VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký chiến tranh - Binh trạm 12 Tây Quảng Bình 1969 (3)

 3/6.
Sang C2 đội 89. Một người thanh niên học xong lớp 10, bạn của Lê Trọng Việt: Hải. Con đường của những người thanh niên con em gia đình có vấn đề với cách mạng. Bây giờ họ nghĩ suy gì, cứ tự mình cũng đoán ra được!
Nhưng thú nhất vẫn là chuyện các cô TNXP.
Quyên: Mẹ em mất từ năm em được độ một tuổi. Bà ngoại em chỉ được có hai người con gái, mẹ em là chị, lại mất sớm. Bà em mới bảo dì em rằng mày có thương cháu thì mày về nuôi lấy nó.
Mãi lúc đi TNXP trở về em mới biết. Hồi trước, có lần mẹ em đánh em đau quá, em mới bảo con đẻ ra mà còn thế đấy, dì ghẻ con chồng thì còn ác đến đâu. Mẹ em không nói gì nữa, mẹ em chỉ khóc. Hôm em đi, bác em mới gọi bảo rằng đấy là dì mày đấy.
... Chúng em đi từ ngoài kia vào thích lắm. Đi đến đâu cũng hỏi. "Mẹ có cà cho con mấy." Bà cụ bảo: "Chẳng có mùa này. Nỏ có cà, con có ăn ghém thì ăn thôi. Sao mẹ bảo gì, các con cũng vâng thế." Người khu 4 hiểu hết tiếng người khu 3 nhưng người khu 3 không hiểu người khu 4 đâu. Ở nhà dân, về đến nhà là lục lọi thức ăn. Có lần đi trực về, 4 giờ sáng thì về đến nhà, lục cơm nguội với cá ăn sạch, đi ngủ, đến 10 giờ mới dậy.
Lúc đầu thức ăn chỉ muối và mì chính. Thế mà ăn cũng hết.
Xa nhà chỉ mang độ mấy bộ quần áo mỏng. Viết thư về  xin kim chỉ quần áo rồi cho vào phong bì gửi lên.
 Chạy vào rừng, ăn cơm nhạt: một đồng chí ra vơ được ít gạo lấy vào thổi đại cho xong.
 Tôi với anh Cảnh chạy vớ được 4 quả chuối, bẻ chia đôi. Lại có chỗ kiếm được ống mè (vừng) cứ thế nhai sống.

C757
HS + làm ruộng. Vì nhiệm vụ đặc biệt, nên có chọn. Tưởng là đi đâu cũng 5, 6 tháng. Có người tưởng 2 năm.Tự túc 10 ngày gạo đầu. Anh em tản ra, dự định về. Mệt nhọc ngủ dọc đường.

Sau những đợt bom không có quần áo, mũ. Toàn lấy mảnh vải dù, vừa che đầu nắng vừa che mưa. Rau mùn chóc, rau lá to mọc trên đá, lá thuốc mặng (để kho với măng) măng, mắm tôm.

Địch đánh trúng lán, bom nổ chậm ở ngoài, cả bọn vào khe. Mưa mi gió nậy. Che vài cái lá ngủ. Tìm quả rừng bóc lấy ruột ăn. 3 ngày tìm không thấy đường. Phải vượt qua lối ngõ: bom nổ xong một quả thì vượt. Phải chia đi mỗi tiểu đội ở một chỗ, ở nhờ C khác. Sau khi nó ngừng bắn phá mới trở về.
Đi ứng cứu đường Km 21. Chia 2 kíp, thay nhau vào. Có khi vào đến nơi nghe còi thổi tóc tóc tưởng báo động lại chạy ra hầm núp tạm.
Một tiểu đội chuyên đóng hòm (áo quan). Đêm barie gọi "cây khô, cây khô" là mang lên. Có khi cần quá phải xẻ đôi ván nằm ra ghép sơ sơ lại.
Suối với người miền núi. Sông với đồng bằng. Vẻ đẹp.


Giữa khoảng rừng xanh, những thân mốc lá xanh chẳng hạn, bỗng hiện lên màu đỏ của thứ hoa gì đó trong rừng. Màu đỏ ấy không tươi, không thẫm như hoa vông hoa phượng, màu đỏ ấy sặc sỡ và lại tái tái thâm thâm như hoa gạo cuối mùa, như những bông hoa gạo 1, 2 ngày rơi trên mặt đất. Có thể ví một hiện tượng văn nghệ, một cái gì đó trong văn nghệ với màu hoa đỏ ấy được không. Mình đã nghĩ như thế khi đến thăm đại đội cao xạ.
Hai người mà mình quý nhất là Đỗ Chu và Xuân Quỳnh. Một người vừa sợ vừa thích là Lưu Quang Vũ. Có thể nằm thượt ra, nói những chuyện nghiêm trang nhất mà cũng là ghê gớm nhất bên Lâm Quang Ngọc. Lại có thể rủ rỉ rù rì nói chuyện với Nghiêm Đa Văn. Nhớ có lần hai đứa cùng tranh nhau nói chuyện: mình và Bằng Việt. Với Lâm, mình nói năng thả cửa. Bùi Bình Thi sẵn sàng tán thành những ý kiến người đối thoại, gật gật đầu rất nhanh và cười ha hả?... Ôi các bạn tôi, mỗi người làm giàu cho tôi một chút, chỉ có tôi nhớ các bạn hay là chính các bạn cũng nhớ tôi.

Con gái TNXP ngoan hơn con gái bộ đội vì không được chiều. Thu, lặng lẽ ít nói nhưng chắc cũng rí rủm lắm. Chanh thì láu và hơi xấc. Quý thì rất chiều người và lịch sự, Quyên bên C2 nữa, con mắt và cái cằm như là của con trai, rất nghịch. Nhưng giá kể hỏi nên viết thư cho ai trước hết, thì tôi sẽ gọi tên Hoa.
Khi tôi đến hôm đầu tiên, em ngồi hơi xa, chỉ cười. Hôm sau, lúc nào nhìn thấy tôi, em cũng cười. Buổi tối ấy tôi lại đến chơi, em đang hát, em nằm đấy mà hát, tiếng hát vỏng vót rất hay:
Yêu bao sông nước quê ta,
 có những chuyến phà ngày đêm vui hát
Yêu bao bờ bến quê ta...
Ấy là những bài hát của giao thông, Ấy là những bài hát của chính các em. Có lẽ vì thế mà em đã hát rất say mê, như em mới nghĩ ra như vậy. Khi em hát những điệu tình ca chèo của quê hương Thái Bình, tôi vốn chán những điệu chèo hát trên đài rồi mà với em tôi lại thấy thích. Trong cái buổi tối lờ mờ của trăng đầu tháng trong rừng, tôi không nhìn rõ mặt em, tôi chỉ thấy như cả người rạo rực, tôi không muốn ai nói chuyện nữa để lặng cho tôi với tiếng hát. Mặc các cô khác len vào, tôi vẫn nghe rõ tiếng em. Và khi các cô ấy xoay ngọn đèn về phía tôi, tôi hơi xấu hổ vì biết mình đang ngây dại mê thanh mê sắc nhưng cũng vẫn ngồi đấy, cười cái cười tâm lý mà riêng tôi mới có. Mắt ngước ra ngoài trời nhìn đi rất xa, toàn thân tôi như bay theo tiếng hát. Đến khi em và các bạn hát bài "Các cô gái mở đường" thì tôi nghe như ghen với Xuân Giao vì nhạc sĩ đã ghi được một cái nhịp mà nó biết gợi lên bước đi của các em, một thứ bước đi khoan thai rộn ràng rất mực.
Hoa, tôi biết là em không đẹp lắm, nước da hơi đen, và nụ cười hơi phô, nó không hàm tiếu cầm chừng như chính tôi vẫn thích... Hoa! Nhưng tại sao tôi cứ vấn vương về em, muốn bắt lấy cái nhìn và nụ cười của em. Bởi tôi đang đi tìm một người tôi mến yêu. Nhưng tại sao người đó lại rơi vào em nhỉ. Tôi biết viết bức thư đầu tiên cho em như thế nào đây? Tôi là thằng tằn tiện ít bộc lộ tình cảm, cho nên tôi cũng rất giàu, tôi biết sử dụng tình cảm của mình thế nào cho vừa, ơi em xa xôi, ơi em mới quen, ơi em và tiếng hát. Cả cô Lan khôn ngoan mà kín đáo, cả Quyên hay nhìn trộm đợi chờ, cả Huệ hiền và hiểu đời, cả Quý, cả Thuần, cả Nghi có con mắt nhìn thẳng vào người con trai, như van lơn, như cầu khẩn... không ai làm tôi vương vấn như em.

Ngày mưa: Ngày các cô gái khâu vá, ngày người ta ngồi nói chuyện về những con đường mà người ta đã làm, những chương đời mà người ta đã vượt.
Ngày mưa để người ta lo nghĩ về công việc trong những ngày sau đó. Ngày mưa là ngày của tình yêu, nó ấp ủ những gì hứa hẹn của hôm sau.
Tại sao các cô gái C2 hay nói những chuyện nhố nhăng? Bởi vì nói những chuyện nghiêm túc bao giờ cũng đồng nghĩa bi quan và thất vọng. Cười nhiều, sự cười nhiều là sản phẩm của những gì hết sức đau khổ.
Buổi tối các cô ngồi ra cửa hát.
- Tốp ca nữ hát Các cô gái đi mở đường, do các diễn viên đội văn nghệ C3 và C4 trình bày.
Hoa giới thiệu và hát trước; đến hết câu này, bắt sang câu khác, khi mấy cô lí nhí vì quên thì dọng Hoa bao giờ cũng to hơn cả. Đất núi, sân phía trước nhà không rộng, các cô đứng dọc hàng một cô nọ ôm chặt cô kia. Trong nhà nhìn ra, vẫn thấy các cô lắc lư như những diễn viên chuyên nghiệp trên sân khấu. Thật ra đến cả tên bài hát cũng không thuộc các cô chỉ nhớ câu đầu tiên của các bài...
Lúng túng mãi rồi trong nhà phải cử một cô đi sang nhà bên cạnh mượn cái đèn bật (bật lửa).
- Anh vào trong nhà chơi, anh Nhàn.
Sau khi yêu cầu tốp ca hát, một bài "chầu văn", biết rằng các cô hết vốn, tôi vào ngồi trong nhà. Quen tính tôi, các cô mang hai bi đông nước. Lan rót nước:
- Này, Nghi mời nước anh Nhàn đi. Bưng hai tay vào.
Tôi phải trả lời đại khái nói nghe Lan tâm lý lắm, hôm nay mới biết đấy. ("Lúc trước mình thấy Lan ăn mặc khác. Gớm hôm nay cô Lan trông lạ quá".  "Anh cứ nói thế, em chào anh mấy lượt anh có thèm nói lại đâu?”)

Có tiếng người phía dưới, thì ra Phượng trung đội phó. Lâu nay cả trung đội biết rằng Phượng hay nói nghịch. Vừa đến nơi, Phượng đã nói đùa:
- Lên xem các gái hôm nay đã khỏi chưa hay lại thành 35 công nào. Tất cả cười lên một lượt. (Hôm nọ trong lúc lợp nhà, Phượng đã nói đùa: Người ta 30 công nhưng Chanh nó 34 công cơ. 30 công ốm với 4 công người khiêng đi viện.)
Mai tồ rót nước mời Phượng:
- A à, em Mai hôm nay quý anh Phượng ghê nhỉ. Song Phượng Tuyết Mai được đấy chứ.
Nhưng một cô khác đốp luôn:
- Hôm nay anh Khôi giảng bài cứ định gọi chị Nghiện, chỉ chị Nghiện thôi, thì lại đọc tên anh Phượng. Buồn cười nôn cả ruột.
Hoá ra một câu chuyện nghiêm chỉnh rồi, Nghiện là một bé hơi xấu, nhưng rất yêu Phượng và có lẽ họ cũng đã yêu nhau.
Mục đích Phượng sang là để phân công người.
- Lan ạ, hôm nay tiểu đội mày có mấy người. Sao hả?
- Cũng chẳng nhớ là mấy nữa, Lan cứ hậm hờ.  Sáu hay là bảy nhỉ, để em tính đã.
Phượng cũng không cần biết cho chính xác làm gì. Thôi, mai vẫn cho đi dọn chỗ 35, chỉ để độ hai đứa ra cây số 34 làm nhé. Còn tiểu đội cái Hoa cũng đi làm chỗ cũ, lấy 2 đứa đi gánh tranh.
Chẳng đợi Phượng dứt việc, các tiểu đội trưởng nhao nhao phân việc. Lan gọi với sang chỗ Thoa:
- Chị Thoa ơi, chị Thoa.
Vẫn không thấy nói gì.
- Chị Thoa yêu quý ơi, mai hai chị em mình đi ra cây số 34 nhé.
Ngồi trong bóng tối, chỉ thấy một người quay ngoắt đi. Bấy giờ Lan mới dỗi:
- Thôi, cứ thế là chị tôi nghe thấy rồi đấy. Gớm, chị Thoa em lại không thân với mèo con nữa rồi.
Chả trong tiểu đội, Lan ít tuổi hơn một chút. Và khi đèo nhau, khi vật nhau, các cô đều gọi nhau là mèo con cả.
Trong khi mấy cô khác còn đang nhao nhao hỏi. Nghĩa là bất chấp tiểu đội trưởng, hỏi luôn trung đội trưởng về mình "Mai em làm gì Phượng" ”Mai em làm gì anh", thì Phượng đã xoay sang đùa.
- Còn bọn cái Thu, cái Gái đâu. Mai cái Thu tập họp lại, chờ lên hang Cha lo gánh đá. Cứ chọn thứ đá nào không đổ mồ hôi thì mang về là được.
Và buổi sáng phân công việc của Phượng kết thúc một cách vui vẻ. Trông anh chàng lại nhớ những buổi liên hoan những tay hễ gặp ra, hoá trang trông thiểu não có khi răng sứt, chân cụt, thất tha thất thiểu ra, lúc về lại còn cà khịa.
- Có thách tôi rút không nào? Tôi rút cho mà xem chứ tưởng, tưởng...
Tài lắm, nhưng chỉ là tài trong phạm vi khe núi góc rừng.
Từ nãy, Hoà và một cô Mai khác, Mai Trần vẫn ngồi tâm sự ngoài hiên. Thì ra cô Mai kia mới về thăm gia đình lên. Cô kể vè hành trình rồi kết luận:
- Đi đến đâu cũng được các anh ấy gửi, anh nọ gửi cho anh kia ấy mà...
Gớm, về đến nhà mất 4 ngày. Con bé Máy nó bị rút hết cả bím, nó cứ quờ quạng như trẻ con trời ơi, trời ơi - nói xong lại cười cười xong lại khóc.
- Ở nhà vui lắm mày ạ. Đi họp thì một gian họp mấy gian xe đạp, nam toàn Phượng hoàng, nữ cũng Phượng hoàng với Thống Nhất. Hôm nọ đội bóng nam Thái Bình đấu với Lương thực TW, nữ Thái Bình đấu với Nam Định, nữ mình được, toàn những 15-3...
- Eo ôi, ngoài ấy diện lắm, toàn áo cổ Nhật Bản.
Tôi hỏi: Thế năm nay Hoà đã về chưa?
- Em sợ đường đi xa lắm, với lại về nhà ai cũng chê gầy với đen, lên đây như chị Mai thì lại gầy và đen hơn lúc chưa đi. Thôi cứ ở lại vậy.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn