VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1992 (2)


20/7
Vụ Linh Nghiệm
- Ngày 11/7, cùng đi lên Tam Đảo, Nguyên Ngọc nói với tôi rằng có một truyện ngắn bị phản ứng ghê lắm truyện Linh Nghiệm trên Văn nghệ số ra 4/7/92 (số 92)
Về đọc lại, đó là truyện ám chỉ Cụ Hồ. Viện bảo tàng Hồ Chí Minh có công văn phản đối đầu tiên.


16/7
 Báo Văn nghệ đã sơ bộ kiểm điểm. Thỉnh có ký vào truyện ngắn đó, vì Trần Huy Quang là người nhà. Mà  hôm ký đó nhân vợ đau con yếu, Thỉnh bỏ về sớm, trao cho Hoàng Minh Châu, Hoàng Minh Châu thấy Thỉnh đã ký, không đọc nữa.
Trần Huy Quang kể tôi muốn viết một nhân vật văn thân. Tiểu sử của Bác hay quá, ai cũng thuộc, nên mọi người mới vận vào, chứ tôi đâu có ý ấy. Tôi xin nhận tất cả tội, đừng đổ cho Thỉnh.
Thỉnh cũng thề thốt, gia đình tôi cả nhà đi bộ đội, có người hy sinh, tôi không có bụng dạ nào.
Ông Nguyễn Đức Bình gọi điện xuống an ủi Thỉnh, nói rằng anh cứ yên chí, chúng tôi sẽ xét, chúng tôi biết anh là người  tốt.  
Báo An ninh thủ đô số ra khoảng 18/7, đã có bài đặt câu hỏi Linh nghiệm nói gì, và yêu cầu ông tổng biên tập Văn nghệ trả lời.

Các cơ quan chức năng xuống Văn nghệ  làm việc
- Có 5 người bị kiểm điểm:
Trần Huy Quang tác giả, Hữu Thỉnh, tổng biên tập, Hoạ sĩ, người đánh máy người sửa mo rát
Ở Nghệ Tĩnh, nhân dân và cán bộ các cơ quan nhắn ra là Nghệ Tĩnh sẽ không tha chuyện này. Nếu Trung ương không xử thì Nghệ Tĩnh sẽ có cách xử với báo Văn nghệ
Trên cho báo Văn nghệ tự chọn hình thức  kỷ luật, rồi báo cáo lên trên.
Trần Huy Quang bị treo bút, và có thể bị bức rời khỏi nghề.
Chỉ có một người sướng, là Lữ Huy Nguyên. Vụ Xuân Sách lại trở nên không có gì quan trọng nữa (nhưng nghe nói, chiều 23/7, vẫn có buổi họp Bộ văn hoá về việc này).
Sự thể giống như là chuyện thơ Xuân Sách là chuyện anh em trong nhà chửi nhau. Còn đây là chuyện chửi bố, bố phải trị cho.
Các cụ đã tức nhiều vụ rồi, vụ Ly thân, Sóng lừng, vụ 3 tác phẩm được giải thưởng, vụ Ánh trăng. Đến vụ này thì các cụ không tha nữa .
Ông Hữu Mai cho người đến quảng cáo trên ti vi, ở đấy người ta thấy nói chuyện các nhà văn là người ta gạt đi ngay thôi, chuyện các nhà văn bây giờ phức tạp lắm.

25-7
Trần Bảo Hưng kể, anh em bảo nhau rằng dạo này viết báo rất khó, vì báo có người đọc, và báo nào cũng được 1-2 tay trên ban Tư tưởng văn hoá, bên A25 theo dõi. Còn viết sách ư, chuyện đó dễ lắm, viết thoải mái, bỏ tiền ra in càng dễ. Sách ở ta đang tự do hơn bao giờ hết.
 Tôi nghĩ lúc Xuân Sách viết Chân dung chất quan liêu của các nhà văn mình chưa bộc lộ lắm chứ như bây giờ, sẽ phải phanh phui sự quan liêu đó nhiều hơn nữa.
Cái tài của cấp trên là biến một nghề đẹp đẽ như vậy sáng tạo như vậy, thành quan liêu dở, “phong cách chim trời” bị nhốt lại trong một chuồng và cũng đánh nhau loạn xạ. Còn người sống đơn độc, thì bị chê bai, kỳ thị, đến mức không sống được bình thường nữa.

30-7
 Việc  Linh nghiệm nghe đâu tạm ổn. Báo Văn nghệ đứng ra cung kính ca tụng độc giả sáng suốt và nhận tội, một cách kín đáo. Ban chấp hành Hội Nhà văn cảnh cáo Ban biên tập và cụ thể là Tổng biên tập Hữu Thỉnh. Báo nhạt hẳn đi. Một người như ông Tô Hoài, đang cho in Cát bụi chân ai, có kể qua loa về việc một Việt kiều ở Pháp 1946 về nước thất vọng về nhân cách những người trên chuyến tàu đã tự mai danh ẩn tích, không chơi với ai nữa. Tô Hoài đã viết thế, thấy động lập tức phải lấy bản thảo về, sửa một đoạn.
Cái thời coi văn nghệ là chuyện ầm ĩ lên đã qua rồi, có vẻ như người ta phải tập làm quen với sự ngoài bài bản của “văn nghệ” , dù họ chả khoái gì.
Vụ Chân dung nhà văn cũng qua đi một cách êm thấm. Bộ Văn hoá có công văn trả lời Hội nhà văn là cuốn sách chả có gì sai phạm chính trị và luật pháp, không thể kiện nó được, Và người ta còn bảo là quyển sách đọc vui nữa.
Về tình hình “tư tưởng” ông Nguyễn Kiên bảo: xê ri chuyên đề văn học và dư luận bị đóng cửa là đúng thôi vì người ta rất sợ rằng nó biến thành một cơ quan độc lập.
Nhưng rồi Nguyễn Kiên lại nói: Theo tôi hiểu, dần dần người ta sẽ tiến tới chỗ chỉ trị các hành động thôi còn trên tư tưởng thì thôi đi là tốt nhất.

27-8
 Càng ngày mọi người càng hay than tiếc cho thời thế và nhớ lại cái ngày văn nghệ bao cấp với rất nhiều kỷ niệm êm đẹp.
Hách bảo bây giờ mới phục ông Thi là tinh tường, sớm thấy không nên đổi mới gì cả, thằng Chu cũng thế, bà Ngọc Tú cũng thế. Nghĩ lại, chỉ có vài người được lợi Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài. Còn đâu hỏng cả, Hách hiểu trong chữ “cả” ấy có mình, tức có cái cậu Hách vẫn còn đầy ảo tưởng sẽ thành nhà văn lớn.
Nghe nói, có một hội nghị gì đó về văn hoá Việt Nam, khai mạc 19-8, tại Đan Mạch.
Một người  Mỹ đã dịch Nguyễn Huy Thiệp (sẽ in ở Oxford) nói rằng ông thích Thiệp vì mới lạ, gần Garxia Market là một thứ huyền ảo của đời sống. Ông cũng thích Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu và Cõi nhân gian bé tí của Nguyễn Khải.
Một đoàn văn hoá Việt Nam đi dự hội nghị này, do Phan Cự Đệ dẫn đầu. Đệ là giám đốc Trung tâm quan hệ quốc tế của Đại học Tổng hợp. Đệ dẫn theo Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khải. Nhưng, tin cuối cùng cho hay Khải từ chối không đi.
Đệ còn định chạy cho cả Đặng Đình Loan (tác giả Đường thời đại) đi. Đặng Đình Loan cần cho Đệ trong việc quan hệ với cấp trên. Nhưng bên Bộ Nội vụ (A25) nói Loan đang chơ vơ, không hiểu do ai quản lý, nên họ không cho đi.

5/9
Về vụ Linh nghiệm. Sự thù ghét của cấp trên không bằng dân. Nghe nói ở Khu bốn, quê nhà Trần Huy Quang, dân dến phá nhà Quang, may Tỉnh uỷ dự đoán được, cử người về kịp ngăn cản.
Nhưng chính Quang thì chơi khá đẹp: Không tiếp ai, chỉ nói vắn tắt là lúc tôi viết, quỷ nó ám vào nên thành ra thế, bây giờ tôi chả có gì để nói thêm nữa.
Người ta tước đi của Quang những chức như thành viên Hội đồng văn học các Lực lượng vũ trang, thư ký hội đồng văn xuôi… Một cách coi như Quang là một thứ hủi, đáng cách ly.
(Lúc nào đó, mình phải viết về cách hiểu tội lỗi ở ta mới được)
Báo Văn nghệ thiếu chân lý luận phê bình. Nghe Ngọc Trai nói là họ định lấy Bùi Hoà sang. Mình nghe giật mình mà thán phục.
– Sao mà họ tìm người giỏi thế. Đúng là người mà họ cần.
Bùi Hoà, có điểm giống với Vũ Tú Nam - Hữu Thỉnh là ở chỗ vào văn nghệ, sống như một công chức. Không xúc động, không có ý kiến riêng gì cả, trên bảo thế nào làm vậy, làm việc chung rất sẵn sàng. Lại cũng giống nhau ở chỗ không quyết liệt trong xu thế, lực lượng âm tính, chừng mực, khoan thai, và lờ đi trong những việc đáng ra phải có ý kiến.
Trong khi đó thì loại như Nguyên Ngọc, Lại Nguyên Ân, và cả mình không bao giờ các ông ấy cho làm báo nữa.
Ở Sài gòn cô Kim Hạnh cũng bị ép chuyển khỏi báo để về làm kinh tế đối ngoại và một người năng động thích tổ chức công việc như Hạnh nay chỉ được làm chuyên môn, không có dây dưa gì với việc phụ trách cả.

12/9
 Nghe tin ông Tố Hữu trở lại chính thức làm cố vấn cho ban văn hoá văn nghệ và sẽ chủ trì bên trong cho hội nghị trung ương sắp tới, bàn về văn hoá văn nghệ. 
Hoàng Ngọc Hiến kể với Ân rằng Tố Hữu khái quát: Giờ đây ăn dối làm dối đã trở thành lẽ phải của cuộc đời. Nhà chúng ta dột từ nóc dột xuống, nên khó chữa lắm.
- Thế hồi trước chẳng là chính anh đã ngồi tận trên nóc đó chăng?
- Chẳng qua tôi ngồi ở mép chiếu, chứ đâu được giữa chiếu, mà tính vào được.
Khi nghe kể chuyện này có người trách Tố Hữu sao lại nói chơi như vậy, nhưng cũng có người như ông Kiên bảo, đúng là hồi ấy, ông Tố Hữu vẫn là loại hai gì đấy, đâu có phải người quyết định hết. Mới được tập làm sếp thôi thì đã dừng lại.
Tại cuộc họp kiểm điểm sau khi học nghị quyết 05, ông Nguyễn Đình Thi bảo dân phê bình bây giờ toàn lưu manh lấy ông ốp ông ép ra doạ, Tố Hữu bảo rằng phải thay hết tổng biên tập các biên tập viên, chứ để thế này không được.
 Ông Đào Vũ đề nghị phải cho ông Nguyên Ngọc thôi hết các việc, vì thực ra Trần Huy Quang là người Nguyên Ngọc lấy về, Nguyên Ngọc đi, nhưng cài Quang lại. Ngọc là nguyên nhân của giải thưởng văn học 91, của Ánh trăng, của tất cả.
Nghe ông Kiên kể, cuối cùng ông Xuân Thiều lại nói rất ngang: Theo như tôi nghe được trong đợt vào các tỉnh phía nam vừa qua thì ở đâu anh em cũng bảo giá giải tán Hội nhà văn có lẽ cũng hay. Vì xã hội còn nói, chúng ta ở đây toàn những người già trong khi lớp trẻ bây giờ, họ khác hẳn, họ đâu có coi chúng ta là đại diện cho tiếng nói của họ.

       28/9
Ngày 26/9 báo Văn nghệ đăng thông báo của Ban chấp hành Hội nhà văn, tự nhận về những sai lầm, những đều đáng quan ngại trong tình hình văn nghệ gần đây. Cũng trong báo, là thông báo nói rằng năm nay giải thưởng Hội chỉ trao cho cuốn Một chấm xanh của Phùng Khắc Bắc.
Ông Tô Hoài nói với tôi là quyển Phùng Khắc Bắc chỉ đáng giải khuyến khích. Phạm Thị Hoài bảo, tất nhiên  là quyển ấy không đáng đọc rồi, nhưng cái chính là cái thông báo kia, như một thứ văn bản trung cổ (chồng Hoài người Đức, có hiểu tiếng Việt, cứ lăn ra mà cười vì việc này)
 Sau Hội nghị Đan Mạch, báo chí đăng tin rầm rì nào là hội nghị thành công lắm. Phan Cự Đệ nói ở Hội nghị Ban chấp hành Hội nhà văn: Thế giới bây giờ vẫn nhìn Việt Nam như một thứ lương tâm.
 Nhưng đài RFI mỉa mai nghe ông Đệ nói đổi mới một lúc thì thấy chả đổi mới gì cả. Đệ lại còn có luận điểm cho rằng bản thân văn nghệ sĩ lúc nào cũng đổi mới rồi. Và đó là chuyện trớ trêu. Không ai nghe được.
Khi người ta hỏi về Dương Thu Hương, Lê Lựu nói như thế nào đó, mà đài RFI nó chửi rằng “toàn giọng hạ cấp”
Trở về cái cũ, thơ mới, Tự lực văn đoàn, Phan Cự Đệ cũng có một bài đàng hoàng. Nghe Kháng nói, có ngay một người ở đại học Hawai lên nói rằng Đệ quá ranh, hôm qua thì chửi bới Tự lực, hôm nay lại đón lấy để lợi dụng.
Theo lời Kháng kể với Ân, thì ra nước ngoài mới thấy văn nghệ là dị mọ, họ chỉ cho chút ít vì thương hại, họ thấy cả một lũ không ra lý cố gì cả.
Lần nào đó, mình đã bảo: ông Phan Cự Đệ, đủ bảo thủ đến mức người ta có thể cử ông đi đại diện cho đổi mới, mà không sợ hỏng.
Ở báo Văn nghệ có tin nay có thêm một hội đồng cố vấn gồm 5 người, trong đó Ân chỉ nhớ được 4 là Nguyễn Đình Thi, Hà Xuân Trường, Bùi Hiển, Kim Lân. Người thứ 5 là ai. Đào Vũ chăng, không ai biết. Trước đó, Thỉnh đã nhờ người đến gặp Tố Hữu, xin lấy một lá thư, trong đó Tố Hữu bảo rằng rất thông cảm với Thỉnh, làm báo là có sai lầm.
Để hiểu tính cách của Tố Hữu, có lẽ không gì bằng mẩu chuyện sau:
Báo Văn nghệ làm lễ kỷ niệm 70 năm sinh Tố Hữu.
Đó là hôm mà Trần Đình Sử có dự và sau này, Sử không bao giờ quên lời của Tố Hữu:
-- Anh, nhà nghiên cứu đây, tôi sợ lắm đây, thơ tôi thì dễ hiểu, anh viết lại khó hiểu thêm.
Nhưng trước khi Sử đến người ta mang tặng Tố Hữu một lẵng hoa và một phong bì - người ta đây là Hữu Thỉnh “gãi đầu gãi tai” đứng nói, vẻ rất cảm động.
Tố Hữu vừa mở phong bì vừa nói:
 -- Hoa thì hay quá rồi, nhưng còn phong bì nữa, để mở xem nào. A tiền, để mừng  sinh nhật tôi, lại có tiền nữa? Bây giờ thì đồng tiền nó lấn át hết. Không, tôi không cho để nó len vào trong ngày vui của tôi. Và ông đưa trả. Số tiền hôm ấy đâu khoảng 50-200 (?)
Dĩ nhiên là hôm ấy Thỉnh và cả bọn được một phen hoảng hồn.
Nhưng mấy hôm sau, Thắng (vợ Lê Quang Trang) do mối quan hệ nào đó, vốn quen bà Thanh, vợ Tố Hữu, cô Thắng nhận được điện thoại nói rằng cái phong bì ấy xin đưa lại cho nhà thơ  tôi (tức là bà Thanh) nhận là được, bây giờ gia đình cũng túng bấn lắm.  Anh Lành chỉ muốn có đưa thì đưa kheo khéo thôi.
Thêm một dịp, để hiểu tính cách Tố Hữu. Tuy nhiên, tôi cũng được Mai Liên chia sẻ rằng, thì ra, chúng ta đang sống suồng sã thô bạo. Chứ qua thời phong kiến, vua có ban thưởng cho các quan cũng bảo quan cứ về, sau sẽ bảo lính đưa ra cửa sau.

31/10
 Xuân Sách gửi một thư ngỏ cho mọi người, nói rằng việc Hội nhà văn nói quyển chân dung của mình chẳng ra sao vậy là không đứng đắn. Tại sao không phê bình trên báo, không thảo luận, mà lại giết cuốn người ta như vậy.
Và Xuân Sách đặt vấn đề về nhân cách của người lãnh đạo Hội: liệu quý vị có xứng đáng để tiếp  tục công việc trong nhiệm kỳ này của mình.
Có tin thứ tư 28-10 tạp chí Cộng sản đã họp bàn về tình hình văn học từ sau 1975 đến nay.
 Người được mời gồm có toàn bộ Ban chấp hành Hội nhà văn hiện thời, ngoài ra là Tô Hoài, Xuân Thiều, Phan Cự Đệ, Nguyễn Văn Lưu, Trần Đình Sử (Hoàng Ngọc Hiến được báo là sẽ mời, cuối cùng lại bị bỏ quên). 
Theo Tô Hoài, đại khái ai cũng bảo rằng từ sau 1975, văn học ta có đổi mới, nhưng một số người nói là cẩn thận, đã có những biểu hiện sai lầm (Phan Cự Đệ, Hữu Mai, Xuân Thiều) còn số khác thì bảo là mọi chuyện còn đang  vỡ vạc, cứ kệ nó, đừng nên can thiệp làm gì.
 Xuân Thiều đọc lại ở hội nghị đó cái bài đã đăng ở QĐND thứ bảy ra  31/10, đại khái chửi hết, cả Bảo Ninh lẫn Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và cho rằng “đổi mới chứ không phải là đổi chỗ đứng”
Ai đó còn nói là dạo này, đến thông báo của Quốc hội còn không thấy nói gì đến CNXH nữa, vậy mà Xuân Thiều lại vẫn thích nói y như hôm qua, còn hơn hôm qua, thế mới đáng sợ.
Sau hội nghị họp ở Đan Mạch, Đệ bị người thư ký của mình kiện, đại khái là ăn chia không sòng phẳng, và giở trò huê nguyệt (trong khi mọi người về nước thì Đệ còn đi Thuỵ Điển).
Còn hai nhà văn Ma Văn Kháng, Lê Lựu? Cả Kháng lẫn Lựu trong chuyện phiếm đều chửi Đệ rất ghê, nhưng lại sẵn sàng cung cấp tin tức, chứng tỏ rằng hội nghị đó thành công.
Lựu đến cơ quan mình lại bảo rằng Đệ thật là một nhân vật của xã hội ta mấy chục năm nay. Nhưng Lựu nào phải là một cái gì khác?

11/11
Lê Minh Khuê nhận được thông báo bảo là một truyện ngắn của cô in trên Người Hà Nội, là cố tình chửi bới người nghèo.
Một truyện ngắn của Nguyễn Thị Ấm Những con ve sầu, bị kêu là ám chỉ: đây là nói trí thức văn nghệ sĩ. Chúng chỉ có ăn suơng mà cứ hót suốt cấp trên luôn luôn cảnh giác với văn nghệ. Nghe nói các huyện uỷ soi báo rất kỹ.
Nhưng cánh phản lại cũng rất ghê.
Trọng tâm bây giờ là Cửa Việt số 15, bài của tôi  (Tha hoá mặc cảm) và Nguyễn Khắc Viện bị kêu.
  bài của Nguyên Ngọc ( trả lời về giải thưởng) Rồi thơ Nguyễn Duy có cái ý gì đó, về tầng ô zôn, mà họ bảo là nói Bộ Chính trị rồi.
Truyện ngắn Bảo Ninh, Gió dại, nghe nói là cả ông Đỗ Mười cáu giận, ông này ghét nhất cái câu cuối cùng, trong đó Bảo Ninh bảo là nhân vật cô ca sĩ và người lính – bị bắn chết: đó là những người báo hiệu hoà bình.
Báo Nhân Dân, trong tháng 10 đã có bài phê phán cuộc trao đổi về sách Lê Ngọc Trà, do Tổng biên tập Cửa Việt chủ trì.
 Nhiều tin đồn bài là Cửa Việt sẽ bị đóng cửa, nhưng số 17 này ra, như vậy là cũng chịu chơi rồi còn gì.
Hội nhà văn chắc chẳng thích gì Cửa Việt.
 Nhưng mà Hội có thích ai đâu?
Ông Tô Hoài bảo Bùi Minh Quốc gửi thư ra, chửi cái thông báo của Hội (26-9) nhiều lắm.
Đến một người như Ngô Văn Phú cũng nói rằng: Hội nên làm cái việc văn chương của mình. Nếu không, thì sự tồn tại không có ý nghĩa.
Ý của Phú là, nếu không có vụ Linh nghiệm, thì Thân phận tình yêu không sao.
Thân phận tinh yêu thì phải bảo vệ.
Phú cũng tâm sự là dạo này ông Nam không nói gì với Phú cả. Hình như ông sợ phải tỏ ý kiến của mình trước các việc.
Từ mấy tháng nay, mình đọc thông báo là có Hội nghiên cứu văn học. Một người như Sử, hình như là có vai trò sáng lập ra Hội nữa, và Sử tỏ ra thông cảm với tôi , Sử cũng nói để người ta mời tôi dự.
Cuối cùng, tôi  cũng được đi dự thật, và tôi  cũng háo hức như cô gái đi dự vũ hội.
Nhưng đến sáng mùng 9, một ngày trước khi chính thức khai mạc, thì có tin là hoãn, tất cả là rất tình cờ, tình cờ tôi  gặp Phạm Xuân Nguyên mà biết được, rồi về Ân cũng hỏi Phong Lê, và biết rằng hoãn thật.
Có thể là một tay nào đó, không được mời đi dự đại hội, đã khuyên cấp trên là cho hoãn họp.
Lại cũng có thể, là Đệ, Phan Cự Đệ, kẻ tự đồng nhất mình với nền phê bình này, Đệ đã không bằng lòng, và nhờ đường dây nóng nào đó, mà Đệ đã đủ sức hoãn được đại hội.
Sử chỉ kể là Hội Nhà văn không hoan nghênh đại hội này lắm. Báo Văn nghệ nhất định không đăng thông báo triệu tập đại hội.

15/11
Thử suy nghĩ về đời sống văn học 92 và đời sống những năm gần đây.
Sự tách rời rõ rệt giữa những mảng khác nhau: nhà văn, trường học, sách giảng văn. Cửa hàng cho thuê sách đóng vai trò một thứ hàng nước cung cấp quà vặt, các cửa hàng  cho thuê sách chiếm của người ta bao nhiêu giờ, không ai biết, nhưng chắc chắn nó nhiều hơn là bất kỳ giờ giảng nào.
Vậy là văn học thương mại ổn định.
1.Nó đã được làm ra theo kiểu maketting: có người làm, người bán, người tiêu thụ
2. Nó có  hệ thống nhà văn của nó. Nó bền vững và nó không có chuyện, không bị ghét quá đáng.
Thế  còn thứ văn học chính thống, văn học quốc doanh.
 Có lẽ là thứ văn học của những lời xì xào của tiếng đồn, của một thứ việc làng, nhiều tập tục.
Đời sống phê bình rất kém. Nó gần như im lặng, nhường chỗ cho những lời rao hàng, kể cả với những tác phẩm có vấn đề, cũng bao hàm mốt sự im lặng. Vài lời thông báo tỏ ý quan ngại chỉ làm cho người ta thêm thắc mắc.
Những sự đồn thổi càng vì thế, mà được phát triển.
Được chiếu liên tục trên ti vi, được nhắc tới trên tất cả các báo, phim Người giàu cũng khóc có lẽ là sự kiện đáng kể nhất trong đời sống tinh thần lúc này .
Những người làm nghệ thuật bàn về nó rất nhiều, kể cả những người cầm bút. Từ lâu nay, dân chúng thích tìm chuyện lạ chuyện giật gân: thì Người giàu cũng khóc nói rằng chuyện hàng ngày rất đáng nói. Rằng phải có kiến thức tân kỳ ư? Không cần, hình thức cổ điển vẫn có đất sống của nó. Rằng nay là thời buổi của những cái lặt vặt ngắn ngủi ư? Thì đây là phim vài trăm tập, trong đó mỗi tập dừng lạỉ trong một hai ngày trong cuộc đời.
Chúng ta thiếu sự bình thản chăng? Thiếu trong phim ảnh, trong sân khấu. Nhưng có lẽ là thiếu trước tiên trong văn học.

20/12
Gần một tháng tôi đi Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, trong khi đó, thì đời sống văn học vẫn những chuyện cũ:
Ông Hà Xuân Trường viết ba kì trên tạp chí Cộng Sản kêu gọi văn học trở lại với  sự chỉ huy, lãnh đạo, làm nhiệm vụ do Đảng giao phó.
Ông Trường viết bài trên Văn Nghệ kêu rêu về Lê Ngọc Trà, cho rằng không thể để người như thế giảng dạy văn học vậy được.
Có tin là các cơ quan văn hoá nhà nước, trở lại vòng tay kiểm soát của các ông như Hà Xuân Trường, như Tố Hữu.
Tôi cũng bị một thứ tai nạn nho nhỏ, chiều 17/12 đi nói chuyện ở Đại học Sư phạm Huế, khá dè dặt, né tránh. Thế là bị kêu, sao mà nhát thế. Nhưng biết làm sao được, tôi phải trả giá cho sự cầu an của mình mấy chục năm nay.
Nguyễn Đăng Mạnh khen ngợi Nguyễn Khải, Bảo Ninh, Nguyễn Đăng Mạnh chửi Nguyễn Đình Thi là quay quắt. Tôi nghe Huỳnh Như Phương nói vậy,  Bửu Nam cũng nói vậy, ý bảo tôi sao không làm tương tự.
 Nhưng tôi làm sao làm giống ông Mạnh được.
Có điều, sau cùng, sự dè dặt cũng được an ủi một chút.
Ở Sài Gòn thấy những người đổi mới cũng tham lam, tự thị, có khi lại còn kiêu căng và vênh váo nữa. Loại người như Lữ Phương (và ở Huế, như Hoàng Phủ Ngọc Tường) thì mang quá đậm dấu vết của những ngày hoạt động chính trị ở Sài Gòn cũ. Tôi nghĩ, bây giờ đây không có ai mở ra cho xã hội một cái gì thật rành mạch.
Lúc bị dồn ép quá tôi đánh liều nói với mọi người:
- Bảo thủ rõ rồi.
- Nhưng đổi mới là ai, chưa biết, còn phải xem đã, nhất là xem đâu là thứ đổi mới có triển vọng lâu dài.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn