VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cát nhìn của những người lính già về hậu phương - Nhật ký Quảng Trị 7 - 9 / 1973 kỳ 9


Đến những năm này lính thiếu quá phải vơ vét ở cả lứa tuổi trên dưới 30, nhiều lính già đã là những  cán sự ở các cơ quan miền bắc. Đó là đặc điểm riêng của QTrị .Tôi có kinh nghiệm loại lính này nói rất hay về hậu phương.
 Một nhân vật bóng hình của tôi: Nghĩa.
Hòa bình rồi câu chuyện chúng tôi có thể khá dềnh dàng.
     Vừa nghe tôi nói lấp lửng rằng mấy năm trước, ở ngoài kia cũng căng thẳng lắm, Nghĩa sổ ra một tràng rằng không phải căng thẳng, mà là bế tắc. Như tôi, năm đầu về làm việc cái gì cũng khép nép, bây giờ đã trở nên nhờn lắm rồi, nhấp nha nhấp nhổm, chỉ hay tán phét. Tôi cũng được một vài lần đi họp với các quan trên. Mình chỉ là loại ngồi đằng sau thôi, khi Chủ tịch tỉnh có hỏi Trưởng ty, trưởng ty lại quay hỏi mình lấy số liệu, hoặc có lúc cũng đứng lên chúng tôi cũng xin gọi là có đỡ lời đồng chí thủ trưởng. Làm như thế một vài lần mà được việc, là ông ấy quen mặt đi đâu ông ấy cũng xách đi, có khi mình mất cả ngày lễ, ngày tết.
... Nhưng mà rồi cũng chả ai biết dùng mình. Chả có cấp trên giỏi hơn mình, để mình làm việc cho cẩn thận. Mình có làm giỏi, thì lại hoá ra thằng xóc móc. Tặc lưỡi tự nhủ hãy sống thực dụng ư. Không, sống lầm lũi thì mới đúng.
- Một lần, vào một buổi chiều thứ bảy, tôi đưa thằng bạn tôi vào viện. Người bác sĩ phụ trách là một cô gái Hà Nội. Bấy giờ, cô đang sửa soạn về nhà, và anh có biết hành lý đi đường là một cái gì không, một cái bánh mì khô queo, cô chưa kịp gói lại, còn để trên bàn - không biết cô mua riêng hay là nhà bếp mang lên cho. Và tôi cứ nghĩ đến cô, các cô ăn những thứ  ấy, thì làm sao chữa chạy cho mọi người khá lên được.
Con người này đã có kinh nghiệm riêng về gia đình
- Không hiểu sao, nhưng tôi không thích dối trá trong hạnh phúc. Có gia đình nhà cửa đấy, nhưng hễ rỗi là muốn lỉnh đi đọc sách hay làm gì đó một mình. Còn nghĩ đến vợ là nghĩ đến công việc. Ăn cơm xong, lướt qua trong đầu những công việc rửa bát, đóng cửa chuồng gà...đã xong, cuối cùng hỏi vợ một câu: Từ giờ đến độ 9 giờ, em có cần gì đến anh nữa không. Có cần gì thì làm, nhưng thực ra là muốn nghỉ đấy, muốn trốn. Đến nỗi có lần vợ tôi nó gắt lên ”không làm gì thì anh ở nhà chơi với con”. Ờ, tôi cũng có thể làm như thế lắm, nhưng sao tôi vẫn không thể làm. Hạnh phúc bây giờ kỳ lạ lắm, hạnh phúc luôn luôn bị đe doạ, ăn bữa ngon bây giờ thì biết chắc là chiều, mai sẽ không có gì mà ăn, cho nên ăn cũng không thể thấy ngon. Và thế là mình cứ lần lữa mà sống.
- Tôi đi bộ đội cũng hơi đặc biệt. Tôi đang học văn hoá để đi học phó tiến sĩ thì ông thủ trưởng bảo tôi chú bao nhiêu? Em ba mươi - Ba mươi thì đi vài năm rồi về cũng có thể đi học được.
Khi tôi hỏi còn một điều gì anh có thể nói với tôi,
Nghĩa bảo ngay:
- Đó là tôi muốn về đi học thôi, đi thế cũng đủ rồi. Tôi cũng không thể làm gì nhiều ở đây được.
Rồi lại nói thêm:
- Nhưng mà thật ra, lúc tôi đi, tôi cũng đã xác định ngay được bộ đội là thế nào. Càng sống càng thấy thế. Nó cũng phong phú, nhưng thật sự là nó cũng rất đơn giản, phong phú trong cái đơn giản đó.
- Bây giờ tôi sống với mấy thằng ở đây như một người già. Tức là chúng nó muốn thế -  ăn cơm xong mà tôi đi rửa bát, là chúng nó hầm hè nhau: mày lại lười, không rửa cho anh ấy. Tôi có thể bảo ban chúng nó. Nhưng có nhiều việc khác, tôi thích tự làm lấy. Chúng nó đi đánh tôm về, vứt đấy, lăn ra ngủ, tôi nấu nướng cẩn thận, gọi nó dậy ăn. Đứa nào gác giờ cuối cùng, sáng ra tôi để ngủ muộn hơn một tí, có cơm  mới gọi dậy.
Cán bộ thế nào ư. Tôi không thích cán bộ. Tôi thấy nhiều tay xem việc lên hay xuống là chuyện quá lớn, tưc là thích lập danh. Nghe mồm mấy ông thì thấy cán bộ bây giờ rất ghê. Nhưng ở vị trí chiến đấu, tôi biết: bọn cán bộ toàn hét lính đi, nhưng nó ở lại. Cán bộ có hy sinh mấy đâu. Toàn lính cả. Rồi sau đó, nó lại báo cáo lên, làm như không có mình, thì chết hết cả.
Phần tôi, tôi thấy mình phải sống như thế nào đó. Tôi bị thương trong trường hợp thế này: Hôm ấy, mấy thằng nó đi công tác về, thằng thì đau chân. Lúc ấy có lệnh tôi mang một tổ qua bãi trống, tôi thấy tôi không nên găng chúng  nó quá, tôi báo cáo lên trên. tổ tôi không đi được, nhưng cho tôi dẫn anh em một tổ khác đi. Như thế, yên tâm hơn. Tôi đặn: Tớ đi, ở nhà có việc gì, cậu giải quyết. Một thằng bảo tôi: Anh cứ yên tâm, em sẽ để phần cơm anh. Cả tôi với nó, không dám nghĩ đến cái chết.
  nhà, mình thấy bế tắc, nhưng còn chơi vơi. Ở đây mới thật là rơi xuống tận đáy mọi nỗi khổ, tức tận đáy cuộc sống. Thằng Thắng quân y nó kể những lần hết sức cứu đỡ, mà thương binh không qua khỏi, nhìn người thương binh chết đấy, vừa thương họ, vừa thương mình, cứ thấy chưng hửng ra, tiếc cho những máu khô, huyết thanh, những công lao mà mình đã bỏ ra. Còn thằng Ban kể: ở chiến trường, đỡ một thằng bạn chết trên tay chỉ cười. Nó chết rồi chúng mày ạ. Rồi có khi vứt xác lên hào, lúc khác đi chôn, lúc chôn nó ngay. Một đoạn chiến hào rẽ ngang, không thể hơn được, không thương được nó gì nhiều lắm. Tôi đồng ý với anh: sự nghiệp chiến đấu này, mình đáng đóng góp vào nó, mình phải góp sức, nhưng đừng nghĩ là nó thành công giống như người ta vẫn nói.
    Đột nhiên nghe Nghĩa xổ ra một câu vu vơ
- Từ tháng 10/72 tôi bỏ hẳn thói quen đánh răng. (Bảo: Cậu không cắt tóc đi, để kia, trông như là đồng chí nguỵ vậy!)
Tôi nhìn kỹ người đang nói chuyện với mình. Hắn người xấu, thấp, hơi gù, mặt tối om. Nếu nhìn hời hợt, người ta sẽ bảo đó là một nét mặt hơi gian,sự gian xảo ánh lên trong con mắt. Nhưng ta nhầm, chỉ vì người ấy khổ quá, nên có thái độ nghi kỵ cuộc đời và làm ta tưởng vậy. Giống như những người bạn tôi, như H. , nhất là trong tiếng nói. Và lại gợi nhớ Nguyễn Khắc Phục, một người có vẻ lê la, từng trải, hay nói những điều khắc nghiệt, làm bà lầm bầm như ma.
- Ông Dũng C phó nói gì thường có vẻ mặt trận tổ quốc lắm, ông ấy mặt trận cả với tôi (tôi ở nhà đã đi họp mặt trận, được cái ông cụ gọi là các vị, buồn cười lắm)
Tôi – VTN – tự nhiên lại cho một câu rất dại:
- Còn anh xem, tôi thì thật thà, chả biết gì.
- Ông làm như ông chả biết gì, nhưng đằng sau, ông chứa đựng những ý nghĩ độc ác. Tôi hiểu ông là một thằng cha khôn ngoan, ở ngoài kia, mà ông có thể vào Đảng được, đó là một điều khá tuyệt vời đấy chứ.
- Tôi không nghĩ tôi viết được gì, rỗi thì viết. Ở tuổi tôi bây giờ mới cầm bút, thì đã hơi muộn. Tôi nghĩ, sau này về, rồi tôi cũng chỉ thành một gã ký quèn.
- Tôi không rõ như thế nào, mỗi người hành động theo một luật riêng của mình, nhưng tôi đoán một người như ông, ông không thể chịu bó tay đâu, ông sẽ loay hoay làm một điều gì đó, có lợi cho công việc của mình.
Hắn mặc những bộ quần áo hơi bẩn, lê la. Sang bên kia sông, hắn chỉ đi đất, quần ống thấp  ống cao. Cũng ngồi họp nghiêm chỉnh. Cũng xưng với mọi người bằng em. Lần hồi chuyện trò với mọi người. Nhưng mà toàn thốt ra những câu ghê người. Như về miền Bắc (Đảng ta thì ghê, nhưng mà các cơ quan Đảng thì rất vơ vẩn, làm việc với các ông trong ban nông nghiệp tỉnh uỷ thì buồn cười lắm). Như về đời lính. Như trong một thái độ tàn nhẫn, khắc nghiệt với cuộc đời. Tôi gặp hắn, góp ý kiến cho truyện ngắn của hắn, thấy cũng buồn cười - một người như vậy, mà cũng thích những truyện ngắn hoà hiền - Rồi thôi, chính lúc hắn đi B hắn cũng chả buồn chia tay với gia đình hắn, và khi tôi đi, tôi cũng chỉ chào qua loa.
Tôi gặp bao nhiêu người con trai thông minh tài hoa. Tôi gặp bao nhiêu đứa con ưu tú của đất nước tôi, ở ngoài kia, tôi hơi khó chịu, thấy họ chưa làm được bao nhiêu. Nhưng ở đây, tôi thấy quý trọng và gần gũi với họ quá. Người tốt, người nào cũng nghĩ chuyện học. Tôi bảo Nghĩa:
- Các ông cũng phải thông cảm với người con trai ở hậu phương. Các ông vừa vào đây, hiểu cả ở ngoài kia đấy. Riêng tôi, người nuốn nói tiếng nói của cả 2 nơi, tôi chỉ nghĩ ở đâu cũng thế. Biết bao người thanh niên giỏi giang của chúng ta, những người trước ta, cùng với ta, cũng chẳng làm được việc gì, nữa là ta thôi thì tôi chỉ nghĩ làm được đến đâu thì làm, cái chung khó khăn lắm.


27/7
Hậu phương Đã từ lâu, tôi nghĩ sau này không biết mình sẽ xoay sở ra sao khi phải viết về bộ đội trong hoà bình. Ngay trong những ngày của cái năm hoà bình nửa vời nhưng là hoà bình đầu tiên này, tôi đã cảm thấy cuộc sống của mỗi thành viên trong chiến tranh có gì đó quá vô duyên, giữa cảnh thanh thiên bạch nhật này, mà dàn ra làm những công việc để chuẩn bị đánh đấm - lính đã hiếu chiến quá, bảo lao động thì không muốn, nhưng hễ trông thấy tàu địch là muốn bắn, muốn đánh ngay. Tôi đi giữa những người đồng tuổi, mà cảm thấy không có gì thông cảm được, tôi đi hỏi họ những câu rất vớ vẩn: Anh có nhớ nhà không? Có bao giờ anh giành cho mình một ít phút độc lập? Rồi tôi lại thấy hỏi thế là không phải. Nhưng ở một đại đội pháo ven biển, có đủ lính Hà Nội, lính lớp 10, lính sinh viên, tôi không biết chia sẻ với ai, tôi ra dải cát ven biển nghĩ một mình - tôi thuộc về một kiểu sống khác, những băn khoăn khác.  Họ có cái gì tự nhiên trong cuộc sông lính tráng, họ làm việc họp phê bình nhau, giải quyết tư tưởng cho nhau một cách rất thành tâm nhưng chính vì thế, tôi không biết nói chuyện gì với họ. Ôi, khổ thân tôi, tôi lý trí quá, nên hư hỏng quá, không ra sao cả..
Có thể viết gì về người lính Quảng Trị đây? Về sự con người bị hành hạ bị xô đẩy? Con người ta đi theo những mục đích của mình, rồi lúc nào đó, bản thân hành động của mình, trở thành mục đích, nghĩa là cố gắng làm bằng được cái việc hôm qua mình thấy xa lạ? Về khả năng biến đổi con người trong chiến tranh, và cái điều mà tôi thường nói, là chiến tranh mang lại cho lứa tuổi chúng tôi một khả năng suy nghĩ, khả năng phải lớn lên trước tuổi, phải băn khoăn suy tính -  những đổ vỡ trong thực tế, để từ nay, sẽ đỡ đổ vỡ trong cuộc đời. Những vấn đề đó có phải là có thực không? Nó đã xảy ra chưa, hay là ta tưởng tượng ra, thực ra chúng ta đang còn mê muội, đang còn quanh quẩn trong những ảo tưởng.
Tôi mong chờ được gặp những người lính như vậy. Không biết nay mai có gặp được không. Những người vừa làm tốt ngày hôm qua, vừa thấy ngày hôm qua là không phải nữa, mà có thể là phải sống khác đi (chính vì anh ta đã đi hết đường nên anh ta càng hiểu những lầm lỡ của con đường cũ) những người lính như vậy có không hay chỉ là do tôi tưởng tượng ra. Tôi phải đi tìm đến bao giờ nữa.
Người lính bao giờ cũng làm được những gì hơn mình có, hơn anh ta hiểu thì phải. Mỗi người lính chỉ thấymục đích rất hẹp, và cả đạo quân phải chiến đấu vì một mục đích rộng lớn.
Lao động của lính bao giờ cũng có tính chất giật cục. Những ngày chiến tranh, lao động thời chiến, căng thẳng. Còn ngày nay, trên kìm hãm dưới, dưới như lãn công, dềnh dàng, chậm rãi, người ta hành hạ nhau, bằng cách không cho nhau bước một bước nào cả. Luỹ: sao bảo lính nó hay bướng. Vì các ông chẳng lo đến nó gì cả.

Quang B. trưởng kể:
- Tôi ở nhà vừa làm vừa đi học. Đi làm, đưa cho ở nhà mua những thứ cần thiết, rồi còn chục bạc, để trà lá với bè bạn. Đi bộ đội, tôi vẫn giữ được tác phong ấy. Những anh nào mà khoe: “Có bữa tôi ngồi tôi chén hết cả gói pô ly”, lúc ấy tôi không nói gì, nhưng trong bụng tôi rất ghét. Tôi hay chỉ đạo quân y có thuốc phải phát cho anh em một cách đều đặn, anh em dùng tốt hơn.
- Con người tôi có cái gì không ổn định. Giá ở nhà, cứ làm công nhân, tôi cũng chán, cho nên tôi đi bộ đội. Bây giờ, ở chiến trường này, biết là đỡ khổ đấy, nhưng nếu như cho đi chiến trường khác cả chiến trường quốc tế tôi cũng sẵn sàng đi thôi.
Nhưng bây giờ cũng có lúc, tự đặt cho mình câu hỏi này: Dẫu sao, mình không ở quân đội suốt đời. Nếu sau này tổ chức yêu cầu mình lại đi vào những mặt trận sản xuất, ở những vùng xa, thỉ lúc ấy mình sẽ nghĩ sao - Cũng không thể trả lời dễ dàng được.
- Tôi cũng không nhiều bạn thân. Tuổi mình thế hay sao đó! Hồi cùng đi, tôi có thằng bạn thân, cái gì cũng bàn. Rồi nó được cử đi học, chúng tôi gặp nhau ở đỉnh 1001, ôm nhau khóc, hẹn thả nào cũng viết thư cho nhau. Nhưng hắn ra trường, học không được, rồi chẳng ra sao, cũng chẳng viết thư cho tôi nữa, cho nên tôi viết thư nói cho một trận. Từ đó, tôi cũng ít vồ vập bất cứ ai, sợ hứa hẹn nhiều, rồi lại không chân thành.
Đó là một người Hà Nội, ngay từ lúc mới gặp, người ta đã nói với tôi như vậy. Cái nét mới gặp đã thấy, là cái nét ngúng nguẩy, vừa lắng nghe, vừa dò xét, không vồ vập, cũng không bỏ qua. Nói năng chậm rãi, dịu dàng - đến quá một tí nữa thì khéo léo, giả tạo. Đối với tôi, lúc này là khách, Q. thường anh anh, lúc đi chào, lúc về hỏi. Nhưng tôi nhớ lại, ở anh ta không có những câu hỏi sâu sắc, không có những điều cần nói. Chỉ một lần, anh ta có vẻ say mê, nói lại chuyện mình thi vào văn công Tổng cục, vì đau cổ mà không được. Nhưng chỉ có thế. Ngoài ra, ở với anh ta, tôi hiểu anh ta cũng lại đơn giản như những thanh niên Hà Nội khác, anh ta là một người thợ, anh ta hoạt động trong khuôn khổ những quy định của bộ đội, như những thói quen. Đó không phải là một trí thức, một người có sức bật trong suy nghĩ.
Nhưng có câu này của Quang nghe được hơn cả :
Tôi rất cổ mà cũng rất kim. Thường tôi có một cái gì đó tự tin, tin rằng mình sống, mình có suy nghĩ, mình không sợ - Thế rồi tôi cứ làm thôi. Và tôi sống theo lý lẽ này. Tôi sống sao để sau này con cái tôi khỏi phải bỏ làng, ngượng ngùng vì tôi.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn