Năm 1961, học xong lớp 10 trường Chu Văn An, nơi tôi mơ ước là khoa Văn Đại học tổng hợp. Nhưng tôi thi trượt, và nói nôm na là bị “tống khứ “ vào Đại học Sư phạm Vinh, chỉ giữ nguyên được cái nguyện vọng học văn.
Học ở Vinh được hai năm, lúc tốt nghiệp thấy nhà trường có trưng cầu ý kiến là ai có muốn học thêm thì cho ra theo lớp “văn 3 ” ở Hà Nội, tôi ghi tên ngay.
Quả thật lúc đó tôi chỉ tính trốn được đi dạy ngày nào hay ngày ấy !
Ngoại trừ mấy năm dạy …linh tinh, chủ yếu là môn toán, cho các lớp học bổ túc trong quân đội ( tôi được lệnh động viên nhập ngũ ngày 1-8-1964 ), tôi chưa lên lớp ở bất cứ trường phổ thông nào.
Từ đầu 1968, tôi chuyển về làm báo chuyên nghiệp trong quân đội, rồi từ 1979, chuyển sang ngành xuất bản, cả hai đều gắn với nghề viết văn mà từ hồi học phổ thông, tôi ao ước.
Từng học qua hai trường Sư phạm khác nhau,vậy mà, xét tổng quát, sau khi ra trường, tôi chẳng có một chút duyên nợ nào với nghề giáo dục.
Song, tôi vẫn muốn nói lời biết ơn chân thành với ba năm học Đại học Sư phạm và ai hỏi vẫn nói rõ tôi vinh dự là đã xuất thân từ Đại học Sư phạm.
Mẹ tôi qua đời từ năm tôi mới lên bốn và cả tuổi suốt tuổi thơ tôi sống với một bà mẹ kế. Bà chẳng thương gì tôi, nhưng lại dạy dỗ tôi nhiều điều. Có lần bà giao tôi rửa một mớ rau to tướng. Nhà chỉ có cái chậu sành bé tí, rửa làm sao bây giờ ? Bà dạy chia mớ rau to làm 4 mớ nhỏ, rửa 4 lần, kỳ sạch thì thôi. Tôi lây nhiều tính của bà, mặc dù trong bụng rất uất bà. Lây cả những tính xấu như keo kiệt bủn xỉn. Nhưng hơn bù kém, lấy lý trí mà xét, tôi vẫn biết ơn bà.
Tuy không giống hẳn, nhưng những năm học Đại học Sư phạm cũng có tác động tới cuộc đời tôi theo kiểu ấy.Thời gian này tập cho tôi nhiểu đức tính tốt, biết định hướng cuộc đời ngay trong môi trường mình bị áp đặt mình không thoải mái. Sau này trong đường đời mỗi khi gặp khó khăn vất vả, tôi lại thường tự nhủ, thật là chưa tủi chưa nhục bằng những năm học Đại học Sư phạm, cứ kiên trì là mình rồi sẽ đạt tới mục đích.
Khi nhận giấy báo chuyển vào Đại học Sư phạm Vinh, tôi đã khóc hết nước mắt. Hồi đó, phương tiện giao thông từ Hà Nội vào Vinh còn kém lắm, xe ô tô hàng phải chuyển qua mấy con phà. Mà tôi thì quá non nớt, nói ra bảo bịa, quả thực lúc ấy tôi đã lẩm cẩm nghĩ bụng rằng làm gì có nơi nào xa đến mức đi ô tô từ sáng đến chiều mới tới (!)
Đại học Sư phạm Vinh lúc ấy mới khai trương được một năm. Chỉ có hai khoa một văn một toán, mỗi khoa hai lớp, tổng cộng 4 gian nhà lá cho 4 lớp. Vì Vinh những năm ấy mùa hè nào cũng xảy ra những vụ cháy, nên tới hè 1963, chúng tôi chuyển lên nhà tầng, thứ nhà chung cư thô sơ ( hồi ấy gọi là khu tập thể ) mới bắt đầu xuất hiện .
Điều kiện kinh tế thường không phải là lý do làm một người trẻ tuổi lúc ấy buồn. Năm 1961, gọi là ở Hà Nội, nhưng nhà tôi vẫn nhà tranh sân đất. Suốt đời học phổ thông tôi học dưới ánh đèn dầu và, tối tối đi bộ ra đầu ngõ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam qua tấm loa rè mắc ở cổng ga xe điện. Với một học sinh Hà Nội ngoại ô như vậy thì Vinh và những vùng phụ cận khoảng 1961-63 có một đời sống hiền hòa khiến đám thanh niên thấy không có gì đáng phàn nàn.
Nhưng làm khổ tôi hơn cả là cái không khí văn chương khoa Văn Đại học Tổng hợp đặt ở Láng mà lúc này đã cách xa tôi hàng vài trăm cây số.
Người cho tôi biết những tin này là anh Nguyễn Đình Bưu. Thời gian học để thi đại học, tôi đã vào lò học chỗ anh, làng Nghĩa Đô đầu chợ Bưởi. “Lò” thời ấy là thế này, thấy hợp nhau, tôi mang tiền mang gạo lên xin phép bố mẹ anh cho học chung. Chúng tôi thử làm các bài theo đầu đề có sẵn rồi trao đổi với nhau. Lúc học chia ngọt sẻ bùi, bây giờ anh đỗ tôi trượt, anh cũng thương cảm, thường xuyên viết thư kể chuyện học hành ra sao để tôi biết.
Bưu càng kể càng như xát muối vào lòng tôi. Cuối cùng, không chịu được, tôi quay ra cay nghiệt tị nạnh, oán trách đời bất công, nói đau nói hỗn cả với những người chỉ hưởng cái phần họ đáng được hưởng. Bưu không viết thư cho tôi nữa. Sau này anh tiếp tục hành nghề,về hưu với chức Giám đốc Sở Văn hóa Bắc Ninh.
Cũng may mà cùng với việc chấm dứt viết thư cho Bưu, tôi cũng dần dần xác định được hướng đi của mình. Tạm xem như tôi đang ở đáy vực. Tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ chọn dạy học làm nghề suốt đời, và càng không nghĩ mình cần trở thành một sinh viên tốt nghiệp giỏi. Nhưng đây vẫn là chỗ tôi có thể học được. Cái gì nhà trường dạy, lo học thật tốt. Cái gì không dạy thì tự học lấy. Ví dụ như học ngoại ngữ. Trừ mấy ông mấy bà chuyên về văn học phương Tây hoặc Văn học Trung quốc -- hồi ấy vốn rất lép vế ở các khoa ngữ văn --, còn theo tôi biết nhiều giáo sư ở ta không có thói quen tìm đọc sách báo nước ngoài thường xuyên, nhất là đọc báo và hiểu rộng ra cả cái đời sống nghiên cứu ở một nước ngoài nào đó mà mình theo đuổi. Vì có bao giờ họ được yêu cầu làm việc đó đâu. Không làm mà vẫn giáo sư thì tội gì làm cho mất thời gian ! May mà lúc ấy tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ làm nghề gì cũng phải biết ngoại ngữ. Nghe Bưu nói học ngoại ngữ ở Đại học Tổng hợp năm ấy cũng chẳng hơn trong Vinh bao nhiêu, tôi thêm yên tâm. Ngoài việc theo học trên lớp, phần lớn thời gian tôi dồn cho tự học tiếng Nga.
Một khoảng không đã được tạo ra, và tôi tìm thấy hào hứng trong việc lấp đầy nó. Tôi không còn buồn sướt mướt như khi mới vào Vinh.
Tôi quên không nhớ là ai đã nói, đối với một người mới vào đời, thất bại nhiều khi lại cần hơn cả thành công. Vì nó giúp cho người thanh niên kia hiểu rõ mình hơn. Hiểu rõ năng lực thực của mình, từ bỏ ảo tưởng thói kiêu căng vốn gắn liền với tuổi trẻ nhanh nhạy.
Cụ thể trong trường hợp của tôi, việc chuyển vào học Đại học sư phạm dạy thêm cho tôi một điều nữa. Số phận cá nhân lúc ấy là nằm trong tay những tập thể hời hợt vô cảm. Xã hội không dạy con người học hỏi để tự đánh giá mình. Mà ai đã bị đặt vào thang bậc nào thì sẽ yên tâm nằm chết gí ở thang bậc ấy. Ngược lại --- không rõ học hỏi từ đâu nhưng sau việc thi trượt, và phải rơi vào một môi trường mình không lựa chọn --, những ý nghĩ sau đây đã đến với tôi :
-- có thể là lúc ấy mình đã làm bài kém, nhưng thực lực của mình là chuyện khác.
-- chỉ mình mới đánh giá chính xác tài năng của bản thân – cái tài năng sẽ đến nếu biết học hỏi -- và một phần nghị lực của cuộc đời sẽ dành để chứng minh cho mọi người thấy họ đã sai trong việc đánh giá mình.
-- Những điều học được ở trường chỉ là một phần, cái chính của con người mới bước vào đời, là tự học. Phải học lấy hết. Phải tự đào tạo. Tìm lấy cho mình thầy. Tìm lấy cho mình sách.
Chắc các bạn học với tôi ở Đại học Sư phạm Vinh còn nhớ, cả hai năm học ở 1B và 2 B (niên khóa 1961-1963), tôi chỉ là học sinh học khá, không bao giờ là học sinh giỏi, càng không bao giờ thuộc loại tiên tiến xuất sắc tuyên dương toàn trường, mặc dù tôi vẫn hết sức chăm chỉ hay lên thư viện mượn sách. Có gì đâu. Cú ngã thẳng cẳng là vụ thi trượt đã giúp tôi gỡ bỏ tâm lý hiếu thắng vốn có từ lúc học Chu Văn An. Giờ đây, tôi không màng cái sự hơn nhau lặt vặt. Tôi không cho rằng phải được điểm cao mới là giỏi văn. Chỉ có sau này trong khi len chân vào trường văn trận bút là giới báo chí xuất bản, dư luận mới đánh giá tôi chính xác.
Lúc bấy giờ cũng đã biết nói ra như thế là kiêu, tôi chỉ im lặng, ai muốn khen chê thế nào, tùy.
Một lý do nữa khiến tôi cám ơn hai năm học Đại học Sư phạm Vinh. Do lần đầu tiên có trường đại học mở ở một địa phương, nên cán bộ giảng dạy thiếu. Chúng tôi thành một thứ học trò năm cha ba mẹ. Khi một thày “mượn” ở trường này, khi một thày “vay “của trường khác ( hồi ấy chưa có hai chữ thỉnh giảng ).
Vả chăng nói chung là một trường đại học mới, không thể có những nhân vật tầm cỡ như các trường đại học ra đời sớm hơn.Theo tôi hiểu, giờ đây vai trò của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong nghiên cứu văn học cũng chói lọi rực rỡ ngang tầm các giáo sư Phan Cự Đệ Hà Minh Đức. Nhưng thuở dạy ở Vinh, thày Mạnh của tôi còn chưa được mấy ai biết đến, muốn in được một bài trên tạp chí Nghiên cứu văn học còn khó, trong khi đó, sau khi ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, cả loạt giáo sư Trương Tửu Đào Duy Anh… được cho nghỉ dạy, Hà Minh Đức Phan Cự Đệ đã là một cặp bài trùng, tiếng nổi như cồn.
Những trường mới lập như trường tôi lúc ấy do giáo sư Nguyễn Thúc Hào làm hiệu trưởng, vừa có được cái khao khát đi lên tự khẳng định, lẫn cái tự do không bị ràng buộc vào những danh hão.
Nhất là trường tôi lúc ấy không có những tên tuổi mòn sáo sống lâu lên lão làng, mà có nhiều cán bộ trẻ đầy triển vọng. Đó là các thày Nguyễn Đăng Mạnh Phùng Văn Tửu sau này đều từ Vinh trở về Hà Nội trở thành trụ cột của Khoa Văn Đại Học Sư Phạm, Hoặc thày Hoàng Văn Lân trong môn sử mà tôi không rành lắm.
Sau này tôi còn có nhiều dịp tiếp xúc với Nguyễn Đăng Mạnh như một đồng nghiệp, nhưng chưa bao giờ thấy ông nói về văn hay, như hồi ông dạy chúng tôi phần văn học 1930-45 ở lớp văn 2B niên học 1963-64. Sau này hình như chính ông không để công ghi lại những bài giảng về cả giai đoạn này nói chung mà giành sức viết riêng về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, nhưng với tôi, phần ông nói hay nhất nồng nàn nhất lúc ấy là về Thơ mới.
Trong phương pháp nghiên cứu, tôi nhớ hai điểm. Một là Nguyễn Đăng Mạnh thường có lối nói rất triệt để. Tay ấy chẳng hiểu gì về văn học cả. Với một đồng nghiệp bất tài, ông sẵn sàng cho một câu phủ nhận sạch trơn như vậy. Hình như với ông thế giới văn học và thế giới đời thường là hai khu vực tách rời hẳn nhau, như sự tách bạch giữa cõi thiêng liêng và cõi phàm tục, và có lẽ nhờ niềm say sưa đắm mình trong cõi thiêng liêng kia, ông có được một sức làm việc mạnh mẽ, giành được một chỗ đứng, mà nhiều kẻ khác bất tài hơn, nhưng may mắn và giỏi luồn lọt hơn, không muốn ông có.
Điểm thứ hai là về vai trò quan trọng của tư liệu.Tôi nhớ một lần lên lớp, Nguyễn Đăng Mạnh tuyên bố đại ý: Nếu tất cả những luận chứng dưới dây là sai thì tất cả những kết luận mà tôi nêu qua với các chị các anh ở phần trên sẽ lập tức vứt vào sọt rác. Với đám sinh viên chúng tôi, bắt đầu thức tỉnh, song thường ăn nói hàm hồ một cách đáng thương, nghĩa là thích sao nói vậy, chẳng chứng cớ chính xác gì cả -- thì lối nói kiểu ấy thật có sức quyến rũ. Người ta có thể từ nó làm lại cả thế giới !
Nếu ở Vinh tôi đã chỉ là một thứ sinh viên thuộc loại hàng tầm tầm thì ra học văn 3 ở Hà Nội, tôi càng như lẫn đi giữa mọi người. Dăm năm sau, thấy tôi đi viết phê bình có bài đăng gần kín trang trên báo Văn Nghệ từ 1965, rồi chuyển về tờ báo danh giá là Văn nghệ quân đội, nhiều bạn bè cũ nửa đùa nửa thực, này hồi đi học tớ không thể ngờ là có lúc cậu đi vào văn chương cơ đấy! Điều gì đã xảy ra với cậu?
Vào một dịp khác tôi sẽ cắt nghĩa từ trường đại học bước vào đời sống điều gì đã xảy ra với tôi. Ở đây tôi chỉ ghi nhận một điều, ra Hà Nội tôi vẫn là anh cù lần.
Đơn giản lắm: hôm qua từ Hà Nội vào Vinh, kẻ thi trượt đã như nửa chết nửa sống, thì hôm nay trở về Hà Nội tôi lại là nhà quê ra tỉnh, có khá gì hơn.
Tôi học lớp 3C, thuộc tổ mấy không nhớ, chỉ nhớ hơn cả là mấy anh ở Văn đại học sư phạm Hà Nội. Như anh Phổ miền nam tập kết làm tổ trưởng, anh Luân làm tổ phó. Trong lớp, anh Phạm Tiến Duật cũng như anh Nguyễn Đình Ảnh là nổi nhất. Tính chung trong cả khối còn có Nghiêm Đa Văn mà tôi có biết từ hồi học phổ thông, có Nguyễn Khoa Điềm. Điềm tôi không quen, lại ở khác phòng. Nghe các bạn bàn nhiều về Điềm, nên một vài lần đi qua phòng anh, tôi cũng để mắt quan sát. Nhớ nhất là chồng sách anh để đầu giường, toàn những cuốn tiếng Pháp dày cộp. Năm ấy, Điềm làm khóa luận về văn học phương Tây, đâu là một vấn đề gì đó của Balzac tôi nghe mà lắc đầu bái phục.
Không đợi sau này nhiều người phát hiện, mà ngay hồi ấy, từ Vinh ra, tôi đã thầm nghĩ mình đang học với một lớp sinh viên đầy tài năng. Các anh ấy tự tin coi văn học như một ngành hoạt động đầy thú vị.Và các anh ấy hiểu nó, yêu nó. Nhiều sinh hoạt văn học như các đêm thơ, đêm giao lưu nghệ thuật với các trường khác, các anh Lâm Quang Ngọc, Nghiêm Đa Văn, Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng …to cao đẹp giai mặc com-lê lên biểu diến ai cũng xem như niềm tự hào của nhà trường. Cố nhiên trong những buổi ấy tôi chỉ đóng vai người xem hoặc đi kê bàn kê ghế gì đó. Sinh viên nội trú đều nằm giường ba tầng. Tôi nằm giường trên thì Phạm Tiến Duật nằm giường dưới, song đâu có bao giờ chúng tôi trao đổi với nhau về văn chương. Với Duật, văn chương là những bài thơ lúc nào Duật cũng chăm sửa trong đầu và chuẩn bị để mai kia gửi báo nào đó.Tôi thì túi quần lúc nào cũng chỉ có cuốn sổ từ tiếng Nga hoặc lơ mơ nghĩ tới đống sách khô cứng mà ở Vinh không có. Cho đến khi cùng đi bộ đội, gặp nhau ở Hát Lót Sơn La, câu chuyện trao đổi vẫn chỉ là mấy nét sinh hoạt thời lính. Nhớ hơn cả về Duật sau mấy tháng Tây Bắc là câu thơ vui “người làm thơ đó đang trai—trên hai cổ áo có hai lá cờ“, ý nói đang làm chân binh nhì.
Một năm học văn 3, giúp tôi sống cái cảm giác của một sinh viên Hà Nội. Nhà tôi vẫn ở Thụy Khuê. Chiều thứ bảy, không buộc phải về chiếc giường nội trú, đôi khi tôi lách ngay ra cái cổng sau nhà A. 7, băng qua cánh đồng ngô, rồi chạy bộ tiếp đoạn đường từ Trường Đảng đến chợ Bưởi. Ngày trước từ đường Hoàng Hoa Thám mà chúng tôi quen gọi là Đường Thành nhìn xuống, chỉ một con đường ngòng nghèo hai bên trồng toàn thứ cây nay hiếm là cây sòi. Từ 1964, đường nhựa đã mở nhưng chỉ lưa thưa vài cái xe đạp và có khi cả ngày mới có dăm chiếc ô tô đi qua. Đã tới làng Nghĩa Đô của anh Bưu, qua trước cổng nhà anh, nhưng tôi đầy mặc cảm không dám rẽ vào hỏi thăm gia đình.
Chợ Bưởi với tôi có nhiều duyên nợ. Từ trước 1954, bà chị hơn tôi sáu tuổi sống bằng gánh hàng chai lọ thủy tinh và tam phong bóng đèn một tháng sáu phiên có mặt ở chợ. Những phiên giáp tết, chị tôi trải những tấm cót rồi bày riêng ra một quày hàng. Khách đi chợ tết lại đông, tôi thường lên chợ trông hàng giúp chị. Phiên chợ Bưởi tết Giáp thìn 1964 cũng vậy. Sau này anh Tô Hoàng có kể là hôm ấy các anh đi qua, thấy tôi mải cắt mấy cái bấc đèn cho khách, sợ tôi ngượng, nên không dám hỏi.
Về mặt chuyên môn, cũng không bao giờ tôi phải hối tiếc vì cái năm xung phong đi học văn 3 đó. Nếu trường Vinh như một ngôi chùa lớn lánh xa cõi tục giúp cho kẻ thất bại lấy lại niềm tin và cả nghị lực, ngồi bình tâm tiếp xúc với nguồn giáo lý trừu tượng thì Đại học sư phạm Hà Nội mở ra trở lại cho kẻ ấy khung cảnh kỳ vĩ của cuộc đời. Quay về trung tâm văn hóa lớn nhất của miền Bắc, các tối thứ bảy loanh quanh thế nào tôi cũng tìm được ít thời gian để mò đến cửa hàng sách ngoại văn Tràng Tiền (ở địa điểm của cửa hàng Bodega). Sau này tôi mới biết trước chiến tranh đó là nơi gặp mặt thường xuyên của những sinh viên ham học. Không thể hướng tới Anh Mỹ, thì hồi đó người ta tạm bằng lòng với sách tiếng Nga tiếng Trung quốc, phần sách Pháp do Nga xuất bản. Hầu như thứ bảy nào cũng có sách mới, lý do tối thứ bảy cửa hàng tấp nập là vì vậy.
Thư viện quốc gia với tôi đã quen từ hồi học Chu Văn An, hồi đó học sinh cấp III đã được vào đọc nay học Văn 3, tôi càng trở lại thường xuyên. Có tối, Thư viện tổ chức nói chuyện về tập Bài thơ cuộc đời của Huy Cận. Tôi và Nguyễn Hải Lộc (sau công tác ở NXB Hải Phòng) rủ nhau đi bộ lên Cầu Giấy rồi đáp tàu điện lên nghe. Đến lúc về, đã hết tàu điện, chúng tôi đành rủ nhau đi bộ. Con đường từ Tràng Thi xưa tới Cầu Giấy vốn trải nhựa đen, dưới ánh đèn đêm, bỗng trở nên bí ẩn kỳ lạ trong vẻ hoành tráng của mình. Đây là một vẻ đẹp của Hà Nội mà mãi tới lần ấy tôi mới biết. Người ta vẫn bảo nhau, thật ra, phần lớn người Hà Nội rất ít biết về Hà Nội ban đêm.
So với hồi học ở Vinh, học theo các bài bản vốn có, ở văn 3 chúng tôi học theo chương trình thể nghiệm, tức là dừng lại ở một số chuyên đề, giảng kỹ rồi cho sinh viên thảo luận. Có những chuyên đề gọi là mới, nhưng cũng cũ mèm. Nhưng có những chương trình đối với tôi hết sức hấp dẫn, như các bài giảng về văn học Việt Nam 45-60 của thày Huỳnh Lý, hoặc các bài giảng về ngôn ngữ của thày Hoàng Tuệ. Lên lớp nghe thầy Hoàng Tuệ giảng, tôi thực sự cảm thấy mình được đối xử như một người tập sự nghiên cứu. Vốn cho rằng văn học nước ngoài là cái phải có sự học hỏi thật gấp, lại nhân học tiếng Nga, sau phần học văn học Nga – xô viết, tôi xin viết khóa luận về A. Chekhov. Các buổi tự học tôi thường chọn một lớp học nào vắng người ở khu nhà tranh cặm cụi đọc lấy vài đoạn trong tạp chí Voprosy literatury viết về Chekhov để đưa vào bài. Thày Nguyễn Hải Hà làm phản biện, thày Đỗ Xuân Hà ---có ai nói đùa hẳn nhân vật Pier Bezhukhov trong Chiến tranh và hòa bình chắc trông cũng nhang nhác thế ---hướng dẫn đều tỏ ý khuyến khích tôi nên đi vào tiếng Nga theo hướng này. Lời khuyên đó nhiều năm sau còn giúp tôi thêm tinh thần tự học.
Tôi nhớ hồi ngồi phân tích Lời Kỹ nữ của Xuân Diệu, cách làm thông thường ở lớp văn 3 có chất đại học rõ rệt ấy vẫn là đem so sánh với Trên dòng Hương Giang của Tố Hữu, để rồi nhấn mạnh một bên thương yêu cứu giúp những người lầm lỡ, bên kia hưởng thụ, và đẩy con người ta chìm sâu vào vũng bùn trụy lạc. Trong bụng tôi nghĩ không phải thế, thật ra Xuân Diệu tìm thấy thân phận mình trong thân phận người kỹ nữ. Nhưng tôi thấp cổ bé miệng, nói có ai nghe. Thay cho tranh cãi, tôi ngồi chép lại cả phần thơ trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, cả Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Lửa thiêng, Tiếng thu…, trong một quyển sổ giấy đen. Đến nay tôi còn giữ được quyển sổ ấy, mỗi lần nhìn vào, thấy thật là chép trong đắm đuối, chép lấy được. Nhưng một năm trước ở Vinh tôi làm sao có được những tài liệu quý đó, và hai chục năm sau khi ra trường, mãi tới khoảng 1984, đó vẫn là thứ văn chương độc hại, tới các thư viện, phải có giấy giới thiệu đặc biệt mới được đọc, và một nhà nghiên cứu trẻ sẽ sớm cảm thấy dở hơi, nếu trong một bài viết lại thú nhận là mình đã đọc và mê những vần thơ đó.—một năm ở Hà Nội lại thêm kỷ niệm đáng nhớ !
Một người có ý chí không chịu đầu hàng sự thất bại, tiếp theo là không chịu tuân theo sự săp xếp an bài của các thế lực vô cảm, tôi cảm thấy hình ảnh của tôi ở Đại học sư phạm lờ mờ hiện lên như vậy. Tôi còn may mắn ở chỗ, sau khi thi trượt, được sống ở môi trường sư phạm, một môi trường vào những năm ấy vừa không bị trói buộc vào chính cái vai được giao,vừa đầy khao khát tự khẳng định. Tinh thần trên còn dẫn giắt và nâng đỡ tôi, suốt thời gian dài từ sau khi ra trường cho tới nhiều năm về sau/.