VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký chiến tranh : Hà Nội 4-1972

       Nói tới 1972, mọi người chỉ nhớ tới đợt ném B52 tháng chạp. Nhưng giữa tháng tư, đã có một cuộc  ném bom gây nhiều hỗn loạn.

      16/4
     Ngày thứ bảy 15/4 còn là một ngày thoải mái. Chiều, trẻ đi học, người đi làm về bình thường. Có ai ngờ hôm nay lại là một ngày địch đánh dữ dội.
     Khi Hữu Mai báo nó đánh Hải Phòng, mọi người còn nghĩ cũng phải hôm sau, sau nữa, nó mới đánh Hà Nội.
     Nhưng rồi thì nó đánh thật.
     Những cánh cửa phòng tôi rung lên. Bom ở đâu xa? Không hiểu. Nhưng tiếng súng phòng không thì nghe rất đanh.
    Ngoài Hàng Đậu, những người núp vào hầm. Bên kia đường Quan Thánh, hai bóng trẻ con đang chạy. Thỉnh thoảng còn thấy một bóng xe đạp lao nhanh. Nhưng có khi chỉ thấy một gốc sấu to là người ta đã dừng lại.
   Trong lúc báo động ấy, tôi ngồi trên cái gác 4 Lý Nam Đế, còn nghĩ được một chút về văn chương, những bài thơ của bè bạn. Những năm tháng chiến tranh năm 1967, tình yêu và báo động, nghe gần gũi trở lại.Trở lại tất cả.
    Lúc đã yên, tôi ra đường Hàng Đậu. Một vài người còn nép ở hầm. Một người mẹ lạc con, khóc thút thít. Ngoài cầu Long Biên, đứng bên này đã thấy khói lên bên kia sông. Một đám cháy lớn, cháy ở kho Đức Giang. Mấy ô tô cứu hỏa lên cầu, kéo còi báo động rền rẫm. Dần dần rồi mới thấy vài ô tô từ bên kia sang, một cô gái phóng xe đạp như bay trên cầu.
   Sao chiến tranh lại bắt đầu giống nhau! Vì đây cũng là những ngày hè. Như sự đổ vỡ của một hy vọng, nắng vỡ ra trong những ngày hè, làm cho người ta lóa mắt.
   17/4
   Sau này, Nguyễn Minh Châu cũng nói khi thấy những máy bay đến, anh lại ngỡ ngàng như năm 1966 nó đánh Đức Giang vậy.
    Buổi tối hôm ấy, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ là làm sao đi thăm được khắp lượt bạn bè. Những gì đã xảy đến với những người chung quanh mình trong mấy năm nay? Không nói về  gia đình con cái sao được. Vì những thứ ấy đè nặng lên mỗi người bạn mình. Nhưng còn những ý nghĩ, cái phần nằm sâu trong đầu óc từng người. Năm, sáu năm trước, tất cả đều giản đơn, bây giờ họ còn giản đơn hơn. Nhưng chỉ có điều trước kia, mọi người giản đơn theo nghĩa là mong đợi, hy vọng. Ngày nay giản đơn có nghĩa là thất vọng.
      20/4  
     Địch đánh gần Hà Nội là vào chủ nhật. Đến sáng thứ năm hôm nay, có lệnh là phải sơ tán.
    Trước đó, nhiều người đã dự đoán không chừng đây là một cuộc chiến đấu mới -- một cuộc chiến tranh thực sự. Mấy năm trước, chúng ta tản cư theo nền nếp, đi là đi dần dần, mọi thứ theo dự kiến. Giờ đây, tất cả sẽ khác, sẽ có chiến tranh với nghĩa thực của nó. Bất ngờ. Hỗn độn. Vô tổ chức. Kéo nhau đi ùn ùn, không ai tính trước được. Sẽ có phiêu bạt, lạnh, đói, sẽ có nhếch nhác, cùng cực. Nhưng sẽ nhanh, cuộc chiến tranh sẽ nhanh.
    Cũng gần như vậy, nhưng không hoàn toàn như vậy.
    Người kéo ra từ các ngả đường. Người kéo ra suốt đêm. Trung bình mỗi xe đạp 3 người. Có người đầu ghi đông xe, làm một cái khung, có thể cáng được 2 đứa trẻ nữa.
    Dòng người xếp hàng, dòng xe xếp hàng, rồng rắn suốt dọc ngoại ô. Một xe ô tô, người nước ngoài từ Sơn Tây về Hà Nội tắc xe, đứng chống cằm, không cản được.
   Vì cái số người đang đi kia phần lớn là đàn bà, con trẻ. Những đứa trẻ con say nắng, mặt đỏ bừng. Còn những đứa nghịch, ngồi trên xe đạp, dứ dứ trêu mấy đứa trên ô tô.
      Mãi ra xa, người mới thưa dần đi một chút. Người chia về các làng xóm -- có những người, chưa tìm được nơi nhờ, tức chưa biết tới đâu cũng cứ đi, bây giờ mới hơi nháo nhác. Họ bước thấp bước cao rồi chìm dần vào các bóng tre.
     21/4
     Sao vào những ngày này, bắt đầu nhận ra nhiều thanh niên thương binh đi trên đường. Khi thấy độ ba người, sáu cái nạng nối nhau, lòng tôi se lại  --  Chiến tranh, kinh khủng! Tôi sống giữa nhiều người may mắn, chứ thực ra, 8 năm nay, chiến tranh làm khổ nhiều người lắm.
    Nhiều lần,  Nguyễn Khải kể, cứ thấy đám lính trên đường là mình phải kéo cái mũ sụp xuống. Ngượng. Và cảm thấy  sống ở đây như có lỗi.

    Nghe tình hình Trung quốc đón Níxon, ông Châu bảo đời mình mong cả đời sai lầm tả khuynh, nhưng chỉ toàn thấy hữu khuynh. Nhưng lần này, thì cũng chả biết gọi ai là tả khuynh ai là hữu khuynh nữa rồi. Hồi mình nghe họ phê phán Liên Xô nhiều, mình cứ nghĩ là nhất định có ngày ngược lại. Bây giờ đúng thế thật.
    22/4
    Sơ tán ở Hương Ngải.
    Nguyễn Minh Châu nhận xét:
    -- Quả thật mình đã tả những người đi B, nhưng chưa trông thấy một đoàn người đi đông như thế bao giờ. Đứng ở trên núi, mà nhìn xuống như ngày xưa, chắc địch nó cũng có thể nghĩ: “Thôi, miễn cho các người, đánh nhau như thế này chán lắm. Ai lại  vừa đánh một chút, đã ù té chạy.”
   Nguyễn Khải:
-- Toàn thấy chuyện các ông ấy phiêu lưu thôi. Bây giờ nghe đâu lại có lý luận đây là cuộc đụng độ lớn thứ ba giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản quốc tế. (Hai lần trước-- Cách mạng tháng 10 và Đại chiến)
   Hồ Phương:
-- Chỉ có thấy chẳng đâu nó làm giống mình nữa rồi. Lại thằng Tàu, nó giống như cái anh đổ bệnh cho mình rồi nó chuồn.
    NgKhải: Đúng là mình có thể mở ra một cái gì đó, nhưng cũng là kết thúc một cái gì đó.
    Xuân Thiều: Lúc này, mới thấy cái thằng Mỹ nó yêu cái thằng Thiệu kia như thế nào.
   Ít nhất nó cũng chết vào đấy hàng ngàn người (?). Vì sự ngăn cản một chủ nghĩa, nó có thể dám làm tất cả.
   Còn như mình, các ông bạn của mình đều chuồn cả. Mà mấy ông nhà mình, phản đối “bạn”, không phụ thuộc kinh tế vào “ bạn ‘, dân đói, thì lôi thôi ngay mà lại. Nên có dám quyết liệt cái gì đâu.
 
     Lại có  những câu không rõ của ai, bởi đặt vào miệng ai cũng đúng.
   - Mình cái gì cũng thích dự kiến trước. Nhưng đúng lần này không dự kiến được nhé. Theo dự kiến của ta, thì nó chỉ đến độ Vĩnh Linh, Quảng Bình.
  - Tại vì mình quen khái quát nó giàu mà không mạnh. Nó mạnh nhưng không mạnh vô hạn.
  - Vì con ếch muốn to bằng con bò. Ta muốn nêu một tấm gương sáng cho thế giới mà.
   - Mấy hôm nay nghe các bài xã luận thấy khó chịu lắm. Toàn những chữ kêu nhất rồi. Lại còn vặn tiếng ông Cụ nữa. Ông Trần Lâm ở đài lại được dịp báo cáo: Quần chúng nhân dân rất tán thưởng tất cả những cái đó. Đúng, tốt, tốt lắm.
   Chỉ có mấy thằng văn nghệ mất dạy này đáng ném bom tan xác chúng nó ra, cho chúng nó đi sơ tán chúng nó lại nói bậy.
   - Toàn bồi bút chính tông cả.
   - Những tay trí thức ấy, đáng chết đi, cho những người ưu tú sống -- chính Tố Hữu nói như thế đấy.
     - Lại nói chuyện khái quát. Lần trước nghĩ, chiến tranh không thể kéo dài 4, 5 năm. Hoặc như Angiêri, mới đánh cỡ đại đội, nó đã gục.
   - Mình hay chửi kinh nghiệm chủ nghĩa. Nhưng chính mình lại hay khái quát từ lặt vặt lên thành lý luận. Ví dụ như lý luận về cái mũ, thấy nhiều mũ vải, kết luận cái mũ nào cũng phải là vải, nhưng có phải thế đâu.
   - Với lại lý luận nào thì đầu tiên cũng phải là hợp ý định chủ quan của mình, giúp mình giải thích một việc gì đó, thế thì kỳ lạ thật đấy.
     Trong lãnh đạo của mình, các ông ấy thường ít chú ý tới tâm lý cá nhân, mà chỉ biết có tâm lý tập thể thôi. Như là ở Quảng Trị, chắc những ngày vừa rồi, dân phải bồng bế theo nó thôi. Cố mà ở lại với mình, thì bom đạn.... Nếu như có hoà bình, thì họ cũng sẵn sàng ở với mình, nhưng ở độ một năm là họ hiểu.
    24/4
    Lại nói về những nhận định, những báo cáo. Cấp trên cứ làm hư cấp dưới ra, khi không tin vào những báo cáo thực mà chỉ thích nghe nói dối. Những báo cáo thực, báo cáo xoay vấn đề, đều bị nhận xét là không thấy những chiều hướng phát triển của lịch sử, không thấy mặt chủ yếu.
    Trong cách giải thích về chiến thắng cũng vậy.
    Ta từng lấy ma nạt người, lấy những cái không ai biết ở đâu, để  giải thích những cái ai cũng biết, làm cho người ta không biết đằng nào mà lần.
   Thí dụ như gần đây, chỉ lo ta không hiểu thế nào là những bước đi ban đầu. Thì có gì mà không hiểu. Nói như ông Mai Ngữ, bước vào rồi lại bước ra chứ gì?
   Cái hệ tư tưởng của chúng ta hiện nay nó sắc bén đến nỗi nó đúng với mọi trường hợp trong thực tiễn, và khi nó vận dụng vào một thực tiễn như ở nước ta, thì nó vừa là vũ khí của kẻ đúng, lại là vũ khí của kẻ sai.
    ... Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp những người thuộc các loại kinh này lầu lầu, nhưng làm sai, và họ lại hoàn toàn biện hộ được cho chỗ sai của họ.
    Mình là những tay mưu mẹo cũng ghê đấy. Nhưng mà lực bất tòng tâm. Cũng lừa lọc, cũng mưu mẹo, cũng quấn được vào chân vào tay nó khối ra đấy, nhưng rồi sau một lúc ngó đầu nhìn mình khen mình, nó chỉ giãy một cái thì dây rợ cũng đã đứt vụn cả.

     Nguyễn Minh Châu:
     -- Lúc này dân mình bu vào hai chỗ một là mặt trận hai là đê. Tôi lên đê, thấy chốc nào cũng bu đặc những người là người.
    Bấy giờ dân mình không phải là những năm 1945-46 nữa. Bây giờ ai cũng  chỉ muốn cho nó xong đi. Anh nào thắng cũng được.
    Hình như xã hội càng phát triển, người ta sẽ vừa cảm thấy mất tự do hơn, lại vừa được tự do hơn. Biết được sự mất tự do của mình, đôi khi cũng đã là một nhận thức lớn lắm.
    Một nhân vật trong bài ký Như con sông từ nguồn ra biển của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì bảo: “ Cái gì cũng có cái rốt cuộc như thế cả. Chỉ có chiến tranh là còn mãi”.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn