VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ba bức thư gửi Bùi Ngọc Tấn khi biên tập cuốn "Một thời để nhớ"



Khoảng đầu năm 1992, Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới chúng tôi có kế hoạch làm một tập sách gồm các bài viết về nhà văn Nguyên Hồng. Tôi được giao việc biên tập cuốn sách này.
 Khi chuẩn bị bản thảo mà trong đó một số lớn là do Hội văn nghệ Hải Phòng cung cấp, tôi thú vị khi được đọc một bài viết của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Trước đó tôi chưa quen anh và không hề biết rằng anh đã có một thời gian đi tù và bây giờ chỉ đang tập viết trở lại.
Đối với tôi, công việc của một người biên tập viên không phải chỉ bao gồm soát xét những gì được viết trong sách mà có thể cần phải tham gia vào việc tổ chức biên soạn nội dung, làm lại các bài vở và sắp xếp lại một cách hợp lý. 
Đọc bài viết của Bùi Ngọc Tấn về Nguyên Hồng, tôi thấy ngay rằng nó có thể mở rộng ra đào sâu thêm, bổ sung nhiều chi tiết khác để trở thành một cuốn sách. 

Ngày Bùi Ngọc Tấn đến nhà xuất bản tôi lấy tiền nhuận bút bài viết trên tôi mang điều này ra trao đổi với anh và lập tức được anh chấp nhận và nếu tôi không nhầm thì bắt đầu coi tôi như một bạn tri kỷ nghĩa là hiểu anh, hiểu cả những điều anh đã viết lẫn những điều anh có thể viết.
 Ít lâu sau, chỉ độ vài tháng sau tôi nhận được bản thảo Một thời để nhớ .
 Tôi sung sướng nhận ra rằng gần như các ý đồ mở rộng tập sách mà tôi đề nghị đã được thực hiện. Nhưng điều quan trọng hơn là tôi nhận ra ở Bùi Ngọc Tấn một ngòi bút vừa biết cách viết về người khác, viết về các đồng nghiệp trong văn học - ở đây là Nguyên Hồng mà cả hai chúng tôi đều kính trọng – mà còn biết thể hiện mình trong những trang phác họa chân dung đó. 
Tức là anh là một ngòi bút phong phú, đằng sau những trang viết đầy ắp những kỷ niệm riêng mà tôi cho là anh đã phải đổi lấy cả cuộc đời.
Cuốn sách của Bùi Ngọc Tấn thuộc loại hồi kí văn học.
 Có một điều khoản không được ghi thành văn bản nhưng trong giới xuất bản chúng tôi vẫn được truyền tụng. Là không phải ai cũng có thể viết hồi kí. Mà phải là những người có máu mặt, có vị trí. Đây nữa một điều khoản quan trọng hơn, viết hồi kí về người khác thì phải toàn tâm toàn ý đưa ra những sự kiện chi tiết liên quan đến người đó, chứ không được lồng vào đó những cảm xúc vui buồn và cả những chuyện riêng tư của người viết.
Khi đưa trình bản thảo Một thời để mất của Bùi Ngọc Tấn lên ban giám đốc nhà xuất bản, tôi đã hiểu điều đó, và tôi cũng hiểu ngay tại sao cấp trên của tôi lại buộc tôi phải yêu cầu tác giả sửa chữa theo hướng là tước hết những chuyện cá nhân của anh Tấn, mà chỉ để lại những gì liên quan đến Nguyên Hồng.
 Chưa biết phản ứng của anh Tấn với các gợi ý của nhà xuất bản nói trên như thế nào, nhưng riêng tôi thì tôi đã thấy ngay rằng làm thế tức là tước đi phần lớn xương thịt trong tác phẩm của anh Tấn mà từ khi đọc, tôi đã có phần coi như chính tác phẩm của mình.
Vì thế mới có câu chuyện mấy bức thư tôi gửi cho anh Tấn dưới đây, trong đó lần đầu tiên trong đời làm biên tập viên, tôi đứng về phía tác giả, chứ không đứng về phía nhà xuất bản mà tôi công tác.
 Tôi đã nói rằng nếu nhà xuất bản cứ nhất thiết bắt sửa chữa tước bỏ như vậy, thì anh Tấn nên lấy lại bản thảo và nếu có thể thì tìm một nhà xuất bản khác để in (nói vậy thôi chứ tôi biết thừa rằng ngoài Tác phẩm mới, thì không ai dám in một cuốn như thế này cả).
Về việc này, đã có một bạn trẻ lăn lộn nhiều trong giới xuất bản, sau khi đọc các bức thư in lại trong cuốn viết về bạn bè của Bùi Ngọc Tấn mà tôi viết dưới đây, chê trách tôi là đặt quyền lợi của tác giả lên trên quyền lợi của nhà xuất bản, như vậy bề nào mà xét cũng thấy là không được. 
Trong bụng tôi nghĩ tôi không đáng bị buộc tội như vậy.
 Tôi chỉ muốn làm tốt cho nhà xuất bản. Cuốn sách nếu in ra theo nguyên bản anh Tấn đã viết thì chẳng những là vinh dự của anh Tấn mà còn là vinh dự của nhà xuất bản chúng tôi, mà nó cũng hợp với lương tâm của một người làm xuất bản tính tới thời gian đó đã hơn chục năm.
Thật tôi không thể tưởng tượng được một kết quả xấu xí đến mức nào sẽ đến với anh Tấn, khi anh sửa chữa cuốn sách theo ý ban đầu của mấy anh trong ban phụ trách chúng tôi.
 Anh sẽ nhụt chí. 
Anh sẽ hạn chế khai thác bản thân.
 Trong trường hợp xấu nhất anh sẽ không còn là mình.
Cũng may mà những điều tôi lo lắng ban đầu tự nhiên về sau đã biến mất. 
Anh Nguyễn Kiên phó giám đốc của chúng tôi lúc ấy, người chuyên phụ trách xét duyệt các bản thảo văn xuôi của nhà xuất bản đã đồng ý để anh Tấn giữ nguyên bản thảo như thủa ban đầu mới đưa mà chỉ tước bỏ vài chi tiết lặt vặt không có ý nghĩa gì cả, và anh Vũ Tú Nam giám đốc thì không có ý kiến gì khác.
Cuối năm đó cuốn sách được tặng phẩm của nhà xuất bản, nó nằm trong danh sách một vài cuốn sách mà nhà xuất bản chúng tôi tự hào đã in ra trong năm. 
Thưa bạn X. người ta phê phán tôi chê trách tôi hồi nào, tôi vẫn tự hào là tôi yêu nhà xuất bản của tôi lắm chứ, tôi yêu nghề biên tập lắm chứ.

Sau đây mời các bạn đọc đoạn trích trong cuốn Bùi Ngọc Tấn. Viết về bè bạn, bản của nhà xuất bản Hải Phòng, 2003, từ trang 519 đến hết trang 525

ĐẰNG SAU NHỮNG BỨC THƯ


Ba bức thư của Vương Trí Nhàn
Bức thứ nhất:

                     Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 1994
                     Kính gửi anh Bùi Ngọc Tấn

     Vừa rồi tôi có gặp anh Lê Bầu. Anh ấy nhắc tôi là lo hộ cuốn sách của Bùi Ngọc Tấn. Tôi phải nói ngay là mọi chuyện đang trong giai đoạn chuẩn bị, và chúng tôi những người biên tập phải tìm được cơ hội tốt nhất để cho sách ra đời. Bởi vậy có một số điểm cũng phải có mẹo mực một chút mới ra được. Xin nói để anh Tấn thông cảm:
        Tôi không dám khoe với ai về tập sách này, cuốn Một thời để mất của anh, vì khoe lắm chỉ gây tò mò, gây chú ý, thậm chí là trở thành một áp lực không có lợi.
        Cứ nên coi đây là quyển sách bình thường, bọn tôi lo làm biên tập rồi lo duyệt, tiếp đó lo "đầu ra", tức là xem có "đầu nậu" nào (cả nhà nước lẫn tư nhân) nhận in thì kết hợp in cho tiện.
        Trong quá trình biên tập tôi lo chỉnh lại một số việc vặt như viết hoa tên người tên đất, hoặc các trích dẫn chú thích có chính xác không (việc này mong anh tin ở tôi). Gọi là việc vặt song cũng rất cần, nghề nghiệp của người biên tập buộc phải lo như vậy.
     Thế còn vấn đề chính là nội dung của cuốn sách? Những mong có dịp nói trực tiếp với anh, chứ viết thư không phải bao giờ cũng nói hết được ý mình. Như thư trước đã nói với anh: Tôi đã gợi ý để anh viết, không bao giờ tôi quên điều đó. Tôi sẽ cố gắng lo cho nó như lo cho sách của mình. Chắc anh cũng tin là tôi hiểu tâm huyết của anh khi viết. Tôi sẽ bàn với anh Kiên giữ được quyển sách như hình thù hiện nay. Nếu chỗ nào có phải cắt bớt, chúng tôi cũng đau như chính anh vậy. Còn nếu có gì phải chữa, bọn tôi sẽ báo để anh làm chứ không tự tiện đâu.
     Đấy, về lý mọi chuyện tóm tắt là như thế.
     Còn về tình cảm, quả thật, tôi đọc thấy rất cảm động. Trước đây chưa đọc cái gì đàng hoàng của anh ngoài hai bài anh viết về Nguyên Hồng in trên Cửa Biển. Nhưng tôi thấy không có gì phải hối hận về việc đã "xui dại" anh. Qua hồi tưởng về Nguyên Hồng, anh đã kể về đời mình về thế hệ mình, kể một cách tương đối phải chăng, không bực bội hờn dỗi mà cũng không dạy khôn mọi người, nên nói chung là "nghe được".
     Khi Cát bụi chân ai in ra (cũng do tôi là người biên tập), nhiều anh em đọc xong cứ thấy buồn buồn: Chuyện của Tô Hoài cũng là chuyện mình chứng kiến mà sao mình không kể được như Tô Hoài.
     Tôi tin rằng khi cuốn hồi kí của anh in ra, cũng sẽ có người nghĩ vậy.
      Nói thật với anh, trước mắt tôi chưa tin là chúng ta có một nền văn học lớn ở những cái chúng ta làm ra, yếu tố sáng tạo còn thô sơ nhạt nhẽo lắm.
     Nhưng tôi tin chúng ta đã sống những năm tháng đáng ghi nhớ, kinh khủng ghê sợ nhưng cũng đẹp kì lạ, đúng với những gì mà kiếp người có thể có.
     Nói cách khác: Tôi không tin lắm ở tiểu thuyết. Có thể có cuốn nọ cuốn kia đọc được, một, hai tác giả đọc được. Nhưng toàn bộ nền tiểu thuyết tôi không tin lắm.
     Ngược lại, tôi tin ở hồi ký: Nếu anh em ta bảo nhau viết và biết cách viết thì chúng ta có thể có những hồi ký kha khá.
     Tôi chưa được đọc tiểu thuyết của anh. Nhưng cuốn hồi ký này tôi nghĩ nên in ra, để những anh em khác cũng có dịp nghĩ về đời mình và viết ra những cuốn hồi ký khác.
     Viết được như thế là đáng sống rồi.
     Tôi xin dừng bút và chúc anh Tấn cùng gia đình vui khỏe.
     Có gì mới tôi sẽ báo cho anh biết ngay.
        Kính
    Vương Trí Nhàn

     Tái bút: Theo tôi nên đưa hai chữ Nguyên Hồng vào đầu đề. Nguyên Hồng và Một thời để mất. Nếu anh không đồng ý xin báo cho tôi biết ngay. Còn nếu đồng ý không cần báo cũng được.

Bức thứ hai:

                         Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 1995
                         Kính gửi anh Tấn.
     Tôi ngần ngại mãi, nghĩ là cứ viết thư thẳng cho anh có lẽ hay hơn. Vẫn là chung quanh câu chuyện bản thảo Một thời để mất của anh thôi.
      Tôi nghĩ là mình có trách nhiệm trong việc này, tôi đã gợi ý để anh viết. Tôi xót xa cho nó, như xót xa cho những gì tôi tự viết ra.
      Do vậy cứ thấy gờn gợn trước quyết định của mấy anh trong Ban giám đốc chúng tôi, là tước bỏ tất cả những gì "râu ria" đi (những gì liên quan đến chính Bùi Ngọc Tấn và đám bạn bè) mà chỉ giữ lại những gì liên quan đến Nguyên Hồng thôi.
      Có thể sách viết ra hôm nay có phần hơi tản mạn, và cái phần lam lũ cay đắng trong nghề của các anh hôm nay viết ra chưa tiện (thậm chí, xin phép được nói thẳng: có thể ai đó nghĩ Bùi Ngọc Tấn chưa phải là người có quyền và cần chia sẻ với bạn đọc và đồng nghiệp những vui buồn của đời mình như thế).
       Nhưng đã vậy thì nên để quyển sách lại. Chứ tước bỏ đi cái phần "râu ria" ấy, chỉ giữ phần Nguyên Hồng thôi, thì tức là làm nánh hẳn quyển sách, làm nó mất đi sự thống nhất nội tại và tôi nghĩ là cái phần tâm huyết anh đặt vào đó cũng mất đi cơ hội bộc lộ.
        Anh Tấn ơi! Tôi viết những dòng này với anh là với tư cách một đồng nghiệp, chứ không phải một biên tập viên nhà xuất bản.
      Chức năng biên tập viên là làm sao lo để nhà xuất bản có sách in ra và không bị tai nạn.
       Nếu anh đồng ý cắt phần "râu ria" và chỉ để lại phần Nguyên Hồng thì dù hơi ngại làm cái công việc là cắt bỏ phần nửa tác phẩm, tôi vẫn làm được thôi.
       Nhưng anh Tấn ạ, với tư cách một người yêu mến và thích viết về đời sống của những người cầm bút, tôi nghĩ như trên, tức là đừng cắt gì cả.
       Nếu anh đồng ý với tôi, nghĩa là anh phải tạm gác tác phẩm lại, để đấy, để một dịp khác sẽ in, hoặc tìm một nhà xuất bản khác để in. Tôi không chắc là mình có thể giúp gì được anh trong cái công việc liên hệ để in ấy. Nhưng ta cứ dùi gắng đợi, anh Tấn ạ.
       Tôi chờ thư của anh, và các biện pháp đề nghị của anh.
       Kính
   Vương Trí Nhàn



Bức thư thứ ba:

                     Hà Nội ngày 20 tháng 5 năm 1995
                     Thân gửi anh Tấn
     Chờ mãi không thấy thư anh lên, nhưng thôi tôi đã có thể viết lá thư này để xóa sổ lá thư trước:
     Rút cuộc là bản thảo đã giải quyết xong anh Tấn ạ.
     Số là, theo tôi biết, tiểu thuyết của anh vẫn còn đang treo đó.
     Bởi vậy, anh Kiên, anh Phú chỉ thị cho tôi là cố gắng đưa được tập  hồi ký này của anh ra.
     Tôi chủ yếu làm công việc tước bỏ cho gọn sách lại.
     Bỏ hết những chi tiết liên quan đến nhà xuất bản chúng tôi (tôi và anh Kiên), tuy vẫn giữ được những câu có tính chất vào truyện của anh (đoạn lên Hà Nội).
     Tước bỏ những chi tiết đùa tếu gọi là tự nhiên chủ nghĩa kiểu như đôi tất của anh Tất Vinh, hoặc Vũ Tín đi mua thịt v.v...
     Như tôi đã viết trong thư trước, nếu các anh ở Ban giám đốc yêu cầu bỏ hết những gì liên quan đến lớp người cầm bút như anh, Vũ Thư Hiên, Vũ Bão, Dương Tường... thì tôi khuyên anh để sách lại đừng in.
     Nhưng nay các anh không quyết liệt đến quá thể nữa, và hai bên (tôi, coi như đại diện của anh + ban phụ trách đã tìm được chỗ thỏa hiệp). Bản thảo đã duyệt xong, chỉ còn vài việc vặt nữa rồi chuyển sách sang khâu in.
     Xong việc này tôi cũng thấy nhẹ cả người, anh Tấn ạ vì dẫu sao tôi cũng "đầu têu" ra nó, sách mà không ra được, hoặc ra mà méo mó mày mặt thì tôi cũng buồn.
     Mong anh tin ở tôi, tin ở cảm giác về một cuốn sách của tôi.
     Lần này chắc anh không im lặng nữa mà viết thư cho tôi chứ?
     À, vừa rồi tôi thấy có một mẩu đăng ở báo Người Hà Nội, trích từ cuốn sách này ra. Nói chung là tôi hoan nghênh, anh bán được thêm cho báo nào cứ bán. Như Tiền Phong chẳng hạn, họ rất thích loại này (nếu anh chưa quen họ, xin viết thư cho tôi biết và ủy nhiệm cho tôi làm việc này). Chỉ cuối cùng anh đừng đưa bản thảo cho nhà xuất bản nào khác là được.
        Chúc anh khỏe.
    Vương Trí Nhàn.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn