VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Hiến Lê -- người cải chính nhiều sự hiểu nhầm về Trung quốc.

Đóng góp của Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) trong khoa Trung quốc học là ở chỗ tận dụng ưu thế thời đại mang lại cho nó một cái nhìn khác các bậc tiền bối. Xuất thân từ Tây học, song ông lại có thời gian về học với người bác là một bậc thâm nho, nhờ đó bồi đắp cho mình cái vốn Hán học chắc chắn. Trong suốt cuộc đời ông luôn luôn có cái nhìn phối hợp Đông Tây khi cần xem xét các vấn đề cơ bản mà người trí thức phải đối mặt.

Hai cuốn sách quan trọng của Nguyễn Hiến Lê làm theo hướng này là bộ  Sử Trung Quốc, và bộ đôi Khổng Tử - Luận Ngữ. 
Cái nhìn của ông là từ bên ngoài và không phụ thuộc vào cách giải thích của Trung Quốc. Nhưng ông vẫn biết tìm ra những khía cạnh tốt đẹp mà cả Đông và Tây, cổ điển và hiện đại đều phải công nhận.
Ông cải chính nhiều sự hiểu nhầm về Trung quốc.
Chúng tôi sẽ lược lại một số ý trong cuốn Sử Trung Quốc bàn về chính trị mà chúng tôi thấy tâm đắc nhất, và những lời bàn chung quanh khái niệm dân ở Nho học, là những điều  hiện mang tính thời sự. 

TRỊ QUỐC CHI ĐẠO (I)
      Một lần ở một hiệu sách ở ga Bắc kinh, tôi  thấy một cuốn sách dày cộp  mang tên như trên. Chợt nhận ra việc quản lý quốc gia ở nước Trung Hoa cổ được ghi chép rất đầy đủ và nâng lên tới trình độ một bộ phận quan trọng trong văn hóa.
      Đọc cuốn sách Sử Trung quốc Nguyễn Hiến Lê viết cuối đời, càng thấy rõ điều đó.
      -- Tần Thủy Hoàng độc tài chuyên chế. Ông giết trí thức. Nhưng đó không phải là cách cai trị lưu manh vô học. Đã tin dùng  trí thức nào ( thừa tướng Lý Tư) là dùng đến triệt để. Đốt sách, kể cả Tứ thư Ngũ Kinh nhưng là đốt những bộ tạp nham, trong khi vẫn tàng trữ một bộ trong triều đình ( tr103, bản Sử TQ của Nxb Tổng hợp TP HCM,2006). Với những điều luật bắt buộc thư đồng văn xa đồng quỹ, ông ta có công đưa mọi sinh hoạt của quốc gia vào nền nếp. Các trường học dưới thời ông dạy rất kỹ môn pháp luật quốc gia.
      -- Thời Tiên Tần, TQ đã có những nhân vật quản lý xã hội đầy tài năng và có tư duy hiện đại như Quản Trọng, Thương Ưởng. Trung Quốc cuối thế kỷ XX cũng đang lặp lại nhiều biện pháp của Thương Ưởng.       
       -- Triệu Khuông Dẫn vua nhà Tống được quân lính đặt lên ngai vàng nhưng  công việc đầu tiên khi lên ngôi là đặt văn quan trên võ quan và hạn chế quyền lực của các chỉ huy quân đội.
        (Nói như sách Các nền văn minh thế giới—Lịch sử & văn hóa  thì ngay từ đời Đường, người Trung Hoa đã tin chắc rằng các chế độ quân sự không hợp với một quốc gia có chuẩn tắc và văn minh.)
        -- Trong các biện pháp cải cách của Vương An Thạch đời Tống cũng có nhiều việc rất hiện đại, chẳng hạn khi tuyển dụng quan lại chỉ huy các việc nông điền thủy lợi không dùng người văn hay chữ tốt vừa đỗ đạt mà thiên về dùng người có chuyên môn tức có kinh nghiệm.
      -- Sau các chiến thắng quân sự lẫy lừng, chế độ cai trị mà Hốt Tất Liệt áp đặt lên xã hội Trung Hoa hết sức tùy tiện “triều đình là một mớ hỗn độn vô tổ chức, hiệu lệnh ban ra địa phương không nghe; mỗi gia đình đại thần tự làm chính trị,  mỗi người tự coi là quốc gia “ ( tr396-397)
      -- Trong số lý do khiến  Mãn Thanh về sau thành công, có lý do này -- “ triều đình ít can thiệp vào đời sống của dân “ ( tr 481), “ đất đai mênh mông mà số quan lại rất ít” (tr482). Ở trang 497 còn ghi rõ hơn 450 triệu dân chỉ có 100.000 quan lại. 

TRỊ QUỐC CHI ĐẠO (II)
     Các xã hội chiến tranh là những xã hội tham nhũng nặng nề. Lần đầu tiên tôi biết điều đó là từ phần viết về nhà Nguyên trong cuốn Những bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung quốc, của nhóm Cát Kiếm Hùng, bản tiếng Việt của nhà sách Văn Lang 2004.
     Nhưng mới đây đọc lại hóa ra các sử gia chuyên về sử Trung quốc đã viết về tình trạng thiếu pháp luật và tham nhũng của các chính quyền quân sự từ lâu.
     Như  Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi đã viết trong cuốn Hàn Phi Tử -- Bản của Nxb Văn hóa 1997—tr 29:
     Bắt đầu ngay từ thời Chiến quốc, thời các chư hầu đánh lộn lẫn nhau.
“Quan lại đa số tham nhũng: Tư Mã Thiên trong bộ Sử ký thiên 119 chỉ chép truyện của năm vị quan tốt, mà thiên 122 chép truyện của mười tên quan xấu (chữ Hán gọi là khốc lại).
    Kẻ sĩ tranh nhau ăn tới mức Phạm Tuy tể tướng Tần, tư cách chẳng cao đẹp gì mà cũng phải ví họ với bầy chó của vua Tần: “( khi bình thường) nằm thì cùng nằm, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau; nhưng hễ ném cho chúng một khúc xương thì chúng vùng dậy, nhe nanh ra cắn nhau. Chỉ tại tranh ăn.
..Xã hội từ trên xuống dưới đầy trộm cướp “.

  QUAN LẠI XUẤT THÂN TỪ DÂN NGHÈO
 CÀNG DỄ THAM NHŨNG
    Trong việc làm bộ sử Trung quốc, Nguyễn Hiến Lê dựa nhiều vào các nhà sử học phương Tây, nhưng  bao giờ cũng dẫn họ ra rất đầy đủ sau đó có ý kiến riêng của mình.
      Ví như quanh chuyện quan lại và tham nhũng ở Trung quốc. Lối tuyển người làm quan ở đây là qua khoa cử, nó có cái mạnh là tránh đi vào cha truyền con nối của quý tộc châu Âu, và đấy là điều khiến cho Voltaire cũng từng khâm phục.
      Nhưng một nhà nghiên cứu là  Eberhard lưu ý ta một điểm khác.
     Ông này khi nghiên cứu về các đời Đường Tống đã nói rằng nguồn gốc của tệ tham nhũng là do quan lại được trả lương quá thấp.
     Khi nghiên cứu sang thời Minh, Eberhard lại lưu ý càng  đám quan lại xuất thân từ các tầng lớp dân nghèo, do đỗ đạt mà thành quan càng dễ tham nhũng. Tại sao? Muốn đỗ thì phải hối lộ quan trường, đỗ rồi muốn được bổ dụng thì phải đút lót nhà quyền quý... Đến lúc ra làm quan thì phải tham nhũng để thu hồi vốn và trả nợ.
       Chép lại nhận xét này của Eberhard ( tr. 441), Nguyễn Hiến Lê tỏ ý không tin.
      Nhưng tôi thì lại thấy rất  tin vì nó giúp tôi giải thích tình hình quan chức thời nay.  

CHUNG QUANH KHÁI NIỆM DÂN TRONG NHO HỌC
    Đây là một điểm mà theo tôi Nguyến Hiến Lê có cách hiểu khác hẳn với đa số chúng ta hiện nay và ông đã giữ quan niệm này cho tới cùng.

Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời và tác phẩm là tên một cuốn sách của Châu Hải Kỳ. Có lẽ ở Việt Nam ít ai được hạnh phúc như Nguyễn Hiến Lê. Từ trước 1975, ông được người bạn ở xa là Châu Hải Ký theo dõi từng bước đi.
 Những năm cuối cùng trong cuộc đời Nguyễn Hiến Lê lại được ông Châu tiếp tục quan tâm và nhất là đoạn miêu tả về cái chết của Nguyễn Hiến Lê rất cảm động.
Riêng tôi, đặc biệt chú ý tới trang 431, của cuốn sách tiểu sử này, ở đó Châu Hải Kỳ viết "kết thúc chương chót này, tôi xin cầu xin ông cho phép tôi trưng ra một đoạn thư trích" có liên quan tới việc dạy học của Khổng tử. Chữ họ sau đây là chỉ các học giả Hà Nội
“...Họ không đọc gì hết mà phê bình thì mình bắt bẻ làm quái gì, phí công. Chẳng hạn trong Nhà giáo họ Khổng, tôi nói rõ rằng trước Khổng chỉ có những  trường của triều đình cho con quý tộc học, Khổng là người đầu tiên mở trường tư dạy bất kỳ hạng người nào, từ kẻ nghèo, chỉ mang lại một gói nem; và ông dạy như vậy chú ý để đào tạo hạng bình dân có học thay bọn quý tộc vô học trong việc trị nước. Công ông lớn lao như vậy mà họ chê là phong kiến, thì nhắc tới họ làm gì cho phí giấy. Thôi đi anh ơi (…)”
Sở dĩ Châu Hải Kỳ phải đưa đoạn này ở cuối sách và Nguyễn Hiến Lê tự nhiên có giọng bi phẫn, là vì ở đây chạm tới một đề tài hình như quan trọng nhất của Nguyễn Hiến Lê là Khổng giáo.
Theo cách trình bày của các học giả Hà Nội, thì Khổng tử  đáng muôn lần căm giận, vì đã khinh bỉ nhân dân, đề cao sự thống trị của bọn ngụy quân tử. Nói chung là người ta không chú ý tới khái niệm dân mà Khổng tử đã đề cập. Khi nói tới Nho giáo thì người ta chỉ nói đến chữ Lễ, Trung, đầy tính ràng buộc, và bằng cách đó thì bảo đảm uy quyền của giai cấp thống trị.
Nhưng trong các tài liệu viết về đạo Khổng mà Nguyễn Hiến Lê gặp lại ở phương tây thì ông lại thấy một điều ngược lại, và ông đã trình bày trong nhiều tập sách, cuối cùng là tập trung ở cuốn Khổng tử mà ông soạn trong thời gian từ sau 1975. 
Như đoạn trên đã viết, chính ra Khổng tử là người đã rất gần gũi với người dân bình thường. 
Ông biết rằng việc cai trị  cần đến kiến thức nên đã dân chủ hóa kiến thức, và sẵn sàng mang lại những kiến thức quyền lực truyền đạt đến người dân thường. 
Với Nguyễn Hiến Lê, đó là mặt tích cực, mặt trội nhất của Khổng tử và ôngkhông thể chịu được cách hiểu sai của nhiều học giả Hà Nội. Ông giận cũng là phải.


NIỀM TIN ĐỐI VỚI CHỮ NGHĨA
Trên trang Web của mình ,
 Nguyễn Mộng Giác viết về Nguyến Hiến Lê:
“ Mỗi lẫn gặp ông, tôi đều nhớ lại hai câu thơ cổ:
Khẳng khái cần vương dị
Thung dung tựu nghĩa nan. (*)
(*) Xin tạm hiểu là Hết lòng phò vua là chuyện dễ, thung dung hy sinh vì nghĩa lớn mới khó VTN

Vâng, ông là người không ồn ào, không phô trương hào nhoáng, không cố làm cho người đời thấy mình rực rỡ lóng lánh mà chỉ lặng lẽ làm việc, thung dung đạt được điều nghĩa.
Niềm tin tưởng ở công việc mình làm nơi ông lớn lao quá, đến độ cuộc sống và thời cuộc không ảnh hưởng nhiều đến ông. Giữa một xã hội chữ nghĩa mất giá, ông vẫn giữ trọn niềm trân trọng đối với chữ nghĩa.”



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn