VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Lưu Quang Vũ - một kiểu nghệ sĩ chuyên nghiệp riêng của thời đại chúng ta


Những ý nghĩ khác nhau

về cuộc đời và sáng tác của Lưu Quang Vũ



Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ tôi không viết được gì mới chỉ trích trong sổ tay những ghi chép về anh hồi mấy năm 67 – 75 chỉnh lý lại một chút rồi đưa lên mạng. Cạnh đó thì được in lại một bài  cũ của tôi về thơ Vũ tôi viết từ 1993. Thật tình là tôi cũng rất ưng ý bài viết đó: Tôi có cảm tưởng đã nói được cái phần đóng góp chủ yếu của Lưu Quang Vũ về văn học và tôi tin là không phải là kịch mà chính là các bài thơ có tính chất “viển vông, cay đắng, u buồn” của Vũ viết trong những năm chiến tranh mới là cái phần ở lại với lịch sử.

Có một điều cần giải thích thêm: Tại sao trong bài viết đó tôi lại có cái giọng như là muốn thanh minh cho một ít gọi là hư hỏng, chệch hướng và  lại đi kêu gọi mọi người hãy nghĩ về những bài thơ rất hay đó của Vũ với thái độ bao dung và cái nhìn độ lượng. Tôi đã dẫn ra cả B.Brecht để thuyết phục mọi người phải có thái độ như thế. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì?

Số là khi biên tập cho tập Bày ong trong đêm sâu đó,  thơ Vũ viết trong những năm khó khăn vẫn bị coi là không nên phổ biến thậm chí không được phép lưu hành, lý do không phải chỉ vì những bài đó chưa hề được in trên sách báo mà cái chính là những bài thơ đó thể hiện một thứ tình cảm cay đắng u buồn là những tình cảm không được phép trình bày, phổ biến, chia sẻ...trong những năm chiến tranh. Hãy lấy bài Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn. Kiệt tác này có cái dáng dấp của văn học cổ điển ở cái tứ cái tình thế mà nó diễn tả và cũng ở cái thời gian lớn mà nó miêu tả. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học Việt Nam đương đại có một cái nhìn thẳng vào bản chất phi nhân của chiến tranh và tính chất đa đoan của thời đại cùng là sự bơ vơ của con người trong cái thời khốn khổ này như vậy. Đây cũng là cái đỉnh cao của một loạt thơ khác mà Vũ đã viết trong thời trẻ, một thứ đỉnh cao trước và sau đó chính anh không bao giờ đạt tới.

Vào khoảng trước 75 khi Vũ viết những bài thơ đó thì chúng tôi đã đón nhận chúng một cách vừa hứng thú vừa sợ hãi. Chúng tôi coi đó là tiếng nói của mình mà lại sợ hãi là không ngờ trong mình còn xót lại những tình cảm nhân bản như vậy. Cảm tưởng đó theo mãi chúng tôi ngay cả khi kịch Vũ đã là một hiện tượng bao trùm lên sân khấu. Khi soạn tập Bày ong trong đêm sâu, bài Đêm đông chí uống rượu  với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn vẫn bị cả biên tập viên là tôi và phó giám đốc nhà xuất bản là Ngô Văn Phú  vì sợ phiền phức xin với bạn đọc tạm thời để ngoài tập, và mãi mấy năm sau nhờ sự cố gắng của bạn Lưu Khánh Thơ, bài thơ này mới được lẳng lặng khôi phục trong một tập thơ in ở nhà xuất bản Văn hóa.

Khi nghĩ lại hiện tượng này, và đối chiếu với những vinh quang của kịch Lưu Quang Vũ  ba chục năm trước, tôi nhận ra một sự thực: một số bài Vũ viết mà đương thời dư luận công khai  từ chối nhiều khi lại là cái sẽ được các thế hệ sau tìm đọc, còn những tác phẩm Lưu Quang Vũ được người đương thời tôn vinh rầm rộ,  kịch Vũ đến với từng gia đình và các thế hệ khán giả khác nhau – và cả một số thơ Vũ hồi viết Hương cây nữa, thì theo tôi dự đoán lại là cái mà tương lai các thế hệ sau sẽ không màng tới. Nhưng cần gì, thời đại chúng ta là thời đại hết sức tự tin, chúng ta chả cần suy nghĩ gì nhiều cứ hồn nhiên và độc đoán truyền lại cho các thế hệ tương lai những điều chúng ta coi là giá trị, bất chấp rằng thật ra cái đó sẽ qua đi với thời chúng ta sống.


Trong thế hệ tôi ít ai có cuộc đời sáng tác chìm nổi như Vũ.

Từ 68 đến 71, Vũ được coi là một tài năng trong lớp trẻ và là tác giả của những bài thơ hợp thời mà trong đó lại có cái giọng riêng hết sức ngọt ngào êm ấm. Trong số những bài thơ Vũ làm thời này, người ta tìm thấy ảnh hưởng của các văn nghệ sĩ lớp trước, trong đó có sự kết hợp giữa tiếng nói dân gian và dòng thơ hiện đại, đến mức chín đẹp. Vũ đã có được những đền đáp mà các bạn trẻ chưa bao giờ có: có nửa tập thơ in riêng vào năm 20 tuổi, và trong dư luận của giới làm nghề, là cả một niềm hi vọng.

Nhưng ngay từ mấy năm đó, thơ Vũ đã dần dần hé lộ một mạch thơ mà chúng ta ngày nay gọi là lề trái, tức là những băn khoăn bị coi là hư hỏng của lớp trẻ. Khi Vũ tự đặt mình cao hơn mức sống bắt buộc của một người thanh niên bình thường – cho phép mình không phải tuân thủ việc binh nghiệp – thì đó là lúc Vũ bị gạt ngay ra ngoài rìa của xã hội. Và từ khoảng năm 71 đó, Vũ phải sống lam lũ, trong đó có việc làm thơ, viết truyện, và sau này viết kịch để mưu sinh.

Tôi cho là Vũ là một tài năng sớm nhất, ở lứa tuổi chúng tôi, dùng thơ để độ nhật: sống lang thang giữa các đám bè bạn, gặp đâu ăn đấy, dù có lúc tạo ra những mối tình chớp nhoáng tương tự Nguyễn Bính trước cách mạng và sống bám vào nhũng người phụ nữ như Nguyễn Tuân nằm lì các chủ cô đầu ở phố Khâm Thiên, thì nói chung vẫn là một thứ người đi hoang bất đắc dĩ. Trong thời gian này đôi khi Vũ đã làm thơ, kí tên các bạn khác nhau, lấy những địa chỉ khác nhau, để nhận chút nhuận bút còm. Rồi có lúc Vũ còn vẽ pa - nô  quảng cáo, còn chữa mo - rat ở nhà xuất bản. Rồi có lúc Vũ còn viết truyện, viết các bài điểm sách cho các báo. Tất cả chỉ để kiếm sống. Một người bạn tôi kể  nhà viết kịch nổi tiếng tương lai đã nửa đùa nửa thật bảo rằng anh từng tự hứa là sẽ không đọc quyển sách nào, nếu từ đó không viết nổi một bài điểm sách để có nhuận bút mua được vài bát phở. Cơm áo không đùa với khách thơ, câu thơ Xuân Diệu muôn đời vẫn đúng.

Khi đa số lớp trẻ chúng tôi lớn lên, chúng tôi đã không biết thế nào là báo chí tư nhân và không biết thế nào là những nhà mạnh thường quân yêu quý tài năng nghệ sĩ có thể bao dung cả cuộc sống của người nghệ sĩ. Chúng tôi chỉ biết báo chí nhà nước, việc biên tập và viết bài cho các tờ báo ấy làm nên một đám công chức, giống như các thế hệ trước. Trong con mắt chúng tôi, việc làm của Vũ giống như một thứ chệch đường ray, những tay làm thơ viết văn hão huyền không có khả năng chịu đựng.

Tôi có đọc trong văn học Pháp trường hợp của mấy nhà thơ, mà theo tôi nhớ, người ta gọi là những thi sĩ du đãng. Các tài năng phi chính thống ấy thường kèm theo rất nhiều thói xấu của những người sống bên lề xã hội, nhưng chính cuộc sống lang thang của đám trẻ ấy lại đảm bảo cho họ khả năng tìm tòi để mang lại một tiếng nói mới trong thơ. Thế kỷ XIX ở Pháp đại khái cũng như ở ta, nhà thơ thuộc loại danh hiệu có địa vị cao trong xã hội. Sau hồi đột biến, và tạo nên những đỉnh cao kiểu V. Hugo, thơ trở nên một thứ thời thượng, dấu hiệu của các tay chơi quý tộc. Thứ thơ được cả xã hội công nhận đó thường khi là thứ thơ công chức, phải đạo. Rồi như một phản ứng tự nhiên, trong thơ lại hình thành những dòng nước ngược. Thơ của những nhà thơ du đãng là thứ thơ thám hiểm vào những khu vực mới của tình cảm con người và cách biểu hiện những tình cảm đó. Đến thời ta, từ chỗ thơ cán bộ thơ bao cấp thơ công chức, chuyển sang thơ chệch hương thơ bên lề, quả nhiên là những người như Vũ đã hé ra cái khả năng mở ra một khu vực mới trong thơ hiện đại. Nhưng khác với thời cổ điển, cuộc sống của xứ ta trong chiến tranh không cho phép con người có một sự tự do bên trong để hết lòng với những tìm tòi đơn độc của mình. Trong lúc làm những vần thơ cay đắng u buồn, Vũ không đủ điều kiện để sống như một người bình thường. Một điều tự nhiên đã xảy ra: Vũ phải làm thơ để bám sát nhu cầu xã hội, thực tế là phải minh họa, phải nói giống như mọi người, và cho đăng báo kiếm sống. Mặc dù những bài thơ đó không ký bút danh thực và tất nhiên không được Vũ coi là sự nghiệp của mình, nhưng thực tế vẫn tước đi khả năng định hướng cao đẹp của nhà thơ. Kết thúc việc này là những vở kịch mà Vũ đã viết.



Sau đây là một đoạn tôi ghi trong sổ tay bốn mươi năm trước:

Sự kiện 30-4-1975  mang lại cho  đời thơ Lưu Quang Vũ một bước ngoặt.

Trước đó, tức là khoảng từ cuối 1971 trở đi, do sự việc mà có người đã gọi là thoái thác nhiệm vụ trong quân đội, Vũ bị treo bút, trở về gia đình không công ăn việc làm, không phiếu gạo… và điều quan trọng nhất là thơ  bị cấm cửa, dù bất cứ nội dung như thế nào nữa,  không báo nào dám in.

Mùa hè 1973, khi về sống với Xuân Quỳnh, Vũ cũng còn sống trong cảnh ăn bám vợ, mà Xuân Quỳnh thì nhiều khi phải đi vay tiền thiên hạ để lo từng bữa ăn cho chồng con.

Trong cơn bế tắc, và có lẽ cũng do Vũ xúi, Quỳnh đành làm liều, lấy một số bài  Vũ  chép lại rồi ký tên mình đăng ở báo Văn Nghệ mà Quỳnh làm biên tập viên.

Bài Trung du sau đây chẳng hạn toàn là chất liệu chỉ có trong thơ Vũ

Tiếng ai hát bên kia đồi cọ nắng 
Hoa lau bay, dốc vắng, khói chiều xanh 
Nhà ai ở chênh vênh sau bãi sắn 
Những đồi sơn, đồi trẩu lá rung rinh 

Hoa sở trắng, sim, mua đầy thung lũng 
Làng trung du ít ruộng, lắm gò nương 
Quả dọc chín, quả dứa vàng mật ngọt 
Mùa trung du ít gạo, lắm cây vườn 

Rừng đã hết, nhưng đồi nhiều giang nứa 
Chưa luỹ tre, đường dậu lắm mây gai 
Sông Thao chảy giữa bờ lau rậm lá 
Sông trung du bãi hẹp đất chưa bồi



Bài Khúc hát những người anh, Khán giả của tôi có lối viết miên man mà chỉ Vũ mới có, trong khi thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng có một cái đích một điểm tới đó là phải kết thúc .

Nhưng cái lối làm chui đó cũng chẳng được bao nhiêu, không giải quyết được chuyện túng đói trong gia đình, mà cũng không thấm  gì so với sức làm việc của Lưu Quang Vũ.

Trong suốt cuộc chiến, đã bao nhiêu lần chúng tôi được tuyên truyền là phen này là tổng tiến công là chiến thắng đây, sau đó lại mừng hụt.

Cho nên tới đầu 1975, lòng người vẫn còn lơ lửng lắm.

 Đùng một cái, 30 - 4 - 75.

Bây giờ nghĩ lại những ngày ấy, người ta thường chỉ nhớ tới những chuyện gia đình đoàn tụ mừng mừng tủỉ tủi, hoặc là miền Nam nhận họ miền bắc nhận hàng. Cơ quan nào cũng thay nhau cử người đi Nam để bàn chuyện cứu đói. Việc này kéo dài. Nhưng phải nói thêm là với việc tiếp quản Sài Gòn, đám người thất nghiệp chạy ăn từng bữa của  miền Bắc có thêm cách giải quyết cho sinh kế của mình. Như với cánh làm thơ chẳng hạn. Khi các báo ở R trở về thành phố để ra hàng ngày, thì nhu cầu bài vở tăng lên đột ngột. Mà ở ta thì làm gì có những phóng sự có chất chính luân sắc sảo. Chỉ có thơ là tiện nhất, chẳng hạn như bài này, sau này cũng được Xuân Quỳnh đưa vào tập Lời ru trên mặt đất

Viết cho con ngày chiến thắng

Con nhỏ ơi, con xuống đường với mẹ 
Giữa dòng người rực rỡ cờ hoa 
Chúng ta chiến thắng rồi, đất nước chúng ta 
Đã đoàn tụ, đã không còn bóng giặc 
Không còn tiếng đạn bom trên mặt đất 
Trời trong xanh như ánh mắt con nhìn 
Mẹ bồng con đi giữa phố đông 
Niềm vui lớn sáng bừng muôn nét mặt 
Tay con vẫy, mẹ cha trào nước mắt 
Nhớ những con đường đất nước đi qua 
Nhớ những đèo cao, nhớ những bến phà

 Lực lượng Văn nghệ giải phóng quá mỏng, anh em biên tập và sáng tác   túm được nhà thơ nào ở miền bắc cũng mời, bài này hôm nay anh gửi thì mai lên trang rồi, nhưng ngày kia có gì cũng cứ đưa lên đây.

Nào ai còn nhớ cái chuyện  Vũ  bị cấm in.

Tài năng của Vũ là chớp ngay lấy thời cơ, phục vụ kịp thời không nề hà. Tới 1976 thì Vũ xin được chân làm mo rát cho tạp chí Sân khấu của Xuân Trình. Một quãng đời mới đã mở ra, mà cái đích là thoát khỏi sự thao túng nghiệt ngã của đời sống hậu chiến.

Theo chỗ tôi nhớ thì trước 1970, thơ Vũ làm đến đâu được in báo đến đấy.

Chỉ trong những lúc chuyện trò, Vũ mới phun ra một ít những ý tưởng ngược chiều, còn trong thơ, Vũ cũng phải đạo như bất cứ ai.

Những ý nghĩ đau đớn về cuộc đời, cảm hứng xót xa cho cuộc sống nhân dân trong chiến tranh, cái đó chỉ đến những ngày cơ cực củ Vũ. Còn khi Vũ sướng Vũ viết như mọi người, chỉ hơn chứ không tách ra được mọi người. Kịch của Vũ là thế. Những cú như Hồn Trương Ba chỉ đến một hai lần.


***

Trong những kỷ niệm về sự gặp gỡ với Lưu Quang Vũ tuổi trẻ, tôi đã ngạc nhiên về sự chuẩn bị mà gia đình đã tạo điều kiện cho anh trong việc sáng tác tương lai. Còn rất ít tuổi, Vũ đã từng gặp gỡ, trò chuyện với những nhà văn nhà thơ hàng đầu. Vũ thành thạo mọi tình huống mọi hoàn cảnh. Và đáng sợ nhất, trong việc làm nghề, Vũ vừa rất coi trọng đến mức lý tưởng, vừa xem đó là một công việc nhàm chán vớ vẩn làm như chơi như đùa, ngay khi vừa đánh trúng tâm lý công chúng được bè bạn và những người trong giới mến mộ, đã chán chường với tài năng “đi lừa” của mình. Bên  cạnh sự thiêng liêng,Vũ đã sớm có một cái thái độ mà người ta gọi là khinh bạc, tức là thái độ coi thường bao gồm cả suồng sã với nghệ thuật.

 Mặc dầu vậy, hay chính vì vậy ở Vũ có một khả năng đọc ra  những sự biến chuyển trong đởi sống nghệ thuật. Sự nhạy bén của Vũ trước sự thay đổi của hoàn cảnh rõ nhất là vào dịp sau 1980.  Hồi đó sự thay đổi của văn nghệ hậu chiến được đánh dấu bằng việc bộ sậu quản lý văn nghệ có một ông sếp mới là ông Trần Độ.Vị tướng nổi danh là hào hoa trong những năm chiến tranh muốn làm khác đi so với bậc tiền nhiệm là Tố Hữu.Về phần mình lúc này cũng là lúc Vũ vừa hồi phục và được coi là người nhiều hy vọng cỡ như Dương Thu Hương Lê Lựu. Vũ có mặt trong nhiều buổi họp quan trọng mà loại viên chức vòng ngoài như tôi chỉ có cách dỏng cổ nghe hóng. Nhưng sau một vài lần dự những cuộc họp như vậy, Vũ đã có ngay một cái nhìn chiến lược. Vũ nói với tôi:

--  Ông nào cũng giống ông nào, thích bắt đầu từ mình. Thời này chỉ có kiếm tiền là dễ.

Tôi chỉ có một dịp cộng tác ngắn với Vũ, đó là dịp làm tập sách Diễn viên và sân khấu (1980) mà chính Vũ không coi ra gì. Có một điểm khiến tôi có lúc thèm muốn nhưng càng về sau càng xa lạ đó là sự thực dụng trong việc làm của người bạn của mình. Vũ ham đọc ham biết, nhưng chỉ là cái đọc cái biết có thể phục vụ ngay cho việc làm thơ viết văn trước mắt mà không có hoặc có rất ít sự thành tâm và nghiêm chỉnh trong việc chuẩn bị  đi vào thế giới nghệ thuật. Một nhà giáo  tôi quen là người dạy văn cho Vũ hồi cấp 3 đã sớm nhận ra điều này và kể lại với tôi rằng ở Vũ thiếu một điều kiện cơ bản để trở thành một người trí thức, đó là khao khát hiểu biết, khao khát đi vào những kiến thức cơ bản có thể không phục vụ gì cho việc viết lách trước mắt nhưng lại bảo đảm để có một nhân cách vững vàng trong nghệ thuật. Đây là  thiếu xót chung của cả giới trẻ lúc ấy nhưng đối với Vũ lại càng là điều đáng tiếc.

Tôi còn nhó là hồi 1985 hiện tượng sân khấu mà Vũ tạo nên đã được các nhà báo phương Tây thường trú ở Hà Nội chú ý, họ gọi anh là Moliere của Việt Nam.

Sự so sánh này chính xác ỏ chỗ Vũ  hoàn thành các vở kịch của mình ngay trong các lần tập với các diễn viên và các kịch bản đó thường có nhiều variant khác nhau. Ở thế kỷ XX, kịch Vũ lại có kiểu hình thành của các nhà viết kịch thế kỷ XVIII. Điều đó không ngăn cản việc đám tang  trở thành lớn nhất trong số đám tang của giới nghệ sĩ đương thời.

Tôi rất muốn dừng lại phân tích thêm ở cái điểm nhiều bạn tôi đã nói, kịch Vũ thuộc về đám đông hơn là tầng lớp công chúng trí thức, nhưng tuổi tác đã không cho phép tôi làm việc đó và nói chung tôi cảm thấy đấy là một việc làm quá sức. Đặt trên cái mạch phát triển văn nghệ đại chúng mấy chục năm nay, Vũ vẫn là người mở đường sang trọng cho thứ nghệ thuật sặc sỡ theo phong cách của VTV3  đang làm nên  bộ mặt của văn nghệ thống trị xã hội ta đầu thế kỷ XXI này.

Điều cuối cùng muốn nói của tôi qua hiện tượng Lưu Quang Vũ, tôi thấy cả thời của mình, cái thời của chiến tranh và những xoay sở kiếm sống thời hậu chiến, chứ không phải là thời của những đóng góp có ý nghĩa lịch sử, chuẩn bị cho sự xây đắp một tương lai hiện đại theo qui luật chung của thế giới.

Chỉ những vần thơ cay đắng u buồn của Vũ là còn lại với tương lai, còn những gì mà hôm nay người ta lấy ra ca ngợi Vũ, thì sẽ có số phận ngược lại.

***

Khi tôi đang viết bài này thì ngày 1-9-2018 vừa qua, trên blog của mình, nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng có nói đến  hiện tượng  thay đổi của Vũ từ  lúc đầy tâm huyết  viết cho mình đến chỗ quay về viết kịch để vuốt ve nuông chiều mọi người. Bài viết có đoạn:

"Kịch của Lưu Quang Vũ, tất tật, là những thứ ngớ ngẩn. Đó là Lưu Quang Vũ của sự nói những gì người khác muốn nghe, là Lưu Quang Vũ quay sang ve vuốt người khác (mọi người), để làm lợi cho bản thân mình. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ, tất tật, là sự mơn trớn lương tri con người. Đó là mị dân.

Và Lưu Quang Vũ ấy là Lưu Quang Vũ đã chối bỏ mọi sự. Chối bỏ định mệnh của Cassandre nói những điều không ai muốn nghe, của trước đó, của những bài thơ điêu đứng, để quay sang chính xác ngược lại, chỉ nói những gì ai cũng muốn nghe. Muốn nghe để cảm thấy mình được yên ổn trong lòng. Để tưởng rằng mình là người công chính. Và nước mắt, và nước mũi (người ta luôn luôn nhấn mạnh vào yếu tố bi thảm, các đại kiện tướng của mấy thứ đó: Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo, và rất nhiều nữa). Kịch của Lưu Quang Vũ là biểu hiện cho sức chiêu hồi xã hội giai đoạn đó đã đủ sức bourgeois trở lại. Xã hội bourgeois thì chiêu hồi, nó sẽ có các chiến lược để chiêu hồi những người dạt ra bên lề, nó làm như là nó mở rộng vòng tay bao dung (đây chính xác là ý nghĩa của liberalism). Chuyện xảy ra sau khi Lưu Quang Vũ chết đã nói lên rất rõ điều đó: xã hội ấy thở phào vì đã chiêu hồi xong một giọng nói đơn lẻ nhưng mạnh mẽ, vì giờ đây đã có thể thoải mái choàng vòng hoa và xông hương cho một tác giả của các vở kịch làm ai cũng vừa lòng. Kịch không mở rộng vòng sáng tạo của Lưu Quang Vũ, mà kịch là sự tự triệt tiêu đi nhà thơ Lưu Quang Vũ. Đó là một Lưu Quang Vũ ăn phải bả (vì không chịu nổi nữa, vì bị chiêu hồi); đó là ký hợp đồng với quỷ."

Tôi đã  tính làm việc tóm tắt nhưng rồi thấy cách tốt nhất là đưa lại cả đoạn văn viết rất hay như trên vào đây để bạn đọc tham khảo. Điều tôi mới cảm thấy mơ hồ thì nhà nghiên cứu trẻ nhưng rất già dặn này đã nói thẳng ra, nói đến cùng.

Tôi chỉ không đồng ý đoạn cuối . “Đó là một Lưu Quang Vũ ăn phải bả (vì không chịu nổi nữa, vì bị chiêu hồi); đó là ký hợp đồng với quỷ.” Theo tôi, cái hợp đồng này, Vũ đã rất tự nguyện ký nhận, hào hứng nữa là đằng khác. Trừ các nghệ sĩ yếu đuối sợ sệt, phần đông các nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa đều làm như Vũ tất nhiên không giỏi bằng Vũ.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn