Mời đọc lại Nhật ký văn nghệ các năm 1989, 1990
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1989.htm
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1990.html
***
8/9
Báo Tiền phong chủ nhật có đăng bài Nguyên Ngọc trả lời phỏng vấn, về giải thưởng văn học, báo ra 1-9, trong đó cho rằng giải này sẽ làm cho khuôn mặt Hội Nhà văn sáng sủa hơn.
Nguyễn Khải cũng đã nói về giải với lời lẽ tốt đẹp. Còn Hội Nhà văn thì lại chưa thấy nói gì về cái giải của mình.
Nghe các đài nước ngoài kể lại thì hôm 28/1 vừa rồi, ông Đỗ Mười đã có cuộc gặp gỡ để trấn an Nguyễn Khắc Viện và Phan Đình Diệu. Chửi người ta chán rồi, giờ lại xoa, các ông nhà mình vốn thế! Sĩ còn nói rõ hơn: Các bố cứ ngơ đi cho quân nó làm bậy, thực chất là khuyến khích nó đánh kẻ có tự do tư tưởng "chết" xong là phi tang. Nếu không chết được, ông ấy lại cho vời tới, lại xin lỗi, lại kêu gọi ủng hộ Đảng.
- Một Việt kiều nói lạm phát lên tới 80%.
- Theo đài RFI, lạm phát năm 89 là 40%.
17/9
Hàng ngày bao chuyện phiền phức, còn sống đến đâu, còn thấy bị làm phiền đến đó, tất cả các mặt đời sống đều dang dở, đều chưa tìm thấy mình, không phải là mình.
Cái đó là do mình bắt được từ chính đời sống hay do văn học? Có lẽ cả hai. Anh hưởng từ văn học thì lớn hơn, chắc hơn.
Với tôi bây giờ văn học đã là chính đời sống.
Hôm nọ (31/8 ) họp ở Hội văn nghệ Hà Nội, tôi đã bảo dạo này tôi không viết phê bình mấy nữa, phần thì nhát, phần thì không biết làm việc gì, tốt hơn hết là đi viết nghiên cứu(= viết về các ông đã chết), vì cánh đang sống họ đâu có cần mình, họ viết cho nhau, người nọ viết cho người kia, thế là được rồi.
Cũng có vài anh em cười.
Cũng có một hai cây bút trẻ tỏ ý tiếc, cho rằng tôi không tham gia vào văn học đương vận hành là đáng tiếc. Như Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, như Đỗ Trung Lai. Bảo Ninh chấp nhận cuộc thảo luận về Nỗi buồn chiến tranh ở Hội văn nghệ Hà Nội, với điều kiện mời thêm 4 người: Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử, Phạm Xuân Nguyên, Vương Trí Nhàn. Và đến cuộc họp bọn tôi đã nói khá thoải mái.
18/9
Mấy hôm trước có tin ông Đỗ Mười gặp văn nghệ sĩ ở Sài Gòn (trông thấy Anh Đức, Viễn Phương…).
Nay cuộc họp được tổ chức ở Hà Nội.
Cơ quan NXB Hội nhà văn chỉ có một người được mời là Lại Nguyên Ân. Nghe Ân về kể, có đủ mặt Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Lưu, Đỗ Văn Khang, trong giới phê bình nhưng không thấy Phương Lựu, Ngô Thảo.
Trên Hội nhà văn là dĩ nhiên đủ bộ sậu trùm sò rồi.
Bên báo Văn nghệ có Hữu Thỉnh (không có Hoàng Minh Châu), Phạm Tiến Duật, Triều Dương v.v… Ân bảo tưởng mình là loại bướng được mời đi, hoá ra trên ấy khối thằng ngoan.
Tôi không được mời, như trước kia, tôi thường đã dửng dưng với chuyện này, thì nay lại càng không máybận tâm, thậm chí cảm thấy lúng túng khi lên trên ấy, giáp mặt với những bộ măt tôi vốn xa lánh. Ở trên quên không ghi là sau vụ Dương Thu Hương, Lại Nguyên Ân có bị gọi lên công an (hôm 15/5 thì phải) Ân kể là họ hỏi đủ thứ, anh đánh giá chị Hương ra sao, anh thấy phản ứng của anh em văn nghệ sĩ về chị Hương ra sao, anh có thể cộng tác với cơ quan an ninh để tìm hiểu tình hình văn nghệ được không. Nghe Ân kể là Ân đã trình bày khá rành mạch và thoải mái…
Ân và tôi cứ chờ là rồi họ cũng sờ đến tôi, nhưng ít lâu sau, vẫn không thấy gì liền đoán: họ cho là mình với Ân cùng một duộc. Vậy nghe một người là đủ rồi, không có gì phải nghe thêm nữa.
Cũng may cho tôi là dịp này, báo Lao động còn cho in Văn hoá quà vặt, Dao sắc không gọt được chuôi (nguyên là Ánh sáng ở dưới chân đèn) rồi bài nhân cái chết Nguyễn Thành Long, thì cũng là huề, không ai chú ý gì nữa. Tôi hiểu cái vai mà mình đang có, một vai không có gì nổi bật, loại hạng ba hạng tư gì đó, lởn vởn, chập chờn, nhoà nhạt, cũng có phần gây khó chịu cho người khác, nhưng không phải là cái đối tượng người ta quan tâm hàng đầu. Đôi khi người ta dễ xếp mình sang hạng lông bông nữa. Nhưng thôi, nhớ Phương Quỳnh cũng đã nói rằng hạng người trọng danh dự là hạng người chỉ hành động theo điều mà mình tin là đúng.
20/9
Cái cách ông Đỗ Mười (đúng hơn là các ông to) gặp mặt văn nghệ sĩ kỳ này là với một lô một lốc thật đông. Rồi cho anh em nói, nhưng không phải nói mọi người cùng nghe, mà là nói trong các tổ, và các ông ấy cũng chẳng nghe mà chỉ đám thư ký hoặc đám chuyên viên nghe. Rồi các ông ấy nói mấy câu công nhận rằng có nghe - thực tế thì chỉ xuê xoa, cho xong chuyện.
Hôm nay đài phát thanh đưa tin nào là lãnh đạo khuyến khích anh em nói thẳng nói thật, cốt sao dân chủ, cốt sao trí thức đóng góp vào việc hình thành đường lối, phương hướng xây dựng đất nước. Họ có biết rằng cách đây ít lâu - trước đại hội - họ đã chửi bới trí thức thậm tệ. Hồi ấy, nghe đâu Nguyễn Văn Linh chửi Nguyễn Khắc Viện, rồi các tướng khác cũng chửi, cũng xỉa xói nói rằng Viện là một thứ con quan cũ ăn bơ sữa, làm sao hiểu được tình hình trong nước.
30/9
Ngày 24/9 (cả ngày) ông Đỗ Mười trực tiếp nghe (chứ không nghe qua thư ký, như bọn thư ký muốn) ý kiến văn nghệ sĩ.
Theo Ân kể, đại khái mọi người nói như sau:
- Ông Nguyễn Đình Thi, khuyên Đảng nên chú ý vấn đề dân tộc.
Vũ Tú Nam: ổn định nhưng phải phát triển (ngoài ra là những ý xin xỏ cho Hội)
Đỗ Văn Khang: Phải biết ơn cách mạng.
Phan Cự Đệ: Tôi vừa đi mấy nước phương Tây về. Trí thức không được chửi nhà nước (Nh: ám chỉ Trần Quốc Vượng?), không được chửi dân tộc mình.
Hồng Đăng nói nhiều về chuyện thiếu tiền của, do đó, ao ước làm nghệ thuật chỉ là hão huyền.
Phong Lê (thì thào) không thể nói về Liên Xô một cách đơn giản được, như thế là kém thuyết phục.
Còn trong nước, trong việc mở rộng dân chủ không phải là không có trù úm, nạt nộ, đấy là chuyện không nên tí nào.
Trần Văn Thuỷ cho biết vừa rồi, cái tin Bernard được Thuỷ làm giấy mời cộng tác, là tin không đúng, một công an nào đó làm bậy, lấy tiền, viết đại tên Thuỷ vào, khốn nạn thế, vậy mà người ta lại đánh Thuỷ, không cho Thuỷ nhận lời mời của Pháp sang đó họp hay làm việc gì đó.
Ân cũng nói rất khá.
- Lúc đầu có đổi mới, nhưng sau chỉ toàn trấn áp, đe nẹt. Bằng chứng: Ân có bài viết tâm huyết ở hội nghị phê bình, nhưng không được đọc. BCH Hội Nhà văn không cho đọc. Nay Ân xin đưa cho ông Đỗ Mười xem.
- Không nên biến các hội thành hội nhà nước. Mỗi ngành có thể có nhiều hội, tuỳ cho người ta làm gì thì làm không phạm pháp là được. Ngoài ra lập một uỷ ban quan hệ nhà nước với văn nghệ sĩ, rót tiền cho họ, đặt hàng cho họ.
Ân kể thêm: khi ra ngoài Trần Văn Thuỷ bảo Ân nên đi làm trợ lý cho một ông to nào đó.
Còn Triều Dương thì bảo: ông ơi, có nhiều hội, tức là không có xe mà đi đâu, không có tiền mà tiêu đâu ông ạ.
Ân kể là Ân còn định nói là tôi không được nói còn là nhẹ, có những anh chị em chúng tôi còn bị tù tội nữa kia (như Dương Thu Hương). Nhưng rồi Ân quên mất. Hoặc định nói là không nên dùng văn nghệ sĩ vào những việc thời vụ. Như cái chuyện mấy năm trước, anh Vũ Tú Nam toàn đi viết những mẩu thời sự, bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ - có điều, đánh vỗ mặt Vũ Tú Nam như thế, e phiền chăng, thế là thôi!
7/10
Cuộc kiếm sống thì lý thú nhưng việc làm nghệ thuật thì cao thượng.
Nhạc sĩ Thanh Tùng đã nói vậy, và tôi thấy như thế là rất hiểu cả đời lẫn đạo.
16-10
Tiếp tục tin về các cuộc họp Ngày 27/9 (?) có một cuộc họp ở tạp chí Cộng sản bàn về văn hoá hiện nay. Ở nxb Tác phẩm mới mời có Nguyễn Kiên.
Còn những ai nữa, không biết, nhưng chắc chắn là có Trần Đình Sử. Một người mới nổi 1-2 tháng nay là Nguyễn Khắc Trường cũng có mặt.
Nguyễn Kiên kể ông Sử bảo Mảnh đất lắm người nhiều ma và nói chung là những cái xuất sắc sau 75 không phải là văn học cách mạng, như cách ta vẫn gọi, mà là văn học thôi (Trước đó, ở hội nghị văn học Việt Nam thế kỷ XX, Lại Nguyên Ân cũng đã bảo văn học sau 45 không phải là văn học cách mạng, mà chỉ là văn học bình thường). Rồi người ta nói đi nói lại, rồi Sử thấy tốt hơn hết là nên từ bỏ ý kiến của mình.
Tối 15/10 gặp Sử, Sử bảo không nói vậy, bọn tạp chí Cộng sản không thể xuyên tạc vậy.
- Nhiều người kêu là bài của Hội Nhà văn Việt Nam về giải thưởng năm nay viết sơ sài chiếu lệ.
- Từ tháng 10/91, báo Văn nghệ thôi ra phụ san in kèm với số chính vào tuần cuối tháng mà ra riêng.
Nghe nói ở TP Hồ Chí Minh, khoảng 40 tờ báo ra thêm.
Sau đợt ra phụ trương chủ nhật nay đến lượt nhiều tờ báo ra báo tháng.
Các thứ phụ san ra nhiều quá, cục xuất bản phải có lệnh cấm. "Bốn mùa văn học" của TPM có thể cũng bị treo giò.
Cái chính là cảm thấy cuộc sống mong manh, mọi người chỉ tin ở chuyện trước mắt, không ai đủ sức làm việc gì dài lâu .
Trong đợt các ông trên gặp trí thức vừa rồi, có một người lâu nay cũng là mặt hàng, mà không được mời, đó là Trần Quốc Vượng.
Ông Vượng lâu nay nổi tiếng nhiều giọng, nổi nhất đâu từ hồi 1972, chửi Mỹ ném bom Khâm Thiên
Đặc biệt Vượng cũng có tài móc nối, nên sau 1-2 chuyến đi sang phương Tây và Đông Nam Á, thấy liên tiếp những chuyến đi dài dài, cuối cùng, cho đến đầu 1990, có tin Vượng được một học bổng rất lớn, học bổng của một trường đại học làm việc ở đó 9 tháng liền, người đầu tiên được học bổng này là A. Einstein . Ô Vượng chuẩn bị cho chuyến đi này khá kỹ, ít lâu sau có tin Vượng có viết một bài mang tên Nỗi kinh hoàng của quá khứ, trong đó nổi bật 2 điểm:
- Chửi chủ nghĩa Mác Lênin, chửi chính sách của cộng sản với trí thức
- mang hết chuyện cũ ra nói, những chuyện anh em trí thức đại học vẫn nói với nhau, ví như một lần Phan Huy Lê đã nói với Vượng là mày có nói lung tung cũng không sao, người ta hạ vài bậc lương là cùng, tao hơi tí là chết, em Phó thủ tướng nguỵ, cháu tướng nguỵ v.v…
Người ta dự đoán ông Vượng sẽ cắt cầu không về.
Nhưng rồi cuối cùng vẫn thấy Vượng về, và cũng giật gân là lúc về, bao nhiêu đồ đạc (gọi là đồ đạc, nhưng sự thật chỉ là mấy cặp xách tay) mất hết.
Nhiều người gặp nhau ở ý nghĩ: chắc công an lấy của ông Vượng thôi. Cuối cùng, người ta được biết tỉ mỉ hơn.
Đúng là bên kia, Vượng định ở lại thật.
- Nhưng Mỹ nó không nhận gần đến ngày mời về, nó đã đưa vé, nhắc ngày phải về, thế tức là nó lắc còn gì.
Vượng định quay sang đại sứ quán Pháp nhưng ở đấy, người ta bảo, anh phải làm những cái này từ ở Hà Nội, chứ mang sang Washington làm sao tiện.
- Vượng đang có một đứa con nằm tị nạn ở Đức, liền bay sang Đức thăm dò, nhưng thấy cũng không được việc gì, nên mới quay về.
Giáo sư tưởng là giáo sư sáng giá lắm, nhưng bên kia, họ đâu có cần. Họ muốn anh về anh làm cách mạng ở nước anh hơn là sang ăn bám họ. Tóm lại là họ hiểu mình. Đừng tưởng được nhà nước ban cho chức này chức nọ, có nghĩa là được Mỹ được Pháp trọng dụng.
Thứ bảy 12/10, Phạm Thị Hoài đã bay qua Pháp. Nghe nói có một hội nghị lớn về văn hoá Pháp mời toàn nhà văn cỡ bự tới dự. Thí dụ như mời tất cả những người được giải Nôbel. Việt Nam thì Hương, Thiệp và Hoài được mời. Ta chỉ cho Hoài đi, bên nhạc, có thêm Trịnh Công Sơn. Hiện nay, một số người Hà Nội cá nhau: Liệu Hoài có về không.
Sử bảo Hoài không về, nói lý do: Hoài ham chơi, Hoài thích hưởng thụ vật chất. Ở bên nhà, Hoài đã cảm thấy nhiều chuyện không thể chịu được.
Nhưng một số khác nghĩ Hoài có cách nhìn khá rộng. Cô ta hiểu ở Pháp, ở Đức cô ta chả là gì cả. May ra, từ góc độ Việt Nam cô đạt tới một cái gì đó chăng. Nên Hoài sẽ về.
Nhiều lần, tôi muốn cất tiếng hỏi một người như Khải: ông nghĩ sao về việc hội của ông không kết nạp một người như Phạm Thị Hoài.
Nhưng rồi cũng chả bao giờ tôi hỏi cả.
Cái rõ nhất, là kỳ này Khải khen Bảo Ninh rất nhiều. Có vẻ như những người như Hội Nhà văn, ở đây là Khải - muốn chuộc lại những lỗi lầm, sau việc không công nhận Thiệp, Hoài.
Ở Hà Nội, ông Tô Hoài xin nghỉ công việc xưa nay vẫn nhận là Chủ tịch Hội văn nghệ và Tổng biên tập báo Người Hà Nội.
Có tin như Vũ Quần Phương sẽ về thay, vì một lý do nữa: Vũ Quần Phương đã hết hy vọng về mọi chuyến đi Pháp có thể có ở NXB Văn học. Ở đấy người ta chỉ lấy những người dưới 40, đi học về để còn làm việc.
Phương sẽ thay đổi Hội Văn nghệ Hà Nội ra sao. Nói khác đi liệu Phương có chết chìm với Hội này không.
25/10
Chỉ cần đọc một quyển nghiên cứu về tiểu thuyết Pháp là mình lại nao nức nghĩ phải viết một cái gì đó về tiểu thuyết Việt Nam. Nhớ những ý định vừa qua, nhớ một hồi rất tha thiết với một cuốn sách như là Buồn vui đời viết. Nay thấy không nên làm việc đó, không cần làm.
Một việc tôi cũng thích nữa: viết kỹ về một tác giả. Viết tất cả mọi chuyện, chung quanh một tác giả. Các mục do mình đặt ra, rồi gặp đâu viết đấy.
Mình nghĩ đến câu nói của ai đó - chỉ có các tác giả cổ điển là đáng viết. Sẽ viết về Tú Xương, Hồ Xuân Hương...
29/10
Tuần trước đi đưa ma Tô Hà, ghi vào sổ tay: Thương tiếc một cuộc đời lận đận. Nhưng ai trong chúng ta là không lận đận, Tô Hà ơi, Yên nghỉ Tô Hà ơi
Sáng 28/10, lại đưa ma Định Nguyễn, người mà từ 1975 về trước, mình cũng thường trò chuyện, người tài hoa, nhưng bạc nhược. Cuối cùng chết khá thảm hại: vợ con đã bỏ đi Sài Gòn. Sống một mình, rượu chè, lang chạ... một cách nhếch nhác, lang chạ với nghĩa xin tiền, uống rượu chạc. Và bây giờ, chết sau một bữa say, chết không ai biết, lúc có người vào mở phòng ra, thì xác đã cứng lại. Một thứ Trần Vũ Mai đây. Nhưng Trần Vũ Mai còn có vài bài thơ bỏ đáy bị. Định Nguyễn thì không. Không còn gì nữa. Người vợ bỏ đi, cũng không thể nói là có lỗi trước một người bạc nhược vô tích sự.
Định Nguyễn không có gì để mà chết.
Nhưng mà khi không có gì, đẫy vẫn là một kiếp người, và trong sự trần trụi của nó, cái chết càng mờ đục, chạng vạng, như lãn với sự sống.
Đám ma không có một chiếc khăn trắng (gia đình Bá ở Hà Nội không có ai).
Trên đường về, Ân kể với tôi là Bá đã viết điếu văn cho chính mình, và đâu như Vũ Hà có biết, nhưng bây giờ cũng không nhớ nữa.
Mấy vấn đề văn học hiện nay
- Kỷ niệm Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Nam Cao được nhắc nhở nhiều
Việc Nguyễn Bỉnh Khiêm liên quan đến một sự tuyên truyền mê tín, có nhiều người tham gia, trong dó có Nguyễn Phúc Giác Hải. Ông này bảo rằng nhiều câu sấm của Trạng Trình ứng với chuyện thời dân chủ cộng hoà, chuyện Cụ Hồ giành độc lập, chuyện đất nước thống nhất v.v. Nghe thật khó tin. Còn nhân vật Chí Phèo của Nam Cao thì được người ta nói tới ở mọi chỗ mọi nơi, có người viết cả Hậu Chí Phèo, qua đây thấy một sự huyên thuyên thấp kém, một sự nói nhảm nhân danh tự do.
10/11
Khi Phạm Thị Hoài đi Pháp, nhiều người đoán cô không về, riêng tôi nghĩ Hoài khôn hơn, Hoài sẽ về. Và đã đoán đúng.
Tưởng sang đó, Hoài sẽ được mời tham dự một vài chương trình RFI nhưng theo mình nghe được, cũng không thấy gì cả.
Từ tai mình nghe, thấy có chuyện này nữa: Dương Thu Hương với quyển Những thiên đường mù, được chọn là 1/5 nữ tác giả xuất sắc để tặng giải Fémina năm 1991 ở Pháp.
Một bài viết trên một tờ tạp chí Liên Xô có cái tên khá hay: sự mệt mỏi của văn học.
Vũ Đình Bình bảo bây giờ dịch bất kỳ cái gì hiện đại của Trung quốc cũng không ăn nữa.
Quyển Bảo Ninh tiếp tục bị Đỗ Văn Khang cho lên mâm. Đỗ Văn Khang vẫn đo đếm tác phẩm theo kiểu của ông ta, và cái thước vẫn là thước cũ.
Sự "đổi mới" ở ta là một cái gì lạ lắm, cái mới vừa ló ra vừa ngại ngùng, nó cứ phải luồn lọt, không dám ra mặt phế bỏ cái cũ, và chỉ sợ chạm vào chỗ cái cũ thì chết, cái cũ đánh cho chí tử. Cái cũ vẫn tha hồ hoành hành, chỉ có điều nó không còn đủ sức mạnh như hồi chưa có chút gì gọi là mới. Sự nhùng nhằng cứ thế mà kéo.
Thử phác hoạ những sự kiện đáng chú ý trong đời sống văn học 1991
Một số mốt và những cái nhất của năm 1991.Quyển sách được bàn tán nhiều nhất trong giới là quyển Thân phận tình yêu. Việc trao giải thưởng được tính toán kỹ lưỡng, tính về thời gian là lâu nhất từ trước đến nay.Nhưng bạn đọc lại hưởng ứng, bạn đọc nhân dịp này nói nhiều về các giải thưởng.
Ngoài ra, thì đời sống văn học bình thường - cái mốt ra báo, đã nhiều người nói
Vài cái mốt khác ở thời này
Tiểu thuyết Mỹ dịch nhiều nhất
Tiểu thuyết Nga dịch ít nhất
Mốt in tiểu thuyết Mỹ
Mốt in tiểu phẩm Tầu.
Một người đọc (cô Phạm Sông Hồng) nhận xét, đọc tiểu thuyết Mỹ, hiểu người Mỹ, thấy mình sống lười biếng quá, đáng ra phải chăm chỉ hơn nhiều.
Nhưng chưa có ai tổng kết cả.
Về sinh hoạt, thì có cái mốt.
a. hay nhắc tới tiền chiến. Nào kỷ niệm về Lan Khai, nào Nguyễn Đình Lạp v.v…
Nhưng người được nhắc nhiều nhất là Nam Cao.
b. những đám tang. Khóc cho nhau luôn. Khóc cho chính mình. Ai đó nói, giờ đây, không ai thương bọn nhà văn cả. Chúng ta đành thương lẫn nhau vậy.
20/11
Đài Pháp đưa tin "nhà văn ly khai Dương Thu Hương đã được trả lại tự do" Ba ngày nữa, ngoại trưởng Pháp sang thăm Việt Nam, và đây là dịp để tỏ thiện chí của phía Việt Nam.
Đến sáng 21/11 mình họp chi bộ, thì báo đã đăng đủ việc này
22/11
Đọc Người tình của một tác giả Pháp. Tự nghĩ văn xuôi hiện đại có tham vọng mô phỏng sự suy nghĩ của nhà văn, coi đó mới là đối tượng cần khám phá, cần chiếm lĩnh. Trong khi văn xuôi ở ta lại có tham vọng hiểu biết cả thế giới, và nói về nó.
Nghe tôi nói một hồi về các nhà văn, Trần Đình Sử bảo: ông Nhàn là người biết tiếp xúc với các nhà văn một cách suồng sã. Tôi cho đấy là một lời khen.
26/11
Dạo này cấp trên khá "rộng" Ông Đỗ Mười tiếp xúc với ông Nguyễn Khắc Viện.
Hữu Mai nói rằng tôi cũng không tán thành đối xử với ông Viện như vậy, có gì cũng phải tử tế với người ta (trước đó, Viện bị làm phiền ở khu phố và không ai in sách cho ông cả!) Ông Mai cũng bảo, thật ra Bùi Tín chỉ có mỗi một điều đáng nói là anh ta vô kỷ luật ở lại bên ấy, chứ anh ta hoàn toàn yêu nước, muốn cho Đảng cho dân ngày một tốt đẹp. Nghe một lúc một người như Đỗ Chu, trong buổi họp Đảng bộ cơ quan, liền đề nghị cấp trên nên cho phép Bùi Tín và Vũ Hùng về, để chứng tỏ ta mạnh.
Hữu Mai bảo bây giờ không dễ mỗi lúc mà phê phán người ta được, phải lắng nghe chứ. Hữu Mai là loại người rất nhạy cảm với tình hình chính trị. Hữu Mai không tự phát đâu mà chắc là có trên, có ai đó trên bảo vậy thì Hữu Mai nói vậy.
Dự lễ ra mắt quyển sách Nguyễn Minh Châu con người và sự nghiệp, thấy nhớ một quãng đời làm việc, hồi ở Văn nghệ quân đội với Châu - Khải. Từ hồi ra ngoài Hội, hơn chục năm rồi, tự thấy đã trưởng thành lên ít nhiều, tuy có lúc không kiềm chế được đến mức bị bọn Tôn Phương Lan, Khánh Thơ coi là quá điệu quá kiêu (?)) nhưng thật ra trong thâm tâm, bao giờ cũng buồn vì chưa làm được gì nhiều, và nếu không vun vén lại, thì rồi cuộc sống của tôi vẫn là một cuộc sống hoàn toàn dang dở.
7-12
Tại buổi ra mắt sách, Dương Thu Hương vừa được thả ra cũng cố đến.
Nhân đây, Trần Bảo Hưng có kể về cuộc họp báo, do Bộ Nội vụ tổ chức, về vụ Dương Thu Hương.
Những người chủ trì: Dương Thông, Quang Phòng, đại tá Nhuận, một tay lo vụ này, và một tay bên Viện kiểm soát.
Họ phát cho các nhà báo một tờ giấy, kể tội trạng Dương Thu Hương, và nói là ta khoan hồng.
Lập tức, có người thắc mắc chỉ có toà án mới có quyền luận tội. Tại sao trong văn bản lại nói có tội.
Trả lời: Đúng, đấy là sơ xuất của chúng tôi (về sau có sửa chữa)
Hỏi: việc thả Dương Thu Hương có do áp lực nào không?
Trả lời: Không, đây là nhân đạo của ta, ta không bị sức ép nào hết.
Hỏi: Trong tội danh ghi là do Dương Thu Hương viết quyển tiểu thuyết Vô đề. Vậy đây là vụ án tư tưởng chứ không phải án văn học.
Trả lời: Gọi là tiểu thuyết thôi, nhưng đây là một thứ bút ký chính trị, bút ký chống cộng không thể gọi là văn học được (về sau, anh em còn vặn: bảo bút ký cũng vẫn là văn học, nhưng họ cũng đối đáp cho qua chuyện. Và về sau, họ không nói điều đó ra trong thông báo chính thức)
Lại có người hỏi: Quan điểm chính trị của Dương Thu Hương ra sao, có gì thay đổi không.
Những người chủ trì phải nhận cô ta vẫn giữ quan điểm của cô ta (nói rõ ngay cả khi được tha)
Lại có người vặn: Việc góp ý kiến với Đảng là việc công khai, tại sao bị tội?
Trả lời: Nhưng đưa tài liệu đó cho người nước ngoài, với thái độ xấu, là có tội. Anh em lại bảo, nếu thế thì người đưa tài liệu đó cho cô Hương, còn phạm tôi nặng hơn cô Hương.
Những người chủ trì lờ đi, không nói gì.
Sau buổi họp báo, người ta thu lại biên bản cũ, và đưa ra một văn bản mới.
Trần Bảo Hưng bảo: Căn bản, bọn ấy lại muốn úm anh em làm báo nhà mình, nên bọn mình không chịu được.
Một việc có liên quan đến tôi.
- Tối 17/11 đài Pháp RFI, trong mục văn nghệ (?) có điểm bài phê bình quan trọng, một của mình (bài trên Sông Hương), một của Võ Phiến.
Không rõ bài của Võ Phiến nói gì, bài của tôi (theo bà Từ Kính Đàm kể) được tóm lại khá chính xác, và được giới thiệu như là đúng với cả người Việt Nam ở nước ngoài.
2 tuần sau, tối 1/12, Ân kể, có nhiều bài hưởng ứng tức là cho rằng bài viết của mình đáng chú ý, họ cũng kêu về tình trạng nhà văn không ra sao, nhà văn gì mà ra nước ngoài rồi sống lưu vong rồi còn chửi bới nhau (như chửi bới tẩy chay Nhật Tiến, Trịnh Công Sơn…)
Người viết bài này là Nguyễn Mộng Giác cũng nhận xét rằng xem ra, chính ở trong nước, lại có sự tiếp nhận văn học nước ngoài hơn là cánh lưu vong (bằng chứng là Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài)
9/12
Cảm giác về vụ Nhóm bảo trợ di sản nhà văn Nguyễn Minh Châu - cảm giác mình bắt đúng tư duy xã hội, và mình có thể làm công việc chung, do chỗ hiểu rõ chỗ mạnh chỗ yếu của từng người một!
15/12
Những bài báo ngắn, nó xé vụn đời mình ra, mình không ngóc đầu lên được nữa. Nhưng không viết báo thì làm gì? Sách, một quyển sách hay, là một chân trời quá xa, có lẽ không bao giờ vươn tới chằng. Nhưng vẫn thường xuyên nghĩ tới nó. Nhớ hồi nào, viết thư về cho vợ, nói rằng, đời chỉ còn 2 mục đích, là dạy con ngoan và viết một quyển sách. Nay thì mục đích thứ nhất, ngoài tay với rồi, mục đích thứ hai, dẫu sao vẫn có sức quyến rũ của nó!
Những chuyện quan hệ trong nghề, những tang ma đám này bốc mả, đám kia mừng thọ... Thỉnh thoảng đọc báo, không khỏi se lòng, đáng lẽ mình phải đi dự, có mặt trong các "sự kiện đó.
Nhưng rồi nếu không bị người ta rủ rê, thì tôi lại chói từ. Những lúc đầu óc tỉnh táo là lúc tôi chấp nhận cái lý thuyết này
- Con người chỉ làm được việc một ít việc
- hay hay dở, do tôi đánh giá lấy
- Cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào. Tôi sẽ chết mà còn bao điều không biết. Vậy thì việc gì phải hậm hụi, tiếc nuối.
Đơn độc, đó là số phận. Đơn độc như mấy người đàn bà có học, ở Liên xô vậy thường chỉ là một thứ người chú giải cho các tuyển tập.
20/12
Định gộp một số bài lại, làm nên một cuốn Nghề viết văn ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Chỉ cần đọc các mục lục sách đã thấy bên Pháp có hiện tượng thà người ta đi làm nhà nghiên cứu nghiêm túc còn hơn làm nghệ sĩ rởm.
27/12
Cuối năm, báo Văn nghệ (qua miệng Thỉnh) nói rằng họp cộng tác viên.
Nhưng mãi rồi cũng chẳng họp.
Người ta không chơi con bài phê bình – tôi nghĩ.
Từ 4/90, giới phê bình của chúng tôi không họp hành gì cả. Trên báo, không có tin tức gì về dư luận.
Cơ quan của Hội nhà văn lại xoay ra bàn về việc dạy văn trong nhà trường.
Báo Văn nghệ số 52 cũng đưa tin tạp chí Tác phẩm mới lại quyết định ra bộ mới, lại xoay ra, tập trung vào sáng tác. Vả lại giới thiệu bộ biên tập tạp chí gồm mấy người, Phạm Hổ, Hữu Mai, Tú Nam, Nguyên Ngọc, Ngọc Tú.
Nguyễn Kiên một lần bảo, bọn họ đâu có xin được tiền làm tạp chí, cứ lấy quỹ ra mà làm, thế mới nhảm.
Phú đã bảo tạp chí bây giờ cứ như ông Thành Thế Vỹ vậy - nghĩa là một người ốm dầm ốm dề, vợ con phải hầu.
Nói theo giọng Trần Đình Nam hồi ở Moskva người ta ngồi trong hố xí mãi cũng quen, ở bên kẻ hấp hối mãi cũng quen và đâu có biết ngượng, đâu có thấy ghê tởm.
Một trường hợp cho thấy tính cách của Vũ Tú Nam.
Trong vụ Bảo Ninh ông Nam là một trong 2 người (trong tổng số 9 người) không muốn có Bảo Ninh giải thưởng. Nhưng đến khi thấy cấp trên không nói gì, Tổng cục chính trị không nói gì, ông Nam lại khen Bảo Ninh và làm như mình rất ủng hộ cậu ta vậy.
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1989.htm
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1990.html
***
8/9
Báo Tiền phong chủ nhật có đăng bài Nguyên Ngọc trả lời phỏng vấn, về giải thưởng văn học, báo ra 1-9, trong đó cho rằng giải này sẽ làm cho khuôn mặt Hội Nhà văn sáng sủa hơn.
Nguyễn Khải cũng đã nói về giải với lời lẽ tốt đẹp. Còn Hội Nhà văn thì lại chưa thấy nói gì về cái giải của mình.
Nghe các đài nước ngoài kể lại thì hôm 28/1 vừa rồi, ông Đỗ Mười đã có cuộc gặp gỡ để trấn an Nguyễn Khắc Viện và Phan Đình Diệu. Chửi người ta chán rồi, giờ lại xoa, các ông nhà mình vốn thế! Sĩ còn nói rõ hơn: Các bố cứ ngơ đi cho quân nó làm bậy, thực chất là khuyến khích nó đánh kẻ có tự do tư tưởng "chết" xong là phi tang. Nếu không chết được, ông ấy lại cho vời tới, lại xin lỗi, lại kêu gọi ủng hộ Đảng.
- Một Việt kiều nói lạm phát lên tới 80%.
- Theo đài RFI, lạm phát năm 89 là 40%.
17/9
Hàng ngày bao chuyện phiền phức, còn sống đến đâu, còn thấy bị làm phiền đến đó, tất cả các mặt đời sống đều dang dở, đều chưa tìm thấy mình, không phải là mình.
Cái đó là do mình bắt được từ chính đời sống hay do văn học? Có lẽ cả hai. Anh hưởng từ văn học thì lớn hơn, chắc hơn.
Với tôi bây giờ văn học đã là chính đời sống.
Hôm nọ (31/8 ) họp ở Hội văn nghệ Hà Nội, tôi đã bảo dạo này tôi không viết phê bình mấy nữa, phần thì nhát, phần thì không biết làm việc gì, tốt hơn hết là đi viết nghiên cứu(= viết về các ông đã chết), vì cánh đang sống họ đâu có cần mình, họ viết cho nhau, người nọ viết cho người kia, thế là được rồi.
Cũng có vài anh em cười.
Cũng có một hai cây bút trẻ tỏ ý tiếc, cho rằng tôi không tham gia vào văn học đương vận hành là đáng tiếc. Như Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, như Đỗ Trung Lai. Bảo Ninh chấp nhận cuộc thảo luận về Nỗi buồn chiến tranh ở Hội văn nghệ Hà Nội, với điều kiện mời thêm 4 người: Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử, Phạm Xuân Nguyên, Vương Trí Nhàn. Và đến cuộc họp bọn tôi đã nói khá thoải mái.
18/9
Mấy hôm trước có tin ông Đỗ Mười gặp văn nghệ sĩ ở Sài Gòn (trông thấy Anh Đức, Viễn Phương…).
Nay cuộc họp được tổ chức ở Hà Nội.
Cơ quan NXB Hội nhà văn chỉ có một người được mời là Lại Nguyên Ân. Nghe Ân về kể, có đủ mặt Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Lưu, Đỗ Văn Khang, trong giới phê bình nhưng không thấy Phương Lựu, Ngô Thảo.
Trên Hội nhà văn là dĩ nhiên đủ bộ sậu trùm sò rồi.
Bên báo Văn nghệ có Hữu Thỉnh (không có Hoàng Minh Châu), Phạm Tiến Duật, Triều Dương v.v… Ân bảo tưởng mình là loại bướng được mời đi, hoá ra trên ấy khối thằng ngoan.
Tôi không được mời, như trước kia, tôi thường đã dửng dưng với chuyện này, thì nay lại càng không máybận tâm, thậm chí cảm thấy lúng túng khi lên trên ấy, giáp mặt với những bộ măt tôi vốn xa lánh. Ở trên quên không ghi là sau vụ Dương Thu Hương, Lại Nguyên Ân có bị gọi lên công an (hôm 15/5 thì phải) Ân kể là họ hỏi đủ thứ, anh đánh giá chị Hương ra sao, anh thấy phản ứng của anh em văn nghệ sĩ về chị Hương ra sao, anh có thể cộng tác với cơ quan an ninh để tìm hiểu tình hình văn nghệ được không. Nghe Ân kể là Ân đã trình bày khá rành mạch và thoải mái…
Ân và tôi cứ chờ là rồi họ cũng sờ đến tôi, nhưng ít lâu sau, vẫn không thấy gì liền đoán: họ cho là mình với Ân cùng một duộc. Vậy nghe một người là đủ rồi, không có gì phải nghe thêm nữa.
Cũng may cho tôi là dịp này, báo Lao động còn cho in Văn hoá quà vặt, Dao sắc không gọt được chuôi (nguyên là Ánh sáng ở dưới chân đèn) rồi bài nhân cái chết Nguyễn Thành Long, thì cũng là huề, không ai chú ý gì nữa. Tôi hiểu cái vai mà mình đang có, một vai không có gì nổi bật, loại hạng ba hạng tư gì đó, lởn vởn, chập chờn, nhoà nhạt, cũng có phần gây khó chịu cho người khác, nhưng không phải là cái đối tượng người ta quan tâm hàng đầu. Đôi khi người ta dễ xếp mình sang hạng lông bông nữa. Nhưng thôi, nhớ Phương Quỳnh cũng đã nói rằng hạng người trọng danh dự là hạng người chỉ hành động theo điều mà mình tin là đúng.
20/9
Cái cách ông Đỗ Mười (đúng hơn là các ông to) gặp mặt văn nghệ sĩ kỳ này là với một lô một lốc thật đông. Rồi cho anh em nói, nhưng không phải nói mọi người cùng nghe, mà là nói trong các tổ, và các ông ấy cũng chẳng nghe mà chỉ đám thư ký hoặc đám chuyên viên nghe. Rồi các ông ấy nói mấy câu công nhận rằng có nghe - thực tế thì chỉ xuê xoa, cho xong chuyện.
Hôm nay đài phát thanh đưa tin nào là lãnh đạo khuyến khích anh em nói thẳng nói thật, cốt sao dân chủ, cốt sao trí thức đóng góp vào việc hình thành đường lối, phương hướng xây dựng đất nước. Họ có biết rằng cách đây ít lâu - trước đại hội - họ đã chửi bới trí thức thậm tệ. Hồi ấy, nghe đâu Nguyễn Văn Linh chửi Nguyễn Khắc Viện, rồi các tướng khác cũng chửi, cũng xỉa xói nói rằng Viện là một thứ con quan cũ ăn bơ sữa, làm sao hiểu được tình hình trong nước.
30/9
Ngày 24/9 (cả ngày) ông Đỗ Mười trực tiếp nghe (chứ không nghe qua thư ký, như bọn thư ký muốn) ý kiến văn nghệ sĩ.
Theo Ân kể, đại khái mọi người nói như sau:
- Ông Nguyễn Đình Thi, khuyên Đảng nên chú ý vấn đề dân tộc.
Vũ Tú Nam: ổn định nhưng phải phát triển (ngoài ra là những ý xin xỏ cho Hội)
Đỗ Văn Khang: Phải biết ơn cách mạng.
Phan Cự Đệ: Tôi vừa đi mấy nước phương Tây về. Trí thức không được chửi nhà nước (Nh: ám chỉ Trần Quốc Vượng?), không được chửi dân tộc mình.
Hồng Đăng nói nhiều về chuyện thiếu tiền của, do đó, ao ước làm nghệ thuật chỉ là hão huyền.
Phong Lê (thì thào) không thể nói về Liên Xô một cách đơn giản được, như thế là kém thuyết phục.
Còn trong nước, trong việc mở rộng dân chủ không phải là không có trù úm, nạt nộ, đấy là chuyện không nên tí nào.
Trần Văn Thuỷ cho biết vừa rồi, cái tin Bernard được Thuỷ làm giấy mời cộng tác, là tin không đúng, một công an nào đó làm bậy, lấy tiền, viết đại tên Thuỷ vào, khốn nạn thế, vậy mà người ta lại đánh Thuỷ, không cho Thuỷ nhận lời mời của Pháp sang đó họp hay làm việc gì đó.
Ân cũng nói rất khá.
- Lúc đầu có đổi mới, nhưng sau chỉ toàn trấn áp, đe nẹt. Bằng chứng: Ân có bài viết tâm huyết ở hội nghị phê bình, nhưng không được đọc. BCH Hội Nhà văn không cho đọc. Nay Ân xin đưa cho ông Đỗ Mười xem.
- Không nên biến các hội thành hội nhà nước. Mỗi ngành có thể có nhiều hội, tuỳ cho người ta làm gì thì làm không phạm pháp là được. Ngoài ra lập một uỷ ban quan hệ nhà nước với văn nghệ sĩ, rót tiền cho họ, đặt hàng cho họ.
Ân kể thêm: khi ra ngoài Trần Văn Thuỷ bảo Ân nên đi làm trợ lý cho một ông to nào đó.
Còn Triều Dương thì bảo: ông ơi, có nhiều hội, tức là không có xe mà đi đâu, không có tiền mà tiêu đâu ông ạ.
Ân kể là Ân còn định nói là tôi không được nói còn là nhẹ, có những anh chị em chúng tôi còn bị tù tội nữa kia (như Dương Thu Hương). Nhưng rồi Ân quên mất. Hoặc định nói là không nên dùng văn nghệ sĩ vào những việc thời vụ. Như cái chuyện mấy năm trước, anh Vũ Tú Nam toàn đi viết những mẩu thời sự, bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ - có điều, đánh vỗ mặt Vũ Tú Nam như thế, e phiền chăng, thế là thôi!
7/10
Cuộc kiếm sống thì lý thú nhưng việc làm nghệ thuật thì cao thượng.
Nhạc sĩ Thanh Tùng đã nói vậy, và tôi thấy như thế là rất hiểu cả đời lẫn đạo.
16-10
Tiếp tục tin về các cuộc họp Ngày 27/9 (?) có một cuộc họp ở tạp chí Cộng sản bàn về văn hoá hiện nay. Ở nxb Tác phẩm mới mời có Nguyễn Kiên.
Còn những ai nữa, không biết, nhưng chắc chắn là có Trần Đình Sử. Một người mới nổi 1-2 tháng nay là Nguyễn Khắc Trường cũng có mặt.
Nguyễn Kiên kể ông Sử bảo Mảnh đất lắm người nhiều ma và nói chung là những cái xuất sắc sau 75 không phải là văn học cách mạng, như cách ta vẫn gọi, mà là văn học thôi (Trước đó, ở hội nghị văn học Việt Nam thế kỷ XX, Lại Nguyên Ân cũng đã bảo văn học sau 45 không phải là văn học cách mạng, mà chỉ là văn học bình thường). Rồi người ta nói đi nói lại, rồi Sử thấy tốt hơn hết là nên từ bỏ ý kiến của mình.
Tối 15/10 gặp Sử, Sử bảo không nói vậy, bọn tạp chí Cộng sản không thể xuyên tạc vậy.
- Nhiều người kêu là bài của Hội Nhà văn Việt Nam về giải thưởng năm nay viết sơ sài chiếu lệ.
- Từ tháng 10/91, báo Văn nghệ thôi ra phụ san in kèm với số chính vào tuần cuối tháng mà ra riêng.
Nghe nói ở TP Hồ Chí Minh, khoảng 40 tờ báo ra thêm.
Sau đợt ra phụ trương chủ nhật nay đến lượt nhiều tờ báo ra báo tháng.
Các thứ phụ san ra nhiều quá, cục xuất bản phải có lệnh cấm. "Bốn mùa văn học" của TPM có thể cũng bị treo giò.
Cái chính là cảm thấy cuộc sống mong manh, mọi người chỉ tin ở chuyện trước mắt, không ai đủ sức làm việc gì dài lâu .
Trong đợt các ông trên gặp trí thức vừa rồi, có một người lâu nay cũng là mặt hàng, mà không được mời, đó là Trần Quốc Vượng.
Ông Vượng lâu nay nổi tiếng nhiều giọng, nổi nhất đâu từ hồi 1972, chửi Mỹ ném bom Khâm Thiên
Đặc biệt Vượng cũng có tài móc nối, nên sau 1-2 chuyến đi sang phương Tây và Đông Nam Á, thấy liên tiếp những chuyến đi dài dài, cuối cùng, cho đến đầu 1990, có tin Vượng được một học bổng rất lớn, học bổng của một trường đại học làm việc ở đó 9 tháng liền, người đầu tiên được học bổng này là A. Einstein . Ô Vượng chuẩn bị cho chuyến đi này khá kỹ, ít lâu sau có tin Vượng có viết một bài mang tên Nỗi kinh hoàng của quá khứ, trong đó nổi bật 2 điểm:
- Chửi chủ nghĩa Mác Lênin, chửi chính sách của cộng sản với trí thức
- mang hết chuyện cũ ra nói, những chuyện anh em trí thức đại học vẫn nói với nhau, ví như một lần Phan Huy Lê đã nói với Vượng là mày có nói lung tung cũng không sao, người ta hạ vài bậc lương là cùng, tao hơi tí là chết, em Phó thủ tướng nguỵ, cháu tướng nguỵ v.v…
Người ta dự đoán ông Vượng sẽ cắt cầu không về.
Nhưng rồi cuối cùng vẫn thấy Vượng về, và cũng giật gân là lúc về, bao nhiêu đồ đạc (gọi là đồ đạc, nhưng sự thật chỉ là mấy cặp xách tay) mất hết.
Nhiều người gặp nhau ở ý nghĩ: chắc công an lấy của ông Vượng thôi. Cuối cùng, người ta được biết tỉ mỉ hơn.
Đúng là bên kia, Vượng định ở lại thật.
- Nhưng Mỹ nó không nhận gần đến ngày mời về, nó đã đưa vé, nhắc ngày phải về, thế tức là nó lắc còn gì.
Vượng định quay sang đại sứ quán Pháp nhưng ở đấy, người ta bảo, anh phải làm những cái này từ ở Hà Nội, chứ mang sang Washington làm sao tiện.
- Vượng đang có một đứa con nằm tị nạn ở Đức, liền bay sang Đức thăm dò, nhưng thấy cũng không được việc gì, nên mới quay về.
Giáo sư tưởng là giáo sư sáng giá lắm, nhưng bên kia, họ đâu có cần. Họ muốn anh về anh làm cách mạng ở nước anh hơn là sang ăn bám họ. Tóm lại là họ hiểu mình. Đừng tưởng được nhà nước ban cho chức này chức nọ, có nghĩa là được Mỹ được Pháp trọng dụng.
Thứ bảy 12/10, Phạm Thị Hoài đã bay qua Pháp. Nghe nói có một hội nghị lớn về văn hoá Pháp mời toàn nhà văn cỡ bự tới dự. Thí dụ như mời tất cả những người được giải Nôbel. Việt Nam thì Hương, Thiệp và Hoài được mời. Ta chỉ cho Hoài đi, bên nhạc, có thêm Trịnh Công Sơn. Hiện nay, một số người Hà Nội cá nhau: Liệu Hoài có về không.
Sử bảo Hoài không về, nói lý do: Hoài ham chơi, Hoài thích hưởng thụ vật chất. Ở bên nhà, Hoài đã cảm thấy nhiều chuyện không thể chịu được.
Nhưng một số khác nghĩ Hoài có cách nhìn khá rộng. Cô ta hiểu ở Pháp, ở Đức cô ta chả là gì cả. May ra, từ góc độ Việt Nam cô đạt tới một cái gì đó chăng. Nên Hoài sẽ về.
Nhiều lần, tôi muốn cất tiếng hỏi một người như Khải: ông nghĩ sao về việc hội của ông không kết nạp một người như Phạm Thị Hoài.
Nhưng rồi cũng chả bao giờ tôi hỏi cả.
Cái rõ nhất, là kỳ này Khải khen Bảo Ninh rất nhiều. Có vẻ như những người như Hội Nhà văn, ở đây là Khải - muốn chuộc lại những lỗi lầm, sau việc không công nhận Thiệp, Hoài.
Ở Hà Nội, ông Tô Hoài xin nghỉ công việc xưa nay vẫn nhận là Chủ tịch Hội văn nghệ và Tổng biên tập báo Người Hà Nội.
Có tin như Vũ Quần Phương sẽ về thay, vì một lý do nữa: Vũ Quần Phương đã hết hy vọng về mọi chuyến đi Pháp có thể có ở NXB Văn học. Ở đấy người ta chỉ lấy những người dưới 40, đi học về để còn làm việc.
Phương sẽ thay đổi Hội Văn nghệ Hà Nội ra sao. Nói khác đi liệu Phương có chết chìm với Hội này không.
25/10
Chỉ cần đọc một quyển nghiên cứu về tiểu thuyết Pháp là mình lại nao nức nghĩ phải viết một cái gì đó về tiểu thuyết Việt Nam. Nhớ những ý định vừa qua, nhớ một hồi rất tha thiết với một cuốn sách như là Buồn vui đời viết. Nay thấy không nên làm việc đó, không cần làm.
Một việc tôi cũng thích nữa: viết kỹ về một tác giả. Viết tất cả mọi chuyện, chung quanh một tác giả. Các mục do mình đặt ra, rồi gặp đâu viết đấy.
Mình nghĩ đến câu nói của ai đó - chỉ có các tác giả cổ điển là đáng viết. Sẽ viết về Tú Xương, Hồ Xuân Hương...
29/10
Tuần trước đi đưa ma Tô Hà, ghi vào sổ tay: Thương tiếc một cuộc đời lận đận. Nhưng ai trong chúng ta là không lận đận, Tô Hà ơi, Yên nghỉ Tô Hà ơi
Sáng 28/10, lại đưa ma Định Nguyễn, người mà từ 1975 về trước, mình cũng thường trò chuyện, người tài hoa, nhưng bạc nhược. Cuối cùng chết khá thảm hại: vợ con đã bỏ đi Sài Gòn. Sống một mình, rượu chè, lang chạ... một cách nhếch nhác, lang chạ với nghĩa xin tiền, uống rượu chạc. Và bây giờ, chết sau một bữa say, chết không ai biết, lúc có người vào mở phòng ra, thì xác đã cứng lại. Một thứ Trần Vũ Mai đây. Nhưng Trần Vũ Mai còn có vài bài thơ bỏ đáy bị. Định Nguyễn thì không. Không còn gì nữa. Người vợ bỏ đi, cũng không thể nói là có lỗi trước một người bạc nhược vô tích sự.
Định Nguyễn không có gì để mà chết.
Nhưng mà khi không có gì, đẫy vẫn là một kiếp người, và trong sự trần trụi của nó, cái chết càng mờ đục, chạng vạng, như lãn với sự sống.
Đám ma không có một chiếc khăn trắng (gia đình Bá ở Hà Nội không có ai).
Trên đường về, Ân kể với tôi là Bá đã viết điếu văn cho chính mình, và đâu như Vũ Hà có biết, nhưng bây giờ cũng không nhớ nữa.
Mấy vấn đề văn học hiện nay
- Kỷ niệm Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Nam Cao được nhắc nhở nhiều
Việc Nguyễn Bỉnh Khiêm liên quan đến một sự tuyên truyền mê tín, có nhiều người tham gia, trong dó có Nguyễn Phúc Giác Hải. Ông này bảo rằng nhiều câu sấm của Trạng Trình ứng với chuyện thời dân chủ cộng hoà, chuyện Cụ Hồ giành độc lập, chuyện đất nước thống nhất v.v. Nghe thật khó tin. Còn nhân vật Chí Phèo của Nam Cao thì được người ta nói tới ở mọi chỗ mọi nơi, có người viết cả Hậu Chí Phèo, qua đây thấy một sự huyên thuyên thấp kém, một sự nói nhảm nhân danh tự do.
10/11
Khi Phạm Thị Hoài đi Pháp, nhiều người đoán cô không về, riêng tôi nghĩ Hoài khôn hơn, Hoài sẽ về. Và đã đoán đúng.
Tưởng sang đó, Hoài sẽ được mời tham dự một vài chương trình RFI nhưng theo mình nghe được, cũng không thấy gì cả.
Từ tai mình nghe, thấy có chuyện này nữa: Dương Thu Hương với quyển Những thiên đường mù, được chọn là 1/5 nữ tác giả xuất sắc để tặng giải Fémina năm 1991 ở Pháp.
Một bài viết trên một tờ tạp chí Liên Xô có cái tên khá hay: sự mệt mỏi của văn học.
Vũ Đình Bình bảo bây giờ dịch bất kỳ cái gì hiện đại của Trung quốc cũng không ăn nữa.
Quyển Bảo Ninh tiếp tục bị Đỗ Văn Khang cho lên mâm. Đỗ Văn Khang vẫn đo đếm tác phẩm theo kiểu của ông ta, và cái thước vẫn là thước cũ.
Sự "đổi mới" ở ta là một cái gì lạ lắm, cái mới vừa ló ra vừa ngại ngùng, nó cứ phải luồn lọt, không dám ra mặt phế bỏ cái cũ, và chỉ sợ chạm vào chỗ cái cũ thì chết, cái cũ đánh cho chí tử. Cái cũ vẫn tha hồ hoành hành, chỉ có điều nó không còn đủ sức mạnh như hồi chưa có chút gì gọi là mới. Sự nhùng nhằng cứ thế mà kéo.
Thử phác hoạ những sự kiện đáng chú ý trong đời sống văn học 1991
Một số mốt và những cái nhất của năm 1991.Quyển sách được bàn tán nhiều nhất trong giới là quyển Thân phận tình yêu. Việc trao giải thưởng được tính toán kỹ lưỡng, tính về thời gian là lâu nhất từ trước đến nay.Nhưng bạn đọc lại hưởng ứng, bạn đọc nhân dịp này nói nhiều về các giải thưởng.
Ngoài ra, thì đời sống văn học bình thường - cái mốt ra báo, đã nhiều người nói
Vài cái mốt khác ở thời này
Tiểu thuyết Mỹ dịch nhiều nhất
Tiểu thuyết Nga dịch ít nhất
Mốt in tiểu thuyết Mỹ
Mốt in tiểu phẩm Tầu.
Một người đọc (cô Phạm Sông Hồng) nhận xét, đọc tiểu thuyết Mỹ, hiểu người Mỹ, thấy mình sống lười biếng quá, đáng ra phải chăm chỉ hơn nhiều.
Nhưng chưa có ai tổng kết cả.
Về sinh hoạt, thì có cái mốt.
a. hay nhắc tới tiền chiến. Nào kỷ niệm về Lan Khai, nào Nguyễn Đình Lạp v.v…
Nhưng người được nhắc nhiều nhất là Nam Cao.
b. những đám tang. Khóc cho nhau luôn. Khóc cho chính mình. Ai đó nói, giờ đây, không ai thương bọn nhà văn cả. Chúng ta đành thương lẫn nhau vậy.
20/11
Đài Pháp đưa tin "nhà văn ly khai Dương Thu Hương đã được trả lại tự do" Ba ngày nữa, ngoại trưởng Pháp sang thăm Việt Nam, và đây là dịp để tỏ thiện chí của phía Việt Nam.
Đến sáng 21/11 mình họp chi bộ, thì báo đã đăng đủ việc này
22/11
Đọc Người tình của một tác giả Pháp. Tự nghĩ văn xuôi hiện đại có tham vọng mô phỏng sự suy nghĩ của nhà văn, coi đó mới là đối tượng cần khám phá, cần chiếm lĩnh. Trong khi văn xuôi ở ta lại có tham vọng hiểu biết cả thế giới, và nói về nó.
Nghe tôi nói một hồi về các nhà văn, Trần Đình Sử bảo: ông Nhàn là người biết tiếp xúc với các nhà văn một cách suồng sã. Tôi cho đấy là một lời khen.
26/11
Dạo này cấp trên khá "rộng" Ông Đỗ Mười tiếp xúc với ông Nguyễn Khắc Viện.
Hữu Mai nói rằng tôi cũng không tán thành đối xử với ông Viện như vậy, có gì cũng phải tử tế với người ta (trước đó, Viện bị làm phiền ở khu phố và không ai in sách cho ông cả!) Ông Mai cũng bảo, thật ra Bùi Tín chỉ có mỗi một điều đáng nói là anh ta vô kỷ luật ở lại bên ấy, chứ anh ta hoàn toàn yêu nước, muốn cho Đảng cho dân ngày một tốt đẹp. Nghe một lúc một người như Đỗ Chu, trong buổi họp Đảng bộ cơ quan, liền đề nghị cấp trên nên cho phép Bùi Tín và Vũ Hùng về, để chứng tỏ ta mạnh.
Hữu Mai bảo bây giờ không dễ mỗi lúc mà phê phán người ta được, phải lắng nghe chứ. Hữu Mai là loại người rất nhạy cảm với tình hình chính trị. Hữu Mai không tự phát đâu mà chắc là có trên, có ai đó trên bảo vậy thì Hữu Mai nói vậy.
Dự lễ ra mắt quyển sách Nguyễn Minh Châu con người và sự nghiệp, thấy nhớ một quãng đời làm việc, hồi ở Văn nghệ quân đội với Châu - Khải. Từ hồi ra ngoài Hội, hơn chục năm rồi, tự thấy đã trưởng thành lên ít nhiều, tuy có lúc không kiềm chế được đến mức bị bọn Tôn Phương Lan, Khánh Thơ coi là quá điệu quá kiêu (?)) nhưng thật ra trong thâm tâm, bao giờ cũng buồn vì chưa làm được gì nhiều, và nếu không vun vén lại, thì rồi cuộc sống của tôi vẫn là một cuộc sống hoàn toàn dang dở.
7-12
Tại buổi ra mắt sách, Dương Thu Hương vừa được thả ra cũng cố đến.
Nhân đây, Trần Bảo Hưng có kể về cuộc họp báo, do Bộ Nội vụ tổ chức, về vụ Dương Thu Hương.
Những người chủ trì: Dương Thông, Quang Phòng, đại tá Nhuận, một tay lo vụ này, và một tay bên Viện kiểm soát.
Họ phát cho các nhà báo một tờ giấy, kể tội trạng Dương Thu Hương, và nói là ta khoan hồng.
Lập tức, có người thắc mắc chỉ có toà án mới có quyền luận tội. Tại sao trong văn bản lại nói có tội.
Trả lời: Đúng, đấy là sơ xuất của chúng tôi (về sau có sửa chữa)
Hỏi: việc thả Dương Thu Hương có do áp lực nào không?
Trả lời: Không, đây là nhân đạo của ta, ta không bị sức ép nào hết.
Hỏi: Trong tội danh ghi là do Dương Thu Hương viết quyển tiểu thuyết Vô đề. Vậy đây là vụ án tư tưởng chứ không phải án văn học.
Trả lời: Gọi là tiểu thuyết thôi, nhưng đây là một thứ bút ký chính trị, bút ký chống cộng không thể gọi là văn học được (về sau, anh em còn vặn: bảo bút ký cũng vẫn là văn học, nhưng họ cũng đối đáp cho qua chuyện. Và về sau, họ không nói điều đó ra trong thông báo chính thức)
Lại có người hỏi: Quan điểm chính trị của Dương Thu Hương ra sao, có gì thay đổi không.
Những người chủ trì phải nhận cô ta vẫn giữ quan điểm của cô ta (nói rõ ngay cả khi được tha)
Lại có người vặn: Việc góp ý kiến với Đảng là việc công khai, tại sao bị tội?
Trả lời: Nhưng đưa tài liệu đó cho người nước ngoài, với thái độ xấu, là có tội. Anh em lại bảo, nếu thế thì người đưa tài liệu đó cho cô Hương, còn phạm tôi nặng hơn cô Hương.
Những người chủ trì lờ đi, không nói gì.
Sau buổi họp báo, người ta thu lại biên bản cũ, và đưa ra một văn bản mới.
Trần Bảo Hưng bảo: Căn bản, bọn ấy lại muốn úm anh em làm báo nhà mình, nên bọn mình không chịu được.
Một việc có liên quan đến tôi.
- Tối 17/11 đài Pháp RFI, trong mục văn nghệ (?) có điểm bài phê bình quan trọng, một của mình (bài trên Sông Hương), một của Võ Phiến.
Không rõ bài của Võ Phiến nói gì, bài của tôi (theo bà Từ Kính Đàm kể) được tóm lại khá chính xác, và được giới thiệu như là đúng với cả người Việt Nam ở nước ngoài.
2 tuần sau, tối 1/12, Ân kể, có nhiều bài hưởng ứng tức là cho rằng bài viết của mình đáng chú ý, họ cũng kêu về tình trạng nhà văn không ra sao, nhà văn gì mà ra nước ngoài rồi sống lưu vong rồi còn chửi bới nhau (như chửi bới tẩy chay Nhật Tiến, Trịnh Công Sơn…)
Người viết bài này là Nguyễn Mộng Giác cũng nhận xét rằng xem ra, chính ở trong nước, lại có sự tiếp nhận văn học nước ngoài hơn là cánh lưu vong (bằng chứng là Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài)
9/12
Cảm giác về vụ Nhóm bảo trợ di sản nhà văn Nguyễn Minh Châu - cảm giác mình bắt đúng tư duy xã hội, và mình có thể làm công việc chung, do chỗ hiểu rõ chỗ mạnh chỗ yếu của từng người một!
15/12
Những bài báo ngắn, nó xé vụn đời mình ra, mình không ngóc đầu lên được nữa. Nhưng không viết báo thì làm gì? Sách, một quyển sách hay, là một chân trời quá xa, có lẽ không bao giờ vươn tới chằng. Nhưng vẫn thường xuyên nghĩ tới nó. Nhớ hồi nào, viết thư về cho vợ, nói rằng, đời chỉ còn 2 mục đích, là dạy con ngoan và viết một quyển sách. Nay thì mục đích thứ nhất, ngoài tay với rồi, mục đích thứ hai, dẫu sao vẫn có sức quyến rũ của nó!
Những chuyện quan hệ trong nghề, những tang ma đám này bốc mả, đám kia mừng thọ... Thỉnh thoảng đọc báo, không khỏi se lòng, đáng lẽ mình phải đi dự, có mặt trong các "sự kiện đó.
Nhưng rồi nếu không bị người ta rủ rê, thì tôi lại chói từ. Những lúc đầu óc tỉnh táo là lúc tôi chấp nhận cái lý thuyết này
- Con người chỉ làm được việc một ít việc
- hay hay dở, do tôi đánh giá lấy
- Cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào. Tôi sẽ chết mà còn bao điều không biết. Vậy thì việc gì phải hậm hụi, tiếc nuối.
Đơn độc, đó là số phận. Đơn độc như mấy người đàn bà có học, ở Liên xô vậy thường chỉ là một thứ người chú giải cho các tuyển tập.
20/12
Định gộp một số bài lại, làm nên một cuốn Nghề viết văn ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Chỉ cần đọc các mục lục sách đã thấy bên Pháp có hiện tượng thà người ta đi làm nhà nghiên cứu nghiêm túc còn hơn làm nghệ sĩ rởm.
27/12
Cuối năm, báo Văn nghệ (qua miệng Thỉnh) nói rằng họp cộng tác viên.
Nhưng mãi rồi cũng chẳng họp.
Người ta không chơi con bài phê bình – tôi nghĩ.
Từ 4/90, giới phê bình của chúng tôi không họp hành gì cả. Trên báo, không có tin tức gì về dư luận.
Cơ quan của Hội nhà văn lại xoay ra bàn về việc dạy văn trong nhà trường.
Báo Văn nghệ số 52 cũng đưa tin tạp chí Tác phẩm mới lại quyết định ra bộ mới, lại xoay ra, tập trung vào sáng tác. Vả lại giới thiệu bộ biên tập tạp chí gồm mấy người, Phạm Hổ, Hữu Mai, Tú Nam, Nguyên Ngọc, Ngọc Tú.
Nguyễn Kiên một lần bảo, bọn họ đâu có xin được tiền làm tạp chí, cứ lấy quỹ ra mà làm, thế mới nhảm.
Phú đã bảo tạp chí bây giờ cứ như ông Thành Thế Vỹ vậy - nghĩa là một người ốm dầm ốm dề, vợ con phải hầu.
Nói theo giọng Trần Đình Nam hồi ở Moskva người ta ngồi trong hố xí mãi cũng quen, ở bên kẻ hấp hối mãi cũng quen và đâu có biết ngượng, đâu có thấy ghê tởm.
Một trường hợp cho thấy tính cách của Vũ Tú Nam.
Trong vụ Bảo Ninh ông Nam là một trong 2 người (trong tổng số 9 người) không muốn có Bảo Ninh giải thưởng. Nhưng đến khi thấy cấp trên không nói gì, Tổng cục chính trị không nói gì, ông Nam lại khen Bảo Ninh và làm như mình rất ủng hộ cậu ta vậy.