7/
Trong nghiên cứu văn học ở miền Bắc trước đây, tuy không chính thức ghi thành pháp lệnh, nhưng có một nguyên tắc quán xuyến, là “Hậu kim bạc cổ”. Câu này có nghĩa giới nghiên cứu nên tập trung cho các đề tài hiện đại, còn với các nền văn học quá khứ, chỉ nên coi là công việc ít quan trọng hơn, không nên đầu tư nhiều về tài năng và sức lực.Và việc giảng dạy cũng vậy.
Người nghiên cứu văn học mới trưởng thành
từ sau 1954 vốn kiến thức về văn học cổ đã kém lại không được khuyến khích học
tập và làm việc, cho nên nhìn chung là cái phần nghiên cứu văn học cổ ở Hà Nội
chủ yếu là khai thác những thành quả mà giới nghiên cứu trước 45 đã có, giản
đơn hóa nó đi, tập trung khai thác nó theo tinh thần của chủ nghĩa yêu nước là
cái mà giới tuyên truyền đang cần. Nhất là việc sưu tầm và chỉnh lý lại các văn
bản trong quá khứ thì người ta chủ yếu dựa vào người cũ, chỉ riêng có trường hợp
những áng văn thơ Lý Trần là được đầu tư kỹ càng, vì các mục đích chính trị.
Cái nguyên tắc phi khoa học ấy cũng được
chuyển tải vào việc biên soạn các cuốn sách giáo khoa văn học dùng trong nhà
trường miền Bắc. Chỉ cần nói một điều này là rõ tất cả: Trong các đề thi cuối cấp
ở môn văn học, nếu tôi không nhầm thì có đến hơn chín mươi phần trăm (?) là đề
về văn học hiện đại.
Theo cái mệnh lệnh bất thành văn bản như vậy,
trong các năm học đầu và giữa cấp, việc giảng dạy văn học sử thường khá chểnh mảng,
và với việc biên soạn sách giáo khoa thì
không ai dại gì làm hết cái sức lực vốn có.
Đối
với một số người như bọn tôi khi ra đời làm văn làm báo, trong những lúc nghiêm
chỉnh, cũng có biết rằng văn học cổ là quan trọng, nhưng một phần thì công việc
hàng ngày kéo đi phần khác thì tài liệu không có hoặc tìm được cái tốt thì rất
khó khăn.
Nay
đọc vào các cuốn sách giáo khoa văn học dùng ở nhà trường trung học miền Nam thấy
có thêm bao nhiêu điều mình cần phải biết và không khỏi có phần ghen tị với những
người cùng tuổi như mình từng được đào tạo ở miền Nam trước đó.
8/
Nói thêm một chuyện cụ thể có liên quan tới
“Hậu kim bạc cổ”..
Ở
sách giáo khoa văn học trung học miền Nam sự có mặt của các nhà văn từ sau 45
nói chung và từ sau 1954 nói riêng là rất hạn chế. Ngoài xã hội học sinh có thể
biết hết tác phẩm của Võ Phiến, Mai Thảo, Duyên Anh, Nguyễn Thị Thúy Vũ, Nhã Ca
v…v… Nhưng trong nhà trường, điều đó không phải là chuyện đáng tự hào và có vẻ
rất ít khi liên quan đến việc học hành của họ. ở sách giáo khoa văn học trung học
miền Nam thì sự có mặt của các nhà văn từ sau 45 nói chung và từ sau 1954 nói
riêng là rất hạn chế.
Còn với sách giáo khoa văn học trung học
miền Bắc tình hình ngược lại. Cho đến văn học tiền chiến cũng không là gì cả!
Chỉ có văn học sau 45 là thành tựu rực rỡ.
“Hậu
kim bạc cổ” ở mức cực đoan như vậy là cách giản tiện nhất để thực hiện phương
châm giáo dục phục vụ chính trị một
nguyên tắc vàng của giáo dục miền Bắc - hai chữ chính trị được hiểu một cách
thô thiển nhất, cố nhiên.
9/
Khuynh hướng “Hậu kim bạc cổ” như trên vừa
nói vốn xuất phát từ nước Trung Hoa của Mao Trạch Đông, nhưng ở bên đó nền
nghiên cứu văn học cổ đã rất bề thế mà việc giảng dạy văn học cổ ở nhà trường
đã đi theo một nề nếp chuẩn mực. Còn ở ta thì việc giảng dạy văn học trong quá
khứ bao gồm cả văn học thời tiền chiến
không thể nói là có được cái mức cần thiết. Ngược lại “Hậu kim bạc cổ” được
khai thác một cách một cách triệt để nhất mà cũng tàn bạo nhất.
Tôi còn nhớ rất rõ là hồi những năm sau
1954 ở Hà Nội, tuy các cuốn sách giáo khoa đã quy định một số kiến thức văn học
cổ cần thiết, nhưng trong giảng dạy ở trên lớp, các giáo viên thường nhận được
lệnh trên bộ trên sở là phải rút gọn các chương trình đó, dành thời giờ học tập
những thứ văn thơ thời sự vừa mới xuất hiện trên mặt báo. Chẳng hạn thường là
chỉ sau khi công bố một vài tháng, là những bài thơ của Tố Hữu lập tức được đưa
vào giảng dạy ở nhà trường chúng chiếm chỗ của các bài vở đã được tính toán từ
trước. Học sinh phải học những cái đó thật cẩn thận vì thể nào nó cũng liên
quan đến các bài vở kiểm tra hết học kì và cuối năm.
Điều trớ trêu là ở chỗ trong khi nhà trường
phải lo bám sát thời sự thì thời sự lại luôn luôn thay đổi, rút cục là họ chỉ học
để cốt làm bài lên lớp và đi thi chứ không nhận được cái gì xuyên suốt lâu dài.
Trong một bài viết gần đây về giáo dục, nhà giáo Huỳnh Như Phương có viết rằng
giữa các thế hệ học sinh hiện nay có sự chênh lệch không giống nhau về các kỉ
niệm văn học học ở nhà trường, lý do cũng vì phần thời sự quá nặng mà lại quá
tùy tiện, còn những giá trị cơ bản thì không được học đến nơi đến chốn.
10/
Đọc các sách giáo khoa văn học trường
trung học miền Nam, tôi cảm thấy các giáo viên và người soạn sách có một vốn liếng
đáng nể về nền văn hóa Trung Hoa cổ và về
chữ Hán. Nhờ thế bộ mặt văn học Việt Nam miêu tả ở đây có được sự xác thực hơn
hẳn khi việc soạn sách rơi vào tay người vốn liếng non kém hơn. Tôi cho rằng
chính cái sự thực “tuy thấm đẫm vốn văn hóa Trung Hoa mà vẫn giữ được cốt cách
riêng” lại chính là điều tự hào của văn học Việt và điều đó có vẻ như sách giáo
khoa văn học miền Nam làm tốt hơn sách giáo khoa văn học miền Bắc.
Theo
tinh thần đó, nay dù dã lớn tuổi, tôi luôn luôn tìm đọc văn học Việt với các cuốn
từ điển Hán Việt và trước tiên là đọc kỹ các chú thích sau các bài vở của các
tác giả soạn sách văn học cổ, điều đó kéo dài không chỉ từ thời văn học trung đại mà sang cả thời kỷ nửa
đầu thế kỷ XX.
Một điểm cũng nhân tiện đây xin được lưu ý
là trong các cuốn sách giáo khoa miền nam đó, vốn văn liệu Trung Hoa cổ khá dồi
dào, nhờ căn cứ vào đó mà tôi tiếp nhận tốt hơn văn học cổ Việt Nam. Còn về phần
văn học Trung Hoa hiện đại, trong khi học sinh miền Bắc chỉ biết đến Lỗ Tấn trở
đi và sau này biết thêm láng máng về các nhà văn ở nước Cộng hòa nhân dân Trung
Hoa Triệu Thụ Lý Mao Thuẫn thì học sinh miền Nam có dịp biết thêm qua các trang
sử và sách giáo khoa văn học một nước Trung Hoa đã chuyển mình theo các ảnh hưởng
phương Tây và họ có những nhà tư tưởng thuộc hệ tư sản nhưng lại là những nhân
vật lớn như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hồ Thích, Lâm Ngữ Đường…
11/
Ở phần trên tôi đã nói là trong các môn lịch
sử thể loại được giảng dạy ở lớp 12 miền Nam, có môn lịch sử báo chí. Từ đó,
người học sinh có thêm hiểu biết cần thiết về một phương tiện thông tin đại
chúng hết sức quan trọng trong lịch sử hiện đại. Còn ở miền Bắc thì khác. Trong
toàn xã hội, người ta chỉ công nhận có lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam mà
không công nhận lịch sử báo chí nói chung. Học hết chương trình phổ thông, người
học sinh miền Nam có ý niệm khá đầy đủ về một sự liên tục kéo dài từ Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, … cho tới
Nam phong, Đông dương tạp chí, Phụ nữ tân
văn, Thanh nghị Tri Tân.
Ngoài tác dụng truyền thông trong xã hội,
các tờ báo có vai trò rất lớn trong việc hình thành một thể văn là nghị luận và
phê bình văn học. Qua các cuốn sách giáo khoa văn học trung học ở miền Nam, tôi
tiếp nhận được một dòng chảy liên tục của một thể văn xuôi Việt Nam hiện đại
trước đây tôi chỉ biết mù mờ.
12/
Có lần tôi đọc được nhận xét của một giáo
sư toán, ông nói rằng một trong những chỗ yếu rõ nhất của người học sinh miền Bắc
trước 75 và học sinh trên cả nước hiện nay nói chung là kém về sự nghĩ.
Một trong những lý do khiến cho sự kém cỏi
đáng xấu hổ đó kéo dài và không dễ khắc phục là do học sinh khi học ở nhà trường
thường chỉ chăm chú về thứ mỹ văn, hiểu đơn giản là các loại văn thơ truyện ngắn
truyện dài tiểu thuyết nói chung, mà không được học về nghị luận với đúng nghĩa
của khái niệm này.
Thứ nghị luận mà học sinh được học chỉ là
thứ nghị luận chính trị theo kiểu các chính trị gia mác – xít mà văn ông Trường
Chinh là một trong những mẫu mực chủ yếu. Đó không phải là dòng nghị luận khá
đa dạng và linh hoạt kéo từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phạm
Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Đinh Gia Trinh và ngay ở miền Bắc còn được tiếp tục
phát triển qua thể nghiệm của nhiều nhà văn nhà báo khác.