VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1991 (1)

    Ngày nay tôi không còn nghĩ như những điều tôi ghi từ gần ba chục năm trước. Và cũng như mọi người tôi đành bất lực không kiểm chứng được những sự kiện mà tôi đã đề cập tới. Nhưng  đến bây giờ tôi vẫn nhớ rằng khi ghi những dòng dưới đây, lòng tôi trong sáng  và không hề nghĩ là có lúc sẽ được chia sẻ.  Mong được bạn đọc thân mến coi đây như những tài liệu tham khảo
5/1
 Bùi Việt Sĩ kể tháng giêng báo Nhân Dân sụt 2 vạn, Lao động sụt 8.000, Lao Động Chủ nhật sụt 500.
         Kỷ niệm ba mươi năm tạp chí Văn học. Báo này đưa tin số cuối năm, Viện văn học Việt Nam và viện Văn học thế giới mang tên Gorki cộng tác nghiên cứu đề tài: Văn học Liên Xô và văn học Việt Nam trong quá trình cải tổ đổi mới.
Tạp chí Cửa Việt ra đều các số 4-5; Sông Hương, sau một tháng im lặng lại cho ra số mới.
Báo Nhân Dân chủ nhật 30/12 (số 1) có bài Phan Tứ phê phán cuốn Miền hoang tưởng của Đào Nguyễn.
12/1
Từ 10/1 - 12/1, Ban chấp hành Hội Nhà văn họp. Lại nhận định văn xuôi có khá, truyện ngắn có nhúc nhích, chỉ phê bình là đang yếu (hiện ra rõ nhất là ở báo Văn nghệ)
16/1
 Khai mạc phòng tranh giấy dó hoạ sĩ Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thạch. Có bức tranh gợi hình ảnh một cỗ lòng trong bụng chửa. Phương Quỳnh bảo  ở đó có say mê nhưng đúng là  làm toát ra một vùng tà khí.
Có tin, Văn nghệ (vừa hoàn thành việc xây cái nhà 100 triệu) sụt 1 vạn.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, Tác phẩm mới của Hội Nhà văn đổi khổ. Tác phẩm mới nay giống như Người Hà Nội. Cũng có truyện ngắn, thơ, nay lại có những thông tin vớ vẩn, lấy từ chuyện tình của các tài tử, một thứ chế phẩm ở các báo Pháp Anh, Thái Lan và những mẩu chuyện vặt vãnh của Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, do Thanh Châu kể. Các chuyện này hình như tôi đã nghe ở đâu, còn đúng là ở đâu thì không nhớ.

2/1
        Ở báo Nhân Dân hôm 29/12 có cuộc trao đổi về cuốn Miền hoang tưởng của Xuân Khánh.
       Trong những người tham dự, có Duật, Đào Vũ, Bùi Hiển. Dĩ nhiên là họ lên án cuốn đó gay gắt rồi. Hữu Thỉnh cũng muốn đánh, dù đánh nhẹ tay. Chỉ có Nguyễn Văn Hạnh là bênh ra mặt. Lê Lựu và Ngô Ngọc Bội đứng ngoài cười.
Những tin này do Bùi Việt Sĩ kể.
      Tôi đế vào:
- Đừng nên hy vọng có gì gọi là công bằng cả. Nhu cầu của cấp trên là tạo ra những vụ việc để đánh văn nghệ sĩ. Hữu Thỉnh là tay quan chức cấp dưới, hắn lo đánh, mà lại cũng  lo lấy lòng anh em. Vì thế, 5 thằng bị đánh lại 5 thằng được tha. Như Ly thân được tha là vì vậy. Chả phải Ly thân khá hơn gì. Có thể là chưa đến lúc cần đánh. Mà cũng có thể là vì Trần Mạnh Hảo là dân đi đánh nhau về, thằng Thỉnh nó thấy thương hơn. Còn Xuân Khánh là dân hậu Nhân văn  nên nó đánh không thương tiếc.
- Định đánh ai là được. Bọn Đào Vũ, Phạm Tiến Duật lúc nào cũng đã sẵn sàng rồi.
- Cũng không ai có thể bênh ai được, trong cuộc đời này.
Ý riêng của tôi về cuốn sách của Xuân Khánh: Nó không hay. Xuân Khánh không vượt lên trên đầu óc một kẻ bị xã hội ghét bỏ để có cái nhìn dửng dưng của một nghệ sĩ.

Thanh Nhàn kể Bằng Việt đã về Uỷ ban Liên hiệp VHNT Việt Nam chỗ của Huy Cận. Chủ tài khoản của báo Người Hà Nội nay là Thanh Nhàn, của Hội Hà Nội nay là  Tô Hoài.
Vân Long kể anh em bình luận Tô Hoài khôn hơn Bằng Việt nhiều. Tô Hoài rút ở hội nhỏ để lấy thế ở hội lớn. Bằng Việt ngược lại được ở hội nhỏ nhưng mất ở hội lớn.
Bùi Việt Sĩ nhắc lại ý của Nguyễn Văn Hảo một phó thủ tướng cũ khi bỏ đi nước ngoài: chế độ nay bần cùng hoá nhân dân và lưu manh hoá trí thức.
Một bài viết về Lý Quang Diệu tự nhận ông ta có một nhãn quan chính trị dựa trên sự tin tưởng vào tính chất có thể sai lầm của con người.

15/1
Cái mà tôi muốn viết về văn nghệ lúc này là tình thế bùng nhùng. Một cuộc sống vẩn vơ, dang dở, bất thành nhân dạng, không ra ngô ra khoai gì cả. Một tờ báo, sống được vì bạn đọc lâu đời của nó, và bạn đọc ở các tỉnh. Chỉ có trang văn xuôi là được, lý do là văn xuôi do người ta gửi đến. Còn lý luận phê bình, cái việc đòi hỏi báo phải tổ chức lo liệu, thì không có mặt. Nhạt nhẽo vô hạn.
 Nhà xuất bản của tôi sống bằng các đầu nậu. Gần như cả năm chả in cuốn nào. Không, cũng in cuốn Hữu Loan, nhưng lại lỗ vốn. Tạp chí Tác phẩm mới cũng sống bằng mấy tờ phụ san, do người khác làm, và ngưòi ta nộp tô đều đều. Các tờ có liên quan nghiên cứu  thì thường in giai thoại.
24/1
  Nguyễn Văn Lưu (ký Trang Du) viết về sự im lặng không bàn không nghe trong văn nghệ hiện nay. Thú vị và cảm thấy… không làm gì cũng thành vấn đề, để cho bọn chính thống nó lên tiếng.
Báo Lao Động đâu có bài Xuân Cang cãi lại bài Phan Tứ trên Nhân Dân chủ nhật

Nhiều báo chí cả Người Hà Nội, cả Lao động nói rằng không khí năm vừa qua y như là đấu tố. Ở đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hoàng Tiến có tham luận  Phê bình không phải là đấu tranh tư tưởng  cũng nói tới  tình trạng đấu tố đó.
Báo Lao Động đăng tiếp một bài của Trinh Đường, không đồng tình với lối truy bức cuốn Miền hoang tưởng.

27/1
 Báo Quân đội nhân dân đưa tin, ngày 25/1 Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với báo Văn Nghệ và trường Đại học Tổng hợp hội thảo về Mảnh đất lắm người nhiều ma. Người đưa tin trên Quân đội nhân dân (ký Trịnh Vân) bảo đây là một loại Hội thảo thẩm định và hết lời khen Mảnh đất lắm người nhiều ma … hơn hẳn các tiểu thuyết viết về nông thôn thời gian 2 năm gần đây, rằng tiểu thuyết này không vụ chính sách, rằng nó là cầu nối văn học thời nay với văn học trước cách mạng v.v…
Hách bảo: Bọn Văn nghệ quân đội  thích khen, vì đây là người của nó.
30/1
 Tôi nói  với Ân có viết gì  cho Văn Nghệ cũng nên từ từ bọn nó vẫn không dám dùng của mình nhiều đâu, dùng 3 - 4 kỳ, là lại phải tìm đăng bọn Đỗ Văn Khang, Nguyễn Văn Lưu cho cân đối, cho nên có viết rồi thì cũng dang dở.

7/2
 Vào những ngày ngày, tôi  thích viết gì? Viết một bài về sự ngổn ngang không đâu của đời sống, mà cũng là của văn học.
Chúng ta đang mắc bệnh gì, bệnh trì trệ ư, không phải, bệnh thoái hóa.
Có vẻ như chúng ta đang làm được quá nhiều, người nào cũng khôn ngoan, người nào cũng biết làm nhưng không người nào làm được cái gì hoàn chỉnh. Thượng đế tai quái không keo kiệt. Người lại còn quá hào phóng nữa. Người truyền cho chúng ta một vẻ năng động kỳ lạ. Nhưng năng động mà làm gì khi mỗi chúng ta sứt sẹo nửa đời nửa đoạn, và những thứ chúng ta làm ra, chỉ toàn là những thứ không hoàn chỉnh.

13/2
 Cuộc thảo luận về Miền hoang tưởng ở báo Văn nghệ có lẽ là bị “cháy” chăng - đến nay vẫn chưa công bố: Nghe nói là những tay phát biểu quá diều hâu như Đào Vũ, Phạm Tiến Duật đều rút lại, không quá thiên về chửi bới, như khi phát biểu.
Báo Nhân Dân không thấy trả lời gì những bài phản ứng của Lao Động. Nếu vụ này qua đi êm ả như vậy, thì có thể tin: cánh kia (bọn bảo thủ) lại tạm thời thoái trào họ sĩ im tiếng chờ một nghị quyết mới.
Hữu Thỉnh bảo Đăng Bảy đến gặp tôi, bảo viết bài, nghe nói là ông có bài gì đó về tiểu thuyết trinh thám, ông gửi đi. Tôi nói thẳng viết nhỏ thì có nơi nó thầu cho tôi rồi. Còn viết lớn thì các anh cũng chả tin tôi (Sợ Bảy về nói không rõ, mình còn nhắn Ngô Thế Oanh bảo Thỉnh một câu đúng như vậy).

Theo tôi nhìn nhận chả phải là Thỉnh có ưu ái gì ai đâu. Ông ta chỉ lo lấy lòng mọi người. Một Tổng biên tập như Thỉnh không hề có ý niệm về sự định hướng một tờ báo, nhiều chuyện trong văn nghệ  nghe còn chưa thủng thì bàn gì đến công việc. Chỉ quan tâm đến mỗi một việc là đoàn kết mọi người và không để xảy ra chuyện gì quá đáng trong văn nghệ. Việc gì trên bảo là làm. Nhưng làm sao mềm mại một chút để khỏi mất lòng anh em. Việc gì anh em yêu cầu cũng làm (cái gọi là anh em ở đây là một đám đông thiển cận vụ lợi như chúng ta đã biết!). Hắn chỉ cố làm sao cho những yêu cầu ấy khỏi mâu thuẫn với cấp trên. Loại quan chức kiểu này chỉ có một thứ thờ phụng: cái gọi là sự ổn định trong khu vực hắn phụ trách dù đó là sự ổn định trì trệ. Thì cũng được. Ai đó nói rằng giữa nghệ sĩ với chính quyền có  mâu thuẫn, hắn chỉ mỉm cười làm gì có chuyện đó, báo cáo của cấp trên là ưu ái văn hoá cơ mà, văn nghệ sĩ ta đã giác ngộ, đã hiểu thế nào là tự do chân chính cơ mà. Hắn tin rằng hắn là một cái cầu nối  tuyệt vời.
Vấn đề không phải riêng Thỉnh có cách nghĩ ấy, vấn đề là tất cả những nhà văn phải chăng ở Hội, những người như Vũ Tú Nam đều giống Thỉnh. Họ chẳng làm gì quá đáng. Họ chỉ xoa dịu mọi người và tránh đi sự lố bịch.
Tin cuối cùng: có thể kỳ này Thỉnh sẽ vào Trung ương. Vì trong văn nghệ không có ai trẻ như thế, đang ở một cương vị quan trọng như thế (Tổng biên tập báo Văn nghệ) mà lại làm ăn xuôn xẻ và được nhiều người tín nhiệm như thế.

27/2
 Nghe các ông Đại học sư phạm mời tham dự hội nghị giảng dạy văn học thế kỷ XX, tôi bật lên nói với Ân: đi dự những thứ hội nghị này mà làm gì! Nói một hồi bát nháo, cái hay cũng như cái dở, người có suy nghĩ cũng như kẻ hời họt nói leo, thế rồi cũng mang tiếng là một hội nghị khoa học.
Tôi ao ước gì? Tôi ao ước có một nhóm 5-7 người, luôn luôn bàn bạc với nhau tranh cãi nhau, nói với nhau đến cùng cái ý của mình, và tạo ra một chương trình nghiên cứu khác hẳn, đứt đoạn với với những gì đã có từ trước.
Đọc quyển Giảng văn lớp 10, thấy các ông Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác, Trần Hữu Tá... viết lại về một loạt tác giả Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng... Cũng là cái cũ được tân trang một tí, thật chán.

5/3
Văn nghệ số 9 1/3/91 lại đưa tin Ban chấp hành Hội Nhà văn nhận định lý luận phê bình còn yếu, lý luận không có tìm tòi gì mới, và thời gian vừa qua có những bài thô bạo, truy chụp, đả kích cá nhân.
Cánh "thô bạo" thì còn dễ hiểu - Nguyên Ngọc kể có lần Nguyễn Đăng Mạnh đã bảo Nhân Dân là một thứ báo chí đen. Gần đây, sau khi Lao động phản ứng về bài của Phan Tứ đả kích Miền hoang tưởng, không thấy Nhân Dân nói lại . Âu cũng là một thứ vuốt ve chứ còn gì.
Vuốt ve như có tin  Nguyễn Văn Linh lại vừa gặp Trần Độ.
Nhưng còn cái cái điểm nói rằng lý luận không có tìm tòi gì mới. Tôi không hiểu họ muốn nói gì. Hoặc đấy chỉ là câu nói ba lăng nhăng, quen mồm như nông dân nói tục. Hoặc là mồi cho anh em nói bậy, rồi lại ra một đòn sấm sét để chứng tỏ sự đúng lập trường của mình. Chưa xác định được.
Báo Văn nghệ, phụ san tháng 3 là để nói về Chùa Hương và văn nhân.
Chiều thứ tư, 13/3, Đài Tiếng nói VN phát đi bài bình luận "Không được phủ nhận thành quả của đổi mới". Nguyên do là hình như Nguyễn Khắc Viện có viết một bài đại ý:
- Bộ máy chính quyền của ta hoàn toàn bất lực
- Đảng mất niềm tin của nhân dân.
- Những người cầm đầu Đảng nên tự động từ chức cả một loạt, đó là việc làm có ích nhất của họ trong lúc này. Còn trong xã hội, nên có sự phân công rõ ràng - chính quyền phụ trách mọi việc. Thủ tướng có thể không phải UV BCT v.v.
Nghe nói (?) bài viết được Nguyễn Hữu Thọ gật, Đại đoàn kết định in, nhưng Tổng biên tập của Đại đoàn kết khôn ngoan, gửi lên Tuyên huấn xin ý kiến. Thế là bị bác bỏ, nhưng đồng thời với việc gửi báo Văn nghệ, Nguyễn Khắc Viện đã gửi bài này cho hãng AFP. Thế là phương Tây làm ầm cả lên. Sau vụ Thành Tín, vụ này có vẻ ầm ỹ hơn cả. Có ảnh hường gì đến văn nghệ không? Có.
Lâu nay, câu chuyện Dương Thu Hương bị bắt không ai nói tới nữa. (Trần Đình Sử: Dương Thu Hương đúng là một con mẹ nhập đồng). Cuộc thảo luận về Miền hoang tưởng không đi đến đâu, báo Lao Động đưa tin Cục Xuất bản chính thức xác nhận là quyển sách đó không có vấn đề gì. Chả hiểu rồi nay mai có chuyện đánh đấm Văn nghệ gì nữa không nhưng có vẻ như văn nghệ đang trở về với cái thế chả là cái gì của nó cả. Văn nghệ chỉ chửi xã hội chung chung. Mà cái đó bây giờ thì chả ai coi là mùi mẫn gì.

16/3
 Văn nghệ đăng tranh luận Mảnh đất lắm người nhiều ma.
Cuối tháng 3, báo chí (Nhân DânHà Nội mới ) đăng nhiều bài nói về những quan điểm sai trái. Đại khái, đó là ý kiến của Bùi Tín, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Minh Chính. Nhưng không ai dám công bố cụ thể tài liệu của họ là gì.
20/3
Họp Đại hội Đảng bộ Hội Nhà văn, ông Kim Lân kêu om lên, Đổi mới mà không động chạm đến ai, mà khiến cho tất cả mọi người vui vẻ, thứ đổi mới ấy không phải là đổi mới.
Đào Vũ thì đòi tự do sáng tác.
Mình chán nghe hết, song mình lại nghĩ: lịch sử là thế. Chính họ chán cái sự cũ càng vớ vẩn của họ.
22/3
 Hội thảo  khoa học về nhà thơ  Nguyễn Gia Thiều ở quê ông. Tôi có bài  viết về chất barocco trong Cung oán ngâm , nhưng sợ, phải nhờ Lại Nguyên Ân đọc hộ và coi như cùng đứng tên tác giả. Sau chính Ân nói chuyện này với Huệ Chi trong ban tổ chức
29/3
Dự hội thơ ở Quảng Ninh. Bài thơ đáng nhớ nhất là bài thơ từ một người con gái chưa có chồng, ở nhà  một mình một bóng, thản nhiên như một bông hồng bỏ quên

15/3
Cảm giác về cuộc sống - một mặt đất không thấm nước, đất đã bị làm hỏng từ lâu rồi, trơ rồi, không nhận một cái gì nữa, trong khi đó, thì mặt nước mỏng lại đầy những thứ hôi thối.


Báo Lao Động số 4/4 có tin Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài dịch ra tiếng Pháp (3.500 bản) tiếng Ý,  và tiếng Nhật nữa (12.000 bản)

Ý của Likhachev
Chúng ta mới đòi quyền của con người. Nhưng cái phải đòi là quyền của văn hoá (…..)

17/3
Biện chứng của sự phát triển suy nghĩ là tôi phải phủ nhận những người  đi trước, phải làm khác họ, phải tìm cách cạnh tranh với họ. Và như vậy làm sao có được sự thông cảm như những ngày còn nép bên cạnh họ. Tôi đã lố bịch quá chăng? Nhớ có lần buột miệng nói với Trần Đình Sử về ông Mạnh:
- Trên tinh thần khoa học, tôi ngờ cả ông Mạnh xuất sắc thế cũng không thể đóng vai trò chủ biên mọi sách viết về văn học hiện đại như cũ được nữa.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chỗ khác. Ở sự không tìm thấy ai để kính phục. Không biết dựa vào ai bây giờ. Nhìn ai cũng chán.
Về văn học đầu thế kỷ XX , lâu nay tôi tin tưởng ở Trần Đình Hượu. Nhưng đọc kỹ thấy ông Hượu cũng không được, như đã thấy ông Phan Ngọc là không được, họ cái cái gì không hiện đại, cổ lỗ, không phải là văn học.
Vậy thì hy vọng ở ai bây giở?
Hà Văn Tấn: Tôi hoàn toàn cô độc. Ba mươi năm nay, tôi không tìm ra một người học trò nào đích đáng cả.

24/3
Văn chương chẳng khác chi đời sống, cứ có một cái gì lộn xộn, thừa mứa, mà lại không sao làm cho người ta yên lòng, không gợi một vẻ đẹp trong sạch.
Nó cuốn mình tới, nó khuyến khích sự liều lĩnh ẩu tả nơi mình, song quả thật, nó chỉ có một tác dụng là kích thích nơi mình tính tự vệ, khả năng đơn độc để chống lại sự xâm nhập của nó.

5/4
Đi Quảng Ninh về, cảm thấy một bức tranh chung bi đát, tối tăm. Nhân dân khổ cực, bọn gian ác - ở đây là các giám đốc tha hồ hoành hành. Dân văn nghệ địa phương giống như một lũ ăn bám, chơi tổ tôm và tán nhảm suốt ngày. Họ tự hào vì những lời khen mà bọn có danh ở trung ương dành cho họ. Và thật đơn giản là nếu cánh trung ương kia không khen họ, thì họ chẳng mời về làm gì.
Trở lại với công việc văn nghệ. Có bao điều muốn viết, mà không sao viết ra nổi. Lòng cứ châng lâng, bao gồm trong đó đủ cả sợ hãi, kinh tởm, ghê sợ, chán chường, và bao trùm tất cả là cái ý tưởng đáng lẽ mọi chuyện phải khác đáng lẽ chúng ta phải sống khác.
Cảm giác đánh mất mình, không phải là mình, đồng nghĩa với cảm giác cay đắng. Tại sao mọi chuyện lại như thế, trong khi chúng ta chỉ có một cuộc đời, một cuộc đời duy nhất.
Rất muốn viết về Bảo Ninh, đi đâu cũng bảo 15 năm nay mới có một quyển sách như vậy. Nhưng chẳng nhẽ viết rằng đọc Bảo Ninh thấy cuộc sống, nhất là cái đẹp bị tàn phá, và cái mà chúng ta còn lại sau chiến tranh là một đống đổ nát. Hoàng Ngọc Hiến dẫn Eluard dẫu sao cũng phải sống... Nhưng tôi không tin như vậy. Cái chính là ở E, cuộc đời còn đáng hy vọng, mà ở trường hợp cuộc sống của Bảo Ninh thì không phải như vậy.

10/4
 Dự hội nghị đổi mới nội dung giảng dạy lịch sử văn học VN thế kỷ XX ở ĐH Sư phạm 1. Cũng giống như mọi hội nghị khác, tất cả đều dang dở.
Nghe nói 6/4 này có hội nghị về những ảnh hưởng văn học Pháp ở Việt Nam. Người ta cũng loanh quanh nói ảnh hưởng cụ thể  nhà văn này với nhà văn kia, mà không  thấy những vấn đề lớn hơn ( tôi hiểu ảnh hưởng chính là ở mẫu hình của Pháp với văn học Việt Nam hiện đại).
Một số ý kiến của Ân trong hội nghị 10/4
- Văn học trước 1945 đã hoàn thành những sứ mạng của mình là chung đúc nên những khuôn mẫu nghệ thuật (tức là thơ đã là thơ, tiểu thuyết đã thành tiểu thuyết) văn học sau 45 chỉ đưa cái đó vào một chặng mới.
- Văn học cách mạng gắn bó với hình ảnh người cách mạng, tù đày, gian khổ, đấu tranh. Sau 1945, nền văn học công khai trên phạm vi cả nước đâu có thể gọi là văn học cách mạng.
Văn học Việt Nam thế kỷ XX phải được hiểu một cách rộng rãi, cả nền văn học ở vùng tạm chiếm, văn học ở Sài Gòn trước 75, văn học Việt Nam ở hải ngoại.
Có vẻ toàn là những ý kiến khó sực cả.
14/4
Ngẫu nhiên đọc lại Pasternak,  nhớ nhất là bài viết về nguyên mẫu Lara. Có vẻ ở đó có đủ cái vị cay đắng trong sự tồn tại của một con người. Nhưng lại cũng có cả tình yêu nữa. Tình yêu như nơi nương tựa, như cái neo giữ con người ta lại.
Nhìn ông Nam, ông Chính Hữu, chẳng biết nói chuyện gì với các ông ấy cả, nên thường lảng. Ông Nam trông như một miếng thịt mỡ thái to trong các mâm cỗ của đám nhà nghèo, thấy ông ấy lên phát biểu, mình buột mồm nói với Ân:
- Ông này ít có cái chất xốp tức không có khả năng nghe người khác đâu.

 15/4
Có tin Dương Thu Hương bị bắt. Nghe nói là bắt được nhiều tài liệu nội bộ, mà một người Mỹ gốc Việt mang ra nước ngoài. Khi đến nhà Hương khám, có những cái đó, thêm nhiều cái khác.
 Có người nói rằng, đây chỉ là tạm giữ một thời gian.
Lại có tin Xuân Khánh cũng bị bắt. Vụ Miền hoang tưởng như vậy không còn là trong phạm vi báo chí nữa, mà là phạm vi hình sự (hình như ở đó, nói nhiều đến công an, nên bị công an kiện).
26/4
 Những tin tức có liên quan đến Dương Thu Hương
1. Ông Đỗ Đức Hiểu có giữ một bản thảo của Hương. Hương khai điều này với công an, và họ cử 5 công an mang thư tay tới ông trong đó, Hương viết là đưa bản thảo cho họ. Ông Hiểu đã đưa.
Ông Hiểu thương Dương Thu Hương, định làm một cái đơn để mọi người ký vào, nói rằng xin tha Hương. Nguyễn Trung Đức can bây giờ không ai dám ký đâu. Tốt hơn hết, ông Hiểu nên đến nhà thăm hỏi gia đình Hương, có gì quyên tiền anh em đóng góp.
2. Hôm Hương bị khám nhà, có mặt cả Hà Sĩ Phu. Hình  như  khám trong người Hà Sĩ Phu cũng có tài liệu gì đó. Hà Sĩ Phu bị giữ 2 tiếng rồi được thả. Nhưng bị giữ chứng minh thư. Không đi Đà Lạt được. Ngày nào cũng phải đến trình diện.
3.Nghe nói ở Pháp, một số trí thức đã ký tên vào tuyên bố chung ủng hộ Hương, xin giảm án cho Hương (trong đó có Hoàng Xuân Hãn)
Người ta cũng biết rõ Hương là một cây bút viết theo truyền thống, tìm tòi trong sáng tác không có gì là đáng kể. Nhưng rõ ràng, ở nước Việt Nam, đây là người còn dám nói rõ ý mình, và đấy là nhân cách.
 Nguyễn Quang Thân bảo, Hương nó viết những bài như tham luận ở đại hội nhà văn v.v. rất văn học mà lại rất chính trị, một thứ chính trị mà chỉ bọn văn học mới làm nổi, một thứ chính trị ở ngoài chính trị thông thường.
Mình  thì nghĩ Hương có chút gì đó, vừa cho mọi người, nhưng lẽ ra  còn phải là cao hơn mọi người.
30/4
Không bao giờ bằng lòng với sức làm việc của mình, và đến khi nghĩ về một quyển sách, lại thấy thêm những lý do để không bằng lòng. Bạc nhược trong tính cách, cằn cỗi trong vốn kiến thức, tôi sẽ làm được gì trong cái thế giới đòi hỏi rất cao như thế này?
8/5
Ngày 4/5 ông Nguyễn Thành Long chết, quàn ở 51 Trần Hưng Đạo, để 7/5 mọi người đến viếng và điếu. Nguyên Ngọc  đọc điếu văn.
Ông Cao gặp mình và Khuê, bảo mình thằng này vẫn là Gavros, đã 20 năm nay, tôi bảo nó là Gavros. 
Về sau,  ông còn bảo với  mọi người.
- Bây giờ chỉ có đám tang chúng mình mới gặp nhau.
 Hà Sĩ Phu được Ma Văn Kháng và Ngô Văn Phú bảo lãnh đã được tha về.
Công an đến hỏi cả Bảo Ninh, tại sao Dương Thu Hương gửi thư, nội dung thư là gì (Dương Thu Hương khen quyển viết hay).
Ngày 7/5 các báo đều đăng những câu trả lời của lãnh đạo Tổng cục phản gián - Bộ Công an, trả lời về vụ Bùi Tín, Dương Thu Hương. Tin đồn bên ngoài, đâu bắt cả Nguyễn Huy Thiệp, Xuân Khánh, nhưng trong thông báo không thấy nói, chắc không phải.
Nghe Khuê nói, trên báo Quân đội nhân dân có mục trả lời bạn đọc, đại ý nói đưa tài liệu mật ra nước ngoài. Dù không hại đến an ninh quốc gia nhưng có tính chất chống đối thì vẫn bị tù khoảng 5 năm - 10 năm.
Nhưng nghe ông Bùi Hồng kể, chính ông Hà Học Hợi cạnh nhà ông (Hà Học Hợi- Phó ban tư tưởng) cũng thấy bí, vì bây giờ quy tội khó, mang ra xử càng phiền.
 Ông Bùi Hồng + ông Lê Khánh bảo nhau thế nào đó, rồi đến Hội nhà văn chất vấn Hữu Mai:
- Bây giờ có thể giúp gì cô đó về chính trị?
- Không được.
- Thế về kinh tế vậy.
- Kinh tế thì được.
Ông Khánh đề nghị tự ông sẽ đi quyên tiền, nhưng Hội nhà văn phải đứng ra giữ hộ. Hội của anh em, phải giúp anh em trong lúc khó chứ. Hữu Mai ầm ư không mặn mà gì trong câu trả lời.

Các kỳ trước, không thấy có văn nghệ sĩ nào đi dự đại hội Đảng toàn quốc cả. Lần này thì khá đông. Bên nhạc có Đàm Linh, bên hoạ có  Dương Viên, điện ảnh có Thuý An, sân khấu có Thanh Hương, văn có Vũ Tú Nam, Hữu Mai, Ngọc Tú (không có Thỉnh như tin lâu nay vẫn đồn).
Ngoài ra, còn Phong Lê đi theo khối khoa học, Xuân Cang đi theo khối công đoàn. Ở các địa phương thì có Nguyễn Khoa Điềm.
Nhưng nghe nói Trần Hoàn được trung ương cho về ứng cử ở Bình Trị Thiên thì bị trượt.
19/5
Dạo này, tôi hay nói với  mọi người là sẽ cố gắng để không chỉ nhìn văn học dưới góc độ hệ tư tưởng, mà còn là dưới góc độ văn học, văn hóa với nghĩa:
- trình độ làm nghề, kỹ càng, tỉ mỉ, có kỹ thuật.
- Trình độ làm người, đằng sau sự kỹ càng và kỹ thuật đó là một lòng tin ở con người, lòng tin ở một cái gì như là nghĩa lý cuộc đời.
Ngoài ra, văn hóa đây được hiểu, không những từ góc độ của dân tộc, mà còn từ góc độ thế giới: trong thế kỷ này, con người không chỉ bị giam hãm trong cái không gian địa lý mà anh ta đã sinh ra, anh ta còn bị khống chế bởi cuộc sống toàn nhân loại nữa.

Ông Nguyễn Thành Long chết. Tôi viết một bài ngắn cho Lao động của Bùi Việt Sĩ . Báo đăng ra, Hồng (con ông Long) đọc thích lắm, cho là tôi còn hiểu ông Long hơn ông Huy Phương. Tôi cũng tự hào là trong bài này, nghĩ và viết như một nhà văn, thông cảm với các nhà văn đồng nghiệp một cách thực thụ.
Tôi đã viết như được ủy nhiệm của bạn bè và đồng nghiệp, đọc diễn văn bên mồ ông Long vậy.
Nhân đây Hồng kể một ít chuyện của bố. Và khi nhớ lại lần tôi tới thăm ông Long hồi đầu tháng 4, Hồng buột miệng:
- Khi chú về, bố cháu bảo rằng không chừng chú có thể thành một trí thức.
Tôi gần như nghẹn ngào: "Chú cũng  chỉ mong được một phần như thế".
Cái điều làm cho tôi thông cảm với trường hợp ông Long: những dang dở của đời văn. Tôi cũng đang muốn chạy trốn khỏi tình thế dang dở đó, mà liệu có nổi?
Tôi bảo Hồng:
- Chú chợt nghĩ những cặp bạn kỳ lạ, ông Long và ông Phương, ông Long và ông Khải, thậm chí ông Long và ông Ngữ. Có một dạo ông Ngữ hay tới đây?
- Vâng, cháu nhớ chiều nào cũng đến.
Bố cháu hôm ấy còn kịp đọc cả bài Mai Ngữ viết về ông Hà Minh Tuân. Và bố cháu bảo là ông Ngữ không đáng viết điều đó. Phải ông Ngữ cơ hội không chú?
- Hơn thế nữa. Ông ta như một nhân vật lưu manh của Gorki, hắn dám làm tất cả mọi điều dơ bẩn. Không phải là cơ hội nữa mà là mất hết nguyên tắc sống, là làm cái gì cũng được, sống bất cứ cách nào cũng được.
Hình như trong giới văn học của ta, số người sống (một phần) kiểu đó rất nhiều, liều lĩnh, hèn hạ, suồng sã kiếm sống, không thành nhân cách gì hết. Đó là tiền đề của chủ nghĩa hư vô - cố nhiên phải tạm dùng chữ hư vô thôi, nhưng là hư vô của bọn không xương sống.

20/5
Sau Nguyễn Thành Long đến Đỗ Quang Tiến chết. Những ngày thường của văn học là những ngày buồn bã. Mà những khuôn mặt bình thưởng của văn học cũng là những khuôn mặt nhợt nhạt, không ra hình sắc gì cả.
Ông Phú viết một bài  về Đỗ Quang Tiến, in trên Văn nghệ. Bài viết có nhan đề là Đỗ Quang Tiến một tâm hồn sâu lắng. Ông Kiên tức lắm, sao lại gọi thế được. Ông Tiến là một cái gì hời hợt, công chức, ngược hẳn với chữ sâu lắng ấy.
Nhưng báo chí bây giờ ấy mà!
Ân bảo, nét đặc sắc của văn Phạm Thị Hoài là ở cái chất mỉa mai nhạo báng của nó. Mỉa mai cả một nền văn học - dù không mỉa mai cụ thể một ai cả. Nhưng cứ nhạo báng chế giễu suốt.
Đấy là cái thách thức của Hoài.
Tôi nghĩ đến phận mình. Có viết khác một chút, cũng không thể tách hẳn ra khỏi cái chung của nền văn học này.
Không bao giờ tôi gia nhập được vào cái mạch của văn học chân chính.
Tuy nhiên, cái có thể tự hào, là một nhận thức nhân bản, mà từ Bakhtin từ bao triết gia khác, nó đã vào tôi.
- cuộc đời là một cái gì lung linh
- sự sống chống lại mọi sự  sơ đồ hóa cằn cỗi
- tự do là yêu cầu cao nhất của con người. Dĩ nhiên, đó phải là thứ tự do của văn hóa, của sự từng trải về tinh thần
- cuộc kiếm sống là một cái gì vừa phàm tục, vừa thiêng liêng nhất của con người
- Không bao giờ con người hiện thực hóa hết những khả năng của họ trong cuộc sống.
Con người không trùng khít với bất cứ điển hình có sẵn nào đó.
Con người không trùng khít với chính mình
- Sự thật nặng hơn thế giới
v.v...
Loanh quanh, rồi những quan niệm chuyên môn của tôi cũng chỉ là sự triển khai một ý tưởng đó.
Điều an ủi ở đây là có vẻ như những cái đó bao giờ cũng đúng.

26/5
  Nghe ông  Quang Phòng (thiếu tướng CA)  nói về vụ Dương Thu Hương
Cái mà DTH đưa cho BD Tâm - coi như phạm luật (điều 74c) và đưa ra nước ngoài những tài liệu cấm - chỉ là biên bản cuộc góp ý kiến của CLB hưu trí Đống Đa, 2 biên bản góp ý kiến với Đảng của chi bộ UB KHXH.
Quang Phòng nói thêm bây giờ các ông nhìn nhận vụ Dương Thu Hương cũng đơn giản hơn. Mọi người nghĩ một sự cảnh cáo. Có thể sẽ không mang ra xử, nếu thấy xử là không cần thiết. Ma Văn Kháng bảo với Lại Nguyên Ân: đã xuống thang rồi.

28/5
Trong vụ Dương Thu Hương đi tù nghe nói chỉ có ông Tào Mạt là quyết liệt, ông vào thăm Dương Thu Hương ở chỗ tạm giam, lại đi quyên tiền giúp Hương nữa.
Ở Huế, nghe nói cũng có quyên tiền. Chỉ trừ có yêu cầu tha là anh em không dám làm. Để chờ hiểu kỹ đã làm mới làm.
Bửu Nam kể: anh em ở trong ấy bình tĩnh hơn ngoài này. Ngoài này sao khiếp quá vậy.
          Bảo Ninh cũng nói là cậu có biết những thằng trong giới giang hồ có bạn giết người, nghĩa là lúc nào cũng coi như có thể bị làm phiền vì liên luỵ, vậy mà họ cũng còn bênh nhau. Khá hơn cánh viết văn nhiều.

Có hai tin giật gân:
1. Sông Hương bộ mới bị cấm. Tại sao? Có người bảo tại nói do bài Ngài Thanh tra chính phủ về làng của Phạm Thị Hoài. Nhưng có người bảo không phải.
2 Kim Hạnh bị cách chức TBT tờ Tuổi trẻ, nghe đâu vì đã đăng lại tin cụ Hồ có vợ của báo Nhân Dân - đăng lại, nhưng làm thật ầm ĩ, nên còn mắc tội nặng hơn kẻ đã đăng lúc đầu.
Nhưng đấy chỉ là chuyện nói ra ngoài. Chuyện bên trong, biết như thế nào mà nói.
Theo Bùi Việt Sĩ, sở dĩ Hữu Thỉnh không được cấp trên ưng lắm vì còn chưa kiên quyết trong một số việc (như vụ Ly thân, vụ Miền hoang tưởng chẳng hạn).
 Hữu Mai kiên quyết hơn, nên cũng là… đáng để vào trung ương hơn.
Về sáng tác ông Kiên hay bảo mình, đi đâu xem có bản thảo nào tốt, thì đăng, chứ dạo này, hết nhẵn rồi.
Cánh Văn nghệ quân đội có kẻ muốn đánh Thân phận tình yêu lại có kẻ muốn … kệ nó
Bài viết của Sử về Thân phận của tình yêu, báo Lao động bảo là để đấy đã, không dùng được. Sau đại hội sẽ hay.
Nghe mọi người kể đến thăm Hội nhà văn, Mitterant tổng thống Pháp xin gặp Dương Thu Hương - Ông Nam trả lời Dương Thu Hương đang bị tạm giữ; xin gặp Phạm Thị Hoài, bảo là cô ta không phải hội viên; xin gặp Nguyễn Huy Thiệp, bảo chưa liên lạc được.Xin gặp Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, bảo xa quá, không có tiền mua vé.
Sau đó, cũng bố trí cho Sáng gặp. Gặp xong. Đại sứ quán Pháp rút tiền ra, trả vé máy bay cho Sáng ngay.
Khi cuộc sống đã tràn bờ, không còn rõ nó đi đến đâu nữa.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn