VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Bốn giai đoạn trong cuộc đời cô Tấm hiền hậu nết na



Truyện Tấm Cám mở đầu bằng sự kiện hai chị em được mẹ sai đi bắt tôm bắt tép ai bắt được nhiều sẽ được thưởng yếm điều.
Giai đoạn 1 của cuộc đời Tấm tồn tại như một sự thất thiệt.
 Bước vào đời Tấm đã học được bài học thật thà lắm chỉ tổ bị người khác bắt nạt kể cả những người thân nhất. Trong cuộc làm người hình như chỉ có gian tà độc ác thì mới có thể tồn tại. Những người tử tế luôn luôn bị thua thiệt.

Trước tình cảnh đó, con người gần như bất lực không biết làm gì đối phó , chỉ còn có cách trông mong vào các lực lượng siêu nhiên - ở đây được hiện thân trong vai Bụt. 
Đó là giai đoạn 2 của cuộc đời những người lương thiện.
Giai đoạn 3 bắt đầu, tưởng như sung sướng trong vai hoàng hậu thì Tấm lại bị những người xung quanh ghen ghét.
Đọc truyện Thạch Sanh một trong những chi tiết tôi nhớ nhất, là khi Thạch Sanh chém được Mãng Xà Vương rồi, thì lập tức bị Lý Thông cướp công, và sự ăn cướp này đã lên đến mức tột cùng tàn bạo. 
Khi nghĩ đến chi tiết này, tôi tự hỏi, tại sao Lý Thông lại chọn cách tận diệt Thạch Sanh như vậy. 
Có thể làm khác lắm chứ, chẳng hạn, cứu Thạch Sanh lên, đưa Thạch Sanh và công chúa vào chầu đức vua cả hai cùng hưởng vinh hoa phú quý. Đằng này, Lý Thông lại không cần nghĩ ngợi gì nhiều, lấp cửa hang để cho Thạch Sanh phải chết. 
Hình như Lý Thông nhất định không chịu chia sẻ chiến công cứu công chúa với ai mà chỉ muốn một mình tọa hưởng và trong việc đó thì có phạm phải những tội ác lớn nhất cũng không từ. 
Liên hệ với những sự kiện trong lịch sử dân tộc, tôi nhớ là lịch sử nước ta bao gồm rất nhiều cuộc nội chiến và trong những cuộc huynh đệ tương tàn đó, người ta không thể cùng chia sẻ quyền lợi mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của phe phái mình, không hề nghĩ rằng làm thế tức là làm yếu đi sức mạnh của dân tộc.
Nhưng thôi hãy quay trở lại với truyện Tấm Cám.
Khi Tấm được làm hoàng hậu, mẹ con Cám có thể vui mừng chia sẻ vinh quang với Tấm. Nếu Tấm làm hoàng hậu thì mẹ con Cám thả nào chả xin được một vai nào đó trong bộ máy quý tộc, và đối với cuộc đời mò cua bắt ốc hôm qua, thì đã là một bước đổi đời  đáng mơ ước.
Nhưng mẹ con Cám lại chỉ nghĩ đến cách là triệt hạ Tấm bằng được (cho Tấm trèo cây cau và ở dưới chặt cây) rồi đưa Cám vào cung tính chuyện thay thế Tấm.
Ngay ở những người đàn bà có quan hệ ruột thịt với nhau thì khi chia chác quyền lợi vẫn chỉ có cách là “có tao không có mày”. Những khái niệm gọi là cùng thắng (win-win)  không bao giờ có trong đầu óc những người dân Việt kể cả những người bình thường.
Mà Tấm thì cũng đâu có thoát được lối nghĩ đó.
 Khi Tấm đã hồi sinh, mẹ con Cám trong lúc ghen tị, có hỏi rằng Tấm làm cách nào để có được vẻ đẹp như vậy. Và Tấm đã không cần nghĩ ngợi, trả lời rằng chỉ có cách tăm bằng nước sôi.
 Khi đã ham muốn thì con người ta không còn có thể tỉnh táo được nữa: Nghe lời Tấm, Cám đã tự giết mình một cách hết sức ngu xuẩn.
Nhưng ta hãy đặt sự việc này trong một góc độ khác. Nếu là một người có lối suy nghĩ bình thường, Tấm có thể bình tĩnh giảng giải cho Cám rằng không ai làm lại được thân thể, da dẻ mình và một sự thực như thế, thì làm gì mà Cám không hiểu nổi. Lần này nữa, Tấm cũng lại dùng đến một hình thức là khuyên Cám dùng nước sôi dội vào người . Hành động này không có ý nghĩa nào khác là tận diệt đối tượng cạnh tranh với mình.
Những năm gần đây nhiều người thấy xấu hổ vì những chi tiết ở đoạn cuối của truyện Tấm Cám. Đã hình thành một sự sửa chữa rất ư thô bạo. Câu chuyện Tấm Cám được giảng trong nhà trường hiện nay, theo chỗ tôi biết, có đoạn kết khác hẳn với bản đã lưu truyền từ thời xưa. Người ta kể cho học sinh nghe rằng Tấm làm việc gửi lọ mắm chứa cái đầu của Cám cho mẹ Cám là do sự gợi ý của người khác. Xét theo logic của sự phát triển nhân vật thì đó là một công việc khiên cưỡng. 
Đến giai đoạn thứ 4 cũng là giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời mình, Tấm đã trở thành một người độc ác trọn vẹn. 
Thế nhưng đấy không phải là một bước ngẫu nhiên. Ngay ở giai đoạn sau khi  bị mẹ con Cám triệt hạ lần đầu, Tấm đã tỏ ra là một con người biết đủ mọi chiêu trò tàn hại kẻ thù chứ không còn trong sáng như thưở ban đầu.
Mấy câu văn vần ở đây tồn tại thật là đắc địa.
Khi Tấm hóa thành con chim vàng anh, thấy Cám giặt áo cho vua, mà phơi bờ rào, đã có lời nhắn nhủ hết sức đanh đá:
Giặt áo chồng tao thì phơi bằng sào chớ phơi hàng rào tao cào mặt ra.
Hoặc khi hồn Tấm nhập vào khung cửi mà Cám đang dệt, thì cũng đã đe nẹt Cám bằng cái cách và lời lẽ của bọn ăn cướp, khi chúng cần phải thanh toán nhau:
Cót ca cót két, lấy tranh chồng chị chị khoét mắt ra.
Qua mấy giai đoạn trên của cuộc đời Tâm, chúng ta thấy rằng trên mảnh đất này thật khó làm một người lương thiện, dù có bảo nhau con người là hoa của đất, thì trong thâm tâm người ta NHIỀU KHI VẪN BỊ ÁM ẢNH:
- Muốn hay không muốn con đường phát triển của con người là trở thành ác
- Người ta rất khó trở thành tử tế, và muốn tồn tại không thể chia sẻ quyền lợi với ai hết.

Trước bàn dân thiên hạ chắc chẳng người Việt nào ngày nay chấp nhận bài học đó.
 Nhưng trong chúng ta ngày nay liệu đã hết loại người BẰNG MỘT CÁCH VÔ THỨC truyền dạy bài học làm ác cho con cái?
Và để kết luận xin dẫn lại một câu của J.Fucik - tôi dẫn theo trí nhớ
Hỡi nhân loại
Tôi yêu tất cả mọi người 
HÃY CẢNH GIÁC
Và xin bổ sung CẢNH GIÁC VỚI CHÍNH MÌNH!

-----
Về truyện Tấm Cám, mấy năm trước tôi đã có bài viết

Có một số ý trùng lặp giữa hai bài mong được các bạn thể tất.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn