VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1981

Ngày nay tôi không còn nghĩ như những điều tôi ghi từ gần bốn chục năm trước. 
 Và tôi đoán là  với các nhân vật mà tôi nhắc tới trong các trang ghi chép dưới đây
các vị cũng đã nghĩ khác những điều đã nói và nghĩ trong quá khứ
 Cũng như mọi người trong hoàn cảnh tương tự tôi đành bất lực không kiểm chứng được
 những sự kiện mà tôi đã đề cập tới. 
Nhưng  đến bây giờ tôi vẫn nhớ rằng khi ghi những dòng dưới đây, 
lòng tôi trong sáng  và chỉ viết ra để làm tài liệu cho mình 
chứ không hề nghĩ là có lúc sẽ được đưa ra mọi người cùng đọc.
  Mong được các đồng nghiệp  và bạn đọc thân mến 
coi đây như những tài liệu tham khảo


11/1
Báo Văn nghệ số 2 bắt đầu đăng bài Chế Lan Viên phê phán Hoàng Ngọc Hiến và Nguyên Ngọc - nhưng gọi tắt là ông X.
Gọi lý luận của Chế là nguỵ biện cũng đúng, nhưng tôi còn muốn nói thêm. Sao ở một người như thế - rất thông minh, đọc sách nhiều - có một chút gì đấy phi văn hoá. Giống y như ... dân phe phảy. Nghĩa là tìm đường tắt mà đi. Ông ấy, để đạt mục đích, có thể giở ra đủ mọi lý lẽ, kể cả những lý lẽ cù lần nhất, đại loại bảo viết người tốt việc tốt đâu có phải là chủ trương lớn của Đảng; chẳng qua là nhà văn ham hợp đồng với NXB thì viết đấy thôi. Hoặc Nguyên Ngọc ca ngợi sự sáng tạo của đời sống, thì ông bảo: Vâng, sáng tạo được những Hítle, Pôn Pốt.
Tại sao Chế Lan Viên lại lồng lộn vậy? Nghe đâu chỉ vì sắp bầu lại Quốc hội, lại sắp Đại hội Đảng, Chế Lan Viên phải quyết phe một chức nào đó một lần cuối cùng. Lần trước, phe  đã hỏng. Lần này có vẻ khó hơn – trong hoàn cảnh ta ngả sang Liên Xô để thay Trung quoc, ông ấy thuộc danh sách những ai từng nhiều lần đi với Bắc Kinh.
Nhưng chính vì vậy, họ Chế càng lao tới như thiêu thân. Tôi nghĩ có lẽ nói như vậy thì được, viết lên mặt giấy đọc ra, rất khó chịu.
       Trở lại chuyện chung.
Hoà bảo sau khi ông Thọ nói, tình hình đỡ căng rồi. Ông Nho đang chạy đi chạy về nghe ngóng.
Ông Ngọc: Các anh xem để nó viết như thế, tức là người ta còn coi cái Hội Nhà văn này ra sao nữa.
Hóa ra, chỉ Hội Nhà văn tranh ăn và tầm thường trước cấp trên vậy. Chứ ở các Hội khác, khi gặp ông Thọ, người ta nói rất ghê, nhưng cũng vẫn tử tế và căng mình chía sẻ với nhau.
Diễm Lộc: Bây giờ các anh xuống khu Văn Công xem, ban đêm không có đèn đi ngủ sớm, ban ngày như một tha ma.
Hồng Ngát: Tôi đề nghị các thủ trưởng đừng đọc kịch bản trước khi dựng. Chính tôi làm nghề chuyên nghiệp, khi đọc xong tôi vẫn ngại, không biết phát biểu ra sao... Vì kịch bản ở ta không sống trên giấy mà chỉ sống trên sân khấu.
Ở Điện ảnh, ông Pham Văn Khoa kể:
- Đời tôi có mấy sai lầm. Một là Trần Đức Thảo nhờ tôi mang bài viết về cần lao nhân vị của ông ta cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi không mang. Hai là khi ông Thảo ốm, cần tiêm 4 đơn vị thuốc, cục 78 chỉ cho tiêm 2, tôi biết mà không dám báo cáo với Thủ tướng ngay.
18/1
Bài Chế Lan Viên in ra. Những điều ông ấy nói đây đó đã thể hiện hết trên trang viết. Ông ấy còn định viết hai bài nữa, thừa thắng xông lên, nịnh ông Tố Hữu cho sướng miệng và chửi Ngọc thậm tệ. Nhưng Trần Độ phanh lại, bảo không được phê phán bản đề dẫn. Vì đó là trách nhiệm chung của Đảng Đoàn.
Lại nói chuyện đói kém.  Nghe nói, ông thứ trưởng Mai Vi đã phải lên trên kêu xin trợ cấp cho văn nghệ sĩ (khoảng 30 ngày) để sống qua ngày. Các đoàn nghệ thuật đi làm ngoài kế hoạch như điên. Tha hồ gây quỹ. Công thức tính tiền lần này: làm thêm 10, diễn viên + lao động được 8  quỹ 1 nhà nước 1.
- Thế còn các cơ quan không làm thêm được thì sao?
Từ trên cùng, ông Phạm Văn Đồng dứt khoát:
- Nhà nước chỉ có thế, ai không làm được thì giải tán.
 Nghe đâu Nguyễn Khắc Viện đã gửi thư lên ông Thọ: Lúc này không phải lúc bàn về lý luận, mà là lo cái dạ dày.
Phải đặt câu chuyện Chế Lan Viên - Ng Ngọc trong tình cảnh ấy.
Xuân Quỳnh: Những ông như ông Thi, bây giờ cứ làm ra vẻ cao đạo thế chứ, lúc có quyền ông ấy rất độc ác. Nói chung là ông ta chẳng coi ai ra gì. Nhà hát bảo Lưu Quang Vũ chuyển Vỡ bờ thành kịch. Vũ hỏi ông Thi xem  có ý kiến gì gợi ý? Ông ta ráo hoảnh:
- Thôi tác phẩm của mình đã viết ra rồi, bây giờ không có điều gì phải nói thêm nữa.
Xuân Quỳnh cho luôn một câu: Vỡ bờ của ông ấy, giờ chỉ đáng mang cân giấy vụn.
Lại một lần khác, ông Thi bảo:
       - Này, Nguyễn Trãi ở Đông Quan báo Văn nghệ nó đang cần giới thiệu. Vũ kiếm cho Bế Kiến Quốc cái vé nhớ.
Bạ ai ông ta cũng sai.

 Nguyễn Tuân kể với tôi mấy chuyện vặt:
1- Tôi đã đến nhà Ehrenburg, đã gặp Akhmadulina, đã nói chuyện với Evtuchenco. Bài thơ Tặng một nhà triết học, E. bảo: Tao tặng mày đấy. Nhưng tao mà đề tên mày, không khéo lại phiền.
2- Chuyện Ehrenburg không thèm nghe Khrutsov nói chuyện. Ở phòng họp ra trở về nhà, một lô các bạn cả già và trẻ, về nhà E. “phóng túng hình hài” – chữ của Ng Tuân trong các tùy bút trước 1945 -  đến bạch nhật. Họ hỏi E. có ngại gì không.
- Các bạn trông nét mặt tôi, và thấy tôi yên lặng, đủ hiểu như thế nào rồi.
Mấy ngày hôm sau, ông Khơ muốn giảng hoà, gọi Ehrenburg đến. E. nói rất rạch ròi, việc đồng chí có ý kiến về giới văn nghệ như hôm nọ, sẽ khiến cho đồng chí không bao giờ ở lại với lịch sử. Nhưng việc chúng tôi bỏ về, rồi có thể chơi đến sáng, mà không bị bắt, sẽ khiến đồng chí ở lại với lịch sử.
Ông Tuân còn kể một lần ông ngồi uống rượu ở khách sạn. Có một bà đến nói một tràng tiếng Anh. Mình không hiểu, may có tay phê bình nó nói hộ. Thì ra, nó thấy mình ngồi kiêu hãnh quá, nó cũng thích.
Tôi nghe mà cũng cảm động, định tiếp tục lại chơi cụ. Nhưng lại nhớ hồi trước, Khải kể là các ông ấy hay thay đổi lắm, họ có ý nghĩ chỉ họ mới là người cách mạng và mới có quyền nói những ý nghĩ ngang ngược. Mình mà nói gì, họ bô báo liền.
Xuân Quỳnh: Đúng là các ông ấy rất ích kỷ, không thể tin được. Ích kỷ thế nào? Hồi Mỹ ném bom, cụ ấy sơ tán sáng 51 Trần Hưng Đạo, cái Tú nó cũng ở đấy. Mỗi lần đi chợ về, cụ lại chỉ miếng ngon nhất bảo làm cho tôi miếng thịt này làm cho tôi con cá này. Nhưng không bao giờ cụ trả tiền. Cụ ấy coi là mọi người phải có nhiệm vụ cung phụng.Với lại nhiều chuyện, cụ ấy nói mãi rồi, nói đi nói lại, nghe rất nhàm. Người ta chỉ có vốn liếng từng ấy.
 20/1
Phản ứng trước bài ông Chế Lan Viên viết trên Văn nghệ ngày 10/1, Nguyễn Đăng Mạnh kể Nguyễn Văn Hạnh cho là phen này Chế sẽ mất hết vốn liếng sẵn có, mất hết bạn bè, hoàn toàn cô độc. Nguyễn Đăng Mạnh nói thêm với tôi, ngày trước, Hạnh rất mê Chế Lan Viên. Vì  - Nguyễn Văn Hạnh nó phân tích - tuyên huấn thì nó biết anh rồi bọn Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc nó cũng không mê gì anh.
Nhàn: Viết thế, chứng tỏ ông ấy khinh hết mọi người.
Mạnh : Không phải. Đâm lao phải theo lao thôi.
Vũ Tú Nam bảo: Tôi không thích cái giọng cợt nhả trong đó gì hết. Ông ta cứ dẫn Lê nin ra, làm như mình là Lê nin , cứ dẫn Kant ra, để chỉ người ta là Kant.
Nguyễn Kiên: Với lại, ông kể bao nhiêu chuyện tiền chiến ra để làm gì? Định làm một thứ dấn vốn để loè anh em hay sao.
Bùi Bình Thi: Không ai hơn ông ta được, trong việc tự giúp cho bản thân hoàn chỉnh bộ mặt của một Chế Lan Viên  thực sự.
Bùi Minh Quốc: ông ta đã trở thành một người kém tư cách hơn bất cứ một anh em viết văn nào khác.
Nguyễn Tuân: Nếu Chế Lan Viên  được cử làm Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà văn thì mình xin ra khỏi Hội ngay vì không thể theo một tay bẩn như vậy được.
Nhàn: Tôi thấy ông Ngọc, ông Hiến phen này phải cám ơn Chế Lan Viên  mới phải.

Theo Ý Nhi, Lại Nguyên Ân có bài phê ông Đức, ông Đệ. Ông Đệ nhờ tay Khôi nói là đừng đăng bây giờ, ông ta đang cần phong giáo sư. Ông Ng Đức Đàn trên Ban văn nghệ bảo thôi. Đệ đi khoe khắp nơi: Mình doạ mình bảo Xuân Trường một cái, Đàn sợ ngay. Chuyện đến tai Đàn. Đàn lại cho đăng.
 21/1
Có tin ở Pháp hình như Hội Việt kiều (hoặc Hội Pháp Việt thì đúng hơn) cho dịch in Nguyễn Trãi ở Đông Quan của ông Thi ra tiếng Pháp với lời giới thiệu của Ch. Fournier trong đó đại ý viết: Ai đã từng có đặc ân gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi sẽ thấy đấy là một người rất thông minh, nói chuyện rất tế nhị, một tâm hồn nồng cháy.Ông luôn luôn sống với những vấn đề của đất nước mình và biết đặt ra những vấn đề của đất nước mình trong những tác phẩm văn học hết sức sâu sắc. Nguyễn Trãi ở Đông Quan là một trường hợp vậy. Tuy bị cấm đoán nhưng trong những gì ông có thể nói - người ta vẫn thấy rất rõ những điều ông muốn nói. Bản dịch sau đây - đã được nhà văn Nguyễn Đình Thi xem lại rất kỹ - sẽ nói thêm với các bạn một nước Việt Nam, và một Nguyễn Đình Thi.
Có thể có chuyện gì phiền chăng, vì kịch ông Thi chỉ mới được diễn, rồi cấm, mà không được in.

Nhưng đây là lời Nguyễn Văn Hạnh:
- Mình đến nhà ông Thi, thấy tội quá, cái phòng chật chội, đồ đạc chẳng có gì, mấy cái áo sơ mi, cái sờn cổ, cái đứt khuy phơi ngoài cửa thế thì ông ta còn có gì nữa mà sợ.
Bằng Việt: Nhìn rộng ra, cả thế hệ này, thế hệ những người đi chống Pháp, bắt đầu nhận ra rằng trừ một số người đang bám vào quyền hành, ngoài ra, có ai trong họ được cái gì đâu?

Phương Lựu kể: ông Lê Trí Viễn bảo tôi trông chừng cái xã hội này đổ lúc nào không biết.
Tôi đề nghị ông Nguyễn Đức Nam viết bài về những tác phẩm miêu tả chiến tranh ở phương Tây.
Nguyễn Đức Nam: Tình hình này viết thế nào được, viết như các ông ấy cho phép thì rõ ràng làm nghèo họ đi, mà cũng chẳng làm giàu thêm gì cho mình. Tolstoi trong nói chuyện có lần bảo đọc Putskin, cảm thấy không thể viết khác được, trong khi đọc những nhà văn vớ vẩn, thấy có thể viết bằng hàng ngàn cách khác.

29/1
Ông Chính Hữu viết một bài khá tỉ mỉ về HNHiến, trong đó quy ông Hiến là công thức, giáo điều. Một chuyện có liên quan tới HNH. Hiến vào Sài Gòn đến chơi một gia đình, nhà phê bình trẻ M. cũng tới, tuy M. rất thân với Chế. Hiến mắng: ở ngoài Hà Nội bây giờ, người ta khinh cậu như con chó. Chế Lan Viên  là tay xung kích đơn độc lại gặp cậu là một thứ tay sai hạng bét. Và Hiến bảo chủ nhà đuổi M đi.

23/2
Những tin đồn dai dẳng đang lan truyền: sở dĩ có vụ đánh nhau trong văn nghệ thế này là do Xuân Trường và Trần Độ kình nhau. Đúng hơn, Xuân Trường muốn đánh quỵ ông Độ.
Nguyên hồi trước Xuân Trường đã nói với Trần Độ. Anh với tôi, một người nên ở bên tuyên huấn và một người ở bên Bộ, cho nó gọn.
Nhưng ông thứ trưởng Trần Độ (làm bí thư Đảng Đoàn Bộ Văn hoá) dứt khoát bắt ông thứ trưởng Xuân Trường làm Vụ trưởng vụ Văn nghệ, trong khi ông ta làm phó ban Tuyên huấn, tức là Xuân Trường là một trợ lý của mình.
Đến vụ Nguyên Ngọc 79, Trần Độ đã ủng hộ đề dẫn, vì thế mới có chuyện. Xuân Trường đi đâu cũng bảo vệ hình ảnh của mình. Có lẽ Xuân Trường gợi ý Chế Lan Viên làm việc hiện nay không chừng.
Gặp Phạm Vĩnh Cư: Tình hình vẫn quá đen tối. Địa vị ông Ngọc vẫn bị đe doạ. Có tin đồn ông Xuân Trường về làm bí thư Đảng Đoàn hội nhà văn nữa.
.
Sau bài Thư cuối năm đọc lúc đầu năm của Chế Lan Viên trên báo Văn Nghệ, ai cũng bảo là nên thôi. Trần Độ đã gửi thư tay phê bình một số điểm. Vậy mà, nghe nói bài vẫn tiếp tục. Chắc là chuyện có một người khác chỉ đạo chứ gì?
Ban Văn hoá văn nghệ được thành lập. Trần Độ làm trưởng ban. Thép Mới phó, Nguyễn Văn Hạnh làm uỷ viên thường trực. Tức ông Độ, ông Trường không gắn với nhau là rõ. Cấp trên ở nơi khác đến với cấp dưới ở cơ sở lên, biết ai là mạnh hơn ai.
Nhân nói về ông Thi, Cư bảo nghe ông ta nói thì hay, nhưng có điều gì đó, vẫn khó tiếp cận. Ông Ngọc vẫn còn khá hơn.
Bà Lê Minh sang làm trưởng ban Văn nghệ báo Nhân Dân. Bà rủ Bằng Việt (cùng với Từ Sơn) sang làm phó ban.  LM phu nhân - chữ của Ng Tuân - bảo
- Làm văn nghệ phải ở ngoài văn nghệ mới tỉnh táo.
- Không mấy khi được người ta tin, mình phải làm tốt cho họ thấy.
- Dùng đây là nơi tập họp anh em.
Khi Lê Minh sang, chỉ 1/3 uỷ viên biên tập báo ND  đồng ý. Nhưng căn bản có Hoàng Tùng.
Bà Lê Minh muốn làm lại ban của mình trong khi ấy, tất cả đều chờ đợi xem sao!

25/2
 Nguồn tin của bà Lê Minh qua  Bằng Việt
- Xuân Trường vẫn tiếp tục gây rối, cho quân là ông Nho, ông Khôi đi xúi giục mọi người viết bài.
- Nguyễn Khải gửi thư từ Sài Gòn ra cho Ngô Thảo, trong đó khen bài ông Chính Hữu: ”ông ấy không làm thì thôi, làm thì cũng ra ngô ra khoai lắm...”
- Phạm Tiến Duật viết bài, có vẻ cao ngạo đứng ở giữa, đe rằng “Tôi cũng định viết một bài nhiều dẫn chứng, lý luận...” song lại thôi, làm thế chả hay ho gì. Cuối bài, có một câu đả ông Nguyên Ngọc. Hoá ra quyền lực cũng làm hỏng con người, kể cả những người ở rừng về.
Trong buổi họp ở bên điện ảnh Xuân Trường đến vỗ vai Ngô Thảo, bảo: đợt vừa rồi không làm sao, cứ viết bình thường. Ngô Thảo khoái lắm.
Vũ Tú Nam nói việc đăng bài ông Hiến, ông Chế Lan Viên... từ năm ngoái đến giờ, chỉ phơi ra một điểm: mình lãnh đạo kém quá. Tôi đoán không khỏi đôi lúc ông Nam nghĩ thật ra cái đám Khải - Ngọc chỉ là “đàn em” của mình, họ làm không đúng nguyên tắc, cho nên mới hỏng như vậy. Niềm tự tin của các ông thật ghê gớm.
Lâu nay, tôi đã nghe nhiều người chửi Nguyễn Khải cơ hội. Khải thường biện hộ mình làm thế để mình còn viết, sống thế nào cũng được, cốt viết cho nghiêm. Lần này, tôi thấy Khải hoàn toàn mù quáng, chạy theo Chế Lan Viên, đánh người tàn tệ ( có lần khoe với Quỳnh, có vẻ rất hãnh diện : ngày mai bọn này rô-ti Ngọc đây).
Cái chính là chẳng bao giờ ông ta nguôi quên vai trò của mình, nguôi quên quyền lợi của mình.
Khi Hách ở Sài Gòn ra, Nguyễn Khải dặn ở Hà Nội tình hình thế nào, viết thư vào. Nay Khải lại viết thư cho Ngô Thảo nữa. Đói tin lắm đấy. Trong những đợt như thế này, tôi lại nhớ cách đánh giá của Khải về Xuân Trường: giỏi lắm, một người cư xử đâu vào đấy. Hiểu cả chính trị, hiểu cả văn nghệ.
Bên cạnh cái phần sáng suốt (giúp cho Xuân Sách làm chân dung) ông ta cũng có phía nào đó rất vớ vẩn.
Trong những ngày này cả giới văn nghệ cũng lả đợi chờ nghị quyết về công tác tư tưởng.
Nhưng rút cục, một thứ nghị quyết như vậy không ra được. Chỉ có chỉ thị của Bộ Chính trị mà tôi chưa biết. Trong đó có còn cái điều ông Cư hy vọng (bỏ cái ý văn nghệ phục vụ chính trị) ?
Theo những người như Lê Minh, như Ý Nhi, theo rất nhiều người, ông Xuân Trường sẽ về nắm Đảng Đoàn. Nhưng rồi mà xem, trong sự lồng lộn đánh nhau tất cả ngồi đó, thoái hoá, tàn tạ.

26/2
 Báo cáo của Đảng uỷ Hội Nhà văn trước hội nghị Đảng bộ.
Ba thái độ trước tình hình hiện nay.
1. Cho là Nguyên Ngọc có nhiều khuyết điểm, kiên trì đường lối chống Đảng.
2. Cho là Ngọc chỉ có khuyết điểm nhẹ, có một số cái bị hiểu lầm.
3. Đa số thờ ơ (lớp trẻ và cán bộ ngoài Đảng) cho đây là một cuộc đấu tranh quyền lực rất xấu  xa.
Báo cáo ghi rõ ba người chủ trì thảo ra báo cáo ở Hội nghị đảng viên hồi nọ là Nguyên Ngọc (Nguyễn Chí Trung) Nguyễn Khải và  Giang Nam.
Ông Giang Nam – ủy viên Đảng Đoàn và đang nắm chức tổng biên tập báo Văn Nghệ - thật là một thứ điển hình vô tài, sợ trách nhiệm. Theo áp lực của Ngọc, ông cho đăng bài ông Hiến và một số bài khác. Nhưng ông ta lại là người đầu hàng ông Lành đầu tiên. Lại cho đăng bài Chế Lan Viên mà không cần hỏi ai cả. Khi nào khó, ông ta lập tức chuồn về quê (ở Nha Trang). Người không muốn làm những việc khó. Nhưng người cũng không chịu từ bỏ chức quyền bao giờ cả. Một người kháng chiến điển hình!
Bao lâu nay, báo Văn nghệ khủng hoảng. Người đông, tiếp nhận tất cả đám bất tài của các khu Giải phóng ở B quay về. Ban phụ trách không đoàn kết. Chẳng ai coi ai ra gì. Một tiếng gọi nhau thôi cũng đã xách mé rồi. Ai thích một nhân viên nào đó, kéo về . Ví dụ Đào Vũ lôi cậu Phạm Đình Ân ở báo Nhân Dân về (ông Đào Vũ là người, trong một buổi họp, dám xưng xưng bảo: ông Ngọc phải thôi ngay bí thư Đảng Đoàn)
Nhưng tin cuối cùng cho biết: ông Giam Nam sẽ được chuyển về ban sáng tác, sau khi đệ đơn từ chức. Đào Vũ làm tổng biên tập báo Văn Nghệ. Nguyễn Tuân (nói với NĐThi). Khi không có việc gì làm thì đánh nhau là thích. Nhất là đánh người thân.
14/3
- Bà Lê Minh là người thế nào? Ng Khải từng bảo tôi đó là con mẹ tham vọng ghê gớm nhất trần đời.
Một trong lũ bốn tên mà có lần ông Chế Lan Viên bảo là nên cạch hẳn: Nguyễn Thành Long, Huy Phương, Đào Xuân Quý, Lê Minh.
Nay con người đó, lại về làm trưởng ban văn nghệ báo Nhân Dân - dựng lại ê kíp của mình ở báo đó, và tương lai, định trở về làm hiệu trưởng trường viết văn, một thứ Giang Thanh đó.
Ông Nguyễn Thành Long:
- Sao Nhàn không tham gia vào cuộc tranh luận hiện nay?
Tôi không trả lời, chỉ thầm nhủ một người quen tôi đấy, anh đâu có hiểu tôi. (Và liệu tôi có thể gọi là hiểu ông khi bảo: Anh nhận xét về cách lý luận của ông Chế gần đây thế nào?)
NQSáng: cái bi kịch của Nguyên Ngọc là tất cả trong tầm tay, mà tất cả lại tuột ra ngaòi, sống dở chết dở, không thể biết lối thoát ở chỗ nào hết. Còn như Nguyễn Chí Trung, hắn có cần gì đâu, hết đùa với ý nghĩ này lại trang sức bằng ý nghĩ khác. Không cái gì của hắn cả, nên hắn cũng dễ dàng từ bỏ tất cả.

20/3
Lại sắp phải học một nghị quyết mới - nghị quyết về công tác tư tưởng. Nhưng trước đó, đã nghe những lời giải thích đại khái ở đó nhấn mạnh chứng bảo thủ lên hàng đầu. Sau mới đến những cuộc tìm tòi quá đà. Sau nũa mới đến quan điểm văn nghệ
Tên một cuốn nhật ký Pavese
Nghiệp sống (Nghề làm người)
Pavese vừa tìm tòi trở về với con người nội tại, vừa thấy cần phải thay đổi hoàn cảnh
Tú Nam kể: các ngành người ta ghen với văn nghệ lắm. Thấy Trung ương chú ý đến văn nghệ quá, ông Lê Đức Thọ lại phải đứng ra giải thích văn  nghệ nó vốn có đặc trưng của nó.
Bà Lê Minh đã bảo Bằng Việt: Trên chính thức dặn từ nay không được viết văn nghệ phục vụ chính trị...Nhưng xem xem, vẫn lên án bài ông Hiến, lên án bản đề dẫn. Rồi mọi chuyện sẽ ra sao, ai mà biết được! Người ta đánh giá tình hình là một ngành lên hay xuống là ở chỗ... người phụ trách ngành đó có thế lực hay không.
 Vũ Hùng bên báo QĐND bảo  ở các đoàn xiếc, bọn khỉ là bọn bị đánh đau nhất. Nó rất thông minh, thông minh hơn chó, ngựa nhiều. Nhưng nó không có gì để tự vệ.
27/3
Ông Độ ông Thọ đã gặp  5 cuộc, mỗi cuộc 50-60 người gặp chủ yếu nói chuyện lý luận phê bình.
Ý kiến ông Thọ đánh giá thời gian vừa qua, theo một số người kể lại: Ta đang
- Không làm được gì, dẫm chân tại chỗ
- Sa sút đi kém các thời kỳ trước
- Lắm vấn đề lộn xộn
Lộn xộn với nghĩa xấu nhất, tức là một ý đồ chống đối sự lãnh đạo về nguyên tắc. Đã có sự tập hợp về tổ chức. Như hồi Nhân văn
Có lộn xộn, nhưng không phải đến mức ấy -- một số cán bộ dưới nói lại. Ngọc : Văn hoá văn nghệ tiếp tục phát triển, đội ngũ có tài năng. Tất nhiên tiểu thuyết, kịch bản, phim - chưa sánh với tiểu thuyết, vở, phim nước ngoài. Trần Độ phân trần: Nhiều người hỏi thăm tôi, với ý thương cảm cho tôi, với ý cảnh cáo tôi, mỗi người một dạng. Tôi bảo: mọi ngành đều có vấn đề, cái đó không lạ. Có tác phẩm nhuốm màu bi quan, nhưng đừng vì từ một bài thơ mà suy ra một trào lưu. “Nhưng không hề có nhân văn nhân võ gì”
Lê Đức Thọ đấu dịu: Văn nghệ nảy sinh một số quan điểm một số khuynh hướng không đúng, không lành mạnh: những bước loạng choạng. Những khuynh hướng cần khắc phục: 1. Bảo thủ, không thấy những nhu cầu mới. 2. Hoài nghi, thậm chí phủ nhận thành tích, đi tìm cái mới. Tâm trạng: có đồng chí tự phủ nhận những cái mình đã làm. 3. khuynh hướng thương mại, đi vào khuynh hướng này đang phát triển.
Đã xuất hiện chủ nghĩa hình thức. Từ chỗ chỉ cần nội dung đúng, nghệ thuật dở cũng được đến chỗ chỉ cần không sai, còn tha hồ, cái chính là phải hấp dẫn.
Đã có một số tác phẩm đả kích chế độ. Các quan điểm lệch lạc được tự do phát triển, trong hoàn cảnh của chế độ ta xen lẫn với những đả kích cá nhân gây ảnh hưởng xấu. Trân Độ: Bài HNHiến chế diễu lối viết cả một nền văn nghệ , cổ vũ lối viết theo trái tim tự do.  Phải một năm sau, chúng tôi mới nhận thức được vấn đề. Nhưng bảo rằng có quan điểm và cả  tổ chức chống đối thì không đúng.Thành tựu chủ yếu = nắm vững nguyên tắc văn nghệ gắn bó với cách mạng.
Hậu quả của sự phê bình lộn xộn vừa qua, đã tác động tới tổ chức. Tất cả các ngành đều loạng choạng
LĐ Thọ còn nói tới quan hệ giữa chính trị và văn nghệ. Trước, ta hay nói bám sát nhiệm vụ chính trị phục vụ nhiệm vụ chính trị. Thế nào là nhiệm vụ chính trị không nói rõ. Ta hay quan trọng hoá. Muốn cho cái gì quan trọng thêm cho nó chữ chính trị. Văn hoá, lúc nào cũng bám sát thành cái đuôi của người khác, còn bản thân mình, không có nhiệm vụ chính trị. Quên mất nhiệm vụ chính trị của mình: Xây dựng con người mới. Văn nghệ quần chúng, dễ được khen vì bám sát  nhiệm vụ chính trị. Như thế là không được.
Theo ông Thọ, văn hoá văn nghệ phải phản ánh  hiện thực nhưng muốn tác động tới quá trình cách mạng cần có nhận thức mới. Công tác nghệ thuật phức tạp. Không thể làm nhiệm vụ chính trị  một cách thụ động.
Nếu tuyệt đối hoá chính trị không thấy đăc thù văn nghệ, thì là sai lầm.Trong hoạt động của bản thân văn nghệ đã có chính trị ở trong. Buộc văn hoá chỉ phục vụ chính trị và tách rời văn hoá với chính trị là hạ thấp văn nghệ. Văn nghệ phải chủ động, chứ không bị động
Về ảnh hưởng chủ nghĩa Mao ở ta:
- Trong sáng tạo không, trong lý luận không
- Trong nhận thức xã hội, thì có.
Ảnh hưởng vào 3 điểm:  Quan hệ văn nghệ chính trị bị thông tục hoá; văn nghệ  phục vụ công nông binh, phục vụ nhiệm vụ chính trị theo nghĩa hẹp hòi; cho rằng đối tượng văn nghệ,  đối tượng nhà văn miêu tả chỉ là công nông binh. Những cái này tác động tâm lý công chúng. Nhưng trong xã hội đã xuất hiện thị hiếu mới tốt đẹp.
LĐThọ nhấn mạnh chống Mao bây giờ là chống bành trướng. Ở đâu có ảnh hưởng, đấy chống. Trong kinh tế, hành chính bao cấp = ảnh hưởng Mao, vụ cáo chính trị = mao ít.

21/4
 Chị bộ Hội nhà văn kiểm điểm Nguyễn Đình Thi, vì việc chuyển vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan ra nước ngoài. Nghe nói một trận cạo nặng nề, đến mức ông Nguyễn Đình Thi “rụt cổ”. Bằng Việt kể: phóng viên TASS nhờ viết bài về ông Thi, hỏi ông Thi nhiều chuyện, ví dụ móc máy cả chuyện Hoàng Văn Hoan dùng ảnh hưởng của Bộ chính trị để kìm hãm một số việc (vụ kỷ niệm Kiều). Ông Thi đã nói một số điểm, nhưng về sau lại sợ, cứ bắt Bằng Việt phải nói với tay Liên xô kia sửa mãi, khổ, cái ông Thi này tham quá tham, cũng thích nổi tiếng, sau lại sợ, không biết dùng chữ khác ngoài chữ hèn.
Nhớ có lần, sau khi nghe đọc câu thơ Xuân Sách: “Xung kích trào lên nước vỡ bờ” Phan Hồng Giang bảo tôi: Đúng phóc, ông Thi này là loại hay ti toe lắm. Mà người ti toe bao giờ cũng hèn.
- Trong bài của ông Trần Độ bói ở Nxb Sự Thật, thấy bắt đầu nói nhiều chuyện khá thoải mái, đại khái vấn đề trong văn nghệ bao giờ chẳng vậy, tình hình ở đây cũng như các nơi khác thôi. Từ 1975, con người xấu hơn  hèn hơn hồi chống Mỹ cứu nước

 Ý Nhi kể có loại người như Nguyễn Thành Long,  thay đổi luôn luôn. Từng lúc theo ông Thi, lúc theo ông Chế Lan Viên...Giờ theo ông Ngọc. Nhưng vừa nghe tin ông Ngọc lung lay đã trở cờ ngay.
Vậy mà lúc nào ông cũng đóng vai như mình tha thiết lắm với các vấn đề bức xúc của dời sống. Làm như mình y như là lương tâm của cái Hội nhà văn này vậy.

Ý Nhi kể tiếp có lần, trên định giải tán tổ sáng tác. Các ông ấy kêu ầm lên: tôi đi theo cách mạng mấy chục năm không phải là về làm nghề cạo giấy (ý nói làm báo, làm xuất bản). Thế nghĩa là ông ấy coi mọi anh em biên tập chả có cái gì. Về việc viết chậm của NTLong Ý Nhi bảo cứ tính cả lương, cả đủ thứ tiền khác, thì một truyện ngắn của ông ta đáng giá đến hàng ngàn đồng.

 Lê Minh ngồi bảo tôi viết bài cho báo Nhân Dân, kể rằng  mình cũng không tán thành lối viết phê bình lâu nay cũng viết mình muốn đóng góp cho sự phát triển văn nghệ. v.v..v.v Rồi cho đăng bài của Ngô Thảo, Bằng Việt. Như thế cũng là để bênh Ngô Thảo đấy.
Tôi vụt có ý nghĩ. Bà Lê Minh mà được ông Ngô Thảo phù trợ thì hay quá rồi. Cả hai giống nhau ở chỗ: cách mạng là tôi. Chỉ có tôi mới truyền đạt đúng tinh thần của cách mạng.

Ngô Thảo kể : Hôm họp Đoàn cán bộ văn hoá văn nghệ đi Liên Xô, Xuân Trường cũng đến. Rồi ông Trần Độ bảo bây giờ ta tiếp tục họp. Tôi nhắc lại đây là buổi họp của nội bộ đoàn. Thế là Xuân Trường đỏ mặt bỏ ra. Trần Độ xin đi, dù Lê Đức Thọ đã bảo đừng đi. Còn Xuân Trường cũng xin đi, nhưng lại không được.
Tại sao? Đi lần này là vào kíp do ông chủ mới quản lý rồi.

- Ví dụ về một tay con buôn văn hoá trong tình hình hiện nay: Ng. T.
Hắn đi làm ở đâu Thanh Hoá - Nghệ An, xin về quê. Rồi một mình lo nào cả báo, cả xuất bản của văn hoá Hà Bắc. Ra mấy số báo văn nghệ của tỉnh, bài nào cũng đăng ảnh (kể cả một bức tranh cổ động, cũng có đăng ảnh của người đã vẽ tranh cổ động) , mà lại in trên giấy rất xấu, bẩn không thể tưởng.
Bây giờ hắn đang ký hợp đồng với Viện văn, làm tổng tập các tác giả Hà Bắc, chân dung các tác giả Hà Bắc, đại khái thuê người ta viết về văn nghệ sĩ tỉnh nhà, từ Ngô Tất Tố (do Phan Cự Đệ) đến Vũ Từ Trang .
Đỗ Chu nói tiếp: ông ấy có tập sách in ở TPM rồi, ông ấy lại muốn làm đơn xin vào Hội. Đã có ông Hoàng Trung Thông ký một đơn, còn một bên muốn mời tao. Thì mất gì mà tao không ký.
Thời nay, làm văn nghệ sĩ một tỉnh nhiều khi sướng hơn văn nghệ sĩ của cả nước nhiều.

2/4
Đại hội đảng bộ Hội nhà văn lần thứ 1
Đại khái tình hình cũng nát như các nơi khác. Mấy người có quyền chức tranh nhau, rồi chửi nhau, rồi dò dẫm nhau, và coi rằng rút cuộc chuyện trong thiên hạ là chuyện giữa họ với nhau.
Mọi người bị ám ảnh rất nặng về cuộc tranh đấu chức quyền vừa rồi. Người thì lên thanh minh, người thì chất vấn, người thì gào lên tôi làm thế là đúng, ngươì thì kêu gọi dàn hoà.
Một người như ông Bùi Hiển thú nhận: chính nhiều cái ông không hiểu, không hiểu tại sao mình lại cư xử  vậy, y như bị ma làm.
Người ta cũng hay kể: trong buổi họp phê bình ông Ngọc, ông Khải đầu têu cuộc tán công, và không khí hội nghị cứ thế mà diễn theo hướng có hại cho Ngọc. Càng thấy ngay cả “tập thể các nhà văn” ở đây, đại khái vẫn chỉ là một đám đông bán khai, bị những yếu tố bản năng chi phối.
Không ở đâu khác, chính cái Hội nhà văn này rất bảo thủ. Nửa năm trước, Trung ương Đoàn sang, đề nghị cho phép đưa Bằng Việt vào Trung ương. Bên này nghĩ một hồi rồi thay vào đấy bằng Nguyễn Kiên.
Làm gì có nhà văn ở đây, khi họ, bên cạnh sự khinh bỉ cấp trên, lại cũng rất sợ cấp trên. Một người như ông Nguyễn Tuân rất hãnh diện ở sự ngang ngạnh của mình nhưng lại cũng rất tự hào ở ... tính tổ chức của mình, những “ưu tiên” của mình.

Phạm Vĩnh Cư có lần bảo riêng với tôi là Cư nghi ngờ lắm: ở Việt Nam trước kia cũng đã không thấy ai đáng gọi là nhà văn lớn cả. Mình thiếu những quý tộc về tinh thần. Và nói chung, là dân mình sợ phiêu lưu. Không có phiêu lưu, không thể có triết gia được.

Nguyên Ngọc, Giang Nam không được giới thiệu vào Quốc hội nữa.
Phen này, văn nghệ sĩ được giới thiệu, không kể Tố Hữu, Huy Cận... có Anh Đức, Chế Lan Viên, Dương Viên, Đặng Thị Khuê, Đào Hồng Cẩm v.v....
Theo Hoà, một người làm văn học, khoa học, thông thường được“mời đi họp» 2 khoá. Loại như Chế Lan Viên ở đến 3 khoá liền, là nổi lắm.
Loại chỉ làm một khoá, coi như là phốt (bên khoa học, ông Phan Đình Điệu cũng bị cách. Nghe đâu có nhận định một câu không hay về ông Duẩn lại đến tai ông này).
Đất nước... chơi cái trò này lâu quá rồi, đến mức, nó không còn dám có một bước thay đổi nhỏ.

Trong một buổi họp tạp chí Văn hoá nghệ thuật, cuối tháng 3/81, người ta bắt đầu nhận thấy tính chất thủ đô của Hà Nội không còn. Nhiều người nước ngoài cũng bảo Hà Nội đang bị nông thôn hoá.
Ng Khải từng bảo với tôi: Dư luận Hà nội cũng là dư luận của tỉnh lẻ. Nghĩa là chỉ có một thứ dư luận về giới viên chức - ai lên ai xuống - ngoài ra không có luồng lạch nào khác.
Dạo này, các ông nhà mình, ai sang chơi cũng thích rủ vào Sài Gòn, bản thân cũng hay thích vào Sài Gòn làm việc, ở trong ấy rất lâu. Độ 4-5 năm nữa. Khéo phải lấy Sài Gòn làm thủ đô không biết chừng.
 Gurevich từng bảo con người trung thế kỷ là những kẻ tỉnh lẻ vĩ đại. Dân ta thì tỉnh lẻ nhưng không vĩ đại.
Một người như Nguyễn Tuân, mấy năm trước vào Sài Gòn họ rất chê, nhà văn gì mà cổ lỗ thế, ăn uống lôi thôi, không lo sống sao cho thoải mái sung sướng mà làm dáng quá.


8/4
Bà Tâm Trung vợ một thứ trưởng xì ra cái tin ông Xuân Trường đã có quyết định về làm Bí thư Đảng đoàn.
Ông Ngọc đã biết chưa? Bà Trung tự hỏi và có vẻ ái ngại cho ông Ngọc. Ông ta cũng tốt, cũng lăn lộn với phong trào thế này là hỏng cả. Còn ông Trường, ông này thì được lòng nhiều người, cả ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Tố Hữu..., cho nên trên mới tín nhiệm mà đưa về.
Tôi thì tôi nghĩ: không biết chừng đây là một cú hại nhau. Nếu ông Trường ông ấy bỏ Bộ Văn hoá mà sang hẳn đây, thì tức là thả mồi bắt bóng. Chỗ Hội Nhà văn này, người công chức cù lần xoay xoả sao được, anh em toàn những tay ghê gớm. Nghe nói ông Xuân Trường đã từ chối mà không được. Biết đâu chả là một ngón đòn ác: anh chê công việc ở đấy, thì cho anh về mà phụ trách, xem anh làm được trò gì?
Nếu thế thì kinh khủng  quá!
Có thể xem cung cách ông Xuân Trường nhận việc ra sao, để dự đoán ông ta sẽ hứng thú đến đâu.
Các tin tức hết sức trái ngược nhau. Ngọc đi Liên Xô để học (cùng với Trần Độ). Ông Hạnh về Ban văn hoá văn nghệ. Nhưng lại có tin - Xuân Trường đồng thời làm phó ban của Trần Độ (chứ không phải Thép Mới).
Hay là... họ cũng chẳng có chuyên môn gì, họ chửi nhau đánh nhau rồi lại sống với nhau hoà thuận như là... dân tộc ta vốn có truyền thống vậy.
Việc kịch Nguyễn Đình Thi - Nghe nói ông Lê Đức Thọ rất chì chiết. Tô Hoài triệu tập một cuộc họp có đại diện của Đảng uỷ, chi bộ..., có cả Ban kiểm tra ở Quận uỷ về dự để trị Thi. Ý ông ta nói là làm một lần cho xong đi. Nhưng Thi không tán thành. Thi chỉ giải thích một số việc với chi bộ, chi uỷ. Trên Ban tuyên huấn họ cũng thấy làm thế là được, không nên to chuyện quá.
Cụ thể Thi bảo: Trước lúc gửi kịch đi, Thi đã gửi thư cho Tố Hữu xin ý kiến. Và đọc thư trả lời của Tố Hữu, Thi hiểu là có thể gửi đi được. Nay Tố Hữu không nhận là có dính vào vụ này. Thi tự nhận là đã hiểu nhầm ý Tố Hữu.
Nhưng đây là chuyện của vở Giấc mơ.
Thi không nói gì đến vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Nhưng bà Tâm Trung đoán, Nguyễn Đình Thi làm việc này qua con đường một số linh mục nấp sau lưng Trần Bạch Đằng.
NĐThi dạo này có vẻ nhũn. Ở Hội nghị Đảng bộ hôm nọ, ông bảo: Đúng là anh em có hoài nghi về đường lối của Đảng thật, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Từ đó, mới sinh ra dao động trên các mặt khác.
Báo Văn nghệ nhận được thư bạn đọc. Ông Hoàng Ngọc Hiến là gì, mà phải hết ông Tô Hoài lại Chế Lan Viên ra phê phán. Hình như ở nước ta chả ai có việc gì, nên cứ phê phán nhau hoài. Và ai mà sai lầm một lần thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị lôi ra để phê phán.

Ngô Thảo kể: Văn Phác sẽ ra làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Văn hoá (cái chức mà Xuân Trường rất mong đợi, Thảo nói thêm).
Bùi Văn Hoà kể: Xuân Trường làm Phó ban của ông Độ kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà văn. Nhưng Nguyễn Văn Hạnh, một phó ban khác của ông Độ, làm Vụ trưởng vụ văn học.
Nước cờ xoay vần đến đâu? Thật vui.
Đất nước này, vừa sợ quyền lực vừa thích quyền lực, và quyền lực như một thứ ma xó, đã mấy ai áp chế nổi nó.
Hội nhà văn, và vụ ông Ngọc năm ngoái, như một thứ ngôi nhà có ma (tên truyện dịch đăng báo Văn nghệ cuối tháng 3/81. Truyện chỉ nói cái ý anh mà làm trái mọi người là anh bị đòn).
Báo Nhân Dân số 12/4 đăng một bài Hồng Phi: Cái chìa khoá ấy mở được nhiều cửa. Bắt đầu bằng ý nói khoán hợp lòng người. Họ tự nhiên. Sao không mở rộng khoán  vào các lĩnh vực khác.
Nguyễn Khải bảo thế này là toàn bộ những gì mình viết về hợp tác là đi đứt rồi còn gì. Mới đầu tôi không tin, nhưng khi ông ấy bảo rằng những tay Tuy Kiền đáng nhẽ phải được khuyến khích, vì nó bảo đảm cả ba lợi ích, mình lại “phê phán nó.” thì tôi nghĩ có lẽ ông Khải chuyển thật.

Nhà hát kịch mấy tháng nay, diễn vở Erostat: giá vé 2đ, 3đ. Vậy mà người ta còn phe phẩy rất nhiều, có người đám mua 50 đ một đôi.
- Mối tình đầu của G. Maupassant, Nxb Văn học in ra, chưa đầy 400 tr bản 7đ5 (khoảng 20đ 1000 trang) ở ngoài vẫn có người phe với giá cao hơn.
Những phim Mỹ được các cơ quan kinh doanh văn hoá giới thiệu khá nhiều.
Phim Đát Kỷ của Hồng Công cũng được ham chuộng. Khi xem Đát Kỷ, tôi đặc biệt nhớ đến mô típ chính của Mối tình đầu. Lâm kể: Tết vừa rồi, người ta định mang Đát Kỷ chiếu rộng rãi ở Sài Gòn.
Một ví dụ về sự làm ăn bê trễ ở miền Bắc. Khi Bằng Việt ngỏ ý chê Mối tình đầu dịch dở, ai đó ở nhà xuất bản bảo: Dẫu sao cũng phải cho nó ra chứ. Bản thảo để lâu quá rồi. Xem nào để từ khi tôi mới về đây, 1964 đúng hơn là đã có từ trước đó nữa kia. Kinh khủng!
Bản thảo Tội ác và trừng phạt, bản thảo một cuốn tiểu thuyết khác của Remarque, cũng có từ hai chục năm nay, giờ mới quyết định in.
Phó giám đốc NXB Tác phẩm mới của tôi bà Tâm Trung bảo:
- Đề nghị xem lại - In cái gì  khá cũng của bên ngoài thì sáng tác trong nước ta còn ra sao. Vì cũng chỉ có từng ấy giấy. Mình phải chiếu cố sáng tác trong nước chứ!

5/5
Về sự lẩm cẩm của các ông phụ trách Hội, tôi nhớ mấy chuyện do Kiên kể. Năm 1974 ông Chế Lan Viên ông Tô Hoài làm tạp chí Tác Phẩm Mới bị đánh tơi tả nên xin thôi; xin xong, lại còn bảo giá đừng cho chúng tôi thôi mới phải. NĐThi đành phải nhận làm TPM nhưng người lười, nên rủ anh em quay ra làm tuyển tập: tuyển tập truyện ngắn, tuyển tập thơ v.v...Rồi có nhà xuất bản, thì xướng lên rằng thay cho tạp chí và bỏ hẳn tạp chí. Nguyễn Kiên: nay Hội ta như người bị tước hết vũ khí, trụi thùi lụi không biết làm gì.

Có lần ông Nguyễn Khải thuyết minh:
- Tôi thấy chỉ có chính bản thân mình là không ai chịu bỏ cả. Đấy các ông xem, tôi có bỏ của tôi đi tí nào đâu?
Tôi cũng có mặt ở đấy.
- Nhưng anh lại bỏ anh ngay trong viết lách. Cuốn Cha và con và... của anh đi ngược hoàn toàn với  tất cả của anh hồi trước.
Một nhà văn trẻ khác cũng có mặt ở đấy, anh Thanh Quế bảo: “Thôi, chuyện này mà nói ra thì vô cùng” nên mọi người không ai nói thêm.
Nhưng những ngày gần đây, tôi muốn bảo với Khải: Việc anh đánh anh Ngọc cũng lại là một chuyện anh từ bỏ anh nữa. Vì xưa nay anh vẫn bảo với tôi là có làm một số việc không hay, thì cũng chỉ vì chuyện viết lách lo nhất là làm sao giữ được an toàn trong viết lách. Nay hoá ra không phải. Đúng ra, mọi người vẫn bảo đặc tính của Khải là dám bội phản khi cần, cái đó thì không bao giờ Khải bỏ cả.

8/5
Tại đại hội đảng bộ Hội Nhà văn, ông Thi hỏi tôi:
- Sao Nhàn không phát biểu.
- Vì những vấn đề nêu lên ở đây hơi xa lạ với đông đảo anh em. Chúng tôi phải lo gia đình rất ghê.
- Đúng, chúng ta chưa ra khỏi vấn đề đói kém đâu.
Nói xong ông Thi lảng ngay.

Nghiêm Đa Văn lại ra thêm một tiểu thuyết Tầng cao năm tháng. Báo Tiền Phong có bài ca ngợi: một cây bút có triển vọng. Vũ viết một lúc mấy vở kịch. một vở mang trên T. 45 về đâu (nói về một chuyến tàu di tản). Nhàn (bảo Quân) ông cũng gần bằng ông Văn, ông Vũ đấy. Quân  bảo ông nhầm. Tác phẩm của tôi không bao giờ có ý định đi lừa mọi người. Chỗ khác nhau rõ lắm chứ.
Phần tuyển lý luận của Tạp chí VNQĐ 25 năm vừa ra có bài gì? Những bài kiểu như Một bản thu hoạch riêng, đầy chất nguỵ biện của Khải. Còn Ngọc thì lấy bài phê bình Hai trận tuyến, xem Người con gái địch hậu, toàn trước 1965 và quá cực đoan; những bài như Sáng tác là một hành động nhận thức, thì lúng túng mơ hồ y như bản đề dẫn nổi tiếng năm 1979 vậy.
Ngày nào Hải Hồ bảo tôi: nếu ông Ngọc không đi B, sẽ trở thành nhà lý luận. Trên đây là chân dung nhà lý luận đó.
Nguyễn Minh Châu: Tôi đọc lại Rẻo cao cũng thấy vớ vẩn quá, chất học trò, không ra làm sao.
25/5
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 (có lẽ từ đầu tháng 4), từ Sài Gòn, ông Võ Văn Kiệt nói về các quán cà phê, về nhạc vàng. Một cuộc tổng kiểm tra rầm rộ được tiến hành. Tên một bài báo in trên Tiền Phong sau được in lại trên báo Nhân Dân “Giờ G của những ổ vi trùng văn hoá”
Đến sáng 20/5 nghe có điện từ Sài Gòn ra: Báo Văn nghệ TP tạm thời bị đình bản. Ông Anh Đức con yêu của Thành uỷ, thế là bị một cái tát điếng người. Ban biên tập phải được củng cố lại. Ra hết, đâu chỉ còn Bảo Định Giang. Lý do, người ta bảo có nhiều.Trong tình hình hiện nay, mà cứ lơ vơ, đăng nhiều bài củacác  văn nghệ sĩ cũ . Nhiều cá nhân tựa vào nó mà sống... Trong khi ấy đến giờ cuối cùng không đăng bài ông Kiệt trong đợt Nhạc vàng vừa rồi.
Nguyễn Minh Châu bình luận thêm: Cố nhiên, đấy chỉ là bề ngoài. Còn lý do sâu xa hơn thì là những cuộc vận động tranh cử ở đảng uỷ các cấp, trước Đại hội đảng. Làm một cú thế này, vừa báo công với trên, vừa trị được đối phương của mình, nhiều cái lợi lắm

31/5
Ông Duy, nhà xã hội học, bảo: chúng ta ngày nay đang từ con người vô vi sang con người kinh tế, trong khi ở phương Tây, nó chuyển từ con người kinh tế sang con người thiền.
Hoàng Ngọc Hiến phản đối: Anh nói thế là không đúng, là chiều theo lãnh đạo. Hình như ông Duẩn không cần gì kinh tế. Ít ra, ông cũng tạo cho mọi người thấy một ấn tượng như vậy.
Ai đó có lần bảo tôi Hiến thường có trò mang tài liệu đã bán cho một nơi này, mang bán một lần nữa. Còn về chính trị, trong một lần giảng về tư duy tiểu thuyết Hiến bảo là tư duy của Mao trong thơ và từ là tư duy anh hùng ca, tư duy của Cụ Hồ  trong Nhật ký trong tù và thơ kháng chiến là tư duy tiểu thuyết. Khi tôi hỏi NĐMạnh xem Hiến thực ra là người thế nào, có máu Đông-ki-sốt phải không, Mạnh tránh không trả lời mà chỉ kể một chuyện nhỏ. Trong khi làm tuyển tập cho Nguyễn Tuân, Mạnh tìm bằng được bài Chém treo ngành bản cũ, có nhiều ý hay (cho thấy Nguyễn Tuân không chỉ thạo về hội hoạ, mà còn cả điêu khắc, vũ đạo...). NgTuân thích lắm. Nhưng Hiến bảo thêm cẩn thận, không chết đấy. Như thế nghĩ là ông ta cũng khôn chán.
Vậy mà ông ta vẫn là một người của cuộc sống của những năm 50, như tôi hay nói đùa.
Hoặc là bản thân mỗi người bao giờ cũng có cái tầng ngầm đáng sợ vậy. Hoặc là ông Hiến đã biến chất. Cả hai kiểu đều chẳng thú vị gì.

15/6
Lần đầu tiên, nghe Tính bảo: Giá có thể, sẽ di tản ngay. Còn có ích cho nước cho dân hơn. Kinh khủng!
Tình hình Ba Lan. BCHTW ĐCS LX gửi thư phê phán ra mặt: “hữu”, liên tiếp nhượng bộ kẻ thù. Và đe Liên xô không bỏ rơi (Ta sẽ không tha).
Làm sao mà cái tổ chức Công đoàn Đoàn kết đó lại ra đời được, với 8 triệu đoàn viên trong đó khoảng 1 triệu đảng viên cộng sản.
... người ta căm thù người Nga bằng mối thù gần 1/2 thế kỷ nay. Các đài kỷ niệm chiến sĩ của Liên xô bị vấy bẩn, sách Nga bị đốt.
...
Trong thâm tâm, tôi thầm mong việc gì đấy xảy ra. Nhớ một câu trong Hoàng Lê nhất thống chí lòng người ao ước sự loạn lạc. Làm gì có bao giờ lại loạn đến như hiện nay?
Ở Sài gòn, có tin QK 7 bạo loạn, phải lấy lính ở C về dẹp. Nguyên nhân: đời sống căng thẳng và “Liên xô chỉ hứa hão, Liên xô không cho chúng ta gì cả”
Thật là một liên minh tuyệt đẹp: liên minh của hai kẻ nhất định không chịu liên minh với nhau, một kẻ nhất định không chịu rời chủ quyền ( giờ đã là của các cá nhân) một kẻ nhất định không chịu rời của cải (cũng chẳng có gì mà rời).

27/6
Ban Tuyên Huấn Trung ương gửi thư hỏi các hội viên Hội Nhà văn ai đáng làm bí thư Đảng Đoàn, ngoài ra còn cần có những ai trợ giúp. Cái lối đá quả bóng về chân nhau như thế này để làm gì? Để tất cả mọi người phải dỏng tai ra mà nghe ngóng rồi lại viết đúng điều nghe ngóng đó lên mặt giấy hay sao? Nhưng không làm theo số đông, thì trong xã hội này, người ta có thể mang vạ.

17/7
 Đoàn ông Ngọc (theo ông Trần Độ) đi học Moskva về. Công thức của ông Độ: Học cái gì phải đúng, phải trúng (ở ta) và phải lọt (các ông trên).
Ông Tố Hữu lên Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng.
Ân: Rồi xem, còn nhiều ông làm thơ, vì thơ có thể đưa người ta đi rất xa
Nhàn: Tôi thì tôi nghĩ càng thấy ông Ngọc năm ngoái định đối đầu Tố Hữu là thơ ngây và liều lĩnh. Còn những chiêu khác của ông Lành bên chính trị rất ghê - mà đó mới là những đòn chính.

  sau vai phiên dịch cho đoàn ông Độ về kể Trần Độ chỉ là một dân vô học, giả trí thức, nhưng cực kỳ khôn ngoan sẵn sàng đạp lên đầu bọn dưới mà lên thành một ông trùm văn hoá. Nhưng nếu không dược thì cũng sãn sàng vứt bỏ.
Tôi (Cư) gặp ông ta, bảo sao lại có chuyện bên nhà “thịt” Trịnh Công Sơn.
- Vì đó là CIA – ông ấy trả lời gọn lỏn.
Cư (nói với Nguyên Ngọc): Sao lúc nào anh cũng đặt điều kiện nhà văn phải có sự hướng dẫn chính trị mới viết được? Phải quan niệm mình là một ông chúa, có quyền của mình chứ
Ngọc : Cậu còn chưa hiểu tình hình nước mình.
Và Ngọc lảng sang chuyện khác.
Một câu danh ngôn:
- Tài năng là một cái gì kỳ lạ lắm. Khi làm hỏng một tài năng rồi, người ta có sửa chữa cũng chỉ được những tài năng khác, chứ không phải tài năng cũ.
Một lời khuyên  của các ông lãnh đạo văn hóa Nga:
 Chúng tôi đã làm mọi cách để hạ thấp trí thức xuống bằng công nông. Sau mới thấy vấn đề không phải ở chỗ ấy, mà là đưa công nông lên ngang trí thức.

4/8
 Một bài viết của Trần Độ trên Tiên Phong từ 1946 có cái ý đại chúng đâu có phải là thông tục tầm thường, là viết cái gì ngăn ngắn cho ai cũng hiểu.
Một sự dự cảm khá chính xác về bệnh thời đại, bệnh “ma ám”. Vậy mà rồi ông ta cũng chỉ đến thế.
Báo chí văn nghệ 45 / 46 Rõ là một thứ báo chí tiền chiến – đề rõ  tên người biên tập, tên toà soạn. Nhưng cũng đã rõ là báo chí cách mang - những bài viết kể “chuyện cách mạng”, thư của quần chúng.

10/8
Ông Độ, ông Hạnh, bà Lê Minh đi học về, hợp sức với nhau tương ra bài xã luận trên báo Nhân Dân hôm thứ bảy 8/8, trong đó chỉ trở đi trở lại một ý: văn nghệ phải bám sát nhiệm vụ cách mạng v.v.
Cư: Một trong những bài học mà Liên xô nhấn rất mạnh, là  chúng ta không được lãng phí tài năng. Đó là tài sản lớn của quốc gia.
Nhưng bọn đi học về, không đủ dũng cảm bảo vệ những luận điểm vừa học. Vừa nghe nói nhấn mạnh tài năng, lại phải thêm ngay: nhưng tài năng quan trọng nhất là phục vụ cách mạng ngay ngày hôm nay... Thế là thôi, vứt đi rồi còn gì.

Cư nói thêm: Nói chung, mình rất chán về trình độ và nhân cách những người lãnh đạo văn nghệ hôm nay.
- Tay Hạnh trước đây cũng quý mình lắm. Nhưng trong đợt đi, hắn tỏ ra rất quỵ luỵ Trần Độ, và không chịu được sự thẳng thắn của mình.
- Nguyên Ngọc, cũng rất “hay”. Khi nói chuyện riêng, cũng tỏ ra là  chán Trần Độ và cho biết trong đợt phản kích 1979, chính Trần Độ ban đầu đã đứng về phía Ngọc, sau lại phản bội Ngọc.... Nhưng trước mặt Trần Độ thì dùng mọi cách để lấy lòng. Ngọc đã bất lực về sáng tác rồi, bây giờ còn biết làm gì nữa.
Nhân đây, Cư có đính chính lại một nhận xét. Nguyên hồi trước, có lần Cư nói với tôi Ngọc dẫu sao còn khá hơn Thi chứ.
-- Đấy là do ảnh hưởng của Hoàng Ngọc Hiến.
Còn qua đợt đi - Cư bảo - tôi thấy rõ một vài phía kém của ông Ngọc hơn. Thi dẫu sao cũng có bản lĩnh. Hôm nọ, ông ấy đã gọi tôi lên, bảo kể lại tác phẩm của Bulgakov xem sao.
Nhàn: Ông Mạnh còn cho rằng Nguyễn Đình Thi là nhà văn của những năm đất nước gian khó.
Cư : Thế thì tôi lại không tin. Ông Thi chỉ là một thứ tiểu tư sản tài hoa, luôn luôn sống bằng ảo tưởng của mình, kẻ cả đau xót trong ảo tưởng, thì cũng chịu vậy.
21/8
Nguyễn Đăng Mạnh kể về Nguyễn Văn Hạnh: Người có quyết định chính thức rồi. Hôm nọ, Bộ Giáo dục đã làm một bữa tiệc long trọng tiễn Hạnh ra khỏi ngành giáo dục. Nguyễn Cảnh Toàn chủ trì.  Hạnh đi xe Volga đến dự (Cư bảo chắc xe ông Độ). Theo Đỗ BìnhTrị, Hạnh nói năng khác hẳn. Nhưng Mạnh cho rằng Trị ghét Hạnh mà nói thế, chứ Hạnh hắn khôn lắm không lộ bài ngay đâu.
Hạnh ra, Mạnh nói thêm, chắc không mấy người ghét. Chế Lan Viên không, Nguyễn Đình Thi không, Xuân Diệu không (Nhàn: ông Hạnh rất giỏi trong  việc lấy lòng các ông văn nghệ già?). Hoàng Ngọc Hiến cũng thấy Hạnh là được, tuy cũng rất khinh Hạnh.
Nhàn: Khinh về học vấn?
Mạnh: Không khinh cả về tư cách nữa. Hồi nhóm Hạnh Phúc đang đánh nhau, tay Lê Anh Trà có đứng ra triệu tập một hội nghị toàn dân lý luận đại học để phê phán cả hai tay kia. Hạnh có đến bảo mình với Hiến bênh Hạnh. Hiến đã bằng lòng rồi. Nhưng sau Hiến biết, do sợ quá, Hạnh đã gửi thư lên ông Đồng kêu rên, thế là Hiến chửi um lên, không thèm đến hội nghị đó nữa.... Giờ Hạnh đang đi tìm một tay sai đây.
Cư bảo:
- Cứ thằng nào dốt là được
- Hắn cũng bảo thế. Nhưng đâu có phải dễ.
Nhàn:
- Thế hoá ra một ông học thuật như vậy, lúc làm chính trị cũng chẳng khác gì mọi bọn chính trị khác.
Hiện nay, Hạnh chỉ còn thắc mắc xem ai là người đưa Hạnh ra.  Tố Hữu thì có lẽ không phải vì mặc dù, năm nào Hạnh cũng gặp Tố Hữu, lần nào gặp cũng khoe với Ngọc, và có thể nói Tố Hữu chính là ông chủ chính của Hạnh nhưng lần này, Tố Hữu bảo Hạnh đừng nên nhảy ra làm phó ban làm gì. Vậy thì ai, ai mới được. Hạnh đang làm lối loại suy, để tính dần ra, mà vẫn chưa ra.
Cư: Kể ra, Hạnh ở lại Bộ giáo dục thì hơn. Sang văn nghệ, bảo được ai.
Nhàn: Nhưng biết đâu, bên ấy cũng rất lắm chuyện.
Tôi nghĩ thêm con người Hạnh, 15 năm nay về nước cũng chỉ để chuẩn bị có ngày làm một thứ chức vụ như hôm nay. Chính Nguyên Ngọc luôn mồm bảo: Tay Hạnh nó khôn lắm.
Ngày xưa, khi Hạnh đang học ở Liên Xô, thì Ngọc đã là một nhà văn nổi tiếng, nghỉ hè về nước, Hạnh thường đến chỗ Ngọc chơi. Nay Hạnh đã lên to hơn, có ô tô đàng hoàng hơn, chứ không phải đi xe cơ quan như Ngọc nữa. Bản thân chắc lúc nào đó, Ngọc không khỏi nói thầm: Giời còn độ cho mình. Vì, thả nào cũng nhờ Hạnh được ít điều chứ.
Chỉ có điều những nhà phê bình lý luận chính thống hôm qua, như Hồng Chương, Vũ Đức Phúc, Hoàng Trinh, những người từng đã đánh nhau với Hạnh trên Tạp chí Văn học, đều không ưa gì Hạnh cả. Biết đâu, cùng là trong ống tay Tố Hữu cả, nhưng Hạnh còn mới hơn một chút, nên chính ông chủ đưa lên, chứ không phải ai khác. Nhưng sau khi có được sự bảo đảm như thế, công việc còn là cực kỳ khó khắn. Hạnh không dại gì mà gây thêm kẻ thù cho mình. Xưa kia, Hạnh đã nói: Chúng ta có một đội ngũ văn nghệ sĩ rất đáng quý. Hạnh là người hay nói rằng giữa phê bình và sáng tác giữa lãnh đạo và anh em phải có sự điều hoà. Bây giờ, khi chính các văn nghệ sĩ đánh nhau, Hạnh vẫn giữ kiểu nói ấy: Anh Chế Lan Viên cũng tốt thôi... Chúng ta rất quý anh Thi... Giữa đồng chí Tố Hữu và anh em, căn bản vẫn là những người sáng tác nên rất thông cảm với nhau v.v... Bằng Việt “Y như cách nói của Việt Nam trước mâu thuẫn Trung - Xô hồi trước”.
... Nhưng còn có ai hơn ông Hạnh này bây giờ? Người mà chúng tôi hy vọng, thực tế là như thế đó.

27/8.
Bằng Việt được bà Lê Minh rủ sang báo Nhân Dân, làm Phó ban Văn nghệ. Một lần hỏi ý kiến mình, mình bảo: Nên đi, chứ ở cái Hội nhà văn này, tương lai có ra sao. Hội lúc nào cũng bị đánh đấm, chả có tiền mà tiêu, chả có quyền hành gì.
 Xuân Trường - người hay đánh Hội, lâu nay mai danh ẩn tích, không thấy xuất hiện ở 65 Nguyễn Du nữa. Nghe nói ông ta sắp sang Liên Xô học như Trần Độ, để lấy cái bằng “đỏ”. Và sắp tới ông Độ sẽ phải cho một số người đi học để làm sao hốt phiếu ở Đại hội 5, mà ở lại TW. Trong khi sếp của mình còn đang chạy đôn chạy đáo, Xuân Trường kỳ này gần như chắc chắn. Vì Xuân Trường vốn hàng quan lại  được trên tin cẩn. Ông Trường Chinh rất kiên định trong những thiện cảm ác cảm của mình. Cái lối như Trần Độ, - Trường Chinh không chịu được.
Cư: Thấy Nguyễn Văn Hạnh làm Phó ban, những người như Trần Hoàn đầy căm giận. So với một người vào sinh ra tử như Trần Hoàn, Hạnh chỉ là mặt trắng thư sinh. Xuân Trường thì không chịu làm Phó ban, nếu Hạnh cũng làm Phó như mình. Và cứ mai danh ẩn tích như trên vừa nói.
Tố Hữu không thể tha thứ cho Trần Độ việc đứng sau Nguyên Ngọc làm loạn năm 1979. Xuân Trường cũng không thể bỏ qua không nhắc cấp trên của hắn cái việc đó.
Trong khi ấy, Nguyên Ngọc thầm oán trách là Trần Độ phản mình, tuy trước mắt, mắt vẫn phải lim dim trong vòng tay ôm của lão già nọ.
Ban Văn hóa văn nghệ có tướng nhưng không có quân. Hạnh vẫn  đi ô tô tới làm việc, tuy chưa biết nên làm việc gì.
Toàn bộ bọn Nguyễn Thanh, Hoàng Trung Nho vẫn là dân Ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn.
Người ta xì xào chờ đợi. Và nói chung, ở dưới cũng án binh bất động, chờ Đại hội 5 rồi mới ra quân ngả về cấp trên nào (cho nó đỡ tủi).
Có người hỏi Hạnh có say sưa với chức phó ban không ? Cư bảo: Không say, nhưng tôi thấy hắn có vẻ rất cắn câu. Biết đâu, chả có lúc Hạnh nghĩ, cả Trần Độ lẫn Xuân Truờng đều đi, và hắn ta sẽ... làm trưởng ban.
Nguyễn Khánh Toàn trong bài Mở đầu tổng tập Văn học VN viết như một thằng rồ, phỉ báng văn hoá Trung Quốc, coi Văn hóa Trung Quốc xây dựng trên lao động ép buộc, trong khi văn hoá Việt Nam xuất hiện trên cơ sở lao động tự nguyện.
Đinh Gia Khánh trình bày quan điểm làm Tổng tập và quan điểm về Văn hoá Việt Nam cũng chắp vá, đầy giọng chính trị giả cầy.
Chả trách, đám Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức muốn làm gì thì làm .
Về cán bộ văn nghệ, từ trên xuống dưới còn lắm chuyện lộn xộn. Như ở Viện văn. Ông HTThông về đây mấy năm nay, chả làm được gì cho nên hồn. Thỉnh thoảng, ông ta vẫn giở trò say rượu ra, để nói lung tung rồi lại giở trò tỉnh rượu, để bàn bạc vài điều. Chẳng hạn, vụ ông Hiến năm ngoái năm kia, ông Thông định lờ đi, không phê phán trên Tạp chí Văn học, nhưng trên ép lại làm. Làm rồi vẫn tiếc, lại hay mời Hoàng Ngọc Hiến đến chơi, uống rượu. Trong Hội nghị 35 năm Văn học, rượu vào rồi, lại tỏ vẻ tranh luận với  Hoàng Ngọc Hiến, cho nó có vẻ chính thống.
Nhưng mà rút cục mọi việc cũng không đâu vào đâu.
Phong giáo sư đợt đầu tiên, ông Thông không làm đơn. “Tôi là nhà thơ còn giá trị bằng mấy, cần gì chức giáo sư đó“. Đến đợt hai, cũng đăng ký, nhưng còn lững lờ, có cũng được, không cũng được (Trong khi đó vẫn đợi làm chủ biên cho đủ các loại sách ở Viện Văn). Rút cục ra sao? Vũ Đức Phúc, đợt trước, mới phó giáo sư, Hoàng Trinh đã là giáo sư, viện sĩ. Đợt này, Trinh ra sức cản, không cho  Phúc lên Giáo sư. Ông Thông bị ông Toàn hạ cho một câu: “Thôi, anh Thông đã không muốn, chúng ta cũng không nên ép”. Và như vậy, kỳ này, Thông có thể đi đoong. Mọi việc hướng dẫn khoá luận Bộ đại học quản, cái nào do Thông hướng dẫn, kỳ này bị thay đổi cả.
 Mạnh tỏ ý ghét Thông. Mình rất thành kiến với dân Quỳnh Lưu, suy không ra say, tỉnh không ra tỉnh. Mà thực tế có bao giờ say đâu? Dở lắm, khó tin lắm.

Ông Thông sẽ đi đến đâu. Đây là lời kể của Vân Thanh, vợ Phong Lê:
- Anh Thông mới viết một bài nhân đại hội 5, cảm động lắm, trong đó có một câu thế này: “Tôi xin chất vấn Trung ương, sao các đồng chí làm thơ đã hay mà viết nghị quyết lại cũng say người như vậy.
- Thế nghĩa là thế nào. XQ ngồi đấy, hỏi Khải.
- Thế là nịnh thối chứ còn gì nữa.
Tôi, không hiểu sao, cũng cảm thấy rằng cái ông Thông này loạn xạ lắm, không nên để cho ông ấy lừa mới phải. Và khi một người chính thống như ông đã phải giở trò như trên, thì cuộc đời chắc đã bi đát lắm rồi.

5/9
Hiến bảo ông Hạnh đi đâu cũng rêu rao: “Anh Tố Hữu bảo mình đừng ra” chính là một thứ đón phép chiến thuật đấy.
Cư giải thích Hạnh đang làm một thứ người phiên dịch, giữa Tố Hữu và Trần Độ.
12/9
Cuộc đấu tranh cũng lan đến VNQĐ, bao gồm cả  tranh quyền tranh chức lẫn nói nhau không ra sao.
Nguyễn Trọng Oánh bảo tôi mệt mỏi lắm rồi. Làm thì không được làm theo ý mình. Xin thôi cũng không được, không khéo  nữa thì chỉ có đường xin ra ngoài
Nhàn: Thật là lạ, hôm trước ông với ông Xuân Thiều coi như bè bạn thân ái với nhau. Bây giờ hai ông thù hằn nhau ra mặt. Hôm qua, ông Thiều bảo: Tôi làm phó cho ai cũng được. Bây giờ lại không phải thế.
Nguyễn Trọng Oánh: Hồi kháng chiến, tôi nhìn người như thiên thần, bây giờ, thấy người với người là quỷ. Tôi đã lùi nhiều rồi, nhường nhịn nhiều rồi, nhưng đâu người ta có chịu. Mà đánh ác lắm, lại đánh tôi về tư tưởng, vu cho tôi là lập trường không vững mới gay chứ. Hồ Phương bảo anh vừa viết được quyển Đất trắng đã ti toe. Các anh bây giờ cũng ngang tài Nhân văn rồi.
Mặc dù đứng về phía Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu cũng phải công nhận bây giờ anh em trong cơ quan nó chán cách Xuân Thiều rồi. Vì lúc nào cũng lên gân tư tưởng. Cả Hồ Phương cũng nói tư tưởng ... Không thể ngửi được.
Nguyễn Minh Châu khái quát:
- Cái thằng Thiều học bao nhiêu lần không thành nhà văn, nhưng để trở thành cán bộ cai trị anh em thì chả cần học ngày nào cả, được ngay.
Nhàn: Nói một cách tổng quát, chất văn học của tạp chí bây giờ hơi ít.
Châu: Hồi trước chỉ có ông Khải với tôi với ông bàn với nhau một ít chuyện là văn học, bây giờ còn ai. Hôm nọ, tôi nói: Có hai đợt tạp chí khởi sắc. Một là khoảng 1959-63, một là những năm chống Mỹ 1968-74. Cả hai đợt đều do anh em trong nhà viết nên cả. Còn bây giờ, có cái gì hay lại do anh em ở ngoài.
Nhàn: Nhưng đó cũng là tình hình chung thôi, ông Châu ạ.

Bằng Việt kể về chuyện đi khỏi cơ quan. Sở dĩ Nguyên Ngọc hồi trước cho đi, vì địa vị ông ta lung lay, tháo khoán cho xong. Hơn nữa, ông đang cần liên kết với bà Lê Minh, để báo Nhân Dân khỏi bồi cho một đòn nữa thì hỏng cả.
Nay Ngọc không cho đi nữa. Vì “cơn bão” đã qua, ông Ngọc không còn cần Lê Minh. Vả chăng ông ấy cũng cần củng cố quân gia trong nhà cho chắc.
Qúa bực vì chuyện này, Lê Minh bảo Nguyên Ngọc là một kẻ bắng nhắng, tiểu khí, tiền hậu bất nhất.
Bằng Việt đến nhà Nguyễn Quân, gặp Ngô Thảo và Lê Lựu đang chia tay nhau một người vào thành, một người ra. Thì ra trong thành gọi bọn này vào để điều trần xem tình hình cơ quan ra sao, tại sao ba lần bầu chi uỷ không xong. Nói đi nói lại một lúc, Lê Lựu, Ngô Thảo đều thống nhất sở dĩ VNQĐ rã như hiện nay là do Nguyên Ngọc, chính ông ta đưa những người cùng cánh vào. Trùng với ý Bằng Việt cho là cơ quan Hội nhà văn bị ông Ngọc thao túng và gây chia rẽ thôi.

Cái gì là cái chung giữa Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải:
 - Sự ích kỷ chỉ biết có mình, thực ra không hiểu gì về công việc nói chung. Đi liền với ích kỷ là sự tàn nhẫn, lòng tham. Coi mọi người khác như đồ vật. Người thì hay hứa hão, người thì lạnh lùng.
- Sẵn sàng đổi ý, sẵn sàng bán anh em cấp dưới, miễn được việc cho mình. Cũng khinh cấp trên lắm nhưng bị họ lừa rồi, không biết cáu sao, chỉ còn có cách đối xử như vậy với cấp dưới.Thế nhưng đám Lê Lựu, Bùi Bình Thi, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật ... về sau lại non nớt quá.

9/10
Cuối tháng 9, Ban chấp hành Hội Nhà văn họp kết nạp thêm một số hội viên dịch. Tổ chức lại công tác phê bình. Xuân Trường làm trưởng ban. Ân là người giúp việc (= ét). Ân sẽ bị kẹt ở giữa: một bên là ông Hoàng Ngọc Hiến (lãnh tụ tinh thần) một bên là sếp mới.
3/10, báo Văn nghệ họp cộng tác viên phê bình. Một sự khởi sắc lại, sau buổi họp ba năm trước đầy hăng hái.
Từ Sơn đưa ra một đề cương mới. Lần này đề cương có gửi lên Vụ Văn nghệ cẩn thận và được trên... ngầm tán thưởng (không nói chính thức, chỉ nói riêng là được, cứ thế mà làm). Nguyên Ngọc không phát biểu mở đầu nữa mà về sau mới nói giản dị: ta phải làm, phê bình phải giúp sáng tác được tốt. Cả buổi họp chỉ bàn... mẹo làm báo, làm sao để báo chạy.
    NgĐMạnh kể NgVHạnh đến làm việc ở Ban Văn hoá văn nghệ rồi. Việc đầu tiên là ngồi đọc các hồ sơ và thấy kinh khủng quá: toàn là những nhận định chết người -- ông này phản động, ông kia thấm nhiều quan niệm tư sản (cả Hạnh, Hiến...)
Hàng tuần, chiều thứ hai, trên đó có giao ban, để... các mật vụ nghiệp dư làm nhiệm vụ. Hạnh thấy vô duyên quá, tuyên bố bãi bỏ. Xuân Trường mò đến (do không được báo trước, tưởng vẫn giao ban). Hạnh bảo: Tôi giải tán rồi. Xuân Trường tẽn tò về, từ đó không sang ban họp nữa.
Hiến bảo vốn đã nghĩ sẵn một câu để nói. Nếu anh Độ, anh Tố Hữu làm, tôi làm. Nếu anh Xuân Trường làm, cho tôi nghỉ. Nhưng thấy tình hình đó không thể xảy ra, cho nên thôi.
Hạnh nói với các nhân viên trong Vụ Văn nghệ: Anh nào yên tâm ở Ban, chúng tôi sẽ tạo điều kiện làm việc. Anh nào muốn đi nơi khác, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để đi.
Riêng nói với Khôi: So sánh giữa anh với một người như Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, về tư tưởng, về quá trình tham gia cách mạng, về trình độ văn hoá.... anh thấy anh có quyền để hơi tí lại nhận định về các anh Thi, anh Ngọc như thế không?
Người mà Hạnh định kéo ra làm, có lẽ là Bùi Văn Ba (Phương Lựu). Và về mặt phương thức làm việc, Hạnh dự định có thêm nhiều cộng tác viên, có tổ chức cố vấn.
Ở VNQĐ, công việc chính vẫn là... đánh nhau. Họp nhiều đến mức các ông bên phòng Văn nghệ trông thấy phải ái ngại. Phạm Ngọc Cảnh bảo:
- Hồi trước chúng tôi cũng đã bao lần ái ngại cho các anh. Chúng tôi chỉ đi sau các anh thôi.
Tôi chợt buột mồm nói với ông Châu:
- Chính hồi ông Cao, Văn nghệ quân đội vẫn có một chút chất thời bình, chất sơ - vin (thường dân)
- Vì cánh mi-li te nhất nó đi chiến trường cả rồi.
         - Bây giờ bọn nó mới quay về làm trùm Văn nghệ quân đội.
Chưa bao giờ số 4 Lý Nam Đế lính tráng như thế này, giàu chất chiến tranh như thế này (những năm trước ở chiến trường, cuộc đấu tranh Minh Khoa - Nguyễn Ngọc Tấn và nhiều cuộc khác, đã dự báo ngày hôm nay rồi còn gì nữa)

29/10
Nếu như buổi họp bộ phận công tác viên LLPB ở báo Văn nghệ nặng về bàn bạc công việc, thì buổi họp các cộng tác viên văn xuôi và thơ có vẻ  lý luận hơn. Trong khi không đến dự cuộc họp LLPB, thì đến cuộc họp sáng tác, Nguyễn Văn Hạnh lại xuất hiện, với việc phát biểu kêu gọi là nên mạnh dạn tham gia vào đời sống chính trị hiện nay. Nên suy nghĩ, đặt vấn đề.
Nguyễn Khải bác lại:
-- Đạo của chúng ta là đạo hèn. Căn bản là lo viết sao, để cấp trên yên lòng; còn như, ngay bây giờ, giá ông Tố Hữu bảo nên viết để đặt vấn đề, để làm tròn trách nhiệm... chúng ta cũng không nên viết.
Mới nghe, tôi không hiểu cách nói của Khải. Nhưng đặt nó vào bối cảnh cuộc họp, có gợi ý của Hạnh, lại thấy nó rất có lý. Thông thường, loại người xuất thân từ LLPB như Hạnh, khi làm lãnh đạo, thích ve vuốt người sáng tác và rất khinh thường giới LLPB.

Từ số 410 báo Văn nghệ mở đầu đợt cải tiến nội dung bằng cách đăng một phóng sự của Vũ Thanh Sơn về tình hình đấu đá ở một huyện. Huyện uỷ đánh nhau, trên đưa bí thư mới về, càng loạn thêm.
Mọi người tưởng trên chỉ ghét lối nói bóng gió mà thôi. Hoá ra, nói thẳng cũng không được. Đã thấy đại diện của trên đến làm việc với báo Văn nghệ, điều đình là nên chữa chạy  Người xuống truyền đạt ý này là ông Ng Minh Tấn.
 Tấn tuồng còn có cách diễn nào khác, ngoài cách cũ.
Để hiểu về mối quan hệ giữa giới chính trị và văn nghệ, hãy nhớ lại chuyện trong Sài Gòn. Lâu nay, vẫn có tiếng là trong đó rộng rãi. Đùng một cái, có trận đánh vang dội, hồi khoảng giữa năm 1981. Biên uỷ báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh bị cách chức. Nhiều đoàn trưởng đoàn kịch bị thay. Lửa đốt các sách báo cũ lại một dịp nữa bùng lên khắp Sài Gòn.
Tôi cứ tưởng một nhóm nào khác gây ra vụ này, và ông Kiệt đỡ không nổi.
Hoá ra, lại chính ông Kiệt, sau khi ông có một tay tham mưu mới ở Hà Nội chuyển vào là Thép Mới. Kiệt muốn lên to hơn. Làm kinh tế, có được một ít việc nào đó nhưng bị ngoài này kêu. Thế là dở trò trị văn nghệ để lập công.
Vả chăng, mặt trận văn nghệ trong đó cũng rối bời. “Sách” mà ông Kiệt dùng để trị chúng nó, thì lại là sách hồng vệ binh.
Trường hợp một con người cụ thể -- Nguyễn Quang Sáng. Lâu nay vẫn nghĩ đó là người nghệ sĩ thoải mái, dễ chịu, nhẹ nhõm. Nay hoá ra ông ta cũng ân oán đủ điều và hứa hẹn sẽ ghê gớm lắm.
Không nên hy vọng ở ai hết.
Vậy rút cục, ý nghĩa của đời sống là ở đâu?
Lâm kể: vở Erostat ở Hà Nội người xem đông như thế, nhưng vào Sài Gòn không ai xem. Chỉ có những vở diễn giải trí thì ở đây mới sực được. Thói quen thích đối diện với sự thực thích tìm chân lý... là thói quen của người miền Bắc. Sau phải nhờ Nguyễn Duy mối lái để các cơ quan nó đặt, diễn theo hợp đồng, đoàn kịch mới khỏi rơi vào cảnh... sống dở chết dở. Còn ngoài này, ở Hồng Gai, ở Hải Phòng, người ta cấm không cho diễn Erostat. Từ Sơn kể chuyện: hồi trước, báo Văn nghệ đã phải góp vào việc duy trì vở này nhiều lắm. Đang trong giai đoạn thông qua, có ý kiến xì xào. Từ Sơn phải chạy bài một tay ở A 25, mới làm cho trên bằng lòng, cho vở diễn ra mắt công chúng. Khốn khổ.

Từ số 40 (tháng 10) báo chí bán theo giá mới Nhân Dân - 5 hào, Văn nghệ 1,5 đ. Nghe nói báo Nhân Dân đã giảm 5 vạn số, vậy mà vẫn còn ế lắm. Toàn tin có tính chất công báo, không ế sao được. Báo Văn nghệ phải câu khách bằng nhiều cách. NgVBổng thân chinh dịch một truyện ngắn của một nhà văn Pháp. Thuê Anh Trúc dịch Lựa chọn của Bondarev.  Một bài trên báo Hà Nội mới - chính các cơ quan làm bẩn thành phố trước, dân mới học theo sau.  Một bài trên báo Nhân Dân - Bí thư tỉnh uỷ Hà Bắc nói - Nhà nước phá rừng trước nhân dân phá rừng sau.
Nhân vật trong truyện của LQVũ Mùa hạ sẽ đến, là một kiến trúc sư viển vông chỉ thích xây nhà trên mây xanh... Câu cuối “ám chỉ” mùa hạ với những cơn giông ghê gớm.
Làm sao mà khác được bây giờ?

26/11
Chính Yên kể:  ông Hoàng Ngọc Hiến bắt ông ta đi xục cho được một cuốn sách trong đó thư Mác gửi con rể. Thấy bảo hay lắm. Ông Chính Yên phải bám Thư viện khoa học xã hội để mượn bằng được.
Hoá ra nội dung như sau. Mác nói với con rể tương lai: Sao anh vừa làm quen với con rể tôi mà đã suồng sã thế? Tôi mà làm lại cuộc đời, tôi sẽ không lấy vợ. Tôi đã làm khổ vợ tôi quá nhiều rồi...
- Thật là hủ lậu hết chỗ nói. Thời này đăng ra để nó chửi cho à? Chính Yên nói tiếp với tôi, một thằng ở Sài Gòn nó bảo mình ông Hiến mà thắng thế thì cũng chết. Stalinnít hạng nặng.
Tôi không ngờ ông Chính Yên có  thể giúp cho mình một bằng chứng vui vẻ thế. Tôi đã nói bao lần rằng Hiến có nét giáo điều, nhưng Thảo + Ân đâu có nhận.
(Chính Quân cũng hay bảo: ông Thảo mà thắng thì bao nhiêu thằng không ăn nốt nửa cái bánh mì kia, ông ấy cho ăn roi cả).
27/11
NgMChâu: Tôi hoan nghênh cả sự can trường của ông Nguyên Ngọc và sự chạy làng của ông Nguyễn Khải.
Nhàn: Phải cái loại như Hoàng Ngọc Hiến, như ông Ngọc can trường thế nó mới thành nhân vật của lịch sử.
Châu: Người biết nhược điểm của mình là người không bao giờ làm được gì rồi.
Nhàn: Nhưng bọn người đầy tính chiến đấu như cánh các ông phụ trách bên Văn nghệ quân đội bây giờ tôi cũng sợ.
Châu: Thằng nào cũng muốn bám lấy địa vị mà lại. Như thằng Oánh vừa rồi chúng nó chửi cho ghê lắm, chửi cả sau lưng chửi cả trước mặt. Một thằng như thằng Cảnh nó dám bảo vừa nghe tin không trúng chi uỷ mà mặt tái xanh tái xám đi. Nhà văn gì nhà văn thế? Nhưng Oánh vẫn phải bám. Nếu lùi, tức là tự nhận rằng thời gian vừa qua mình sai. Nói chung, bọn này đâu có phải là thằng viết.
Châu nói thêm, suy cho cùng sự khủng hoảng của Văn nghệ quân đội bây giờ là sự khủng hoảng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nó không đáng tin nữa, nó đã hết sức thuyết phục với bọn viết văn, nên nó mới sinh ra đánh nhau như thế.
Nhàn: Ở Hội nhà văn tôi cứ tưởng trên Tuyên huấn nó cũng kèm quá ghê. Hoá ra, không bằng bọn Phòng chính trị bên Tổng cục.
Châu: Bằng sao được. Bên này, khoảng 1-2 năm nay, nó hay ra  lắm. Vì nó coi là vấn đề tư tưởng  mới quan trọng. Chứ cứ như bọn xưởng phim, chúng nó đi buôn rất to, buôn cả ngoại tệ, mà vẫn chỉ coi là nhẹ.
Châu nói tiếp, thì đánh bọn thằng Oánh, thằng Chí Trung, biết dùng vũ khí gì bây giờ? Tham ô, hủ hoá thì nó không. Chỉ còn vấn đề tư tưởng chứ gì nữa?
Hôm nọ, chúng nó còn ngồi xác nhận rằng bữa nọ, tức là năm kia đấy, không ra nghị quyết chi bộ về vấn đề bản đề dẫn là đúng.
Nhàn: Tức là các ông lại thấy chuyện đề dẫn quan trọng hơn chúng tôi? Chúng tôi thì mặc kệ, chả thằng trẻ nào để ý tới chuyện đó cả.
Châu: Vì nó cần vũ khí để đánh nhau mà lại. Đối với bọn cán bộ chính trị trong thành, vấn đề này phải theo dõi, cho nên đợt vừa rồi, nó mới bắt học với kiểm điểm dữ như thế chứ.
Nhàn: Thế hoá ra bên đó, bên cạnh hình thế tranh chấp địa vị còn hình thế bọn chiến trường và bọn hậu phương, rồi hình thế già trẻ các hình thế đó cài vào nhau.
Châu: Đúng thế, đủ vẻ.
Nhàn: Thế thì tôi càng yên tâm với việc tôi đã ra ngoài hơn. Sống thế thì chết. Ngoài này cứ rời ra, thằng nào lo thằng ấy.
Châu: Vì các ông là những người làm nghề, còn Văn nghệ quân đội nó vẫn còn tổ chức bộ lạc của nó. Cứ phải thằng nọ để ý tới thằng kia. Mà trong cả bọn, có một hai thằng cuồng tín thì chết.
Lại nhớ Ngô Thảo bảo ông Dũng Hà bây giờ đang phân vân vì không hiểu về Văn nghệ quân đội làm gì.
- Tại sao các anh đánh nhau tôi không rõ: không làm phụ trách, các anh vẫn cứ thế lên tướng, và được đủ mọi điều kiện để sáng tác cơ mà?
Trong con người, nó vẫn có cái khía cạnh đó. Tức là làm những việc ghê gớm, làm hết sức mình, mà thực ra chẳng vì một lý do gì cả.
Cuối cùng ông Châu hỏi tôi:
- Nhưng ông xem bên Hội nhà văn bây giờ, có ai là người viết?

Trần Vũ Mai: Nghe con ông Oánh lên Sông Đà kể chuyện thì thấy bây giờ Oánh và Ngọc liên kết với nhau. Ngày nào Ngọc cũng sang nhà Oánh.
Và cũng qua Giáng Vân thì biết Oánh Ngọc đang buồn lắm. Cảm thấy bao nhiêu công lao trong những năm chiến đấu, bây giờ vứt đi cả.
Một tập thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi các lãnh tụ cụ thể là từ ông đã chết đến ông còn sống - tôi nghe loáng thoáng đâu đó, có một tập như thế. Nxb Tác phẩm mới không in, kiện tụng mãi. Kiện tận lên trên. Nghe nói tác giả được Lê Đức Thọ tiếp, Phạm Văn Đồng tiếp, ông Tố Hữu tiếp. Và bây ngờ sách được in ở Nxb Thanh Niên.
Vũ Quần Phương bảo: Nó bảo 3 điều đã đúng hai rồi. 1/ Ông Tố Hữu sẽ can thiệp cho nó đi học Liên xô, dù chỉ 2 điểm Nga văn, 2/ sẽ in thơ 3/ sẽ in 5000 bản bìa cứng đặc biệt, đến đại hội Đảng cho nó về ký tặng các đại biểu.
Vũ Quần Phương bảo: Hồi trước, nó đưa cho xem cái ảnh ông Lê Đức Thọ chụp chung thì người ta bảo nó chắp. Nay thì không còn hồ nghi gì nữa. Khối anh chửi, khối anh phục, và khối anh thèm, muốn làm như nó. Làm liều mà thành công thì cũng làm.

Ông Xuân Diệu đi Pháp về, viết một bài kể mình như thằng ăn mày sang đó, thấy sướng quá. Nói không biết ngượng: Người ta khen tôi như một người đã chết rồi, nghĩa là khen tha hồ. Đến Hội, ông ta đi một cái xe rất cà tàng, nhưng luôn mồm nói “Thành công, thành công lắm”.
Nguyễn Tuân ở dưới nhà anh Quất lái xe, ghé vào tai tôi: Nói thành công thì bận sau, họ mới cho đi.
Ông Tuân một bữa ngồi nói chuyện ở Hội. Say. Nói lung tung một chút. Trong đó có câu “Nói chuyện với bọn trẻ này còn vui. Chứ nói  với mấy ông già làm gì. Không thành thật. Không thành thật... Mà nói chuyện với bọn trẻ, tôi còn học được gì đấy. Chứ nói chuyện với mấy ông già, tôi học được gì? Không được gì cả.”

Ân kể: Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, ông Trần Độ có đọc một bài diễn văn, nói rằng nên văn hoá của chúng ta đang hấp hối, tiền chi tiêu không có, ngân sách muốn chi cho văn hoá bao nhiêu thì cho. Ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng đều phản ứng, chắc anh bực bội điều gì đó.
Báo cáo chính trị đại hội phải nhận là chất lượng giáo dục quá kém.












Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn