Được viết đã 27 năm trước,
bài viết sau không tránh khỏi nhiều chi tiết lạc hậu.
Nhiều thiếu xót nêu
trong bài nêu ra đã được sửa chữa.
Nhưng tôi tin rằng
quan niệm lâu nay về chủ nghĩa yêu
nước và
chủ nghĩa nhân đạo --trong văn học sử nói riêng và sử nói chung --
vẫn đang cần bàn lại; việc cố thủ trong
những quan niệm cũ đó chính là một trong những nguyên nhân làm cho sử ta không thích ứng với sự phát triển.
Bài đã in trên blog này
ngày 28-11-2015
Tạp chí Văn học số
6 - 1990 đăng bài Đổi mới nhận thức lịch sử trong nghiên cứu khoa học
xã hội nói chung, nghiên cứu văn học nói riêng của Nguyễn
Huệ Chi. Trên nét lớn chúng tôi tán thành các ý kiến của tác giả bài báo
và muốn nhân đây, bàn thêm về một vài căn bệnh mà một số tài liệu liên quan tới
lịch sử văn học thường mắc phải, nó là lý do khiến cho các công trình nghiên
cứu đó ít sức thuyết phục và cả ngành lịch sử văn học trì trệ, chậm phát triển.
Những cắt xén tuỳ tiện
mang tính cách vụ lợi
Trong sách Lịch
sử văn minh Trung Quốc, học giả W. Durant có kể lại một đặc điểm của
Khổng Tử “vị hiền triết già ấy có thói quen không ngại làm sai sự thực đi đôi
chút, để lịch sử có một ý nghĩa luân lý”
Chúng tôi không đủ trình
độ để kiểm tra xem các tài liệu có liên quan đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... ở
ta có bị cắt xén theo cách ấy không. Nhưng nhìn vào các bài viết, các công
trình nghiên cứu hoặc giản dị hơn, cách giới thiệu khi xuất bản các sáng tác
thuộc về văn học Việt Nam thế kỷ XX, thì thấy lối làm việc trên đây của Đức
Thánh Khổng được vận dụng một cách rất tự nhiên, khéo léo.
Ai cũng biết rằng Thế
Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... là những kiện tướng của văn học trước 1945, song lại
có đóng góp lớn vào đời sống văn nghệ sau 1945. Bởi vậy, các sáng tác cũ của
các ông dễ được chúng ta ưu ái hơn so với những người đương thời. Ngay từ
1982-1983, Thế Lữ, Xuân Diệu đã có Tuyển tập của mình. Nhưng các tuyển tập đó
được làm như thế nào?
- Trong Tiểu sử ghi ở
đầu sách, những người làm tuyển tập lờ hẳn đi việc cả Thế Lữ và Xuân Diệu đều
đã có chân trong Tự lực văn đoàn.
- Các bài báo của Thế Lữ
in trong mục Tin thơ, Tin văn... vắn chỉ ghi trích ở báo Ngày nay mà
quên nói rõ thật ra đó đều là những bài phát biểu quan niệm chính thức của nhóm
Tự lực, tranh cãi, chế giễu bài bác lại các báo khác khi họ công kích Tự lực.
- Hàng loạt bài thơ của
Xuân Diệu trong hơ Thơ Thơ, của Huy Cận trong Lửa
thiêng, khi in ra lúc đầu, có chua rõ là tặng Nhất Linh, tặng Khái Hưng,
tặng Hoàng Đạo... nhưng khi in lại, bị rũ sạch, “phi tang”. Ngược lại lời đề
tựa của Khái Hưng cho Vàng và máu của Thế Lữ bản in ra lần đầu cũng bị ngơ đi,
coi như không có.
Trong bài viết này,
chúng tôi không có ý định bàn riêng về sáng tác của Thế Lữ hay Xuân Diệu. Chúng
tôi chỉ lưu ý một điều: nghiên cứu về sáng tác của hai vị đó trước 1945 mà
không đặt các sáng tác ấy vào cái mạch của Tự lực văn đoàn nói chung thì chẳng
khác chi tách cá ra khỏi nước.
Có thể bảo đây là những
ví dụ sinh động, chứng tỏ chủ nghĩa công lợi (chữ của Nguyễn Huệ Chi) đã thấm
vào chúng ta một cách sâu sắc. Nhưng cũng nên nói thêm rằng ẩn sau sự tuỳ tiện
đáng sợ, tuỳ tiện cắt xén thêm bớt trong việc trình bày các sự kiện trong quá
khứ, thực chất là thái độ coi thường lịch sử, cho rằng hoàn toàn chúng ta có
quyền đưa ra một thứ lịch sử hợp với ý muốn của chúng ta.
Mấy chục năm qua sự tuỳ
tiện này đã chi phối một số người nghiên cứu trong việc đánh giá các sự kiện
văn học quá khứ, dẫn đến những vô lý trong việc cho phép công bố hay cấm đoán
tác phẩm này, tác phẩm nọ.
Xét trên bình diện tư
tưởng, bức tranh Cô gái bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân vốn rất
gần với những Hồn bướm mơ tiên, Đời mưa gió, Gánh hàng hoa. Thế
nhưng trong khi Cô gái bên hoa huệ được thừa nhận như một đóng góp cho hội hoạ
hiện đại, thì các tiểu thuyết nói trên của Nhất Linh, Khái Hưng bị gạt ra khỏi
lịch sử văn học trong một thời gian dài. Tại sao? Tại chúng ta có thói quen chú
ý đến người, đánh giá tác phẩm qua người, quan hệ người với thời cuộc, chứ
không phải qua văn, qua sáng tác của người đó nói chung. Cũng vì con người
Nhượng Tống “có vấn đề” mà một thời gian dài chúng ta đã bỏ qua bản dịch Mái
tây và nhiều bài thơ Đỗ Phủ là những đóng góp độc đáo của Nhượng Tống
đối với lịch sử văn học, đặc biệt là trên phương diện ngôn ngữ ( mãi gần đây
mới khôi phục trở lại ).
Lối hiện đại hoá không thể chấp nhận
Nếu việc trình bày lịch
sử văn học hiện đại thường mang nặng tính chất tuỳ tiện và vụ lợi thì nhiều tài
liệu nghiên cứu văn học (từ thế kỷ XIX trở về trước) lại cung cấp những ví dụ
rõ rệt chứng tỏ các nhà nghiên cứu thường hiện đại hoá lịch sử tức “uốn nắn
lịch sử theo con người hiện đại” “làm cho lịch sử mang những nét đồng
dạng với hiện đại” “dẫn tới tình trạng làm nghèo lịch sử” (Nguyễn Huệ Chi).
“Ở đâu có áp bức, ở đó
có đấu tranh. Đó là quy luật của đời sống. Nhân dân ta vốn đã anh dũng trong sự
nghiệp chống ngoại xâm, lại cũng kiên cường bất khuất trong công cuộc đấu tranh
giai cấp diễn ra lâu dài và ngày một trở nên quyết liệt” . Một đoạn văn với
kiểu viết như trên có thể gặp trong khá nhiều tập sách nghiên cứu văn học, phần
viết về bối cảnh lịch sử (ở đây chúng tôi lấy từ Tuyển tập truyện Việt Nam thế
kỷ X thế kỷ XIX). Để nội dung ý kiến sang một bên. Điều làm chúng tôi băn khoăn
là cách diễn đạt: chẳng nhẽ chỉ có một công thức duy nhất như vậy để nói về quá
khứ? Trước mắt chúng ta là sách văn học sử hay sách giáo khoa chính trị, sách
giáo khoa triết học?
Khi đi vào miêu tả từng
cá nhân, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng không hề dè dặt gì hết, cứ hồn nhiên
mà khoác lên người các bậc tiền bối những bộ y phục vốn chỉ dành cho con người
hiện đại. Dưới ngòi bút của những người viết văn học sử mà thiếu cảm hứng lịch
sử, các nhà văn nhà thơ vốn sống cách đây từ một đến vài thế kỷ nói chung đều
mang khuôn mặt tinh thần của con người hôm nay. Thậm chí trong một số trường
hợp đọc kỹ một số đoạn miêu tả thấy giá thay chữ ông bằng chữ đồng chí thì cũng
không gây ra cảm giác đảo lộn gì ghê gớm lắm.
Sau đây là một ví dụ:
- Trên con đường đi tìm
một phẩm chất trong sạch, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tự giác hoặc không tự giác kế
thừa và phát huy những giá trị tinh thần lâu đời của dân tộc, những giá trị tuy
bị giai cấp phong kiến lúc bấy giờ vứt bỏ, nhưng vẫn tiềm tàng trong đời sống
của nhân dân (Lời giới thiệu đặt ở đầu Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm)
- Trong tình hình chưa
ổn định của vùng đất đang khai phá việc tập hợp nhân dân và tất cả những hạng
người có thể sử dụng được đòi hỏi phải có một độ lượng rộng rãi ở người lãnh
đạo. Nguyễn Cư Trinh đã tỏ ra tự hào vì đã dung nạp được mọi hạng người để phục
vụ cho công cuộc chung. Để có thể đạt được sự nghiệp lớn, Nguyễn Cư Trinh đã tự
đề ra cho mình những yêu cầu nghiêm khắc (Nguyễn Cư Trinh là người có kinh
nghiệm đấu tranh) có tinh thần hăng hái tiến lên phía trước... (Văn học Việt
Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII, tập II)
- Nhưng mặt khác cũng
cần vạch ra rằng “chí nam nhi” của Nguyễn Công Trứ không có tý liên hệ
nào với quần chúng, nó coi thường quần chúng thậm chí có lúc còn đi ngược lại
quyền lợi của quần chúng. Nhà thơ đã vận dụng nó một cách giáo điều vào một
hoàn cảnh không còn tiền đề cho nó tồn tại nữa (Văn học Việt Nam nửa cuối
thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, tập II) .
Rộng hơn câu chuyện về
từng cá nhân cụ thể còn thấy có hiện tượng cả một thời kỳ cả một giai đoạn lịch
sử văn học được dựng lại theo kịch bản hiện đại. Trong nhiều cuốn sách mệnh
danh là công trình nghiên cứu, quá khứ được mô tả cứ làm người ta ngờ ngợ bởi
sao mà nó quá giống đời sống văn học hôm nay. Ấn tượng đó còn được củng cố thêm
do nơi có sự áp dụng bừa bãi các nguyên tắc lý luận hiện đại cho lịch sử. Đáng
lẽ phải xuất phát từ chính lịch sử để suy xét và nêu ra vấn đề cho lý luận giải
quyết, thì ngược lại, thường xuyên có tình trạng lấy lịch sử ra để minh hoạ cho
lý luận. Dù khéo léo, dù thô thiển, song đã gọi là minh hoạ tức đã làm nghèo
lịch sử mà cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho lý luận thực thụ!
Nên quan niệm về lịch sử
như thế nào?
Có những lối nói, lối
nghĩ phổ biến trong giới nghiên cứu, người nói kể nghe giống nhau trong cách tư
duy nên cứ thế chấp nhận rồi nghe mãi quen đi, không thấy lạ, nhưng có người
bạn xa, lắng nghe, thấy không thể chịu được. Thuộc về cái sự bất cập ấy là
những lý luận của chúng ta khi trình bày những tất yếu lịch sử.
Chẳng hạn, không hẹn mà nên, cả Hoàng Trung Thông trong bài tựa Tuyển tập Xuân
Diệu, lẫn Vũ Quần Phương trong một bài báo nhân kỷ niệm 50 năm làm thơ của Xuân
Diệu, đều cho rằng sự tham gia cách mạng của Xuân Diệu có tính cách “tất yếu”.
Một người rất thạo văn
học Việt Nam và cũng rất yêu tác giả Thơ thơ, ông Nam Chi, tức nhà
nghiên cứu Đặng Tiến, trong một bài viết sau có in lại trong cuốn Xuân Diệu,
con người và tác phẩm (H. 1987) đã phát hiện ra điều ấy và tỏ ý hoài
nghi: “Nói rằng người này “tất yếu” cách mạng thì có nghĩa là người kia tất yếu
phản động, vì bản chất phản động”. Sau khi dẫn ra hàng loạt ví dụ bất ngờ trong
sự phân hoá của các văn nghệ sĩ tiền chiến trong thời đầu cách mạng và những
năm kháng chiến, Nam Chi cho rằng cái công thức tất yếu nói trên là không thể
vận dụng để lý giải các hiện tượng văn học.
Nhưng chữ tất yếu mà Nam
Chi hoài nghi đó, lại là cái thần, cái hồn cốt chính trong lối suy nghĩ của
chúng ta về xã hội, về lịch sử.
Tư duy dân gian khái
quát: ở hiền gặp lành có nhân có quả.
Tư duy hiện đại chỉ nói
khác đi một chút: ở hiền cũng có khi gặp lành mà cũng có khi không, có nhân có
khi có quả, có khi không.
Nói theo thuật ngữ
của triết học, thì trong trường hợp thứ nhất (ở hiền gặp lành), người ta dừng
lại ở quyết định luận máy móc, còn trong trường hợp thứ hai (ở hiền cũng
có khi... cũng có khi...) người ta đã tiến sang một bước mới: quyết định
luận xác xuất thống kê.
Thế nhưng nói chung,
trong cách lập luận của nhiều người nghiên cứu lịch sử văn học ở ta, kiểu quyết
định máy móc nói trên vẫn chiếm vai trò chủ đạo.
Các hiện tượng
lịch sử văn học (một trào lưu, một tác giả hoặc một tác phẩm) thường được trình
bày như một cái gì tất yếu phải xảy ra, mà không mấy khi làm người đọc bỡ ngỡ
vì một sự sinh thành nảy nở kỳ lạ, tuồng như là ngoài quy luật và phải xem xét
kỹ, thậm chí phải quan niệm lại về quy luật, thì mới thấy nó cũng rất hợp quy
luật.
Điều gì đã cản trở nhà
nghiên cứu không cho họ trở thành nhà lịch sử? Chính là sự cả tin, tin rằng
lịch sử là một cái gì rất sáng rõ, rất mạch lạc, rất thuận lôgích, lôgích thô
thiển theo cách hiểu của họ, trong khi một điều kiện để hiểu lịch sử là phải
giả định rằng ở đó nhiều khuất khúc, nhiều mờ tối, nhiều khả năng đánh lừa con
người và nhà nghiên cứu phải luôn luôn lật đi lật lại vấn đề thì mới mong phần
nào hiểu đúng được lịch sử.
Ở chỗ này, những nhận
xét của một nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp là Marc Bloch (1886-1944) đối với
chúng ta rất có ý nghĩa.
Là người chuyên về sử
trung thế kỷ đồng thời là một người yêu nước, đã chết trong trại tập trung của
phát xít Đức --- M. Bloch từng khái quát, “sự bùng nổ của thất vọng và
thành kiến, những hành động không được suy xét kỹ, những bước ngoặt bất thình
lình trong đời sống tinh thần... những cái đó mang lại nhiều khó khăn cho những
nhà lịch sử có bản năng quen dựng lại quá khứ theo sơ đồ của trí tuệ. Tất cả
những hiện tượng đó đều tồn tại ở mọi thời điểm lịch sử... mà chỉ những sự xấu
hổ ngu ngốc mới câm lặng không nói tới”.
M. Bloch chê trách các
đồng nghiệp của mình “Đọc những cuốn sách lịch sử hiện nay, có thể thấy nhân
loại hiện ra như là hoàn toàn gồm những người hoạt động một cách lôgích trong
họ không có một chút gì là bí mật”.
Ông khẳng định “Chúng
ta sẽ xuyên tạc lịch sử một cách nghiêm trọng, nếu luôn luôn và bất cứ ở đâu
cũng quy nó về những mô-típ hoàn toàn tự giác.[1]
Cho đến nay, những ý
kiến tương tự như của M. Bloch nói trên hầu như chưa được giới thiệu ở Việt
Nam. Nếu chúng tôi không nhầm thì kiểu nhận thức đơn giản, máy móc không chỉ có
ở những người nghiên cứu lịch sử văn học, mà ở cả những người nghiên cứu lịch
sử ở ta nói chung. Trong tình hình đó, sự hạn chế của một số công trình nghiên
cứu lịch sử văn học như chúng tôi trình bày ở đây, là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng
không phải vì thế mà cứ nên tiếp tục.
Không làm nghèo di sản
Một trong những yêu cầu
đặt ra đối với các ngành lịch sử văn hoá là tìm hiểu, phân tích cho thấu đáo
những giá trị đã được các thế hệ đi trước sáng tạo, tìm ra mối liên hệ giữa các
giá trị đó với cuộc sống hiện tại, lấy chúng làm giàu thêm cho con người hiện
đại.
Nhưng nói một cách
nghiêm khắc đây lại là khâu yếu nhất trong toàn bộ công việc tiếp thu di sản mà
chúng ta đã làm trong thời gian vừa qua. Trên nguyên tắc thì ai cũng nói là
phải trở về với dân tộc, phải trân trọng mọi thành quả của ông cha. Nhưng trên
thực tế, thì những thái độ thô bạo tha hồ tung hoành. Kết quả là nhiều khi
chúng ta hiện ra như những kẻ hẹp hòi đến cay nghiệt. Nhân danh những lợi ích
trước mắt, các nhà nghiên cứu sẵn sàng lớn tiếng phê phán người này chỉ ra
những hạn chế ở tác phẩm kia từ đó quyết định không công bố thơ Nguyễn Húc
(theo sự tiết lộ của Huệ Chi), trù dập cả Chinh
phụ ngâm lẫn Cung oán ngâm, gán
cho Sơ kinh tân trang cái tội tày
đình “con dao hai lưỡi”, xếp thơ văn Tự Đức và Tùng Thiện Vương vào tủ rồi
tuyên truyền rằng đó là thứ thơ văn xa lạ với quyền lợi của nhân dân.
Cũng do những thành kiến
tai hại đó chi phối mà một thời gian dài, trừ Thạch Lam còn hầu như toàn bộ Tự
lực văn đoàn bị đẩy vào bóng tối, một kiệt tác như Chùa đàn không làm sao được ló mặt trong Tuyển tập của Nguyễn Tuân,
còn thơ Nguyễn Bính trong Tâm hồn tôi,
một ngàn cửa sổ, Mây Tần thì giống như số phận của người chị trong Lỡ bước sang ngang “... Chị giờ sống cũng bằng không - Coi như chị đã ngang
sông đắm đò”.
May mà tình hình bung ra
trong ngành xuất bản mấy năm nay gỡ lại hộ, nếu không rất nhiều báu vật trong
kho tàng văn học dân tộc bị xếp xó, nhiều tên tuổi bị quên lãng, nhiều cuốn
sách trở thành những kỷ niệm mà may ra lớp người đi trước mới biết là có!
Trên nguyên tắc, chúng
tôi chia sẻ với ý kiến của Nguyễn Huệ Chi là phải lấy tiêu chí chủ nghĩa
nhân bản để bổ sung cho tiêu chí chủ nghĩa yêu nước, ngõ hầu giải phóng cho
khoa lịch sử văn học khỏi những hẹp hòi thiển cận hiện nay.
Vả chăng cũng đã đến lúc
bản thân từng khái niệm nhân đạo, yêu nước đòi hỏi một cách hiểu đa dạng cởi mở
hơn.
Một tác phẩm trong đó
tác giả nói to lên rằng mình thương xót những người nghèo khổ đã đành là có tư
tưởng nhân đạo.
Nhưng nếu chỉ giới
hạn chủ nghĩa nhân đạo trong một nghĩa cụ thể như vậy thì đã tự mình làm nghèo
mình đi rất nhiều!
Những bài thơ cuốn
truyện có tham vọng trình bày kỹ lưỡng những khía cạnh tế nhị trong quan hệ
giữa người với người, và phanh phui cho hết cái quanh co phức tạp trong cuộc
đấu tranh giữa bóng tối và ánh sáng trong từng tâm hồn con người, những tác
phẩm đó lẽ nào không được ghi vào bảng vàng của chủ nghĩa nhân đạo?
Tương tự như vậy, yêu
nước không chỉ là tham gia chống ngoại xâm, trong thực tế lịch sử dân tộc, chủ
nghĩa yêu nước còn được bộc lộ ở nhiều hình thức khác mà hiện nay chúng ta tổng
kết chưa hết.
Bản lĩnh của một dân tộc
không phải chỉ bộc lộ ở khả năng giữ gìn giang sơn bờ cõi ở đó các thế hệ nối
tiếp đã sinh sống.
Bản lĩnh một dân
tộc còn phải được xem xét ở khả năng của dân tộc đó trong việc tìm ra cách sống
hoà hợp với các dân tộc khác, tiếp nhận một cách thông minh những ảnh hưởng văn
hoá ngoại nhập đó để làm giàu cho đời sống tinh thần của mình.
Trên ý nghĩa ấy mà
xét tất cả những đóng góp nhằm làm cho đất nước ngày một canh tân đổi mới, xã
hội ngày một văn minh tiến bộ thực chất đều đáng được xem là hành động yêu nước
thương nòi, cũng tức là đáng được khoa học lịch sử - trong đó có lịch sử văn
học - ghi nhận đầy đủ.
1991
(1) Trích từ Ca tụng
lịch sử bản dịch tiếng Nga, Nxb Khoa học, Moskva, 1973.
Bài này lần đầu in Tạp chí văn học 1991, số 3,
dưới bút danh Vũ Tam Giang.
In lại trong Nhà văn tiền chiến và quá
trình hiện đại hóa văn học 2006
sách Phê bình và tiểu luận 2008