười hai ngày đánh phá. Cả ngành y tế phải gánh chịu những nỗi đau của thành phố. Mà bệnh viện là trận địa.

     Không biết đến tôi là người thứ bao nhiêu nghe chuyện của người bác sĩ ấy. Vậy mà tôi vẫn bắt gặp những thoáng mắt anh chớp chớp như là rơm rớm nước mắt khi kể về những bệnh nhân của mình, nhất là khi kể về một đứa trẻ.

     Người ta đưa em đến viện vào một ngày quãng giữa đợt đánh phá. Người em đầy bùn, chỉ còn khuôn mặt lau sạch, mà chân cẳng thì dập nát, lúc nào cũng đắp tạm một cái chăn cũ. Mọi người kể em đã sơ tán ra một khu vực ngoại ô. Cái phạm vi ngoại ô gần như tuyệt đối an toàn trong bom đạn lần trước, và bỗng trở nên nguy hiểm nhất trong đợt B.52 lần này!

      Một bữa, bố em đã cảm thấy khu vực sơ tán bị đe doạ, muốn đưa em đi. Em bảo thôi để con lại con học, cuối năm con thi. Bây giờ, em chỉ còn biết khóc.

    - Chú ơi, cháu có sống không.

    - …

    - Chú ơi, cháu đau lắm. Chú cho cháu ngủ đi, các chú mổ cháu sau.

    Chính em bé cũng không muốn chứng kiến nỗi đau của em. Nhưng người bác sĩ phải đối mặt với nó. Người bác sĩ giáp mặt với hậu quả mỗi cuộc ném bom. Những nhân viên y tế lau đi từ những vệt bùn đất đến khói đen trên mặt người. Tôi nhớ đến câu chuyện của một bác sĩ quân y ở một đơn vị ngoài tuyến trước. Theo lời anh kể, những lần đơn vị xuất kích, nhiều cán bộ đại đội, trung đội đến nắm tay anh. Họ biết có lúc tính mạng mình trông mong vào đôi bàn tay của người bác sĩ. Trong những ngày chiến đấu, cả thành phố cũng nhìn vào cái bệnh viện của mình giống như vậy.

 

*

     Tôi đã lặp lại mọi người, khi bắt đầu kể về điện và bệnh viện ở Thủ đô trong mười hai ngày đêm ấy.

     Nhưng anh biết cho, làm sao mà nói tới thủ đô lại không nói tới điện?

     Điện làm Hà Nội sống lại trong những ban đêm thành phố không ở đâu có. Với điện, thủ đô rực rỡ trong vẻ nửa thực nửa mơ của mình.

    Điện chở tiếng nói của đất nước đến các miền xa, và hình như nhờ vậy. Cả đối với những người chưa một lần đến Thủ đô, Hà Nội cũng trở thành một ý niệm cụ thể, tưởng xa xôi mà hoá ra gần gặn.

    Điện làm cho cả thành phố thống nhất lại trong một mạng lưới thống nhất.

    Bởi vậy, địch đánh vào bất cứ chỗ nào của Thủ đô cũng là đánh trúng điện. Trong những chiếc xe phóng đi trên đường đầu tiên sau một đợt bom nổ, có những chiếc xe của sở quản lý và phân phối điện. Công việc khôi phục một khu vực được tính là hoàn thành cùng cái lúc người công nhân chữa điện thu dọn đồ đạc, và em nhỏ trong gia đình bật thử công tắc đèn ngay giữa ban ngày.

     So với những vùng nông thôn, cái chất riêng của thành phố khi đối đầu với chiến tranh có lẽ là ở chỗ ấy, ở mối liên quan giữa tất cả các điểm, các bộ phận trong một số phận chung, và tất cả mọi ngành công tác đều được huy động ra chiến đấu và khắc phục hậu quả.

     Một đoạn cống ngầm ở Khâm Thiên bật tung, thành cống xây xi-măng bị rạn ra, trông như những tảng đá hộc ghép tạm. Phải phá cả đi, xây lại. Phải đóng cọc, đổ móng từ đầu. Suốt một tháng sau đó, đi qua đoạn cống, bao giờ tôi cũng nghe tiếng máy bơm xình xịch. Hai máy cùng chạy mới kịp cho người làm.

     Lặng lẽ hơn, là phần việc của người nhân viên bưu điện. Trong mấy chục hòm thư rải rác trên đường và trong các ngõ Khâm Thiên, bao nhiêu hòm bật tung - có ai đến thăm Khâm Thiên để ý? Chỉ có một vài bác già ngay sau tiếng bom nổ là nhớ tới tất cả những hòm thư ấy, và những ngày sau lầm lụi đi tìm kiếm, sửa sang lại bộ mặt cho chúng.

     Sau một đợt ném bom, điện thư ùn ùn từ các nơi đánh về thăm hỏi. Sẽ có những lúc người nhân viên bưu điện cầm lá thư trong tay, sững sờ trước một căn nhà đổ nát, và phải dò hỏi xóm giềng mới tìm được đến nơi người chủ ngôi nhà cũ tạm trú ngụ.

     Những chiếc xe rác rất lâu về sau mới chở hết gạch vôi vụn nát ra khỏi thành phố.

     Và có thể một vài năm nữa, hàng chục năm nữa, người công nhân cầu đường, người thợ đặt ống dẫn nước còn chạm phải những vết thương do bom đạn gây ra, tận trong những tầng sâu mặt đất Thủ đô.

     Tôi muốn trở lại cái chữ mà người bác sĩ ở bệnh viện nói với tôi cuối cùng khi kể về đợt đánh B.52: “Những di luỵ của chiến tranh” Cái phần di luỵ ấy, những người làm công tác y học cảm thấy rất rõ trên da thịt con người, nhưng cả thành phố mãi mãi cảm thấy trên những sinh hoạt bề mặt, và tận bề sâu tâm lý của những lớp người Hà Nội khác nhau.

 

 

                                                           III

      Anh cũng biết đấy, lâu nay trong số trong số những người bạn cùng lớp cũ, nhiều người chúng ta vẫn coi Thảo như một người con gái “rất Hà Nội”. Giả sử như anh đi xa về, hoặc tôi, sau một chuyến đi sơ tán lâu lâu, lần nào cũng vậy, muốn trở lại với một cái gì ổn định của Hà Nội, chúng ta tìm đến nhà Thảo.

      Sao ở ngay cạnh một đường phố lớn của Thủ đô lại có một cái ngõ vắng như thế, toàn những nhà gác giản dị, xinh xắn; để rồi trong một căn gác đó, có một cái phòng con giản dị xinh xắn, cửa sổ xoà bóng một cây hoàng lan, phòng của Thảo.

     Vào đấy, chúng ta ngồi uống nước trên mấy tấm phản kê sát xuống sàn đá hoa thứ mặt ghế ngựa nước gỗ bóng loáng, ta đặt tay lên cái bàn lim chắc chắn, nhũn nhặn. Ta bắt gặp những chồng sách xếp dày, quyển nào cũng bọc bằng một thứ giấy bóng mờ, thứ giấy người mê sách xưa trữ riêng để bọc sách.

      Có những cánh hồng nhung rơi xuống mặt bàn trải một tấm khăn thêu thanh nhã - cánh hoa rơi từ lúc nào mà còn đậm đà một sắc đỏ thắm thiết như thể vừa rơi. Tất cả ở đấy, giản dị, thanh nhã. Tưởng như chiến tranh không thể len mắt vào đây - đã một lần nào, một người bạn nhận xét vậy. Gian phòng nền nếp đến nỗi những ngày gần đây đôi lúc bọn tôi đâm ngại có ít đến chơi. Một dịp nào đó, tôi chợt nhận thấy điều ngại ngùng ấy, và tôi tìm ra lý do: chỉ vì ở đó mọi thứ tĩnh lặng quá.

      Những ngày này, bạn bè chúng ta chia đi khắp nơi, mỗi đứa bận bịu vì bao nhiêu việc, mỗi đứa một thằng hay vội.

      Còn Thảo, Thảo không thế, Thảo ít biến đổi đến nỗi tưởng như cô vẫn đứng nguyên trong cái quá khứ êm đẹp của chúng ta.

     Tôi đã nói hơi kỹ về Thảo - bởi anh hẳn cũng đoán ra, kỳ này Thảo cũng bị “lôi vào cuộc” như người ta thường nói. Theo chính lời cô kể, chúng ta có thể tưởng tượng ra một phía của Hà Nội trong thời gian mười hai ngày.

        Những buổi tối báo động, cô ngồi trên căn phòng nhỏ của mình, sẵn sàng lao xuống gầm cầu thang. Cái chính là ngồi đấy cô sống hết với mọi diễn biến bên cạnh nhà, dưới đường, trong cả thành phố. Mọi khi ai đến chơi, có hỏi về những chuyện xóm giềng thì Thảo tỏ ra không biết - chính là cô cố làm như vậy. Hôm nay, theo lời cô kể, ngồi trong đêm báo động, cô nhớ lại cuộc đời những người hàng xóm như cô đã biết. Ban ngày, cô chia sẻ nhiều câu chuyện, nhiều nỗi lo với họ, và chính nhờ thế, cô cảm thấy đỡ cô đơn. Những người ở mấy gian buồng tầng dưới nhà Thảo người nào ở lại cũng tìm đến nhau. Họ chuyện trò đúng nghĩa hàng xóm láng giềng.

     Đến nhà Thảo trong những ngày ấy, tôi có thể đọc được những đổi mới ngay từ ngoài cửa. Một hàng chữ viết bằng phấn hằn lên trên nền gỗ sơn lâu ngày đã loang lổ. “Thảo theo trường đi sơ tán”. “Nam về thì lấy chìa khoá ở bác Tài”.

      Xưa nay, Thảo chưa hề làm thế. Những người con gái Hà Nội kín đáo không thích người ngoài vừa đến cửa đã có thể biết người trong nhà có những ai và tên là gì. Bây giờ thì mọi người đâm ra cởi mở hơn bao giờ hết. Những cánh cửa có dòng chữ viết vào đấy đứng đối diện như những căn nhà đang nói chuyện với nhau.

     Phần lớn chúng tôi bây giờ có một cuộc sống khác Thảo. Nhưng chúng ta vẫn quý một Hà Nội như vậy. Sau này, Thảo còn kể với tôi về một kỷ niệm. Những ngày cuối đợt đánh phá, trong lúc chuẩn bị đi sơ tán, tự nhiên “giời cho” cô mua được một chục cúc rất đep. Chưa bao giờ cô có những bông hoa vừa ý như vậy, cánh hoa dày, vồng chắc khoẻ, sau khi cô đi sơ tán mấy hôm về, lá xanh rụng cả cánh hoa xác xơ, mà trông vẫn còn ra hình ra vóc. Mặc dù chỉ đuợc sống với nó có mấy tiếng đồng hồ, cô vẫn nhớ mãi. Cũng chẳng sao, nó là hình bóng của cô ở lại với căn nhà - ở nơi xa cô nghĩ. Anh  thấy đấy, sau tất cả những biến đổi, vẫn có một cô Thảo cũ, Thảo chỉ cứng cáp hơn, lịch sự hơn.

 

*

        Nếu ai hỏi đâu là đặc trưng cho Hà Nội của tôi, tôi - cũng như nhiều người - sẽ nói đến phố xá. Đối với những người như chúng ta, Hà Nội chưa phải là một gian phòng đủ tiện nghi, một “tổ ấm” riêng tư. Nhưng giá kể có tất cả những thứ ấy, tôi vẫn nghĩ nhiều đến phố xá. Tôi thích những phố đông, ở đấy nhiều những bộ mặt Hà Nội khác nhau, những cảnh ngộ khác nhau. Tôi càng yêu những phố vắng, ở đấy, lại được ngắm nhìn từng kiểu kiến trúc, từng vòm cây, chậu hoa - khi cần, có thể đi thật chậm rãi ngắm nghía mà không sợ làm phiền ai hết. Mỗi người Hà Nội đều còn nghèo, căn phòng của chúng ta còn hẹp. Nhưng mỗi người Hà Nội lại rất giàu, giàu với cả phố xá ngoài kia.

     Tôi đã nói trong mười hai ngày tháng chạp 1972, mỗi người Hà Nội nhận lại chính mình, và nhận lại cả thành phố. Thì mỗi người cũng nhận lại từng căn nhà, từng góc phố, những đường phố của Thủ đô.

     … Phố xây nên từ những làng, những phường buôn bán cũ. Đường phố nhỏ, nhiều khi không được thẳng, nhà xây còn thụt ra thụt vào ít chút. Phố nhiều nhà lợp ngói lá đề, màu ngói cổ như màu áo của những người mẹ người chị một thời mà bây giờ, chỉ ở nông thôn, người ta còn mặc. Và sau quầy hàng buôn bán, nhìn sâu vào trong lòng nhà, còn thấy những đôi câu đối, những chậu hoa, đôn sứ, như thể ở những làng quê…

    Đối với những người  khác thế nào không biết, đối với tôi, đối với những người ở khu Bắc thành phố như cánh ta, Hà Nội trước hết là những dãy phố ấy, phố buôn bán, phố nghề thủ công, những Hàng Đường Hàng Khoai, những phố Lò Rèn bây giờ còn đập lò, những Hàng Vải Thâm, đi qua rất nhiều  nhà bán cần câu và bột đá. Những phố buôn bán sầm uất của Hà Nội cũ.

     Những phố tưởng như không lúc nào vắng người, thì vào những ngày này có lúc trở nên rộng ra một cách đáng ngại. Mặt đường thoáng đãng - có phố hiện ra là một cái dốc, có phố hai đầu cao, ở giữa võng xuống, chả trách những ngày mưa, nước cứ đọng lại. Và khi có việc phải đi qua, tôi chú ý tới cả cái phần trước không bao giờ chú ý, cái chất đất ở dưới lòng phố. Cái hố cá nhân nói với tôi điều đó. Ở Hàng Đường, các hố thường có nước, ở mặt sau, phố Hàng Cân chẳng hạn, các hầm khô sạch hơn.

      Bây giờ tôi muốn đưa anh trở về mấy cái phố chung quanh nhà máy điện. Riêng với chúng ta, nó là những phố nhiều kỷ niệm từ nhỏ, nó cũng là một ít phố độc đáo của cái khu bắc mà chúng ta thân thuộc. Cửa Bắc và Hàng Bún, Hàng Than và Nguyễn Trường Tộ, Châu Long và Yên Ninh. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, người ta đã chú ý tới những phố ấy. Mấy năm 1965 - 66, ở đâu còn dềnh dàng, ở đấy người ta đã phải cuốn đồ đạc chạy, và gần như là chạy hẳn. Nhiều gia đình cửa giả mang đi, nhìn ngoài đường vào cứ thông thống, như một thứ nhà hoang. Lại thêm màu một thứ thuốc đen mà người ta xì vào các tường nhà để hòa lẫn nhà máy điện với không gian chung quanh. Ban ngày trông đã hoang vắng, ban đêm lại càng thăm thẳm.

     Vào cái đêm 24 tháng chạp, đêm Noel tạm ngừng tiếng súng, tôi đã đi lần lần trên vỉa hè những đường phố đó. Tôi nhẩm lại những gia đình quen. Tôi ngước lên nhìn những cửa sổ không một chút ánh sáng. Những tán bàng thu mình, như chết đứng ở đó. Dưới chân, nhiều chỗ cỏ đã mọc từ lớp đất không hiểu vì sao bồi dày một vài góc vỉa hè. Lá bàng rụng, lá rụng từ bao giờ, gió xô nép cả vào chân tường. Căn nhà ngay bên đường cổng ngỏ. Thử vào một chút? Nhưng nhỡ có ma?! Một ý nghĩ hình như chỉ có trong những năm còn rất bé bỗng ở đâu trở về, tôi tự cười thầm, mà cố tìm cách cắt nghĩa vì sao lại nảy ra ý nghĩ vậy. Cái chính là căn nhà đã vắng quá.

    Quành về phía dưới, tôi bước trên đoạn phố đầu đường Nguyễn Trường Tộ, nơi nối vào Hàng Than. Đã thành lệ nhiều năm, bao giờ khoảng gần tết đến đây, tôi cũng nghe mùi hăng hăng của quả xanh, mùi những quả bí người ta thái làm mứt Tết. Hôm nay căn nhà tổ hợp tác không còn vẻ huyên náo thường có. Dưới chân tôi, lớp vỏ bí gọt lâu ngày phơi khô cong.

     Cả phố toát ra vẻ lam lũ. Chỉ thỉnh thoảng lắm, giữa những mái nhà cúi mặt trong đêm, thấy hé ra những ánh đèn. Có khi là một ánh đèn điện đỏ lờ mờ nơi một gác xép, nó như một con mắt thức. Người đi đường thoáng lo: số phận những người trong căn phòng đó ra sao, nhỡ có chuyện gì xảy ra ai lo cho họ? Nhưng thấy được một dấu hiệu có người, vẫn là vui vui, nỗi vui đồng cảm giữa những người cùng sống chết với một thành phố. Chúng tôi cùng sống trong đêm. Thành phố đã góp lửa lại để chiến đấu những đêm qua, và trong những đêm tới. Thành phố trong đêm im lặng sẽ là thành phố rực sáng khi địch đến, và đó sẽ là một thứ lửa kinh thành mới, thêm vào thứ lửa kinh thành mỗi chúng ta từng đọc trong sách vở ngày trước.

 

                                                           IV

       Chắc trong thành phố có nhiều đám bạn bè như tốp thanh niên chúng tôi -  trong đó có những đồng nghiệp mới, do nghề nghiệp mà tôi phải làm quen, chính anh cũng chưa biết. Bọn tôi ở nhiều khu phố khác nhau, nhưng thích tụ tập. Cả bọn làm công việc động, thường đi công tác ở các tỉnh, cho nên tụ tập lại là nói đủ mọi chuyện mà mỗi người biết. Vào những ngày “có việc” của thành phố, các thành viên lại càng có ý tìm nhau, như là muốn bàn luận một số điều cùng chứng kiến. Những điều tôi ghi lại là của người nọ người kia nhưng nói cho đúng, bao giờ cũng là có một phần của tôi trong đó - Xin anh thứ lỗi cho một số đoạn như là cao giọng dưới đây.

 

     - Những ngày này, chính là nhiều người Hà Nội đâm ra hay nói. Nghĩ để nói được một điều gì đó, tiếng nói đó cùng với tiếng súng chứng tỏ rằng Hà Nội lúc nào cũng sống, phải không các ông? Tôi nhớ một cậu ở chiến trường kể ngay ở chốt, cũng phải tìm cách duy trì sinh hoạt đơn vị. Sinh hoạt là hơi thở của quân đội. Nếu phân tán ra cho mỗi người ngồi một góc, lại dễ sinh ra tư tưởng lắm. Hà Nội bây giờ cũng thế.

      Không hiểu sao, nói về Hà Nội đánh nhau là mình lại nhớ quyển Sống mãi với Thủ đô của ông Nguyễn Huy Tưởng, mà trong quyển Sống mãi… ấy lại nhớ nhất một đoạn tác giả kể, đêm 19 tháng Chạp ấy, một thanh niên là Nhật Tân làm một bữa nhắm thật sang, rồi ra đường, “túm” bừa bốn người không quen biết, chỉ tình cờ đi qua, bắt họ vào ăn với mình. Vừa ăn, họ vừa bàn luận về Hà Nội; nghĩa là cao đàm, khoát luận, cũng dài dòng mà cũng sâu sắc. Chúng ta đọc và chúng ta hiểu. Chẳng qua tác giả mượn mồm các nhân vật mà nói một ít suy nghĩ của mình về Hà Nội. Nhưng mà nói như thế thì hả thật, tôi vẫn thấy đấy là một trong những chương hay nhất của Nguyễn Huy Tưởng.

 

     - Hãy để cái Sống mãi với Thủ đô của ông ấy sang một bên. Trong ý kiến của cậu, mình chỉ thấy nên phát triển cái ý này: Đúng Hà Nội trong những ngày đánh B.52 đã trở thành một thứ chốt, một thứ cửa tử rất ác liệt.

     Không hiểu các cậu thế nào, mình nghiệm thấy chịu đựng bom đạn ở Hà Nội hoàn toàn không giống chuyện chịu đựng bom đạn ở mọi nơi, ở chiến trường, bom đạn nổ ngay bên cạnh hầm cũng có thể cứ nằm trong hầm mà ngủ, đất có chuyển kệ nó. Nhưng ở đây, không thế được, ở Hà Nội, nó đánh ở đâu, cũng cứ như là ở ngay bên cạnh, có cảm giác như mọi nhà đều liền tường, phố liền phố, ngõ liền ngõ.

      Ngoài bom đạn, lại còn lo bao nhiêu chuyện nhà sập, ngói đổ, rất dễ bị thương, mà người thì nhiều quá. Mình vốn yếu lòng. Thường mình không thể chịu được tiếng trẻ con khóc. Những ngày này, trông thấy các vị bố mẹ doạ chúng nó, rồi chúng lại hết hồn sợ hãi vì bom, nhưng vẫn cứ thập thò thập thò ở cửa những chuyến xe ô tô đi sơ tán chẳng hạn, thì mình cho thế cũng đã là một thử thách lớn lắm đối với mỗi người Hà Nội rồi, những người ở lại bám Hà Nội chiến đấu lúc này càng phải nhớ tới những cảnh ngộ đó, mà bắt kẻ địch phải trả một cái giá cho xứng đáng.

 

    - Buổi sáng hôm 27, tức là sau cái đêm nó đánh Khâm Thiên, tôi là một trong những người có mặt sớm nhất ở đấy. Sau này, nghe kể, đêm hôm trước, người còn vắng ngắt, có một số người sau loạt bom, cảm thấy như được sống sót, hãy cứ lặng lẽ, cúi mặt xuống mà đi ra khỏi cái khu vực ấy, đến một quãng nào đó, mới sực nhớ ra, chợt tỉnh ra, quay lại cứu những người sập. Giờ nói chuyện sáng hôm sau khi tôi đến, thì người ta đã cứu được một số kha khá. Một số không cứu được nữa thì được đặt thành hàng bên hè, người nào mặt cũng xanh như tàu chuối.

      Tôi xin nói thêm một hình ảnh, nó nằm trong cái ý con người và đất mà một lần tôi đã nói. Buổi sáng hôm ấy, rất nhiều thân nhân đến nhận người chết, và những người sống lúc áy loay hoay đi tìm cái gì các ông có biết không? Đi tìm một nắm đất để cắm hương. Đến lúc có một nắm hương cắm ở trên đầu, thì mỗi người chết mới được coi như có người nhận. Hương bay nghi ngút. Tôi ngửi mùi hương mà nghe sờ sợ, đến nỗi những ngày sau, về nhà bà cụ tôi có thắp hương, là tôi phải tránh cho xa.

     Tôi kể lại chuyện trên này để làm gì? Để các ông tin rằng không ai lại bàng quan với những đau thương của Hà Nội trong những ngày qua. Nhưng tôi nói thêm: tôi cho rằng chính vì thế, mà lần này Hà Nội đứng ở đúng tầm của mình hơn. Hà Nội hiểu được các nơi khác, và bất cứ mảnh đất nào ở Nam hay ở Bắc cũng cảm thấy gần gũi hơn với Hà Nội. Còn những người lính ở chiến trường về sẽ nhìn ra một Hà Nội với tất cả mọi khía cạnh của nó, khía cạnh nào cũng được đẩy đến mức mãnh liệt.

 

    - Đồng ý, đồng ý đấy! Lâu nay mình vẫn có một cái bực, bực vì người ta vẫn cho là Hà Nội đứng xa chiến tranh quá. Làm sao mà thủ đô một đất nước có chiến tranh lại đứng xa như vậy được, hãy nhìn lại xem, cuộc sống chiến đấu thâm nhập vào Hà Nội theo cả hai chiều xuôi ngược. Một mặt thì người Hà Nội toả đi các nơi, con trai khoác áo bộ đội, con gái vào thanh niên xung phong phục vụ trong Trường Sơn. Chẳng phải là rất nhiều cậu kể trên tuyến đường nọ -- hình như đường 20 thì phải - có những tốp nữ thanh niên Hà Nội vẫn sống rất lịch sự. Họ làm đường phá bom rất giỏi, nhưng trong đêm  liên hoan đầu xuân lại xuất hiện trong những tà áo dài may từ dù pháo sáng. Đến đâu, họ cũng vẫn nhớ họ là người Thủ đô. Đấy là một mặt. Mặt khác, những nếp sống ở chiến trường cũng tràn về Hà Nội, và đây là một mặt thứ hai, mặt này cũng rất quan trọng, chỉ vì nó đến dần dà mà không ai nói rõ ra.

 

   --  Chắc các ông còn nhớ những cảnh thế này: một buổi sáng nào đó, trên quãng đường nhựa, một đại lộ lớn chạy ngang thành phố, chúng ta chợt gặp một vài chiếc xe tải, đỗ dọc vỉa hè, trên nóc mỗi xe mắc một chiếc màn trắng dây màn buộc túm vào cành cây, sáng bảnh rồi người ngủ trong màn cũng chưa thèm dậy, chắc hẳn hôm trước anh ta về đến đây đã muộn… Có phải đấy là dấu hiệu của những nếp sống chiến trường tràn về thành phố?

 

    - Lại còn những ông bộ đội nhà mình đeo ba lô dày cộp và mặc bộ quần áo trên mặt vải còn khâu những mẩu dây nhỏ để buộc nguỵ trang, hay những ông không đeo xắc mà đeo cái túi mìn định hướng đi lại thoải mái nữa chứ?

 

    - Những cái đó thì khỏi phải nói, mình cho là những bóng dáng nhắc nhở có ý nghĩa thường xuyên nhất rồi, chính nó làm cho mình nhớ đến chiến trường. Để mình nói tiếp, đấy Hà Nội của mình như thế đấy, cùng là đổi mới bao nhiêu nếp sống nữa, vậy mà nó vẫn bị gán cho là vô can, và chính mình cũng nghĩ là nó vô can. Xưa nay, đi đâu về, mình vẫn cứ nghĩ đến Hà Nội là được nghỉ. Trước kia, Hà Nội thường gắn với những chuyện ngơi nghỉ. Hôm nay, Hà Nội cũng là hy sinh, chiến đấu, mà cái mức hy sinh phấn đấu của một Thủ đô, nghĩa là  có những khía cạnh lại ghê gớm hơn ở đâu hết.

 

    - Không hiểu các ông thế nào, lúc đầu tôi cũng hơi lo lo về cái thành phố của mình cơ đấy. Lo dân tình xao xuyến thì ít, mà lo người ta chủ quan thì nhiều. Quả thật, người Hà Nội mình có cái gì đó hồn nhiên, vô tư lắm. Cho nên, trong thời gian vừa qua, bản thân tôi thú nhất là được chứng kiến cái sắc sảo của mỗi người dân, để rồi tự mình có khái niệm đầy đủ hơn về sự tinh tế, lịch sự của Thủ đô. Sao mà bây giờ người ta nhanh vậy! Nghe ngóng tình hình tin tức, đoán nhận mọi chuyện, thêu dệt đủ thứ, mà như các ông đã biết đấy, bao giờ những chuyện thêu dệt cũng có một cơ sở rất thực! Thế này mới cừ chứ: các ông các bà ở phố nhà mình quan sát cả đường bay trinh sát của nó để đoán ra hướng nó ném bom. Bao nhiêu trí tuệ vốn để buôn bán, để xoay xoả lẫn nhau, bây giờ được huy động vào việc đối phó với địch - quả không có sự đối phó nào lại tuyệt hơn thế được.

      Tìm hiểu cách thức phân tích tình hình của người dân thường nhiều lúc mình thấy rất lạ.

     Nói cho đúng, họ không có lý lẽ. Họ chỉ có một sự nhạy cảm nào đó, mà ta gọi là bản năng. Nhưng trong những ngày này, hình như nhiều lúc lý lẽ không giải thích được mọi chuyện cho thật rõ, còn chính bản năng lại có thể nói với người ta một ít điều sẽ đến trong đời sống. Đó là vì thường khi cái lý lẽ của mình mới đến nửa vời, mà bản năng thì đã đi hết chính nó. Nói thế này cho phải: đi đến cùng đường, thì cả bản năng lẫn lý trí đều gặp nhau. Bằng chứng là những dự đoán của người dân Hà Nội trong thời gian vừa qua đều khá chính xác.

 

      - Thế nghĩa là theo anh, có một cái gì đó thuộc về bí mật trong những người dân “đất thánh”, như anh em mình vẫn nói? Cũng là một cách đặt vấn đề đấy. Còn rất nhiều bí mật ẩn giấu trong khả năng của những người dân nơi đây, mà chỉ trong những ngày chiến tranh, chúng ta  mới hé nhìn thấy, và càng ngày, càng nghĩ ra.

 

                                                          V

      Và bây giờ tôi muốn nói trực tiếp với anh, anh - người công dân Thủ đô không ở Hà Nội đã gần mười năm nay, và lần cuối cùng ghé về thăm nhà đã sáu năm có lẻ. Sau cùng, với anh, với tôi, đâu là những điều chúng ta nghĩ được về thành phố trong thời gian qua? Sau cùng, đâu là những ý nghĩ về Hà Nội trở đi trở lại trong đầu chúng ta, một thứ ý nghĩ mà chúng ta dựa vào đấy, như một lý do để sống?

     Để bắt đầu, tôi vẫn thấy không có cách gì khác là kiểm điểm lại quá khứ. Đó là cái năm đầu tiên Hà Nội được giải phóng. Với chúng ta, đó là năm đầu tiên lên học Trường cấp hai. Còn nhớ trong bọn có đứa lớn lên từ Hà Nội tạm chiếm, có đứa tuy gốc người Thủ đô nhưng theo gia đình ra kháng chiến vừa mới trở về, chúng ta quây quần học trong mái trường có từ mấy chục năm nay, và trong thời gian tạm chiếm, thành một trại lính — trường Chu Văn An. Ngày ấy, mọi thứ ở thuở ban đầu, trường sở rộng rãi, cánh thanh niên cấp hai chúng ta đã ra dáng những cậu học trò học hành nghiêm chỉnh. Ngày ấy, tất cả đều nhịp nhàng, hòa hợp. Đường phố người đi lại vừa phải, có những bãi cỏ để học trò đá bóng. Và những buổi đi mít-tinh, đi họp, đi lao động xây dựng Thủ đô, tất cả thành kính, nghiêm trang. Anh có nhớ lần đầu tiên chúng ta—tôi với anh-- phát hiện ra bầu trời xanh trên thành phố, lúc đứng giữa quảng trường trong một buổi mít tinh vào đầu hè, hình như là mít tinh nhân ngày 1 tháng 5? Tương lai,-- lúc ấy chúng ta hình dung ra tương lai qua hình ảnh một đôi chim bay mãi vào thinh không xa thẳm. Chúng ta cùng thi nhau xem trong hai đứa, đứa nào mắt tinh, nhìn thấy cánh chim lâu hơn.

     Hãy tạm bắt đầu bằng không khí một Hà Nội như thế để cảm nghe mọi đổi mới của Hà Nội hôm nay - Những năm 1963, 1964, cái thời gian chín đầy của cuộc sống hoà bình, lúc ấy chúng ta dửng dưng như mọi thời gian vẫn qua, có ai biết đâu nó là thời gian sắp sửa của những gì đổi mới trong cả lịch sử, do đó trong vận mệnh mỗi con người trong thành phố.

     Kể cũng là may cho những ai mà sự thay đổi trong cuộc đời riêng lại trùng với những thay đổi trong lịch sử. Mà anh là thế. Mùa hè năm đó, sau khi học xong một ngành học cần cho chiến tranh là ngành y, cũng như bao nhiêu thanh niên Hà Nội khác, anh đi. Còn năm học mới của chúng tôi, những người ở lại, trùng vào những năm tháng bắt đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại - ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi có điều kiện sống trong một hoàn cảnh mà thời gian trước không ai hình dung ra nổi.

     Hẳn anh còn nhớ mới một năm trước, không, nửa năm trước đó thôi, đôi lúc nghe nói đến chuyện đào hầm, chúng ta còn nghe như ai đùa bỡn: cứ nói quá như thế, làm gì ra có chuyện nó đánh Thủ đô? Chủ yếu là mơ màng, đôi lúc như tặc lưỡi mặc kệ - đó là cách nghĩ của những người chưa hiểu chiến tranh.

      Bởi thế, về sau, nhìn lại mình, chúng tôi cũng ngạc nhiên: phút chốc mà mình đã quen với những cảnh nhuộm áo trắng thành áo xanh, xếp hàng ăn mì - nước một - hào (mì không người lái )và đi sơ tán. Ngày tháng trôi đi không còn theo nhịp điệu cũ. Nhớ lại những năm 66, 67, bây giờ tôi chỉ hình dung ra những chuyến đi, và những lần trở về liên tiếp.

      Tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu nơi, cũng là bao nhiêu lần trở về - cái chính là trở về, trở về với Hà Nội, Hà Nội báo động, Hà Nội mất điện trong đêm và vắng vẻ trong cả những giờ người đi làm và người hết giờ trở về nhà.

      Một lần nào đó, trên đường phố, một thằng bạn trong bọn chúng ta cũng đã ứa nước mắt khi thấy một xe chở nước làm việc phun nước rửa đường. Tưởng là “thời chiến”, ai làm việc đó nữa!

     Thực ra thì có bao nhiêu chuyện có thể ứa nước mắt được.

      Những lần đi về trên những nhịp cầu bắc tạm của cây cầu qua sông thân thuộc, những lần nép mình bên một hố cá nhân, còn kịp thấy hoa sấu rụng lưa thưa mặt đường.

       Và một lần nào đứng trên cái mảnh đất công viên ở ven Hồ Tây đã hơi trống đi vì phải chặt cây nhường chỗ cho pháo.

       Tôi tin chỉ những đứa học trò con gái con trai từng tự tay đẩy xe bò chở cát sông Hồng về mở rộng đường Cổ Ngư để làm nên cái vườn hoa, như bọn chúng mình, mới cảm thấy hết sự vắng vẻ bóng cây, cùng là cảm thấy hết những phút nao lòng vì đối diện với một bầu trời thành phố khác đi trên đầu.

     Để bao giờ anh về, tôi sẽ kể tiếp với anh tất cả những kỷ niệm ngày ấy, cũng như những ngày Hà Nội gọi là trở lại bình thường sau đợt ném bom Giôn-xơn. Bốn năm trời, rồi bốn năm nữa, đủ để bao nhiêu chuyện xảy ra - ở đây, tôi chỉ có thể nói một điều. Trước sau, Hà Nội vẫn biến đổi theo một hướng. Khi nhanh khi chậm, dần dần, nhưng bao giờ Hà Nội cũng tự chuẩn bị cho mình thật là Hà Nội, như những ngày tháng chạp 1972.

      Mấy năm gọi là bình ổn sau năm 1968, cũng chỉ là một sự trở lại nửa vời tạm bợ.

       Trong suốt thời gian ấy, người ta cảm thấy như sống trong một ngày dài không mưa không nắng công việc cứ thế kéo đi, chậm rãi, triền miên, cho đến cái thời gian chiến đấu mười hai ngày, nó là một cái đêm dài như tôi đã nói, nó hoàn thành một giai đoạn nào đó của cuộc chiến đấu ở Thủ đô.

        Và chúng ta, dù ở Hà Nội, hay ở nơi xa, chúng ta có thêm một dịp để suy nghĩ, để sống hết mình với Hà Nội những năm này.

       Bị cuốn đi trong những vất vả kiếm sống, có lúc mỗi người trong chúng ta tưởng không đủ sức nhớ được gì về những năm tháng qua. Nhưng tận trong thâm tâm, chúng ta biết đó là cái thời gian để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong đời mình: những năm mình như một thanh niên lớn lên, vào đời, sống, làm việc.

    

       Mãi gần đây, trong những chuyến đi công tác các nơi, tôi vẫn bắt gặp nỗi kinh ngạc của nhiều người, khi hỏi về Hà Nội, về thành phố bị ném bom trong mười hai ngày ấy. Vì sao vậy? Hình như trong đầu óc mọi người, Hà Nội có tham dự, thì cũng chỉ là nên tham dự như mấy năm 66-67 về trước. Chúng ta ở Hà Nội, ta hơi tự ái vì Hà Nội bị kêu là vô can. Nhưng các địa phương, các chiến trường sẵn sàng chịu đựng để Hà Nội yên lành - Hà Nội chỉ là nơi để mọi người có dịp về nghỉ.

        Với một số người, Hà Nội vừa là dư âm những năm hoà bình ngày trước, vừa là hình ảnh mới của đất nước về sau.

    Hà Nội hãy là quá khứ, hoặc là tương lai!

    Nhưng với mười hai ngày lịch sử, Hà Nội trở thành hiện tại trong cuộc chiến tranh này. Hiện tại như nó phải thế, không ai hiểu khác được. Hiện tại như mọi miền và mọi công việc của đất nước.

    Nói tới đây, tôi lại nhớ tới câu chuyện câu một đồng chí ở một chiến trường, sau khi ra Hà Nội công tác trở về đơn vị. Theo thường lệ, mọi người quây quần nghe anh kể chuyện:

    - Bọn này đang thiu thiu ngủ thì xe hãm phanh đỗ lại. “Bến phà nào đây nhỉ ?”. Có cậu nhìn ra mặt nước càu nhàu. Phà nào, phà nào à? Phà Hồ Gươm đấy. Về đến Hà Nội rồi, có xuống cho không, mơ màng mãi”. Đồng chí ngồi trên ca bin xe gắt lên. Cả bọn nhảy ra. Đúng là đặt chân xuống mặt đường nhựa Hà Nội thật.

     Chiến tranh lạ thế, nó làm cho mọi người mải mốt quên đi một số việc - ý đồng chí kể chuyện là vậy. Mọi người đang gật gù trước một nhận xét sâu sắc.

     Chợt một cậu từ nãy vẫn im lặng vụt đứng dậy, gắt um lên.

    - Cậu kể bậy, mình không tin, không bao giờ mình có thể tin. Đặt điều kiện xe có đi vài ba ngày liền, đi cả ngày cả đêm nữa, về đến Hà Nội, mình vẫn tỉnh như sáo. Gần đến Hà Nội là đầu óc người ta nhộn nhạo cả lên rồi. Hình ảnh Hà Nội ở phía trước đánh thức trong người trở về bao nhiêu ý nghĩ khác nhau, làm sao có thể về đến Hồ Gươm còn mơ màng tưởng là một bến phà nào được.

     Như sực tỉnh, mọi người cùng ngả ngay về cái phát hiện người bạn vừa nói ra, xem đó như một tình cảm có thật của mỗi người đối với Hà Nội.

    Đúng thế thôi, chỉ ý nghĩ được đặt chân lên mặt đường Thủ đô cũng làm cho mọi người ngồi trên bất cứ một chuyến xe nào trở về cảm thấy nao lòng.

    Tôi nhắc lại câu chuyện đó ở đây để nói với anh, mà cũng là nói với chính mình. Tình cảm của mỗi chúng ta đối với Hà Nội thật là sâu nặng, có lẽ càng ở xa như các anh lại càng sâu nặng.

      Hoá ra điều tôi hứa ban đầu chỉ là nhẹ dạ: làm sao tôi có thể nói hết những điều sau cùng chúng ta nghĩ được, qua những ngày tháng lịch sử của cuộc chiến đấu của cả một thành phố? Tôi chỉ muốn gợi ra ở đây, để anh, để tôi, để những người bạn khác cùng suy nghĩ. Rồi lúc nào đó, vào một thời gian khác, những lúc khổ hơn, những lúc sướng hơn, chúng ta còn nói về Hà Nội - có một Hà Nội hồi ấy, Hà Nội của đất nước chiến đấu, Hà Nội của hy vọng mong chờ, Hà Nội như một lý do để sống.

 

 

12-1973

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn